Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang Chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Trong
từ vựng tiếng Việt hiện đại, từ tự
mang nhiều nghĩa khác nhau tuỳ ngữ cảnh:
1. Như từ từ, song có ý nhấn mạnh. Ví dụ (Vd): Ngay tự phút đầu. 2. Tại, bởi vì. Vd: Tự mày nên xôi hỏng bỏng không. 3. Tên chữ - một loại tên riêng mà các nho sĩ xưa thường đặt thêm cho mình bên cạnh tên chính thức và thường dựa vào mối quan hệ ý nghĩa giữa tên chính thức với điển cố, điển tích phù hợp. Vd: Cao Bá Quát tự Chu Thần. 4. Từ Hán-Việt được ghi 寺 dùng chỉ chùa là nơi thờ Phật. Vd: Tòng lâm tự viện. 5. Từ dùng chỉ bản thân chủ thể nhằm biểu thị: - Việc được đề cập là do chủ thể làm hoặc gây ra bằng ý chí, sức lực, khả năng của riêng mình. Vd: Nàng tự khâu giày. - Chủ thể đồng thời là khách thể chịu sự ảnh hưởng của hoạt động do bản thân thực hiện. Vd: Anh ấy tự phê bình rất thẳng thắn và thành thật. Từ tự theo nghĩa thứ 5 là yếu tố quan trọng tạo thành động từ tự phản / verbe pronominal / reflexive verb hoặc tự động từ / mot automatique / automatic word. Với khả năng chuyển hoá và biến đổi từ loại một cách mạnh mẽ, phong phú của tiếng Việt, những từ kết hợp ấy có thể là động từ hoặc danh từ, tính từ, v.v., tuỳ trường hợp cụ thể. Vd 1: Vì nóng giận, nó chẳng tự chủ nổi. Vd 2: Trong công việc, nó bộc lộ tính tự chủ khá cao. Bài này xin nêu vài từ kết hợp có yếu tố tự mà chúng ta hoặc dễ nhầm lẫn, hoặc chưa rõ nghĩa tường tận nên sử dụng thiếu chính xác. Hãy phân biệt loạt từ: tự tử, tự sát, tự tận, tự thiêu, tự ải, tự trầm, tự vẫn Khá nhiều tài liệu ghi: "Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông Hát để tự vẫn". Còn đây là một câu trích nguyên văn từ bài tường thuật đăng trên tờ báo nọ: "Ông X đã treo cổ tự vẫn bằng dây điện thoại tại nhà riêng". Dùng từ thế là sai! Sai chỗ nào? Tự vẫn / tự vận, chữ Hán ghi 自刎 (bộ đao), chỉ trường hợp chủ thể tự tay dùng dao cắt cổ mà chết. Trong bộ sách Sử ký của Tư Mã Thiên, phần Hạng Vũ bản kỷ có câu: "Nãi tự vẫn nhi tử". Dịch đúng: "Hạng Vương bèn tự đâm cổ mà chết". Nếu gieo mình xuống nước, tự dìm thân vào nước mà chết, thì gọi tự trầm / 自沈 (bộ thuỷ). Theo truyền tụng, Hai Bà Trưng tự trầm chứ chẳng tự vẫn. Nếu chủ thể dùng dây tự thắt cổ hoặc treo cổ khiến ngạt thở rồi chết, phải gọi tự ải / 自縊(bộ mịch). Ải tử là cái chết bằng cách thắt cổ hoặc treo cổ. Còn tự thân tìm đường "vân du cõi hạc" bằng cách dùng lửa nung đốt châu thân thì gọi tự thiêu / 自燒 (bộ hoả). Tham dự hội thảo Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân được Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức ngày 29-5-2005, một số tham luận dùng tiêu đề có từ này:Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu của Thích Đức Nghiệp, Nhân kỷ niệm ngày tự thiêu của Minh Chi. Tất cả hành vi vừa nêu được gọi chung tự tử /自死. Từ này đồng nghĩa với tự sát /自殺, tự tận / 自盡, quyên sinh / 捐, quyên mệnh / 捐命. Học giả Đào Duy Anh phân biệt rạch ròi ý nghĩa loạt từ đang xét trong Hán-Việt từ điển (Quan Hải Tùng Thư xuất bản, Hà Nội, 1936) bằng cách chua thêm tiếng Pháp: Tự tử / tự tận / tự sát: Se suisider (mình giết mình). Tự ải: Se pendre (tự treo cổ / thắt cổ chết). Tự trầm: Se noyer (tự dầm mình xuống nước mà chết). Tự vẫn: Se couper la gorge (tự cắt cổ mà chết). Tự kiểm và tự phê Tự kiểm là nói tắt, viết gọn cụm từ "tự kiểm điểm" hoặc "tự kiểm thảo". Vậy "kiểm thảo" mang nghĩa gốc là gì? Nhà văn kiêm nhà báo Vũ Bằng ghi nhận trong tập Nói có sách (NXB Nguyễn Đình Vượng, Sài Gòn, 1971 - NXB Đồng Tháp tái bản, 1996): "Kiểm thảo nguyên là một chức quan trong Hàn lâm viện thời phong kiến, hàm tùng thất phẩm (Hàn lâm kiểm thảo). Sở dĩ người ta hay nhắc đến chữ kiểm thảo nhiều là vì tổ chức hay dùng chữ kiểm thảo, tức là kiểm soát và thảo luận xem có đúng hay không, để tìm nguốn gốc những khuyết điểm hay ưu điểm. Tự mình kiểm thảo lấy mình, là tự kiểm thảo; phê bình lấy mình, không do ai bắt buộc là tự phê bình". Tra bộ Hán-Việt từ điển do Đào Duy Anh soạn năm 1931, chỉ thấy giải nghĩa kiểm thảo / 撿討 là: "Chức quan trong Hàn lâm viện, hàm tòng thất phẩm (7-2)". Vậy phải chăng kiểm thảo là từ ghép tĩnh lược kiểm tra + thảo luận xuất hiện về sau? Riêng từ kiểm điểm, bộ từ điển này ghi 撿點 và cắt nghĩa: "Chú ý đếm xét lại (examiner)". Cũng theo Nói có sách của Vũ Bằng thì tự phê bình là "chữ tắt của tự ngã phê bình, nói tắt hơn nữa có thể dùng từ tự phê, tức là tự mình phân tích những hành động và tư tưởng của mình, tìm nguyên nhân và khuyết điểm để phát huy cái hay và khắc phục cái xấu". Xét chung, tự kiểm và tự phê là cặp từ đồng nghĩa. Song trong thực tiễn sử dụng hiện nay, tự kiểm chỉ thao tác bản thân phân tích, rà soát lại mặt mạnh lẫn mặt yếu của mình, còn tự phê thì thiên về nhận khuyết nhược điểm. Tự phê thường dùng trong phát ngôn. Vd: Buổi họp tự phê. Tự kiểm thường dùng trong văn tự. Vd: Viết bản tự kiểm. Hầu hết trường hợp, hai từ tự phê vàtự kiểm có thể hoán đổi lẫn nhau.
|
Hai Bà Trưng. Tượng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Ảnh: Phanxipăng. "Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông Hát để tự vẫn". Nói / viết thế thì dùng từ đúng hay sai? |
|