Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội Chương 7 - Quốc ngữ và sự phát triển của tiểu thuyết
GS Nguyễn Phú Phong
Trên mặt chứng tích cụ thể thì truyện ngắn đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ là cuốn Truyện thầy Lazaro Phiền, (Saigon, J. Linage, Librairie-éditeur, rue Catinat, 1887, 32 trang) do P.J.-B. Nguyễn Trọng Quản làm ra. Trong những hàng ở đầu sách viết bằng tiếng Pháp mà tác giả gửi cho " Diệp Văn Cương và các bạn Annam của tôi ở Trung học Alger ", có đoạn (dịch ra tiếng Việt của NPP) như sau :
" Các bạn thân mến ! Mong cuốn sách khiêm tốn này mà tôi đề tặng các bạn, là khởi đầu cho sự thực hiện những giấc mộng ngày xưa [...] mộng cho xứ Nam Kỳ thân yêu của chúng ta một tương lai lấp loáng ánh sáng, tiến bộ và văn minh. "
Nhưng làm sao một cuốn truyện khiêm tốn như thế kia có thể đem lại một tương lai xáng lạng cho xứ Nam Kỳ thuộc Pháp như tác giả mong muốn ! Chỉ về giá trị văn học thôi thì cuốn truyện chưa thể được xem là một cuốn tiểu thuyết đúng nghĩa của nó về kết cấu, cũng như kỹ thuật mô tả diễn biến tâm lý của nhân vật. Về phong cách, ngôn ngữ, thì bị " ảnh hưởng rõ rệt của Pháp ngữ " (Bùi Đức Tịnh, 1992 : 276). Tóm lại, Truyện thầy Lazaro Phiền chỉ được một cái duy nhất thôi : đó là truyện ngắn đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.
Cuốn tiểu thuyết kế tiếp là cuốn Ai làm được do Hồ Biểu Chánh viết năm 1912, nhuận sắc năm 1922 (xem Nguyễn Khuê, 1974 : 158-163). Tiểu thuyết này trên mặt lịch sử là một sự kiện quan trọng vì đó là cuốn thứ hai viết bằng văn xuôi chữ quốc ngữ nhưng trên mặt nội dung và hình thức không gây được tác động mạnh trên văn đàn. Tuy nhiên với tác phẩm này, Hồ tiên sinh có thể được xem như một tiểu thuyết gia tiên phong trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam.
Chỉ nội trong năm 1922, có xuất bản các cuốn tiểu thuyết (xem Trần Văn Giáp và đồng tác giả, 1972, tr. 59) : Nguyễn Thanh Long, Lỗi bước phong trần, Cần Thơ, 123 trang ; Nguyễn Thanh Long, Oan kia theo mãi, Sài Gòn, 32 trang ; Nguyễn Bân, Nữ lưu danh dự, Hà Nội, 15 trang. Tiểu thuyết Cuộc tang thương, Nhà in Vĩnh Thành, do Đặng Trần Phất viết năm 1922, in 1923. Đặng Trần Phất cũng là tác giả của cuốn Cành lê điểm tuyết có thể ra đời khoảng 1921 ở miền Bắc.
Cái đầu tiên trong bộ môn tiểu thuyết văn xuôi chữ quốc ngữ qui về cho tác giả miền Nam của Thầy Lazaro Phiền là điều tự nhiên vì chữ quốc ngữ áp dụng trước nhất ở Sài Gòn-Lục Tỉnh và ảnh hưởng của văn chương Pháp, của truyện và tiểu thuyết Pháp đã xâm nhập vào đây trước tiên. Nhưng sau khi chữ quốc ngữ lan rộng ra miền Bắc, lại được các phong trào duy tân như Đông Kinh Nghĩa Thục ủng hộ thì quốc ngữ tức tiếng Việt càng phát triển mạnh.
Sự tấn tới của tiếng Việt dẫn đến cái lỗi thời của chữ/tiếng Hán với quyết định bãi bỏ các khoa thi theo lối nho học do Triều đình Huế tổ chức.
Văn xuôi phát triển nhanh qua báo chí và tiểu thuyết. Năm 1925, Hoàng Ngọc Phách, một sinh viên Trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Nội cho phát hành cuốn tiểu thuyết đầu tay Tố Tâm, gây tiếng vang không ít trên văn đàn và là đầu mối cho một số hiện tượng xã hội ở Hà Thành. Nhưng trước khi bàn đến Tố Tâm nói riêng và tiểu thuyết nói chung, ta hãy xét qua xã hội Việt Nam thời bấy giờ.
1. Xã hội Việt Nam thời 1900-1930
Xã hội Việt Nam trong giai đoạn này có nhiều chuyển đổi. Sài Gòn, Chợ Lớn, Hà Nội, Đà Nẵng trở thành những thành phố đúng nghĩa của nó. Huế cũng biến đổi thành một trung tâm thành thị. Những trung tâm khác nổi lên như Nam Định, Hải Dương, Vinh, Thanh Hoá, Đà Lạt, Bạc Liêu, Cần Thơ, Rạch Giá. Sự phát triển của các thành phố và trung tâm này được thể hiện qua việc nới rộng diện tích đất đai, qua tăng trưởng ngân sách, qua cách bố trí đường sá và nhà ốc, qua sự thiết lập các cơ sở thương mãi và kỹ nghệ. Song song với sự mở mang của những thành phố lớn và các trung tâm thành thị là việc tăng cường hoặc sắp đặt lại guồng máy hành chánh với số viên chức gia tăng của chính quyền thuộc điạ.
Tổng số xe hơi trên toàn cõi Đông Dương tăng từ 2000 chiếc năm 1914 đến 24000 chiếc năm 1934 (J.B. Alberti, 1934, tr. 727). Tuyến xe lửa Hà Nội-Vinh/Bến Thuỷ, năm 1910 chở 47 188 621 hành khách/kilômét (A. Sarraut, 1923, tr. 489). Xem thế cũng thấy làng mạc Việt Nam không còn đóng kín sau lũy tre xanh.
Một số nhà nho theo phong trào Duy Tân 1906-1908, sau khi bị đày Côn Lôn, Lao Bảo về, liền mở trường dạy quốc ngữ. Năm 1920 ông Tú đến nhà ông Cử chúc nhau bằng câu Bonne Année (theo Nguyễn Vỹ, 1970). Tầng lớp thượng lưu, những nhân vật trong xã hội từ những cụ Thượng, quan Bố, ông Nghè, ông Thám "hèo hoa gươm bạc, tán tía lọng xanh" chuyển sang làm những quan Tham, những thầy Phán, những ông Ký...
Nào có ra gì cái chữ nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co
Sao bằng đi học làm thầy phán
Tối rượu sâm bánh, sáng sữa bò.Tóm lại xã hội Việt Nam chuyển sang hướng tư sản. Một lớp thị dân ra đời với những nhu cầu vật chất mới, văn hoá mới, văn học mới. Bắt đầu ló diện một số nhà văn thành thị. Hà Nội là nơi tập trung 7 trường cao đẳng : Trường Thuốc, Trường Thú y, TrườngCông chánh, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Canh nông, Trường Luật. Các trường này đào tạo nên một lớp trí thức mới với những nhu cầu về thẩm mỹ, tư tưởng, và tình cảm khác hẳn với lớp nhà nho cuối mùa. Hà Nội với độ suy tàn của Triều đình Huế lại trở nên trung tâm văn hoá và văn học cho cả nước.
Cùng năm 1918, Đại học Đông Dương được Toàn Quyền Sarraut khai mạc trọng thể ở Hà Nội với sự hiện diện của Vua Khải Định, thì ông vua này ban dụ ngày 6 tháng 12, chấm dứt các cuộc thi kiểu cổ truyền ở Trung Kỳ, ba năm sau quyết định bãi bỏ ở Bắc Kỳ. Đây là miếng đòn tối hậu, kết liễu một chế độ thi cử có từ thế kỷ 11, đời nhà Lý, đã tạo ra biết bao nhà khoa bảng nho học, tuyển chọn biết bao nhân tài. Riêng Triều Nhà Nguyễn, từ Gia Long đến Khải Định, cũng có đến 39 khoa Hội, vinh qui 291 Tiến sĩ và 266 Phó bảng; 47 khoa Hương, chấm đỗ 5232 Cử nhân. Và sau đây cũng là dấu hiệu của thời kỳ Hán học tàn tạ : vị Tiến sĩ khoa thi Hội cuối cùng, khoa Kỷ Mùi, 1919, Nguyễn Phong Gi, lại vốn là lục sự tại Toà Khâm Sứ Huế. Còn ông vua cuối cùng của Triều Nguyễn, Bảo Đại, lên ngôi năm 1925, là ông vua Việt Nam duy nhất không theo Hán học. Nhìn về tình hình xã hội Việt Nam trong giai đoạn này, cám cảnh thay hai câu thơ của bà Huyện Thanh Quan :
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau2. Tiểu thuyết Tố Tâm
Trong một xã hội như vậy thì cuốn tiểu thuyết Tố Tâm được phát hành năm 1925 ở Hà Nội. Thật ra Tố Tâm đã viết xong vào mùa hè 1922 trong lúc tác giả còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm. Cuốn truyện được thành công lớn, "Lần in thứ nhất có 3000 quyển, chỉ trong vòng nửa tháng là bán hết ngay...Sách bán ra dư luận rất xôn xao...Nam nữ thanh niên thì hết sức khen ngợi...Các cụ già thì chê bai mạt sát." (Nguyễn Huệ Chi, 1989, tr. 217).
Tác giả Hoàng Ngọc Phách sinh năm 1896 vào lúc mà nền bảo hộ Pháp Quốc đã đặt vững vàng trên đất Bắc. Con nhà nho nên thuở nhỏ ông học chữ Hán với thân phụ nhưng đến tuổi 15 thì bắt đầu học tiếng Pháp. Năm 1914, Hoàng Ngọc Phách vào học trường Bưởi, tục gọi là trường Trung học Bảo Hộ. Đến năm 1919, cậu học sinh họ Hoàng xách ba bằng (bằng Sơ đẳng tiểu học Pháp [Brevet Elémentaire], bằng Cao đẳng tiểu học Pháp [Brevet primaire supérieur], bằng Thành chung [Diplôme détudes complémentaires] thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Xem thế đủ biết nhà văn Song An dù muốn dù không cũng được đào tạo trong lò các trường Trung học Pháp-Việt và Đại học Đông Dương.
Hoàng Ngọc Phách có kể là "tôi vào trường Cao đẳng sư phạm là mong thành một nhà giáo và một nhà văn lành nghề...Muốn có kiến thức sâu rộng phải học rất nhiều. Học trong sách vở và học ở trường đời." Sách thì chủ yếu mượn ở hai thư viện do Pháp lập : Thư viện Trung ương và Thư viện Bác cổ. Ngoài chương trình nhà trường, các sinh viên thích đọc thêm những sách sau đây (Nguyễn Huệ Chi, 1989, tr. 190-192): 1) Văn thơ cách mạng Pháp với ba nhà văn Montesquieu, Voltaire và J.J.Rousseau; 2) Văn thơ lãng mạn của trường phái Victor Hugo nhất là giai đoạn sau 1880. Đặc điểm của giai đoạn này là cá nhân chủ nghĩa (individualisme), cá nhân tự do, bất chấp luật lệ cổ điển, bất chấp cả phong tục tập quán bó buộc của xã hội. Cái tôi được đề cao triệt để. Mình quay vào tự phân tích cái tâm trạng của mình, mô tả tình yêu thương, lòng ghen ghét, nỗi căm hờn của mình một cách miên man tha thiết; 3) Triết học duy tâm, đặc biệt là tâm lý học, luân lý học xã hội học.
Còn môn Việt văn, môn quốc ngữ ? Tuy là trường Cao đẳng Sư phạm nhưng lại không dạy môn này. Thế thì mục đích vào trường này để trở thành nhà văn quốc ngữ e không đạt. Vốn liếng tiếng Việt, cách hành văn tất phải tự học, nhất là thừa hưởng di sản văn chương Hán nôm.
Qua việc đào tạo học hành của Hoàng Ngọc Phách, ta không lấy làm lạ là ông đã trở nên một nhà trí thức mới, chịu ảnh hưởng của văn hoá Pháp khá đậm. Tiếng Pháp có câu : Le style c'est l'homme "Văn phong biểu lộ con người". Như vậy Tố Tâm là sáng tác của một người ở giao điểm của hai nền văn hoá, một nền văn hoá phương Đông đặt cộng đồng, gia đình lên trên; một nền văn hoá phương Tây chú trọng cá nhân, cái tôi.
Ở thời điểm mà lối sống theo lối phương Tây lấn át ở các nơi đô thị - những gì theo lối cũ liền bị cho là nhà quê, cái tính cách nhà quê này sau được Tú Mỡ điển hình hoá qua nhân vật Lý Toét trong bài Lý Toét ra tỉnh đăng trên tờ Tứ dân tạp chí và sau đó Lý Toét tiếp tục có mặt trên tờ Phong Hoá - thì Tố Tâm ra mắt, đưa lên sân khấu Đạm Thủy, một nhân vật thời thượng. Mặc dù cái tên có vẻ nho nhả, Đạm Thủy là hình ảnh của một chàng trí thức tân thời, thấm nhuần các khoa học phương Tây với những tên học giả mới lạ như Durkheim, Fréboel, Comparé, v.v...Nghĩa là Đạm Thủy là mẫu người lí tưởng cho đám thanh niên Việt Nam thành thị lúc bấy giờ hướng tới, cho đám thiếu nữ, nhất là các cô Hà Thành, sửa túi nâng khăn. Phi cao đẳng bất thành phu phụ. Tuy là nhân vật hư cấu nhưng Đạm Thủy rất gần với người có thật. Độc giả Thăng Long có thể nhận ra Đạm Thủy lúc thiếu thời qua những học sinh Bưởi nhất quỷ nhì ma, hay nhảy xe điện. Cả Tố Tâm cũng vậy, chắc là một người đang sống ở phố X, số nhà 58. Tố Tâm có những nét của một thiếu nữ thuộc giai cấp trung -thượng lưu của chốn nghìn năm văn vật. Đạm Thủy với Tố Tâm thật khác xa với Vân Tiên và Nguyệt Nga, hay Kim Trọng và Thuý Kiều của thế kỷ 19.
Lối luận thuyết, suy nghĩ của Đạm Thủy thường dựa vào những ý tưởng tân học lấy ở sách vở phương Tây như câu Đàn bà sở dĩ quí là tại đàn bà là đàn bà; hay Lòng người tacó những điều phải mà chính lẽ phải không biết đến được (dịch từ câu : Le coeur a ses raisons que la raison ne connait pas). Dựa vào những lời hay ý đẹp của các văn hào Pháp, Song An viết theo xúc cảm của mình, để cho một mối tình vô vọng của hai nhân vật chính trong Tố Tâm tuôn ra trên ngòi bút.
Đạm Thủy và Tố Tâm yêu nhau say đắm tuy biết kết cuộc sẽ là một cuộc chia lìa. Vì chữ tín và chữ hiếu trong xã hội Việt Nam thời đó còn đủ sức mạnh đạo đức, tinh thần và lý trí để ngăn cản cái dào dạt của ái tình, cái lý lẽ của con tim. Sự nổi dậy của cái tôi chưa đạt đến mức cao độ để thoát khỏi những ràng buộc của gia đình và xã hội. Đạm Thủy yêu Tố Tâm nhưng không thể cùng nàng hưởng cuộc ái ân trăm năm vì không muốn bội lời hứa hôn với cô gái mà chàng chưa hề biết mặt. Chữ tín (quân tử một lời nói ra bốn ngựa khó theo), lòng hiếu thảo, tôn trọng gia đình - Đạm Thủy chắc đã thuộc lòng câu : Công cha, nghĩa mẹ khôn đền in trong Quốc Văn Giáo khoa Thư - đã áp đảo tình yêu của đôi lứa.
Về sau người ta hẳn lấy làm lạ về thái độ của một trí thức tân học như Đạm Thủy trước tình yêu của Tố Tâm. Nhưng nếu ta đặt câu chuyện vào xã hội Việt Nam vào những năm 20 thì tác phẩm của Hoàng Ngọc Phách đã thành công trong việc miêu tả sự du nhập những cái mới theo lối Âu Tây trước sức kháng cự, sự cưỡng chế của cái cũ theo tinh thần luân lý đạo đức Khổng Mạnh. Trên phương diện xã hội tâm lý học, Tố Tâm diễn tả sự biến đổi về tư tưởng, tình cảm của giai cấp trung-thượng lưu Việt Nam trong buổi văn hoá Âu Tây hưng thịnh, trên đà lấn áp những giá trị, tập tục còn khá vững chắc của xã hội luân thường. Cuộc xung khắc giữa cái tân và cái cựu, giữa cá nhân tây học và gia đình xã hội truyền thống, giữa mối tình đôi lứa và lễ giáo nho phong tuy vậy không đạt đến đô quyết liệt: cái tôi trong Tố Tâm chịu khuất phục trước những ràng buộc của cộng đồng. Chính cái thái độ nửa vời, phân vân, ngập ngừng của nhân vật trong Tố Tâm đã xáp họ lại gần với độc giả, gây niềm thông cảm và đưa lại sự thành công của cuốn truyện.
Cái hay của ngòi bút Hoàng Ngọc Phách là thể hiện được một lúc hai vai trò, một bên là viết văn theo Đạo, tôn trọng giá trị của xã hội cổ truyền, bên kia lột tả được cái xúc cảm của người nghệ sĩ biết rung động theo những nổi niềm của một mối tình thầm kín đưa đến một tình yêu vô vọng. Xét về chỗ đứng của Tố Tâm trong dòng văn học văn xuôi Việt Nam, chắc ta phải thừa nhận những điểm sau đây:
- Tố Tâm đã phản ánh được căn bệnh đa sầu cảm, bi lụy của một lớp thanh niên thành thị thời 1920-30 trong một xã hội mà các giá trị cũ đã lung lay và các giá trị mới chưa được khẳng định. Đó là một cuốn tâm lý tiểu thuyết thời đại.
- Tố Tâm là sáng tác của một nhà văn gần với nghệ sĩ hơn là thánh hiền. Đối lập nghệ sĩ/thánh hiền lại lắm lúc trùng lặp với sự khu biệt thành thị/nông thôn, quốc ngữ/Hán nôm. Hoàng Ngọc Phách có thể xếp vào hạng nhà văn mới, nhà văn chuyên nghiệp với số độc giả khá đông thuộc tầng lớp thị dân, rất khác với những nhà văn trí sĩ tiêu dao phong nguyệt lớp trước.
- Tuy đọc Tố Tâm còn gặp nhiều câu rất sáo, rất réo rắt, rất biền ngẫu lúc bấy giờ còn được tán thưởng nhưng nhìn chung thì Hoàng Ngọc Phách đã biết dùng văn xuôi quốc ngữ để đối thoại, kể chuyện, mô tả những diễn biến của tâm lý, những cái gợn lòng. Lối văn ấy bây giờ thành lỗi thời nhưng thời Tố Tâm có sức mạnh làm ngậm ngùi rưng rưng nước mắt theo chứng nhân Nghiêm Toản (xem Thanh Lãng, 1967: 537).
- Trong lịch sử tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ, Tố Tâm đã bước một bước khá gâàn đến văn học lãng mạn, mở đầu thời kỳ toàn thịnh của thể loại tiểu thuyết trong văn học Việt Nam; Trần Đình Hượu (1999 : 537) đã có nhận xét : "Tiểu thuyết ra đời từ Giấc mộng con (?) đến Tố Tâm mới "trước bạ" xong và đến các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thì chiếm chiếu nhất trong thành phần văn học."
- Sự thắng lợi của Tố Tâm đánh dấu tuổi trưởng thành tiểu thuyết, thể loại văn học này chỉ được hình thành dưới dạng chữ quốc ngữ. Từ một công cụ phiên âm tiếng nói dân dã, thông thường, của người bản xứ, có công dụng chính là thông ngôn Pháp Việt - hãy suy gẫm và thưởng thức nghĩa của cái "chức" thầy Thông dưới thời Pháp thuộc - ở nửa sau thế kỷ 19, chữ quốc ngữ với Tố Tâm đã bước một bước dài trong sự nghiệp góp phần biểu đạt một ngôn ngữ văn chương hiện đại.
[ Trang trước ] / [ Trang sau]
[ Trở Về ]