Chim Việt Cành Nam          Trở Về   ]

Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội

Chương 2 - Nghiên cứu tiếng Việt trước Pháp thuộc

GS Nguyễn Phú Phong

Tình hình nghiên cứu tiếng Việt, cụ thể là làm từ điển Việt ngữ trước Pháp thuộc, tức là trước nửa sau thế kỷ 19, như thế nào khi chữ nôm còn là chữ viết chính thức của tiếng Việt ? Câu hỏi này đáng được quan tâm và giải đáp.

Bắt đầu từ thế kỷ 15 với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, kế đến thế kỷ 16 với Bạch Vân Am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiếng Việt đã chứng tỏ có nhiều khả năng diễn tả không những tình cảm mà còn tư tưởng nữa. Nhưng tiếng Việt được ghi dưới dạng chữ nôm chưa từng bao giờ là một đối tượng được nghiên cứu và tích trữ những tư liệu về chính nó.

1. Cuốn An Nam dịch ngữ

Người ta thường nhắc tới tập An Nam dịch ngữ được biên soạn vào thế kỷ 15-16. Đây là tập từ vựng Hán-Việt đối chiếu do người Trung Quốc đời Minh soạn nhằm mục đích hổ trợ các sứ thần Trung Quốc trong việc thông hiểu và phiên dịch ngôn ngữ tiếng nước khác khi giao tiếp. Như vậy An Nam dịch ngữ chỉ là một tập trong bộ Hoa Di dịch ngữ gồm nhiều cuốn khác như Hán-Triều Tiên, Hán-Nhật Bản, Hán-Chiêm Thành, v.v. Hiện có sáu bản sao Hoa Di dịch ngữ khác nhau trong đó có quyển An Nam dịch ngữ (ANDN).

ANDN có 716 mục từ được sắp theo 17 môn : Thiên văn, Địa lý, Thời lệnh, Hoa mộc, Điểu thú, Cung thất, Khí dụng, Nhân vật, Nhân sự, Thân thể, Y phục, Ẩm thực, Trân bảo, Văn sử, Thanh sắc, Số mục, Thông dụng. Nên nhớ là phải chờ đến thế kỷ 17, bắt đầu với cuốn Dictionarium của A. de Rhodes thì từ điển tiếng Việt mới sắp các mục từ theo thứ tự chữ cái A B C La Tinh. Số từ trong An Nam dịch ngữ so với Dictionarium của A. de Rhodes thì quả thật ít ỏi. Theo Vương Lộc (1995: 3-4), tiếng Việt trong ANDN là phương ngữ Bắc Bộ. ANDN có một số hạn chế : (1) Lắm khi chọn không đúng từ ngữ Việt để dịch từ Hán tương ứng ; (2) Đưa vào những từ ghép không có trong tiếng Việt do việc dịch từng thành phần những tổ hợp tiếng Hán, rồi ghép lại ; (3) Khiếm khuyết do dùng chữ Hán để phiên âm tiếng Việt nhưng hệ thống ngữ âm của hai ngôn ngữ lại không giống nhau. Có nhiều công trình nghiên cứu về ANDN, đáng lưu ý là của Vương Lộc, xuất bản 1995; và của Trần Kinh Hoà, năm 1953 và 1966-1968.

2. Từ điển của các nhà Truyền giáo

Khi nói đến tình hình nghiên cứu tiếng Việt buổi ban đầu tức phải nói đến ba cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes, của Pierre Pigneaux (còn gọi là Pigneaux de Béhaine), Evêque d'Adran (Giám mục Bá Đa Lộc), và của Jean Louis Taberd. Ba cuốn này đều ra đời trước khi nước Pháp đánh chiếm Việt Nam vào giữa thế kỷ 19, nghĩa là trước khi tiếng Pháp trở thành một ngôn ngữ lấn mạnh trong hành chánh, giáo dục ở Việt Nam.

Ba cuốn trên đều dùng tiếng La Tinh để giải thích tiếng Việt. Mà ai ai cũng biết rằng tiếng La Tinh là ngôn ngữ dùng để truyền đạo Ki Tô. Phải đợi đến năm 1861, ta mới có cuốn từ điển song ngữ Việt-Pháp đầu tiên do viên sĩ quan hải quân Pháp Gabriel Aubaret soạn. Cuốn này mới thật là một công cụ nhắm vào việc dạy và/hay học tiếng Việt cho các viên chức người Pháp trong guồng máy cai trị những phần đất miền Nam Việt Nam vừa mới chiếm được.

Dù với mục đích chính là truyền giáo các cuốn từ điển Việt-La Tinh kể trên đã đóng góp rất lớn vào lĩnh vực ngôn ngữ văn hoá của Việt Nam.

2.1. Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes

Từ điển của A. de Rhodes có thể được xem như công trình tiên khởi trên nhiều mặt :

1. Đó là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên.

2. Đó là công trình phát khởi cho công cuộc từ vựng học tiếng Việt.

3. Đó là công trình phản ánh khá trung thực hệ thống ngữ âm tiếng Việt ở thế kỷ 17. Vì đó cũng là công trình đã phân tích ngữ âm tiếng Việt đến những yếu tố ngữ âm nhỏ nhất là âm vị. Lần đầu tiên người ta thấy mỗi thanh điệu tiếng Việt được ghi bằng một dấu. Nên nhớ là chữ nôm không có dấu riêng cho thanh điệu và đơn vị ngữ âm nhỏ nhất mà chữ nôm sử dụng để xây dựng chữ viết là âm tiết chứ không phải âm vị. Trên mặt ngữ âm lịch sử, cuốn từ điển của de Rhodes còn lưu chứng tích những nhóm phụ âm đầu ml (mlẽ : lẽ), mnh (mnhẽ : nhẽ), tl (tlứng : trứng), bl (blai : trai) còn sinh động trong tiếng Việt ở thế kỷ 17 nhưng vào thế kỷ 18 đã bắt đầu biến mất nếu suy theo cuốn từ điển của Pierre Pigneaux.

Sách Dictionarium của de Rhodes còn có phần phụ lục là Brevis Declaratio (Thông báo vắn tắt) gồm tám chương. Chương 1 Chữ và vần tiếng Việt ; chương 2 Thanh và dấu đặt ở nguyên âm ; hai chương này miêu tả giá trị ngữ âm của từng chữ cái dùng để ghi tiếng Việt và đề cập đến các dấu để ghi thanh điệu mà de Rhodes gọi là linh hồn của tiếng này. Nguồn gốc những chữ cái và những dấu ghi thanh điệu đã được de Rhodes đề cập đến, và được nhà bác học Haudricourt bình luận khá đầy đủ trong bài viết tựa là Origine des particularités de l'alphabet vietnamien đăng trong Tạp chí Dân Việt Nam, số 3, xuất bản tại Hà Nội năm 1949. Theo tôi, người Việt chưa có công trình nghiên cứu nào khai thác chi tiết phần này để phục nguyên hệ thống ngữ âm tiếng Việt ở thế kỷ 17. Một người Mỹ là Gregerson đã làm việc này và bài viết, nguyên là tiểu luận cao học Master of Arts, Đại học Hoa Thịnh Đốn, đã đăng trong Tạp Chí BESI, 1969, tựa là A study of Middle Vietnamese phonology [Nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt thời trung đại].

Các chương khác là : chương 3 Danh từ ; chương 4 Đại từ ; chương 5 Những đại từ khác ;chương 6 Động từ ;chương 7 Những tiểu từ không biến cách ; chương cuối Mấy qui tắc cú pháp. Các chương này chứng tỏ de Rhodes là người tiên khởi đã phân biệt những phạm trù cú pháp-từ vựng cho tiếng Việt như đại từ, động từ, v.v. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra một số luật về cú pháp tiếng Việt. Như vậy A. de Rhodes không những là người góp phần rất lớn vào công cuộc sáng tạo ra chữ quốc ngữ, người tiên phong về từ vựng học Việt ngữ, mà cũng là người đặt nền tảng cho việc nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt.

2.2. Từ điển Việt-Latinh của Pierre Pigneaux

Từ điển của Pierre Pigneaux - mà ta thường gọi là Pigneaux de Béhaine (tên Việt là Bi Nhu) - theo bài nhập đề của sách là ấn bản in lại nguyên xi (fac-similé) cuốn từ điển viết tay của Pierre Pingeaux, giám mục d'Adran (Bá Đa Lộc), giám mục địa phận Đàng Trong (Cochinchine), đánh dấu kỷ niệm thứ 260 năm sinh của giám mục. Ấn bản này do Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris xuất bản năm 2001, có tên trên gáy sách là Vocabularium Annamitico-Latinum (tạm dịch là Từ vựng Việt-La) nhưng ở trang trong lại mang đề là Dictionarium Annamiticum-Latinum(Từ điển Việt-La) .

Sinh năm 1741 tại Origny en Thiérache, Aisne Pháp, Pierre Pigneaux đã hoàn tất việc học của mình ở Paris và sau đó theo vào chủng viện Hội Truyền giáo Nước ngoài (Société des Missions Etrangères), rue du Bac, Paris. Nhà truyền giáo trẻ tuổi này rời Lorient Pháp năm 1765 và đến Hà Tiên năm 1767, được bổ nhiệm vào chủng viện ở đây và trở thành cha cả năm 1769.

Nhưng những năm này vùng Hà Tiên Cambốt hay bị loạn lạc giặc giã nên các học sinh chủng viện khoảng 40 người được di tản qua Pondichéry Ấn Độ năm 1770 và lập thành chủng viện mới ở đó. Chính ở Pondichéry năm 1772, mới 31 tuổi, Pierre Pigneaux được phong làm Giám mục d'Adran, kế nghiệp giám mục phụ trách giáo phận Đàng Trong. Pierre Pigneaux gặp Nguyễn Ánh khoảng 1775, phò Nguyễn Ánh trong 24 năm trời và qua đời năm 1799, thọ 58 tuổi.

Cuốn từ điển Việt-LaTinh làm trong thời gian Pigneaux ở Pondichéry, nghĩa là chỉ 5 năm sau khi Pigneaux tiếp xúc với Việt Nam. Như vậy Pigneaux phải có một sức làm việc, một óc tổ chức và một khiếu về ngôn ngữ có tầm cỡ. Pigneaux lại được một nhóm người phụ trợ đắc lực, như nhà nho Trần Văn Học(Việt Nam), Mạn Hoè (người Pháp, tên Manuel), Nguyễn Văn Chấn (người Pháp, tên Dayot), Nguyễn Văn Thắng (người Pháp, tên Vannier), Gia Đô Bi (gốc Tây Ban Nha), Ma Nộ Y (người Tây Ban Nha)...

Cuốn sách được biên soạn trong tinh thần nào ? Bài nhập đề cuốn từ điển không phải của tác giả, mới thêm vào sau này, có nói đến chủ ý của Pierre Pigneaux là "Phải truyền đạo bằng cách tấn công vào cái tim và cái đầu của xã hội mà ta muốn xâm nhập. Muốn được như vậy phải gây ấn tượng với giới có học, trên mặt khoa học cũng như trên mặt văn hoá. Muốn kéo vào đạo Ki Tô những nhà nho hay những quan chức có thế quyền trong xã hội Đàng Trong, thì phải nhữ họ và chinh phục họ ở lĩnh vực mà họ giỏi. Tôn giáo phải được trình bày với họ trong một ngôn ngữ và phong cách toàn hảo.

Cuốn sách được làm ra như là một công cụ cần thiết cho những nhà truyền giáo Âu Châu, cho các thầy giảng giáo lí Việt Nam, và nhắm vào việc in ấn sách tôn giáo có chất lượng. Cuốn sách không phải là một thứ tiêu khiển trí thức mà là một công cụ truyền đạo trong giới Hán-Việt. "

Qua những hàng trên, dụng ý của cuốn từ điển thật quá rõ. Cuốn sách này đã theo chân Pigneaux đi khắp Nam Kỳ, Cambốt, Thái Lan trong thời gian Pigneaux phò Nguyễn Ánh bôn tẩu trước sức truy đuổi của Tây Sơn.

Từ điển của Pigneaux theo ấn bản fac-similé là cuốn từ điển song ngữ Việt-La, khổ 25x35cm, dày 729 trang, nên khá nặng. Mỗi từ đơn hoặc kép tiếng Việt hay cụm từ tiếng Việt được ghi bằng chữ nôm hay chữ Hán và chữ quốc ngữ và được giải thích bằng tiếng La Tinh.

Về bố cục, ngoài phần Nhập đề không phải của tác giả, sách gồm 2 phần : phần tra cứu và phần giải thích :

- Phần tra cứu có 67 trang, gồm một bảng đối chiếu chữ nôm/chữ Hán và chữ quốc ngữ và một bảng hướng dẫn cách tra một số chữ nôm khó.

- Phần giải thích các từ hoặc cụm từ tiếng Việt chiếm 662 trang. Phần này là chính.

Các mục từ tiếng Việt được đưa vào từ điển sắp theo vần chữ cái La Tinh. ở từng mục từ, chữ nôm/chữ Hán viết bằng nét bút đậm và lớn đặt trước, tiếp đến là chữ quốc ngữ tương ứng với nét gầy, khổ khi lớn (các từ với chữ C đầu) khi nhỏ (các từ với chữ G đầu), kế đó là phần giải thích bằng tiếng La Tinh. Cách sắp đặt theo thứ tự chữ nôm trước, chữ quốc ngữ sau, với nét chữ và khổ chữ khác nhau cho ta cái cảm tưởng là tác giả trọng phần chữ nôm/chữ Hán hơn chữ quốc ngữ và ở mỗi mục từ, phần chính là chữ nôm chứ không phải chữ quốc ngữ. Một điều khác đáng chú ý là Pigneaux không phân biệt chữ nôm và chữ Hán. Phải đợi đến từ điển của Huình-Tịnh Paulus Của (1895) và kế đó của J. Bonet (1898-1900) mới phân biệt chữ nôm và chữ Hán. Qua sự phân biệt này ta mới thấy có sự đối lập rõ ràng giữa tiếng Việt và tiếng Hán. Xin lưu ý rằng năm 1867, G. Aubaret trong phần Nhập đề cuốn Grammaire annamite (Văn phạm tiếng Việt) (tr.I) vẫn nhận định là " Tiếng bình dân nói trong vương quốc An Nam là một phương ngữ của tiếng Trung Quốc (La langue vulgaire parlée dans le royaume d'Annam est un dialecte chinois). "

Ở mỗi một mục từ, ngoài từ chính còn có một số cụm từ. Ví dụ ở mục từ dông, ngoài từ chính là dông còn có dông tốmưa dông. Hai cụm từ này được ghi cả bằng chữ khối vuông và bằng chữ quốc ngữ. Có điều đáng chú ý là khi ghi bằng chữ nôm thì mưa dông chẳng hạn viết theo trật tự chữ Hán, từ mặt qua trái, nghĩa là nếu viết theo trật tự chữ quốc ngữ/tiếng Việt là mưa dông nhưng theo chữ nôm thì dông mưa. Đó một điểm mà chúng ta thường không chú ý: chữ nôm không những bắt chước chữ Hán theo hình thức thứ chữ khối vuông mà còn bắt chước chữ Hán viết theo trật tự từ ngược với trật tự từ của tiếng Việt. Chữ Hán/nôm đọc từ trên xuống dưới từ phải qua trái. Như vậy chứng tỏ Pigneaux tôn trọng thói quen các nhà nho đương thời đọc chữ Hán từ phải qua trái.

Về nội dung, từ điển của Pigneaux có gần 6000 mục từ. Nếu tính cả từ kép và cụm từ thì vốn từ của sách có thể đến hơn bốn vạn, so với từ điển của de Rhodes thì tăng khá rõ.

Giáo sư Trần Nghĩa, Viện Hán Nôm Hà Nội nhận xét là từ điển Pigneaux bao gồm từ phổ thông, phương ngữ miền Nam... Tôi có hai ý kiến về lời kiểm nghiệm này:

- Về từ phổ thông thì tôi không thấy sách của Pigneaux có kê những tiếng tục như từ chỉ bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà. Trái lại trong từ điển của de Rhodes thì có. Những từ này tuy tục nhưng đáng quan tâm với nhà từ vựng-dân tộc học vì chúng là thành phần vốn từ căn bản của một ngôn ngữ. Phải chăng vì từ điển nhắm vào giới trí thức Hán học nên bỏ qua một số từ thông tục ?

- Về phương ngữ miền Nam thì tôi thấy nhận xét phía trên là đúng. Tôi tra cứu và thấy rằng trong từ điển của Pigneaux có những điều sau đây :

a) Có từ lầm mà không có nhầm; có lanh mà không có nhanh ; có lời mà không có nhời ; nhưng có lem cũng có nhem. Có nhơn mà không có nhân ; có ơn mà không có ân; nhưng vừa có mần vừa có làm.

b) Trên mặt ngữ âm thì từ điển Pierre Pigneaux không còn thấy những nhóm phụ âm đầu mnhầm, mlầm. Nhóm bl như trong blái cũng không còn. Nhóm tl chỉ còn có một từ tla. Vì thế chữ quốc ngữ trong sách của Pigneaux gần với chữ quốc ngữ hiện đại ta đang dùng hơn.

c) Từ điển của Pigneaux là một nhân chứng quí giá của tiếng Việt thế kỷ 18, là một nguồn tư liệu quí về tiếng Đàng Trong. Nhất là từ điển cung cấp cho ta nhiều cứ liệu về chữ nôm thế kỷ 18.

d) Một số từ trong sách được ghi lại dưới nhiều chữ nôm khác nhau. Ví như âm có hai cách viết ; vua viết bằng hai chữ khác nhau ; trời có thể viết bằng ba chữ nôm ; trốn cũng vậy ; âm ong có bốn cách viết . Dựa vào đây có thể phân biệt chữ nôm đủ nét với chữ nôm giảm nét, chữ nôm bác học với chữ nôm tục; chữ nôm chung cho cả nước với chữ nôm riêng cho Đàng Trong. Chữ quốc ngữ dưới dạng hiện tại chúng ta đang dùng có thể xem là xuất phát từ chữ quốc ngữ đã được hiệu chính trong từ điển của Pigneaux.

e) Từ điển còn một số thiếu sót hoặc tồn nghi. Ví dụ như chữ nôm ít (đáng lẽ viết với chữ thiểu ) viết thành út (với chữ tiểu). Ví dụ như đàn chim 'bầy chim' viết sai là đàng chim. Ảnh hưởng của cách phát âm miền Nam nên đặt vào dưới mục từ đàng (đường) ? Chỗ sai đàng chim này cho đến từ điển của Taberd, 1838, vẫn tồn tại.

Nhưng cái điểm không hoàn chỉnh nhất của từ điển vẫn là cách sắp đặt những từ đồng âm khác nghĩa. Lấy từ ai làm ví dụ : từ ai gốc Hán có ít nhất hai nghĩa : aibụi cát như trong trần ai ; aithương như trong ai oán. Vì vậy trong từ điển có hai mục từ ai viết với hai chữ khối vuông khác nhau. Dưới ai(trần ai), từ điển vào : ai nấy, mặc ai. Còn dưới ai (thương) thì vào ai ôi, Ai Lao, ai cha. Cách sắp đặt như thế này chỉ hợp lý nếu dựa theo chữ nôm/chữ Hán làm chuẩn. Nhưng nếu dựa theo tiếng Việt phân theo hạng nghĩa của từ đồng âm thì là bất hợp lý. Cách sắp đặt từ theo chữ nôm lắm khi cho ta bắt được một điều lý thú. Ví như cụm từ aiôi trên đây thì ít nhất phải có hai nghĩa. Ai ôi nghĩa là người nào đó ôi như trong : Ai ôi chớ vội khoe mình. Ai ôi nghĩa là thương ôi như trong câu: Ai ôi ! Hồng nhan bạc phận.

2.3. Cuốn Dictionarium Annamitico-Latinum của Taberd

Việc cho in lại bằng fac similé từ điển của Pierre Pigneaux năm 2001 là việc làm bổ ích, nhất là cho giới nghiên cứu. Nhưng thực tế mà nói thì cuốn từ điển này đã được xuất bản dưới dạng sách in. Đúng vậy, khoảng 90 phần trăm sách này đã được J. L. Taberd sử dụng để hoàn thành công trình của mình lấy tên là Dictionarium Annamitico-Latinum(Từ điển Việt-Latinh) in năm 1838 tại Serampore, Ấn Ðộ. Cuốn từ điển Việt-LaTinh do Taberd, một giám mục người Pháp soạn thảo, trớ trêu thay lại được hổ trợ trong việc xuất bản bởi Asiatic Society of Bengal [Hội Á Châu tỉnh Bengal], Ấn Độ thuộc Anh. Như vậy 70 năm sau từ điển của Pierre Pigneaux, Taberd, giám mục Ðàng Trong kế nghiệp Pigneaux ở chức vị này, đã bồi bổ và công bố di sản văn hoá của người đi trước mình. Công trình của Taberd ngoài phần tra cứu từ vựng được trình bày giống như từ điển của Pigneaux, lại còn có 46 trang đề cập đến chữ cái, âm vần, thanh điệu, và ngữ pháp tiếng Việt. Lại có những trang lược bày niêm luật làm văn làm thơ viết bằng tiếng Việt. Qua đây ta biết được phần nào văn quốc ngữ thời bấy giờ.

Trong mục Tractatus de variis particulis et pronominibus ... "Khái luận về những tiểu từ và đại từ..." (tr. xii-xxviii) và mục tiếp theo đề là Nomina numeralia "Cách đếm danh từ" (tr. xxviii- xxxviii), Taberd đã cắt nghĩa và chỉ cách sử dụng không dưới 230 từ hư (hoặc từ ngữ pháp theo cách gọi ngày nay). Hai mục này cộng với phụ lục Brevis declaratio của A. de Rhodes là một kho tàng cho những nhà nghiên cứu ngữ pháp lịch sử tiếng Việt khai thác. Tôi chỉ lấy một ví dụ về ngữ pháp-ngữ nghĩa của hai từ cái con mà trong Taberd gọi là đại từ (pronomen) nhưng bây giờ chúng ta kêu là loại từ (classifier, classificateur). Chỉ từ Taberd trở đi, mới có nhận xét về sự đối lập hữu sinh/vô sinh áp dụng cho con/cái, một sự đối lập mà những tác giả văn phạm hoặc ngữ pháp tiếng Việt sau Taberd, dù là người Việt Nam hay người ngoại quốc đều kế thừa Taberd và cho nó có một giá trị văn phạm. Nhưng cách đọc của Taberd về đối lập con/cái tương đương với khu biệt hữu sinh/vô sinh (hoặc động/bất động) là dựa vào những phạm trù thuộc thế giới thực tại ngoài ngôn ngữ nên đã để sót không làm sáng tỏ được những đối lập như con cờ/cái cờ trong đó cờ đều thuộc vật vô sinh cả. Vì thế tôi đã đề nghị một cách đọc cặp loại từ con/cái tương đương với +động/-động theo ngữ nghĩa, có sức giải thích bao quát vì không bỏ qua một bên nhiều trường hợp được xem là ngoại lệ (xin đọc Nguyễn Phú Phong, 1995, tr.77-88; 2002, tr.59-71; 2004, tr.43-53).

Ngoài ra còn có nhiều phần phụ lục như : bảng kê chữ Hán theo bộ thủ có chua cách đọc bằng chữ quốc ngữ, 18 trang ; bảng kê chữ nôm theo bộ thủ có chua cách đọc bằng chữ quốc ngữ, 111 trang ; bảng kê chữ Hán theo vần A B C có chua cách đọc quốc ngữ và phần giải thích bằng tiếng La Tinh, 106 trang. Việc đáng quan tâm nhất là từ điển Taberd có 39 trang kê tên thực vật Đàng Trong Hortus Floridus Cocincinae.

3. Thay lời kết

Qua những hàng giới thiệu ba cuốn từ điển Việt-La ở trên, ta có thể nói mục đích chính của các công trình này là nhắm vào việc truyền đạo Thiên chúa, một tôn giáo đến từ Âu Châu. Nhưng có lẽ điểm khác giữa cuốn Dictionarium của A. de Rhodes một bên và hai cuốn từ điển của Pierre Pigneaux và Taberd bên kia, là đối tượng. Sách của A. de Rhodes nhắm vào ngôn ngữ Việt của đại chúng trong lúc Pierre Pigneaux và Taberd hướng về ngôn ngữ của giới trí thức nhà nho Việt Nam lúc bấy giờ. Vì thế trong sách của hai tác giả sau các mục từ đều có ghi chữ Hán hoặc chữ nôm bên cạnh chữ quốc ngữ. Hơn nữa, Pierre Pigneaux và J.L. Taberd đều là giám mục địa phận Đàng Trong nên dù muốn dù không đối tượng chính của hai tác giả này là giáo dân và do đó ngôn ngữ của Đàng Trong. Vì lý do này qua hai tác giả sau, nhất là qua cuốn từ điển của Pierre Pigneaux ta có thể nghiên cứu đến sự hình thành một phương ngữ Việt Đàng Trong từ Sông Gianh trở vào, trước khi phương ngữ lớn này chia ra thành những phương ngữ nhỏ khác như phương ngữ Nam Bộ ngày nay, phương ngữ miền Trung hạ, hay đúng hơn là phương ngữ vùng Bình Định cho đến ranh giới Nam Bộ ngày nay (xem L. Cadière, 1911, Le dialecte du Bas-Annam).

Sau Taberd, công cuộc làm từ điển Việt-Latinh được J.S. Theurel, giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài (Tunquini Occidentalis) tiếp nối với cuốn :

- J.S. Theurel, 1877, Dictionarum Anamitico-Latinum, Ninh Phú, 566 tr. + Appendix 71 tr.

Cuốn sách trên phản ánh phương ngữ miền Bắc nên có thể kết hợp khai thác với cuốn từ vị sau đây để tìm hiểu thêm về phương ngữ này :

- Ravier (Cố Khánh) et Dronet (Cố Ân), 1903, Lexique Franco-Annamite. Tự vị Phalangsa-Annam, Ke-So, Imp. de la Mission.

Ngoài dòng từ điển làm để sử dụng cho sự truyền bá Phúc âm, còn có từ điển in ra để phục vụ cho người Âu làm việc trong chính quyền Nam Kỳ, hay giao thiệp thương mãi. Cuốn từ điển hai chiều Pháp-Việt và Việt-Pháp đầu tiên phải kể ra là công trình của viên sĩ quan Hải quân Pháp, Gabriel Aubaret, được in ra do lệnh của Phó Đề đốc Charner, Tổng Tư lệnh các Lực lượng Hải quân Pháp ở Đông Dương :

- Aubaret, G., 1861, Vocabulaire Français-Annamite et Annamite-Français, précédé d'un traité des particules annamites, Bangkok, Imprimerie de la Mission Catholique, XCV +96p + 157p.

Thư mục
De Rhodes, Alexandro, 1651, Dictionarivm Annamiticvm Lvsitanvm, et Latinvm, Romae, Sacrae Congregationis.
Huình Tịnh Paulus Của, 1895-1896, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Saigon, Imp. Rey, Curiol & Cie (Tome I, A-L, 1895; Tome II, M-X, 1896).
Nguyễn Phú Phong, 2002, Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt. Loại từ và chỉ thị từ, Hà Nội, Nhà xb Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 234 tr.
Nguyễn Phú Phong, 2004, Tôi và con, cái, Hợp Lưu 77, tháng 6&7, 2004, 34-53, California, Hoa Kỳ.
P.-G.V., 1897, Grammaire annamite à l'usage des Français de l'Annam et du Tonkin, Hanoi, F.-H. Schneider.
Pigneaux (de Béhaine), Pierre, 1772?, Dictionarium Annamiticum-Latinum (manuscrit), Paris, Société des Missions Etrangères (édition en fax-similé, 2001).
Taberd, Jean Louis, 1838, Dictionarium Annamitico-Latinum, Serampore.
Vương Lộc, 1995, An Nam dịch ngữ,  Hà Nội-Đà Nẵng, Nhà xb Đà Nẵng, 203 tr.
[ Trang trước ] / [ Trang sau]


Trở Về   ]