Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả ]

 
Kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên (1611-2011)

Suy nghĩ thêm về Tờ thị của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng 
sai Lương Văn Chánh, quyền huyện Tuy Viễn đưa dân vào 
khai canh trên đất tỉnh Phú Yên ngày nay.
***
Trần viết Ngạc 

Năm 1592, Trịnh Tùng thu phục được Thăng Long từ tay nhà Mạc. Năm sau, 1593 Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng "đem tướng sĩ, voi ngựa, binh thuyền đến kinh mừng vua Lê. Ông cũng dâng nạp sổ sách binh lương, của cải, vàng bạc, châu ngọc và kho hàng hai trấn Thuận Quảng" (1) được vua Lê phong làm Trung quân Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, chưởng phủ sự, Thái Úy Đoan Quốc Công, Nguyễn Hoàng đã cùng các tướng sĩ giúp Trịnh Tùng đánh quân Mạc, lập được nhiều chiến công. Trong số các tướng lãnh ra Thăng Long cùng với Nguyễn Hoàng có Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh, người đã theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1558.

Vua Lê đã sắc phong cho Lương Văn Chánh.

Tờ sắc như sau 

Phiên âm Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thiên Vũ vệ, Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ thự vệ sự Phù Nghĩa hầu Trụ quốc trung trật Lương Văn Chánh vi Đô tướng Thái Úy Trường Quốc công Trịnh Tùng đẳng loại ứng vụ thảo tặc, hữu công, hữu triều thần thiêm nghị ứng thăng chức. Khả vi:

Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Tham đốc Thần Vũ tứ vệ quân vụ sự Phù Nghĩa hầu Trụ quốc trung trật.

Cố sắc.

Quang Hưng, thập cửu niên thập nhị nguyệt sơ ngũ nhật

Ấn: SẮC MỆNH CHI BỬU
Dịch nghĩa: Nay sắc cho Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ, vệ Thiên Vũ phụ trách công việc của vệ là Phù Nghĩa hầu Trụ quốc trật trung Lương Văn Chánh là tùy tướng của Đô Tướng Thái Úy Trường Quốc công Trịnh Tùng, vâng mệnh đánh giặc, có công, được triều thần bàn nên thăng chức, được làm: Phụ quốc Thượng tướng quân cai quản quân vụ của vệ Bốn Thần Vũ, trước Phụ Nghĩa hầu Trụ quốc trật trung.
Quang Hưng, năm thứ 19, ngày 05 tháng 12 (1596)

Ấn: SẮC MỆNH CHI BỬU (2)


Thấy Trịnh Tùng muốn giữ mình ở lại Thăng Long, không đề cập gì đến việc mình và tướng sĩ trở về Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng bề ngoài thì tỏ vẽ dốc tâm phò tá vua Lê (nhưng thực quyền trong tay Trịnh Tùng) nhưng lòng nóng như lửa đốt, chỉ mong lừa dịp để trở về Thuận Quảng nơi mà Nguyễn Hoàng đã cùng tướng sĩ dày công gây dựng, chiêu hiền đãi sĩ ngay từ lúc vào Ái tử (1558).

Trong ý hướng này, năm 1597, Nguyễn Hoàng đã lệnh cho Lương Văn Chánh đưa dân (khách hộ) từ Tuy Viễn, trấn An Biên vào khai phá hoang điền nhàn thổ ở bên kia đèo Cù Mông.

Tờ thị của Tổng trấn Thuận Quảng 

Phiên âm:

Thị Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh năng tòng quân nhật cửu hữu công, quyền Tuy Viễn huyện, an Biên trấn, văn: Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân số tính khách hộ các thôn phường tòng hành ứng vụ, nhưng suất thủ chiết biệt khách hộ nhân dân tựu Cù Mông, Bà Đài, Bà Diển, Đà Niểu đẳng xứ, thượng chí nguồn đầu, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư địa phận, khai canh hoang điền nhàn thổ để thục, nạp thuế như lệ. Nhược chủ sự nhiễu dân, khám đắc xử tội.

Tự thị.

Quang Hưng, nhị thập niên, nhị nguyệt sơ lục nhật

Ấn: TỔNG TRẤN TƯỚNG QUÂN CHI ẤN.

Dịch nghĩa

Dạy Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh, đã giữ việc quân lâu ngày, có công trạng, quyền coi huyện Tuy Viễn, trấn an Biên rằng:

Hãy liệu đem số người trục vào dân của làng Ba Thê và các thôn phường khách hộ tòng hành ứng vụ, rồi lấy riêng số dân khách hộ đưa đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diển, Đà Niểu, trên từ đầu nguồn dưới tới cửa biển, kết lập địa phận gia cư khai canh ruộng đất bỏ hoang tới khi thành thục, nạp thuế như lệ thường. Nếu lo việc mà nhiễu dân, khám ra sẽ bị xử tội.

Nay dạy (2)

Quang Hưng, năm thứ hai mươi, ngày mồng sáu tháng hai [1597]

Ấn: TỔNG TRẤN TƯỚNG QUÂN CHI ẤN.

Từ hai văn bản trên, chúng ta có thể hiểu thêm mấy điều.

1. Theo sắc phong của vua Lê Thế Tông, Lương Văn Chánh đã theo Nguyễn Hoàng ra Thăng Long vào năm 1593 và đã cùng nguyễn Hoàng có công đánh Mạc. Phải chăng những chức vụ được vua Lê băn tặng cho Nguyễn hoàng (Tả Đô đốc Trung quân) và cho Lương Văn Chánh (Thượng tướng quân Tham đốc Thần vũ tứ vệ) chỉ là sách lược của Trịnh Tùng muốn giam chân Nguyễn Hoàng, Lương Văn Chánh ở Thăng Long.

2. Trong tờ thị của Nguyễn Hoàng, Tổng trấn Thuận Quảng không nhắc đến chức vụ mới của Lương Văn Chánh cũng như phẩm tước mới được phong. Nguyễn Hoàng với chức vụ Tổng trấn Thuận Quảng đã sai phái quyền huyện Tuy Viễn, An Biên trấn Lương Văn Chánh, chức vụ mà Lương Văn Chánh đảm nhiệm trước năm 1593.

Cũng cần chú ý ấn Tổng Trấn tướng quân được đóng ngay dưới niên hiệu như cách đóng ấn của nhà ma. Nếu cách thức đóng ấn triệu dưới triều Lê cũng tương tự như dưới triều Nguyễn sau này, thì Nguyễn Hoàng đã tự xem mình đứng đầu một cõi như các chúa Nguyễn về sau. (3)

3. Theo lệnh sai phái này Lương Văn Chánh đã trở lại Tuy Viễn vào khoảng mùa xuân năm Quang Hưng thứ 20 (1597). Như vậy việc đưa dân vào khai canh hoang điền nhàn thổ đã bắt đầu vào giữa năm 1597.

4. Tình trạng dân cư trong vùng phía Nam đèo Cù Mông cho đến Thạch Bi Sơn - Đại Lãnh như thuế nào?

Trước hết lệnh của Nguyễn Hoàng cho Lương Văn Chánh cho thấy vùng đất tỉnh Phú Yên ngày nay, trước năm 1597 là vùng đất của Đại Việt. Chẳng những thuế, tình hình rất ổn định. Đại Nam Nhất thống chí cũng cho rằng vùng đất phía bắc Thạch Bi Sơn đã là lãnh thổ Đại Việt kể từ năm 1471. Tuy nhiên, "... từ Cù Mông về phía Nam còn thuộc về người Man người Lạo." (4). Lương Văn Chánh đưa dân vào canh tác trên phần đất của huyện Tuy Viễn chưa thiết lập làng mạc. Dân cư còn thưa thớt nên một số ruộng vườn của người Chăm trước đây còn bỏ hoang. Số ruộng, vườn mà văn bản gọi là hoang điều nhàn thổ chắc chắn không phải là đa phần diện tích của vùng này, được phân bố rải rác khắp nơi hồ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diển, Đà Niểu... và từ đầu nguồn xuống đến hải khẩu.

Tờ thị cũng cho thấy số dân huy động vào canh tác không nhiều. Điều đó cho thấy, trước năm 1597, dân cư trên phần đất Tuy Viễn chưa thiết lập làng mạc này cũng khá đông. Họ là người Chăm ở lại và là người Việt di dân vào. Có thể suy đoán là đất rộng người thưa, họ chọn lựa những nơi canh tác thuận lợi về nguồn nước, về giao thông và đất đai tương đối màu mở. Đó là một quá trình quần tụ dân cư, canh tác đất đai, từ cuối thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 16

Đến những năm cuối thế kỷ 16, tình hình đã chín muồi để di dân tăng thêm nguồn nhân lực canh tác đất đai còn thừa để đi đến việc thiết lập làng mạc. Thời gian di dân, khai thác ruộng đất bỏ hoang chỉ chưa đầy một thế hệ vì đến năm 1611, mười bốn năm sau lệnh cho Lương Văn Chánh, Nguyễn Hoàng đã cho thiết lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

5. Lệnh còn nghiêm cấm "không được nhiễu dân, nếu khám ra sẽ bị xử tội". Người dân mới vào được canh tác trên các hoang điền, nhàn thổ và không được xâm phạm đất đai của những người đang canh tác cũng như không được làm xáo trộn đời sống nhân dân đã định cư trước đó. Chính sách mở mang kinh tế nông nghiệp trên phần đất mới phải phù hợp với châm ngôn mà Nguyễn Hoàng đã đặt ra để "dung thân muôn đời" là thu phục nhân tâm.

Một công việc quan trọng như thế được giao trách nhiệm cho Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh trong một tình thế rất đặc biệt: vị Tổng trấn đang bị Trịnh Tùng giữ lại ở Thăng Long chưa biết được ngày nào "hổ lại về rừng". Năm 1600 là năm mà Trịnh Tùng bắt đầu xưng Vương, cha truyền con nối cũng là năm Nguyễn Hoàng bằng mưu lược đã thoát được về Thuận Hóa.

Càng khâm phục công lao thiết lập gia cư địa phận trên vùng đất tỉnh Phú Yên ngày nay của Phù Nghĩa hầu, chúng ta càng phải ghi công ơn của vị Tiên Chúa đã có công lớn nhất trong hành trình Xuôi Nam của dân tộc.
 

Ghi chú:
(1) Phan Khoang, Việt Sử: Xứ Đàng trong 1558-1777 nhà XB Khai Trí, Sài Gòn, 1970. Trang 149

(2) Phiên âm và dịch nghĩa: Trần Đại Vinh.

(3) Theo quy định của nhà Nguyễn, ấn của Thượng thư, Tổng đốc đóng dưới chữ niên.

(4) Quốc sử quán (Nguyễn), Đại Nam nhất thống chỉ, bản dịch của Viện Sử Học, tập 3, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, Trang 64.