Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả ]

 
Một bông hồng cho hai bà Trưng
***
Trần viết Ngạc 
Ngày Phụ nữ quốc tế 8.3 hằng năm là ngày bông hồng lên ngôi. Bông hồng để tặng người yêu, tặng bạn gái, bông hồng cho mẹ, cho chị, cho cô giáo, cho nữ đồng nghiệp... nói chung là "một nửa nhân loại" được vinh dự nhận những bông hồng tuyệt đẹp! Nhưng, một bông hồng cho Hai Bà Trưng, hai  nữ anh hùng đã đốt lên ngọn lửa bất khuất đầu tiên của dân tộc, thì không !

Oái ăm ở chỗ là chúng ta kỷ niệm ghép ngày Hai Bà Trưng tử tiết ở dòng sông Hát ngày 6 tháng 02 âm lịch với ngày Phụ nữ quốc tế 8.3 dương lịch.

Kỷ niệm ghép (sinh viên khoa Du Lịch của tôi còn cay đắng gọi là kỷ niệm khuyến mãi !) một ngày kỷ niệm dương lịch với một ngày kỷ niệm âm lịch là không ổn! Những ngày húy nhật của các danh nhân dân tộc trong lich sử, của ông bà tổ tiên trong gia phả luôn luôn được ghi chép bằng ngày tháng âm lịch. Lễ hội lịch sử, lễ hội dân gian từ làng đến nước cũng được tổ chức theo ngày tháng âm lịch. Đó là truyền thống văn hoá dân tộc đã trải qua nghìn đời, khắc sâu vào ký ức, vào tâm linh dân tộc. Kỷ niệm Hai Bà Trưng vì thế phải nên tổ chức vào ngày truyền thống 6 tháng 2 âm lịch, không thể kỷ niệm vào một ngày tháng dương lịch!

Thứ đến, Hai bà Trưng xứng đáng được chúng ta ghi ơn một cách khác hơn!

Henry Kissinger, trong cuốn hồi ký " Những năm ở Nhà trắng" đã có nhận định khá sâu sắc về truyền thống lich sử của dân tộc ta. Rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc sinh ra với lòng tự trọng bẩm sinh, không chịu cúi đầu trước kẻ thù. Tinh thần bất khuất đó đã được un đúc và thử thách suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nó thấm vào trong dòng máu của mỗi người Việt, khiến cho "Những anh hùng tứ xứ đã tìm đến đất nước hiền hoà đó , một đất nước rặt một màu xanh của rừng, của đồng ruộng và của biển,  với mong muốn áp đặt lên đó một trật tự mới đã thất bại và nếu không nằm vĩnh viễn lại đó thì cũng ra đi với sự thất vọng não nề!"

Lòng tự trọng bẩm sinh, tinh thần bất khuất đó đã được khởi đầu với Hai Bà Trưng.

Dân tộc ta, sau thời đại Hùng Vương, đã chìm vào đêm dài nô lệ. Kể từ khi Triệu Đà xâm lược nước Âu Lạc của An Dương Vương năm 179 trước công nguyên cho đến khi Ngô Quyền đuổi được quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, xây dựng nền tự chủ (938) dân tộc ta đã trải qua một cuộc trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc suốt 1.117 năm !.

Ai là người khởi đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc  trường kỳ ấy ? Thưa, Hai Bà Trưng.

Khi bị Triệu Đà xâm lược rồi sau đó bị nhà Hán đô hộ, dân tộc ta đang ở thời kỳ buổi đầu dựng nước. So với Trung Quốc đã thống nhất từ nhà Tần, Lạc Việt là một dân tộc nhỏ yếu hơn nhiều, có lẽ vì thế, cuộc khởi nghĩa đầu tiên đã diễn ra rất chậm. Gần hơn hai thế kỷ (219 năm), kể từ khi bị Nam Việt thôn tính rồi nhà  Hán đô hộ, dân tộc ta mới đủ sức mạnh để quật khởi ! Thời gian hơn tám thế hệ tưởng như có thể xoá đi vĩnh viễn dân tộc Lạc Việt thì may thay, Hai Bà Trưng đã cùng dân tộc trổi dậy đuổi được kẻ thù ra khỏi bờ cõi, dựng nên một nhà nước độc lập, tồn tại được ba năm  (40-43).

Chúng ta, không ai không khỏi rùng mình, rúng động tâm can trước giả thiết "Nếu cuộc khởi nghĩa Mê Linh thất bại !" Thử ngẫm nghĩ mà xem, sau 219 năm bị ngoại thuộc, cuộc khởi nghĩa mới nổ ra, và nếu cuộc khởi nghĩa đó thất bại liệu có thể có cuộc khởi nghĩa thứ hai của Bà Triệu năm 248? Và cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã thất bại! Liệu sau hơn bốn thế kỷ ( 179 - 248) mà dân tộc ta chưa một lần quật khởi thành công, có còn tinh thần va niềm hy vọng để tiếp tục khởi nghĩa? Và  như thế, liệu có thể  có thời đại Vạn Xuân trong lịch sử dân tộc ?

Rùng mình, rúng động tâm can vì nếu cuộc khởi nghĩa Mê Linh thất bại thì dân tộc ta  đã bị diệt vong, cùng chung số phận với các dân tộc trong cộng đồng Bách Việt. Vị cứu tinh của dân tộc Lạc Việt, đã khiến cho dân tộc tiếp tục quật khởi để xây dựng nên những triều đại độc lập về sau như  Đại Việt và Đại Nam, góp mặt với thế giới hôm nay chính là Hai Bà Trưng.

Nếu cần chọn một vị anh hùng biểu trưng cho lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc suốt 1.117 năm ngoại thuộc thì không ai khác hơn là Hai Bà Trưng.

Với ba năm độc lập sau khi đốt lên ngọn đuốc bất khất đầu tiên, Hai Bà đã để lại cho các thế hệ sau một bài học quý giá.
"Đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm giải phóng dân tộc để giành lại nền độc lập, thì sớm muộn dân tộc ta cũng thành công!"

Hai Bà đã thành công trong cuộc khởi nghĩa đầu tiên, đã xây dụng một nước độc lập sau hơn tám thế hệ sống dưới ách ngoại thuộc. Đó là một kinh nghiệm bằng vàng, đó là khởi đầu một niềm tin tất thắng cho các cuộc khởi nghĩa tiếp theo. Xin hãy dành một bông hồng cho Hai Bà Trưng trong ngày kỷ niệm ghép 8.3 vì Hai Bà Trưng xứng đáng với vạn bông hồng trong ngày kỷ niệm 6 tháng 2 âm lịch truyền thống.

Trần viết Ngạc