Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Tác giả ]
Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (1882 - 1951)
Mặc hoàng bào dù chẳng được làm vua !*** Trần viết Ngạc
Những vị nào say mê khoa tướng số, tử vi thử chấm lá số tử vi cho Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, hy vọng có thể giải thích vì sao ông có quá nhiều cơ hội đưa ông đến ngôi thiên tử mà rốt cục chẳng có lần nào thành.
Cường Để sinh ngày 11 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (28.2.1882), trực hệ của Đông cung Cảnh, con trưởng vua Gia Long.
Cơ hội đầu tiên khiến Cường Để có thể lên ngôi vua là vào năm 1894 khi ông mới 12 tuổi. "Kinh đô thất thủ" (23 - 5 Ất Dậu - 1885), vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành ra Tân Sở ban dụ Cần Vương. Năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt và bị đày. Phan Đình Phùng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê đồng thời là người, đốc thúc và phối hợp phong trào Cần Vương của cả nước, cho người vào Huế mời Hàm Hoá Hương công Tăng Nhu ra thay vua Hàm Nghi. Vì cớ tuổi cao Tăng Nhu ủy cho con là Cường Để đi thay mình. Phái viên của Cần Vương là Cử nhân Hồ Quý Châu, người Quỳnh Lưu, vào Huế để rước Cường Để, chẳng may giữa đường lâm bệnh từ trần. Năm sau, cuộc khởi nghĩa Hương Khê thất bại (1895). Nói về sự kiện này, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để than thở: "... vì thế mà bỉ nhân lỡ mất cơ hội đầu tiên hiến thân cho tổ quốc" (1)
Năm 1903, Cường Để 21 tuổi. Hai cơ hội làm vua đến cùng một lúc. Hai điạ vị đối lập; làm vua cách mạng và làm vua bù nhìn!
Cần một ngọn cờ quân chủ cho đảng sắp thành lập, Phan Bội Châu lân la đến các vị trong hoàng tộc ở Huế. Như "con cháu nhà Hiệp Hoà, con cả vua Đồng Khánh... nhưng chưa có ai là tâm hợp cả... nhân có bạn tôi là tú tài Hồ Thiệp, người Quỳnh Lưu, rủ nhau lấy cớ xem tướng số, vào nhà Kỳ Ngoại Hầu, bắt đầu khưi múi nói bằng tướng mệnh, dò được người ấy sẵn có chí lớn (TVN nhấn mạnh)... Hầu rất biểu đồng tình, liền ăn thề đình ước với nhau" (2). Và năm sau, khi Duy Tân hội thành lập (1904), Cường Để được tôn làm Hội chủ, vị vua cho tương lai.
Cũng năm này, muốn phế vua Thành Thái, Khâm sứ Huế đã thăm dò Cường Để như là ứng viên thay thế nhưng mãi bốn năm sau thực dân mới phế vua Thành Thái (1907), lúc đó Cường Để đang ở Nhật Bản!
Một sự kiện mà nếu không có tư liệu thì không thể tin được: Đó là khi tìm người thay vua Thành Thái, một vị thượng thư trong triều đình đã đề nghị với người Pháp rước minh chủ Duy Tân hội Cường Để đang lưu vong ở Nhật về làm vua. Vị thượng thư đó là Nguyễn Hữu Bài.
"Trong các đề nghị, đề nghị của thượng thư bộ Công người Thiên Chuá giáo là đáng chú ý.nhất. Trong số các đồng sự, ông ta là người duy nhất đã minh bạch đề nghị là cần ưu tiên cho Cường Để hiện đang tị nạn tại Nhật lên ngôi vua" (3)
Giải thích cho điều này, tài liệu mật của Pháp cho biết từ khi Pháp đặt nền bảo hộ, có một giao ước ngầm giữa một số người trong hoàng tộc và giới tín đồ Thiên Chúa giáo nhằm đưa một người thuộc dòng dõi Đông cung Cảnh lên ngôi vua! (4)
Năm 1907 cũng là năm du học sinh Nam Kỳ bắt đầu sang Nhật. Còn nặng đầu óc quân chủ, các du học sinh Nam Kỳ lạy Cường Để năm lạy theo lễ quân thần mỗi lần hội kiến! (5) Đó cũng là lý do xuất hiện tấm ảnh Cường Để và Phan Bội Châu: Vị Tổng lý ngồi trong khi Hội chủ lại đứng bên cạnh !
Năm 1925, Phan Bội Châu bị bắt, bị an trí ở Bến Ngự. Cường Để tiếp tục làm Hội chủ Việt Nam Quang Phục Hội cho đến năm 1939, và Quang Phục Hội được cải tổ thành Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, thường được gọi tắt là Việt Nam Phục Quốc Hội. Theo cương lĩnh mới, Phục Quốc Hội chủ trương thiết lập nền quân chủ lập hiến và vị vua tương lai không ai khác hơn là Cường Để đang giữ chức vụ Uỷ viên trưởng trọn đời trong Ban chấp hành Trung ương VNPQH. Quốc kỳ không còn là cờ Ngũ tinh liên châu (1912) mà là lá cờ chữ vương (...) đỏ trên nền trắng.
Thời cuộc đã không ủng hộ Cường Để khi Nhật bắt tay với Pháp, bỏ rơi Kiến Quốc quân khiến Trần Trung Lập hy sinh ngày 26/12/1940 tại Lục Bình, Lạng Sơn. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ai cũng tưởng Nhật đưa Cường Để về làm vua nhưng Nhật lại dùng lá bài Bảo Đại!
Người đã gây xúc động cho Cường Để trong những ngày tháng cuối đời trên đất Nhật là Ngô Đình Diệm. Từ năm 1943, Ngô Đình Diệm đã cử Phan Thúc Ngô sang Nhật gặp Cường Để và Ngô Đình Diệm trở thành đại diện của Việt Nam Phục Quốc Hội trong nước (6)
Ngày 14.8.1950, Ngô Đình Diệm cùng anh là Giám mục Ngô Đình Thục từ Rome sang Tokyo, hội kiến với Cường Để. Komatsu Kiyoshi có mặt trong buổi hội kiến đó kể lại:
"Buổi hội kiến đã nâng đỡ tinh thần Cường Để ngoài sức tưởng tượng. Vừa mới thấy Cường để, Ngô Đình Diệm liền quỳ xuống và phát biểu: "Tâu Hoàng thượng, Ngài phải làm vua!" và Cường Để đã tuôn hai giòng lệ cảm kích!" (7). Không còn có cơ hội để Cường Để thực hiện mơ ước của mình vì ngày 6/4/1951, ông đã qua đời do bệnh ung thư gan.
Trần Viết Ngạc
Chú thích:(1) - Tùng Lâm (Matsubayashi) - Cuộc đời cách mạng Cường Để, nhà in Tôn Thất Lễ xb, Sài Gòn, 1957. Trang 10
(2) - Phan Bội Châu, Tự phán, NXB Anh Minh, Huế, 1956. Trang 35
(3) - Note sur l'agitation anti - française dcpuis dix ans et le parti nationaliste annamite. Trung tâm lưu trữ quốc gia (A.O.M) ở Aix-en-Provence (Pháp).Trang 15
(4) - Tlđd, trang 2
(5) - Tlđd, trang 27
(6) - Kỷ niệm 100 năm Phong trào Đông Du, NXB Tân Văn, Đông Kinh, 2005. Trang 228
(7) - Trần Mỹ Vân - A Vietnamese Royal Exile in Japan Prince Cường Để (1882 - 1951), NXB Routledge, London& New York, 2005. Trang 213.