Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Tác giả ]
Niên đại hình thành đất Phú Yên,
tỉnh Phú Yên ngày nayTrần Viết Ngạc Mục đích của bài viết là xác định một thời gian hình thành vùng đất mà ngày nay ta gọi là tỉnh Phú Yên.
Những niên đại mà chúng ta có thể xem là những mốc thời gian liên quan đến vùng đất này là các năm 1471, 1597, 1611. Các sự kiện xảy ra trong các năm ấy có liên quan đến lịch sử đất Phú Yên ngày nay là gì? Và ta nên chọn sự kiện nào để xác định rằng từ đấy phần đất này đã hình thành như là một bộ phận của lãnh thổ đất nước Việt với làng mạc được thiết lập, nhân dân Việt làm ăn sinh sống dưới một chính quyền của nước Việt.
A. Sự kiện xảy ra năm 1471: Đó là cuộc chinh phạt nước Champa của vua Lê Thánh Tông khi được cấp báo quân Champa xâm phạm Hóa châu vào năm 1470. Nhà vua đã tiến quân đến Thạch Bi Sơn và sau đó đã sáp nhập phần đất phía Bắc Thạch Bi Sơn của Champa vào nước Việt và lập thừa tuyên thứ 13, thừa tuyên Quảng Nam.
Theo thiển ý, ta không nên chọn mốc thời gian này làm mốc hình thành vùng đất mà ngày nay là tỉnh Phú Yên vì nhiều lẽ:
1. Từ năm 1471, người Việt chưa di dân vào vùng đất phía Nam đèo Cù Mông. Xác lập cương giới bằng chiến tranh và việc thiết lập làng xã, có nhân dân định cư sinh sống là hai sự kiện không phải lúc nào cũng song hành. Ở Phú Yên, khoảng cách thời gian giữa hai sự kiện này là hơn một thế kỷ (1471-1597).
2. Sau năm 1471, dân tộc Champa không bao giờ quật khởi được nữa và đánh dấu một giai đoạn suy tàn đã bắt đầu. Dân tộc Chăm hiện nay là một trong 54 dân tộc của nước ta. Văn hóa Chăm là một phần của văn hóa Việt Nam. Cho nên vì sự dung hợp văn hóa, sự đoàn kết của đại gia đình các dân tộc, chúng ta không nên lấy năm này làm mốc thời gian hình thành tỉnh Phú Yên. Vừa không hợp tình vừa không đạt lý. Kỷ niệm 540 năm thành lập tỉnh Phú Yên vào năm 2011 chỉ gợi lại một sự kiện xung đột giữa hai vương quốc Đại Việt và vương quốc Champa trong quá khứ. Đó là một kỷ niệm buồn đối với đồng bào dân tộc Chăm. Về lý lại càng không thể. Vùng đất đó chưa có người Việt đến sinh sống, chưa thiết lập làng xã (đơn vị cơ bản của nước: làng nước) và chính quyền trung ương chưa quản lý vùng đất ấy. Trước năm 1597 đó là một vùng đất mà ruộng đất cũ của người Chăm không ai cày cấy (hoang điền nhàn thổ như công văn của Tổng trấn Nguyễn Hoàng năm 1597 xác nhận).
B. Năm 1611, nên chăng? Đó là năm thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa mà Văn Phong được đặt làm lưu thủ phủ Phú Yên. Người ta dễ có xu hướng chọn niên đại này làm mốc thời gian hình thành tỉnh Phú Yên vì địa danh Phú Yên lần đầu tiên được xuất hiện.
Xin thưa ngay, có phải đấy là một chủ trương duy danh? Phải chăng sự vật chỉ bắt đầu tồn tại khi nó được đặt tên, một cái tên còn tồn tại đến bây giờ? Xin lấy tỉnh Quảng Nam làm ví dụ cụ thể. Trước đây người ta cho rằng Quảng Nam hình thành từ năm 1471 là năm danh xưng Quảng Nam được khai sinh với thừa tuyên Quảng Nam dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ngày nay, viết địa chí Quảng Nam, viết lịch sử Quảng Nam người ta đã lấy niên đại 1306 làm mốc hình thành một phần đất Quảng Nam vì rằng từ sông Thu Bồn trở về phía Bắc đến đèo Hải Vân đã là đất Đại Việt kể từ đám cưới Huyền Trân - Chế Mân. Một phần Quảng Nam ngày nay, mà là một bộ phận khá quan trọng, xưa kia thuộc Hóa Châu (Châu Rí cũ). Truyền thống kiên cường của Hóa Châu dưới đời Trần, đời Minh thuộc... được thừa nhận là truyền thống buổi đầu của Quảng Nam ngày nay. Quảng Nam có thêm một thế kỷ mới trước năm 1471 (1306-1471) trước khi danh xưng Quảng Nam xuất hiện.
Ta thử xét điều gì sẽ xảy ra nếu ta áp dụng quan niệm duy danh này cho Thừa Thiên? Vùng đất mà Huyền Trân đã đem về cho đất nước, dân tộc kể từ năm 1306 với danh xưng Châu Hóa từ năm 1307 và cho đến triều Gia Long xuất hiện dưới tên Quảng Đức doanh? Thừa Thiên chỉ là Thừa Thiên kể từ khi được đặt tên? Thậm vô lý.
Trở lại với sự kiện chủ sự Văn Phong, năm Hoằng Minh thứ 12 (1611), được Nguyễn Hoàng, với tư cách Tổng trấn Thuận Quảng sai đi đánh lấy đất Phú Yên ngày nay... phải chăng trước năm 1611, đất Phú Yên ngày nay còn thuộc vương quốc Champa? Phải chăng trước năm 1611, làng xóm người Việt chưa được thiết lập, người Việt chưa hề sinh tụ ở phần đất từ đảo Cù Mông trở về phía Nam? Hoàn toàn không phải thế.
Ông Văn Phong, lưu thủ phủ Phú Yên quản lý ai ở đó? Huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa là các huyện được thiết lập trống không, đất đai chưa có người ở và làng xã chưa được thiết lập? Không thể có điều nghịch lý. Đánh chiếm đất, chia đặt phủ, huyện rồi sau đó mới di dân, thiết lập làng xã!
C. Niên đại 1597. Đó là sự kiện Lương văn Chánh được Nguyễn Hoàng từ Thăng Long sai phái vào phía Nam đèo Cù Mông, đưa dân khách hộ (không phải chính hộ) đến định cư, thiết lập làng xã.
Cần thiết nhắc lại nguyên văn sắc lệnh đó.
"Thị Phù Nghĩa Hầu Lương văn Chánh năng tòng quân nhật cửu hữu công, quyền Tuy Viễn huyện, An Biên trấn, văn:
Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân tố tính khách hộ các thôn phường tòng ứng vụ, nhưng suất phủ khách hộ nhân dân tựu Cù Mông, Bà Đài, Bà Điểu, Đà Niễu đẳng xứ, thượng chí nguồn Di, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư, địa phận, khai canh hoang nhàn điền thổ để thục nạp thuế như lệ.
Nhược chủ sự nhiễu dân, khám đắc xử tội.
Tư thị.
Quang Hưng, nhị thập niên nhị nguyệt sơ lục nhật."
Dịch nghĩa:
"Dạy Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh đã giữ việc quân lâu ngày, có công trạng, quyền coi huyện Tuy Viễn, Trấn An Biên rằng:
Hãy liệu đem số người trục vào dân xã Bà Thê và các khách hộ thôn phường tòng hành ứng vụ, rồi lấy riêng số nhân dân khách hộ đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn, Đà Niễu, trên từ nguồn Di, lưới tới cửa biển, thành lập địa phận gia cư, khai khẩn ruộng đất hoang nhân tới khi thành thục, nạp thuế như lệ thường.
Nếu vì lo việc mà nhiễu dân, xét ra sẽ bị xử tội.
Nay dạy.
Quang Hưng, năm thứ hai mươi [1597], ngày mồng sáu tháng hai."
Phân tích sắc lệnh trên ta thấy rõ: Công văn của Tổng trấn Thuận Quảng
sai Lương Văn Chánh vào khai khẩn đất Phú Yên1. Với cương vị quyền trông coi huyện Tuy Viễn, Trấn An Biên [vùng sát biên giới cực Nam], Lương Văn Chánh thực hiện việc di dân lập ấp ở trong phạm vi mình quản lý. Vùng Phú Yên ngày nay bấy giờ thuộc huyện Tuy Viễn, trấn An Biên. Rõ ràng đây không phải là sắc lệnh điều Lương Văn Chánh sang một địa phận khác và việc di dân (khách lộ) lập làng xóm trên một phần đất mà ruộng, đất đã bỏ hoang, không trồng trọt (hoang điền, nhàn thổ) đã lâu. Ai bỏ hoang nếu không phải dân Chăm thuở ấy đã lùi về bên kia Thạch Bi Sơn? Và khi đã khai hoang thành thục thì sẽ thu thuế như lệ thường. Muốn thu thuế thì phải lập sổ điền để có căn cứ.
Công việc của Lương Văn Chánh gồm hai giai đoạn mà giai đoạn sau công việc tương tự như chúa Nguyễn Phúc Chu đã giao cho Nguyễn Hữu Cảnh năm 1698.
Công việc của Văn Phong, 13 năm sau đó, chỉ là đánh đuổi người Chăm trở lại xâm lấn, (một sự tranh chấp thường xuyên xảy ra như đã từng xảy ra ở Hóa Châu thời xứ này còn là miền biên viễn) và đã đến lúc thiết lập một đơn vị hành chánh mới trên đất Trấn Biên cũ: phủ Phú Yên.
Việc chọn niên đại 1597 như thế là có căn cứ, có tư liệu chứng thực cụ thể. Sắc lệnh này được con cháu tộc Lương giữ gìn cẩn thận. Đã qua, 410 năm, mà giấy, mực, son tờ sắc lệnh vẫn còn nguyện vẹn!
Việc chọn niên đại 1597 là phù hợp với truyền thống lịch sử, sự ghi nhận công lao của người đã có công khai phá đất Phú Yên hôm nay. Có thể nói đây là một sự kiện độc đáo và duy nhất. Có người có công khai khẩn một làng hay nhiều làng. Đã có người có công khai khẩn một hay nhiều huyện (như Nguyễn Công Trứ) nhưng chưa có tỉnh nào trong toàn quốc lại có một người và chỉ riêng một người được giao nhiệm vụ và đã có công khai khẩn như ở Phú Yên. Công ấy, chức ấy (quan Trấn Biên) đã được khẳng định từ năm 1689 với sắc phong năm Chính Hòa thứ 10 và các năm 1693 (Chính Hòa thứ 14), 1740 (Vĩnh Hựu năm thứ 6), 1744 (Cảnh Hưng năm thứ 5), 1767 (Cảnh Hưng thứ 28), 1822 (Minh Mạng năm thứ 3), 1843 (Thiệu Trị năm thứ 3) (Hai sắc phong thần), 1850 (Tự Đức năm thứ 3), 1880 (Tự Đức năm thứ 33), 1887 (Đồng Khánh năm thứ 2) và 1909 (Duy Tân năm thứ 3) - nghĩa là xuyên suốt 4 thế kỷ.
Tam quan lăng Lương Văn Chánh lúc chưa được trùng tu
Suốt từ các chúa Nguyễn rồi đến các vua Nguyễn đều ghi công bảo quốc, hộ dân của quan Trấn Biên Lương Văn Chánh.
Suốt 4 thế kỷ, Lương Văn Chánh được cả đời chúa, rồi các đời vua ghi nhận công lao bảo quốc hộ dân. Tôn danh Lương Văn Chánh Tiền Trấn Biên quan tham tướng Phù quận công Lương Quý Phủ luôn luôn được nhân dân ghi nhớ và được xem là thần hộ mệnh cho nhân dân Phú Yên chỉ sau thần bản mệnh của dân tộc Chăm là Thiên Y A Na Diễn Phi (Po Nagar).
Người khai phá đất Phú Yên ngày nay tồn tại trong tinh thần và tâm linh người dân Phú Yên suốt từ 1597. Có được một niên đại cụ thể, có được một tư liệu chứng cứ còn nguyên vẹn hơn bốn thế kỷ, có được một nhân vật đã được phong thần bảo quốc hộ dân liên tục qua các triều vua chúa, có được một ngôi mộ còn nguyên vẹn và đã được xây dựng lại đàng hoàng, một nhà thờ tồn tại qua bao nhiêu thử thách... tôi nghĩ đó là điều hạnh phúc cho nhân dân Phú Yên và việc chọn niên đại 1597 để xác định mốc thời gian hình thành đất Phú Yên, tỉnh Phú Yên hôm nay là phù hợp với truyền thống, phù hợp với lịch sử và lòng người.
Trần Viết Ngạc
Thành phố Hồ Chí Minh
[ Trở Về ]