Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

 
NỮ TƯỚNG THỜI TRƯNGVƯƠNG
Truyện dã sử

Nguyễn Khắc Xương

PHƯƠNG DUNG

NỮ TƯỚNG

Trang Vĩnh Tế huyện Lang Tài có Nguyễn Trát vũ dũng và ngang tàng nổi tiếng. Nhà Nguyễn Trát đã bốn đời là dân cày thuê, đất một thước một tấc cũng không có. Tới Nguyễn Trát cũng chỉ có một chiếc khố và hai bàn tay trắng, mồ côi bố mẹ từ nhỏ, tự kiếm lấy mà ăn.

Nguyễn Trát mày rậm mắt tròn, miệng rộng mặt vuông, mỗi bữa ăn hết một đấu gạo, ăn bằng ba người, cày bằng mười người, nên nhà giàu nào cũng muốn giữ Trát ở với mình. Trát không chịu ở đâu lâu, mỗi vụ một nơi, chỉ cần được ăn no, không bao giờ bận tâm tới chuyện vườn ruộng vợ con này nọ.

Trát rất khỏe, vác chiếc cối đá lớn, miệng rộng ba gang tay đi ba vòng quanh sân đình mà nét mặt vẫn không thay đổi. Tính nết Trát cũng khác thường, thấy việc gì trái mắt là tóc dựng lên không chịu bỏ qua, tuy thân phận là tôi tớ nhưng chưa bao giờ chịu chắp tay cúi đầu với ai bao giờ.

Một hôm, Trát đang cày vỡ thấy dân làng xôn xao, bèn bỏ cày về, thì thấy cường hào họ Đặng cậy thế giặc Hán bắt hiếp vợ người ta, đang thét bọn gia nhân lôi kéo một thiếu phụ xinh đẹp đầu tóc rũ rượi. Người làng chỉ kêu gào mà không ai dám cứu gỡ cho người đàn bà. Người chồng bị trói vào gốc cau, bị đánh đập đến nát da chảy máu. Nguyễn Trát lập tức trợn đôi mắt hổ, duỗi cánh tay vượn nắm lấy cổ cường hào họ Đặng nhấc lên rồi dầm đầu hắn xuống đất. Cường hào họ Đặng chết tươi. Từ đó, Trát phải bỏ làng.

Nhân năm đói kém, Trát họp dân đói được mươi người nổi lên đánh cướp các nhà cường hào cho thỏa lòng căm tức. Trát thường cắm cây sào tre mà đu mình vào cướp phá các trang trại, không kể gì hào rộng luỹ dày. Bữa ăn, kẻ giàu thì ngồi xếp chân bằng tròn, người nghèo thì ngồi xổm, riêng Trát bao giờ cũng chân duỗi chân quỳ mà ăn, vì thế hơi động là trở tay đánh đỡ ngay được. Có lần Trát bị đuổi tới một con ngòi rộng, Trát vỗ đùi nhảy qua nhẹ như chim liệng. Dân đói theo về với Trát mỗi ngày một đông. Huyện quan là người Hán nhiều lần vây đánh Trát nhưng cũng không dẹp nổi.

Huyện quan sợ để Trát hoành hành mãi thì mình cũng bị mất chức mới tìm cách chiêu dụ Trát.

Vùng vẫy được hơn hai năm, Trát đã có thanh thế. Nhưng cứ lang bạt mãi cũng không được, nhân dịp huyện quan chiêu dụ, Trát xin khẩn đất hoang mở trang trại bên sông.

Trát lấy một người con gái ở Cối Giang làm vợ, xây dựng cơ nghiệp, nghiễm nhiên trở thành một hào trưởng ở huyện Lang Tài. Vợ chồng Trát sinh được ba trai khôi ngô tuấn tú, Trát đặt tên là Nguyễn Tất, Nguyễn Hiển, Nguyễn Minh. Tuổi ngoài năm mươi, Trát lại sinh được một cô gái út đặt tên là Phương Dung. Vợ chồng Trát yêu quý nâng niu Phương Dung như hòn ngọc trên tay. Phương Dung càng lớn càng đẹp, hay lam hay làm, không ai là không mến.

Trát từ khi mở trang trại, càng nung nấu cái chí chuyển lay thời thế, mới chiêu mộ dân lưu tán, những người tù tội được về, những kẻ ngang tàng từng chọc trời quấy nước, những người giỏi nghề đấu gậy, nghề đánh khiên, những người bị cường hào áp bức mà phải bỏ làng, những người có nợ máu với giặc Hán. Nhà Trát kẻ ra người vào rậm rịch. Oai danh Trát mỗi ngày một lớn. Kẻ nào đi ra ngoài mà tự xưng là người nhà của Nguyễn công ở Vĩnh Tế thì ai cũng phải nể, kẻ có quyền thế cũng không dám hà hiếp. Mỗi khi Trát đi chơi, cưỡi con ngựa lông tía cao lớn, ba con trai mang đao cưỡi ngựa đi theo, đàn chó dữ lực lưỡng chạy giỡn bên chân, ai trông thấy cũng phải tránh. Bọn cường hào tuy căm ghét Trát nhưng vẫn sợ, lại lấy việc được Trát đén nhà chơi làm hãnh diện.

Tô Định nghe tiếng Trát rất lo ngại, bèn gọi cho Nguyễn Trát một chức quan nhỏ coi việc đốc phu trong thành thái thú. Trát từ chối, rồi nói với các con rằng : " Con cáo già muốn xích chân ta đây ! ". Từ đó, Tô Định càng để ý tới Trát và sức cho huyện quan phải luôn luôn giám sát Trát, và năng đi lại thăm hỏi cho Nguyễn Trát yên tâm khỏi nghi việc kia, sau rồi sẽ tìm dịp diệt Trát cho dứt mối lo.

Nguyễn Trát xuất thân là người dân cày bị hà hiếp nên biết thương yêu những người cùng khổ và thường nhắc nhở các con không được quên gốc. Vì thế, các con Trát không chỉ thạo côn quyền, giỏi đao kiếm mà việc cày bừa thổ mộc ba anh em Tất, Hiển, Minh cũng thành thạo không chịu kém ai. Phương Dung là người có hoa tay, đan đồ rất khéo, quán xuyến việc nhà, vào các ngày mùa lại cùng các chị em người làm đi cấy gặt...

Năm ấy được mùa, cánh đồng tháng mười vàng rộn lúa mới, tấp nập người gặt hái. Phương Dung mặc váy ngắn đi gặt với chị em, chỉ khác chị em cùng gặt có chiếc yếm bằng lụa màu hoa đào. Lưỡi liềm nàng sáng như bạc, cong như mặt trăng mồng sáu, mảnh như mặt trăng mồng ba. Nàng đưa liềm như múa, lúa chất đằng trước, lúa rước đằng sau, lúa múa lao xao dưới tay nàng rồi nằm xuống nghỉ bên chân nàng. Nàng làm không biết mệt, gặt không biết mỏi, nàng nói nàng cười như con chim khuyên, con chim sẻ, nàng bé người mà tươi xinh và cả đồng lúa ngày mùa vui lên hơn nhiều vì có nàng gặt hái.

Nhưng kìa, một đoàn người nhốn nháo đi trên đường qua khoảnh ruộng Phương Dung và các bạn nàng đang gặt. Tên thủ bị người Hán vênh váo trên mình ngựa lấc láo nhìn ngang nhìn ngửa. Những tên lính Hán tay đao tay gậy lăng xăng lôi kéo hơn chục người Việt, trai có gái có. Họ cố chống lại bọn lính nhưng không nổi vì đều bị trói thành một xâu.

Phương Dung vụt chạy lên đường, đuổi theo tên lính Hán, giật chiếc roi từ tay nó và cầm lăm lăm trong tay mình.

Vụt, vụt, vụt, chiếc roi mềm bằng song đầu bít đồng hình đầu rắn ba cạnh từ tay Phương Dung quật như mưa vào tên lính. Bọn lính tức giận múa đao xông lại vây lấy Phương Dung. Chị em ở khắp cánh đồng hàng chục người cầm liềm và đòn gánh chạy ùa tới. Tên thủ bị quát tháo cả bọn lính lẫn những người đi gặt đang xúm lại mỗi lúc một đông.

Mọi người vây kín lấy những tên giặc. Những người bị trói đã lẩn đi từ lúc nào cũng không ai để ý.

Phương Dung múa ngọn roi. Cả bọn lính gần hai chục tên không cự nổi với người con gái mười sáu tuổi, lùi lại và hét như bầy chó dại.

Tên thủ bị loay hoay trên mình ngựa, bực tức vì mọi người xúm quanh làm nó không có đất dụng võ. Nó cố lia đao gạt mọi người lui ra rồi chỉ đao vào mặt Phương Dung mà quát : " Con kia, mày không sợ tội chết cả ba họ à ? Con gái nhà nào ? ". Có tiếng ai đó cất lên rắn rỏi : - Con gái út của Nguyễn công ở Vĩnh Tế đấy !

Thủ bị gườm mắt nhìn Phương Dung.

Phương Dung quắc mắt nhìn lại.

Hắn cúi đầu rồi thét bọn lính rút về huyện sở.

*

* *

Một trăm làng mạn ngược, một nghìn làng mé xuôi đều biết tiếng Nguyễn công giàu mạnh. Bãi giữa sông ngô mọc san sát như lau, khoai mọc xanh rờn như cỏ, những cánh đồng cò bay mỏi cánh. Buổi chiều trâu tắm chen chật bến, con trai con gái đi về chật đường. Nhà Nguyễn công có một trăm nồi đồng, mười bộ chiên đồng, trống cái trống con hàng chục chiếc. Người tứ xứ đổi chác hàng hoá thuyền lớn thuyền nhỏ đậu ngoài bến nhiều như ngỗng như ngan.

Trong vòng trăm dặm trở ngược, trăm dặm đi xuôi, không một hào trưởng nào hùng mạnh như Nguyễn công. Năm bố con Nguyễn công đều hùng dũng. Người người đều biết đó là năm con hổ dữ ở rừng đại ngàn tìm về đây, là năm con đại bàng bay lượn chán trên những đỉnh núi cao chạm trời bây giờ tới chọn vùng đất này để nghỉ. Những người mẹ đều ao ước đẻ được con trai như ba anh em họ Nguyễn, sinh được con gái như nàng Phương Dung.

Ba anh em trai giống nhau như đúc một khuôn và đều cường tráng tuấn tú. Phương Dung như vầng mặt trời buổi sớm, như con trăng treo đêm rằm. Cổ nàng đeo vòng bạc, tay đeo vòng vàng. Cổ nàng trắng nõn như hoa huệ, cánh tay nàng nuột nà như ngó sen. Tóc nàng thả xuống dài chấm gót chân, mềm và óng như lụa như tơ. Tóc nàng búi lên cài trâm bạc trâm đồng, tròn trặn như quả bưởi.

Nàng đẹp vàkhéo chân khéo tay. Nàng đan nong đan nia, đan rổ đan rá, ngón tay búp măng đưa thoăn thoắt. Nàng xếp lá đan nón. Nón nàng đan ai đội cũng thấy nhẹ như đội mây, nắng phải trốn mưa phải tránh.

Một hôm Phương Dung cùng mẹ về thăm quê ngoại để sửa lại phần mộ tổ tiên và viếng họ hàng. Quê ngoại Phương Dung ở bên sông Cối, một làng nhỏ vừa làm ruộng vừa chài lưới. Khi ra đi, Phương Dung nói với anh trai là Nguyễn Minh rằng : " Em theo hầu mẹ về thăm quê quán ông bà ta, anh ở lại trông nom bố cho cẩn thận vì tính nết bố nóng nảy không biết chịu nhịn, lại hay rượu. Anh hãy luôn luôn ở bên cạnh bố. Anh cười rằng : " Ôi, em gái sao lo nhiều như vậy. Em cứ về quê đôi mươi ngày hoặc cả một mùa ba con trăng nữa và khi em trở lại đây thì đình làng ta đã dựng xong rồi đấy ! ". Hai anh em vui vẻ chia tay nhau.

Ôi dòng sông quê hương đẹp thay ! Dòng sông mát rượi đậm đặc phù sa như một dải lụa đào nàng tiên nào lỡ để rơi trên mặt đất. Phương Dung yêu dòng sông quê ngoại, vì nàng sinh ra ở đây và dòng sông tắm mát tuổi thơ của nàng. Phương Dung yêu dòng nước xuôi nhiều, sóng nước rì rào với làn gió lao xao hương lúa, là những cánh buồm mở ra như cánh bướm khổng lồ chẳng biết từ đâu đến và sẽ đến đâu.

Lần này, về quê, nàng lại gặp lại Đào Kỳ, người bạn trai từ hồi còn nhỏ tuổi. Nàng ngạc nhiên khi thấy Đào Kỳ đã là một chàng trai đẹp đẽ cũng như các anh nàng và cũng khỏe như thế. Nhìn ánh mắt và nét mặt Đào Kỳ nàng hiểu rằng chính Đào Kỳ cũng ngạc nhiên khi thấy người bạn gái đã lớn bằng này.

Lâu ngày không gặp nhau, nhưng lần này họ nói với nhau ít và khi Đào Kỳ mời trầu Phương Dung thì tự nhiên nàng thấy mặt nóng bừng. Đào Kỳ giản dị và chân thực tiếp Phương Dung tại túp lều nhỏ của mình bên sông Cối.

Đào Kỳ ở một mình trong túp lều tre rụng đầy mái và gió sông đầy gian. Lều chỉ có một chiếc chõng tre và vài tấm lưới gai với những chiếc lao cá và cần câu. Đào Kỳ không phải người quê đây. Bố mẹ chàng tránh loạn lạc rồi bỏ trang Nông Cống huyện Lương Giang phủ Thiện Thiên, quận Cửu Chân lần ra ngoài này. Hai ông bà già sống cực khổ vài năm thì qua đời. Đào Kỳ mồ côi cả bố lẫn mẹ, từ năm mười tuổi đã phải tay làm hàm nhai. Phương Dung nghỉ chắc chàng không được học chữ đã đành mà hẳn chàng cũng chẳng được biết một miếng vật, một đường đao. Phương Dung thương Đào Kỳ vì thấy chàng trơ trọi và nghèo khổ.

Phương Dung muốn Đào Kỳ về với bố và các anh mình. Đào Kỳ vội vã lắc đầu.Chàng sống như con chim trời, con cá nước, sống thế quen rồi.

Nửa tháng qua, Đào Kỳ, Phương Dung càng thương nhau và Đào Kỳ thấy buồn khi Phương Dung sắp theo mẹ về Vĩnh Tế.

...Tiếng sấm xuân rền vang trên bầu trời chồng chất mây đen. Chiều cuối xuân oi bức ngột ngạt rồi mưa trút xuống. Phương Dung lo ngại vì mẹ lại vừa bị mệt, còn nàng cũng cảm thấy trong dạ bồn chồn. Nàng không chớp mắt khi nghe tiếng sét nổ tung trên đầu nhưng nàng thấy lo lắng, ngồi đứng không yên.

Bỗng cửa bị xô mạnh mưa gió thốc cả vào nhà...Ông cậu và Đào Kỳ bước vội vào, liền theo sau là một người mái tóc hoa râm : ông Nguyễn, người hầu thân tín nhất của bố nàng !

*

* *

Bảy ngày đã qua...mẹ Phương Dung chỉ nằm khóc, nước mắt ướt hết chiếu giường, và bà tắt thở trong nước mắt. Phương Dung không khóc nữa vì nàng đã khóc cùng mẹ nhiều rồi. Nàng lau nước mắt cùng họ hàng bên ngoại chôn cất mẹ.

Giờ đây, nàng cũng như Đào Kỳ. Bố và các anh nàng đã mất rồi. Bố mẹ, các anh nàng, cả cơ nghiệp nhà nàng, tất cả không còn gì nữa, vụt tan đi như áng mây. Bây giờ thì nàng cũng như Đào Kỳ, cũng mồ côi cả bố mẹ, cũng chẳng còn anh em, cũng một thân một mình như Đào Kỳ. Có khác chăng là nàng vẫn còn chỗ dựa là họ hàng bên ngoại.

Lòng nàng sôi sục căm thù. Nàng nhớ thương bố mẹ và các anh vũ dũng của nàng. Nàng cũng nhớ tới hàng trăm con người nghèo khổ đã theo bố nàng cùng nhau xây dựng nên một cơ nghiệp giàu có. Tất cả đều tan tác hết sau đêm Tô Định vây đánh với hàng trăm quân từ phủ thái thú kéo về, với tất cả bọn tay sai cường hào ác bá trong huyện Lang Tài.

Đêm lửa và máu. Đêm ấy những người anh hùng còn đang mê mệt trong giấc ngủ nồng hơi rượu của cả ba ngày tiệc mừng khởi công làm đình, sau ba ngày hội lớn có đủ mặt từ viên huyện quan người Hán cho tới các hào trưởng trong vùng. Những người anh hùng vô tư không hề đề phòng, và trong đêm thứ ba, đao của họ bị nhấc đi, khiên của họ bị giấu đi, hàng trăm tên giặc Hán cùng bọn cường hào ồ ạt, hùng hổ, hò hét khoa đao chém giết, hãm hiếp, đốt phá...

Ông Nguyễn nước nước mắt tràn đầy má nói với Phương Dung :

- Ôi nàng Phương Dung ! Dân làng và bao người cực khổ khác trông chờ nàng, vì nàng là người anh hùng duy nhất còn lại của nhà Nguyễn công. Hãy trả thù !

Đào Kỳ chống sào đẩy thuyền đưa Phượng Dung và ông Nguyễn rời khỏi làng Cối nhỏ nghèo, trốn tránh sự truy lùng của Tô Định vì tên này biết rằng Phương Dung còn sống là còn nguy hiểm đối với bọn nó hơn cả Nguyễn Trát và các con của Nguyễn.

Trước khi con thuyền rời bến, ông cậu nói với Phương Dung và Đào Kỳ :

- Nếu các cháu thương nhau, các cháu hãy hứa hôn với nhau và có thể sống với nhau như vợ chồng. Phương Dung hãy nhận ông Nguyễn là bố, ba con ông cũng bị giặc Hán giết cùng với ba anh của cháu đó.

Từ đấy, những người trốn tránh sống trong sự che chở của dân làng quê ông Nguyễn.

Một hôm Phương Dung nói với bố nuôi :- Bố hãy đi tìm những người biết múa đao đánh gậy ở trại ta còn sống sót, tìm những người mang khăn tang trên đầu và mối thù giặc trong lòng, đi tìm những ấy và nói với họ hãy tập hợp lại, theo về với Phương Dung !

Phương Dung lại nói với Đào Kỳ :- Chàng khỏe và khôn ngoan, nhưng muốn trả thù nhà, chàng phải biết múa khiên như anh ba và múa gậy cũng giỏi như anh hai mới được.

Từ đấy, Phương Dung dạy Đào Kỳ múa roi đánh kiếm, bày cho Đào Kỳ cách chống sào mà nhảy như bố mình, bày cho Đào Kỳ múa khiên và đao như các anh mình.

Sau đó hai người lại tập luyện với trai làng, gái làng. Chỉ có vài ba chục người, vì đấy cũng chỉ là một làng nhỏ nhoi, hẻo lánh. Họ tập kín đáo với nhau, và cánh đồng chiêm mênh mông nước với lũy tre làng dày đặc đã che chở cho họ.

Những anh hùng của Trưng nữ chủ không nén nổi xúc động khi gặp những người mới đến. Những người này nghiêm trang nhìn về phía trước, chờ đợi Trưng nữ chủ xuất hiện.

Khi Trưng nữ chủ bước tới khoan thai và tươi cười, họ đều chắp tay cúi đầu làm lễ và chủ tướng của họ vội quỳ xuống, thế là họ đều quỳ cả xuống theo.

Hai trăm người mới đến ấy đều chít khăn tang trắng, quần áo bụi bặm. Chủ tướng của họ là một đôi trai gái xinh đẹp như hai quả đào tơ nở đôi bên nhau.

Phương Dung, Đào Kỳ và ông Nguyễn đã cùng hai trăm tráng sĩ tìm đến với Trưng nữ chủ và họ mang khăn trắng để tỏ rằng họ đều có nợ máu và họ quyết sống mái với kẻ thù.

Trưng nữ chủ đưa tay đỡ ông Nguyễn và vợ chồng Phương Dung, Đào Kỳ đứng dậy, miễn lễ cho các tráng sĩ của Phương Dung.

Khi được biết cả hai là một đôi bạn mồ côi, không còn anh em bố mẹ, Thiều Hoa và Vĩnh Hoa đều khóc, còn Bát Nạn và A Nàng thì nhớ ngay đến mối thù của mình. Lê Chân và Hồ Đề nương cũng không cầm được nước mắt. Xuân nương, nét mặt nghiêm trang, bước tới cầm tay Phương Dung nhẹ nhàng nói :

- Em chớ khóc. Chị đây cũng bị Tô Định giết bố và các anh. Nàng Nội ở Phong Châu cũng vậy và còn nhiều người khác nữa mà em sẽ biết. Thù với giặc đâu phải chỉ riêng em.

Nói đoạn, nàng nhìn đoàn tráng sĩ khăn trắng và vẫn nói với giọng dịu dàng :

- Những người đến đứng dưới cờ của Trưng nữ soái đều là những người bị áp bức, nung nấu thù sâu với giặc nước. Cứu nước và giành lại tự do cho nhân dân đó là ý chí của chúng ta khi theo về với Trưng nữ chủ, vợ goá của Đặng công Thi sách.

*

* *

Trống trận nổ, như sấm như sét, trống trận ngày đêm rung trời động đất, gầm lên như tiếng núi đổ, rền vang đi khắp nơi. Thành Luy Lâu này tiếng trống vang đi xa mãi tới những rừng đại ngàn và làm nổi sóng bể cả, nơi mặt trời ẩn náu.

Tù và rúc lên trong hang sâu, như gầm bão cuốn đổ tất cả trên đường đi, inh ỏi đêm ngày.

Người đông như kiến, nhiều như ong, kiếm và giáo san sát như lau lấp lánh loáng lên, khiên đồng sáng xoay tròn làm cát bụi bốc lên mù mịt. Mũi tên lòe sáng bay vun vút dày đặc như đàn châu chấu và những con chiến mã chồm lên hí vang, bờm tung trước gió !

Một vạn chiến sĩ cùng với hàng trăm tướng anh hùng, trai có gái có, già có trẻ có, đánh tan tác quân thái thú Tô Định, Tô Định lui về cố thủ ở trong thành, sau hàng rào chông, sau bức tường thành cao vút lởm chởm giáo và nỏ.

Tên từ trên bắn xuống, tên từ dưới bắn lên. Đá từ mặt thành đổ xuống ầm ầm. Thành Luy Lâu quân còn đông, lương thực còn nhiều, vách cao hào sâu, Tô Định cố giữ chờ quân viện từ phương Bắc xuống và từø các trấn mạn bể tiến về.

Vây đánh mười lăm ngày ròng rã mà đoàn quân Việt vẫn không phá nổi thành, không hạ nổi Luy lâu !

Trưng nữ soái hạ lệnh chia các tướng giỏi đi đánh phá các huyện thành mạnh của giặc để làm tan nguồn quân viện, Lê Chân quét giặc ở các trấn miền Đông, Quỳnh Hoa,Quế Hoa cầm quân tuần tiễu. Một số tướng khác đi về các địa phương mộ thêm quân, lấy thêm lương để vây phá Luy Lâu cho bằng được.

Trống trận vẫn nổi ầm ầm. Tù và rúc đêm ngày. Các chiến sĩ Việt hăng hái xông lên, dùng thang tre, thang mây tìm lối vào thành.

Thành Luy Lâu cao bằng tầm cây tre, dày bằng tầm cây nứa, đá xếp như áo giáp. Hàng nghìn quân đứng trên thành đổ cát và đá, ném lửa, bắn tên, phóng lao xuống dưới.

Trưng nữ chủ hạ lệnh ngừng phá thành trong ba ngày và họp với các tướng bàn mưu kế.

*

* *

...Bể lặng sóng yên, đất cũ về một mối, non sông hết bóng giặc thù, Đào Kỳ được phong trấn thủ huyện Đông Ngàn, và Phương Dung phong tước Công chúa, cùng chồng chăm lo mọi việc trong quận hạt. Huyện thành được xây dựng ngay nơi thành cũ Cổ Loa của An Dương Vương xưa, trên mảnh đất gọi là làng Ốc. Chính quyền đô hộ Hán chỉ đặt ở đây một một đồn quân. Vợ chồng Đào Kỳ về sửa lại thành quách, lập dinh sở, mở đường làm cầu. Loa thành lại trở thành một nơi đô hộ đông vui. Ngày qua tháng tới, ba năm liền được mùa, dân no, làng vui, những thôn xóm mới mọc lên, dân huyện Đông Ngàn đều ca ngợi vợ chồng quan trấn thủ hiền từ và chăm sóc tới dân.

Bấy giờ giặc Hán là Mã Viện lại kéo sang uy hiếp vùng biên giới. Biết Mã Viện là một danh tướng của triều Hán, Trưng Vương cho lệnh gọi hai vợ chồng Phương Dung, Đào Kỳ về triều, truyền rằng : " Biên giới phải có tướng tài lên chặn giặc. Nay ta giao các ngươi đem quân bản hộ lên tới trấn Lạng Sơn lấy quân trấn cùng nhau ra sức chống giặc ". Hai vợ chồng Phương Dung, Đào Kỳ hăng hái lĩnh mệnh ra đi.

Hai tướng đánh với giặc bảy trận trong ba ngày, giặc phải bỏ đường Lạng Sơn mà chia làm nhiều đạo mới tiến được sâu vào nội địa. Giặc hợp quân ở vùng Bắc sông Đuống chính là vùng trấn thủ của Đào Kỳ. Vợ chồng Đào Kỳ, Phương Dung nóng lòng được trở về đánh giặc ngay trên đất quê hương. Trưng Vương không cho lệnh gọi về. Hai vợ chồng đành nắm quân chờ để chặn đánh giặc khi chúng bị quét phải rút chạy về biên giới.

Quả nhiên giặc vấp phải sức kháng chiến quyết liệt của quân dân Việt đã phải rút về phía Bắc. Hai tướng chặn đánh. Giặc cắm đầu, quẳng giáp mà chạy. Trưng Vương cho lệnh hai tướng vẫn đóng lại ở Lạng Sơn.

Lần thứ hai, giặc tràn sang. Trưng Vưong thua, lệnh cho Phương Dung, Đào Kỳ về mở mặt trận Bắc sông Đuống để gỡ thế nguy. Hai vợ chồng đem quân về cứu. Vua lúc đó đang bị khốn ở vùng Lãng Bạc. Trưng Vương rút về Cẩm Khê. Nhiều trận đánh lớn diễn ra ở vùng Bắc sông Đuống. Có lần Phương Dung, Đào Kỳ cưỡi ngựa sóng nhau đứng trên đồi cao nhìn thế giặc đóng quân kéo dài từ đồi nọ tới lũng kia, giáo dựng tua tủa, cờ xí rợp trời, trông chẳng khác một con rắn hoa đang trườn mình, mà không biết chủ tướng giặc đóng ở chỗ nào. Hai người nhìn ngắm một hồi rồi bảo nhau cứ giữa trận mà đánh, bèn ruỗi ngựa xuống đồi, quân bốc theo sau, múa giáo huơ đao. Chẳng ngờ quân ta vừa xô nhau vào giữa trận thì từ hai đầu trận giặc cuộn lại vây chặt hai tướng Việt vào giữa. Giặc dồn đến lớp lớp đan dày, tiếng chiêng, trống, tiếng la thét vang trời. Quân của Đào Kỳ, Phương Dung bị chia ra từng mảnh, không còn sức mạnh nữa. Hai tướng biết mình lầm lỡ, cố sức mở đường máu tìm lối ra, vợ một nơi, chồng một ngả đều đã bị thương nặng.

Đào Kỳ bị tướng giặc khua đao chém ngang sườn, máu vọt ra ướt hết cả áo giáp. Đào tướng quân cắt mảnh đai áo buộc vết thương rồi phóng ngựa ra khỏi trận. Lúc ấy quân tan tướng lạc, tướng quân một mình một ngựa phóng đi, chạy tới một gốc đa lớn bèn gò ngựa lại. Dưới gốc đa có một bà lão đang quét lá. Đào tướng quân cất tiếng chào hỏi : " Bà cụ quét lá làm gì đó ? ". Bà già đáp : " Lão quét lá về nấu nước ". Đào tướng quân lại hỏi : " Đây là nơi nào ? " Bà cụ đáp : " Đào tướng quân, đây chỉ cách ba dặm là tới dinh cơ của tướng quân ở trong thành nội kia, tướng quân quên rồi sao ? ". Đào tướng quân xuống ngựa, lúc ấy bà lão mới biết Đào Kỳ bị thương nặng, sợ hãi hỏi : " Tướng quân ơi, thế ra quân ta thua to rồi sao ? Còn nữ chủ tướng đâu ? ". Nói rồi bà nắm lấy tay Đào Kỳ, ứa nước mắt khóc.

Đào Kỳ ngửa mặt lên trời, kêu to một tiếng. Lá rụng rào rào, gió ào ào thổi, một đàn quạ từ đâu tới liệng thành vòng. Đào Kỳ ngã xuống, mũi đao cắm phập xuống đất. Bà lão phục cạnh Đào tướng quân mà khóc.

Phương Dung phá được vòng vây, cùng vài bộ tướng phóng ngựa tìm về Loa thành. Chợt thấy xa xa có bầy quạ lượn đen, tiếng quạ kêu dữ tợn, Phương Dung hồi hộp trong lòng, phóng ngựa chạy thẳng tới nơi. Thấy xác chồng nằm trên đất, đao cắm bên mình, nàng bèn nhào xuống ôm lấy chồng, ngất đi. Bà lão và các tướng gọi hồi lâu, nàng tỉnh dậy, liền nâng lưỡi đao của chồng trên tay, than rằng : " Quân tan tác hết rồi, chúa mất, chồng cũng mất, ta còn sống sao được nữa ! ". Các tướng chưa kịp can thì Phương Dung đã gục xuống, máu đỏ đao báu. Mọi người đào đất đắp mộ cho đôi vợ chồng anh hùng ngay dưới gốc đa. Hai ngôi mộ của đôi vợ chồng Phương Dung, Đào Kỳ nằm sóng bên nhau dưới bóng rợp mát của cây đa cổ thụ.

Hôm đó là ngày mười sáu tháng tám năm Quý Mão (1).

1. Viết theo tài liệu của Vũ Tuấn Sán có dịch thơ cổ và câu đối để vịnh Phương Dung, Đào Kỳ, xin được giới thiệu như sau :

" Sinh vi tướng, tử vi thần

Vạn cổ cương thường hệ thử thân

Loa địa song đôi thu nguyệt ảnh

Anh hùng liệt nữ tướng quân phần "

Dịch :

" Sống làm tướng giỏi, chết làm thần

Muôn thuở cương trường nặng tấm thân

Đôi nấm thành Loa trăng chiếu sáng

Hào kiệt anh thư mộ tướng quân ".

Câu đối :

" Vi lý Phục Ba thi, loan giá lâm lưu không ẩm hận. Bất Tiên Trấn giáp, Loa thành quy mã thượng trì thanh ".

Dịch :

" Chưa bọc xác Phục Ba, sống cảnh xa loan còn vang uất hận. Chẳng rời giáp Tiên Trấn, ngựa về thành Ốc vẫn vọng âm thanh ".