Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

NỮ TƯỚNG THỜI TRƯNGVƯƠNG
Truyện dã sử

Nguyễn Khắc Xương

QUÁCH A

TIÊN PHONG TẢ TƯỚNG

Bên sông, ngã ba Bạch Hạc, một xóm nghèo với những túp lều nhỏ nằm nép bên bìa rừng, sau lưng là cây, trước mặt là sông. Những người dân xóm nhỏ buông lưới quăng chài kiếm cá, được cá nhỏ họ đổi lấy gạo ăn, cá to còn phải nộp quan đô hộ.

Xóm ấy có nhà họ Quách, hai ông bà đã cao tuổi mới sinh được một gái nên quý như viên ngọc trên tay, đặt tên là nàng A.

Thuở ấy nhà Đông Hán cai trị nước ta, nhân dân Âu Lạc trăm chiều cực khổ. Bọn quan lại lính tráng nhà Đông Hán ngang ngược hoành hành thu về trong tay chúng biết bao của cải của dân ta, hiếp đàn bà con gái, đánh đập người trẻ người già, cả nước đều oán giận.

Dân xóm nhỏ ở bìa rừng bên sông cũng khổ về quan lại Đông Hán. Chúng bắt nộp cá nộp củi, đi xâu đi phu. Con gái có nhan sắc phải buông tóc xõa, bôi lá bôi than lên mặt để giấu sắc đẹp. Cả xóm sống cực nhục. Cả xóm căm thù bọn giặc cướp nước.

Quách A không chịu buông tóc che mặt, bôi lá giấu mặt. Ngày ngày Quách A dăng lưới thả chài, bắt được cá to giấu đi dành cho bố mẹ. Bọn lính Hán tuần trông sông bến nạt nộ. Chúng nói : " Một hai năm nữa, chúng ta sẽ bắt con bé này nộp quan lấy thưởng ".

Quách A muốn giết hết bọn giặc Hán cho dân được hồ hởi làm ăn, cho con trai không phải trốn tránh, con gái không phải giấu mặt. Hỏi các người già cách đuổi giặc, các người già lắc đầu, hỏi các bạn trẻ, các bạn trẻ không biết trả lời thế nào. Và ngày ngày Quách A vẫn quăng chài lưới cùng bố mẹ nhưng bụng Quách A không ở cái lưới con thuyền. Quách A nghĩ cách đuổi giặc nước.

Khi Quách A mười sáu tuổi, bố mẹ đều chết. Lo việc tang lễ bố mẹ xong, Quách A bèn gọt hết tóc. Cả xóm tiếc mái tóc xanh dài, phủ kín lưng của Quách A, mắng Quách A là nhút nhát. Quách A nói : " Con không giấu sắc đẹp đâu. Con chào các già, chào dân làng, con đi tu đây ! ". Cả xóm đều tiếc nhớ và khuyên can Quách A không nghe, bỏ nhà, bỏ xóm, bỏ lưới, bỏ thuyền mặc áo nâu chít khăn nâu ra đi.

*
* *

Đi hết vài tuần trăng, qua nhiều rừng nhiều bến, nhiều xóm nhiều làng, Quách A tìm về vùng ngã ba Bạch Hạc. Tới một nơi rừng rậm gần sông, cảnh vật hoang vắng, thấy những dân ở đây cũng đánh cá kiếm củi, cũng nghèo khổ như bà con quê nhà, với những túp lều trống trải mọc ở bìa rừng, Quách A bèn nghỉ lại. Nàng hỏi dân làng nơi đây có chùa hay miếu nào không ? Dân làng đưa Quách A đến một tòa miếu cổ ở sâu trong rừng, không rõ được dựng lên từ bao giờ. Dân làng nói : " Nơi đây lâu lắm không có ai ở, mà cũng chẳng ai đi lại, thật là vắng vẻ, vả lại huơu nai vẫn đến, hổ dữ thường về, ni cô ở đây sao được ? ". Quách A không đi nữa, nói với dân xin ngả cây dọn lối, ở lại tòa cổ miếu thắp hương niệm Phật. Dân vừa lạ vừa mừng. Người già và con gái thường đến thăm ni cô.

Ni cô dặn dân làng đừng cho khách qua lại biết miếu có đèn nhang. Dân đã khổ vì cống nạp phu phen cho giặc, lại khổ vì rừng có cọp dữ, sông có thuồng luồng, mới đem các nổi khổ đó nói với ni cô. Ni cô Quách A ở lại đó tu hành, lấy đạo hiệu là Khâu Ni. Khâu Ni tìm thuốc chữa cho người ốm, niệm Phật cầu cho người mất, dân tin và yêu Khâu Ni. Khâu Ni tập hợp con trai con gái dạy cách phóng lao, cách đánh giáo, lại dạy múa kiếm bắn cung, trước nói là để chống thú dữ, sau mới nói chuyện là đuổi giặc. Trai gái tin theo Khâu Ni được vài chục người. Từ Nhật Chiêu trang nơi Quách A tu hành tới quê đẻ Quách A đi chưa hết nửa ngày đường, Quách A giữ mình thật kín không về thăm. Một lần cho người về quê mình, nói chuyện giặc nước hiếp đáp, người làng nghe nói đều nghiến răng chảy nước mắt. Người ấy rủ vài người con trai, con gái đi theo, tới tòa miếu cổ. Gặp Quách A, mấy người đều mừng rỡ. Từ đấy các trang các bản vùng Bạch Hạc đều có người mài kiếm cho sắc, đánh dao thật bén chờ thời cơ.

Một đêm, gió rừng thét rợn người, tòa miếu cổ đóng cửa im ỉm. Trong miếu, ni cô Khâu Ni đang cùng với vài người con gái đầm ấm chuyện trò. Chợt có tiếng hổ gầm vang. Mọi người đều nói là động rừng. Tiếng hổ mỗi lúc một gần. Gió táp tiếng gầm nghe càng rõ sau tòa miếu cổ. Tiếng hổ gầm nghe như đau đớn mà không dữ tợn, lại nghe như tiếng hổ đang quần nát cả cây cỏ sau miếu. Mọi người đều lạ. Khâu Ni đốt đuốc, mở cửa miếu, mấy người con gái cũng theo ra, tay cầm giáo.

Trước ánh đuốc hiện ra một con hổ cái cực lớn, miệng đỏ lòm nhả rớt rãi, thân hình nặng nề quằn quại trên mặt đất. Thấy người, hổ không chạy cũng không vồ, vẫn nằm vật vã. Khâu Ni chợt hiểu bèn nói với hổ : " Ngươi chớ sợ, ta sẽ để cho ngươi yên ổn. Theo đức hiếu sinh của nhà Phật ta đã cứu ngươi, từ nay ngươi không được bén mảng tới vùng này ". Con hổ gầm lên ba tiếng lớn vang động núi rừng, rồi tha con đi.

Từ đó uy danh và đạo đức của Khâu Ni lừng lẫy khắp nơi, các tráng sĩ nức lòng tìm đến, xin được cắp giáo đi theo. Ni cô không giấu mãi tông tích được, bèn dựng cờ tụ nghĩa, cho làm sáu chiếc trải lớn, mỗi chiếc sáu mươi tay chèo để tập luyện thủy quân, lại mở võ trường thi vật, thi chạy, đánh cầu, tập kiếm, chờ dịp nổi dậy.

Trưng Trắc và Trưng Nhị truyền hịch từ Mê Linh đi khắp 65 thành trong nước, kêu gọi các hào kiệt và nhân dân ứng nghĩa cứu nước. Khâu Ni nhận được hịch, phấn khởi vô cùng, sai quân làm một cái trống lớn thân bằng gỗ mít, mặt bịt da trâu, lòng trống người chui vào đi lại không phải cuối đầu. Mỗi lần lực sĩ gõ trống, tiếng như sấm động. Khâu Ni họp các sĩ tốt ở bến sông, lập đàn tế trời đất, nổi trống báo lệnh khởi nghĩa. Dân các trang các động dắt trâu gánh gạo về khao quân.

Các lực sĩ đấu vật, cướp cầu, còn các nữ quân thi bắn cung, đọ kiếm. Bên sông hiện ra một quang cảnh nhộn nhịp khác thường, hùng tráng không kể xiết.

Khâu Ni lệnh cho nổi ba hồi trống, tiếng trống rền vang truyền tới các làng bên sông Thao, sông Đà, tới các bản các động, trống vang tới đâu giáo dựng tới đó. Giặc nghe tiếng trống ngơ ngác bàng hoàng. Khâu Ni lại truyền sắp thuyền trận, dong buồm lớn, cùng các chiến sĩ về Mê Linh yết kiến Trưng Vương. Thuyền sắp hàng một, xuôi dòng mà đi. Trên thuyền thứ nhất để trống lệnh đặt tên là trống Thiên Lôi có 8 lực sĩ hộ vệ. Trên chiếc thứ hai là các nam binh cắt tóc ngắn, bịt khăn xéo. Chiếc thứ ba là thuyền " Soái " dựng ngọn cờ lớn màu vàng viền đỏ, bay tung hai dải xanh và đen, Khâu Ni mặc áo vàng và đỏ, uy nghi ngồi giữa các nữ binh thân tín. Các thuyền sau đều gươm giáo sáng choang. Sáu chiếc thuyền lớn với tám trăm nghĩa quân cùng Khâu Ni về họp mặt với các tráng sĩ cả nước ở Mê Linh. Năm ấy Khâu Ni vừa mười tám tuổi.

Trưng Trắc thấy Khâu Ni đến, cả mừng, dắt tay Khâu Ni cùng duyệt đoàn quân Bạch Hạc, vui mừng khen ngợi, mới phong Khâu Ni làm Tiên phong tả tướng quân, giao cho thống lĩnh quân bản bộ đi đường thủy qua Hát Môn, đến Luy Lâu trước mở đầu trận đánh phá quận trị của Giao Chỉ sào huyệt của thái thú Tô Định.

Sau khi dự tế cờ ở Hát Môn, Thiều Hoa nương ở trang Song Quan bên sông Thao lĩnh ấn Tiên phong hữu tướng dẫn quân bộ thẳng tới Luy Lâu còn Khâu Ni dong buồm cho thuyền xuôi dòng theo Thiều Hoa. Cả hai nữ tướng đều lập được công lớn, đánh tan quân Tô Định mấy trận, vây hãm thành trì không cho giặc chạy thoát, Hai Bà Trưng đem đại quân tới, hết lời khen ngợi các tướng Tiên phong. Nghĩa quân mở trận tấn công, chẳng bao lâu thành Lâu Luy tan vỡ, Tô Định phải bỏ giáp cắt râu quẳng cả ấn tín chạy thoát thân.

Đánh đuổi xong giặc ngoài thống trị, Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, xưng là Trưng Vuơng, phong Trưng Nhị là Bình khôi công chúa. Tất cả các tướng đã theo đuổi giặc cứu nước đều được luận công ban tước. Quách A được phong là Khâu Ni công chúa, được phong đất Nhật Chiêu làm thực ấp. Khâu Ni về Nhật Chiêu, lập đồn lũy, dựng dinh trại, treo trống ở miếu, từ đó miếu có tên là Huyền cổ tự (miếu treo trống).

Khâu Ni mở mang thực ấp, trồng trầu trồng dâu, đắp bờ cấy lúa, được hai năm thì mất1.

______________________________________

1. Nhật Chiêu nơi Khâu Ni tu hành và khởi nghĩa nay là thôn Cựu Ấp xã Liên Châu huyện Yên Lạc, thời Hậu Lê tên là Nhật Chiêu trang, thời Nguyễn đổi là Nhật Chiểu. Ở đây có đền thờ Khâu Ni công chúa, còn đạo sắc phong từ thời Đinh Tiên Hoàng.

Tục truyền rằng khi Đinh Tiên Hoàng đi đánh sứ quân Kiều Công Hãn ở Phong Châu Bạch Hạc, có nghỉ ở Huyền cổ tự, mộng thấy Khâu Ni xuất hiện đến, xin âm phù và tự, xưng là " Chuyển phàm tử Khâu Ni ". Sau khi dẹp xong các sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Tiên Hoàng phong cho Khâu Ni làm thượng đẳng phúc thần, giao cho trang Nhật Chiêu làm hộ nhi giữ việc cúng tế.

Lê Đại Hành năm Thiên Phúc phong " Công chúa huệ gia trinh phục phu nhân ". Lê Thái Tổ cũng có sắc phong, cho kiêng bốn chữ " A nương Khâu Ni ". Khi vua Trần Thái Tôn đánh giặc Nguyên ở sông Lô, nói là Khâu Ni báo mộng âm phù nên sau cũng phong cho Khâu Ni.

Cầu sinh ngày 15 tháng hai, bàn trên cỗ chay.

Cầu hóa ngày 10 tháng chạp, bàn trên cỗ chay.

Kiêng mặc quần áo màu vàng đỏ khi hành lễ vì khi ra quân, Khâu Ni mặc y phục vàng đỏ. Các ngày cầu tế trên có tiệc trâu thui cả con, dân làng và người qua đường không phân già trẻ lớn bé, mỗi người một dao xẻo thịt ăn ngay tại chỗ. Ngày mồng 6 tháng giêng có tục cướp cầu, cướp cờ, bơi trải.


Trở Về   ]