Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
NỮ TƯỚNG THỜI TRƯNGVƯƠNG
Truyện dã sửNguyễn Khắc Xương
THIỀU HOA TIÊN PHONG HỮU TƯ
Động Lăng Xương bên sông Đà có hai vợ chồng Hoàng Phụ và Đào Thị Côn nhà nghèo, kiếm củi và cày thuê cấy mướn độ thân. Hai vợ chồng làm bạn với nhau đã lâu mà chưa được mụn con nào, thường phàn nàn vì cái cảnh vừa nghèo cực lại vừa hiếm muộn.
Một ngày, cả hai vợ chồng qua sông sang núi Tản kiếm củi. Trời đã đứng bóng, hai người xếp củi nghỉ dưới một góc tùng. Đang cơn mệt nhọc lại có gió thổi hiu hiu, hai vợ chồng đều thiu thiu ngủ. Người vợ chợt thấy có một người con gái xinh đẹp từ trong núi bước ra đến bên nghiêng chào hỏi. Người vợ ngắm nghía cô gái, cảm thấy yêu mến vô cùng, nắm chặt tay không nỡ buông. Bà cất tiếng dịu dàng hỏi : " Nàng ở đâu đến ? ". Người con gái khẽ rút tay ra, nói : " Con là con gái của sơn thánh Tản viên, tên là Thiều Hoa. Ông bà có muốn nhận con là con nuôi không ? " Bà âu yếm trả lời : " Ta đâu dám thế, nhưng nếu ta được con, ta sẽ coi con như con đẻ ". Người con gái cười nói : " Bố mẹ để con đỡ gánh củi cùng về nhà ". Cô gái dứt lời bèn xốc gánh củi lên vai bước đi thoăn thoắt chỉ một chốc không thấy đâu nữa. Bà Đào Thị Côn chợt tỉnh giấc, biết là mộng, đem chuyện nói với chồng. Ông cười khà khà mà rằng : " Chẳng qua bà mong quá mà sinh ra rộng mị. Nhưng vợ chồng ta ăn ở hiền lành, thế nào mà chẳng được như nguyện ".
Sau đó, bà Côn sinh được một người con gái tươi đẹp, trông giống như người trong mộng nên đặt tên là Thiều Hoa. Lớn lên Thiều Hoa biết thương bố mẹ tuổi già vẫn còn cực nhọc nên rất chịu thương chịu khó, hay lam hay làm. Thiều Hoa lại có sức khỏe hơn người và rất sáng ý. Từ khi có Thiều Hoa, hai ông bà Hoàng Phụ cũng đỡ vất vả.
Năm lên mười tuổi, Thiều Hoa đã theo người của làng vớt củi lũ sông Đà. Mỗi mùa nước lũ, sông Đà dâng nước mênh mông. Gỗ rừng ngàn ngạt từ thượng du đổ theo dòng nước về xuôi, có những cây gỗ lớn tày ôm, nhiều loại gỗ quý như trò vảy, đinh, lim dồn đuổi chen chúc nhau trên dòng nước đục ngầu. Nước réo vang suốt đêm ngày. Ban đêm, nước réo nghe càng rõ, tiếng nước ồn ã, mênh mông. Mùa lũ sông Đà là mùa vớt gỗ ngàn, ngày vớt gỗ vui như ngày hội. Làng bản đôi bờ đổ thuyền đổ người ra sông vớt gỗ lớn, cây to, còn cây nhỏ cành rều thật chẳng ai buồn nhặt. Hàng trăm chiếc thuyền bơi lượn trên sông. Sống bên sông Đà, Thiều Hoa chèo thuyền mùa lũ thông thạo và khéo léo. Em lái thuyền lách tránh các cây gỗ còn nguyên rễ nghềnh ngàng như muốn níu lấy chiếc thuyền con mà vật chìm xuống nước, lựa thuyền cho bố mẹ em vớt những cây gỗ trôi sát bên thuyền.
Thiều Hoa không chịu thua kém ai trong mọi việc lao động làm ăn. Thấy dân chài sông Đà lặn nước bắt cá, em cũng học lặn và rồi cũng lặn giỏi như cá. Trong hội làng đầu năm, thấy người ta chạy thi cướp cờ lấy giải, em cũng tập chạy và quả nhiên kỳ hội làng năm sau cô gái 12 tuổi cũng giật được một cờ xanh. Em nói với mẹ : " Sang năm, con sẽ giật cờ đỏ kia mẹ ạ ! " Mẹ nói : " Mày là con gái mà tính nết cứ như con trai. Con gái học chạy làm gì. Phận mình chỉ chăn trâu, vớt bèo cho tốt là được ". Em nghe mẹ nói, cười khúc khích.
Có lần, ông chú đến nói với bà mẹ Thiều Hoa : " Con gái chị ghê gớm thật ! " Bà mẹ lo sợ hỏi chuyện gì. Ông chú nói lại sự việc vừa xảy ra hồi nãy. Thuyền tuần giang cập bến, kiểm soát gỗ. Chả biết thế nào mà mấy thằng lính Hán túm ngay lấy một anh chàng chống mảng, đánh túi bụi. Ai cũng thương nhưng không dám vào gỡ hộ. Anh chống mảng dằng ra, chạy được. Hai thằng lính Hán đuổi theo, chợt mấy hòn đá từ đâu ném tới, đứa sưng mặt, đứa lệch vai. Chúng đành để cho anh chống mảng chạy thoát. Mọi người đều biết người ném đá là Thiều Hoa, cô gái 13 ruổi. Ông chú nói : " Tôi cũng chịu nó thật. Ai chả căm tức cái lũ quân Hán tuần giang, thật là lũ cướp ngày. Nhưng con cháu cũng liều quá ! ".
Năm Thiều Hoa 14 tuổi, bố mẹ em lần lượt qua đời. Thiều Hoa ở chăn trâu, kiếm củi cho nhà chú. Một lần, nàng thi ném đá với bạn chăn trâu, mải quá bỏ trâu đói, bị chú mắng. Cháu biết lỗi không dám nói lại, nhưng bà thím có tiếng khắc nghiệt, nói ra nói vào mãi. Thiều Hoa bỏ đi ngay đêm đó, không ở Lăng Xương nữa.
Nay ở chạ này mai ở làng khác, cấy thuê làm mướn được một năm, rồi Thiều Hoa về ở chăn trâu cho một nhà hào trưởng xã Song Quan bên sông Thao. Xã này ở bên sông, các xóm bãi trồng dâu đánh cá, các xóm gò hái củi và đi săn. Dân cấy ruộng chiêm, thóc ít, làng nghèo. Nhà hào trưởng ở xóm bãi.
Thiều Hoa chăn trâu, thả trâu cho ăn cỏ bên sông, thường ngồi vá quần áo rách trên một quả gò nhỏ dưới bóng một cây đa lớn, rễ đa từng chùm rủ xuống. Thiều Hoa vá xong áo, túm lấy rễ đa đánh đu. Lại bày ra trò cùng bạn chăn trâu chia hai phe lấy gậy tre đánh một củ chuối, phe nào đưa được củ chuối vào một cái hố bên mình là phe ấy thắng.
Có lần, nhà hào trưởng có một ông khách ở trong gò ra chơi biếu một ít thịt lợn rừng, nói chuyện săn bắn, nhân cho ông hào trưởng xem cái lẫy nỏ bằng ngà voi rất quý do một người bạn Mường châu Thanh Xuyên làm quà cho. Thiều Hoa mang thức ăn lên hầu cơm rượu, nhấc luôn chiếc lẫy nỏ ngắm xem rồi đưa trả tận tay khách. Khách thấy con hầu bạo dạn, hơi lạ, nhân hỏi đùa : " Mày có biết bắn nỏ không. Nếu biết, ta cho mày chiếc lẫy ấy ! ". Thiều Hoa thưa : " Cháu không biết bắn nỏ, nhưng cháu ném lao được ". Cả ông hào trưởng và khách đều ngạc nhiên. Đang lúc rượu say ngà ngà, hai ông bước ngay ra sân, đưa chiếc lao của hào trưởng cho Thiều Hoa ném thử. Thiều Hoa đứng cách xa cây chuối 100 bước chân, nghiêng mình vung tay, mũi lao cắm phập ngay vào chiếc hoa chuối. Mọi người đều kinh ngạc.
Khách mời ông hào trưởng vào gò chơi, mở cuộc săn ở rừng Hạ Khê. Hào trưởng cho Thiều Hoa theo. Khi săn, Thiều Hoa bước thoăn thoắt, vung lao ném theo một con cáo lông vàng. Cáo chạy vụt đi, Thiều Hoa xua chó dượt đuổi theo, chỉ chốc lát đưa cáo về nộp hào trưởng. Cũng từ ngày ấy, hào trưởng không dám coi thường Thiều Hoa như trước. Các phường săn mỗi lần mở cuộc săn lớn lại nói với hào trưởng cho Thiều Hoa theo sau. Cô gái 16 tuổi bây giờ nổi tiếng là một tay săn giỏi.
Bọn quan quân Hán ở vùng này rất nhiễu dân và hống hách. Thiều Hoa nhiều lần được thấy những cảnh bọn quân lính Hán cướp của đánh người, phá phách ngang ngược. Các nhà giàu thường bị chúng quấy nhiễu, đòi ăn uống, đòi tiền gạo. Thấy con gái có nhan sắc, chúng xúm lại chòng ghẹo, hành hạ, Thiều Hoa tức sôi cả ruột gan.
Có ngày Thiều Hoa đứng trên gò cao nhìn xuống bãi sông thấy mấy tên lính đô hộ nắm râu một cụ già lôi đi xềnh xệch. Thiều Hoa quắc mắt mím môi, nhặt lấy chiếc gậy đánh cầu chạy thẳng xuống bãi, chợt nghe có tiếng gọi nghiêm nghị : " Thiều Hoa kia, chớ chạy nữa ! ". Thiều Hoa giật mình ngoảnh lại thấy sư thầy chùa làng vẫy tay gọi mình, mới dừng chân và chạy tới ôm lấy bà sư mà khóc lên nức nở, nước mắt ướt đầm cả áo nhà chùa. Hai người đến ngồi dưới gốc đa trên gò cao. Sư thầy nói : " Con tuy cũng là người có tài có chí nhưng tiếc rằng còn xốc nổi lắm. Những việc con làm chẳng có ích gì cho dân Nam ta cả ! ". Thiều Hoa cuối đầu xin sư thầy chỉ bảo cho. Sư thầy nói : " Dẹp bớt tính nóng nảy hiếu thắng, biết nhìn xa nghĩ sâu, không chỉ lo gỡ cho một người khỏi bị đánh mà nghĩ chuyện gỡ cho cả nước khỏi bị đàn áp. Đó mới là tính chất người hào kiệt trong thời buổi này ". Thiều Hoa chợt tỉnh ngộ, thưa với sư thầy : " Thật quả một lời sư thầy dạy đã đưa con ra khỏi chỗ tối tăm. Từ nay con xin ghi nhớ lời thầy, suy nghĩ chín chắn, tính việc lâu dài, dốc lòng nuôi chí cứu sinh dân ra khỏi cảnh lầm than, khỏi chốn tù ngục. Xin thầy cho con theo thầy để được sự dạy dỗ ". Sư thầy cười và nhẹ nhàng nói : " Ta là người tu hành, tuy tâm niệm cõi Nát Bàn vẫn không quên nghĩa vụ cứu sinh linh đang cơn trầm luân nơi bể khổ. Nếu con có chí lớn hãy theo ta về chùa ". Bà sư đến nói với hào trưởng xin cho Thiều Hoa về ở với mình, hào trưởng vui vẻ nhận lời. Từ đó, Thiều Hoa về hầu hạ sư thầy, quét chùa, thắp hương và làm các việc vặt. Sư thầy dạy Thiều Hoa học chữ, lại bảo Thiều Hoa tìm rủ những người bạn tin cậy đến chùa, tối tối cùng nhau luyện tập các môn võ nghệ. Cũng từ ngày đó, vườn chùa đã trở nên nơi rèn luyện của những người có nghĩa khí, có lòng yêu nước thương dân.
Từ ngày Thiều Hoa về với sư thầy, tính nết đã có phần chín chắn hơn. Nàng chăm chỉ luyện tập mong trở nên người hữu dụng cho đất nước, đem chuyện giặc Hán tàn bạo và nỗi cực khổ của nhân dân nói cho các bạn trẻ cùng nghe. Thiều Hoa chọn những người biết căm phẫn và có lòng hăng hái, cùng nhau mưu việc lớn.
Một hôm, sư thầy gọi Thiều Hoa đến, bảo cho biết ở Mê Linh có Hai Bà Trưng là con dòng lạc tướng, cháu gái các vua Hùng đã ban hịch đuổi giặc. Thiều Hoa vui mừng xin với sư thầy cho đến Mê Linh. Sư thầy đã giã bánh dày và đóng oản để Thiều Hoa và các bạn làm lương ăn đường. Năm ấy, Thiều Hoa vừa mười tám tuổi.
Đến Mê Linh, Thiều Hoa và các bạn vào yết kiến Hai Bà Trưng, Thiều Hoa kể mọi nỗi khổ cực của nhân dân sông Đà và sông Thao cũng như những nỗi uất hận của mình. Hai Bà nghe Thiều Hoa nói, biết là người có chí, nhà nghèo thân khổ, mồ côi cả bố mẹ, cho nên nung nấu lòng căm thù giặc. Hai Bà khen ngợi Thiều Hoa và giao cho về địa phương mộ quân, dặn rằng phải tụ họp người khổ cực rồi tìm nơi kín đáo cùng nhau luyện tâp, chờ lệnh khởi nghĩa.
Thiều Hoa vui sướng trở về Song Quan, đi các làng trong vùng, tìm các bạn mới, rồi cùng nhau tổ chức thành đội ngũ, luyện tập các môn đánh gậy, đánh đao. Mỗi người đều tự kiếm lấy vũ khí cho mình. Thiều Hoa thường cho quân đẽo gỗ xoan làm quả cầu, lấy gậy tre đẽo vát gốc mà đánh quả cầu, gọi là đánh phết. Đó là trò chơi của Thiều Hoa cùng các bạn nghèo khổ chăn trâu ba năm về trước. Khu rừng Hạ Khê hoang vắng giáp châu Thanh Xuyên, cách Song Quan chỉ có ba dặm đường là nơi Thiều Hoa cùng các bạn ẩn mình tụ nghĩa.
Lệnh khởi nghĩa ban ra, Thiều Hoa dẫn đầu năm trăm trai gái sông Thao về Mê Linh. Hai Bà giao cho Thiều Hoa chức Tiên Phong hữu tướng, cầm quân bản bộ tiến đánh Luy Lâu, dặn rằng phải cẩn mật mưu trí, không được khinh địch.
Trong trận vây hãm thành Luy Lâu, Thiều Hoa lập được nhiều công lớn.
Đuổi xong giặc, Bà Trưng lên ngôi vua, phong Thiều Hoa là Đông cung công chúa (1) .
----------------------------
(1) - Trang Song Quan trong truyện Thiều Hoa này là xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Vĩnh Phú, có đền và miếu thờ Thiều Hoa và chùa Phúc Khánh là chùa làng cũng có thờ. Miếu Thiều Hoa dựng ngay bên bờ sông, theo truyền thuyết là nơi thuở chăn trâu, Thiều Hoa thường ngồi vá quần áo. Trong miếu, trên bàn thờ có bày một cái mủng sơn son thếp vàng trong có vài mụn giẻ rách tượng trưng cho thời niên thiếu khổ cực của Thiều Hoa. Hàng năm, trong các ngày hội làng kỷ niệm Thiều Hoa, dân đều tổ chức đánh phết, diễu quân để tưởng nhớ vị nữ anh hùng.
[ Trở Về ]