Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
NỮ TƯỚNG THỜI TRƯNGVƯƠNG
Truyện dã sửNguyễn Khắc Xương
ĐÀM NGỌC NGA TIỀN ĐẠO TẢ TƯỚNG
Sông Đà giống như một con giao long trườn mình tìm về bể Đông lượn thân hình khổng lồ màu xám giữa một vùng núi rừng xanh thẳm. Đấy là một con giao long mang uy lực thần bí, đem lại cuộc sống và niềm vui cũng như lo âu khủng khiếp đến với con người. Những người dân Giao Chỉ ở rải rác suốt dọc sông với những chòm xóm bản mường nhỏ bé. Ngọn núi Ba Chỏm Cao bên sông mà ngày nay ta gọi là núi Ba Vì hay núi Tản sừng sững đứng trấn một cõi trời tây, rực rỡ ánh mây lửa đỏ rực chiều chiều và mỗi khi trời nổi cơn thịnh nộ thì mây đen lại vần vụ vây quanh đỉnh núi, lóe lên những tia chớp chói lòa giật liên hồi, và lửa từ tay trời phóng ra giận dữ rền lên làm cho con người những nghe tiếng mà khiếp sợ. Núi Ba Chỏm Cao uy nghiêm ngồi ngắm con giao long xám quẫy lộn dưới chân, con quái vật đã bị Tản Viên sơn thánh ngự trên ngọn núi áp đảo và trừng trị.
Và kia, mây đen vây kín trời đã mười ngày rồi. Búi Ba Chỏm Cao lầm lì chờ đợi. Rừng đặc và đầm lầy bốc hơi ngùn ngụt. Con cọp xám suốt đêm gầm thét những tiếng khắc khoải làm run sợ trăm loài thú. Con tê giác da đồng rau ráu nhai lá dứa dại và rễ cây, cho đỡ cơn khát trước cái oi bức ngột ngạt theo về với những đám mây đen nặng nề
Chớp lóe trên ngọn núi Ba Chỏm Cao.
Những người già lo sợ nói : " Thủy Tinh sắp đấu với Sơn Tinh. Giao long sông Đà sắp quẫy mình rồi ! Cơn nước hung dữ sắp cuốn đi tất cả ! "
Dân sông Đà đã thấy trước làn nước mênh mông cuồn cuộn và tiếng gầm réo dữ tợn, đoàn quân của thủy thần ào ạt xông lên phá hoại tất cả trong cơn giận dữ.
*
* *
Đó, câu chuyện về Nàng Trăng đã được bắt dầu như thế đó. Câu chuyện về Nàng Trăng được bắt đầu với cảnh tượng hùng vĩ núi Tản sông Đà.
Cụ già có vóc dáng cao lớn như cây tùng cây bách, có mái tóc trắng như mây non mùa xuân và đôi mắt long lanh như lửa chớp. Cụ già bộ dạng vững như núi, không ai biết đã bao nhiêu tuổi thọ. Cụ già sông Đà đã kể chuyện về Nàng Trăng người nữ tướng anh hùng của Vua Trưng, bắt đầu bằng cảnh tượng hùng tráng và thê thảm của cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, vì rằng Nàng Trăng chính là người con gái của sông Đà.
Cụ già kể chuyện Nàng Trăng cho các con trai con gái nghe, cho người già và cho các em nhỏ thơ ngây ; và cho đến khi cụ kể xong câu chuyện, cho tới khi cụ biến đi lúc nào mất y như trong các chuyện cổ tích, vẫn không một ai biết được cụ tên là gì ; Mọi người say sưa nghe chuyện đến quên cả hỏi tên người kể chuyện và cũng không kịp nói một lời cảm ơn người kể nữa kia.
Cụ già vuốt chòm râu bạc phơ phơ và kể tiếp...
*
* *
...Nước réo ầm ầm. Trên, nước trút xuống ; dưới, nước dâng lên. Nước ngập bốn bề. Trên dòng nước điên cuồng, cây rừng nguyên khai đại thụ, cổ thụ bật rễ trôi băng băng. Gỗ quý núi rừng là của báu của Sơn Tinh trôi tuột về bể cả. Trăm loài thú là bộ hạ của Sơn Tinh cùng phơi xác trên dòng lớp lớp vùn vụt trôi về bể. Nước reo như tiếng cười đắc thắng dữ tợn của Thủy vương.
Các chòm xóm bên sông bị hút đi mất tích.
Và Nàng Trăng đưa mọi người vào rừng sâu, lên các vùng rừng cao hoang vu, ở đó có những cây lớn hai người ôm với những cái hốc ba bốn người ngồi vừa, rễ cây chằng chịt. Ở đó có những hang động khoét vào lòng đá, tiếng gầm gào của sấm sét đến chết lịm ở đây không gây một tiếng vọng nào vì vòm cây dày đặc. Nước chỉ đuổi theo họ được ngày thứ nhất, nhưng ngày thứ hai thì họ đã có thể yên tâm mà nhìn xuống dòng nước sôi sùng sục, vật vã dưới chân họ và rồi cây và đá che khuất mất dòng nước phục thù của Đà giang thủy vương.
Họ phải xua đuổi các thú rừng để tranh chiếm các hang hốc. Cuộc vật lộn giữa người và thú xảy ra quyết liệt vì đều muốn sống, đều cướp lấy sự sống. Chính lúc này đã hiện ra trước mắt họ cuộc đọ sức lạ lùng giữa một con cọp lớn và một con trăn mốc xám chắc hẳn là vua loài trăn vì cái hình dáng khổng lồ và kỳ dị của nó với những lớp vẩy như phủ rêu và đường vây đen nhợt nổi trên sống lưng dài.Trong khi mọi người núp sau những bụi rậm và thân cây ngắm cảnh tượng kỳ dị ấy thì Nàng Trăng đã phóng liền hai mũi lao nhọn hoắt và con cọp xám phải chết trong những vòng cuộn của con trăn vì có sự can thiệp của người.
Con trăn mốc cuộn mình lại, nghỉ ngơi, nghe ngóng. Lúc ấy mọi người đều lúng túng không biết phải xử trí thế nào hoặc là bỏ đi sao cho không gây sự chú ý của con trăn hung ác. Nhanh như chớp, Nàng Trăng vung dao nhảy vào hang, con trăn chỉ kịp ngóc đầu dậy, lưỡi dao đã bập ngay vào cổ nó. Máu trăn đỏ xẫm vọt ra, tanh đến lợm giọng. Con quái vật quẫy mình, đất như chao đảo, gió rít lên bứt lá rụng rào rào và lưỡi dao thứ hai lại nhằm đúng cổ nó mà bay tới. Đã tỉnh cơn hoảng sợ lạ lùng, bố Nàng Trăng phóng liên tiếp ba mũi tên liền vào cái đầu nhớp nhúa của Mãng Xà vương.
Khi Nàng Trăng xách đầu con trăn tinh giơ cao lên, và dưới chân Nàng là xác con cọp xám và con trăn mốc nằm trong máu như hai đống đất lớn, tất cả từng ấy con người đều cất những tiếng hú dài để tỏ lòng phấn khởi và sự cảm phục đối với người con gái mười sáu tuổi. Họ nhảy nhót và cất tiếng hát quanh người con gái và xác hai con quái vật, nhảy múa và hát trong cái hang lớn, giữa tiếng mưa sầm sập đổ xuống vòm đá và vòm lá.
Chính trong khi đi tìm sự sống ở vùng rừng núi Hạ Đà này, Nàng Trăng đã có dịp cho mọi người được biết sức mạnh và trí khôn của Nàng. Lửa đốt lên trong hang lớn. Mỡ trăn cháy xèo xèo. Bộ nội tâm và hai quả cật con hổ được đặt vào một cái mâm đan bằng dây rừng lót lá để dâng lên Tản Viên sơn thánh, vị thần bảo hộ của dân cư các động sông Đà. Dân động họp lại suy tôn Nàng Trăng làm chúa động thay cho bố nàng. Vị pháp sư làm lễ hỏi ý Tản Viên sơn thánh và để được biết chắc chắn ý ngài, pháp sư tung hai mảnh nứa nhỏ, ba lần đều một mảnh sấp một mảnh ngửa. Đức thánh Tản đã chấp thuận rồi ; mọi người reo lên, hú dài và vỗ tay nhảy quanh ngọn lửa, quanh Đàm Thự và con gái là Đàm Ngọc Nga thường được gọi là Nàng Trăng. Chiếc da hổ xám óng ánh bóng mượt, mảnh di vật đẹp rực rỡ của chúa các loài thú ấy từ nay sẽ là ghế ngồi và giường nằm của Nàng Trăng, nữ quan lang động Đà Hoa. Đó là động lớn nhất, kiêu hùng nhất trong 36 động của châu Đà giang hạ còn có tên là châu Thanh Hoa.
Châu Thanh Hoa ít thóc gạo nhưng vẫn là châu giàu có bên sông Đà. Đầm lầy, rừng cao rừng thấp và sông Đà, đó chính là kho của vô tận với trăn, rắn, gấu, khỉ, hươu, nai, tê giác, linh dương...Tất cả đều là tiền của : mật gấu, cao khỉ, sừng hươu, sừng tê, mật và da trăn...cá sông, cá đầm, gỗ quý : lao sao, kiền kiền, vàng tâm, đinh, táu, sến, lim, chò, dồi, cây thuốc...Rừng núi sông Đà giàu không sao kể siết !
Giặc Hán chiếm giữ kho của ấy, chiếm giữ gỗ quý, thú và chim rừng. Các thú săn được, dân chỉ được phanh thịt chia nhau, còn da, mật, sừng và xương nhất thiết phải nộp lên quan không đường ẩn dấu. Lông chim cũng phải nộp. Ngoài việc thu vật phẩm còn thu thuế đánh vào chim thú săn được, vào tre hóp, giang, vầu, vào gỗ, vào cả...thuế cung nỏ, thuế mũi lao, thuế vó, thuế lưới, thuế trâu kéo...Đó là chưa kể tiền lễ lạt với những món bọn nha lại lính tráng cướp sống trước mắt. Nghề lặn rừng săn bắt và ngả cây đốn gỗ là nghề vất vả nguy hiểm với khí núi ngùn ngụt bốc mùa hè, với nước lũ mùa thu, mưa dầm lạnh ngắt mùa đông và những cuộc vật lộn với thú dữ, với vắt và muỗi độc.
Đàm Thự một hôm nói với con gái : " Bố biết lá cây nào dịt vào khỏi vết thương con hổ cày thối da nát thịt, rễ cây nào trị được cơn sốt rét làm con người run bần bật như cây sậy trước cơn dông. Bố chữa được các vết đau và bệnh tật của mỗi người nhưng không chữa được nỗi khổ của dân các động sông Đà. Giặc càng ngày càng quá quắt. Sau lụt dân đói khổ quá rồi mà vẫn cứ phải lặn lội vất vả nuôi béo lũ giặc nước. Làm thế nào bây giờ ? ".
Đàm Ngọc Nga hạ được con cọp xám và con trăn tinh nhưng cũng không biết phải làm cách nào để đánh được giặc Hán. Đã có nhiều người tốt ở các động tìm gặp Nàng Trăng và hỏi : " Làm thế nào bây giờ ? ". Nàng Trăng chỉ biết trả lời họ : " Hãy chờ ! ".
Bấy giờ, quan lang động Thạch Lạc họ Mạnh bị viên quan Hán giữ việc thu cống phẩm đóng ở chợ Ngần bắt giam giữ để đòi của chuộc. Quan lang Thạch Lạc không chịu khuất phục. Giặc giết. Con trai quan lang tên là Mạnh Đạo cùng vài bộ hạ thân tín đón ở chợ trong ba ngày. Viên quan Hán vào chợ liền bị tên cắm trúng cổ ngã ngựa chết ngay. Mạnh Đạo bị bắt giải lên châu úy sở.
Tin dữ trên đây lan đi rất nhanh như lửa đỏ đốt lòng các lang, như gió lốc làm rung chuyển các động. Nàng Trăng nói với bố và vị pháp sư động Đà Hoa : " Ta đây là động giàu có ! Sau Thạch Lạc sẽ đến ta thôi ! Phải cứu Mạnh Đạo và tìm cách đứng dậy để giữ mình ! ". Vị pháp sư nói : " Con nói đúng. Này người con gái thông minh và dũng cảm, con hãy nói cho chúng ta biết mọi ý nghĩ của con, và chúng ta sẽ đứng lên chống lại giặc ". Nàng Trăng nói : " Lúc này các lang đều đang hồi hộp và phẫn uất, thời cơ tốt đã đến. Phải cứu được Mạnh Đạo và liên kết được với các động rồi họp nhau lại mà cử người cầm đầu. Có được các lang cùng một lòng mới làm được việc lớn ". Vị pháp sư vui mừng mà rằng : " Con nói hay biết chừng nào ! Các lang phải cùng một bụng như ta thì mới nói chuyện đuổi giặc được. Có cứu được Mạnh Đạo thì các lang mới nghe ta. Việc này tất phải có một người đứng chủ. Ta kịp hành động ngay kẻo giặc giết Mạnh Đạo mất ".
Động Đà Hoa ngày càng đông người săn tràng qua lại. Vùng rừng mênh mông châu Thanh Hoa mỗi ngày một thu hút người các động về. Mọi người bảo nhau rằng ở đó có nhiều gỗ quý, có từng bao lá nứa, giang, mai, vầu, lại tiện bến tiền đường. Giặc Hán chỉ thấy số gỗ, nứa, măng và sa nhân mỗi ngày nhận được một nhiều hơn từ vùng này. Chúng đâu có ngờ rằng những nô lệ của chúng, bọn " Nam man " như chúng thường gọi một cách khinh thị ở châu Thanh Hoa này đã nghe tiếng gọi của nữ chúa động Đà Hoa mà tìm đến với Nàng.
Mùa xuân, con trai con gái các vùng đến hát với nhau ở Đà Hoa động. Các lang đi lại chúc tết nhau và đến thăm nữ quan lang động Đà Hoa. Nàng Trăng mời những người cầm đầu các động ở lại và đưa họ đi thăm khu tụ nghĩa. Họ ngạc nhiên thấy có hang chứa đầy giáo mác và dao, có hang nuôi ngựa, có bãi nuôi trâu, có trường bắn nõ...Hàng trăm con người trai có gái có sống trong vùng hang động kín đáo đó. Vùng hang ấy đã trở thành như một thế giới riêng, thoát khỏi mọi quyền của kẻ thống trị dị tộc. Chính khi thăm vùng hang động ấy, họ được biết sức mạnh của chính họ và tài trí tuyệt vời của nữ chúa động Đà Hoa, bây giờ đã thực sự là nữ chúa cả ba mươi sáu động Đà giang hạ.
*
* *
Được tin Trưng nữ chủ dựng cờ đại nghĩa, Đàm Ngọc Nga cùng hai trăm tráng sĩ vùng sông Đà đến hội ở cửa sông Hát. Bà Trưng phong cho Đàm Ngọc Nga làm Tiền đạo tả tướng quân, phong Mạnh Đạo làm phó tướng, lại đặt hiệu cho Ngọc Nga là Nguyệt Điện, giao cho đem hai nghìn quân lên vùng đầu sông Chảy lập đồn trại phòng giữ. Nguyệt Điện và Mạnh Đạo vâng lệnh kéo quân đi chẳng bao lâu đã tới vùng núi rừng hoang vu bộ Tây Lan.
Nơi đây sớm chiều quạnh vắng, chỉ nghe tiếng hươu giác hổ gầm. Bản làng thưa thớt, mỗi bản độ mươi mười lăm túp nhà sàn. Bao la lau và cây dại. Nước sông rất độc, nước suối xanh lè. Dân trong vùng không người nào có sắc da tươi đỏ.
Quân của Nguyệt Điện tới nơi, phải phát lau ngả cây, lập trại để ở, kín nước suối về ăn, được vài ngày đều bị ốm chỉ thèm ngủ, có lúc rét run có lúc nóng bừng. Nhiều người quê ở vùng xuôi đã kêu ca chán nản chỉ những đòi về. Nguyệt Điện và Mạnh Đạo ân cần khuyên nhủ mọi người, đem việc đuổi giặc ra nói với các tướng sĩ ba quân. Nguyệt Điện bàn cách đào giếng để lấy nước ăn mọi người hăng hái cùng đào tất cả được 99 cái giếng. Nguyệt Điện cho mở hội ba ngày, mời các bản đều đến, ai có trò vui gì đều bày ra. Bấy giờ kèn sáo ríu rít, trống mõ nổi lên, trai gái dướn đu bay tít, quả còn ném vụt qua vành trăng nưa treo trên cành cao, lấy dây song dăng ra để đôi bên kéo co, cắm giáo làm đích thi ném đá, rượu đựng bằng ống, xôi bày trên lá, đốt lửa thui trâu rồi cùng lấy dao xẻo thịt mà ăn...Sĩ tốt vui cười hớn hở, cảm thấy khỏe mạnh phấn khởi, dân đến cùng vui, từ đấy đi lại với đoàn quân Nguyệt Điền tình nghĩa ngày càng thêm nồng thắm.
Trong ba ngày mở hội, có trò đấu vật là vui hơn cả. Mạnh Đạo giữ được giải, không ai hạ nổi chàng. Tới lúc sắp làm lễ tế Tản Viên sơn thánh, có một người đóng khố chàm, thấp và vạm vỡ, tóc xòa trên gáy, da mốc như da trăn, đến xin đấu với Mạnh Đạo. Mạnh Đạo nhận lời, tức thì vờn nhau, rồi bốn cánh tay cùng bắt lấy nhau, hết khóa tay lại tới xốc nách, bắt chân, hết " vồ giả " tới " chạy bò ", cuối cùng người ấy vẫn bị Mạnh Đạo hạ cho " chạm lưng trắng bụng ". Người ấy lại xin đấu keo nữa, đấu tất cả ba keo thì thắng Mạnh Đạo được một keo. Nguyệt Điện không cho đấu nữa, khen ngợi cả hai, rồi cho người kia làm đốc lĩnh trong quân. Từ đó quân đều gọi người kia là ông Hai và gọi Mạnh Đạo là ông Cả. Nguyệt Điện nghĩ đấu vật có thể làm cho quân sĩ thêm hăng hái, thêm sức khỏe chống lại được bệnh sốt buồn ngủ nên thường treo giải cho quân đấu. Ông Cả, ông Hai chỉ bảo mọi người các miếng vật xưa nay vẫn giữ làm ngón bí truyền.
Nguyệt Điện cho quân đào đá ngả gỗ và tre để xây dựng đồn quân trấn thủ vùng sông Chảy theo lệnh của Trưng nữ chủ, tất cả chia làm năm đồn, đồn giữa là trung dinh do Nguyệt Điện đóng giữ. Bốn phương Đông, Tây, Nam Bắc có bốn đồn, đồn nào cũng có vọng gác. Ở Yên Kỳ cũng đặt một khu đồn như vậy, giao Mạnh Đạo trấn thủ. Nguyệt Điện nói với quân rằng : " Đánh giặc ở xa thì có cung có tên, đánh giặc ở gần thì có dao có mộc, đó là những môn ta cần tập luyện hàng ngày. Lại đặt đội quân thám báo cưỡi ngựa đi tuần ra xa, nếu có hình thích khả nghi thì thổi tù và làm hiệu. Cất mọi việc xong đâu đấy, Nguyệt Điện cử Mạnh Đạo về trình với Trưng nữ chủ, vừa lúc nghe Trưng nữ chủ đã phá xong thành Luy Lâu, bèn đặt tiệc lớn để mừng. Vốn Nguyệt Điện ốm nặng đã lâu, gắng gượng mà làm, việc gì cũng để mắt để tay tới, biếng ăn biếng ngủ, da xanh mình gầy. Sau bữa tiệc mừng đại phá Luy Lâu, Nguyệt Điện càng yếu, không dậy được nữa. Một chiều bỗng gió nổi mạnh, trời đất tối sầm, cát bay đá chạy, Nguyệt Điện cho vời các đốc lĩnh nam nữ lại bên giường, nói rằng : " Chúng ta đều là những người không muốn sống nhục nhã khổ cực dưới gót giày kẻ thống trị ngoại tộc nên cùng nhau theo Trưng nữ chủ mà đuổi giặc. Các ngươi phải luôn ghi nhớ lời Trưng nữ chủ đã dạy ", lại trao thanh kiếm đồng là của báu truyền gia tượng trưng uy quyền các làng ở Thanh Hoa cho Mạnh Đạo, dặn rằng : " Chàng nhận thanh kiếm lệnh này mà theo Trưng chủ soái một lòng đuổi giặc cứu dân. Kiếm ở bên chàng ra vào nơi trận mạc cũng như tôi còn được sống bên chàng mà cùng với ba quân rửa thù cho nước vậy ", nói xong rồi mất (1).
_________________________
1. Nguyệt Điện Đàm Ngọc Nga là người con gái bất khuất của sông Đà đã cùng với nhân dân khởi nghĩa ở hữu ngạn sông vùng huyện Thanh Thủy và một phần Thanh Sơn (thuộc tỉnh Vĩnh Phú ngày nay) mà nơi căn cứ là các xã Tu Vũ, Yến Mao (Thanh Thủy) và Yên Sơn, Yên Lương (Thanh Sơn). Các hang động nói trong chuyện kể trên nay là Hang Pheo ở Yên Sơn chứa được hàng trăm người và các hang Tôm, hang Cá, hang Lợn, hang Gà, hang Trâu...ở xã Yên Lương.
Nơi Nguyệt Điện xây dựng đồn trại ở đầu sông Chảy theo lệnh Hai Bà Trưng nay thuộc xã Tây Cốc và xã Ngọc Quan huyện Đoan Hùng (Vĩnh Phú) và xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa (Vĩnh Phú), ở những nơi này còn dấu vết đồn trại bằng đá tương truyền của Nguyệt Điện xây dựng. Ở Tây Cốc có mồ Nguyệt Điện thuộc xóm Ca Đình đắp bằng đá. Ở nơi đồn trại này hiện còn dấu tích của những giếng đá mà theo truyền thuyết là của quân bà Nguyệt Điện đào để lấy nước ăn. Trên sườn núi Đẫu thuộc Ca Đình (Tây Cốc) giáp Ngọc Quan bây giờ còn một nền đất và các tảng đá kê, tục truyền là vọng gác của khu đồn trại. Đình làng Cả Đinh được xây dựng ngay trên mảnh đất mà các cụ truyền rằng đó là nơi Nguyệt Điện đặt trung dinh.
Thần tích cho biết Vua Trưng phong Đàm Ngọc Nga là : " Nguyệt Điện Tế thế công chúa ", vậy Nguyệt Điện là tước hiệu của Đàm Ngọc Nga.
Thời Trần Nhân Tôn, Nguyệt Điện được phong " Nguyệt Điện Tiên Nga công chúa, Huệ hòa gia hạnh uyển mị phu nhân ". Vua Lê Thái Tổ phong : " Nguyệt Điện Nga hoàng công chúa, Anh linh sắc chỉ trinh nhất từ đường phu nhân ".
Ngày sinh : tháng hai ngày mườ lăm.
Ngày hóa : tháng năm ngày mồng năm.
[ Trở Về ]