Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]

Thử kiểm lại trọng húy của 
Chúa Nghĩa, Chúa Ninh và Thế Tổ nhà Nguyễn.
Nguyễn Vĩnh-Tráng
Có rất nhiều sử gia chân chính, đã đem công sức, thì giờ để xác định lại một điạ danh hay một danh tánh, mặc dù đó chỉ là một địa hạt nhỏ bé của lịch sử. Đọc sai, hiểu sai Lịch Sử là một mất mát lớn, vì Lịch Sử là Trí Tuệ của cả một dân tộc. Thế mà ngày nay có một vài người viết Lịch Sử một cách thiếu cẩn trọng, chưa nói đến một số, đã vô tình, vì dựa theo những tài liệu sai lạc, hay có dụng ý, xu thời, nịnh thế, cơ hội, giai đoạn, rồi xưng danh, báo hiệu, ghi tên theo chức vụ, học vị giáo sư, tiến sĩ để tạo uy tín cho tiện việc bóp méo Lịch Sử. Những hành động đó đáng chỉ trích, vì thiếu liêm sỉ đối với những thế hệ mai sau. 

Ở đây, cũng nên nói một cách rõ ràng là các tác giả của những tác phẩm đề cập dưới đây là những nhà sử học chân chính. Nếu họ có sai lầm trong một vài chi tiết, và sai lầm nếu có, thì sự sai lầm đó cũng chỉ ở phạm vi kỹ thuật, chứ họ không có ý làm sai lạc lịch sử, chứ đừng nói gì đến chuyện làm lệch lạc như đã trình trên.

Bài viết hôm nay không có tham vọng đặt lại một sự kiện lịch sử, hay hành vi của một nhân vật. Đây chỉ là một phạm vi rất nhỏ bé của lịch sử, vì bài nầy chỉ muốn thử bàn lại tên thật của Chúa Nghĩa (1650 - 1691), Chúa Ninh (1697 - 1738) và Thế Tổ (1762 - 1820) của họ Nguyễn-Phước. Mặc dầu là một phạm vi hạn hẹp, những dù muốn, dù không, những nhân vật trên cũng đã viết lên những trang sử, cũng đã xây đắp bờ cõi cùng nền văn hóa của dân tộc, và vì thế, chúng ta cố gắng thử bàn lại, để tên tuổi của họ được khẳng định một cách chính xác hơn. Nếu không, theo thói quen, những sai lạc lâu ngày, nếu có, cứ thế rồi truyền mãi lại cho hậu nhân. 

Nói đến tên tuổi của các nhân vật lịch sử Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua chữ Hán, vì sách sử viết bằng chữ Việt mới có gần đây, còn hầu hết, trước năm 1930, đều viết bằng chữ Hán. Mặt khác, các tác giả đề cập dưới đây, hầu hết, đã dùng Khang Hy Tự Điển -KHTĐ, làm căn bản cho cách phát âm Hán-Việt. Cũng vì thế bài nầy không tránh khỏi những nét chính về kỹ thuật phát âm Hán-Việt.

KHTĐ không những là một trong những cuốn tự điển căn bản cho người Việt, mà cho cả người Trung Hoa, một khi muốn tra cứu một chữ Hán. 

KHTĐ ngoài việc cho nghĩa, một hay nhiều nghĩa, mà còn cho cách phát âm, một hay nhiều âm của một chữ Hán, theo phiên thiết. Phương pháp phiên thiết là lấy hai âm cùa hai chữ mà ta đã biết âm, rồi " cắt ra, ghép lại " để có âm của chữ mà ta muốn kiếm.. Chữ Phiên có nghĩa là trở trái lại, chữ Thiết   có nghĩa là cắt ra. 
Ví dụ : Chữ Xuyên , ta thấy trong KHTĐ cho " 昌 緣 切 , 音 穿  Xương Duyên thiết, âm Xuyên ". Muốn có âm Xuyên, ta lấy phụ âm của chữ thứ nhất, chữ X của chữ Xương, ghép với nguyên âm, còn gọi là vần, của chữ thứ hai, nhóm chữ UYÊN của chữ Duyên, thành X+UYÊN cho Xuyên. KHTĐ phần nhiều còn cho thêm âm, như ví dụ trên, và đôi khi còn cho thêm thanh, như khứ thanh, thượng thanh...

Ví dụ trên là một ví dụ đơn giản nhất vì âm Hán-Việt của chữ Xuyên viết ra chữ Việt không có dấu. Còn những âm viết ra chữ Việt có dấu thì phức tạp hơn. 

Ngoài ra, phải nói ngay bây giờ là có những chữ Hán mà âm Hán-Việt không tuân theo âm của KHTĐ cho, người ta gọi các âm đó là " nhân tuần 因  循 ", tức là đọc theo thói quen truyền khẩu chứ không căn cứ vào đâu cả. Đây là một lầm lẫn lớn của một vài người cứ khư khư dựa theo KHTĐ để quyết đoán âm của một vài chữ Hán, để sửa lại âm của những chữ mà ngưòi xưa đã quen dùng. 

Âm chữ Hán có 4 thanh : Bình, Thượng, Khứ, Nhập. Các nhà Hán Học như Lạc Thiện trong Tự học 1 200 chữ Hán thông dụng - THCHTD, Công Nhân TPHCM 1992, đã cho đại khái như sau : thanh Bình, Thượng, Khứ, Nhập tương ứng với các thanh trong tiếng Việt là Không dấu, dấu Huyền, dấu Sắc, dấu Hỏi; Văn Tân trong  Từ Điển Trung Việt - TĐTV, Sự Thật Hà Nội 1992, cho Không dấu, dấu Hỏi, giữa dấu Huyền và dấu Nặng, giữa dấu Sắc và dấu Hỏi. Đó cũng chỉ dùng cho cách phát âm chữ Hán, tiếng Hán phổ thông, dựa trên phương ngữ Bắc Kinh. Xem qua, ta thấy không chính xác cho lắm. Còn nhà Hán Học An Chi trong bài Chuyện Đông Chuyện Tây - CĐCT, tập san Kiến Thức Ngày Nay, TPHCM 1996, đã không ngần ngại cho âm Hán-Việt: Bình, Thượng, Khứ, Nhập tương ứng với các dấu trong tiếng Việt là Không dấu, dấu Hỏi, dấu Sắc, dấu Nặng.

Thật ra âm chữ Hán xưa có 4 thanh là Bình, Thượng, Khứ, Nhập và có 2 bậc là Phù (nổi), Trầm (chìm), còn gọi là Thanh, Trọc, hay Thượng, Hạ, hay Âm, Dương. Để đơn giản hóa, tôi tạm gọi là bậc 1 và bậc 2. Vậy âm chữ Hán xưa có 8 thanh điệu là Phù Bình, Trầm Bình ; Phù Thượng, Trầm Thượng ; Phù Khứ, Trầm Khứ ; Phù Nhập, Trầm Nhập hay Bình bậc 1, Bình bậc 2 ; Thượng bậc 1, thượng bậc 2 ; Khứ bậc 1, Khứ bậc 2, Nhập bậc 1, Nhập bậc 2. Cũng may, nhờ những công trình khảo cứu đã tìm thấy tản mát trên mạng Internet hay trên các tập san, báo chí của các nhà Ngữ Học nổi tiếng như Lê Ngọc Trụ, Tống Phước Khải mà ta có cách phát âm Hán-Việt khá chính xác. Công trình khảo cứu khá tỷ mỷ với sự phân tách các chữ song thanh điệp vận, thanh mẫu vận mẫu...Để đơn giản hóa, tôi cố gắng bổ sung thêm bảng tổng kết công trình khảo cứu của Lê Ngọc Trụ, về 8 thanh điệu chữ Hán tương ứng với 6 thanh điệu âm Hán-Việt mà Tống Phước Khải cho trong bài  Qui tắc hình thành âm Hán-Việt - QTHTAHV, trên mạng Internet, như sau :
 

Bình
Thượng
Khứ
Nhập
Bậc 1 (Phù, Thanh, Thượng, Âm) 
Không Dấu
Trừ các chữ Không Dấu bắt đầu bằng d, l, m, n, nh, ng và v.
Dấu Hỏi*
Dấu Sắc
Trừ các chữ Dấu Sắc có phụ âm cuối là c, ch, p và t.
Dấu Sắc
Các chữ Dấu Sắc có phụ âm cuối là c, ch, p và t.
Ví dụ : Bác, Cách.
Bậc 2 (Trầm, Trọc, Hạ, Dương)
Dấu Huyền
Cọng với các chữ Không Dấu bắt đầu bằng d, l, m, n, nh, ng và v.
Ví dụ : Đà, Hồn; Nhân, Minh.
Dấu Ngã*
Dấu Nặng
Trừ các chữ Dấu Nặng có phụ âm cuối là c, ch, p và t.
Dấu Nặng
Các chữ Dấu Nặng có phụ âm cuối là c, ch, p, và t.
Ví dụ : Đạt, Cập.

* Dương Quảng Hàm cho dấu Ngã Phù Thượng Thanh và dấu Hỏi là Trầm Thượng Thanh (Văn Học Việt Nam). 

Cùng công thức Lê Ngọc Trụ: A (bậc A, thanh A) + B (bậc B, thanh B) thiết cho C (bậc A, thanh B). Bậc của chữ thứ nhất, Thanh của chữ thứ hai.

Tóm lại, dùng phiên thiết để tìm âm không dấu, rồi dựa vào công thức Lê Ngọc Trụ và bản trên để định dấu. Ví dụ, chữ Đình , theo phiên thiết KHTĐ là " 特 丁 切 , 音  庭  Đặc Đinh thiết, âm Đình " cho Đ + INH = ĐINH. Để tìm dấu, ta có : Đặc (bậc 2, thanh Nhập) + đINH (bậc 1, thanh Bình) cho ĐINH (bậc 2, thanh Bình). Theo bản trên, bậc 2 thanh Bình ứng với dấu Huyền. Vậy Đinh Huyền là ĐÌNH.

Để dễ nhớ ta có Bình 1 : Không Dấu; Bình 2 : Dấu Huyền; Thượng 1 : Dấu Hỏi; Thượng 2 : Dấu Ngã; Khứ 1, Nhập 1 : Dấu Sắc; Khứ 2, Nhập 2 : Dấu Nặng.

Trên đây là sơ lược về cách phát âm Hán-Việt theo KHTĐ. Tuy có vẻ hơi kỹ thuật, nhưng rất cần thiết cho việc bàn luận tìm tên chính xác của ba nhân vật lịch sử nói trên.

Trọng húy của Chúa Nghĩa là Trăn hay Thái ? Trọng húy của Chúa Ninh là Trú, Chú hay Thụ ? Trọng húy của Thế Tổ là Anh (không có dấu sắc) hay Ánh (có dấu sắc) ?

Một số tài liệu lịch sử viết bằng chữ Việt, như  Việt Nam Sử Lược - VNSL, Tân Việt, Sàigòn 1964, (trang 267, 268) của cụ Trần Trọng Kim; Đại Nam Liệt Truyện - ĐNLT, Thuận Hóa, Huế 1993, (trang 25) hay gần đây hơn, 2008, một số bài vở trên báo chí, tập san, trên mạng Internet cho rằng trọng húy của Chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Trăn và trọng húy của  Chúa Ninh là Nguyễn Phúc Trú, Nguyễn Phúc Chú. 
VNSL có cho chữ Hán : Trăn    ; Trú , còn những tài liệu và bài vở khác kể trên đều không có chữ Hán.
Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, NPTTP, Thuận Hóa, Huế 1995, (trang 215, 427), cho trọng húy của Thế Tổ là Anh (không dấu), có thêm chữ Hán , 日 英  và phiên thiết theo KHTĐ, 於  敬, (một âm nữa là kính) 切  ư cánh thiết cùng nói rằng trong dòng họ, vì kỵ húy của Thế Tổ, nên chữ Anh đọc trại ra chữ Yên (không có g). Cũng vì thế, một số gia phả của các gia đình trong họ đã cho trọng húy của Thế Tổ là Anh (không dấu).

Một số tài liệu khác như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ - KĐĐNHĐSL, Thuận Hóa, Huế 1993, (tập VIII, trang 145); Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả - NPTTP, Thuận Hóa 1995, (trang 141, 159, 427) ; và cũng như trên, gần đây hơn, 2008, trên báo chí và mạng cho trọng húy của Chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Thái, trọng húy của Chúa Ninh là Nguyễn Phúc Thụ.
KĐĐNHĐSL có cho thêm " bên tả chấm thủy, bên hữu chữ thái (tức là chữ thái) ", " bên tả chấm thủy, bên hữu chữ thụ (tức là chữ thụ) " ; NPTTP cho cả chữ Hán cùng phiên thiết theo KHTĐ : Thái 氵 泰 , 他  蓋  切  tha cái thiết ; Thụ 澍 , 常  句  切  thường cú thiết  , còn những tài liệu khác đều không có cho chữ Hán.
Riêng về trọng húy của Thế Tổ, thì hầu hết các tài liệu lịch sử bằng tiếng Việt đều cho là Ánh (dấu sắc). VNSL (trang 347) có cho chữ Hán Ánh 日 英  , và KĐĐNHĐSL (trang146) cho " bên tả chữ nhật, bên hữu chữ ương (hoặc chữ anh) tức là chữ ánh, đổi dùng chữ chiếu ".

Vậy Trăn hay Thái; Trú, Chú hay Thụ ; Anh hay Ánh ?

Chúng ta thử từ từ khảo sát xem.

Theo gia phả của họ Nguyễn-Phước, các vị Chúa, đều có trọng húy đặt theo bộ Thủy (), ít nhất cũng từ Cụ Nguyễn Văn Lưu , thân phụ  của Triệu Tổ Nguyễn Kim 氵 金 , mãi đến lúc Nguyễn Vương, lên ngôi Hoàng Đế, thì các vị Hoàng Đế kế vị đều có trọng húy đặt theo bộ Nhật .

Trăn hay Thái ?

Theo chữ Hán, hai chữ Trăn   và Thái 氵 泰  có tự dạng quá giống nhau, ngoài bộ Thủy phía trái ra, phiá phải chỉ có khác nhau chữ Hòatrong chữ Trăn và chữ Thủy   trong chữ Thái 氵泰 . Hai chữ Hòa, Thủy nếu viết nhỏ lại có thể lầm với nhau lắm,  Cũng vì thể mà chữ Thái 氵 泰  đã có thể viết lầm ra thành chữ Trăn  .

Trong NPTTP (trang 143) hay trong Les Tombeaux des Nguyên của Richard Orband (BEFEO, 1914, số 7, trang 21), đều cho Chúa Nghĩa có một người em trai tên Trăn  . Vậy không lý, trong một nhà, hai anh em lại có cùng một tên, ở đây là Trăn  .

Người trong họ Nguyễn-Phước và một số đông người Huế, đều kỵ trọng húy của Chúa Nghĩa, và đã đổi âm Thái ra Thới, như trong nhóm chữ " Nhân tình thế thái ", thì ở Huế, người ta thường nói " Nhơn tình thế thới ", hay " Thái bình " thì đổi ra " Thới bình " ...

Cách đây, khoảng 20 năm, tôi có dịp gặp Bác Hoàng Xuân Hãn ở Paris. Trong lúc hầu chuyện với Bác, tôi có đề cập đến tên các Chúa Nguyễn. Khi về lại Nice, tôi được thơ của Bác gởi cho (30/01/1996). Trong thơ có những hàng như sau "...chú cải chính, đó là đúng lẽ và đúng thật. Tôi đã để ý đến sự sai ấy từ trước năm 1945, và đã tìm kiếm trong các sách viết về các Chúa Nguyễn vào đời Lê và đời đầu Nguyễn. Đây đều là sách viết (chữ Thái) cả :
Nam Hà Tiệp Lục, đời Gia Long. Thái  氵 泰 .
Bình Nam Thực Lục, đời Lê.  Thái  氵 泰 .
Thuận Quảng Kí Lược, đời Lê....  Thái  氵 泰 .
Tôi có kiếm được ảnh sao trong sách Bình Nam Thực Lục, có mang : 弘  郡  福  氵 泰  (hoằng quận Phước Thái). Xin gởi biếu chú ... "

Vậy theo tôi, trọng húy của Chúa Nghĩa đúng là Thái, Nguyễn-Phước Thái, chứ không phải là Trăn. 

Trú, Chú hay Thụ ?

Người Bắc hay lẫn lộn hai phụ âm CH và TR, thành chữ Chú viết ra Trú. Đó là trường hợp của cụ Trần Trọng Kim, một sĩ phu Bắc hà.

Chữ Chú, Thụ   theo KHTĐ có hai âm : " 唐  韻 , 常  句  切 . 集  韻 , 韻  會 , 朱  戍  切 , 並 音  注 ... Đường Vận, Thường Cú thiết. Tập Vận, Vận Hội, Chu Thú thiết, tịnh âm Chú.... 又 , 廣  韻 , 集  韻 , 韻  會 , 正  韻 , 並  殊  遇  切 , 音  樹  義  同  Hựu, Quảng Vận, Tập Vận, Vận Hội, Chánh Vận, tịnh Thù Ngụ (chữ nầy có nhiều âm, một trong âm Hán-Việt là Ngộ) thiết, âm Thụ nghĩa đồng ".
Theo bản tổng kết của Lê Ngọc Trụ và Tống Phước Khải cùng với công thức Lê Ngọc Trụ ở trên, ta thấy, theo Đường Vận: Thường (bậc 2, thanh Bình) + Cú (bậc 1, thanh Khứ) thiết cho THU (bậc 2; thanh khứ), mà Khứ bậc 2 là dấu Nặng và THU Nặng thành ra THỤ. Còn Tập Vận và Vận Hội thì cho: Chu (bậc 1, thanh Bình) + Thú (bậc 1, thanh Khứ) thiết cho CHU (bậc 1, thanh Khứ), mà Khứ bậc 1 là dấu Sắc và CHU Sắc CHÚ; cả hai Tập Vận, Vận Hội đều cho âm Chú.
Nhưng trong câu chót của KHTĐ, Quảng Vận, Tập Vận, Vận Hội, Chánh Vận cho âm Thụ mà theo phiên thiết, ta cũng tìm ra âm Thụ: Thù (bậc 2, thanh Bình) + Ngụ (bậc 2, thanh Khứ) thiết cho THU (bậc 2, thanh Khứ), mà khứ bậc 2 là dấu Nặng và THU Nặng cũng thành ra THỤ. Tóm lại chữ    có hai âm, âm Chú (Trú theo một số người miền Bắc) và âm Thụ.

Người trong họ Nguyễn-Phước và một số đông người Huế, vì kỵ trọng húy của Chúa Ninh nên đã đổi âm Thụ ra âm Thọ như trong các nhóm chữ " Thụ giáo " đổi ra " Thọ giáo ", "Thụ trai " đổi ra " Thọ trai "...

Vậy theo tôi, trọng húy của Chúa Ninh đúng là Thụ, Nguyễn-Phước Thụ, chứ không phải là Chú hay Trú.

Anh (không dấu) hay Ánh (dấu sắc) ?

Các tác giả của NPTTP (trang 215) cho " Theo phiên thiết của Khang Hy Tự Điển đọc là ánh nhưng âm anh, nên ngày trước đọc là Anh ". Theo tôi các tác giả của NPTTP không đọc hết chữ nầy trong KHTĐ. KHTĐ cho "廣  韻 , 於  敬  切 . 集  韻 , 韻  會 , 於  慶  切 . 正  韻  於  命  切   並  英  去  聲 Quảng Vận Ư Cánh thiết. Tập Vận, Vận Hội Ư Khánh thiết. Chính Vận Ư Mạnh thiết, tịnh Anh Khứ thanh (đều Anh có thanh Khứ) ". Và cũng vì các tác giả của NPTTP, khi tra chữ  映  trong KHTĐ, chỉ đọc mấy chữ đầu, không đọc kỹ cho đến mấy chữ tịnh Khứ thanh, nên mới cho chữ  映  hay chữ 日 英  có âm ANH (không dấu), nhưng nếu đọc hết như đã trình bày trên thì hai chữ đó đều có âm ÁNH (có dấu sắc), vì theo Lạc Thiện, và An Chi, Khứ thanh ứng với dấu Sắc, và Anh Khứ thanh là Anh Sắc Ánh. Còn theo Văn Tân thì ta không xác định được.

Theo phương pháp phiên thiết của Lê Ngọc Trụ thì rõ ràng hơn : Ư (bậc 1, thanh Bình) + Cánh (bậc 1, thanh Khứ) thiết cho ANH (bậc 1, thanh Khứ ), mà bậc 1 thanh Khứ là dấu Sắc và ANH Sắc ÁNH. Hay Ư (bậc 1, thanh Bình) + Khánh (bậc 1, thanh Khứ) thiết cho ANH (bậc 1, thanh Khứ), bậc 1 thanh Khứ ứng với dấu Sắc và ANH Sắc ÁNH. Hay Ư (bậc 1, thanh Bình) + Mạnh (bậc 2, thanh Khứ) thiết cho ANH (bậc 1, thanh Khứ), cũng bậc 1 thanh Khứ và cũng ANH Sắc ÁNH.
Còn chữ 日 英 , KHTĐ cho như sau: " 集  韻  , 於  慶  切 . 正  韻  , 於  命  切 , 並  與  映  同 Tập Vận Ư Khánh thiết, Chính Vận Ư Mạnh thiết, tịnh dữ ánh   đồng (đều đồng cùng với chữ ánh) ".

Ngoài ra, theo Hán-Việt Tự-Điển  của Thiều Chửu, hai chữ  映  , 日 英  đều có nghĩa là Ánh (dấu Sắc) Sáng. Tiếng Việt nói là ánh sáng, chứ không nói anh (không dấu) sáng.

Mặt khác, Thế Tổ lên ngôi Vương ở trong Nam. Người trong Nam gọi anh theo âm ảnh (dấu Hỏi) và nói mau thành ra ánh (dấu Sắc). Vì kỵ trọng húy của Thế Tổ, nên trong Nam mới đổi anh (ảnh, ánh) ra Yêng. Chữ Yêng có g. Một số Tự Điển hay Từ Điển tiếng Việt cho nhóm chữ Yêng Hùng là tiếng địa phương của nhóm chữ Anh Hùng. Vậy Yêng là chử Anh đọc trại ra. Cũng vì thế mà người trong họ Nguyễn-Phước, từ đời Nguyễn Vương cho đến ngày nay, đều nhất thiết gọi anh bằng yêng. 

Vậy theo tôi, trọng húy của Thế Tổ đúng là Ánh, Nguyễn-Phước Ánh (dấu Sắc), chứ không phải là Anh (Không dấu).

Mặc dù tôi đã cố gắng dựa trên công trình khảo cứu về ngữ học của Lê Ngọc Trụ-Tống Phước Khải, các tác phẩm đề cập ở trên, các chữ đọc trại ra vì kỵ húy cùng phương pháp phiên thiết của KHTĐ để chứnh minh việc khẳng định trọng húy của Chúa Nghĩa, Chúa Ninh và Thế Tổ nhà Nguyễn là THÁI, THỤ và ÁNH (dấu Sắc); nhưng đó cũng chỉ là một lối lý luận của cá nhân tôi. Tôi xin quý vị độc giả góp ý kiến quý báu, bổ túc hay sửa sai, nếu có, để sử sách được thêm phần chính xác mà còn tránh được sai lầm cho những thế hệ mai sau.

Nguyễn Vĩnh-Tráng
Tiết Lập Xuân Kỷ-Sửu
519 022 009 nvt*ttl* 
514 102 012