Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [Trang Chủ ] [ Tác giả ]
Chùa Kim Liên
Nguyễn Dư Mời bạn "đi thăm" chùa Kim Liên, một ngôi chùa cổ nổi tiếng của Hà Nội.
"Chùa ở làng Nghi Tàm, xã Quảng An, huyện Từ Liêm. Nguyên xưa là chùa Ðống Long, dựng từ thời nhà Trần (1225-1413) trên cái nền nhà cũ, nơi công chúa Từ Hoa, con gái Lý Thần Tông ra đời. Sau chỗ này lập trại trồng dâu nuôi tằm nên gọi là làng Nghi Tàm. Năm Dương Hòa thứ 5 (1639), chùa được tu sửa lại, gọi là chùa Ðại Bi. Ðến năm Lê Cảnh Hưng thứ 32 (1771), lại có cuộc trùng tu, và chùa mang tên Kim Liên. Chùa được đại tu vào năm 1792 và trùng tu nhiều lần về sau. Chùa hiện nay là di sản nghệ thuật kiến trúc thời Tây Sơn...". (Võ Văn Tường: Việt Nam danh lam cổ tự, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr 393)
"Bên bờ hồ Mù Sương giáp liền bờ sông Cái, trại tằm lớn của Kinh thành. Ngàn dâu xanh ngắt một màu chạy suốt dọc bờ đê. Những ngôi nhà tằm, ở đó vất vả đêm ngày những "tang thất phụ", những phụ nữ có tội phải làm lao dịch hái dâu chăn tằm, kéo kén, ươm tơ để cung nữ dệt lụa là gấm vóc. Giữa khu nhà tranh mọc lên cung Từ Hoa mái ngói vàng chanh. Công chúa Từ Hoa nhân từ và mặt đẹp như hoa chán cảnh cung đình tẻ nhạt, nằng nặc xin vua cha Lý Thần Tông ra ở trại ngoài, chăn tằm, sướng khổ với đàn bà bị tội khổ sai. Ngày công chúa qua đời thì cung Từ Hoa cũng trở thành ngôi chùa công của phường Nghi Tàm, với kiểu kiến trúc là lạ...". (Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Hà Nội nghìn xưa, NXB Sở Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1975, tr 156)
"Ðây là chùa Kim Liên, còn có tên là chùa Ðống Long, nhưng tên cũ là chùa Từ Hoa. Nguyên con gái Lý Thần Tông (thế kỷ 13) (1) là nàng Từ Hoa, ra tu ở đó, nên vua sai làm cung cho ở. Có người lại nói là vua sai ra học nuôi tằm. Ðến các đời sau, lại có những quan thị và những phi tần ra ở, hóa ra trong chùa có tượng một thái giám (có người cho đó là tượng chúa Trịnh) và chùa cũng được vua chúa sửa sang. Có thể nói Kim Liên là ngôi chùa cổ và đẹp nhất vùng Tây Hồ...". (Hoàng Ðạo Thúy: Thăng Long Ðông Ðô Hà Nội, NXB Hội Văn Nghệ, Hà Nội, 1971, tr 35)
Ba lời giới thiệu chùa Kim Liên gần giống nhau. Cả ba cùng nói đến công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông. Nhưng cũng khác nhau ở một điểm: Võ văn Tường cho rằng chùa được xây về đời Trần, trên cái nền nhà cũ nơi công chúa Từ Hoa ra đời. Trần Quốc Vượng và Hoàng Ðạo Thúy thì lại cho rằng chùa có từ đời Lý, do cung Từ Hoa sửa chữa tạo thành. Hai tác giả này còn cho biết thêm là công chúa Từ Hoa ra ở nơi đây để "chăn tằm, sướng khổ với đàn bà bị tội khổ sai" hoặc cũng có thể "ra tu ở đó, nên vua sai làm cung cho ở".
Ðọc ba lời giới thiệu này tôi thích quá. "Em là ai, cô gái hay nàng tiên?" (Tố Hữu). Xin phép được phạm thượng... mê công chúa Từ Hoa. Vừa đẹp người, vừa đẹp nết. "Nhân từ, mặt đẹp như hoa" lại còn thích gần gũi đám dân bị tội khổ sai. Biết đâu trong đám dân lam lũ đó lại chả có cả tổ tiên mấy chục đời của tôi?
Mê công chúa Từ Hoa, tôi đâm ra mến lây cả vua cha Lý Thần Tông. Chắc hẳn đây phải là một ông vua đức độ, một vị minh quân.
Tôi háo hức lật "Ðại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên (NXB Khoa học Xã hội, tập 1, Hà Nội, 1967, tr. 259-274), để "tìm hiểu" công chúa Từ Hoa và cha nàng.
Vua Lý Thần Tông, tên là Dương Hoán, con Sùng-hiền hầu, sinh năm 1116. Năm 2 tuổi được bác là vua Lý Nhân Tông đem vào nuôi trong cung, lập làm hoàng thái tử. Năm 1127 vua Nhân Tông băng, Dương Hoán lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Thần Tông (vua được 12 tuổi ta). Lên trị vì, vua tự thấy rằng "Trẫm còn trẻ thơ, nối nghiệp lớn của tiên thánh, mà thiên hạ yên tĩnh, trong cõi sợ uy, đều là nhờ sức của các khanh, các khanh nên cẩn thận chức vụ, chớ có lười biếng, để giúp trẫm những chỗ thiếu sót".
Năm 1130 (vua được 15 tuổi), xuống chiếu rằng con gái các quan không được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung, người nào không trúng tuyển mới được lấy chồng!
Sứ thần Lê văn Hưu can đảm nhận xét rằng: "Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn nuôi, không phải để cho vua tự phụng. Lòng cha mẹ ai chẳng muốn con cái có vợ có chồng (...). Thần Tông xuống chiếu cho con gái các quan phải đợi thi tuyển vào cung không trúng rồi mới được lấy chồng thì là tự phụng cho mình, có phải là lòng làm cha mẹ dân đâu?".
Phải chăng nhờ "chính sách kiểm duyệt" này mà vua cứ tha hồ "vùng vẫy trên lưng ngựa" đến nỗi năm 1136 mắc bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, thân mang ác tật. Có sách ghi rằng vua bị bệnh "hóa hổ". May được "Lý triều quốc sư" Nguyễn Minh Không chữa khỏi.
Vua Lý Thần Tông chết năm 1138, thọ 23 tuổi.
Ông vua trẻ này "quá ưa thích điềm lành vật lạ, sùng thượng đạo Phật, chẳng đáng quý gì".
Vua có 5 người con
- Hoàng thứ trưởng tử Thiên Lộc sinh năm 1132, sau phong làm Minh Ðạo Vương.
- Hoàng trưởng nữ sinh rồi chết (cùng năm 1132). Ngô Sĩ Liên không ghi tên là gì. Theo tục xưa thì đứa bé con đầy tháng hoặc đầy năm mới được đặt tên. Ta có thể đoán là hoàng trưởng nữ sống chưa được một tháng hoặc một năm.
- Hoàng trưởng tử Thiên Tộ sinh năm 1136
- Hoàng tử thứ ba sinh năm 1137
- Hoàng nữ thứ hai sinh cùng năm 1137, sau phong làm Thụy Thiên công chúa.
Tôi ngạc nghiên và ... thất vọng, không thấy bóng dáng công chúa Từ Hoa. Rõ ràng một bên là "ba mặt một lời", một bên là sử gia Ngô Sĩ Liên.
Có thể nào có sự nhầm lẫn công chúa Từ Hoa với hoàng trưởng nữ hoặc công chúa Thụy Thiên không? Chắc là không vì tính đến năm cha chết (1138), Thụy Thiên được 2 tuổi, hoàng trưởng nữ cho dù có sống lại cũng mới được 7 tuổi. Một công chúa 2 tuổi, hoặc 7 tuổi, mà đã "nằng nặc xin vua cha ra ở trại ngoài" để chăn tằm với dân nghèo, hoặc để đi tu, quả là một điều khó tin.
"Cái nền nhà cũ, nơi công chúa Từ Hoa, con gái Lý Thần Tông ra đời" cũng đặt cho chúng ta một dấu hỏi lớn. Tuy sử không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng vua gặp gỡ các cung phi ở trong cung thành. Và các hoàng tử, công chúa đều được sinh ra trong cung. Ðịa điểm chùa Kim Liên (hoặc cung Từ Hoa) nằm ngoài kinh thành nhà Lý. Như vậy lại phải đưa ra thêm một giả thuyết là mẹ của công chúa Từ Hoa bị hắt hủi, bị đuổi ra ngoài cung thành. Mẹ phạm lỗi gì đó để bị đuổi thì con đẻ ra chắc chắn không được gọi là công chúa.
Vì vậy mà tôi nghĩ rằng, cả ba ý kiến cho rằng chùa Kim Liên bây giờ, trước kia là cái nền nhà cũ nơi công chúa Từ Hoa ra đời, hoặc là chỗ công chúa Từ Hoa chăn tằm, hoặc là chỗ công chúa Từ Hoa ra tu, đều đáng nghi ngờ.
Không đủ tài liệu để tra cứu thêm về nhân vật Từ Hoa, chúng ta tạm ngưng nơi đây. Mời bạn rời chùa Kim Liên sang thăm chùa Trấn Quốc, một chùa nổi tiếng khác của Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc, cách chùa Kim Liên không xa lắm, "xưa ở bãi An Hoa, giáp sông Hồng, dựng từ đời Lý Nam Ðế (544-548) gọi là chùa Khai Quốc, sau đổi là chùa Trấn Quốc.
Năm 1615 bãi sông bị lở, chùa được dời tới làng Yên Phụ, cạnh Hồ Tây, dựng trên nền cũ điện Hàm Nguyên đời Trần, cũng là nền cũ cung Thúy Hoa đời Lý" (Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển 1, NXB Khoa học Xã hôi, Hà Nội, 1978, tr 33).
Cung Thúy Hoa và cung Long Thụy được vua Lý Thái Tổ dựng năm 1010 để cho cung nữ ở. Cung nằm trong kinh thành Thăng Long. Lịch sử chùa Trấn Quốc có bãi An Hoa, có nền cũ điện Hàm Nguyên đời Trần, nền cũ cung Thúy Hoa đời Lý.
Tôi cho rằng tên Thúy Hoa đã bị nhầm thành Từ Hoa.
Võ Văn Tường (sđd, tr. 390) cho biết một chi tiết khác về chùa Trấn Quốc: "đến đời Lê Kính Tông (1600-1618) chùa được dời vào hòn đảo Cá Vàng ở giữa Hồ Tây, tức địa điểm hiện nay".
"Cá Vàng" chữ Hán có thể viết là Kim Liên. Chữ liên nghĩa là cá liên ít dùng lại đồng âm và viết gần giống chữ liên thường dùng nghĩa là hoa sen, một hình tượng của đạo Phật, chùa chiền. Ðảo "Cá Vàng" trở thành chùa "Kim Liên" cũng là điều dễ hiểu.
Tôi nghĩ rằng người ta đã nhầm lẫn các tên gọi, rồi gán lịch sử chùa Trấn Quốc cho chùa Kim Liên.
Kim Liên = Cá vàng
Kim Liên = Sen vàngNguyễn Dư
(1) Ðúng ra là thế kỷ 12
[ Trở Về ]