Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [Trang Chủ ] [ Tác giả ]
|
Hồ
Hoàn Kiếm, tháp Rùa và đền Ngọc Sơn là một cụm thắng
cảnh nổi tiếng của Hà Nội mà có lẽ người Việt Nam nào
cũng biết. Biết tận mắt hay biết qua sách báo, màn hình.
Truyền thuyết kể rằng Lê Lợi được trời cho thanh bảo kiếm, đứng lên dẹp giặc Minh. Dẹp giặc xong, Lê Lợi lên làm vua. Một hôm, vua Lê Thái Tổ dạo thuyền trên hồ, bị một con Rùa Vàng lấy lại thanh kiếm. Từ đó hồ có tên là hồ Hoàn Kiếm. Truyền thuyết đẹp và giản dị. Chỉ có ba nhân vật là Lê Lợi, thanh kiếm và con rùa. Thế mà các văn bản cũng không thống nhất. Sách Tang thương ngẫu lục soạn từ đời Gia Long (1802-1819), kể chuyện Hồ Hoàn Kiếm như sau: "Hồ Hoàn Kiếm ở bên cạnh phường Báo Thiên, thành Thăng Long, thông với nước ngoài sông, hình thể rất to rộng. Hồ này là nơi đức Thái Tổ Hoàng Đế (triều trước) đánh rơi thanh kiếm. Hồi Thái Tổ khởi nghĩa, ngài bắt được một thanh gươm cổ. Khi làm vua, ngài thường vẫn đeo thanh gươm đó. Một hôm chơi thuyền ở trong hồ, chợt thấy một con ba-ba rất lớn nổi lên mặt nước, bắn nó không trúng. Ngài bèn lấy thanh gươm mà chỉ. Bất đồ, thanh kiếm rơi xuống nước mất, con ba-ba cũng lặn theo. Ngài giận, sai lấp cửa hồ lại, đắp cái bờ ngang, tát hết nước để tìm, nhưng chẳng thấy đâu cả. Đời sau nhân cái vết bờ ấy chia hồ ra làm hai: tả vọng, hữu vọng. Cuối đời Cảnh Hưng, bỗng có một vệt sáng từ cái đảo trong hồ vọt lên cao, sáng rực tan ra rồi tắt, người ta cho là thanh bảo kiếm bay đi " (Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục, bản dịch của Đạm Nguyên, Đại Nam, tr. 181). Năm 1873, Phạm Đình Bách vẽ Bản đồ Hà Nội. Đến năm 1916 nhà nước bảo hộ Pháp cho in tấm bản đồ này, kèm thêm một trang ghi chú bằng tiếng Pháp. Lời chú không nằm cùng với bản đồ, nên không biết có phải chính Phạm Đình Bách là tác giả không? "Lorsqu'il était encore étudiant, le roi Lê Thái Tổ trouva un jour sur le bord du petit lac une épée et s'en empara. Plus tard, comme roi d'Annam, se promenant en barque sur ce même lac, une énorme tortue sacrée sortit de l'eau et vint à lui, saisi de crainte le roi voulut l'éloigner avec l'épée trouvée; la tortue la lui prit et disparut. C'était une tortue génie ( de là le nom de Hồ Hoàn Kiếm )". ( Trong thời gian còn đi học, một hôm vua Lê Thái Tổ bắt được một thanh kiếm tại bờ hồ. Sau này, khi ngài đã lên làm vua, một hôm bơi thuyền dạo chơi trên hồ, có con rùa rất lớn nổi lên và bơi về phía ngài. Nhà vua sợ, rút kiếm đuổi rùa. Con rùa đớp thanh kiếm và lặn xuống nước. Đây là một con rùa thần. Từ đó đặt tên hồ là hồ Hoàn Kiếm) (Hanoi, Les cahiers de l' Ipraus, 2001, tr. 98-99). Phạm Đình Bách (hoặc người nào khác) cho biết trước khi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lê Lợi có theo học tại Đông Đô (Hà Nội ngày nay) và đã bắt được thanh kiếm tại Bờ Hồ. Hai chi tiết này không ăn khớp với chính sử. Theo cả hai bản Lam Sơn thực lục hiện có, bản do chính Lê Thái Tổ viết (Nguyễn Diên Niên, Lê Văn Uông, Lam Sơn thực lục, Ty Văn Hoá Thanh Hoá, 1976, tr. 239) và bản đã bị Hồ Sĩ Dương sửa đổi (Viện Sử Học, Nguyễn Trãi toàn tập, Khoa Học Xã Hội, 1976, tr. 46-47), thì trước ngày khởi nghĩa Lê Lợi làm phụ đạo ở Khả Lam (Lam Sơn). Lam Sơn thực lục kể chuyện Lê Thận ở Mục Sơn (Thanh Hóa), làm nghề đánh cá, một hôm quăng lưới kéo lên được một lưỡi kiếm. Lê Lợi đánh đổi được lưỡi kiếm này. Một hôm khác Lê Lợi bắt được một chuôi kiếm ở gốc cây đa. Lắp lưỡi kiếm vào chuôi thì thấy vừa khít. Lê Lợi nghĩ rằng trời đã trao cho mình thanh bảo kiếm, từ đó mới nuôi ý khởi nghĩa. Chưa thấy văn bản nào khác của ta nói rằng Lê Lợi theo học hoặc có mặt tại Đông Đô trước ngày khởi nghĩa. Chung quanh hồ Hoàn Kiếm còn nhiều truyền thuyết khác. "Vua Lê Lợi khi mới khởi binh gặp được một ngọn gươm thần. Nhờ đó mà làm nên sự nghiệp. Sau ra chơi tại hồ đó, có con quái đón đầu thuyền. Vua lấy gươm đâm, con quái hả miệng nuốt mất ngọn kiếm. Vua Lê Lợi suy từ đó"(Diên Hương, Thành ngữ điển tích, Phương Lai, 1954). Diên Hương không đả động tới rùa thần mà chỉ nói tới một con quái nuốt mất gươm thần. Theo chính sử thì Lê Lợi làm vua được 6 năm (1428-1433), thanh thế đương thời rất lớn. Đến mấy đời vua sau Lê Lợi, nhà Lê mới bắt đầu suy. "Un beau jour de 1418, une tortue d' or surgie du lac lui tendit une magnifique épée. Il y vit un signe du ciel et partit libérer le pays. Sa mission accomplie, il revint sur les lieux de son initiation pour offrir un sacrifice de gratitude à la divinité lacustre. Au moment où la cérémonie commençait, un puissant coup de tonnerre retentit; l' épée jaillit de son fourreau, tournoya en l'air et retomba dans le bec de la tortue d'or qui s'enfuit dans les profondeurs du lac, appelé depuis lors le lac de l'Épée restituée (Hoàn Kiếm)". (Một ngày năm 1418, một con rùa vàng nổi lên trên mặt hồ và dâng (Lê Lợi) một thanh gươm báu. Ngài biết đây là mệnh trời bèn đứng lên giải phóng non sông. Khởi nghĩa thành công, ngài đến nơi được thần giúp để làm lễ tạ ơn. Đúng lúc cuộc lễ bắt đầu, một tiếng sét nổ vang trời; thanh kiếm của ngài tuột khỏi vỏ, quay vần vũ trên trời rồi rơi vào miệng một con rùa vàng. Rùa lặn sâu xuống đáy hồ. Từ đó hồ được gọi là Hồ Hoàn Kiếm) (Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Fayard, 2001, tr. 115). Ý kiến của Papin tương tự như lời chú của tấm bản đồ Phạm Đình Bách. Khởi nghĩa Lam Sơn bắt đầu năm 1418, Lê Lợi và các đồng chí của ông đang gặp nhiều khó khăn ở vùng Lam Sơn. Lê Lợi không thể có mặt ở bờ hồ để nhận kiếm thần được. Trong một cuốn sách khác Philippe Papin lại kể rằng: "Il (le lac de Hoàn Kiếm) doit son nom à la légende selon laquelle Lê Lợi y aurait pêché une épée magique; muni de cette arme, il chassa les Chinois Ming et fonda, sous le nom de règne de Lê Thái Tổ, la dynastie des Lê postérieurs (1428-1788). Au cours de la cérémonie qu'il offrit à l'occasion de sa victoire, l'épée miraculeuse jaillit d'elle-même du fourreau et se métamorphosa en un dragon de jade qui disparut dans le lac. D'autres versions attribuent à une tortue le soin d 'offrir et de reprendre l'épée". (Tên (hồ Hoàn Kiếm) do truyền thuyết kể rằng Lê Lợi bắt được một thanh kiếm thần tại đây. Với thanh kiếm này Lê Lợi đã đánh đuổi được quân Minh và lên làm vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ, lập ra nhà Hậu Lê (1428-1788). Trong buổi lễ mừng chiến thắng, thanh kiếm thần của vua Lê Thái Tổ bỗng tuột khỏi vỏ, hoá thành con rồng ngọc, rồi lặn biến trong hồ. Cũng có người cho rằng Lê Thái Tổ được một con rùa trao cho và lấy lại thanh kiếm thần) ( Docteur Hocquard , Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 232 ). Ở đoạn trên, Lê Thái Tổ trả kiếm cho Rùa vàng. Ở đoạn sau, thanh kiếm tự biến thành Rồng ngọc rồi lặn xuống hồ. Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán (Hà Nội nghìn xưa, Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Nội, 1975, tr.39-40) tìm hiểu rất sâu xa ý nghĩa hồ Hoàn Kiếm: "Sử Lý-Trần hầu như chẳng nói đến hồ Gươm (…). "Chuyện "Trả gươm thần ", người Hà Nội nghe kể đã nhiều, song ý nghĩa câu chuyện thì chưa mấy ai đào sâu tìm hiểu. Trên đại thể, người ta cho truyền thuyết ấy kể việc Lê Lợi được gươm thần đề chữ "Thuận Thiên" từ nước : ý trời trao sứ mệnh cho người anh hùng đứng lên xướng nghĩa cứu dân, giúp nước, quét giặc ngoại xâm. Mười năm khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, người anh hùng lên làm vua, đi thuyền trên hồ, trời sai Rùa Vàng hiện lên lấy lại thanh gươm. Chủ đề bất tuyệt : "Chiến tranh và Hòa bình"… "Thực ra đấy là vang bóng của một mẫu đề thần thoại và một lễ tiết cổ xưa. Nếu về mặt chính trị-xã hội, thanh gươm là biểu tượng của quyền uy thì về mặt thần thoại-lễ thức, thanh gươm là biểu tượng của Tia chớp-Lửa. (…) Nhúng gươm xuống nước là nghi lễ biểu thị sự hòa hợp Nước-Lửa, một nghi lễ phồn thực. Lại vì gươm là tượng trưng của chớp lửa nên nghi lễ nhúng gươm xuống nước cũng là một nghi lễ chống lụt (…). "Sự tích hồ Gươm-gắn liền với một vị anh hùng lịch sử Lê Lợi-là sự diễn tả về mặt thần thoại một lễ nghi cổ xưa chung cho cả vùng Đông Nam Á : nghi lễ chống lụt và cầu mong sự hài hòa của non nước …". Đúng là thời Lý-Trần không có ai nói đến hồ Gươm vì nơi đây còn là vùng hồ ao đầm lầy. Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm theo truyền thuyết đến đời Lê Thái Tổ mới có. Chủ đề "chiến tranh và hòa bình", "nghi lễ phồn thực", "nghi lễ chống lụt" của Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán thật là đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, một truyền thuyết dân gian mà có ba lối giải thích thuộc ba lĩnh vực khác nhau thì có nhiều quá không? Hay là qua biểu tượng Lê Lợi trả gươm thần, cũng như biểu tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời sau khi dẹp giặc Ân, dân gian chỉ muốn ca tụng người anh hùng cầm gươm đánh giặc, giặc tan thì cất gươm đi? Từ giữa thế kỉ 17, Trịnh Tạc xây phủ chúa Trịnh riêng, tách ra khỏi cung điện của vua Lê trong thành Thăng Long. Vì hồ Hoàn Kiếm nằm về bên trái phủ chúa nên gọi là hồ Tả Vọng (Bùi Thiết, Từ điển Hà Nội-địa danh, Văn Hóa Thông Tin, 1993, tr. 393). Dưới thời các chúa Trịnh, thế kỉ 17-18, hồ Hoàn Kiếm có tên là hồ Thuỷ Quân vì các chúa Trịnh thường diễn tập quân thuỷ trong khu vực hồ (Bùi Thiết, sđd, tr. 435). Có thuyết nói rằng tên hồ Thuỷ Quân đã có từ đời Trần. Nhưng, bản đồ của Phạm Đình Bách (1873, đời Tự Đức) lại cho thấy hồ Hoàn Kiếm và hồ Thuỷ Quân là hai hồ khác nhau: -Lac de Thuỷ Quân sur lequel les marins du Roi s'exerçaient à la manoeuvre des armes (Hồ Thuỷ Quân là nơi lính thuỷ của nhà vua tập trận ). Một tấm bản đồ khác do Biệt Lam vẽ năm 1956, phỏng theo bản đồ năm 1866 và 1873, cũng cho thấy hồ Thuỷ Quân và hồ Hoàn Kiếm là hai hồ khác nhau, cách nhau khá xa (Hanoi, sđd, tr.80). Điều này có thể được hiểu là: Đời Trịnh, hồ Hoàn Kiếm được chia thành hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Đời Tự Đức (1847-1883), hồ Tả Vọng được gọi là hồ Hoàn Kiếm, hồ Hữu Vọng được gọi là hồ Thuỷ Quân Bắt đầu từ năm 1884 nhà nước bảo hộ Pháp giữ lại hồ Hoàn Kiếm, lấp dần hồ Thuỷ Quân để xây dựng, mở mang thành phố Hà Nội. Hồ Hoàn Kiếm ngày xưa còn có tên là Lục Thuỷ, Hàng Hương (Hoàng Đạo Thúy, Đi thăm Đất Nước, Văn Hóa, 1978, tr. 55). |
Bảng chú bản đồ Phạm Đình Bách cho biết: - Đình chúa Trịnh: Pagode élevée sous les Lê à la mémoire des Trịnh (đình chúa Trịnh được xây dưới thời Lê để tưởng nhớ các chúa Trịnh). Đình chúa Trịnh nằm tại địa điểm tháp Rùa. Nguyễn Khắc Ngữ cũng đồng ý với Phạm Đình Bách: "Một trong những kiểu kiến trúc thời Lê còn để lại là tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm" (Nguyễn Khắc Ngữ, Mỹ thuật cổ truyền, theo bài Tháp Rùa có từ khi nào? của Nguyên Thắng, Đoàn Kết, tháng tư, 1984). Bùi Thiết cho biết: "Tòa tháp tọa lạc trên gò Rùa xế về phía nam hồ Hoàn Kiếm, nên gọi là tháp Rùa. Nguyên là đình Tả Vọng do các chúa Trịnh dựng trên gò Rùa giữa hồ Tả Vọng, gọi là đình Tả Vọng. Cuối thế kỷ XVIII vì tin thuyết phong thuỷ, Bá hộ Kim nhận sửa lại đình Tả Vọng để nhân đó táng hài cốt cha mẹ xuống dưới; Việc không thành, nhưng đình Tả Vọng vẫn được sửa lại để có quy cách như hiện nay" (sđd, tr. 383). "Ngôi đình do các chúa Trịnh sai xây trên gò Rùa giữa hồ Tả Vọng (tức hồ Hoàn Kiếm) để làm nơi hóng mát và duyệt quân thuỷ. Vì đình nằm trong hồ Tả Vọng nên có tên gọi. Cuối thế kỷ XIX Bá Kim xin được xây thêm một tầng trên tòa đình Tả Vọng để có quy mô như tháp Rùa ngày nay" (sđd, tr. 393-394). Tiền thân của tháp Rùa là đình Tả Vọng. "Cái đình này làm từ đời Trịnh Căn (chúa thứ tư trong dòng họ Trịnh) là một lầu hai tầng, tầng trên là một cái lầu vuông bốn mái cong có đắp bốn con rồng bò quay đầu lại…Lầu quay lưng hướng nam theo ý nghĩa làm vua quay mặt về phương nam, không chầu lại vua, không thần phục vua Lê, vì vậy bên trên cửa có để ba chữ Tả Vọng Đình". (Chu Thiên, Bóng nước hồ Gươm, theo Nguyên Thắng, sđd). Nhưng, một bài Hồ Hoàn Kiếm khác của sách Tang thương ngẫu lục (sđd, tr. 32-33) kể rằng: "Mùa hạ năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng (1786), đương nửa đêm, giữa hồ Hoàn Kiếm, bỗng có những vật đỏ ối hiện ra trên đảo, tia sáng nhoáng tỏa ra bốn phía, bay về bờ phía nam rồi biến mất. Sau đó sóng gió ầm ầm nổi lên? Sáng hôm sau, thấy xác tôm cá nổi trên mặt nước không biết bao nhiêu mà kể. Có người nói, ở trên nóc nhà Trung Hòa Đường trong phủ Chúa cũng hiện ra những vật tương tự, ánh sáng tỏa ra tứ phía, rồi tự nhiên tắt ngấm. Sau đó ít lâu, nhà Lê mất nước". Nguyễn Khắc Ngữ nói rằng Tháp Rùa ngày nay có từ thời Lê. Phạm Đình Bách cho biết tại đảo Rùa có đình chúa Trịnh được xây dưới thời Lê. Bùi Thiết và Chu Thiên cũng đồng ý rằng các chúa Trịnh đã cho xây đình Tả Vọng trên đảo. Chỉ có Tang thương ngẫu lục là không nói đến công trình xây cất nào trên cái đảo giữa hồ Hoàn Kiếm này. Khó có thể cho rằng các tác giả Tang thương ngẫu lục quên cái đình chúa Trịnh hay cái đình Tả Vọng bởi vì trong bài có nói tới cái nhà Trung Hòa Đường trong phủ chúa Trịnh (nằm gần hồ Hoàn Kiếm) thì không thể không nói tới cái đình do chúa Trịnh xây trên đảo Rùa, nơi đang xảy ra điềm lạ. Hay là đình đã bị đổ nát, năm 1786 không còn dấu vết gì? Giả thuyết này cũng khó đứng vững bởi vì đình do chúa Trịnh xây thì không thể bị huỷ hoại ngay từ thời chúa Trịnh còn nắm quyền được. Hay là đình Tả Vọng được xây sau năm 1786 ? Sử chép rằng Nguyễn Huệ "phò Lê, diệt Trịnh", năm 1786 chấm dứt chế độ cai trị của họ Trịnh. Năm 1789 Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, lên làm vua, lập ra nhà Nguyễn Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh diệt nhà Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn. Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đều không quý mến gì các chúa Trịnh. Không thể có chuyện nhà Tây Sơn hay nhà Nguyễn (trong khoảng từ 1786 đến 1873) xây đình để tưởng nhớ chúa Trịnh. Tóm lại, qua hai bài Hồ Hoàn Kiếm của Tang thương ngẫu lục thì phải thừa nhận rằng đến cuối đời Cảnh Hưng (1786, tức là năm Nguyễn Huệ chấm dứt sự nghiệp các chúa Trịnh) trên đảo Rùa không có đình chúa Trịnh hay đình Tả Vọng. Nói cách khác, đình Tả Vọng hay đình chúa Trịnh không phải được xây tại đảo Rùa. Có thể tại một đảo khác, cũng nằm trong hồ Hoàn Kiếm. |
"Hồ Tả Vọng tên cũ gọi Hoàn Kiếm là một danh thắng đất Kinh kỳ xưa. Phía bắc mặt hồ, một gò đất nổi lên rộng khoảng ba bốn sào, tương truyền là chỗ đài câu cá thời cuối Lê. Trước đây, ông Tín Trai làng Nhị Khê nhân có đền Quan Đế tại đấy bèn mở rộng sửa sang thêm gọi là chùa Ngọc Sơn (…)" (Bài ký Đền Ngọc Sơn đế quân , soạn năm1843, Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển 2, Khoa Học Xã Hội,1978, tr. 68-69). "Phía đông thành Hà Nội, ở thôn Hà Thanh, huyện Thọ Xương có một cái hồ, gọi là hồ Hoàn Kiếm, trong hồ có một cái đảo, gọi là Ngọc Sơn, trong đảo Ngọc Sơn, có một đền thờ gọi là đền thờ Văn Xương. Tôi làm Án sát ở Hưng Yên, vừa đổi về, gặp ông Phương Đình dắt nhau qua chơi, ông nói với tôi rằng : hồ Hoàn Kiếm này đời xưa rất lớn, từ đời Lê trung hưng về sau chở đất về lấp làm đường xe chạy cho suốt đến Long Lâu ở Nhĩ Hà, nửa hồ bên hữu gọi là Hữu Vọng, nửa hồ bên tả gọi là Tả Vọng, núi trong Tả Vọng là đài câu cá. Đầu niên hiệu Gia Long, mới có miếu thờ Quan Võ đế (…). "Hiện nay đền thờ mới đã hoàn thành, phía trước kề bờ nước, làm đình Trấn Ba, ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng văn hóa. Bên tả, phía đông cầu Thê Húc, dựng Đài Nghiên. Lại về phía đông trên núi Độc Tôn, xây Tháp Bút, tượng trưng cho nền văn vật(…)" (Bài ký Sửa lại miếu Văn Xương, Tuyển tập văn bia Hà Nội, sđd, tr. 70-71). Bài kí thứ nhất được soạn năm 1843 nhân dịp sửa đền Quan đế thành chùa Ngọc Sơn. Ít năm sau lại đổi chùa Ngọc Sơn thành đền thờ Văn Xương. Bài kí thứ nhì làm nhân dịp sửa đền thờ Văn Xương. Hai bài văn của hai người khác nhau, viết cách nhau vài chục năm, đều nói trong hồ Hoàn Kiếm có một cái đảo Ngọc Sơn, lớn khoảng ba bốn sào, là đài câu cá thời cuối Lê. Điều này chứng tỏ gián tiếp rằng không phải Tang thương ngẫu lục (1802-1819) bỏ quên công trình xây cất trên đảo Rùa mà chỉ vì đến năm 1843 và mãi vài chục năm sau, hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa có xây cất gì trên đảo Rùa. Hai bài kí không nói tới đảo Rùa có lẽ chỉ vì đảo nhỏ và không có gì đáng nói? Hoàng Đạo Thúy cho biết: Đền Ngọc Sơn "đời Lê là cung nghỉ mát Thuỵ Khánh của chúa Trịnh". "Đứng ở Trấn Ba đình, nhìn xa về hướng nam, trong một khung cảnh đẹp, nổi lên ngọn tháp trên đảo Rùa. Mùa đông, gặp trời nắng, những con rùa bằng cái nia lên tắm nắng trên đảo. Xưa kia trên đảo có đình Tả Vọng. Cái tháp này, một nhà giàu phố hàng Khay xây từ năm 1884" (Đi thăm đất nước, sđd, tr. 55). Chúng ta được biết thêm cung Thuỵ Khánh, nơi nghỉ mát của chúa Trịnh tại hồ Hoàn Kiếm. Bùi Thiết gọi cung này là cung Khánh Thuỵ do Trịnh Giang (1729-1740) sai xây trên đảo Ngọc Sơn. Cung Khánh Thuỵ bị Lê Chiêu Thống cho người đốt năm 1787 để trả thù các chúa Trịnh. Về sau người ta xây đền Ngọc Sơn tại nơi đây. Bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, thuộc khu vực phố Bảo Khánh ngày nay, còn có cung điện Khánh Thuỵ do Trịnh Tùng (1570-1630) xây. Cung điện Khánh Thuỵ cũng bị Lê Chiêu Thống đốt phá trụi năm 1787 (Bùi Thiết, sđd, tr. 221). Bản đồ Phạm Đình Bách cũng có nói tới cung Khánh Thuỵ: Cung Khánh Thuỵ : Habitation des servantes du roi Lê Thái Tổ (emplacement de la rue Jules Ferry) (Cung Khánh Thuỵ: chỗ ở của các cung nữ của vua Lê Thái Tổ, nằm tại phố Hàng Trống ngày nay). Sách Hoàng Lê nhất thống chí (Văn Học, 1970, tr.191) kể chuyện vua Lê Chiêu Thống "ngầm sai người phóng hỏa đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt. "Thế là hai trăm năm lâu đài cung khuyết huy hoàng bỗng chốc đã thành ra bãi đất cháy đen! Xa gần nghe thấy tin đó, ai cũng thương chúa và trách vua làm quá đáng. Hôm ấy nhằm ngày mồng 8 tháng chạp năm Bính Ngọ (1786)". Lâu đài cung khuyết trong phủ chúa đã có từ 200 năm trước năm 1786, nghĩa là được xây vào khoảng năm 1586 ( đời Trịnh Tùng). Bùi Thiết phân biệt cung Khánh Thuỵ trên đảo Ngọc Sơn và cung điện Khánh Thuỵ tại địa điểm phố Bảo Khánh ngày nay và cho rằng cả hai nơi đều bị đốt năm 1787. Phạm Đình Bách chỉ nói tới cung Khánh Thuỵ ở phố Hàng Trống (thẳng góc với phố Bảo Khánh), có từ đời Lê Thái Tổ. Hoàng Lê nhất thống chí cho biết Lê Chiêu Thống chỉ sai đốt cung điện trong phủ chúa năm 1786, nghĩa là cung điện Khánh Thuỵ thôi. Rất có thể cung Khánh Thuỵ được Hoàng Đạo Thuý và Bùi Thiết nói tới, và cho rằng nằm tại đảo Ngọc Sơn, là do nhầm lẫn từ cung điện Khánh Thuỵ trong phủ chúa Trịnh mà ra. Đối chiếu các văn bản thì thấy đời cuối Lê, địa điểm đền Ngọc Sơn còn là đài câu cá, chỗ hóng mát. Đình Tả Vọng cũng là chỗ hóng mát, duyệt quân thuỷ của chúa Trịnh. Cho rằng đình Tả Vọng (đình chúa Trịnh) nằm trên đảo Rùa là chuyện khó hiểu. Đảo Rùa thời chúa Trịnh rất nhỏ (sẽ nói thêm ở phần sau), những lúc tế lễ, duyệt quân thuỷ thì tổ chức ra sao, chỗ đâu để chứa được vài chục người? Mỗi lần hóng mát, chúa Trịnh phải đi thuyền ra giữa hồ? Nếu đình nằm tại đảo Ngọc Sơn rộng lớn hơn, có cầu nối với bờ , thì sẽ rất tiện cho việc câu cá, hóng mát, hoặc tổ chức tế lễ, duyệt quân thuỷ. Đình Tả Vọng hay đình chúa Trịnh nằm trên đảo Ngọc Sơn chăng? Rất có thể Phạm Đình Bách và Bùi Thiết đã nhầm lẫn, xê dịch chỗ hóng mát, câu cá, duyệt quân thuỷù của chúa Trịnh từ đảo Ngọc Sơn sang đảo Rùa. |
Bùi Thiết viết rằng Bá hộ Kim nhận sửa lại đình Tả Vọng vào cuối thế kỉ 18 và xây thêm một tầng vào cuối thế kỉ 19 thành tháp Rùa ngày nay. Khoảng thời gian giữa hai lần sửa và xây thêm dài quá, một người không thể làm được. Bùi Thiết viết nhầm mất một thế kỉ? Hoàng Đạo Thúy cũng nói đến tháp Rùa trong hoàn cảnh Hà Nội bị quân Pháp chiếm đóng kể từ năm1882. "Bang Kim biếu Tây cái tháp Rùa. Cái tháp này nhìn mãi cũng quen mắt, nhưng dưới thì cửa lối gô-tích, trên thì nóc vụn vặt, kiến trúc không ra lối gì". (Hoàng Đạo Thúy, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội,1971, tr. 75). Ở một chỗ khác, Hoàng Đạo Thúy viết rõ là một nhà giàu phố hàng Khay xây tháp Rùa từ năm 1884 (Đi thăm đất nước, sđd). Trong chuyến đi công tác tại Bắc kì và Trung kì (từ tháng 1 năm 1884 đến tháng 4 năm 1886), bác sĩ Hocquard có chụp ảnh tháp Rùa nhìn từ phía tháp Hòa Phong (xem trang bìa sách Histoire de Hanoi, hoặc bản khắc trong sách Une campagne au Tonkin, tr. 249). Tấm ảnh cho thấy tháp Rùa thời đó giống tháp Rùa ngày nay. Diện tích đảo Rùa năm 1884-1886 rất giới hạn, chỉ rộng hơn mặt bằng của tháp mỗi bề độ 2 mét. Một nhà báo Pháp đã tả Hồ Gươm năm 1898 như sau: "Tout vert, tout tranquille, d'un charme discret, avec, au milieu, dans une île infiniment petite, sa vieille pagode d'un style étrange, et les arbres qui mirent dans ses eaux dormantes leurs frêles tiges, voici le "Petit Lac" ou "Lac de la Grande Epée". (Hồ Gươm xanh tươi, trầm lặng và duyên dáng, có cái tháp cũ kĩ, kiến trúc lạ kì, xây trên một hòn đảo nhỏ xíu giữa hồ, có những cành cây lả lơi soi bóng nước). (Les grands dossiers de l'Illustration, Le livre de Paris, 1987, tr. 93) Chắc chắn là thời chúa Trịnh đảo Rùa cũng chỉ nhỏ xíu như vậy thôi. Kiến trúc của tháp Rùa khá lạ kì, đặc biệt. "Dưới thì cửa lối gô-tích, trên thì nóc vụn vặt, kiến trúc không ra lối gì " (Hoàng Đạo Thúy). Tầng dưới cùng và tầng thứ nhì cùng có cửa lối gô–tích. Kiến trúc gô–tích thì phải chờ tới sau này người Pháp mới đưa sang nước ta chứ thời Lê, thời Trịnh thì làm sao có được? Như vậy thì hai tầng dưới cùng của tháp Rùa không thể là của đình chúa Trịnh hay đình Tả Vọng như Bùi Thiết cho biết được. Kiến trúc của tháp Rùa chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp. Người Pháp chỉ bắt đầu xây cất, thiết kế lại thành phố Hà Nội sau khi Triều đình Huế kí hòa ước Patenôtre ngày 6 tháng 6 năm 1884, công nhận quyền bảo hộ của nước Pháp. Mấy cái cửa của tháp Rùa phải được ra đời sau hòa ước Patenôtre, nghĩa là tháp Rùa được xây trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886 (lúc Hocquard về Pháp). Tháp được xây toàn bộ và cùng lúc chứ không phải được xây thêm tầng vào tháp Tả Vọng đã có từ trước. Tháp Rùa không phải là kiến trúc của đời Lê. Tấm ảnh còn cho thấy tầng dưới cùng của tháp Rùa có vẻ hơi cũ hơn các tầng trên. Nếu đúng như vậy thì tình cờ Hocquard đã chụp được lúc người ta vừa xây xong tháp Rùa, đang quét vôi. Các tầng trên đã được quét hai ba nước, tầng dưới đang chờ được quét thêm? Một kiến trúc nổi tiếng khác, có rất nhiều cửa lối gô–tích, là nhà thờ lớn Hà Nội (cathédrale Saint Joseph) cũng được người Pháp xây vào những năm 1884-1888. |
Căn cứ vào một số sách và bản đồ, của ta và của Pháp, thì có thể tạm kết luận rằng: - Thời chúa Trịnh trên đảo Rùa chưa có xây cất. - Đình Tả Vọng (hay đình chúa Trịnh) nằm trên đảo Ngọc Sơn chứ không phải trên đảo Rùa. - Cung Khánh Thụy nằm trong phủ chúa Trịnh chứ không phải tại đảo Ngọc Sơn. - Tháp Rùa được
xây toàn bộ trong khoảng từ tháng 6 năm 1884 đến tháng 4
năm1886. Về sau, hoặc là đảo Rùa được đắp thêm đất,
hoặc là nước hồ Hoàn Kiếm bị cạn dần, nhờ vậy đảo
Rùa mới trở thành lớn rộng như ngày nay.
Đã có nhiều học
giả nói đến hồ Hoàn Kiếm, tháp Rùa. Mỗi người thêm bớt
một hai chi tiết. Có nhiều điều hay nhưng thỉnh thoảng cũng
có chỗ nhầm lẫn.
Mấy ai còn nhớ bài Hồ Hoàn Kiếm của thời mới cắp sách đến trường ? "Trong
thành phố Hà Nội có một cái hồ gọi là hồ Hoàn Kiếm.
Tục truyền rằng một hôm vua Lê Thái Tổ ngự ra câu cá ở
bờ hồ, chỗ gần sở Đốc lý bây giờ, bỗng có một con
rùa thật lớn nổi lên trên mặt nước. Vua lấy thanh bảo
kiếm ném con rùa, thì nó lặn xuống, rồi nó đem thanh kiếm
lên trả vua. Bởi thế mới đặt tên là Hoàn Kiếm…".
Sử gia Trần Trọng Kim và đồng nghiệp đứng riêng một phe. Các ông cho rằng tên Hoàn Kiếm là do tích Rùa mang trả kiếm cho vua Lê Thái Tổ. Lê Lợi được trời cho thanh bảo kiếm để dẹp giặc. Dẹp xong giặc, lên làm vua, trời lại cho Lê Lợi giữ luôn thanh kiếm ! Cách trình bày này
làm mất hết ý nghĩa cao đẹp của truyền thuyết.
Nguyễn
Dư
(Lyon, 8/2002) |
[ Trở Về ]