Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang Chủ ]
[Dưới thời Gia Long- Minh Mệnh, Gia Định bao gồm tất cả các tỉnh Miền Nam từ Phan Thiết đến Cà Mau, tức là Nam Kỳ Lục Tỉnh sau nầy. Gia Đnh thời đó là cả vùng Đồng Nai Cửu Long ngày nay. Làm Tổng Trấn Gia Định thời đó cũng chẳng khác nào làm Thống Đốc Nam Kỳ thời Pháp thuộc hay Thủ Hiến Nam Việt thời Quốc Trưởng Bảo Đại. Năm 1832 sau khi Dức Tả Quân Lê Văn Duyệt từ trần, chế độ Tổng Trấn Gia Định mới bị bãi bỏ. Minh Mạng chia trấn Gia Định thành nhiều tỉnh.]
Khâm Sai Gia Định Thành
Tổng Trấn Chưởng Tả Quân
Quận Công Lê Văn Duyệt(1764 - 1832) Nguyễn Thanh Liêm Khâm sai ChưởngTả Quân Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân (1764) tại Cù Lao Hổ, cạnh Vàm Trà Lọt nay thuộc làng Hòa Khánh, tĩnh Định Tường. Nội tổ là Lê Văn Hiếu từ Quảng Nghĩa thiên cư vào Nam. Thân phụ là Lê Văn Toại và thân mẫu là Phúc Thị Hào, sau này rời Vàm Trà Lọt đến cư trú bên Rạch Ông Hổ (vùng Rạch Gầm) nay thuộc làng Long Hưng Tây tỉnh Định Tường.
Ngài sinh ra đã mang tật kín (ái nam) nên tính khí cũng khác người thường. Thuở nhỏ thường không chịu đi học mà chỉ thích làm bẩy, làm giỏ, bắt chim, đánh cá, nhất là đá gà và tụ tập các trẻ trong làng, chia phe tập trận đánh giặc. Rất khỏe mạnh, rất thông minh, giỏi võ thuật, tuy không có đi học nhiều, nhưng biết rất nhiều về truyện Tàu cùng các anh hùng hảo hán cũng như tư cách, tài năng và cách xử sự của họ ở trong đời. Ngài có chí lớn, mới 15 tuổi đã có câu nói "sinh ở đời loạn, không hay dựng cờ trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu."
Năm 17 tuổi Ngài đã có dịp cứu Chúa Nguyễn Ánh cùng vài người tùy tùng khỏi tử thần. Đêm hôm đó Nguyễn Ánh bị quân Nguyễn Lữ đuổi gắp. Nhờ mưa to gió lớn thuyền của quân Nguyễn Lữ không đuổi theo được thuyền Nguyễn Ánh. Nhưng khi đến Vàm Trà Lọt thì thuyền chở Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng bị sóng lớn làm cho suýt bị chìm. Ngài xuất hiện kịp lúc, đỡ thuyền Nguyễn Ánh đưa vào bờ, giúp Nguyễn Ánh thoát nạn. Biết Nguyễn Ánh là dòng dõi chúa Nguyễn, cụ Lê Văn Toại hết sức cung kính, lo lắng cho Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng cho họ tạm trú ở đây mấy hôm. Sau đó Nguyễn Ánh lại phải tiếp tục tìm đường lẩn trốn đoàn quân Nguyễn Lữ đang lục soát các nơi lùng bắt. Lúc chia tay Nguyễn Ánh cám ơn ông bà Lê Văn Toại với lời hứa là sau này sẽ trở lại đem Lê Văn Duyệt theo.
Giữ đúng lời hứa, năm 1786 sau khi lên ngôi Chúa ở Gia Định, Nguyễn Ánh trở lại Vàm Trà Lọt cám ơn vợ chồng ông Lê Văn Toại đã giúp ông trong cơn hoạn nạn, và tuyển dụng Lê Văn Duyệt làm thái giám. Từ đó Ngài xả thân phò Chúa Nguyễn Ánh, cùng với Nguyễn Văn Thành đánh Nam dẹp Bắc, lập nhiều công trận lớn lao, được phong đến tước Quận Công. Khi vua Gia Long thống nhất giang san, lên ngôi Hoàng Đế, Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần, với đặc ân được vào chầu vua không phải lạy và được đặc quyền "tiền trảm hậu tấu" nơi biên thùy. Gia Long thăng hà, Ngài tiếp tục phò vua Minh Mạng cho đến hết cuộc đời mặc dù Ngài không kính phục thương mến ông vua này chút nào cả. Minh Mạng cũng không ưa gì Ngài nhưng phải dùng đến Ngài cho đến hết cuộc đời. Tuy vậy năm 1823 Ngài cũng được Minh Mạng ân thưởng ngọc đái với lời dụ: "Từ xưa hoàng tử, chư công chưa ai được ân tứ ngọc đái, nay khanh đã nhiều vãng tích, lại kiến tân lao nên đặc biệt ân tứ vậy."
Năm 1831 người bạn thân nhất của Ngài là Lê Chất, Tổng Trấn Bắc thành lìa đời khiến Ngài vô cùng thương xót. Sau cái chết của Lê Chất, Minh Mạng bãi bỏ chế độ tổng trấn ở Bắc Việt, đổi làm tỉnh, cử những chức vụ mới như Tổng Đốc, Tuần Phủ,.. Năm sau Đức Tả Quân xin từ chức Tổng Trấn Gia Định nhưng nhà vua không cho, bắt buộc Ngài phải ở lại. Nhưng chỉ mấy tháng sau thôi thì Ngài lâm trọng bệnh và mất ngày 30 tháng 7 năm Mậu Thìn (nhằm ngày 15 tháng 8 năm 1832) hưởng thọ 69 tuổi. Miếu mộ của Ngài được xây cất tại Bình Hòa Xả (Gia Định), nơi người dân Đồng Nai kính cẩn gọi là "Lăng Ông," "Lăng Ông Thượng," hay đền thờ Đức Thượng Công, và các thiện nam tín nữ Trung Hoa tôn xưng là "Phò Mã Da Da Miếu."
NHỮNG ĐỨC TÍNH CAO QUÝ CỦA ĐỨC THƯỢNG CÔNG Thanh liêm, ngay thẳng, trong sạch
Ngài là một vị quan rất mực thanh liêm, trong sạch. Dù có quyền hành thật lớn trong tay, Ngài không hề hiếp đáp kẻ dưới, không hề lấy của ai bất cứ tiền bạc hay của cải gì. Nhiều khi Ngài còn bỏ tiền túi ra để làm việc hữu ích cho dân. Ngài đi tới đâu là làm sạch sẽ tới đó. Tất cả những quan viên lớn nhỏ dưới quyền kiểm soát của Ngài cũng đều phải trong sạch, thanh liêm như Ngài. Quân lính của Ngài rất có kỷ luật, không hề phá phách, cướp bốc của dân. Ngài cai trị đến đâu là những kẻ nhũng lạm, hại dân đều phải rơi đầu đến đó, bất kỳ người đó là ai.
Khi được triều đình cử đi dẹp loạn ở nơi nào, Ngài cũng cho điều tra kỹ để biết rõ nguyên nhân tại sao dân nổi loạn. Khi biết chắc nguyên nhân của cuộc nổi loạn là do nơi đám quan lại sở tại tham nhũng, bức hiếp dân chúng, làm cho dân chúng quá khổ sở, không thể nào sống được nên phải nổi loạn, thì Ngài thẳng tay trừng trị bọn quan lại tham nhũng trước rồi kêu gọi những kẻ làm loạn trở về đầu thú với triều đình, sống lại cuộc đời lương thiện. Nhờ chính sách sáng suốt và rộng rãi đó mà Ngài đã dẹp loạn ở nhiều nơi một cách nhanh chóng, hữu hiệu, mà không tốn kém tiền bạc và nhân mạng. Chính sách này đã được Ngài cho áp dụng trong chiến dịch chiêu hồi Mọi Vách Đá vào những năm 1807 và 1808. Trong chiến dịch này Ngài đã cho xử trảm Chưởng Cơ Lê Quốc Huy, một tên đại tham nhũng, để đem bình yên an cư lạc nghiệp lại cho dân chúng. Năm 1819 Ngài được cử đi kinh lược hai trấn Thanh, Nghệ. Ở đây Ngài cũng áp dụng chính sách nói trên, thẳng tay trừng trị bọn quan lại tham ô rồi chiêu dụ những kẻ làm loạn trở về với triều đình. Đặc biệt là Ngài cho lập ra ba đội lính "Hồi Lương" (An Thuận, Thanh Thuận, và Bắc Thuận) gồm những thành phần nổi loạn đã trở về với triều đình.
Việc làm nổi tiếng nhất của Ngài là xử tử Huỳnh Công Lý, Phó Tổng Trấn Gia Định. Huỳng Công Lý là cha của một bà thứ phi rất được vua Minh Mạng sủng ái. Ỷ thế cha vợ vua, Huỳng Công Lý vơ vét tiền của của dân chúng, hà hiếp kẻ yếu, hối lộ ngang nhiên trắng trợn. Tiếng kêu ca thấu đến tai Ngài Tổng Trấn, Ngài cho điều tra tận gốc. Có đủ bằng chứng Ngài dâng sớ lên triều đình hài rõ tội trạng của Huỳnh Công Lý. Sợ triều đình vị nể cha vợ của vua, không dám thẳng tay trừng trị, Ngài bèn ra lệnh xử trảm Huỳnh Công Lý trước khi có lệnh giải tội phạm về kinh của vua Minh Mạng. Từ thời Gia Long, Ngài đã được triều đình ban cho cái quyền "tiền trảm hậu tấu" (xử trảm trước rồi sẽ tâu lại với triều đình sau) để sử dụng ở biên cương hầu kịp thời đáp ứng với tình thế.
Về đức tính thanh liêm trong sạch của bậc cha mẹ dân, Ngài là một tấm gương vô cùng sáng chói cho người làm quan cũng như nhiều công chức ở Miền Nam sau này.
Dũng cảm, quả quyết, trọng nhân ái
Đức thanh liêm của Ngài gắn liền với lòng dũng cảm. Ngài có cái dũng của đấng nam nhi, của bậc trượng phu, anh hùng. Ngài không rụt rè, e ngại hay sợ sệt khi phải hành động đúng lẽ phải và công lý. Hoàn cảnh có khó khăn nguy hiểm đến đâu Ngài cũng mạnh dạn dấn thân vì lòng trung quân ái quốc, vì dân vì nước. Vì sự thanh liêm trong sạch, vì lẽ phải Ngài không bao giờ hèn yếu khuất phục trước bất cứ kẻ quyền thế nào dù người đó là nhà vua đi nữa. Trường hợp Huỳnh Công Lý trên kia là một thí dụ điển hình. Ngoài ra khi vua Minh Mạng, vì tư thù và vì sợ bị mất ngôi, đem xử tội Tống Thị Quyên, vợ của Hoàng Tử Cảnh, một cách oan uổng, thì chỉ một mình Ngài can đảm dâng sớ lên vua xin tha tội cho người này. Việc làm của Ngài không khỏi làm cho Minh Mạng bực tức, giận ghét Ngài thêm, nhưng vì lẽ phải Ngài vẫn cứ làm. Hai lần Minh Mạng cử người vào Nam giữ chức vụ quan trọng đều bị Ngài gởi trả lại triều đình vì những người này chỉ là những kẻ tham tàn, hại dân hại nước mà thôi. Một trong những người đó là Bạch Xuân Nguyên mà sau này sẽ là đầu mối của cuộc nổi loạn ở trong Nam do Lê Văn Khôi chủ xướng. Minh Mạng không ưa thái độ xem như ương ngạnh của Ngài nhưng vẫn rất nể sợ tài năng, đức độ của Ngài nên không dám làm gì trong lúc Ngài còn sống, mà lại ôm ấp lòng giận ghét để sau này tìm cơ hội báo thù. Quan trọng nhất là việc Ngài không chịu thi hành lệnh cấm đạo hết sức gắt gao của Minh Mạng. Ngài cho rằng việc cấm đạo, bắt bớ giết chóc các nhà truyền giáo và các giáo dân, bế môn tỏa cảng không cho người Tây phương vào giao dịch, buôn bán, là một chính sách hết sức sai lầm. Trong Gia Định trấn (từ Phan Thiết đến Cà Mau), dưới sự cai trị của Ngài, không có sự cấm đạo và cũng không có sự bế môn tỏa cảng. Ngài không phản bội nhà Nguyễn, luôn luôn bảo vệ nhà Nguyễn, rất mực trung thành với nhà Nuuyễn, nhưng Ngài luôn luôn can đảm làm trái lệnh nhà vua nếu việc làm của Ngài có lợi cho quốc gia, cho triều đình, và cho người dân Nam Việt.
Trung quân, ái quốc
Ngài luôn luôn trung thành với các vua nhà Nguyễn. Thuở thiếu thời Ngài đã theo phò vua Gia Long, vào sinh ra tử với nhà vua. Khi Gia Long mất, Ngài tiếp tục phò vua Minh Mạng, mặc dù Ngài không có thiện cảm với vị vua này. Ngài kính nể thương yêu hoàng tử Đán, con trai của hoàng tử Cảnh hơn. Cho nên khi Gia Long hỏi ý Ngài và Nguyễn Văn Thành về việc chọn người nối ngôi, thì Ngài và Nguyễn Văn Thành đều nói nên chọn hoàng tử Đán vì hoàng tử Đán là con trai lớn của hoàng tử Cảnh, là cháu đích tôn của nhà vua, và hơn nữa, theo Ngài thì hoàng tử Đán rất khôn ngoan nhân từ, những đức tính không tìm thấy ở nơi hoàng tử Đảm. Vua Gia Long chỉ hỏi cho có hỏi vậy thôi, chớ thật sự nhà vua đã có quyết định rồi. Nhà vua đã chọn thái tử Đảm làm người nối ngôi, vì theo nhà vua thì hoàng tử Đán còn quá trẻ (mới 12 tuổi) lại có tính khí hiền hòa giống như hoàng tử Cảnh, và như vậy sợ không gánh vác nổi việc lớn của triều đình. Thái tử Đảm, theo ý Ngài, là người không có lòng đại lượng vị tha, ngược lại, ông ta là kẻ có trái tim vị kỷ, nhỏ nhen, tàn bạo, ông ta rất thông minh nhưng cũng vô cùng nham hiểm. Biết vậy nhưng Ngài vẫn giữ một dạ trung quân ái quốc cho đến hơi thở cuối cùng.
Uy Nghiêm, cứng rắn, nhưng rộng rãi, anh hùng
Ngài rất nghiêm nghị, rất uy nghi, ít có người dám nhìn thẳng vào mặt Ngài, kể cả những huân cựu đại thần ở trong triều. Chính vua Gia Long cũng công nhận rằng Ngài là bậc khai quốc công thần tính nghiêm mà thẳng, trị quân theo quân pháp, không nể nang bất kỳ ai. Nhất là đối với vua quan Xiêm và Chân Lạp. Họ rất nể sợ Ngài. Nhưng với dân chúng thì Ngài rất mực thương yêu, nhất là đối với những người biết hối cải thì Ngài lại rất bao dung rộng lượng. Nhiều kẻ nổi loạn, chống lại triều đình, đáng tội chết, vậy mà khi họ biết hối cải, trở về với triều đình thì Ngài lại dung tha và còn cấp ruộng đất cho họ để họ làm ăn sinh sống. Ngài chủ trương rằng khi mình đã dùng chính sách chiêu dụ họ về hàng, thì khi họ về với mình mình phải giữ đúng lời hứa, nếu không mình không phải là kẻ trượng phu, không còn xứng đáng với lòng tin của kẻ khác. Mất lòng tin thì những kẻ phiến loạn sẽ không cải tà quy chánh nữa, và loạn lạc sẽ kéo dài không biết đến bao giời mới hết.
Rất sáng suốt, thấy xa, hiểu rộng, có chính sách cai trị vô cùng khôn ngoan
Ngài là một người thấy xa, hiểu rộng, và rất sáng suốt trong việc cai trị. Ở địa vị Tổng Trấn Gia Định (xem như như một Phó Vương cai quản cả Miền Nam nước Việt), với tất cả quyền hành trong tay, Ngài đã đem lại cho người dân Miền Nam một nền hòa bình thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Đối ngoại Ngài đã thần phục Cao Miên và làm cho Xiêm La nể sợ không còn dám dòm ngó phá phách Việt Nam. Ngài chấp nhận giao thương với các nước Tây phương cũng như Trung Hoa, Miến điện chớ không nhắm mắt theo lệnh triều đình đóng cửa rút cầu không cho người ngoại quốc vào nước mình buôn bán. Ngài không thi hành lệnh cấm đạo của Minh Mạng, làm ngơ để cho các giáo sĩ được tự do truyền giáo ở trong Nam. Ngài chủ trương tôn giáo nào cũng tốt, cũng có nền đạo đức luân lý giúp con người sống lành mạnh tốt đẹp. Ngài bảo: "Đạo Thiên Chúa nước nào không có. Người ta đâu có ngăn cấm, sao nước mình lại đặt ra cái chỉ dụ kỳ cục vậy. Gây cảnh nồi da xáo thịt lại mang tội với đời sau". Thay vì bế môn tỏa cảng theo lệnh của triều đình thì Ngài lại sẵn sàng đón nhận các phái bộ ngoại quốc đến xin tiếp xúc giao thương. Thay vì xem nhẹ việc buôn bán thì Ngài lại khuyến khích thương mại để đem nhiều quyền lợi về cho quốc gia dân tộc. Đối nội Ngài làm cho dân chúng được yên ổn làm ăn, lại tạo ra cơ hội để người dân góp phần phát triển kinh tế trong vùng. Ngài cho đào kinh, làm đường sá để cho sự giao thông trong nước cũng như giữa Việt Nam và Cao Miên được dễ dàng. Ngài khuyến khích người dân khẩn hoang lập ấp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Ngài tạo điều kiện tốt cho các giống dân (Trung Hoa, Miên, và người ngoại quốc khác) sống ở đây hội nhập vào xã hội Việt Nam mới này để cùng chung sức làm cho đất nước được phồn thịnh. Về xã hội, nghĩ đến những người đã hy sinh vì nước để vợ con bơ vơ thiếu thốn, Ngài cho thiết lập hai cơ quan từ thiện là "Anh hài" và "Giáo dưỡng" để lo cho vợ con các chiến sĩ vị quốc vong thân. Tuy xuất thân là một võ quan, Ngài vẫn chú trọng đến việc phát triển văn hóa. Ngài dùng tiền do triều đình ban thưởng cho cá nhân Ngài để xây Văn Thánh Miếu khích lệ việc học của các sĩ tử.
Công lao to tát đối với dân Đồng Nai Cửu Long
Công lao của Ngài đối với người dân vùng Đồng Nai Cửu Long thật vô cùng to tát. Đó là công phát triển Miền Nam, làm cho vùng này trở nên vô cùng trù phú với một nền an ninh hết sức vững chắc (bởi chiến lược bảo vệ và phòng thủ phía Nam và phía Tây rất hữu hiệu của Ngài), làm cho dân Miền Nam được an hưởng hòa bình thịnh vượng, trong một xã hội trật tự nhưng cởi mở, tiến bộ. Trong lần hội kiến với Ngài tại Gia Định thành, Phan Thanh Giản đã hết sức kính phục thố lộ:
"Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng Trấn như đại quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. Ở dọc sông thì trên bến, dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang. Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt.
Cảnh dân theo đạo Thiên Chúa trốn chui, trốn nhủi như ở ngoài Bắc Thành, Kinh Thành, ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, vào đây không thấy. Cha truyền giáo vẫn đi lại bình thường trên đường phố. Tôi thật mừng. Mình làm quan thấy dân vui là mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thật đáng trách."
Năm 1822 một phái đoàn Anh do ông Crawfurd dẫn đầu có đến yết kiến Ngài Tổng Trấn. Trong dịp này Crawfurd thú nhận: "Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng." Sau đó ông còn ghi lại trong quyển nhật ký của ông về những sinh hoạt của thành phố Sài Gòn lúc đó và tiếng tăm của Ngài Tổng trấn như sau:
"Thành phố Saigun không xa biển, có lẽ cách độ 50 dặm; thành phố Pingeh (Bến Nghé) gần đó cách thành phố Saigun độ 3 dặm. Dinh Tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được Tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ Tổng trấn biết được cũng bị phạt rất nặng.
Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị Tổng trấn của họ.
Con người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông."
Ngài vô cùng linh hiển đối với người dân Đồng Nai Cửu Long
Tương truyền rằng tướng tinh của Ngài là con cọp bạch. Người ta thấy lúc Ngài ngủ ban đêm con cọp bạch thường hiện ra chập chờn bên cạnh Ngài. Lúc chưa theo phò Nguyễn Ánh, Ngài thường dùng thần lực oai nghiêm của mình làm cho những con cọp hay về bên Rạch Ông Hổ phải khiếp sợ bỏ đi. Người ta cũng truyền tụng rằng những con hổ mà Ngài cho nuôi để giao đấu rất sợ Ngài, luôn luôn nghe lệnh chỉ bảo của Ngài. Con voi (đặt tên Ba Sao) của Tổng Trấn Bắc Thành Lê Chất tặng Ngài là con voi rất dữ dằn không ai trị nổi. Mỗi khi nổi cơn giận lên là nó phá phách, dày xéo một cách khủng khiếp, không ai có thể làm gì được nó. Chỉ một mình Ngài đến trước con vật khổng lồ, gọi tên nó, là Ngài làm cho nó dịu lại và tuân theo lệnh Ngài ngay.
Rồi một hôm nghe đồn ở Tây Ninh có một cô gái tên là Lý Thị Thiên Hương rất là linh hiển, Ngài bèn đến tận nơi để biết thực hư. Lúc Ngài đến thì cô Lý Thị Thiên Hương nhập vào xác một cô gái đến nói với Ngài như sau: "Tôi xin mách bảo trước cho Thượng Quan được biết là hồn của Thượng Quan sau này sẽ được phong thần và sẽ rất là linh hiển, nhưng xác của Thượng Quan thì sẽ bị hành hạ, mả bị xiềng xích, tên tuổi bị đục khoét trong 12 năm, sau đó Thượng Quan sẽ được minh oan và sẽ được phục hồi danh vị cũ."
Sau khi Ngài mất rồi thì Minh Mạng bãi bỏ tổng trấn Gia Định, chia ra thành tỉnh, cử Bạch Xuân Nguyên làm Bố chánh sứ tại thành Phiên An (tức là Sài Gòn). Bạch Xuân Nguyên là kẻ tham tàn gian ác, trước đây đã được Minh Mạng đưa vào làm Phó Tổng Trấn Gia Định và đã bị Đức Tả Quân gởi trả lại triều đình. Vào làm bố chánh lần này, Bạch Xuân Nguyên quyết định trả mối thù xưa. Biết Minh Mạng không ưa Đức Tả Quân, Bạch Xuân Nguyên muốn lập công với nhà vua nên kiếm chuyện điều tra, bới móc, hạch hỏi những tay chân bộ hạ của Đức Tả Quân với thái độ hách dịch với lời lẽ xúc phạm đến Ngài Tổng Trấn mặc dù Ngài đã là người thiên cổ. Con nuôi của Đức Tả Quân là Lê Văn Khôi không chịu được thái độ trịch thượng và hành động lưu manh thù vặt của Bạch Xuân Nguyên nên tỏ ra bất bình chống đối. Bạch Xuân Nguyên đem nhối Lê Văn Khôi và nhiều người trong đạo lính Hồi Lương của Đức Tả Quân. Nhờ có người giúp Lê Văn Khôi và 27 người khác trong số người Hồi Lương thoát khỏi ngục bèn nổi lên giết chết Bạch Xuân Nguyên rồi tổ chức làm loạn chống lại triều đình. Việc làm của Bạch Xuân Nguyên gây sự công phẫn lớn lao trong đám quân nhân cũng như dân chúng Miền Nam vì ở đây ai ai cũng mến thương kính nể Đức Tả Quân xem Ngài như vị thần bảo hộ cho người dân vùng này. Cho nên chỉ trong vòng một tháng tất cả 6 tỉnh Miền Nam đều theo Lê Văn Khôi. Thanh thế của Lê Văn Khôi rất lớn làm cho Minh Mạng hết sức lo sợ phải cử một đoàn binh hùng tướng mạnh vào Nam dẹp loạn. Cuối năm này (1833) Lê Văn Khôi bị bệnh chết nhưng đám người theo ông vẫn cố thủ trong thành. Quân triều đình bao vây bên ngoài nhưng không làm gì được. Mãi đến năm 1835 lương thực cạn khô thành Phiên An mới bị hạ. Có 6 tội phạm bị đóng cũi gởi về Kinh, còn tất cả binh sĩ và nam phụ lão ấu trong thành (cả thảy 1831 người) đều bị chém hết và chôn chung trong một hầm gọi là "Mã Ngụy". Đối với Đức Tả Quân, Minh Mạng cố dằn cơn giận, dụ rằng: "Lê Văn Duyệt tội nhiều đếm không xuể, càng nói càng đau lòng, bổ quan tài mà chém xác cũng không quá đáng. Nhưng nghĩ rằng nó chết đã lâu, còn cái xương khô trong mã cũng chẳng cần gia hình. Nay sai Tổng Đốc Gia Định đến chỗ mã Duyệt cào bằng, đánh 100 trượng, khắc to 8 chữ "Quyền Yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ." Từ đó trên ngôi mộ bị cào bằng của Ngài có một sợi xiềng sắt và một bia đá có khắc 8 chữ nói trên.
Người ta kể lại rằng ít lâu sau trong một giấc mơ Minh Mạng gặp Đức Tả Quân. Minh Mạng hỏi Duyệt đi đâu đó? Đức Tả Quân, mắt đỏ như hai hòn than, trả lời: "Không còn nhà, đi lang thang chơi, không ngờ lại bước vào Tử Cấm Thành." Nói xong Ngài biến mất. Minh Mạng sợ quá cho dẹp bia đá và sợi xích và để cho con cháu Đức Tả Quân sau này tự sửa đắp mả lại. Dân trong vùng Gia Định xưa đã đến dựng lên ngôi đền thờ bề thế gọi là "Lăng Ông." Lăng Ông linh thiêng vô cùng đối với người dân Gia Định cũng như cả dân chúng Miền Nam nói chung. Sau này vua Tự Đức nghĩ đến công lao của Dức Tả Quân mới truy phục nguyên hàm cho Ngài là: "VỌNG CÁC CÔNG THẦN CHƯỞNG TẢ QUÂN BÌNH TÂY TƯỚNG QUÂN QUẬN CÔNG."
(Đây là một vụ án hết sức phi lý và phi nhân cho thấy tất cả cái thù hận nhỏ nhen, cũng như cái tàn bạo nham hiểm của vua Minh Mạng cùng những tay chân bộ hạ của nhà vua. Không cần biết nguyên do của sự nổi loạn, không hề nghĩ tới nguyện vọng và sự an sinh của dân chúng Miền Nam, nhà vua chỉ thấy có tự ái của nhà vua, chỉ biết mạnh tay sát phạt để thỏa mãn lòng tự ái của mình. Người ta thường cho Minh Mạng là người học rộng biết nhiều, thấm nhuần đạo lý Nho giáo. Nhưng trong vụ án này, người ta không thấy lòng nhân, chữ nghĩa, cũng như chữ trí của nhà vua. Người ta thấy ông là một kẻ tiểu nhân hơn là người quân tử. Đem 1831 người, kể cả đàn bà và trẻ con, ra chém và chôn chung trong một cái hầm lớn rồi gọi là "Mã Ngụy" thì thật là một hành động hết sức phi nhân. Đức Tả Quân là ân nhân của Nguyễn Ánh và gia đình Chúa Nguyễn, là đệ nhất khai quốc công thần của Nhà Nguyễn, là một vị Tổng Trấn giỏi nhất. được dân chúng thương yêu nhất, đáng lẽ Minh Mạng phải xem Đức Tả Quân như một người cha, phải hãnh diện có được một người bề tôi giỏi giắn trung thành, phải kính nể một công thần quá cố, đằng này Minh Mạng lại dùng lời lẽ khiếm nhả, kém nhân từ, hài tội và trừng phạt Đức Tả Quân một cách nhỏ nhen hèn mọn.)
Cũng từ đó những người dân từ mọi nơi của Gia Định xưa (từ Phan Thiết đến Cà Mau) đã đến nơi đây dâng hoa, đốt hương cho Đức Thượng Công. Không ngày nào hương khói ở đây không nghi ngút. Rồi khi đêm xuống không khí ở đây âm u rùng rợn, người ta nghe thấy tiếng ma khóc, tiếng người ngựa rầm rộ đi. Dân cư ở quanh vùng ban đêm không ai dám đến gần, người đi qua đường phải lánh xa chỗ ấy. Người ta đồn Ngài rất linh hiển. Một lần nọ có một đoàn rước sắc thần đi ngang qua lăng miếu Đức Thượng Công, chiêng trống ầm ĩ mà không cử người vào bái yết Đức Ông, thế là cả người lẫn kiệu của đám rước tự nhiên bị quật ngã giữa đường. Sau đó có người chợt nhớ ra vội hướng vào lăng Ông khấn vái tạ lỗi rồi thì đoàn rước mới được đi qua bình an. Những người làm việc cho chính quyền, có đầu óc vô thần, tỏ vẻ xấc láo với thần linh trước miếu thờ Đức Thượng Công đều bị Ngài trừng phạt nặng nề. Ngày nay trong dân gian ai cũng nghe nói đến sự hiển linh của Ngài. Ngài luôn luôn trừng phạt những kẻ gian, kẻ trộm cướp, kẻ xấc láo vô lễ, kẻ thề thốt man trá trước lăng miếu của Ngài. Người ta hay nói đến những trường hợp bị "Ông vật", "Ông bẻ cổ" hay "Ông bắt hộc máu," để chỉ những trừng phạt đó. Trước đây các cơ quan hay hãng sở có vụ án bí ẩn không tìm ra manh mối thì người ta thường đưa các đương sự đến "Lăng Ông" cho thề trước đền thờ Ngài. Ngược lại nhiều người thường dân làm ăn lương thiện hay đến cầu xin Ngài giúp cho họ sự bình yên, thành công trong việc làm, thi cử đổ đạt, thành tựu trong việc cưới xin, bệnh hoạn chống khỏi, vv hầu hết đều được Ngài chứng tri giúp đỡ. Tiếng đồn về việc Đức Thượng Công hiển linh thường hay thi ân, giáng họa được truyền tụng mỗi lúc một lan xa trong dân chúng từ xưa đến giờ và mãi mãi về sau này.
LỜI KẾT Nếu người dân Đồng Nai Cửu Long xưa kia may mắn có được một nhà cai trị khôn ngoan, nhân đức, sáng suốt, biết thương dân thương nước như Đức Thượng Công khi Ngài còn tại thế và làm Tổng Trấn Gia Định thành, thì ngày nay dân chúng Miền Nam cũng vô cùng hãnh diện và may mắn có một vị thần bảo hộ hết sức hiển linh như Đức Tả Quân. Tiếc rằng dân Việt Nam nói chung không được cái may mắn đó vì triều đình Minh Mạng cũng như đa số các đại thần của triều đình này không có được cái khôn ngoan nhân đức và lòng thương nước thương dân của Ngài "Chưởng Tả Quân Bình Tây Tướng Quân Quận Công". Nếu như triều đình và các đại thần của triều đình này cũng khôn ngoan, thấy xa, hết lòng vì dân vì nước, áp dụng chính sách cai trị khôn khéo, cởi mở của Đức Thượng Công đã áp dụng trong Miền Nam thì cả nước Việt Nam đã sớm trở thành một nước tiến bộ hùng cường như Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ XX rồi, và người dân Việt Nam đã được ấm no hạnh phúc như những người dân trong các xã hội tiến bộ khác từ lâu. Người đời sau nếu thật lòng thương dân thương nước, nếu thật lòng muốn cho xã hội tiến bộ, dân chúng ấm no hạnh phúc, thì nên học hỏi chính sách cai trị khôn ngoan sáng suốt cởi mở của Đức Thượng Công. Ngài thật vô cùng xứng đáng làm tấm gương cho người làm chính trị sau này, xứng đáng được sự nhớ ơn đời đời cũng như sự tin tưởng phụng thờ và sùng bái ngàn năm của người dân Nam Việt vậy.
Nguyễn Thanh Liêm
[ Trở Về ]