Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
|
|
Long Thành công chúa Ngọc Tú, sanh ngày mồng 3 tháng Chạp năm 1759, mất mùa đông năm Quý Mùi (Minh Mạng thứ 4, 1823), trưởng nữ của Hưng Tổ Hiếu Khương hoàng đế (Nguyễn Phước Côn) (1) và bà nguyên phối Nguyễn Thị Hoàn (2). Bị quyền thần Trương Phúc Loan hãm hại, Nguyễn Phước Côn mất sớm, bà cùng 4 người con phải sống trong cảnh cơ hàn. Năm Giáp Ngọ [1774], họ Trịnh đánh vào Phú Xuân, Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Phước Ánh mới 15 tuổi theo chúa Định vương Nguyễn Phước Thuần vào Nam. Mấy mẹ con phải về quê ngoại ở làng An Do (Quảng Trị) lánh nạn, lưu lạc trong dân dã. Đến khi chúa Nguyễn Phước Ánh về Gia Định được tôn lên ngôi Đại nguyên soái (1779), lãnh đạo khởi nghĩa, sai cai cơ Lê Phước Điển bí mật vượt biển ra đón cung quyến vào Nam. Tưởng thưởng công lao, Nguyễn Ánh gả chị gái là Công chúa Ngọc Tú cho Lê Phước Điển. Năm Quý Mão [1783], Nguyễn vương đóng quân ở hòn Điệp Thạch (hòn Đá Chồng), tướng Tây Sơn là Phan Tiến Thận đang đêm đem quân tập kích. Tình thế cấp bách, Lê Phước Điển xin mặc áo ngự, đứng đầu thuyền, còn vương xuống thuyền nhỏ chạy thoát ra đảo Côn Lôn. Điển cùng các bộ tướng bị bắt. Tây Sơn dụ hàng, Điển không khứng chịu, chửi mắng không ngớt, bị giết. Công chúa Ngọc Tú còn trẻ, góa bụa, nhưng cảm nghĩa không chịu tái giá. Thường nói, "Điển làm tôi còn biết tử tiết, ta là vợ người sao dám có chí khác. Bao giờ lấy lại kinh đô cũ, ta nên xuất gia thờ Phật thôi" (3). Nguyễn vương rất cảm kích, khen có chí. Diệt xong nhà Tây Sơn, bà theo vua về Phú Xuân. Gia Long năm thứ nhất, vua lập phủ đệ cho bà ở phường Cam Thụy. Bà nhiều lần xin cắt tóc xuất gia nhưng vua không đồng ý. Trước khi mất, ốm nặng, Thánh tổ (Minh Mạng) đến thăm, bà khóc mà nói rằng: "Cắt tóc đi tu để thờ Phật là chí nguyện bình sinh, lòng ấy chưa được thỏa, xin bệ hạ cho được trọn nguyện. Sau khi tôi chết, xin đừng để tóc, khâm liệm bằng áo cà sa, tôi ở dưới chín suối cũng được mãn nguyện" (4) . Vua cảm động lắm, bèn đem bàn với Kiến An công Nguyễn Phước Đài, Đài tâu: " Thân thể tóc da là của cha mẹ cho, lúc sống phải giữ toàn, chết về cũng phải để toàn, thế là lễ vậy. Bệ hạ trị thiên hạ, nên theo chính đạo bỏ dị đoan, điều chúa muốn không nên theo" (5). Vua cho là phải bèn sai Diên Khánh công Nguyễn Phước Tấn với Bộ Lễ trị tang. Vua nghỉ chầu 5 ngày, lập đàn tứ tế, ban tặng thụy hiệu Long Thành thái trưởng công chúa, thụy Trinh Tĩnh. Vì công chúa không con, nên lập Thường Tín công Nguyễn Phước Cự làm thừa tự.
Tháp mộ của Công chúa được lập trong khuôn viên lăng Gia Long (lăng Thiên Thụ), nay thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Năm sau, Giáp Thân [1824] Minh Mạng thứ 5, theo di huấn của Thế Tổ (Gia Long), "Chị ta là trưởng Công chúa Ngọc Tú thờ mẹ trọn đạo làm con, lúc gian khổ giữ trọn trinh tiết, đức tốt như ngọc uyển, ngọc diễm để thơm về sau, vậy để sẵn vị thờ ở gian tả nhất tẩm điện làm chỗ ngày sau phụ hưởng." (6), bà được phụ thờ ở điện lăng Thụy Thánh. Ngày nay, tháp mộ của Công chúa Long Thành còn nguyên vẹn, được chăm sóc khá kỹ lưỡng. Trên đường vào quần thể lăng Hoàng đế Gia Long, trước đó chừng 300m, rẽ phía phải, men theo con đường gạch nhỏ rợp bóng cây, sẽ gặp một ngôi cổ tháp rêu phong có la thành bao bọc, thường được gọi lăng Hoàng Cô (theo cách dân địa phương). Đây là một lăng mộ hết sức đặc biệt, thường dễ gây nhầm tưởng với tháp táng của một tu sĩ Phật giáo. Tháp (7) 4 tầng có 2 vòng thành. Vòng thành trong dài 15m, rộng 9m, cao 1,5m, trổ cửa phía trước, có bình phong và một tấm bia đá dựng năm 1838 khắc danh hiệu "Long Thành thái trưởng Công chúa thụy Trinh Tĩnh chi tháp". Vòng la thành có chiều dài 24,6m bao quanh một cửa chính phía trước lối cuốn tò vò bên trên trang trí hình hoa sen Phật giáo. (8) |
Rõ ràng, qua nguồn sử liệu khả tín, cùng với khảo cứu chi tiết của của L. Cadière, chúng ta dễ dàng rút ra ở đây mấy ghi nhận: 1. Long Thành công chúa Ngọc Tú là một bà chúa có địa vị quan trọng đầu thời nhà Nguyễn. 2. Bà là một Phật tử đặc biệt. Với vai trò là chị cả, cùng mẹ với Thế Tổ Gia Long, bà đã cùng gia đình hoàng gia trải qua nhiều cam go, khổ nạn từ khi Gia Long dấy nghiệp cho đến lúc lấy được giang sơn. Bản thân bà chịu thiệt thòi vì cảnh góa bụa từ lúc còn son trẻ nhưng đã rất hiếu đạo tiết liệt, một lòng thủy chung son sắt. Điều này đã làm hoàng gia cảm động, hai vị hoàng đế đầu thời nhà Nguyễn (Thế Tổ, Thánh Tổ) đã dành cho cho bà nhiều sự quan tâm và ưu ái. Sự kiện bà được đưa vào phối tự ở điện Thụy Thánh bên cạnh Hoàng hậu Hiếu Khang là một biệt lệ. (9) Tháp mộ của Công chúa Long Thành còn nguyên vẹn, được chăm sóc khá kỹ lưỡng Thời gian ở miền Nam bà cùng hoàng gia đã có mối quan hệ mật thiết với những cao tăng đang hoằng hóa tại Nam Bộ như các ngài Phật Ý Linh Nhạc, Tổ Tông Viên Quang, Tổ Ấn Mật Hoằng, Tiên Giác Hải Tịnh... và đặc biệt với Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt. Có thể bà đã quy y và thọ tại gia Bồ-tát giới với ngài Liễu Đạt và được ban pháp danh Tế Minh, hiệu Thiên Nhựt (10). Từ đó, bà vâng lời bổn sư ủng hộ trùng tu các tổ đình thuộc môn phái của Tổ sư Nguyên Thiều, như chùa Từ Ân (Gia Định), Quốc Ân (Thừa Thiên Huế). Theo L. Cadière, (11) " Sự trùng tu chùa Quốc Ân có liên quan đến Công chúa triều Nguyễn, bà chị cả cùng mẹ với vua Gia Long, là Công chúa Ngọc Tú, hay Long Thành công chúa... Ở góa chồng lúc còn trẻ và không con, công chúa không muốn tái giá. [Khi còn ở Gia Định] Bà thường đến lễ ở chùa Từ Ân, vị sư trụ trì Liên Hoa hay là Thiệt Thành, hay Liễu Đạt khuyên bà cần giữ đúng Ngũ giới (năm điều cấm) và Tam quy (3 điều theo)... Sư khuyên bà công chúa khi có dịp trở lại Huế thì nên nhớ đến chùa Quốc Ân. Bà trở về Huế với em mình vào năm 1801 và mất năm 1823, thọ 65 tuổi. Năm 1805, bà có giao cho hai vị đại sư Trí Hải và Chính Văn trùng tu chùa Quốc Ân, và lập một đoàn thể Tăng chúng. Nhân đó, bà cúng 300 quan tiền... Vì thế tên của ngài Liễu Đạt và Công chúa Long Thành được ghi một cách trang trọng trong sổ công đức của chùa. Người ta còn giữ được ở chùa 5 bức chân dung (12). Các chân dung được đặt ở bàn thờ dành cho các đại sư đã từng tu ở chùa, trong đó có chân dung của ngài Liễu Đạt, còn gọi là Liên Hoa". Về tiểu sử, hành trạng của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, hiện không tìm thấy trong chính sử hoặc tài liệu nào ghi chép. Căn cứ theo kệ truyền thừa, niên đại của Công chúa Long Thành và thời gian hoằng hóa cùng mối quan hệ với các ngài Phật Ý Linh Nhạc (1725-1821), Tổ Tông Viên Quang (1758-1827), Tổ Ấn Mật Hoằng (1735-1835), chỉ có thể ước đoán ngài sống vào khoảng 1730 đến 1823, thuộc dòng Lâm Tế, đời thứ 35. Tức vào hàng đệ tử của Thiền sư Minh Vật Nhất Tri (?-1786), đồ tôn của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch (1648-1728). Không loại trừ khả năng ngài là người gốc Minh Hương như phần nhiều các thiền sư hoằng hóa tại Nam Bộ thời đó. (13) Vì thế, những mô tả về hình thức (có hảo tướng, biện tài), cũng như hành trạng (Được phong làm Tăng cang chùa Thiên Mụ, được mời vào cung giảng pháp, được vua ban hiệu là Liên Hoa v.v.) của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt được một số tác giả nêu ra trong một số bài báo và công trình nghiên cứu (14), rất tiếc cho đến nay vẫn chỉ là những ý kiến chủ quan dựa trên truyền thuyết, chưa thể khảo chứng được.
|
Trong cuốn sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (LSPGĐT) của Nguyễn Hiền Đức do Nhà Xuất bản Tổng Hợp TP.HCM ấn hành năm 1995 ở chương XI, tiết 2, trang 231-235: Hòa thượng Liên Hoa (1759-1823) (phái thiền Lâm Tế, đời 35) hay Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt đã hư cấu toàn bộ cuộc đời của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt và công chúa Long Thành. Điều đáng nói, đây là một cuốn sách về lịch sử Phật giáo nhưng tác giả đã không dựa vào chính sử và các sự kiện lịch sử mà thay vào đó là những ghi chép tùy tiện đầy tính chủ quan. Tác giả cứ hồn nhiên kể chuyện, sáng tạo tuồng tích lâm ly như chính tác giả là người trong cuộc tai nghe mắt thấy. Ngay từ khi cuốn sách ra đời đã đón nhận những ý kiến phê bình góp ý, tuy nhiên không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía tác giả. Do đó, những sai lầm này vẫn cứ mặc nhiên tồn tại, và khi được các tác giả khác dẫn dụng, đã tiếp tục nối dài cái sai lầm của Nguyễn Hiền Đức. Xin tóm lược 2 chi tiết, theo Nguyễn Hiền Đức, Hòa thượng Thiệt Thành-Liễu Đạt là người có tướng hảo quang minh, có tài thuyết pháp nên được nhiều người hâm mộ, đặc biệt với hoàng gia nhà Nguyễn. Thời gian ở hoằng hóa ở chùa Từ Ân, Gia Định, ngài đã có mối quan hệ tốt với hoàng gia, trong đó có Trưởng công chúa Long Thành. Năm Đinh Sửu (Gia Long 16, 1817), Thế Tổ thỉnh ngài Liễu Đạt ra Phú Xuân làm Tăng cang chùa Thiên Mụ, trong thời gian này hàng tháng ngài còn được mời vào cung để thuyết pháp cho thái hậu, phi tần v.v... và được vua ban tặng danh hiệu là Liên Hoa... Từ đó nảy sinh "mối tình cảm luyến ái sâu đậm" với Công chúa Long Thành. Do công chúa quá si mê, có ý ràng buộc nên ngài phải tìm cách trở về Gia Định để thoát khỏi dây tình ái hồng trần. Nhưng bà chúa si tình (năm này đã 65 tuổi!) nào dễ buông tha ngài. Tháng 10, năm 1823, nhân cớ vâng lệnh vua Thánh Tổ cúng dường chùa Khải Tường, công chúa đã bôn ba vào tận Gia Định để tìm ngài! Biết tin, ngài vội dời về chùa Đại Giác ở Biên Hòa để nhập thất lánh nạn. Không dễ bỏ cuộc, bà theo về chùa Đại Giác. Ngài lánh mặt không tiếp, bà quỳ ngoài cửa phòng ngài mà thỉnh cầu rằng nếu không được gặp thì bà chỉ xin được thấy bàn tay ngài là mãn nguyện. Đáp ứng lời thỉnh cầu của bà chúa, ngài đã thò một bàn tay ra khỏi cửa. Bà chúa vội ôm bàn tay ngài hôn một cách trìu mến, lạy ba lạy rồi khóc sướt mướt! (sic). Đêm đó, ngài Liên Hoa, viết một bài kệ (bài kệ này nội dung và ngôn ngữ không khả tín nên tôi không trích ra đây) lên vách rồi nổi lửa tự thiêu. Sau khi tổ chức tang lễ cho ngài Liên Hoa, bà chúa Long Thành cũng uống thuốc độc tự tử ở hậu liêu chùa Đại Giác (2-11-1823). Chưa hết, sau khi chết, long vị của bà được thỉnh về thờ ở gian bá tánh chùa Từ Ân, nhưng vì duyên nghiệp tình ái quá nặng bà đã không siêu thoát mà quậy phá làm nội bộ chùa xáo trộn. Các vị cao tăng họp bàn đem long vị của bà vào thờ ở chánh tẩm của tổ đường, bên cạnh long vị của Hòa thượng Liên Hoa, sự việc mới yên (!). Không rõ ông Nguyễn Hiền Đức nghe ở ở đâu, đọc sách nào để rồi dụng công soạn nên một câu chuyện tình lâm ly bi đát đậm mùi "Lan và Điệp" về hai con người có thật được ghi chép kỹ lưỡng trong chính sử như trên. Người đọc sẽ không khỏi băn khoăn rằng, đây có phải là một công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo hay chỉ là những ghi chép tạp nhạp, tùy tiện, bất nhất, là sản phẩm của tưởng tượng hư cấu dựa trên những giai thoại dân gian? Điều khôi hài là cái motif "luyến ái đơn phương, cầm tay khóc lóc, tự thiêu uống thuốc" này cũng được lặp lại ở một nhân vật khác là Thiền sư Huệ Lưu (trụ trì chùa Huê Nghiêm) với cô tiểu thư con một ông điền chủ ngay trong chính cuốn sách trên! (LSPGĐT, chương XI, tiết VII, trang 252: Các thiền sư hoằng hóa ở chùa Huê Nghiêm). Qua sức "sáng tạo" của Nguyễn Hiền Đức, câu chuyện về Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt và Công chúa Long Thành có "sức lôi cuốn ghê người"! Thế nên, khi bắt gặp cuốn sách này, đã có không ít độc giả xúc động và vô tư trích dẫn để sáng tạo nên hàng loạt bài viết theo thể loại chuyện tình éo le, giật gân câu khách, bất chấp sự thật, vô hình trung đã xúc phạm trắng trợn đến những nhân vật đáng kính trong lịch sử. Cao trào là cuốn tiểu thuyết Chuyện tình của Liên Hoa hòa thượng (CTCLHHT) của tác giả Thích Như Điển, chùa Viên Giác Hannover, Đức, ấn hành năm 2010, sách gồm 12 chương, 632 trang. Theo tác giả cho biết, trong kỳ nhập thất lần thứ 7 ở tu viện Đa Bảo, Australia, tác giả CTCLHHT đã gặp cuốn LSPGĐT của Nguyễn Hiền Đức và khi đọc đến chuyện của Hòa thượng Liên Hoa vội tin ngay là thật, "Khi đọc đến trang 231 (cuốn LSPGĐT) thì câu chuyện của Hòa thượng Liên Hoa lại hiện ra trước mắt mình. Đây là một câu chuyện hay, có thật, có thể là 98%, tôi tin như vậy, vì có 2 long vị và bài vị của Hòa thượng và Hoàng cô tại chùa Từ Ân là bằng chứng. Do đó tôi nảy ra ý định là nên phóng tác từ chuyện này thành một quyển tiểu thuyết lấy tên là "Chuyện tình của Liên Hoa hòa thượng" (CTCLHHT, chương 12). Vì quá tin vào hai cái long vị, hay do quá đồng cảm mà tác giả CTCLHHT đã bỏ qua khâu khảo chứng để hăng hái sáng tạo nên một tác phẩm bi thương hổ lốn lẫn lộn lung tung trình tự lịch sử, nhân vật, thế thứ truyền thừa v.v. thậm chí ông còn bỏ công "soạn giúp" bà chúa hàng chục bức thư tình, lẫn chiếu chỉ triều đình (Xem CTCLHHT, trang 624-625). Thật mâu thuẫn, khi tác giả CTCLHHT lại cho rằng mình đã "rất thận trọng cho mọi việc, nhất là phương diện lịch sử" (CTCLHHT, trang 627)... Tôi xin không đi sâu thêm vào cuốn tiểu thuyết CTCLHHT, mà chỉ mong, tác giả nên tìm hiểu thêm về hai nhân vật tiền bối hữu danh đáng kính, một người là vị thiền sư có công hoằng hóa Phật giáo đầu thời nhà Nguyễn trên vùng đất Nam Bộ, một người là vị công chúa có địa vị, phẩm hạnh tôn quý trong dòng họ Nguyễn và có công lao không nhỏ đối với buổi trung hưng Phật giáo nước nhà. Vì bản thân tác giả cũng là người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa và hoằng pháp tại hải ngoại, và thấy rằng cuốn truyện kia là điều tai hại. Từ nó, những bàn cãi tào lao bất kính và vô bổ trên diễn đàn internet bấy lâu của những Thiện Giới Hoa Lan, Trần Bình Nam v.v... những người đọc CTCLHHT và xưng danh là đệ tử của tác giả CTCLHHT. |
Tạm
kết:
Qua câu chuyện của Hòa thượng Liên Hoa và Công chúa Long Thành cho thấy, ông Nguyễn Hiền Đức đã quá chủ quan, tùy tiện khi biên soạn một công trình lịch sử Phật giáo. Do đó, độc giả có quyền nghi ngờ trình độ nghiên cứu của tác giả cũng như tính khoa học của cuốn sách. Từ khi xuất bản đến nay đã gần 18 năm, có không ít ý kiến phê bình đóng góp về rất nhiều nội dung sai lầm, đáng nghi của cuốn sách này (15), tuy nhiên, tác giả không hề có phản hồi, biện chính. Chính điều này đã biến cuốn sách thành đầu mối cho hàng loạt những sai lầm của những người viết đi sau khi dẫn dụng mà không khảo chứng kỹ càng. Câu chuyện tình ái nói trên chỉ là sản phẩm của tuồng tích dân gian, hoặc được ngụy tạo do ý đồ nào đó để hợp thức hóa một hiện tượng hiện hành. Vì thế, nó hoàn toàn phi lịch sử và phản khoa học. Việc các vị tiền bối hữu công, đế vương, công hầu, hậu phi... có công hộ pháp được thờ chung ở gian thờ Tổ trong các cổ tự không phải là điều đáng ngạc nhiên. Trước năm 1945, phần lớn các chùa chiền như quốc tự, tổ đình sắc tứ, quan tự phần lớn đều thờ long vị của các vị hữu công tại chánh tẩm của tổ đường, thậm chí nếu là quốc tự thì long vị của hoàng đế, thái hậu được thờ ngay ở chánh điện(16). Trường hợp long vị của Công chúa Long Thành và Thiền sư Liễu Đạt ở chùa Từ Ân, có thể giải thích một cách khác, rất có khả năng khi dời chùa Từ Ân về địa điểm hiện nay (17), vì hạn chế diện tích hoặc do thiếu hiểu biết và nhầm lẫn nên mới có tình trạng thờ chung long vị như trên. Nên biết rằng, chùa Sắc tứ Từ Ân xưa vốn là một đại công trình, một di tích tôn giáo quan trọng gắn bó với buổi đầu nhà Nguyễn trung hưng nên khi bị triệt giải, các pháp khí, tượng thờ, hoành phi, biển ngạch bị thất tán, phần còn lại được gom góp về địa chỉ mới và sự lẫn lộn qua biến thiên tang hải âu cũng là điều dễ hiểu. |
Chú
thích:
1. Nguyễn Phước
Côn, công tử thứ 2 của Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế (Nguyễn
Phước Hoạt, 1714-1765) và Nguyên phi Trương thị, định lập
làm Thế tử. Thế Tông Hiếu Vũ băng, Trương Phúc Loan chuyên
quyền cải di mệnh, lập công tử thứ 16 mới 12 tuổi là
Nguyễn Phước Thuần lên ngôi (Duệ Tông Hiếu Định, 1754-1777)
để dễ bề chuyên quyền. Nguyễn Phước Côn bị Loan tống
giam, lo buồn sinh bệnh; về đến phủ đệ thì mất, thọ
33 tuổi. Năm Gia Long thứ 5 [ ] truy tôn là Hưng Tổ Hiếu Khương
hoàng đế, táng ở lăng Cơ Thánh.
|
|