Mục lục

A.         GTNĐX dựa trên những cơ sở nào ?. 2

B.          Những vấn đề cần thảo luận khi tiếp cận GTNĐX: 3

C.          Kiến giải của chúng tôi về CTL-CBS: 6

a)     Tổng quan Bàu Vá: 6

b)          Miếu Lễ Lê Thánh Tông (thời Nguyễn Phúc Tần)và các chúa Nguyễn kế vị: 8

c)     Gò Mả Loạn, Giếng Loạn. 14

d)          Địa điểm đào được ấn “Trấn Lỗ Tướng Quân Chi Ấn” ở đâu thì có lý?. 15

e)     Kết luận. 16

D.         Dấu tích Phủ Dương Xuân. 17

1.     Tư liệu thư tịch về Phủ Dương Xuân: 18

2.     Về lịch sử điện Trường Lạc qua khảo sát điền dã; 22

3.     Phủ Tập Tượng mà Lê Quí Đôn nhắc trong PBTL: 26

4.     Miếu Phi Vận Tướng Quân, Đền Vũ Sư, Đình Dương Xuân Hạ: 29

5.     Khảo sát thực địa ở miếu Phi Vận Tướng Quân và Đình Dương xuân Hạ: 31

6.     Cánh đồng Bàu Vá có Diễn Mã Trường, sân bắn: 36

7.     Kết quả khảo sát điền dã của Cadiere ở gò Dương Xuân: 38

8.     Về những vị Thành Hoàng được thờ ở làng Dương xuân Hạ: 41

9.     Một số tư liệu thư tịch điền dã góp phần xây dựng giả thuyết Phủ Dương Xuân là tiền thân của Đền Vũ Sư: 42

E.     Kết Luận: 45

 

 


CÓ PHẢI PHỦ DƯƠNG XUÂN Ở GẦN CHÙA THIỀN LÂM VÀ PHỦ NÀY LÀ ĐAN DƯƠNG LĂNG CỦA VUA QUANG TRUNG?

 

Chùa Thiền Lâm - Cồn Bông Sứ (xứ Bộ Hóa Thượng) thuộc ấp Bình An trên gò Dương Xuân (Huế) trong những năm qua trở thành điểm nóng của khảo cổ học khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra giả thuyết khoa học hấp dẫn: Ở chùa Thiền Lâm - Cồn Bông Sứ (viết tắt CTL-CBS) từng có phủ Dương Xuân (viết tắt PDX) thời chúa Nguyễn, Tây Sơn biến thành cung điện Đan Dương (viết tắt CĐĐD) để vua Quang Trung sống và làm việc, khi nhà vua băng hà Tây Sơn táng nhà vua ở CĐĐD nên điện trở thành Đan Dương Lăng (viết tắt ĐDL). Đan Dương Lăng bị mất tích nên Phủ Dương Xuân cũng không còn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã dày công cho giả thuyết trên khi điền dã nhiều lần ở CTL-CBS để thu thập tư liệu khảo cổ, tra cứu thư tịch, xử lý tư liệu, xây dựng giả thuyết công tác, kiểm chứng… rồi công bố trong các hội nghị, hội thảo, sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Gần đây, tháng 10-2007, nhà nghiên cứu đã hoàn thành quyển sách “Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương, sơn lăng của hoàng đế Quang Trung” và đã xuất bản qua nhà XBTH. Trong tinh thần khoa học, để tìm hiểu giả thuyết khoa học của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (xin viết tắt GT NĐX), chúng tôi không những đọc các công trình của ông đã công bố mà còn phải điền dã nhiều đợt ở gò Dương Xuân mới thấy ra một số vấn đề chưa thông trong GTNĐX.

Do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân kêu gọi sự góp ý của độc giả, trong tinh thần ham hiểu biết, chúng tôi mạo muội trình bày những kiến giải của mình, như một phản biện khoa học đối với GTNĐX.

Sau đây là phản biện khoa học của chúng tôi về GTNĐX, góp phần trả lời những câu hỏi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đặt ra trong công trình nghiên cứu lăng mộ vua Quang Trung đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây.

 

A.               GTNĐX da trên nhng cơ s nào ?

Trước hết nhà nghiên cứu NĐX dựa vào sự kiện quan thái sư Bùi Đắc Tuyên của triều Cảnh Thịnh đã biến chùa Thiền Lâm làm dinh thự và đại thần Phan Huy Ích ở nhà Công Quán (ngôi chùa) gần dinh Thái Sư. Trong phần nguyên chú của bài thơ “Xuân đề kỷ sự”, Phan Huy Ích cho biết khi ở nhà Công Quán ông đã viết bài thơ này và một bài thơ không đề khác có nguyên chú “bọn tiểu giám hộ lăng thường đến hầu rượu mình, nên nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã lập luận: tiểu giám giữ lăng “Đan Dương Lăng” mà thường đến hầu rượu Phan Huy Ích, dưới trướng Thái Sư Bùi Đắc Tuyên, thì Đan Dương Lăng phải ở gần chùa Thiền Lâm.

Thứ đến nhà nghiên cứu NĐX cho rằng triều Nguyễn cố tình phá tan thành bình địa Đan Dương Lăng, làm mất dấu vết để người đời sau không biết mộ của “Ngụy Huệ” ở đâu; chỉ cho biết mộ ấy được “táng vu Hương Giang chi nam và tác giả lập luận để đi đến kết luận: Đan Dương lăng ở gần bờ nam sông Hương, trên trục Phu Văn Lâu –Đàn Nam Giao và tất nhiên phải bị vùi dưới đất.

Tiếp theo, nhà nghiên cứu phát hiện các bản ĐNNTC của Quốc Sử Quán có sai sót khi chép chùa Thiền Lâm thuộc xã Dương Xuân, rồi lại chép chùa này ở xã An Cựu và không biết vị trí của Phủ Dương Xuân ở đâu; nên tác giả nghi rằng các quan làm việc ở quốc sử quán triều Nguyễn có ý đồ che giấu địa điểm phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn cũng như che giấu Đan Dương Lăng. Từ nỗi hoài nghi ấy ông đặt vấn đề táo bạo rằng; Tây Sơn đã biến Phủ Dương Xuân thành cung điện Đan Dương để vua Quang Trung sống và làm việc. Khi nhà vua băng hà, để giữ bí mật triều Tây Sơn đã táng vua ở cung điện Đan Dương và cung điện này trở thành Đan Dương Lăng. Đan Dương Lăng bị chôn vùi thì tất nhiên phủ Dương Xuân cũng bị triều Nguyễn che giấu luôn.

Tiếp theo nữa, nhà nghiên cứu NĐX dựa vào ký ức dân gian ấp Bình An và di vật, di chứng còn lại ở CTL-CBS, với rất nhiều đá táng đủ loại, rất nhiều gạch vồ còn sử dụng được, nhiều đống giải hạ ngỗn ngang để minh họa cho giả thuyết của mình. Đặc biệt có các hiện vật: tấm đá granit dài 2, 7m, rộng 0,57m, dày 0,05m, một mặt khá nhẵn, một mặt xô xảm, do người nhà ông Nguyễn Hữu Oánh đào được trong nhà, đem tặng chùa Vạn Phước. Theo ông Nguyễn Hữu Oánh, còn 3 tấm đá như thế (đã thất lạc), và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng các tấm đá ấy là quách của mộ Quang Trung (?). Một cái bia của thiền sư bị chôn, một cái bia khác có rùa đá mang trên lưng còn nguyên vẹn nhưng văn khắc đã bị gọt, theo nhà nghiên cứu những hiện vật ấy cũng có liên quan với Đan Dương Lăng bị quật phá.

Phủ hay lăng thường có hồ trước mặt, vì vậy nhà nghiên cứu không thể không có những thao tác khảo cổ học phía trước chùa Vạn Phước. Trước chùa, dưới chân cồn Bông Sứ, có con khe chảy qua, ngang cồn thì phình rộng, hiện nay người ta tận dụng để trồng rau răm. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì hồ ấy là hồ của Phủ Dương Xuân. Khu vực này, nhà nghiên cứu NĐX còn phát hiện “giếng loạn”, “mả loạn”. Theo NNC thì đây là giếng Tây Sơn, mả loạn là mả của quân lính Tây Sơn tử trận khi Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân (1801). Lại thêm có cầu Kim Tiên gần đó, tức cầu ván Dương Xuân Hạ và theo nhà nghiên cứu thì chùa Kim Tiên trước đây là hành cung của Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân, gần Đan Dương Lăng, nên khi viết Ai Tư Vãn, Ngọc Hân đã nhắc đến cầu này khi người viết: “Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non”.

Nhà nghiên cứu cũng nhờ bác sĩ Dương Văn Sinh, địa lý gia ở Huế, xác nhận khu vực nhà ông Oánh, bà Liên (chị ruột của ông Oánh), nằm giữa chùa Thiền Lâm và cồn Bông Sứ, là một “cát địa”, hội đủ các yếu tố của một huyệt mộ đế vương. Và như thế mộ vua Quang Trung “tọa càn hướng tốn” (cùng hướng với kinh thành Phú Xuân). Nhà nghiên cứu đã tổ chức đào hố thám sát và phát lộ một uynh thành, có dấu hiệu của một đường hầm dẫn đến huyệt mộ vua Quang Trung.

Và để tăng thêm sức thuyết phục, trong GTNĐX, tác giả công trình đã nêu lên sự động viên khích lệ của những học giả, tiến sĩ sử học nổi tiếng trong và ngoài nước suốt 21 năm qua.

B.              Những vấn đề cần thảo luận khi tiếp cận GTNĐX:

Một công trình khoa học lớn, có giá trị khi có phản biện khoa học và tác giả đề tài phải giải quyết rốt ráo những nội dung mà người khác phản biện. Để góp phần làm sáng tỏ GTNĐX chúng tôi xin phản biện như sau:

1)       GTNĐX cho rằng “bọn tiểu giám hộ lăng thường đến hầu rượu” Phan Huy Ích, tức là lăng Quang Trung phải ở rất gần nhà Công Quán, tức ở gần chùa Thiền Lâm. Thường đến không nhất thiết phải ở rất gần! Chẳng hạn tiểu giám hộ lăng của bà Tả Cung họ Phạm (thân mẫu của vua Cảnh Thịnh), dù lăng bà ở Núi Kim Phụng (theo PGS Tiến Sĩ Đỗ Bang), chắc chắn có “tiểu giám hộ lăng” và cũng có thể thường đến hầu rượu Phan Huy Ích, mỗi lần được nghỉ về nhà riêng, ghé thăm ông Phan và hầu rượu quan lớn. Theo Phan Huy Ích thì tiểu giám hộ lăng là “người khách thân”, đã là người khách thân thì dù nơi công tác xa cũng có thể thường đến thăm nhau, uống rượu với nhau, hà tất phải ở sát nhà nhau!

2)       GTNĐX cho rằng triều Nguyễn đã phá tan thành bình địa Đan Dương Lăng, thậm chí cố tình che giấu thì tại sao trên mặt cồn Bông Sứ, đã hàng trăm năm vẫn còn những đống giải hạ, quá nhiều đá táng nằm trên mặt đất, chưa phải đào bới? Một số đoạn thành lộ thiên mà trên dưới hai trăm năm vẫn còn. Quanh Đan Dương Lăng có nhiều chùa, tháp cổ, thiện nam tín nữ lui tới làm việc Phật sự… thường xuyên thì làm sao che giấu Đan Dương lăng (phủ Dương Xuân) của Hoàng Đế Quang Trung đầy ấn tượng đối với nhân dân Phú Xuân? Trong công trình nghiên cứu lăng mộ vùng phụ cận Huế của Cadiere, riêng ấp Bình An, năm 1926, Cadière còn phát hiện đến 10 tháp sư của chùa Thiền Lâm và chùa Bảo Quốc, phần lớn được sắc tứ và nhiều mộ cổ của thân nhân của các thân vương hoàng tử nữa. Chưa kể ở ấp Bình An còn có cơ sở của pháo binh… Có xây dựng thì có san lấp để tạo mặt bằng, vì thế một số vật liệu bị vùi dưới đất. Vật liệu xây dựng của những công trình đã đổ nát này phải xử lý về mặt khảo cổ. Không phải khi nào gặp đá, gạch… thì vội cho hiện vật ấy là di vật của Đan Dương Lăng!

3)       Nhà Nguyễn đã cố tình vùi xuống đất, che giấu tất cả… công trình kiến trúc Tây Sơn (theo GTNĐX), thế mà cơ mật viện triều Nguyễn làm ngơ để các quan thượng thư triều Nguyễn đến cồn Bông Sứ mai táng người thân, làm nơi giải trí… tiến hành đào bới ở đây thì bí mật có lộ không? Trong một tờ sớ do phái bộ Hoàng Ngọc Uẩn (chánh sứ) đi sứ Trung Quốc năm 1801, có nội dung Nguyễn Vương tố cáo với Thanh triều việc Tây Sơn đã táng Nguyễn Huệ ở Phú Xuân, lại nói dối với thiên triều đã táng ở Thăng Long; nếu triều Gia Long xóa hết dấu vết lăng mộ Quang Trung, lỡ triều Thanh đặt vấn đề bằng chứng của lời tố cáo thì lấy chi làm bằng về tội khi quân của An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Toản?

4)       Địa bộ làng Phú Xuân, viết xong năm Gia Long thứ 14 (hiện cụ Trương Đình Hạp giữ, bảo tàng Huế có bản sao) khi viết về ruộng vườn ở nam sông An Cựu, thường lấy chùa Thiền Lâm, xứ Bộ Hóa Thượng (ấp Bình An), miếu Lễ Lê Thánh Tông, chùa Thiên Thọ (tức chùa Bảo Quốc) để làm mốc tiếp giáp về phía Tây, Tây Nam. Phủ Dương Xuân được đại trùng tu, gần thời điểm xây dựng đại danh lam Thiền Lâm, thì tại sao trong địa bộ làng không chép Phủ Dương Xuân như một công trình mốc?

5)       Phủ Dương Xuân có một cánh nhìn ra sông, nhưng hơi xa sông một chút… phía trước có hồ bán nguyêt, hơn nữa còn có ao vuông với nhà thủy tạ… Thế thì ở CTL_CBS, ao vuông ở đâu? Đứng trên cồn Bông Sứ, chùa Vạn Phước, thì chỉ thấy khe chứ không thấy sông An Cựu, sông Hương được! Chung quanh Phủ Dương Xuân, ở khu vực nhà ông Oánh, cồn Bông Sứ đã che mặt tây-bắc, chưa kể đại danh lam Thiền Lâm che mặt đông –bắc thì làm sao có một cánh của phủ nhìn ra sông Hương?

6)       Những gì thuộc về Tây Sơn thì gọi là ngụy như sách ngụy, mả ngụy, tiền ngụy, giếng nguy… vì Tây Sơn, theo cách luận tội triều Nguyễn, là tiếm ngôi nhà Lê, chứ không coi là loạn. Trong khi đó ở gò Dương Xuân từng có loạn Đoàn Trưng, Đoàn Trực vào thời Tự Đức(1866). Đoàn Hữu Trưng là rễ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, sau khi triều đình dẹp loạn này thì Tùng Thiện Vương bị thất sũng… Hồ Vĩnh viết bài “Khảo sát Nam Giao Tân Lộ”, được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xưng in lại trong sách của mình, có trích dẫn bài thơ “Nam khê” của Tùng Thiện Vương:

“Chắn ngang núi loạn một khe sâu,

Nhớ tới năm xưa nghỉ vó câu

Dòng nước tuồng hay người đổi khác,

Tiếng xưa vắng vẻ chảy làu làu”

(sđ d tr220)

Phải chăng “núi loạn” là núi Dương Xuân, nơi xảy ra loạn Đoàn Hữu Trưng? “nhớ tới năm xưa” là nhớ tới năm tháng lao đao của gia đình tác giả khi vướng vào “GIẶC CHÀY VÔI”. Nếu nghĩ đến Tây Sơn chắc Tùng Thiện Vương sẽ viết “núi ngụy”! Trong loạn có nhà sư Nguyễn Văn Quí (trú trì chùa Pháp Vân) và đàn chay giải oan Hồng Bảo có hằng trăm sư sãi các chùa lân cận dự lễ. Và tất nhiên Đoàn Hữu Trưng, Nguyễn Văn Quí… có ém quân ở các chùa ở gò Dương Xuân. Đây là sự kiện giúp hiểu thêm vì sao có “giếng loạn”, “mả loạn” ở vùng gần cầu ván Dương Xuân Hạ.

7)       Khi đã có định kiến thì sự kiện gì cũng gán ghép một cách tư biện, chẳng hạn sư trụ trì chùa Kim Tiên cho biết: “Trước đây có quân chi đó đến ở, sau đó có quân chi chi đó đến đánh phá. Người dân trong ấp nhớ thương người cũ đã than rằng:

“Vì ai nên nỗi sầu này

Chùa Tiên vắng khách, tớ thầy xa nhau”

(sđ d tr 172)

Nhà nghiên cứu dẫu nêu nghi vấn nhưng tự trả lời rằng quân Tây Sơn và bà Ngọc Hân từng ở chùa Kim Tiên. Khi quân Nguyễn Ánh về đánh đuổi nên dân sở tại thương nhớ Ngọc Hân và than như trên. Thế nhà nghiên cứu không nghĩ đến một khả năng gần nhất là loạn Đoàn Trưng Đoàn Trực ở vùng Dương Xuân, làm ảnh hưởng các chùa có liên quan Chùa Khoai? Chưa kể trong một quyển sách khác, với cách khai thác Ai Tư Vãn kiểu ấy, nhà nghiên cứu còn thông báo táo bạo mộ Ngọc Hân được táng cạnh mộ vua Quang Trung! Khi phò mã Trị bị đánh bại ở núi Qui Sơn, cửa Tư Hiền thì Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đã rút khỏi kinh đô Phú Xuân, quên cả ấn “An Nam Quốc Vương”, không còn đánh lớn ở thành Phú Xuân; vì thế việc nhà nghiên cứu NĐX cho rằng có hỗn chiến ở gò Bình An giữa quân Nguyễn Ánh với quân Tây Sơn là sự kiện cần phải khảo lại.

8)       Những bài thơ của Ngô Thời Nhậm viết thường gọi lăng vua Quang Trung là Đan Dương Lăng, Đan Lăng. Chỉ trong bài Cảm Hoài, viết khi đi sứ, Ngô Thời Nhậm rất xúc động mới gọi Đan Dương Lăng là Đan Dương Cung Điện; một cách gọi cung kính, coi lăng tẩm như cung điện mà tiên đế đang ngự; ông sợ người đọc hiểu nhầm nên mới chú thích “Đan Dương cung điện là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Một cụm từ của Ngô Thời Nhậm viết trong sự xúc động, rồi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân xúc động suy diễn vua Quang Trung cho dựng cung điện Đan Dương ở gò Dương Xuân qua bài thơ Cảm Hoài thì e rằng quá nóng vội!

9)       Phủ Dương Xuân đã bị quân đội Lê Trịnh phá sạch, nếu Tây Sơn cần chỗ làm việc của vua Quang Trung thì có thể trưng dụng các chùa Ấn Tôn, Tuệ Lâm…, cần chi phải tốn kém để dựng lại phủ Dương Xuân của dòng họ kẻ thù. Còn muốn xây mới thì cần chi phải làm trên một địa cuộc, mà chủ nhân cũ của nó vì “sát địa” này mà gặp quá nhiều tai ương?

10)  Hai công trình kiến trúc cổ, Đan Dương Lăng và Phủ Dương Xuân cùng ở trên một gò Dương Xuân, cùng mất tích thì hai công trình ấy là một. Về mặt logic có thể cho phép suy luận như thế được không?

11)  Đoạn đê được phát lộ ở nhà bà Liên khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho đào thám sát dài khoảng 3m. Ngay khi phát lộ một phần của đê chúng tôi đã có mặt ở hiện trường, quan sát thấy rõ đoạn đê này không phải được xây bằng gạch nguyên mà bằng giải hạ trộn vôi, đó là một bờ đê chắn nước của một ngôi mộ nào đó được đem vào chôn như những ngôi mộ khác ở cồn Bông Sứ. Đáng buồn cho hoàng đế Quang Trung khi triều Cảnh Thịnh không có gạch mới để xây kim tỉnh cho tiên đế, phải lấy giải hạ của chùa Thiền Lâm hoặc phủ Dương Xuân để xây ư?

12)  Trong sách đã dẫn, có bài phát biểu “ca ngợi” GTNĐX của tiến sĩ sử học Nguyễn Hồng Trân, tác giả đã vô tình bác bỏ ý kiến của bác sĩ địa lý gia Dương Văn Sinh về huyệt mộ đế vương ở hè nhà chị em ông Nguyễn Hữu Oánh. Thật vậy ông Sinh thì cho mộ vua Quang Trung “tọa càn hướng tốn” (tây bắc-đông nam), ông Trân thì cho “tọa cấn hướng khôn”(đông bắc- tây nam). Với cách tầm long điểm huyệt như thế thì bất cứ chỗ nào ở vùng núi ở Thừa Thiên-Huế đều có huyệt phát đế vương hết! Chừng ấy thôi đã thấy độ tin cậy về mức độ “phong thủy học” của GTNĐX.

13)  Phan Duy Kha, trong sách “NHÌN LẠI LỊCH SỬ” (NXBVHTT, 2003) đã phản biện GTNĐX khi viết: “Thực ra trong giả thuyết của ông Nguyễn Đắc Xuân vẫn có chỗ chưa ổn. Đó là ông căn cứ câu chú thích của Ngô Thì Nhậm “Cung điện Đan Dương là Sơn Lăng phụng chứa bảo y Tiên Hoàng ta”. Trong bài thơ Tòng giá bái tảo Đan Lăng, cung ký (Theo xa giá đi bái tảo Đan Lăng kính ghi). Ngô Thì Nhậm cũng có câu  “Sơn lăng vạn cổ điện Thần kinh”. Thật khó mà tưởng tượng một lăng mộ ngay giữa kinh đô, nhiều đời là cung điện của các vị vua chúa, xung quanh không hề có núi non gì, mà được gọi là sơn lăng!(tr 161). Và Phan Duy Kha cũng công bố bài thơ VỊNH SỬ, viết bằng chữ Hán, thể thất ngôn bát cú, của Ngô Thì Hoàng (em ruột của Ngô Thì Nhậm) trong đó có hai câu:

Tây Hồ cung lý vân nhưng tỏa,

Ngọc Trản phong đầu thổ vị can”

Phan Duy Kha dịch nghĩa: “Trên cung ở Tây Hồ, mây vẫn phủ kín. Đầu núi Ngọc Trản đất còn chưa khô”. Gò Dương Xuân không thể là “Ngọc Trản phong đầu” được. Không thấy GTNĐX trao đổi phản biện của Phan Duy Kha.

Như vậy GTNĐX chưa ổn về mặt lý luận, cứ mỗi chi tiết nhà nghiên cứu phát hiện một cách tâm đắc, và kiến giải nó thì y như có một cách kiến giải khác kiến giải trong công trình. Vậy chúng tôi nghĩ khó có khả năng phủ Dương Xuân tọa lạc ở xứ Bộ Hóa Thượng. Và Đan Dương Lăng không còn chỗ ở CTL-CBS.

Không dừng lại ở mức phản biện khoa học, chúng tôi xin đưa ra những kiến giải khác về khu vực CTL-CBS và tìm dấu tích Phủ Dương Xuân ở làng Dương Xuân Hạ.

C.              Kiến giải của chúng tôi về CTL-CBS:

a)          Tng quan Bàu Vá:

Bàu Vá (Bộ Hóa) coi như một thung lũng nhỏ được gò Dương Xuân bao bọc về phía đông, tây, nam, còn mặt bắc có bãi Phú Xuân bên bờ nam sông Hương, với cồn Dã Viên làm án. Phía tây Bàu Vá là xứ Bộ Hóa Thượng (nơi có CBS) cũng thuộc gò Dương Xuân. Bàu Vá và quanh Bàu Vá có nhiều di tích lịch sử; làm thành một quần thể di tích quan trọng. Dĩ nhiên, tính từ khi Ô Lí về Đại Việt[1306] cho đến nay, khoảng 700 năm, biết bao nhiêu biến cố, có nhiều cuộc chiến tranh, rồi các lần thay đổi vương triều, rồi thiên tai, khiến cho những di tích quanh Bàu Vá chẳng còn nguyên vẹn như ban đầu và nơi ấy có nhiều tầng văn hóa chồng lên nhau. Gần đây, Bàu Vá trở thành vùng nóng của khảo cổ học, khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đặt vấn đề lăng mộ của vua Quang Trung tồn tại ở phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân.

Sau nhiều lần điền dã quanh Bàu Vá, thu thập một số di vật, di chứng lịch sử cho phép chúng tôi xây dựng một giả thuyết công tác trong việc nghiên cứu lịch sử của một số di tích quanh Bàu Vá, hoàn toàn khác với giả thuyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về Phủ Dương Xuân. Để làm sáng tỏ vấn đề lăng mộ vua Quang Trung ở gò Dương Xuân do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dày công nghiên cứu và đã công bố trong tháng 10-2007, trong tinh thần khoa học, chúng tôi xin trình bày giả thuyết của chúng tôi về CTL-CBS và Phủ Dương Xuân như sau:

Cuối thế kỷ 15, Vua Chăm Trà Toàn thường đánh phá Hóa Châu, vì lẽ ấy vua Lê Thánh Tông tự cầm quân đánh Chăm. Trước khi đánh vào kinh đô Đồ Bàn, năm 1470 nhà vua cho quân tiên phong, do tướng quân Đinh Liệt, Lê Niệm chỉ huy, vào Hóa Châu, dẹp ngay đám dân nổi loạn; nhà vua chỉ huy đại quân chinh nam vào sau, đóng quân ở Hóa Châu (có hành tại gần cửa Tư Hiền) vài tháng để tích trữ lương thảo, huấn luyện sĩ tốt, cho người qua Chăm vẽ bản đồ… rồi đánh thẳng vào nước địch…Thời Trần, Đổ Tử Bình từng được lệnh đắp thành Hóa Châu ở ngã ba Sình, và thành này là nơi quan Đại tri châu Hóa Châu lập đại bản doanh. Thời Lê có quan Tổng binh sứ cũng đặt đại bản doanh trong thành Hóa Châu, còn Đô ty, Thừa ty, được bố trí trên khoảnh đất từ Sình đến làng Thế Lại. Người Chăm thường đánh phá Hóa Châu với quân thủy bộ; tượng binh thường đi bằng đường thượng đạo và gò Dương Xuân là một trong những nơi bí mật tập kết quân của họ. Quân Việt thường cự địch với quân Chiêm ở cánh đồng Bàu Vá, sau này trở thành xứ Bộ Hóa. Một phần của xứ Bộ Hóa ở trên gò Dương Xuân, phía đông Bàu Vá, gọi là xứ Bộ Hóa Thượng. Ở xứ Bộ Hóa có kho lương thảo của chiến dịch, lại có nơi làm việc của Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục. Khi đại quân của vua Lê chiến thắng, nhà vua lại giao cho một tướng quân trấn giữ đám tù binh Champa bị cưỡng bức sống tập trung phía nam và tây nam Bàu Vá, dưới chân gò Dương Xuân. Những làng Chăm xưa vẫn do những thổ tù coi sóc. Vì người Việt gốc Chăm thường hay nổi loạn nên thời Lê còn đặt quan tướng chuyên quản lý đám dân này gọi là Trấn Lỗ Tướng quân. Một bằng chứng là gò Dương Xuân có Thành Lồi, miếu quốc vương Chiêm Thành, khai canh làng Dương Xuân là “Đô Tổng Binh Thiêm Sự Lê Quí Công” và chức quan này theo LTHCLC được đặt ra thời vua Lê Thánh Tông.

Hình 1: Toàn cảnh vùng Bàu Vá (xứ Bộ Hóa) với quần thể di tích Điện Trường Lạc-Diễn Mã Trường-Sân bắn -Phủ Dương Xuân chụp từ vệ tinh

Qua khảo sát điền dã quanh Bàu Vá, thu thập sử liệu như ký ức dân gian, di vật, di chứng, thư tịch cổ, xong xử lý tư liệu chúng tôi hình thành một giả thuyết khảo cổ học về một số di tích lịch sử quanh Bàu Vá như sau:

b)            Miếu Lễ Lê Thánh Tông (thời Nguyễn Phúc Tần)và các chúa Nguyễn kế vị:

Hình 2: Chùa Vạn Phước được dựng trên nền cũ của am Phổ Phúc, am này dựng tạm trên nền cũ của miếu Lễ Lê Thánh Tông thời chúa Nguyễn Phúc Tần

Sau khi thân chinh thắng lợi, vua Lê Thánh Tông hồi kinh 1471, quân dân Thuận Hóa về sau đã lập miếu thờ vua Lê Thánh Tông ở xứ Bộ Hóa Thượng. Các cụ già cho biết khi đánh nhau với quân Chăm, thường quân Chăm cố thủ ở Thành Lồi, còn quân ta đóng bản doanh ở xứ Bộ Hóa Thượng, thuộc gò Dương Xuân, phía tây Bàu Vá. Vì thế Bàu Vá, Dương Xuân là nơi còn nhiều dấu tích của hoạt động quân sự thời Lê.Để tiện trình bày giả thuyết, cần điểm lại cuộc hành binh năm 1470: Tháng 8 Trà Toàn đánh Hóa Châu. Tháng 11 nhà vua đã cử ngay tướng Đinh Liệt, Lê Niệm dẫn quân tiên phong chinh nam. Sử không chép nhưng chắc chắn hai bên có đánh nhau ở Hóa Châu vì lúc bấy giờ quân dân Hóa Châu phải cố thủ trong thành Hóa châu dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Hiển. Khi quân Chăm đã rút thì hậu quân do nhà vua trực tiếp chỉ huy cũng vào Hóa châu khoảng tháng giêng năm 1471, dựng hành tại ở gần cửa Tư Dung. Ở Thuận Hóa có nhiều kho lương thảo, gò Dương Xuân sát sông Hương là nơi thuận lợi đặt kho. Tra cứu địa bộ làng Phú Xuân, được viết trong khoảng đầu thế kỷ 19, thấy rằng vùng đồi phía nam sông Hương có rất nhiều ruộng đất công; được tổ chức canh tác, thu hoạch nhập kho lương ở Thọ Khương (trên gò Dương Xuân). Có khả năng quan quân trong đoàn viễn chinh của vua Lê Thánh Tông, trong đó có Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục, từng tiền hành vận lương ở xứ Bộ Hóa của làng Dương Xuân. Vì thế về sau quân dân sở tại đã dựng miếu thờ vua Lê Thánh Tông, ở xứ Bộ Hóa Thượng và dựng miếu thờ quan Phi Vận tướng quân Tùng Giang tiến sĩ Nguyễn Phục ở gò nhỏ nhô ra từ gò lớn Dương Xuân.Hiện nay, hai bên bờ sông Hương còn phát hiện bài vị thờ Phi Vận tướng quân. Ban đầu miếu thờ Lê Thánh Tông chỉ là miếu thờ cỡ nhỏ. Chúa Nguyễn Phúc Tần từng tôn tạo miếu thờ vua Lê ấy thành một miếu to lớn, gọi là Miếu Lễ Lê Thánh Tông. Do miếu ở trên đồi, người làng Dương Xuân trồng nhiều bông sứ ở trên gò, quanh miếu, để làm đẹp miếu và tỏ lòng cung kính vua Lê. Và dân làng Dương Xuân Hạ có nghề xâu hoa thành chuỗi, bán vào các ngày rằm, mồng một, ngày lễ nên làng Dương Xuân Hạ có khi gọi là XÓM BÔNG. Dân làng đã trồng bông sứ (hoa đại) chung quanh miếu rất nhiều và Bộ Hóa Thượng có cồn Bông Sứ từ ấy. Dân Xóm Bông hái hoa ở cồn Bông Sứ để sản xuất chuỗi hoa. Chúa lại cấp ruộng gần miếu để lấy hoa lợi lo việc tế lễ hằng năm và ruộng ấy dân gian gọi là Ruộng lễ vua Lê Thánh Tông. Đến thời Gia Long, nhà vua cho dựng Miếu Lễ Lê Thánh Tông mới thì ruộng ấy vẫn có chức năng như cũ. Cụ Nguyễn Văn Thuận, 75 tuổi, dân làng Dương Xuân Hạ cho biết cụ từng canh tác ở Ruộng lễ Lê Thánh Tông trước năm 1975. Khi chúa Nguyễn Phúc Chu, có ý định xưng vương, chúa cho trùng tu, tôn tạo đình chùa miếu vũ ở Phú Xuân, thường dựng bia có bài minh ca ngợi công đức của tiền nhân. Khi xây dựng đại danh lam Thuyền Lâm (hay Thiền Lâm) thì không thể không đại trùng tu Miếu Lễ Lê Thánh Tông và có khả năng chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng bia tưởng nhớ công đức của vua Lê Thánh Tông trong việc mở mang bờ cõi. Thời quân Lê Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, tiếp đến triều Tây Sơn đóng đô ở đây, miếu này trở thành phế tích. Năm Gia Long thứ 8, nhà vua cho dựng mới Miếu Lễ Lê Thánh Tông (mới) gần chùa Bảo Quốc, bên trái miếu Lịch Đại Đế Vương (vế sau). Địa bộ làng Phú Xuân có ghi rằng làng Phú Xuân phía nam, tây nam giáp xứ LÂM LY (hay LÂM LỘC), CHÙA THUYỀN LÂM, phía tây giáp BỘ HÓA THƯỢNG, MIẾU LỄ LÊ THÁNH TÔNG, CHÙA THIÊN THỌ (Tức chùa Bảo Quốc). Địa bạ làng Phú Xuân lập năm Gia Long thứ 14, mà trong địa bộ đã chép Miếu Lễ Lê Thánh Tông thì miếu này chắc chắn là miếu thời Gia Long. Các cụ già của làng Phú Xuân, sống gần chùa Vạn Phước cho biết chùa Vạn Phước hiện nay là được dựng nơi có Miếu lễ Lê Thánh Tông bị hoang phế. Dĩ nhiên miếu này không phải là Miếu Lễ Lê Thánh Tông được dựng mới vào năm GL8 mà là miếu cũ. Dễ thấy miếu cũ chắc chắn ở Bộ Hóa Thượng, gần chùa Thuyền Lâm. Khi nhà sư Giác Hạnh thuộc chùa Tây Thiên vào lập am Phổ Phúc ở Cồn Bông Sứ năm 1910 thì có miểu cổ bỏ hoang, nhà sư đã quang dọn, tu sửa để ở và tu hành, coi sóc các phần mộ của thân nhân các cụ thượng Nguyễn Đình Hòe, Phạm Liệu… Vậy khi dân sở tại phát hiện rất nhiều gạch, đá táng kê cột, đá lát, tấm đá dài làm bệ thờ khá cổ ở khuôn viên chùa Vạn Phước là một bằng chứng về khả năng Miếu Lễ Lê Thánh Tông cũ từng có mặt trên đất xứ Bộ Hóa Thượng.Đại danh lam Thuyền Lâm cũ bị hoang tàn và phải triệt giải khi người Pháp dựng đường Nam Giao tân lộ thì rất nhiều vật liệu, giải hạ, đá táng kê cột, đá lát, bia đá… được dồn vào cồn Bông Sứ, xứ Bộ Hóa Thượng. Chùa Thiền Lâm mới được xây dựng gần cồn Bông Sứ. Về sau khi dựng chùa Vạn Phước, người ta đã dọn dẹp các thứ vật liệu linh tinh của Miếu Lễ Lê Thánh Tông cũ nằm phía trước, phía sau chùa. Trước năm 1926, đoàn nghiên cứu của linh mục Cadière từng tiếp cận ở bình An nhiều tháp sư và mộ cổ, đặc biệt phát hiện cái bia đá bề thế, đặt trên lưng rùa đá, ở một ngôi mộ ngay trước chùa Vạn Phước và họa sĩ Nguyễn Thứ đã vẽ lại bình đồ, phối cảnh ngôi mộ. Trong B.A.V.H (tập XV, 1928) Cadiere viết: “-51. Làng Phú Xuân, thôn Bình An –Đồ bản A.

Hình 3: Hình vẽ ngôi mộ trước chùa Vạn Phước, với hai bia, không phải tháp sư

Hình 4: Bình đồ ngôi mộ có hai bia

Văn khắc: Sắc tứ Thanh Thận Chiêu Quả Đại Thiền Sư chi tháp.

(Tháp mộ của vị Đại Thiền sư Thanh Thận Chiêu Quả (được sắc phong) do nhà vua ban sắc tứ... Phụ bản VII-I X.A. Nấm tròn; b.Đế đỡ bia, mang dòng văn khắc nói trên.G. Uynh thành, hay viên thành chiều sâu 6m8, rộng 7m; C –Sân bái đình, 2 cấp có 2m chiều sâu vào trong, 9m10 chiều rộng ở trước: có nữ tường bao quanh sân. F-D. Hồ bán nguyệt, 3m80 chiều sâu ;9m10 chiều rộng.Đồ gốm.Bia lớn đứng trên con rùa –văn khắc bị đục xóa”.

Hình 5: Hình vẽ bia sắc tứ của Đại thiền sư Thanh Thận Chiêu Quả.

Chỉ cần để ý hình vẽ ngôi mộ thì thấy không có tháp sư và kiểu thức mộ là mộ của một bà quí tộc hơn là của một vị sư (?). Vậy thì bia có rùa đội, bia sắc tứ và ngôi mộ là 3 cấu kiên của ba kiến trúc cổ khác nhau, được người sau ráp lại khi quang dọn ở nơi cồn Bông Sứ của xứ Bộ Hóa Thượng. Vậy cơ sở nào khi cho rằng gạch, đá táng, mấy tấm đá to bản và dài, bia có rùa đội là di vật di chứng của lăng vua Quang Trung bị quật phá và bị che giấu! Chúng tôi nhận thấy kiểu thức loại bia này rất giống bia mà chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng ở chùa Thiên Mụ. Phải chăng những vật liệu xây dưng như gạch, đá táng kê cột hình quả trám, đá tấm dài trên hai mét, các tấm bia, trong đó có bia đặt lưng rùa là những di vật của Miếu Lễ Lê Thánh Tông thời Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu? Một số hiện vật khác là của đại danh lam Thiền Lâm (hay Thuyền Lâm)? của chùa cổ Tuệ Lâm? Của hằng trăm lăng mộ gia đình các thân vương, quan lớn đưa vào chôn ở CBS ? của kho xưởng pháo binh nhà Nguyễn và quân đội Pháp ?. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân luôn đứng trên quan điểm triều Nguyễn xóa sạch các công trình kiến trúc của Tây Sơn, trong đó phủ Dương Xuân là Đan Dương lăng; thế thì tại sao dân sở tại cho biết hằng trăm năm qua họ đã thu thập một khối lượng vật liệu xây dựng khá lớn trên mặt đất và đặc biệt tấm bia dựng trên lưng rùa nói trên, chưa cần phải đào bới? Khoảng 1804 thì dân làng Phú Xuân vào khai phá xứ Bộ Hóa Thượng, tiếp đến các thân vương, quan lớn vào đây mai táng thân nhân …Vật đổi sao dời, về sau dân sở tại san lấp, quang dọn những ngôi tháp, lăng mộ vô chủ (trở thành phế tích), dẫn đến tình trạng có nhiều vật liệu xây dựng bị chôn vùi dưới đất.

Hình 6: Ảnh chụp tấm bia đặt trên lưng rùa (có khả năng là bia dựng ở Miếu Lễ Lê Thánh Tông vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu)

 

Việc đục bia, gọt bia, chôn bia, lấy bia… xảy ra ở CTL-CBS kéo dài cả trăm năm; không phải triều Nguyễn “tận pháp trừng trị” ai đó mà do nơi này hoang phế, có người thấy bia bị phế nên đục cho khỏi “đau lòng” và cũng do ý đồ làm “mất chủ quyền” của người xưa trên phần đất họ chiếm dụng. Năm 1988, khi đến khảo sát tháp sư sau lưng chùa Vạn Phước, chúng tôi còn thấy vắn khắc trên bia rõ ràng, nhưng tuần sau trở lại đã thấy bị gọt một phần (?) (xem hình 7, hình 8). Cadiere cũng gặp hiện tượng ấy khi họa sĩ Nguyễn Thứ, cộng tác viên của Cadiere, đến khảo sát ở CTL-CBS từ 1914 và đã viết:

“Cái di tích nhỏ nhắn kỳ lạ này không biểu thị hình dạng gì hơn là nó đã có những trang vẽ của ông Nguyễn Thứ. Từ khi những tranh vẽ này thực hiện, thì người ta đã làm một viên thành bao quanh ngôi mộ và cái nền bên dưới bị mất hoàn toàn dưới đống đất ấy, một cách tất yếu, là di tích này đã mất đi một phần lớn giá trị của nó. Có lẽ vì bị thúc đẩy bởi nổi lo sợ mang tính tôn giáo và không yên tâm bởi những lượt đi đi lại lại của ông Nguyễn Thứ, mà người ta có quyền sở hữu những điều này đã hành động như vậy.”

(B.A.V.H, tập XV, 1928, dịch giả Hà Xuân Liêm, NXB Thuận Hóa Huế, 2004, tr 69)

Vấn đề đã rõ, vì vậy không phải gặp bia bị đục là vội kết luận triều Nguyễn trị tội Tây Sơn !

Hình 7:Tháp sư được sắc tứ, trên cồn Bông Sứ, phía sau chùa

Vạn Phước, Tịnh Độ.

Hình 8: Bia sắc tứ của tháp sư, sau chùa Vạn Phước, có bia bị gọt khi có người đến khảo sát.

c)             Gò Mả Loạn, Giếng Loạn

Thời vua Champa [Trà Toàn] đánh phá Hóa Châu, người Việt gốc Chăm nổi loạn, theo Trà Toàn rất đông; quân dân Hóa Châu phải rút vào tránh và chống giặc trong thành Hóa Châu (gần Ngã Ba Sình). Khi quân tiên phong của vua Lê Thánh Tông, do Đinh Liệt, Lê Niệm chỉ huy, vào đánh dẹp vào năm 1470 thì chém rất nhiều giặc và gom lại chôn tập thể ở vùng Lâm Lộc, nam sông Phú Xuân, tức gò Bình An hiện nay và gọi là GÒ MẢ LOẠN. Dân xã Dương xuân còn truyền khẩu về những trận đánh nhau giữa quân Chăm với quân Đại Việt trên cánh đồng Bàu Vá (Bộ Hóa). Quân tiên phong của vua Lê Thánh Tông từng đóng quân ở Gò Dương Xuân, xứ Bộ Hóa Thượng, gần kho lương thảo ở xã Thọ Khương, cũng trên gò Long Thọ (gò con của gò lớn Dương Xuân). Vào thời Pháp thuộc, khi xây dựng con đường Nam Giao Tân Lộ, qua GÒ MẢ LOẠN thì người ta đào được rất nhiều hài cốt. Tục người Chăm cổ là hỏa táng và dùng vò gốm đựng tro, chôn xuống đất. Ở đây lại là xương cốt, được địa táng tập thể là một bằng chứng về ký ức dân sở tại là có độ tin cao. Thế thì hàng ngàn xương cốt trên GÒ MẢ LOẠN đào được có thể là hài cốt quân dân Chăm nổi loạn bị đại quân vua Lê Thánh Tông chém giết và chôn tập thể. Do vậy “GIẾNG LOẠN”, “MẢ LOẠN”, mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nghi là của Tây Sơn, là di vật di chứng của cuộc thân chinh thắng lợi của vua Lê Thánh Tông vào 1470 trên đất Hóa Châu chăng?. Mà cũng có thể là mả tập thể của quân dân bị giết trong cuộc loạn đời Lê Hiến Tông. ĐVSKTT chép; “Mậu Ngọ, Cảnh Thống năm thứ nhất [1498]… Trong hạt Nghệ An, Thuận Hóa, bọn trộn cướp đều nổi lên, quận bên cạnh đánh dẹp không yên được. Vua ra sắc lệnh cho quan có trách nhiệm, triệt bỏ hết toán lính đi tiểu bắt, chiêu an phủ dụ cho chúng ra thú tội trở lại nghề nghiệp cũ.”(tr9, tập III, sđd). Hoặc “mả loạn” của người Việt gốc Chăm bị giết thời vua Lê Uy Mục. ĐVSKTT chép: “Kỷ Tỵ, [Đoan Khánh] năm thứ 5 [1509]… Sai bọn Đô đốc Bảo Lộc bá Lê Tử Vân và Vũ Cảnh đi kinh lý vùng Quảng Nam.

Trước đây, năm Hồng Đức thứ nhất, Thánh Tông thân hành đi đánh Chiêm Thành bắt được Trà Toại và vợ con nó đem về nước ta an trí ở ngoài cửa Bảo Khánh gần 30 năm. Đến thời Cảnh Thống, con là Trà Phúc mang trộm hài cốt của cha là Trà Toại trốn về nước, để lại một người chị ruột, đến khi có binh hỏa mới chết. Đến nay nô lệ người Chiêm của các nhà thế gia, công thần ở các điền trang cũng bỏ trốn về nước. Vũ Cảnh cho chạy trạm tâu vua là người Chiêm làm loạn. Vua hạ lệnh giết người Chiêm gần đến gần hết, không biết rằng kẻ làm loạn chính là bọn người Chiêm Chế Mạn. Đến sau bắt được bọn người Chiêm Ma Mạt phiêu giạt ngoài biển, giam ở thừa chế, họ lại cung khai rằng năm trước, Trà Phúc đã trở về nước sai con là Ma La sang cầu viện nhà Minh, lại đóng nhiều thuyền, chứa nhiều lương. do đó vua sai bọn Cảnh đi kinh lý... Mùa thu tháng 8, xuống chiếu bắt giết hết những người Chiêm hiện đang bị giam giữ.” (tr46, tập III, sdd). Ngoài ra cũng cần chú ý cuộc LOẠN CHÀY VÔI hay LOẠN ĐOÀN TRƯNG ĐOÀN TRỰC thời Tự Đức (1866), phát xuất từ GÒ DƯƠNG XUÂN; quân lính và các vị chỉ huy đều bị giết và chôn tập thể. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng “MẢ LOẠN”, “GIẾNG LOẠN” ở gần cồn Bông Sứ, ấp Bình An là mả tập thể của quân lính Tây Sơn (?) thì e rằng không đúng. Triều Nguyễn xếp Tây Sơn vào loại NGỤY nên có những cụm từ như “SÁCH NGỤY”, “TIỀN NGỤY”, “MẢ NGỤY”, ”CHUÔNG NGỤY”, “GIẾNG NGỤY”,… vì Tây Sơn đã “TIẾM NGÔI” nhà Lê. Thế thì mả tập thể của quân lính Tây Sơn sẽ được gọi là MẢ NGỤY, giếng Tây Sơn dùng là GIẾNG NGỤY… chứ không thể gọi là MẢ LOẠN, GIẾNG LOẠN được.

d)            Địa điểm đào được ấn “Trấn Lỗ Tướng Quân Chi Ấn” ở đâu thì có lý?

Khi chiến dịch bình Chiêm toàn thắng năm 1471, vua Lê Thánh Tông bắt nhiều tù binh, phân phối nhiều nơi, cho lập làng sinh sống, trong đó có xã Xuân Hóa phía nam và tây nam BÀU VÁ. Triều Lê từng cử quan TRẤN LỖ TƯỚNG QUÂN, trấn giữ tù binh Chăm ở xứ Bộ Hóa và cấp ấn “TRẤN LỖ TƯỚNG QUÂN CHI ẤN”. Như thế chắc chắn nơi đóng đại bản doanh của quan TRẤN LỖ phải là trung tâm của gò Dương Xuân, gần cụm cư dân và có tầm nhìn bao quát vùng trũng BÀU VÁ, để tiện “trấn giữ” người Việt gốc Chăm ở Dương Xuân. Các đời vua Lê lần lượt lên ngôi, đa phần theo khuôn phép thời Hồng Đức. Hóa Châu là miền biên viễn, không được an ninh. Rồi loạn lạc xảy ra, có khi quan TRẤN LỖ phải bỏ bản doanh mà chạy,hoặc bị giết, để lại ấn của mình.Đại Việt Sử Ký Toàn Thư từng chép: “Kỷ Mảo, [Quang Thiệu] năm thứ 4 [1519]… Tháng 6, thổ tù xứ Thuận Hóa đuổi viên Tổng binh sứ Đoan Lương bá Phạm Văn Huấn, cướp lấy cả vợ con, của cải của Huấn. Bấy giờ, Văn Huấn đem nhiều con em đi theo, đổi đặt làm quan các vệ sở, quấy nhiễu dân địa phương, giết ngầm các thổ tù các xã Võ Xá, An Truyền huyện Đan Điền là bọn Hồ Bá Quang 4 người. Vì thế con em của Bá Quang đem hơn bồn nghìn người bản xứ đến vây bức thành trì, đuổi Văn Huấn đi. Văn Huấn bỏ cả vợ con trốn ra vùng Tân Bình. Bọn Thuận Hóa Thừa tuyên sứ Phạm Khiêm Bính, Hiến Sát sứ Ngô Quang Tổ, cùng vợ con của Văn Huấn lên thuyền chạy trốn, dân xứ ấy cướp hết của cải vợ con của Văn Huấn, cố ép thuyền của Khiêm Bính và Quang Tổ quay về trị sở. Hai tháng sau, vua sai Sái Cảnh làm Thừa chính sứ Thuận Hóa thay Khiêm Bính. Bọn Khiêm Bính do vậy mới được trở về.”(sdd, tập III, tr 94). Có khả năng quan Trấn Lỗ Tướng Quân bị giết hoặc bỏ trốn trong cuộc loạn này và không kịp mang theo ấn Trấn lổ tướng quân chi ấn. Mà bản doanh của quan Trấn lổ tướng quân phải ở xứ Bộ Hóa trên gò Dương Xuân, có người Việt gốc Chăm ở tập trung. Khai canh của làng Dương xuân là “Đô Tổng Binh Thiêm Sự Lê Quý Công”, chức này theo Lịch triều hiến chương loại chí có từ thời Hống Đức. Xứ Bộ Hóa Thượng, có CTL-CBS sát vùng Lâm Lộc là rừng núi và mộ địa, sau năm 1804 vua Gia Long cho phép một bộ phận con dân làng Phú xuân lên khai phá ở xứ Lâm Lộc, xứ Bộ Hóa Thượng mới lập ra ấp Trường Giang, Trường Cửi, Bình An. Còn xứ Bộ Hóa của làng Dương Xuân mới có người Việt gốc Chăm sinh cơ lập nghiệp với mật độ dân cư cao hơn xứ Bộ Hóa Thượng, sát gần xứ Lâm Lộc, nên dấu tích Chăm khá dày đặc, chẳng hạn ở ấp Hóa Quê, Xuân Hòa… ở gò Dương Xuân người ta từng thu được hiện vật Chăm cổ khá nhiều.Xứ Bộ Hóa Thượng thích hợp cho việc lập chùa, miếu hơn là đại bản doanh của quan Trấn Lỗ Tướng Quân! Khi trùng tu Phủ Dương Xuân, cơ tẢ ThỦY đào đất làm hồ bán nguyệt, làm ao vuông có nhà thủy tạ… mới bắt được ấn nói trên. Hồ bán nguyệt trước chùa Vạn Phước là hồ bán nguyệt của Phủ Dương Xuân (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân), thế thì dấu vết ao vuông có nhà thủy tạ ở đâu? Chưa kể năm Bính Tý [1696] chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng trường pháo ở phía sau phủ ở Dương Xuân và Canh Thìn (1700), chúa Nguyễn Phúc Chu còn dựng Diễn Mã Trường và có khả năng trường diễn tập kỵ binh này nằm trước hay bên cạnh phủ. Cũng năm này đã cho trùng tu Phủ Dương Xuân. E rằng địa điểm nằm giữa CTL và cồn Bông Sứ khó thích hợp cho một phủ Dương Xuân, từng có bản doanh của quan Trấn Lỗ Tướng Quân!

e)             Kết luận

GTNĐX với cơ sở chưa thuyết phục, chủ yếu dựa vào nguyên chú vài bài thơ cổ, vài câu thơ của Ai Tư Vãn, lời kể của vài người như ông Nguyễn Hữu Oánh, sư trụ trì chùa Kim Tiên. Những viên gạch, những tảng đá… đào được ở nơi từng có hai ngôi chùa cổ, hơn một chục tháp sư, hằng ngôi mộ của thân vương, hoàng tử (một phần trở thành vô chủ), nhà xưởng của pháo binh triều Nguyễn, rồi phế tích Miếu Lễ Lê Thánh Tông đã hoang phế thì chưa đủ để tin rằng ở đây có một cung điện bị vùi lấp… Nhà nghiên cứu chưa giám định về mặt khảo cổ học những hiện vật thu thập được, chỉ xâu chuỗi chúng lại thành một giả thuyết hấp dẫn theo một dịnh kiến ban đầu. Chưa kể vô tình GTNĐX đánh giá thấp vị thế của Tây Sơn trong lịch sử, với động thái xây dựng Đan Dương Lăng một cách kỳ lạ: “ăn đậu ở nhờ” nơi Phủ Dương Xuân của kẻ thù!

Khi đã không tin vào GTNĐX, không dừng lại ở phần kiến giải những hiện vật thu thập được ở CTL-CBS, chúng tôi tổ chức điền dã nhiều lần ở Gò Dương Xuân, thu thập một số tư liệu mới và cho phép hình thành một giả thuyết công tác mới, trong đó chúng tôi chứng minh: tiền thân của Đình Dương Xuân Hạ là Đền Vũ Sư, tiền thân của Đền Vũ Sư là Phủ Dương Xuân (hành cung mùa đông), tiền thân Ruộng PhủDiễn Mã Trường, tiền thân của khu vực có mộ gia đình Tuy Lý VươngĐiện Trường Lạc (cung điện mùa hè), tiền thân của Điện Trường LạcPhủ Tập Tượng (tả) và tiền thân của Điện Voi RéPhủ Tập Tượng (hữu). Giả thuyết mới này chúng tôi sẽ công bố trong phần hai.

 

D.              Dấu tích Phủ Dương Xuân

Sau khi không thể tin ở cồn Bông Sứ có phủ Dương Xuân, chúng tôi phải trở lại trung tâm của gò Dương Xuân để tìm dấu tích Phủ Dương Xuân.

Chỉ cần chỉ ra phủ Dương Xuân có ở ấp Bình An hay không thì có thể biết giả thuyết khoa học của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đúng hay sai.

 

Hình9: Đình Dương Xuân Hạ dựng trên nền móng cũ của đền Vũ Sư, có tiền thân là phủ Dương Xuân thời  chúa Nguyễn Phúc Tần và chúa Nguyễn Phúc Chu

Hình10:Ảnh đá kê cột và đá lát của phủ Dương Xuân

Hình11: Phủ Dương Xuân nhìn từ Điện Trường Lạc

1.     Tư liu thư tch v Ph Dương Xuân:

Trước hết phải chắt chiu những tư liệu thư tịch viết về Phủ Dương Xuân, Điện Trường Lạc, Diễn Mã Trường, các phủ Tập Tượng:

a)      Lê Quí Đôn, trong PBTL, từng chép về phủ Dương Xuân: Ở thượng lưu về bờ nam có phủ Dương Xuân và phủ Cam. Ở trên nữa có phủ Tập Tượng; lại dựng điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ, mà giải võ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực. Các nhà đều lát nền bằng đá, trên lát ván kiền kiền, những mảng xối đều làm bằng kẽm để hứng nước; trồng xen cây cối, cây vả cây mít đều to mấy ôm. Vườn sau thì núi giả đá quí, ao vuông hồ quanh, cầu vồng thủy tạ, tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng phượng, lân hổ, cỏ hoa…”(PBTL, tr112).Tư liệu này không những khẳng định sự tồn tại phủ Dương Xuân ở thượng lưu sông Hương, bờ nam mà còn cho biết sự tồn tại Điện Trường Lạc và phủ Tập Tượng ở phía ấy. Theo chúng tôi Điện Voi Ré còn những di vật, di chứng chứng tỏ tiền thân của điện Voi Ré là một cung phủ, có liên quan cái hồ trước điện. Đây là phủ Tập Tượng trên vậy.

b)      Cũng trong PBTL, Lê Quí Đôn lại chép: “Khi Hiểu Quốc Công xưng vương hiệu, đổi phủ Tập Tượng làm điện Trường Lạc ở bên hữu sông phía thượng lưu thành Phú Xuân. Năm Giáp Tuất, bầy tôi là Trần Thiên Lộc làm bài phú “Vạn thọ vô cương” cùng bài thơ, sai vẽ ở tường, viết thành chữ nổi, chữ nào cũng đẹp, lớn hơn hai tấc, nay điện đã hỏng mà chữ vách hãy còn. Thơ rằng:

Thần tọa cao lâm Nam cực quýnh;

Lô yên bất động ngũ vân khai.

(Ngôi vua cao nhìn xuống nơi Nam cực,

Lò hương in tỏa năm thức mây)

 

Tối thị thi thần vi sủng ốc.

Minh kha tận hướng phượng trì hồi.

(Nhất là cận thần được vua yêu mến,

Đều sang sảng tiếng ngọc kha (trên mình ngựa) kéo tới chốn phượng trì).

Hoặc:

Phượng liễu sơ hồi tiên lộ bình,

Hổ vi triều điện thự hoa sinh.

(Xe phượng vừa về đường tiên phẳng,

Màn hổ điện chầu đều rực rỡ ánh sáng buổi mai)

 

Liễu nhiễu vân tinh hoàn bắc cực,

Ân cần thiên ngữ hạ tây thành.

(Những vân tinh quây quần quanh bắc cực,

Lời ân cần ban xuống chốn tây thành)(s đ d,tr302)

Tư liệu này chứng tỏ Điện Trường Lạc là do cải tạo Phủ Tập Tượng mà thành. Như vậy thời các chúa Nguyễn phải có hai phủ Tập Tượng.Những câu thơ của Trần Thiên Lộc cho biết Điện Trường Lạc hướng về nam, trước điện có hồ.

c)      Trong mục VẬT SẢN PHONG TỤC, Lê Quí Đôn lại chép: “Họ Nguyễn có xây dựng thì phần nhiều lấy gỗ ở các phủ Qui Nhơn, Quảng Ngãi và Gia Định. Như năm Canh Thân làm phủ Dương Xuân cùng cửa Nghi Môn, hạ lệnh cho quan công đường Quảng Nam sai xá nhân truyền cho cai trường lấy gỗ súc ở phủ Qui Nhơn một tích 695 cây, gồm cột lớn dài 32 thước, kiến thủy dài 3 thước 3 tấc, kèo lá dong dài 24, cùng các hạng xuyên xà; một tích 813 cây, cũng dài lớn như thế. Đều sai cai xã Tăng Quang lấy thuyền trường đà chở nộp, 24 chiếc chỉ chở được 180 cây….

Dinh Phú Xuân của họ Nguyễn có nhà quan và nhà lính tới mấy vạn nhà. Từ tháng giêng năm Ất Mùi, quan quân đóng đồn, tướng sĩ và binh lính theo làm việc có hơn ba vạn người, mặc ý đi lấy củi, lâu ngày phá dỡ, dân gian nhân đó mà lấy trộm cũng không ngăn cấm, mấy năm đốt cháy, không những gỗ kiền kiền, gỗ sao, đến cả gỗ trắc và gỗ giáng hương chứa đầy một gian để làm củi. Mùa xuân năm Bính Thân mở trường đúc tiền, lại lấy để làm than. Lập dinh trấn thủ, lại lấy để làm phòng ốc cho các cơ đội các quân, dùng hãy còn thừa. Đến tháng năm mới sai các quân đi lấy củi ở núi Hòn Chén, cấm không được dỡ nhà quan cũ nữa. Nhưng trường tiền đốt than một lần đã dỡ đến bốn năm chục gian chưa thôi. Ngói đá gạch chum thì kể có hàng vạn, không thể tính xiết…” (sđ d, tr320).Qua tư liệu này cho thấy đến thời chùa Nguyễn Phúc Chu thì Phủ Dương Xuân đã được tôn tạo và mở rộng. Đặc biệt qua đây đủ thấy phủ Dương Xuân hoàn toàn bị xóa sổ từ khi quân Lê Trịnh chiếm Phú Xuân [1774-1775].

Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép: “Canh Thìn năm thứ chín [1700], mùa xuân, tháng giêng, mở trường diễn ngựa, các nội ngoại đội trưởng, các văn chức, nội giám và các mã đội tả hữu đều được thao diễn…

Mùa hè, tháng tư…

Lập phép diễn trận voi. Chúa ra thăm diễn trường ở xã Thọ Khang. Sai viên thống lãnh dẫn voi vào trường theo thứ tự mà bày hàng. Nhạc bộ đánh trống ba hồi, rồi gảy đàn thổi sáo hát khúc Thái Bình. Hát xong đánh 3 tiếng chuông. Thống lãnh dẫn voi tới. Chúa đến duyệt. Lại sai quan duyệt xem voi công ở ba đạo Lưu Đồn, Quảng Bình và Bố Chính…(sđ d, tr155).Tư liệu này chứng tỏ thời chúa Nguyễn Phúc Chu từng lập diễn mã trường. Theo ký ức của các cụ già ở Dương Xuân Hạ, con đường từ cống Bà Lan đến đình làng Dương Xuân Hạ  hiện nay, khá thẳng, giữa ruộng Phủ, đắp bằng đất sỏi ba dan, là con đường để diễn phi ngựa ngày xưa. Ở xã Thủy Xuân (Thọ Khang xưa) còn có bãi đất hình chữ nhật khả rộng, đối xứng với Điện Voi Ré qua tâm của Hổ Quyền là nơi diễn trận voi xưa.

Poivre là nhà buôn ngoại quốc, từng được Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tiếp tai Phủ Dương Xuân vào mùa đông. Poivre từng chép: “Cung điện thứ hai nhỏ hơn, được xây dựng trên một cái gò hơi xa sông một chút và chỉ có một cánh nhìn ra phía sông. Chúa thượng ngự ở đó vào mùa đông hay mùa mưa kéo dài đến bốn tháng” (Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, VSH Hà Nội, 1992, tr 55). Và Poivre có ghi lại sự kiện ông được Võ Vương tiếp tại phủ Dương Xuân: “Ngài bước xuống một căn phòng nhỏ dùng để tiếp tân ở ngay cửa Phủ… Ông cầm tay tôi và dẫn tôi đến một mô đất nằm ngoài cùng của Phủ, đối diện với một cái ao… Trong lúc tôi đang ngồi trên mô đất… thì ở phía bờ ao bên kia, một đám dân nghèo đáng thương đang rạp người cúi lạy Ngài, rồi ráng sức gào lên: bất công, bất công!”(s đ d, tr 56).

d)    Trong B.A.V.H số tháng 6-9 năm 1925, L.Cadiere giải thích lý do trùng tu phủ Dương Xuân năm canh Thìn [1700] “Năm 1698, ngày thứ hai trong tháng 11, một cơn bão lớn đã xảy ra, kèm theo mưa lớn và lụt. Minh Vương (tức Nguyễn Phúc Chu) cảm thấy nguy nan khi đang ngự trong cung, đã tìm đến chỗ an toàn trên một ngọn núi nhỏ. Ngọn núi này phải chăng là nơi ở cũ tại Dương Xuân, nơi Võ Vương sau đó đã ở trong những tháng mùa đông, trong một cung điện, mà theo lời của Poivre, được xây dựng trên một cái gò. Phải chăng vì sự báo động (lũ lụt) trong năm 1698 đã khiến Minh Vương có ý định xây dựng lại phủ Dương Xuân vào năm 1700?”(sđ d, tr54)

Hình12:Cổng Đình Xuân Giang, tức Miễu Xóm thời Cadier.

 

e)      Cadiere từng viết: “Bây giờ nếu chúng ta quan sát vị trí của vạt đất, ở đấy, chúng ta chú ý một cái tứ giác cân đối lớn, chiều sâu khoảng 300m, chiều rộng 100m xuất phát từ con đường, chắc chắn ngày xưa là từ bờ sông, để tiến vào những cánh đồng ruộng. Khu vực này được nâng cao lên 40cm, cũng có thể hơn so với đất đai xung quanh, toàn bộ khu vực còn rải rác trên một chiều khá sâu những mảnh vỡ vụn gạch, ngói, những dấu hiệu của những kiến trúc quan trọng xưa. Phía nam vươn ra đều, trên đó có một cái miếu nhỏ với những cây cao lớn bao bọc chung quanh; đó là cái “Miễu Xóm”(..), bên này bên kia có những mảnh tường vỡ bằng vôi vữa truyền thống của người Việt làm cho người ta phải chú ý; ở phía trước miếu còn có hai tảng đá, một trong hai tảng đá ấy được trang trí với một đường viền manh mảnh. Cũng vẫn phía trước ngôi miếu, theo chiều rộng của tứ giác, có đào một cái hố hình chữ nhật, đã bị bồi lắp phân nửa, hai đầu mút hồ có hai mô đất đã từng được sử dụng làm móng của những kiến trúc nhỏ. Tất cả khu vực này có tên là Ruộng Phủ” (sđ d, tr116).

Hình 13: Đình Xuân Giang (tức Miễu Xóm) dựng trên nền Điện Trường Lạc

 

“Ngôi điện chính, Trường Lạc, nằm ở trung tâm vạt đất được nâng cao, có thể hơi dịch về phía nam, nghĩa là giữa đường Hổ Quyền ngày nay(1925) và cái miếu”

“Hiên Duyệt võ dựng trên mô đất nhô ra ở phía nam của tứ giác. Từ đấy, Võ Vương có ở bên phía phải ông cái “Diễn Mã trường”, và ở bên phía trái ông là trường bắn. Chỗ này là nơi tọa lạc của cái Miễu Xóm và chòm cây ngày nay. Người ta cũng có thể dựng hiên Duyệt Võ trên hai miếng đất trống (ở hai đầu ao), nhưng hồi ấy họ phải dựng lên đó hai cái đình. Đình phía tây để ngồi xem diễn kỵ binh, cái đình phía đông ngồi xem bắn đại bác” (s đ d, tr117).

Thứ đến có thể rút ra một số nhận định ban đầu như sau:

2.     Về lịch sử điện Trường Lạc qua khảo sát điền dã;

Có thể dựa vào các tư liệu trên để xác nhận Điện Trường Lạc mà Cadière đã chứng minh là có cơ sở. Thật vậy, tiền thân của Điện Trường Lạc là Phủ Tập Tượng (Tả) của Chính Dinh Kim Long. Phủ Tập Tượng (Hữu) ở phía xã Thọ Khương, sau này biến thành Điện Voi Ré. Và phủ Tập tượng (tả) là thuộc phần đất bờ nam sông Hương, phần nối dài của làng Phú Xuân, tính từ ga Huế đến cống Bà Lan… Khi Lê Quí Đôn viết PBTL thì phủ Tập Tượng (tả)) đã  biến thành Điện Trường Lạc. Như thế Hồ Lấp trước kia rộng hơn, chứa nước ngọt cho voi uống, và gọi là Tréng Voi. Khi chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát biến Phủ Tập Tượng (tả) thành Điện Trường Lạc thì đã thu nhỏ Tréng Voi lại, nghĩa là lấp một phần nên dân gian gọi hồ trước Điện Trường Lạc là Hồ Lấp. Căn cứ trên thực đia thì Điện Trường Lạc gần như tọa cấn hướng khôn, kiêm tí ngọ. Vì thế giữa Hồ Điện và Điện có sân chầu, bái đình đúng như thơ Trần Thiên Lộc đã mô tả. Khoảng thời gian từ 1775 dến 1875, trên dưới 100 năm, đám đất có nền của điện Trường Lạc trở thành phế tích và trở thành bãi tha ma. Sau này gia đình Tuy Lý Vương đã táng Tuy Lý Vương, thân mẫu của vương… tại nền móng cũ của Điện Trường Lạc. Và dĩ nhiên, đất này không phải của làng Dương Xuân nên dân sở tại đã thành lập xóm Xuân Giang và đã dựng Miễu Xóm ở nền Điện Trường Lạc. Đất trước miễu là Ruộng Phủ của làng Dương Xuân Hạ, cho nên đường vào Miễu Xóm, hiện nay gọi là Đinh Xuân Giang, rất kỳ quặc, từ sau ra trước, cửa đình thì ở bên hông phải và biển ghi “ĐÌNH XUÂN GIANG” thì đối diện với hướng đình.

Hình 14: Lăng mộ Tuy Lý Vương trên khu vực có điện Trường Lạc:

Hình 15: Tảng đá trong lòng cây cổ thụ ở Đình Xuân Giang, di vật của điện Trường Lạc.

Hình 16: Tảng đá sau Đình Xuân Giang là di vật của điện Trường Lạc.

 

Hình 17; Bia thờ thần Hậu Thổ ở khu vực điện Trường Lạc.

Hình 18: Bia Hậu Thổ này tận dụng giải hạ của điện Trường Lạc

 

Hình 19: Ngôi mộ tổ của một họ nào đó, cùng với mộ Tuy Lý Vương và mẹ được táng ở nền cũ Điện Trường Lạc, sau khi điện  bị quân Lê Trịnh tàn phá và trở thành hoang phế vào thời Tây Sơn

 

3.     Phủ Tập Tượng mà Lê Quí Đôn nhắc trong PBTL:

Một vấn nạn đối với những nhà nghiên cứu phủ Dương Xuân – Điện Trường Lạc là vị trí của phủ Tập Tượng, được Lê Quí Đôn chép trong PBTL. Xin trở lại tư liệu thư tịch này “Nam ngạn chi thượng lưu hữ Dương Xuân Phủ, Cam Phủ. Hựu kỳ thượng Tập Tượng Phủ…”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dịch “Ở về mạn thượng lưu bờ nam ngạn, có Phủ Dương Xuân, Phủ Cam. Đi lên phía trên nữa có phủ Tập Tượng…”(sđ d tr 159). Chúng tôi thử kiến giải vấn đề mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã nêu như một thách đố:

Phủ  Tập Tượng là một công trình kiến trúc thời các chúa Nguyễn, liên quan cơ sở nuôi dưỡng và huấn luyện tượng binh mà Lê Quí Đôn có nói đến trong Phủ Biên Tạp Lục. Qua ghi chép của Lê Quí Đôn, có thể biết Phủ Tập Tượng ở về phía thượng lưu sông Hương, xa kinh thành Phú Xuân hơn Phủ Dương Xuân một chút. Phủ Tập Tượng mà Lê Quí Dôn vẫn còn nhắc đến khi đã có Điện Trường Lạc ở đâu?

Để có câu trả lời, cần xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ và nếu cần đưa ra nhiều giả thuyết công tác và tìm cách kiểm chứng.

Trong tinh thần ấy chúng tôi xin được nêu một giả thuyết công tác  nhằm tìm hiểu lịch sử Phủ Tập Tượng và cố gắng giải quyết những ngộ nhận lâu nay.

Quan sát ảnh chụp vệ tinh của xã Dương Xuân thì thấy quần thể kiến trúc ĐIỆN VOI RÉ cũng khá bề thế. Bình đồ của điện hình chữ nhật với bề ngang 43m, bề dọc 56,5m với 3 cấp: Cấp trên có bề rộng 25 m, có điện chính, có trục đối xứng là đường thần đạo theo hướng Tây Bắc –Đông Nam, nghiêng bắc 60 độ (tọa càn hướng tốn). Cấp giữa có bề rộng 15m, có hai nhà tả vu và hữu vu có nền hình vuông cạnh 7m, đối xứng nhau qua đường thần đạo, ở giữa có khoảng sân rộng. Cấp dưới có một sân hình chữ nhât với bề rộng 14,5m để trống và có bấc cấp dẫn lên chính điện. Quan sát toàn bộ thì thấy phần trên cùng cổ hơn phần dưới. Hai mảng tường phần dưới, tiền đình do lớp giữa đã bị bóc nên lộ rõ hai loại gạch, dưới gạch vồ, nữa trên gạch mỏng. Loại gạch này giống gạch dựng tường ở Thái Miếu, đồng đại loại gạch Tây Sơn hay sử dụng và triều vua Gia Long cũng thường dùng… Điều chúng tôi quan tâm là cái hồ hình vỏ đậu phụng ở trước điện. Căn cứ vào địa hình và cống thông của hồ với ruộng ở phía phải điện thì hồ này do người ta đào nhằm nơi trữ nước ngọt cho voi uống trong mùa nước sông Hương bị ngấm nước mặn… Một hai chú voi có công trạng, trước khi chết có gầm ré, mà nhà vua dựng điện thờ to lớn bề thế hơn cả THÁI MIẾU, TRIỆU MIẾU, MIẾU LỊCH ĐẠI… thì quả là điều khác thường! Vài chú voi thành thần đi nữa, làm sao vượt các đại công thần tuẫn tiết trong công cuộc trung hưng của vua Gia Long, lại được thờ trang trọng như điện Voi Ré? Từ thắc mắc ấy, chúng tôi nghĩ rằng phải chăng tiền thân của ĐIỆN VOI RÉ chính là PHỦ TẬP TƯỢNG thời các chúa nguyễn. Có thể ở đây chính là nơi nuôi dạy voi và huấn luyện tượng quân, triều Nguyễn gọi là sở Kinh Tượng ở xã Dương Xuân. Phủ Tập Tượng chỉ là một hành cung để chúa Nguyễn và tùy tùng duyệt quân tượng. Có thể quân Lê –Trịnh và quân Tây Sơn đều tiếp tục sử dụng như thời các chúa Nguyễn. Nhưng đến thời vua Gia Long, do sự kiện các con voi có công, được nhà vua phong tước hiệu, nên nhà vua biến Phủ Tập Tượng, nơi nhà chúa, nhà vua ngự xem quân tượng tập luyện trước đó, thành điện thờ voi, với tên dân gian “ĐIỆN VOI RÉ”. Thực ra có hai sở Kinh Tượng vào thời chúa Nguyễn. Cả hai nơi đều gọi là phủ Tập Tượng. Phủ Tập tượng Hữu, sau này thành Điện Voi Ré như đã nói ở trên. Phủ Tập Tượng Tả lai ở trên đất của làng Phú Xuân, dưới chân đồi Hàm Long, có chùa Bảo Quốc. Phủ này có chuồng voi ở vào vị trí mà sau này ông chủ Tây Boger đã lập nhà máy rượu bia, và dân gian gọi khu vực này là BẦU GHÈ. Hồ Lấp có tiền thân là Tréng Voi, nơi chứa nước ngọt cho voi uống. Lê Quí Đôn từng cho biết lịch sử của Điện Trường Lạc trong một câu ngắn ở PBTL “Khi Hiểu Quốc Công xưng vương hiệu, đổi phủ Tập Tượng làm Điện Trường Lạc ở bên hữu sông phía thượng lưu thành Phú Xuân.

 

Hình 20: Điện Voi Ré  và Hổ Quyền  nhìn từ vệ tinh

Nhìn tổng thể Điện Voi Ré, về mặt kiến trúc chúng ta sẽ thấy hai phong cách kiến trúc khác nhau rõ rệt. Phần trên cùng là phong cách thời các chúa Nguyễn: bộ giàn trò thấp, đường kính cột trung bình nhỏ, nên đá táng, đá kê cột nhỏ, hình quả trám thanh mảnh. Phần sân chầu mới cơi nới mở rộng với loại gạch bìa mỏng mà các nhà kiến trúc, các nhà xây dựng cuối thế kỷ 18 (Tây Sơn) và đầu thế kỷ 19 (Nguyễn, Gia Long) hay dùng và đặc biệt hay làm trụ cổng, trụ biểu hau đầu trụ ở cá góc tường vươn cao…

Hình21: Đội tượng binh triều Nguyễn  đang phủ phục trước Tam Tòa

Với những dữ liệu ban đầu, như đã trình bày, chúng tôi đặt giả thuyết rằng tiền thân của ĐIỆN VOI RÉ là PHỦ TẬP TƯỢNG (hữu) thời các Chúa Nguyễn (phần trên cùng), phần cơi nới của Tây Sơn và Gia Long ở cấp 2,3. Thực ra vua Gia Long vẫn không vừa lòng khi một hành cung của tổ tiên mình đã từng bị quân Lê-Trịnh sử dụng, hoặc vua quan ngụy Tây Sơn từng ngự ở dó để lo tượng binh. Phá đi thì tiếc, như Văn Miếu Long Hồ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, Tây Sơn làm Quốc Tử Giám, vua Gia Long không phá nhưng cho chôn tượng của Không Tử và biến văn miếu này thành KHẢI THÁNH TỪ (thờ cha mẹ của KHÔNG TỬ). Bởi vậy khi có “Đại công thần” voi “tuẫn tiết”, nhà vua biến PHỦ TẬP TƯỢNG thành ĐIỆN VOI RÉ để thờ voi, nhưng thực ra hàm ý lưu lại một di tích mà tổ tiên mình đã xây dựng và phát triển binh tượng trong việc giữ vững Đàng Trong chúng tôi tóm tắt giả thuyết công tác, sau đó kiểm chứng trên thực địa.

4.     Miếu Phi Vận Tướng Quân, Đền Vũ Sư, Đình Dương Xuân Hạ:

Phủ Dương Xuân khi được tôn tạo lớn vào năm 1700 thì lính thợ đào được ấn đồng “TRẤN LỖ TƯỚNG QUÂN CHI ẤN” nên Phủ Dương Xuân còn có tên là Phủ Ấn. Một bộ phận binh tướng trong đoàn quân chinh nam của vua Lê Thánh Tông từng đóng quân ở gò Dương Xuân. Có quan Phi Vận Tướng Quân, Tiến Sĩ Tùng Giang Nguyễn Phục, thầy của vua Lê Thánh Tông, có bản doanh ở trên gò nhỏ nhô ra từ gò Dương Xuân lớn, bên Bàu Vá. Khi quan Phi Vận tướng quân bị ghép tội chết, do trễ nãi quân lương, vua Lê Thánh Tông qua cơn nóng giận, rất lấy làm ân hận và dân sở tại đã lập miếu thờ quan Phi Vận Tướng Quân ở địa điểm nêu trên. Triều Lê cử  quan Trấn Lỗ Tướng Quân, chuyên sắp đặt tổ chức cho đám tù binh và dân Champa được tập trung ở chân và trên gò Dương Xuân sinh sống. Quan Trấn Lỗ Tướng Quân cũng lập bản doanh gần miếu Phi Vận Tướng Quân. Đương nhiên quan Phi Vận và quan Trấn Lỗ trở thành thành hoàng, khai canh của làng Dương Xuân Hạ sau này. Miểu của Phi Vận Tướng Quân trở nên linh hiển. Khi chúa Nguyễn Phúc Tần cho xây miếu thờ vua Lê Thánh Tông thì cũng có khả năng cho xây miếu của Tùng Giang Tiến Sí, Phi Vận Tướng Quân.

Hình22: Bình phong Đền Vũ Sư, tức phủ Dương Xuân xưa

 

Hình23: Cốt rồng chầu của Phủ Dương Xuân, Đền Vũ Sư, giữ lại trên300 năm làm di vật của công trình tiền thân, khi xây dựng đình Dương Xuân Hạ

Do những năm bão to, clụt lớn, các chúa tạm lánh lên gò Dương Xuân, đến ngự gần miếu Tùng Giang, tức miếu Phi Vận Tướng Quân, nhân thể cầu đảo. Để tiện lợi, nhà chúa cho xây dựng hành cung với qui thức giống chính dinh, nhưng nhỏ hơn, để sống và làm việc trong mùa thu-đông, thường có bão tố, mưa lớn và lụt lớn. Vì ở gò này có quan Trấn Lỗ từng đóng bản doanh, để lại ấn đồng do bị tai ương nào đó, nên cơ Tả thủy đào được ấn đồng khi xây dựng phủ Dương Xuân là việc có thật. Sự kiện này chứng tỏ phủ Dương Xuân và miếu Phi Vận Tướng Quân cùng ở trên một gò nhỏ nhô ra từ gò lớn Dương Xuân. Và từ ấy, hiểu được vì sao vua Minh Mạng đã biến miếu Phi Vận Tướng Quân – Phủ Dương Xuân thành đền Vũ Sư vào năm Minh Mạng thứ 7, thay miếu Đại Càn ở An Cựu, để đảo vũ. Rồi triều Nguyễn cũng suy tàn, đền Vũ Sư mất hết chức năng nhiệm vụ, thế là dân sở tại biến đền Vũ Sư (tức miếu Phi Vận tướng quân –Phủ Dương Xuân) thành Đình Dương Xuân Hạ hiện nay

 

5.     Khảo sát thực địa ở miếu Phi Vận Tướng Quân và Đình Dương xuân Hạ:

Quan sát, kiến trúc xây dưng hiện nay của đình Dương Xuân Hạ thì rõ, đình chính giữa và hai nhà tả vu, hữu vu được dựng lại trên nền cũ của Phủ Dương Xuân nhưng có ép lại một phần. Hai miếu thờ thần thấp hơn và nằm hai bên. Đá ốp nền, đá kê cột gồm hai thời kỳ, một là thời chúa Nguyễn (đá granit), một là thời đền Vũ Sư (đá Thanh). Gạch xây dựng bình phong long mã thuộc loại gạch mỏng thời chúa Nguyễn.

Hình 24 Mặt tiền của đình Dương Xuân Hạ

Hình 25: Bệ thờ có bài vị Võ tướng quân

Hình26: Miếu thờ Lôi Sư (thành miếu thờ Lê Tướng Công)

 

Bức bình phong long mã với những mô típ trang trí cổ hơn nhiều so với mô típ trang trí đình vào đầu thế kỷ 20. Người xây dựng đình đã chừa lại cốt một con rồng đắp nổi bằng gạch của thời Đền Vũ Sư. Theo cụ Lê Văn Hồi của làng Dương Xuân thì con rồng còn lại trước đình có lịch sử trên 300 năm. Do lớp vữa bị bóc, có thể thấy rõ một nửa được xây bằng gạch thẻ mỏng thời chúa Nguyễn, một nửa được xây bằng gạch vồ thời Minh Mạng. Như thế con rồng này có trước khi dựng đền Vũ Sư!

Hình 27: Đá kê cột của đền Vũ Sư

Hình 28: Đá táng kê cột của đền Vũ Sư

Hình 29: Văn bản thần Cao Các ở đền Vũ Sư

Hình 30: Văn bản về thần Đại Càng Nam Hải, Thiên Y A Na ở đền Vũ Sư

6.     Cánh đồng Bàu Vá có Diễn Mã Trường, sân bắn:

Ngoài ra cũng năm 1700, chúa Nguyễn Phúc Chu cũng cho mở Diễn Mã Trường từ Phủ Tập Tượng (sau này là Điện Trường Lạc) đến phủ Dương Xuân. Bức hoành phi “DIỄN MÃ TRƯỜNG”, chạm nổi chữ Hán kiểu thức hóa, còn treo ở tiền sãnh Đình Dương Xuân Hạ… là những bằng chứng về giả thuyết khoa học của chúng tôi. Theo các cụ già làng Dương Xuân Hạ có từ lâu. Khi các tiền bối tiếp quản Đền Vũ Sư thì đã thấy tấm biển này, được treo ở tiền sãnh. Theo truyền ngôn thì phía phải, trước hồ bán nguyệt, có ao vuông và cạnh ao vuông có một cái đình để quan sát diễn tập kỵ binh. Khi đình này hỏng nặng và lập đền Vũ Sư thì người xưa đã thỉnh biển DIỄN MÃ TRƯỜNG vào đền Vũ Sư để lưu giữ.

Thời Trịnh –Nguyễn phân tranh, Đàng Trong phải lo việc quân sự là việc làm tất nhiên. Về quân đội ngoài bộ binh, thủy binh, tượng binh, còn có kỵ binh nữa. Thời chúa Nguyễn Phúc Tần thường có những cuộc diễn tập kỵ binh từ quán Thanh Kệ đến Vạn Xuân. Còn thời chúa Nguyễn Phúc Chu, nhà chúa lo chấn hưng Đàng Trong, tức là củng cố và phát triển Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ với ý đồ xưng vương rõ rệt. Không những đề phòng mặt bắc mà còn lo những động thái quân sự giúp mở mang bờ cõi ở phương nam. Chúa Nguyễn Phúc Chu gần như biến vùng Bàu Vá và gò Dương Xuân thành một quân trương để huấn luyện các binh chủng. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép “Giáp Tuất, năm thứ 3 [1694] mùa xuânTháng 2… Thao diễn trận voi. Sai các cơ chia phiên thao diễn trận pháp, mỗi ngày một lượt, thưởng tiền theo thứ bậc. (sdd tr152). Các phủ Tập Tượng có khả năng củng cố và phát triển thời kỳ này. Lại chép: “Canh Thìn năm thứ 9[1700]. Mùa hè tháng 4...

Lập phép diễn trận voi.Chúa ra thăm diễn trường ở xã Thọ Khang. Sai viên thống lãnh dẫn voi vào trường theo thứ tự mà bày hàng. Nhạc bộ đánh trống ba hồi, rồi gảy đàn thổi sáo hát khúc Thái Bình. Hát xong đánh ba tiếng chuông. Thống lĩnh dẫn voi tới. Chúa đến duyệt... (sdd tr155). Và chúa Nguyễn Phúc Chu lại lập trường huấn luyện pháo binh ở vùng Bàu Vá, Ất Hợi, năm thứ 4[1695]... Tháng 3, dựng trường pháo ở phủ sau [ở phía sau một phủ nào đó TVĐIỀN chú ]. Triệu các quan văn võ cùng các đội trưởng, văn chức và tam ty họp nhau diễn tập, bắn trúng thì được thưởng tiền theo thứ bậc, trúng luôn ba lần thì được thưởng một tấm nhiễu hồng. Từ đấy mỗi năm theo làm lệ thường.(sdd tr152). Và chỉ năm tháng sau lại có hoạt động ở trường pháo. Mùa thu tháng 8, sai quân Chính Dinh diễn tập pháo thủ, cho các cai bạ nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu trông nom.(sdd tr 153). Kỵ binh là một binh chủng cơ động, phản ứng nhanh, dễ biến thành kỳ binh trong chiến thuật đánh vu hồi… Vì lẽ đó, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây dựng DIỄN MÃ TRƯỜNG ở cánh đồng Bàu Vá, tức là RUỒNG PHỦ hiện nay.

Diễn Mã Trường được xây dựng khi nào, ở đâu, qui mô và cách tổ chức huấn luyện kỵ binh như thế nào?

Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép: “Canh Thìn năm thứ 9 [1700], mùa xuân, tháng giêng, mở trường diễn ngựa, các nội ngoại đội trưởng, các văn chức, nội giám và mã đội tả hữu đều được thao diễn”(tr155).

Diễn Mã Trường là trường rèn luyện, thao diễn ngựa; tức là vạt đất thấp, khá rộng nối từ phủ Tập Tượng đến phủ Dương Xuân (sát miếu Phi Vận Tướng Quân và miếu Thành Hoàng). Trong Diễn Mã Trường, có đắp con đường bằng đất sỏi badan, phần lớn là thẳng, có vài khúc uốn cong, có cầu vồng (tre, gỗ) bắt qua ao (ao Ấu), có rào chắn thấp bằng đất hoặc bằng tre.

Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu thì cải tạo phủ Tập Tượng (tả) thành điện Trường Lạc. Thật vậy, Lê Quí Đôn chép trong Phủ Biên Tạp Lục: “ Khi Hiểu Quốc Công xưng vương hiệu, đổi phủ Tập Tượng làm Điện Trường Lạc ở bên hữu sông phía thượng lưu thành Phú Xuân…”(tr302). Như vậy Diễn Mã Trường với hai đầu là hai phủ, một đầu là phủ Dương Xuân và một đầu là phủ Tập Tượng (vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu), cho nên sau khi suy tàn Diễn Mã Trường trở thành ruộng canh tác và về sau dân sở tại gọi là Ruộng Phủ. Như thế thì Điện Trường Lạc quay về hướng nam, tréng voi của phủ Tập Tượng được cải tạo thành Phượng Trì hay Đan Trì; khi suy tàn thì dân sở tại gọi là HỒ LẤP. Nếu theo hướng bắc –nam, tựa vào điện (bây giờ là Đình Xuân Giang) và nhìn ra Phượng Trì (bây giờ là Ao Lấp) thì Diễn Mã Trường nằm về phía tay phải. Vì thế Hiên Duyệt Võ phía tây là cải tạo nhà Hữu Vu của phủ Tập Tượng và để xem diễn kỵ binh. Còn nhà Tả Vu của Phủ Tâp Tượng biến thành Hiên Duyệt Võ phía đông Điện Trường Lạc và để xem pháo binh tập luyện. Có thể pháo binh tập bắn cả vào mùa thu-đông. Vào mùa mưa lụt Bàu Vá trở thành một cái hồ lớn, rất thuận lợi trong việc tập bắn súng các cỡ trong khi di chuyển trên thuyền. Hiên Duyệt Võ phía đông của Điện Trường Lạc và Phủ Dương Xuân trên gò cao là những khán đài lý tưởng giúp quan sát kỵ binh, pháo binh tập trận. Sân bắn ở khu vực Ruộng Phủ vẫn còn dấu tích là những HÒN MÔ mà hiện nay dân sở tại đã đưa thân nhân vào chôn. Thế thì TRƯỜNG BIA ở chân cồn Bông Sứ thuộc xứ Bộ Hóa Thượng là hợp lý. Nếu điện Trường Lạc có Hiên Duyệt Võ thì Phủ Dương Xuân hy vọng có khán đài để xem diễn kỵ binh. Nếu Phủ Dương Xuân ở giữa đại danh lam Thiền Lâm và cồn Bông Sứ thì khó xem diễn tập kỵ binh, pháo binh. Như thế trường bắn ban đầu có thể ở phía sau lưng của Phủ Dương Xuân; từ kho thuốc súng (gần chùa Bảo Quốc) đến Trường Bia (có giếng Trường Bia, bên hông chùa Vạn Phước hiện nay).

Hình 31: Biển chạm gỗ ba chữ hán kiểu thức hóa “DIỄN MÃ TRƯỜNG”, chữ Diễn kiểu thức hóa như hình con ngựa(bộ hành uốn cong một nét).

 

7.     Kết quả khảo sát điền dã của Cadiere ở gò Dương Xuân:

Kết quả khảo sát thực địa cũng có những điểm phù hợp với việc khảo sát của Cadière ở gò Dương xuân. Trong bài: “Các tác phẩm điêu khắc Chàm ở Xuân Hòa” (B.A.V.H, tập IV, 1917), Cadiere viết: “Trong một cuộc dạo chơi trên một đồi ở gần ga Huế, tình cờ tôi bắt gặp một số điêu khắc Chàm mà cần nêu lên.

Các thứ ấy ở trong xóm Xuân Hòa hay Xuân Huế hay có người lại gọi là Thiên Hóa. Muốn đến đó, phải rời đường Nam Giao, ở giữa vùng cao trước cánh đồng nghĩa địa, người ta sẽ đến chùa Tường Vân và đi theo con đường cạnh chùa ấy, đi mãi sẽ đến một đám đất thấp ở đó có hai bụi cây che hai cái “miểu xóm” hay miếu Bà Dàng. Chính trước một trong hai miếu ấy, miếu Dàng có đá chạm.

Tất cả có 5 cái: Một đỉnh cột… Con sư tử… Hai đầu Makaras… Cái Linga….

Hai cái miếu gần đó có chạm trỗ ấy ngày trước không phải ở vị trí như hiện giờ. Hai miếu ấy nằm cách đây 5 hoặc 6 mét về phía bắc ở chân một chỗ đất lồi lên mà hiện nay là đền chính thức Thần mưa. Vũ Sư đền này, theo Địa Lý Duy Tân được xây dựng niên hiệu Minh Mạng (1826). Người ta cho tôi biết lịch sử đền này là cái miếu phải dời chỗ đi đã 50 năm rồi. Lý do chuyển đi là những tai họa xảy đến cho xóm. Có thể là hai vị thần nhỏ kia. Vị Thần mưa là một thần chính thức nên 2 vị thần kia phải đi tìm chỗ trú ngụ nơi khác ở trên đồi đá như ngày nay ta đã thấy.

Hai vị thần ấy là ai ?

Tên chính thức của vị thần ghi trên bài vị của đền và đọc ở ngày tế lễ là: “Cổ tích dương phi xích nữ trung đẳng thần...

Bây giờ, sang chuyện của vị nữ thần thờ ở miếu kia. Chức vị cũng khá đặc biệt:Kỷ mùi khoa tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn TrungCadière không biết vị thần này và ông đã nêu thắc mắc trong bài đã dẫn.

Hình 32:  Bệ thờ miếu Phi Vận Tướng Quân

Hình 33: Miếu Phi Vận Tướng Quân

Hình 34: Toàn cảnh đình Dương Xuân Hạ-Đền Vũ Sư-Phủ Dương Xuân nhìn từ vệ tinh

Hình 35: Văn bản về thần Phi Vận Tướng Quân Tùng Giang Tiến Sĩ Nguyễn Phục

Hình 36: Văn bản về thần Xích Mi (nữ thần Chăm)

Miếu Phi Vận Tướng Quân là một miếu cổ ở vị trí cao hơn Đình Dương Xuân Hạ hiện nay, hướng về phía Bắc.Còn đình Dương Xuân Hạ cũng trên gò nhưng phía dưới Miếu Phi Vận, có hướng Tây-Bắc. Đền Vũ Sư mà Cadiere giởi thiệu trong bài viết vừa nêu chính là đình Dương Xuân Hạ hiện nay. Thật vậy, đình Dương Xuân Hạ trước năm 1914 ở vị trí Bệnh viện khu vực 3 hiện nay, gần cầu Kho Rèn. Các cụ cao tuổi của làng Dương Xuân hạ đều xác nhận điều này. Thời Pháp thuộc, nhà nước đền bù giải tỏa và làng thỉnh bài vị các ngài khai canh về đền Vũ Sư (đã thành phế tích), tôn tạo và biến đền Vũ sư thành Đình Dương Xuân Hạ từ 1914 đến nay. Còn miếu Phi Vận tướng quân trở thành miếu Thành hoàng của làng. Miếu Xích Mi vẫn còn, ở phía tay phải của đình. Miếu Xích Mi được dân sở tại gọi là miếu Bà Giành và thay vị trí 3 lần.

8.     Về những vị Thành Hoàng được thờ ở làng Dương xuân Hạ:

Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, vào năm 1700 có một cuộc đại trùng tu Phủ Dương Xuân, quân lính đào được ấn đồng TRẤN LỖ TƯỚNG QUÂN CHI ẤN nên Phủ Dương Xuân còn gọi là PHỦ ẤN và có khả năng nhà chúa cũng cho xây dựng miếu thờ quan Trấn Lỗ Tướng Quân như một vị thành hoàng của phủ Dương Xuân. Miếu này dựng trên gò Dương Xuân gần Đình Dương Xuân Hạ, phía sau nhà bác Lê Văn Hồi. Phải chăng miếu thành hoàng này trở thành Miếu Thành Hoàng thờ thành hoàng do nhà nước dựng. ĐNNTC chép: MIẾU THÀNH HOÀNG: Ở xã Dương Xuân, huyện Hương Thủy, thờ thần Thành Hoàng trong cõi, dựng năm Thiệu Trị thứ 6…”. Trong lòng văn tế thần của làng có xướng hai vị nhân thần, có khả năng là Đô Đốc Bảo Lộc Bá Lê Tử Vân và Vũ Cảnh, nhận lệnh vua Lê Uy Mục vào trấn áp người Việt gốc Chăm nổi loạn. Triều Nguyễn phong thần cho hai vị: Đông Nam Sát Hải Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân Trứ Phong Vi Trừng Trạm Dực Bảo trung Hưng Chi Thần Gia Tặng Uông Nhuận Trung Đẳng Thần”. Khi Đền Vũ Sư biến thành Đình Dương Xuân Hạ và Miếu Thành Hoàng (dựng năm Thiệu Trị thứ 6) bị đổ nát, làng Dương Xuân biến hai miếu tả hữu Vân Sư, Lôi Sư trong khuôn viên đình, trước hai nhà tả vu hữu vu, thành nơi thờ hai tướng quân họ LÊ và họ VÕ.

9.     Một số tư liệu thư tịch điền dã góp phần xây dựng giả thuyết Phủ Dương Xuân là tiền thân của Đền Vũ Sư:

Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, con trưởng của chúa qua đời sớm, con thứ Nguyễn Phúc Luân được chúa tạo điều kiện để làm thế tử. Và có khả năng khi Chưởng Võ Nguyễn Phúc Luân có gia đình và tiềm để ở phủ Dương Xuân. Người đỡ đầu Nguyễn Phúc Luân là quan nội hữu Ý ĐỨC HẦU Trương Văn Hạnh, thầy dạy là Thị Giảng Lê Cao Kỷ. Chắc chắn sau khi Ý Đức Hầu Trương Văn Hạnh, Thị Giảng Lê Cao Kỷ bị giết, Chưỡng Võ Nguyễn Phúc Luân bị bắt rồi sinh bệnh mà mất thì bà Hiếu Khang Nguyễn Thị Hoàn có cầu đảo ở miếu, chùa như miếu Phi vận Tướng Quân Tùng Giang, miếu Thành Hoàng Dương Xuân, chùa Thiên Hòa gần điện Trường Lạc… Chúng tôi trích dẫn đoạn chép về lăng mộ của thân phụ vua Gia Long trong ĐNNTC để minh họa cho điều nhận định trên: LĂNG CƠ THÁNH: Táng Hưng tổ Hiếu Khang hoàng đế; ở núi Cư Chánh huyện Hương Thủy. Tương truyền năm Kỷ Dậu, Hưng Tổ băng, tạm để tử cung ở nhà riêng tại Dương Xuân, chưa tìm được đất chôn cất, một đêm có người sư già đến hỏi rằng:” Đã tìm được đất chưa?”. Người nhà trả lời chưa”. Người sư già chỉ vào chỗ lõm của núi Cư Chánh mà nói: Đấy là đất táng đấy, tôi đã cắm cây, sáng mai cứ đến đấy nhận phương hướng mà an táng”. Nói xong đi ngay. Sáng sớm hôm sau, người nhà theo lời sư nói đi tìm, quả nhiên thấy cây cắm, theo tìm người sư thì không thấy tông tích đâu cả, bèn đem tử cung táng ở đây…”(sđd, tr40). Có khả năng thời chúa Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần, Chưởng Võ Nguyễn Phúc Luân còn ở phủ Dương xuân. Trải qua loạn lạc, nhiều công trình kiến trúc bị tàn phá nhưng chắc chắn nền móng thì còn. Khi Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh trở lại Phú Xuân, bà Hiếu Khang ra sức tôn tạo, trùng tu nhiều đình chùa miếu vũ… Vì vậy có khả năng bà đã nói về sự linh nghiệm trong cầu đảo khi bà còn ở phủ Dương Xuân, gặp gia biến. Và thế là vua Minh Mạng cho lập Đền Vũ Sư trên nền móng cũ của phủ Dương Xuân và vua Thiệu Trị đã nâng miếu Thành Hoàng của làng Dương Xuân thành Miếu Thành Hoàng cho toàn cõi kinh sư.

Hình 37: Hình vẽ ngôi mộ ngài khai canh làng Dương Xuân Hạ ở ấp Phước Quả

Hình 38: Bình đồ mộ ngài khai canh

Hình 39:Văn bản về ngài Đô Tổng Binh Thiêm Sự họ Lê, khai canh làng Dương Xuân.

Trong các bản văn tế của làng Dương Xuân Hạ, thường được xướng tế ở đình, có mỹ hiệu của các thần được triều Nguyễn phong tặng gồm:

-         Thiên thần Xích Mi (có gốc Chăm)(có miếu riêng).

-         Nhân thần Phi Vận Tướng Quân Tiến Sĩ Tùng Giang Nguyễn Phục (Thầy của vua Lê Thánh Tông)(có miếu riêng trên 500 năm).

-         Các thiên thần Cao Các, Tứ Vị Thánh Nương, Tam Cô, Thiên Y A Na… từng được thờ ở Đền Vũ Sư.

-         Các vị Thành Hoàng như Đông Nam Sát Hải Lang Lại Nhị Đại tướng Quân…

-         Bổn thổ khai canh Đô Tổng Binh Thiêm Sự Lê Quí Công và các vị hậu khai khẩn.

Ở trước đình, phía phải, còn giữ bia đá nói về việc các vị chức sắc trong làng từng tranh tụng về phần mộ của ngài khai canh ở Phước Quả và thắng lợi. Trong B.A.V.H (Tập XV, 1928), có đoạn viết về ngôi mộ khai canh làng Dương Xuân, trong đó cadière dựa vào dòng bia của mộ có khắc “Đại Nam Hoàng Triều Cáo Thụ Đại Đô Tổng Binh Kiêm Sự Lê Quí Công Khai Canh trứ phong tặng vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò tôn thần chi mộ” (sđd, tr114), nên Cadière đoán vị Đô Tổng Binh Thiêm Sự thuộc về triều Gia Long. Điều này dẫn đến làng Dương Xuân được thành lập vào đầu thế kỷ 19. Vô lý! Thực ra bia dựng vào năm Thành Thái thứ 17, sau khi thắng kiện, các vị lập bia lại khắc như trên nên có sự nhầm lẫnvừa nêu.

Ngang với các bậc cấp trước cổng đình Dương Xuân Hạ có miếu Âm Hồn, dựng năm 1914, trên nền móng cũ của một công trình cũ. Vị trí này có khả năng là nơi mà chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tiếp Poivre vào mùa hè như Poivre đã kể.

E.               Kết Luận:

Vậy khu vực CTL-CBS từng có đại danh lam Thiền Lâm, với nhiều tháp sư và mộ cổ, với Miếu Lễ Lê Thánh Tông thời Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu đã bị phế bỏ từ thời Gia Long… nên các hiện vật do nhà Nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phát hiện, chưa có một tiêu chí để giám định mà vội gán cho vật liệu xây dựng Đan Dương Lăng là phi khoa học! Hơn nữa trong khoảng từ 1804 đến 1910 ràng các quan triều Nguyễn lần lượt đưa thân nhân vào chôn, tận dụng giải hạ để xây uynh mộ hay những bờ đê chắn nước trên cao đổ xuống làm ảnh hưởng mộ phần.

Tất cả những tiêu chí về Phủ Dương Xuân thì quần thể di tích ở Đền Vũ Sư đều thỏa mãn. Vậy theo chúng tôi thì tiền thân của đền Vũ Sư là phủ Dương Xuân, tiền thân của đình Dương Xuân Hạ là đền Vũ sư, tiền thân của Ruộng Phủ là Diễn Mã Trường và sân bắn, tiền thân của điện Trường Lạc là phủ Tập Tượng tả ở xã Phú Xuân, tiền thân của điện Voi Ré là phủ Tập Tượng hữu ở xã Thọ Khương trên gò Dương Xuân.

Khi cho rằng vua Quang Trung trưng dụng Phủ Dương Xuân thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (đã dựng thêm Điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ…) làm cung điện Đan Dương, nơi sinh hoạt và làm việc của vua Quang Trung thì không có một chứng cớ xác tín nào. Không có một sử liệu thư tịch hay ký ức dân gian về phủ Dương Xuân ở gò Bình An gần chùa Từ Đàm. Với giả thuyết táo bạo này, người đưa giả thuyết phải phủ định hoàn toàn ý kiến của nhà Huế học đáng kính L.Cadièrre. Mặc dầu L.Cadièrre trong B.A.V.H đã chứng minh được Điện Trường Lạc thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát là ở khu vực có Miểu Xóm, Ruộng Phủ với những tư liệu khảo cổ học đầy sức thuyết phục. Chỉ chưa thuyết phục khi cho rằng Phủ Dương xuân ở khu vực Ruộng Phủ và nhà nghiên cứu nguyễn Đấc Xuân phủ định là đúng. Thật táo bạo khi cho rằng sau khi vua Quang Trung băng hà, triều Tây Sơn đã táng nhà vua trong cung điện Đan Dương luôn. Với động thái này triều Tây Sơn đã biến dương cơ thành âm phần, trái với phong tục của dân tộc Việt. Triều Tây Sơn với những vị tham mưu như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích… (tiến sĩ triều Lê) khi để vua con Cảnh Thịnh táng cha mình ở dương cơ của kẻ không đội trời chung với họ Nguyễn Tây Sơn mà không có ý kiến gì ư? Mà dương cơ ấy cũng không phải là cát địa, vì bằng chứng là những tên lính Lê Trịnh vào những năm 1775, 1776 đã phá nát phủ Dương Xuân trên cát địa ấy, để khỏi đi lấy củi xa; cứ vài tên lính góp sức mang một cột mít hay lim của phủ Dương Xuân về nộp là đã hoàn thành nhiệm vụ. Trộm biết khi anh em Quang Toản, Quang Duy… sắp bị hành hình, vua Gia Long có cho họ một bữa cơm ân huệ, Quang Toản cầm đũa định ăn thì ông em Quang Duy ngăn “Hoàng huynh, nhà mình thiếu chi mâm son đũa ngà mà phải dùng mâm đũa của người ta!”… Thế thì muốn giữ bí mật việc mai táng vài tháng, cần gì phải chọn cách táng “xưa nay hiếm” như GTNĐX!

Huế, đầu thu 2007

Trần Viết Điền

Tài liệu tham khảo:

[1]: Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, bản dịch, nxb KHXH, Hà Nội, 1977.

[2]: Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, bản dịch, tập I, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992

[3]: Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên), bản dịch, tập I, NXB Sử Học, Hà Nội, 1982.

[4]: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch, Tập II, NXB KHXH, Hà Nội, 1993

[5]:Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương, sơn lăng của Hoàng Đế Quang Trung, Nguyễn Đắc Xuân, NXB Thuận Hóa, Huế, 2007.

 

Huế, ngày 5-10-2007

Mục lục

A.         GTNĐX dựa trên những cơ sở nào ?. 2

B.          Những vấn đề cần thảo luận khi tiếp cận GTNĐX: 3

C.          Kiến giải của chúng tôi về CTL-CBS: 6

a)     Tổng quan Bàu Vá: 6

b)          Miếu Lễ Lê Thánh Tông (thời Nguyễn Phúc Tần)và các chúa Nguyễn kế vị: 8

c)     Gò Mả Loạn, Giếng Loạn. 14

d)          Địa điểm đào được ấn “Trấn Lỗ Tướng Quân Chi Ấn” ở đâu thì có lý?. 15

e)     Kết luận. 16

D.         Dấu tích Phủ Dương Xuân. 17

1.     Tư liệu thư tịch về Phủ Dương Xuân: 18

2.     Về lịch sử điện Trường Lạc qua khảo sát điền dã; 22

3.     Phủ Tập Tượng mà Lê Quí Đôn nhắc trong PBTL: 26

4.     Miếu Phi Vận Tướng Quân, Đền Vũ Sư, Đình Dương Xuân Hạ: 29

5.     Khảo sát thực địa ở miếu Phi Vận Tướng Quân và Đình Dương xuân Hạ: 31

6.     Cánh đồng Bàu Vá có Diễn Mã Trường, sân bắn: 36

7.     Kết quả khảo sát điền dã của Cadiere ở gò Dương Xuân: 38

8.     Về những vị Thành Hoàng được thờ ở làng Dương xuân Hạ: 41

9.     Một số tư liệu thư tịch điền dã góp phần xây dựng giả thuyết Phủ Dương Xuân là tiền thân của Đền Vũ Sư: 42

E.     Kết Luận: 45

 

 


CÓ PHẢI PHỦ DƯƠNG XUÂN Ở GẦN CHÙA THIỀN LÂM VÀ PHỦ NÀY LÀ ĐAN DƯƠNG LĂNG CỦA VUA QUANG TRUNG?

 

Chùa Thiền Lâm - Cồn Bông Sứ (xứ Bộ Hóa Thượng) thuộc ấp Bình An trên gò Dương Xuân (Huế) trong những năm qua trở thành điểm nóng của khảo cổ học khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra giả thuyết khoa học hấp dẫn: Ở chùa Thiền Lâm - Cồn Bông Sứ (viết tắt CTL-CBS) từng có phủ Dương Xuân (viết tắt PDX) thời chúa Nguyễn, Tây Sơn biến thành cung điện Đan Dương (viết tắt CĐĐD) để vua Quang Trung sống và làm việc, khi nhà vua băng hà Tây Sơn táng nhà vua ở CĐĐD nên điện trở thành Đan Dương Lăng (viết tắt ĐDL). Đan Dương Lăng bị mất tích nên Phủ Dương Xuân cũng không còn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã dày công cho giả thuyết trên khi điền dã nhiều lần ở CTL-CBS để thu thập tư liệu khảo cổ, tra cứu thư tịch, xử lý tư liệu, xây dựng giả thuyết công tác, kiểm chứng… rồi công bố trong các hội nghị, hội thảo, sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Gần đây, tháng 10-2007, nhà nghiên cứu đã hoàn thành quyển sách “Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương, sơn lăng của hoàng đế Quang Trung” và đã xuất bản qua nhà XBTH. Trong tinh thần khoa học, để tìm hiểu giả thuyết khoa học của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (xin viết tắt GT NĐX), chúng tôi không những đọc các công trình của ông đã công bố mà còn phải điền dã nhiều đợt ở gò Dương Xuân mới thấy ra một số vấn đề chưa thông trong GTNĐX.

Do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân kêu gọi sự góp ý của độc giả, trong tinh thần ham hiểu biết, chúng tôi mạo muội trình bày những kiến giải của mình, như một phản biện khoa học đối với GTNĐX.

Sau đây là phản biện khoa học của chúng tôi về GTNĐX, góp phần trả lời những câu hỏi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đặt ra trong công trình nghiên cứu lăng mộ vua Quang Trung đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây.

 

A.               GTNĐX da trên nhng cơ s nào ?

Trước hết nhà nghiên cứu NĐX dựa vào sự kiện quan thái sư Bùi Đắc Tuyên của triều Cảnh Thịnh đã biến chùa Thiền Lâm làm dinh thự và đại thần Phan Huy Ích ở nhà Công Quán (ngôi chùa) gần dinh Thái Sư. Trong phần nguyên chú của bài thơ “Xuân đề kỷ sự”, Phan Huy Ích cho biết khi ở nhà Công Quán ông đã viết bài thơ này và một bài thơ không đề khác có nguyên chú “bọn tiểu giám hộ lăng thường đến hầu rượu mình, nên nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã lập luận: tiểu giám giữ lăng “Đan Dương Lăng” mà thường đến hầu rượu Phan Huy Ích, dưới trướng Thái Sư Bùi Đắc Tuyên, thì Đan Dương Lăng phải ở gần chùa Thiền Lâm.

Thứ đến nhà nghiên cứu NĐX cho rằng triều Nguyễn cố tình phá tan thành bình địa Đan Dương Lăng, làm mất dấu vết để người đời sau không biết mộ của “Ngụy Huệ” ở đâu; chỉ cho biết mộ ấy được “táng vu Hương Giang chi nam và tác giả lập luận để đi đến kết luận: Đan Dương lăng ở gần bờ nam sông Hương, trên trục Phu Văn Lâu –Đàn Nam Giao và tất nhiên phải bị vùi dưới đất.

Tiếp theo, nhà nghiên cứu phát hiện các bản ĐNNTC của Quốc Sử Quán có sai sót khi chép chùa Thiền Lâm thuộc xã Dương Xuân, rồi lại chép chùa này ở xã An Cựu và không biết vị trí của Phủ Dương Xuân ở đâu; nên tác giả nghi rằng các quan làm việc ở quốc sử quán triều Nguyễn có ý đồ che giấu địa điểm phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn cũng như che giấu Đan Dương Lăng. Từ nỗi hoài nghi ấy ông đặt vấn đề táo bạo rằng; Tây Sơn đã biến Phủ Dương Xuân thành cung điện Đan Dương để vua Quang Trung sống và làm việc. Khi nhà vua băng hà, để giữ bí mật triều Tây Sơn đã táng vua ở cung điện Đan Dương và cung điện này trở thành Đan Dương Lăng. Đan Dương Lăng bị chôn vùi thì tất nhiên phủ Dương Xuân cũng bị triều Nguyễn che giấu luôn.

Tiếp theo nữa, nhà nghiên cứu NĐX dựa vào ký ức dân gian ấp Bình An và di vật, di chứng còn lại ở CTL-CBS, với rất nhiều đá táng đủ loại, rất nhiều gạch vồ còn sử dụng được, nhiều đống giải hạ ngỗn ngang để minh họa cho giả thuyết của mình. Đặc biệt có các hiện vật: tấm đá granit dài 2, 7m, rộng 0,57m, dày 0,05m, một mặt khá nhẵn, một mặt xô xảm, do người nhà ông Nguyễn Hữu Oánh đào được trong nhà, đem tặng chùa Vạn Phước. Theo ông Nguyễn Hữu Oánh, còn 3 tấm đá như thế (đã thất lạc), và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng các tấm đá ấy là quách của mộ Quang Trung (?). Một cái bia của thiền sư bị chôn, một cái bia khác có rùa đá mang trên lưng còn nguyên vẹn nhưng văn khắc đã bị gọt, theo nhà nghiên cứu những hiện vật ấy cũng có liên quan với Đan Dương Lăng bị quật phá.

Phủ hay lăng thường có hồ trước mặt, vì vậy nhà nghiên cứu không thể không có những thao tác khảo cổ học phía trước chùa Vạn Phước. Trước chùa, dưới chân cồn Bông Sứ, có con khe chảy qua, ngang cồn thì phình rộng, hiện nay người ta tận dụng để trồng rau răm. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì hồ ấy là hồ của Phủ Dương Xuân. Khu vực này, nhà nghiên cứu NĐX còn phát hiện “giếng loạn”, “mả loạn”. Theo NNC thì đây là giếng Tây Sơn, mả loạn là mả của quân lính Tây Sơn tử trận khi Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân (1801). Lại thêm có cầu Kim Tiên gần đó, tức cầu ván Dương Xuân Hạ và theo nhà nghiên cứu thì chùa Kim Tiên trước đây là hành cung của Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân, gần Đan Dương Lăng, nên khi viết Ai Tư Vãn, Ngọc Hân đã nhắc đến cầu này khi người viết: “Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non”.

Nhà nghiên cứu cũng nhờ bác sĩ Dương Văn Sinh, địa lý gia ở Huế, xác nhận khu vực nhà ông Oánh, bà Liên (chị ruột của ông Oánh), nằm giữa chùa Thiền Lâm và cồn Bông Sứ, là một “cát địa”, hội đủ các yếu tố của một huyệt mộ đế vương. Và như thế mộ vua Quang Trung “tọa càn hướng tốn” (cùng hướng với kinh thành Phú Xuân). Nhà nghiên cứu đã tổ chức đào hố thám sát và phát lộ một uynh thành, có dấu hiệu của một đường hầm dẫn đến huyệt mộ vua Quang Trung.

Và để tăng thêm sức thuyết phục, trong GTNĐX, tác giả công trình đã nêu lên sự động viên khích lệ của những học giả, tiến sĩ sử học nổi tiếng trong và ngoài nước suốt 21 năm qua.

B.              Những vấn đề cần thảo luận khi tiếp cận GTNĐX:

Một công trình khoa học lớn, có giá trị khi có phản biện khoa học và tác giả đề tài phải giải quyết rốt ráo những nội dung mà người khác phản biện. Để góp phần làm sáng tỏ GTNĐX chúng tôi xin phản biện như sau:

1)       GTNĐX cho rằng “bọn tiểu giám hộ lăng thường đến hầu rượu” Phan Huy Ích, tức là lăng Quang Trung phải ở rất gần nhà Công Quán, tức ở gần chùa Thiền Lâm. Thường đến không nhất thiết phải ở rất gần! Chẳng hạn tiểu giám hộ lăng của bà Tả Cung họ Phạm (thân mẫu của vua Cảnh Thịnh), dù lăng bà ở Núi Kim Phụng (theo PGS Tiến Sĩ Đỗ Bang), chắc chắn có “tiểu giám hộ lăng” và cũng có thể thường đến hầu rượu Phan Huy Ích, mỗi lần được nghỉ về nhà riêng, ghé thăm ông Phan và hầu rượu quan lớn. Theo Phan Huy Ích thì tiểu giám hộ lăng là “người khách thân”, đã là người khách thân thì dù nơi công tác xa cũng có thể thường đến thăm nhau, uống rượu với nhau, hà tất phải ở sát nhà nhau!

2)       GTNĐX cho rằng triều Nguyễn đã phá tan thành bình địa Đan Dương Lăng, thậm chí cố tình che giấu thì tại sao trên mặt cồn Bông Sứ, đã hàng trăm năm vẫn còn những đống giải hạ, quá nhiều đá táng nằm trên mặt đất, chưa phải đào bới? Một số đoạn thành lộ thiên mà trên dưới hai trăm năm vẫn còn. Quanh Đan Dương Lăng có nhiều chùa, tháp cổ, thiện nam tín nữ lui tới làm việc Phật sự… thường xuyên thì làm sao che giấu Đan Dương lăng (phủ Dương Xuân) của Hoàng Đế Quang Trung đầy ấn tượng đối với nhân dân Phú Xuân? Trong công trình nghiên cứu lăng mộ vùng phụ cận Huế của Cadiere, riêng ấp Bình An, năm 1926, Cadière còn phát hiện đến 10 tháp sư của chùa Thiền Lâm và chùa Bảo Quốc, phần lớn được sắc tứ và nhiều mộ cổ của thân nhân của các thân vương hoàng tử nữa. Chưa kể ở ấp Bình An còn có cơ sở của pháo binh… Có xây dựng thì có san lấp để tạo mặt bằng, vì thế một số vật liệu bị vùi dưới đất. Vật liệu xây dựng của những công trình đã đổ nát này phải xử lý về mặt khảo cổ. Không phải khi nào gặp đá, gạch… thì vội cho hiện vật ấy là di vật của Đan Dương Lăng!

3)       Nhà Nguyễn đã cố tình vùi xuống đất, che giấu tất cả… công trình kiến trúc Tây Sơn (theo GTNĐX), thế mà cơ mật viện triều Nguyễn làm ngơ để các quan thượng thư triều Nguyễn đến cồn Bông Sứ mai táng người thân, làm nơi giải trí… tiến hành đào bới ở đây thì bí mật có lộ không? Trong một tờ sớ do phái bộ Hoàng Ngọc Uẩn (chánh sứ) đi sứ Trung Quốc năm 1801, có nội dung Nguyễn Vương tố cáo với Thanh triều việc Tây Sơn đã táng Nguyễn Huệ ở Phú Xuân, lại nói dối với thiên triều đã táng ở Thăng Long; nếu triều Gia Long xóa hết dấu vết lăng mộ Quang Trung, lỡ triều Thanh đặt vấn đề bằng chứng của lời tố cáo thì lấy chi làm bằng về tội khi quân của An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Toản?

4)       Địa bộ làng Phú Xuân, viết xong năm Gia Long thứ 14 (hiện cụ Trương Đình Hạp giữ, bảo tàng Huế có bản sao) khi viết về ruộng vườn ở nam sông An Cựu, thường lấy chùa Thiền Lâm, xứ Bộ Hóa Thượng (ấp Bình An), miếu Lễ Lê Thánh Tông, chùa Thiên Thọ (tức chùa Bảo Quốc) để làm mốc tiếp giáp về phía Tây, Tây Nam. Phủ Dương Xuân được đại trùng tu, gần thời điểm xây dựng đại danh lam Thiền Lâm, thì tại sao trong địa bộ làng không chép Phủ Dương Xuân như một công trình mốc?

5)       Phủ Dương Xuân có một cánh nhìn ra sông, nhưng hơi xa sông một chút… phía trước có hồ bán nguyêt, hơn nữa còn có ao vuông với nhà thủy tạ… Thế thì ở CTL_CBS, ao vuông ở đâu? Đứng trên cồn Bông Sứ, chùa Vạn Phước, thì chỉ thấy khe chứ không thấy sông An Cựu, sông Hương được! Chung quanh Phủ Dương Xuân, ở khu vực nhà ông Oánh, cồn Bông Sứ đã che mặt tây-bắc, chưa kể đại danh lam Thiền Lâm che mặt đông –bắc thì làm sao có một cánh của phủ nhìn ra sông Hương?

6)       Những gì thuộc về Tây Sơn thì gọi là ngụy như sách ngụy, mả ngụy, tiền ngụy, giếng nguy… vì Tây Sơn, theo cách luận tội triều Nguyễn, là tiếm ngôi nhà Lê, chứ không coi là loạn. Trong khi đó ở gò Dương Xuân từng có loạn Đoàn Trưng, Đoàn Trực vào thời Tự Đức(1866). Đoàn Hữu Trưng là rễ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, sau khi triều đình dẹp loạn này thì Tùng Thiện Vương bị thất sũng… Hồ Vĩnh viết bài “Khảo sát Nam Giao Tân Lộ”, được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xưng in lại trong sách của mình, có trích dẫn bài thơ “Nam khê” của Tùng Thiện Vương:

“Chắn ngang núi loạn một khe sâu,

Nhớ tới năm xưa nghỉ vó câu

Dòng nước tuồng hay người đổi khác,

Tiếng xưa vắng vẻ chảy làu làu”

(sđ d tr220)

Phải chăng “núi loạn” là núi Dương Xuân, nơi xảy ra loạn Đoàn Hữu Trưng? “nhớ tới năm xưa” là nhớ tới năm tháng lao đao của gia đình tác giả khi vướng vào “GIẶC CHÀY VÔI”. Nếu nghĩ đến Tây Sơn chắc Tùng Thiện Vương sẽ viết “núi ngụy”! Trong loạn có nhà sư Nguyễn Văn Quí (trú trì chùa Pháp Vân) và đàn chay giải oan Hồng Bảo có hằng trăm sư sãi các chùa lân cận dự lễ. Và tất nhiên Đoàn Hữu Trưng, Nguyễn Văn Quí… có ém quân ở các chùa ở gò Dương Xuân. Đây là sự kiện giúp hiểu thêm vì sao có “giếng loạn”, “mả loạn” ở vùng gần cầu ván Dương Xuân Hạ.

7)       Khi đã có định kiến thì sự kiện gì cũng gán ghép một cách tư biện, chẳng hạn sư trụ trì chùa Kim Tiên cho biết: “Trước đây có quân chi đó đến ở, sau đó có quân chi chi đó đến đánh phá. Người dân trong ấp nhớ thương người cũ đã than rằng:

“Vì ai nên nỗi sầu này

Chùa Tiên vắng khách, tớ thầy xa nhau”

(sđ d tr 172)

Nhà nghiên cứu dẫu nêu nghi vấn nhưng tự trả lời rằng quân Tây Sơn và bà Ngọc Hân từng ở chùa Kim Tiên. Khi quân Nguyễn Ánh về đánh đuổi nên dân sở tại thương nhớ Ngọc Hân và than như trên. Thế nhà nghiên cứu không nghĩ đến một khả năng gần nhất là loạn Đoàn Trưng Đoàn Trực ở vùng Dương Xuân, làm ảnh hưởng các chùa có liên quan Chùa Khoai? Chưa kể trong một quyển sách khác, với cách khai thác Ai Tư Vãn kiểu ấy, nhà nghiên cứu còn thông báo táo bạo mộ Ngọc Hân được táng cạnh mộ vua Quang Trung! Khi phò mã Trị bị đánh bại ở núi Qui Sơn, cửa Tư Hiền thì Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đã rút khỏi kinh đô Phú Xuân, quên cả ấn “An Nam Quốc Vương”, không còn đánh lớn ở thành Phú Xuân; vì thế việc nhà nghiên cứu NĐX cho rằng có hỗn chiến ở gò Bình An giữa quân Nguyễn Ánh với quân Tây Sơn là sự kiện cần phải khảo lại.

8)       Những bài thơ của Ngô Thời Nhậm viết thường gọi lăng vua Quang Trung là Đan Dương Lăng, Đan Lăng. Chỉ trong bài Cảm Hoài, viết khi đi sứ, Ngô Thời Nhậm rất xúc động mới gọi Đan Dương Lăng là Đan Dương Cung Điện; một cách gọi cung kính, coi lăng tẩm như cung điện mà tiên đế đang ngự; ông sợ người đọc hiểu nhầm nên mới chú thích “Đan Dương cung điện là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Một cụm từ của Ngô Thời Nhậm viết trong sự xúc động, rồi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân xúc động suy diễn vua Quang Trung cho dựng cung điện Đan Dương ở gò Dương Xuân qua bài thơ Cảm Hoài thì e rằng quá nóng vội!

9)       Phủ Dương Xuân đã bị quân đội Lê Trịnh phá sạch, nếu Tây Sơn cần chỗ làm việc của vua Quang Trung thì có thể trưng dụng các chùa Ấn Tôn, Tuệ Lâm…, cần chi phải tốn kém để dựng lại phủ Dương Xuân của dòng họ kẻ thù. Còn muốn xây mới thì cần chi phải làm trên một địa cuộc, mà chủ nhân cũ của nó vì “sát địa” này mà gặp quá nhiều tai ương?

10)  Hai công trình kiến trúc cổ, Đan Dương Lăng và Phủ Dương Xuân cùng ở trên một gò Dương Xuân, cùng mất tích thì hai công trình ấy là một. Về mặt logic có thể cho phép suy luận như thế được không?

11)  Đoạn đê được phát lộ ở nhà bà Liên khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho đào thám sát dài khoảng 3m. Ngay khi phát lộ một phần của đê chúng tôi đã có mặt ở hiện trường, quan sát thấy rõ đoạn đê này không phải được xây bằng gạch nguyên mà bằng giải hạ trộn vôi, đó là một bờ đê chắn nước của một ngôi mộ nào đó được đem vào chôn như những ngôi mộ khác ở cồn Bông Sứ. Đáng buồn cho hoàng đế Quang Trung khi triều Cảnh Thịnh không có gạch mới để xây kim tỉnh cho tiên đế, phải lấy giải hạ của chùa Thiền Lâm hoặc phủ Dương Xuân để xây ư?

12)  Trong sách đã dẫn, có bài phát biểu “ca ngợi” GTNĐX của tiến sĩ sử học Nguyễn Hồng Trân, tác giả đã vô tình bác bỏ ý kiến của bác sĩ địa lý gia Dương Văn Sinh về huyệt mộ đế vương ở hè nhà chị em ông Nguyễn Hữu Oánh. Thật vậy ông Sinh thì cho mộ vua Quang Trung “tọa càn hướng tốn” (tây bắc-đông nam), ông Trân thì cho “tọa cấn hướng khôn”(đông bắc- tây nam). Với cách tầm long điểm huyệt như thế thì bất cứ chỗ nào ở vùng núi ở Thừa Thiên-Huế đều có huyệt phát đế vương hết! Chừng ấy thôi đã thấy độ tin cậy về mức độ “phong thủy học” của GTNĐX.

13)  Phan Duy Kha, trong sách “NHÌN LẠI LỊCH SỬ” (NXBVHTT, 2003) đã phản biện GTNĐX khi viết: “Thực ra trong giả thuyết của ông Nguyễn Đắc Xuân vẫn có chỗ chưa ổn. Đó là ông căn cứ câu chú thích của Ngô Thì Nhậm “Cung điện Đan Dương là Sơn Lăng phụng chứa bảo y Tiên Hoàng ta”. Trong bài thơ Tòng giá bái tảo Đan Lăng, cung ký (Theo xa giá đi bái tảo Đan Lăng kính ghi). Ngô Thì Nhậm cũng có câu  “Sơn lăng vạn cổ điện Thần kinh”. Thật khó mà tưởng tượng một lăng mộ ngay giữa kinh đô, nhiều đời là cung điện của các vị vua chúa, xung quanh không hề có núi non gì, mà được gọi là sơn lăng!(tr 161). Và Phan Duy Kha cũng công bố bài thơ VỊNH SỬ, viết bằng chữ Hán, thể thất ngôn bát cú, của Ngô Thì Hoàng (em ruột của Ngô Thì Nhậm) trong đó có hai câu:

Tây Hồ cung lý vân nhưng tỏa,

Ngọc Trản phong đầu thổ vị can”

Phan Duy Kha dịch nghĩa: “Trên cung ở Tây Hồ, mây vẫn phủ kín. Đầu núi Ngọc Trản đất còn chưa khô”. Gò Dương Xuân không thể là “Ngọc Trản phong đầu” được. Không thấy GTNĐX trao đổi phản biện của Phan Duy Kha.

Như vậy GTNĐX chưa ổn về mặt lý luận, cứ mỗi chi tiết nhà nghiên cứu phát hiện một cách tâm đắc, và kiến giải nó thì y như có một cách kiến giải khác kiến giải trong công trình. Vậy chúng tôi nghĩ khó có khả năng phủ Dương Xuân tọa lạc ở xứ Bộ Hóa Thượng. Và Đan Dương Lăng không còn chỗ ở CTL-CBS.

Không dừng lại ở mức phản biện khoa học, chúng tôi xin đưa ra những kiến giải khác về khu vực CTL-CBS và tìm dấu tích Phủ Dương Xuân ở làng Dương Xuân Hạ.

C.              Kiến giải của chúng tôi về CTL-CBS:

a)          Tng quan Bàu Vá:

Bàu Vá (Bộ Hóa) coi như một thung lũng nhỏ được gò Dương Xuân bao bọc về phía đông, tây, nam, còn mặt bắc có bãi Phú Xuân bên bờ nam sông Hương, với cồn Dã Viên làm án. Phía tây Bàu Vá là xứ Bộ Hóa Thượng (nơi có CBS) cũng thuộc gò Dương Xuân. Bàu Vá và quanh Bàu Vá có nhiều di tích lịch sử; làm thành một quần thể di tích quan trọng. Dĩ nhiên, tính từ khi Ô Lí về Đại Việt[1306] cho đến nay, khoảng 700 năm, biết bao nhiêu biến cố, có nhiều cuộc chiến tranh, rồi các lần thay đổi vương triều, rồi thiên tai, khiến cho những di tích quanh Bàu Vá chẳng còn nguyên vẹn như ban đầu và nơi ấy có nhiều tầng văn hóa chồng lên nhau. Gần đây, Bàu Vá trở thành vùng nóng của khảo cổ học, khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đặt vấn đề lăng mộ của vua Quang Trung tồn tại ở phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân.

Sau nhiều lần điền dã quanh Bàu Vá, thu thập một số di vật, di chứng lịch sử cho phép chúng tôi xây dựng một giả thuyết công tác trong việc nghiên cứu lịch sử của một số di tích quanh Bàu Vá, hoàn toàn khác với giả thuyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về Phủ Dương Xuân. Để làm sáng tỏ vấn đề lăng mộ vua Quang Trung ở gò Dương Xuân do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dày công nghiên cứu và đã công bố trong tháng 10-2007, trong tinh thần khoa học, chúng tôi xin trình bày giả thuyết của chúng tôi về CTL-CBS và Phủ Dương Xuân như sau:

Cuối thế kỷ 15, Vua Chăm Trà Toàn thường đánh phá Hóa Châu, vì lẽ ấy vua Lê Thánh Tông tự cầm quân đánh Chăm. Trước khi đánh vào kinh đô Đồ Bàn, năm 1470 nhà vua cho quân tiên phong, do tướng quân Đinh Liệt, Lê Niệm chỉ huy, vào Hóa Châu, dẹp ngay đám dân nổi loạn; nhà vua chỉ huy đại quân chinh nam vào sau, đóng quân ở Hóa Châu (có hành tại gần cửa Tư Hiền) vài tháng để tích trữ lương thảo, huấn luyện sĩ tốt, cho người qua Chăm vẽ bản đồ… rồi đánh thẳng vào nước địch…Thời Trần, Đổ Tử Bình từng được lệnh đắp thành Hóa Châu ở ngã ba Sình, và thành này là nơi quan Đại tri châu Hóa Châu lập đại bản doanh. Thời Lê có quan Tổng binh sứ cũng đặt đại bản doanh trong thành Hóa Châu, còn Đô ty, Thừa ty, được bố trí trên khoảnh đất từ Sình đến làng Thế Lại. Người Chăm thường đánh phá Hóa Châu với quân thủy bộ; tượng binh thường đi bằng đường thượng đạo và gò Dương Xuân là một trong những nơi bí mật tập kết quân của họ. Quân Việt thường cự địch với quân Chiêm ở cánh đồng Bàu Vá, sau này trở thành xứ Bộ Hóa. Một phần của xứ Bộ Hóa ở trên gò Dương Xuân, phía đông Bàu Vá, gọi là xứ Bộ Hóa Thượng. Ở xứ Bộ Hóa có kho lương thảo của chiến dịch, lại có nơi làm việc của Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục. Khi đại quân của vua Lê chiến thắng, nhà vua lại giao cho một tướng quân trấn giữ đám tù binh Champa bị cưỡng bức sống tập trung phía nam và tây nam Bàu Vá, dưới chân gò Dương Xuân. Những làng Chăm xưa vẫn do những thổ tù coi sóc. Vì người Việt gốc Chăm thường hay nổi loạn nên thời Lê còn đặt quan tướng chuyên quản lý đám dân này gọi là Trấn Lỗ Tướng quân. Một bằng chứng là gò Dương Xuân có Thành Lồi, miếu quốc vương Chiêm Thành, khai canh làng Dương Xuân là “Đô Tổng Binh Thiêm Sự Lê Quí Công” và chức quan này theo LTHCLC được đặt ra thời vua Lê Thánh Tông.

Hình 1: Toàn cảnh vùng Bàu Vá (xứ Bộ Hóa) với quần thể di tích Điện Trường Lạc-Diễn Mã Trường-Sân bắn -Phủ Dương Xuân chụp từ vệ tinh

Qua khảo sát điền dã quanh Bàu Vá, thu thập sử liệu như ký ức dân gian, di vật, di chứng, thư tịch cổ, xong xử lý tư liệu chúng tôi hình thành một giả thuyết khảo cổ học về một số di tích lịch sử quanh Bàu Vá như sau:

b)            Miếu Lễ Lê Thánh Tông (thời Nguyễn Phúc Tần)và các chúa Nguyễn kế vị:

Hình 2: Chùa Vạn Phước được dựng trên nền cũ của am Phổ Phúc, am này dựng tạm trên nền cũ của miếu Lễ Lê Thánh Tông thời chúa Nguyễn Phúc Tần

Sau khi thân chinh thắng lợi, vua Lê Thánh Tông hồi kinh 1471, quân dân Thuận Hóa về sau đã lập miếu thờ vua Lê Thánh Tông ở xứ Bộ Hóa Thượng. Các cụ già cho biết khi đánh nhau với quân Chăm, thường quân Chăm cố thủ ở Thành Lồi, còn quân ta đóng bản doanh ở xứ Bộ Hóa Thượng, thuộc gò Dương Xuân, phía tây Bàu Vá. Vì thế Bàu Vá, Dương Xuân là nơi còn nhiều dấu tích của hoạt động quân sự thời Lê.Để tiện trình bày giả thuyết, cần điểm lại cuộc hành binh năm 1470: Tháng 8 Trà Toàn đánh Hóa Châu. Tháng 11 nhà vua đã cử ngay tướng Đinh Liệt, Lê Niệm dẫn quân tiên phong chinh nam. Sử không chép nhưng chắc chắn hai bên có đánh nhau ở Hóa Châu vì lúc bấy giờ quân dân Hóa Châu phải cố thủ trong thành Hóa châu dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Hiển. Khi quân Chăm đã rút thì hậu quân do nhà vua trực tiếp chỉ huy cũng vào Hóa châu khoảng tháng giêng năm 1471, dựng hành tại ở gần cửa Tư Dung. Ở Thuận Hóa có nhiều kho lương thảo, gò Dương Xuân sát sông Hương là nơi thuận lợi đặt kho. Tra cứu địa bộ làng Phú Xuân, được viết trong khoảng đầu thế kỷ 19, thấy rằng vùng đồi phía nam sông Hương có rất nhiều ruộng đất công; được tổ chức canh tác, thu hoạch nhập kho lương ở Thọ Khương (trên gò Dương Xuân). Có khả năng quan quân trong đoàn viễn chinh của vua Lê Thánh Tông, trong đó có Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục, từng tiền hành vận lương ở xứ Bộ Hóa của làng Dương Xuân. Vì thế về sau quân dân sở tại đã dựng miếu thờ vua Lê Thánh Tông, ở xứ Bộ Hóa Thượng và dựng miếu thờ quan Phi Vận tướng quân Tùng Giang tiến sĩ Nguyễn Phục ở gò nhỏ nhô ra từ gò lớn Dương Xuân.Hiện nay, hai bên bờ sông Hương còn phát hiện bài vị thờ Phi Vận tướng quân. Ban đầu miếu thờ Lê Thánh Tông chỉ là miếu thờ cỡ nhỏ. Chúa Nguyễn Phúc Tần từng tôn tạo miếu thờ vua Lê ấy thành một miếu to lớn, gọi là Miếu Lễ Lê Thánh Tông. Do miếu ở trên đồi, người làng Dương Xuân trồng nhiều bông sứ ở trên gò, quanh miếu, để làm đẹp miếu và tỏ lòng cung kính vua Lê. Và dân làng Dương Xuân Hạ có nghề xâu hoa thành chuỗi, bán vào các ngày rằm, mồng một, ngày lễ nên làng Dương Xuân Hạ có khi gọi là XÓM BÔNG. Dân làng đã trồng bông sứ (hoa đại) chung quanh miếu rất nhiều và Bộ Hóa Thượng có cồn Bông Sứ từ ấy. Dân Xóm Bông hái hoa ở cồn Bông Sứ để sản xuất chuỗi hoa. Chúa lại cấp ruộng gần miếu để lấy hoa lợi lo việc tế lễ hằng năm và ruộng ấy dân gian gọi là Ruộng lễ vua Lê Thánh Tông. Đến thời Gia Long, nhà vua cho dựng Miếu Lễ Lê Thánh Tông mới thì ruộng ấy vẫn có chức năng như cũ. Cụ Nguyễn Văn Thuận, 75 tuổi, dân làng Dương Xuân Hạ cho biết cụ từng canh tác ở Ruộng lễ Lê Thánh Tông trước năm 1975. Khi chúa Nguyễn Phúc Chu, có ý định xưng vương, chúa cho trùng tu, tôn tạo đình chùa miếu vũ ở Phú Xuân, thường dựng bia có bài minh ca ngợi công đức của tiền nhân. Khi xây dựng đại danh lam Thuyền Lâm (hay Thiền Lâm) thì không thể không đại trùng tu Miếu Lễ Lê Thánh Tông và có khả năng chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng bia tưởng nhớ công đức của vua Lê Thánh Tông trong việc mở mang bờ cõi. Thời quân Lê Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, tiếp đến triều Tây Sơn đóng đô ở đây, miếu này trở thành phế tích. Năm Gia Long thứ 8, nhà vua cho dựng mới Miếu Lễ Lê Thánh Tông (mới) gần chùa Bảo Quốc, bên trái miếu Lịch Đại Đế Vương (vế sau). Địa bộ làng Phú Xuân có ghi rằng làng Phú Xuân phía nam, tây nam giáp xứ LÂM LY (hay LÂM LỘC), CHÙA THUYỀN LÂM, phía tây giáp BỘ HÓA THƯỢNG, MIẾU LỄ LÊ THÁNH TÔNG, CHÙA THIÊN THỌ (Tức chùa Bảo Quốc). Địa bạ làng Phú Xuân lập năm Gia Long thứ 14, mà trong địa bộ đã chép Miếu Lễ Lê Thánh Tông thì miếu này chắc chắn là miếu thời Gia Long. Các cụ già của làng Phú Xuân, sống gần chùa Vạn Phước cho biết chùa Vạn Phước hiện nay là được dựng nơi có Miếu lễ Lê Thánh Tông bị hoang phế. Dĩ nhiên miếu này không phải là Miếu Lễ Lê Thánh Tông được dựng mới vào năm GL8 mà là miếu cũ. Dễ thấy miếu cũ chắc chắn ở Bộ Hóa Thượng, gần chùa Thuyền Lâm. Khi nhà sư Giác Hạnh thuộc chùa Tây Thiên vào lập am Phổ Phúc ở Cồn Bông Sứ năm 1910 thì có miểu cổ bỏ hoang, nhà sư đã quang dọn, tu sửa để ở và tu hành, coi sóc các phần mộ của thân nhân các cụ thượng Nguyễn Đình Hòe, Phạm Liệu… Vậy khi dân sở tại phát hiện rất nhiều gạch, đá táng kê cột, đá lát, tấm đá dài làm bệ thờ khá cổ ở khuôn viên chùa Vạn Phước là một bằng chứng về khả năng Miếu Lễ Lê Thánh Tông cũ từng có mặt trên đất xứ Bộ Hóa Thượng.Đại danh lam Thuyền Lâm cũ bị hoang tàn và phải triệt giải khi người Pháp dựng đường Nam Giao tân lộ thì rất nhiều vật liệu, giải hạ, đá táng kê cột, đá lát, bia đá… được dồn vào cồn Bông Sứ, xứ Bộ Hóa Thượng. Chùa Thiền Lâm mới được xây dựng gần cồn Bông Sứ. Về sau khi dựng chùa Vạn Phước, người ta đã dọn dẹp các thứ vật liệu linh tinh của Miếu Lễ Lê Thánh Tông cũ nằm phía trước, phía sau chùa. Trước năm 1926, đoàn nghiên cứu của linh mục Cadière từng tiếp cận ở bình An nhiều tháp sư và mộ cổ, đặc biệt phát hiện cái bia đá bề thế, đặt trên lưng rùa đá, ở một ngôi mộ ngay trước chùa Vạn Phước và họa sĩ Nguyễn Thứ đã vẽ lại bình đồ, phối cảnh ngôi mộ. Trong B.A.V.H (tập XV, 1928) Cadiere viết: “-51. Làng Phú Xuân, thôn Bình An –Đồ bản A.

Hình 3: Hình vẽ ngôi mộ trước chùa Vạn Phước, với hai bia, không phải tháp sư

Hình 4: Bình đồ ngôi mộ có hai bia

Văn khắc: Sắc tứ Thanh Thận Chiêu Quả Đại Thiền Sư chi tháp.

(Tháp mộ của vị Đại Thiền sư Thanh Thận Chiêu Quả (được sắc phong) do nhà vua ban sắc tứ... Phụ bản VII-I X.A. Nấm tròn; b.Đế đỡ bia, mang dòng văn khắc nói trên.G. Uynh thành, hay viên thành chiều sâu 6m8, rộng 7m; C –Sân bái đình, 2 cấp có 2m chiều sâu vào trong, 9m10 chiều rộng ở trước: có nữ tường bao quanh sân. F-D. Hồ bán nguyệt, 3m80 chiều sâu ;9m10 chiều rộng.Đồ gốm.Bia lớn đứng trên con rùa –văn khắc bị đục xóa”.

Hình 5: Hình vẽ bia sắc tứ của Đại thiền sư Thanh Thận Chiêu Quả.

Chỉ cần để ý hình vẽ ngôi mộ thì thấy không có tháp sư và kiểu thức mộ là mộ của một bà quí tộc hơn là của một vị sư (?). Vậy thì bia có rùa đội, bia sắc tứ và ngôi mộ là 3 cấu kiên của ba kiến trúc cổ khác nhau, được người sau ráp lại khi quang dọn ở nơi cồn Bông Sứ của xứ Bộ Hóa Thượng. Vậy cơ sở nào khi cho rằng gạch, đá táng, mấy tấm đá to bản và dài, bia có rùa đội là di vật di chứng của lăng vua Quang Trung bị quật phá và bị che giấu! Chúng tôi nhận thấy kiểu thức loại bia này rất giống bia mà chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng ở chùa Thiên Mụ. Phải chăng những vật liệu xây dưng như gạch, đá táng kê cột hình quả trám, đá tấm dài trên hai mét, các tấm bia, trong đó có bia đặt lưng rùa là những di vật của Miếu Lễ Lê Thánh Tông thời Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu? Một số hiện vật khác là của đại danh lam Thiền Lâm (hay Thuyền Lâm)? của chùa cổ Tuệ Lâm? Của hằng trăm lăng mộ gia đình các thân vương, quan lớn đưa vào chôn ở CBS ? của kho xưởng pháo binh nhà Nguyễn và quân đội Pháp ?. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân luôn đứng trên quan điểm triều Nguyễn xóa sạch các công trình kiến trúc của Tây Sơn, trong đó phủ Dương Xuân là Đan Dương lăng; thế thì tại sao dân sở tại cho biết hằng trăm năm qua họ đã thu thập một khối lượng vật liệu xây dựng khá lớn trên mặt đất và đặc biệt tấm bia dựng trên lưng rùa nói trên, chưa cần phải đào bới? Khoảng 1804 thì dân làng Phú Xuân vào khai phá xứ Bộ Hóa Thượng, tiếp đến các thân vương, quan lớn vào đây mai táng thân nhân …Vật đổi sao dời, về sau dân sở tại san lấp, quang dọn những ngôi tháp, lăng mộ vô chủ (trở thành phế tích), dẫn đến tình trạng có nhiều vật liệu xây dựng bị chôn vùi dưới đất.

Hình 6: Ảnh chụp tấm bia đặt trên lưng rùa (có khả năng là bia dựng ở Miếu Lễ Lê Thánh Tông vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu)

 

Việc đục bia, gọt bia, chôn bia, lấy bia… xảy ra ở CTL-CBS kéo dài cả trăm năm; không phải triều Nguyễn “tận pháp trừng trị” ai đó mà do nơi này hoang phế, có người thấy bia bị phế nên đục cho khỏi “đau lòng” và cũng do ý đồ làm “mất chủ quyền” của người xưa trên phần đất họ chiếm dụng. Năm 1988, khi đến khảo sát tháp sư sau lưng chùa Vạn Phước, chúng tôi còn thấy vắn khắc trên bia rõ ràng, nhưng tuần sau trở lại đã thấy bị gọt một phần (?) (xem hình 7, hình 8). Cadiere cũng gặp hiện tượng ấy khi họa sĩ Nguyễn Thứ, cộng tác viên của Cadiere, đến khảo sát ở CTL-CBS từ 1914 và đã viết:

“Cái di tích nhỏ nhắn kỳ lạ này không biểu thị hình dạng gì hơn là nó đã có những trang vẽ của ông Nguyễn Thứ. Từ khi những tranh vẽ này thực hiện, thì người ta đã làm một viên thành bao quanh ngôi mộ và cái nền bên dưới bị mất hoàn toàn dưới đống đất ấy, một cách tất yếu, là di tích này đã mất đi một phần lớn giá trị của nó. Có lẽ vì bị thúc đẩy bởi nổi lo sợ mang tính tôn giáo và không yên tâm bởi những lượt đi đi lại lại của ông Nguyễn Thứ, mà người ta có quyền sở hữu những điều này đã hành động như vậy.”

(B.A.V.H, tập XV, 1928, dịch giả Hà Xuân Liêm, NXB Thuận Hóa Huế, 2004, tr 69)

Vấn đề đã rõ, vì vậy không phải gặp bia bị đục là vội kết luận triều Nguyễn trị tội Tây Sơn !

Hình 7:Tháp sư được sắc tứ, trên cồn Bông Sứ, phía sau chùa

Vạn Phước, Tịnh Độ.

Hình 8: Bia sắc tứ của tháp sư, sau chùa Vạn Phước, có bia bị gọt khi có người đến khảo sát.

c)             Gò Mả Loạn, Giếng Loạn

Thời vua Champa [Trà Toàn] đánh phá Hóa Châu, người Việt gốc Chăm nổi loạn, theo Trà Toàn rất đông; quân dân Hóa Châu phải rút vào tránh và chống giặc trong thành Hóa Châu (gần Ngã Ba Sình). Khi quân tiên phong của vua Lê Thánh Tông, do Đinh Liệt, Lê Niệm chỉ huy, vào đánh dẹp vào năm 1470 thì chém rất nhiều giặc và gom lại chôn tập thể ở vùng Lâm Lộc, nam sông Phú Xuân, tức gò Bình An hiện nay và gọi là GÒ MẢ LOẠN. Dân xã Dương xuân còn truyền khẩu về những trận đánh nhau giữa quân Chăm với quân Đại Việt trên cánh đồng Bàu Vá (Bộ Hóa). Quân tiên phong của vua Lê Thánh Tông từng đóng quân ở Gò Dương Xuân, xứ Bộ Hóa Thượng, gần kho lương thảo ở xã Thọ Khương, cũng trên gò Long Thọ (gò con của gò lớn Dương Xuân). Vào thời Pháp thuộc, khi xây dựng con đường Nam Giao Tân Lộ, qua GÒ MẢ LOẠN thì người ta đào được rất nhiều hài cốt. Tục người Chăm cổ là hỏa táng và dùng vò gốm đựng tro, chôn xuống đất. Ở đây lại là xương cốt, được địa táng tập thể là một bằng chứng về ký ức dân sở tại là có độ tin cao. Thế thì hàng ngàn xương cốt trên GÒ MẢ LOẠN đào được có thể là hài cốt quân dân Chăm nổi loạn bị đại quân vua Lê Thánh Tông chém giết và chôn tập thể. Do vậy “GIẾNG LOẠN”, “MẢ LOẠN”, mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nghi là của Tây Sơn, là di vật di chứng của cuộc thân chinh thắng lợi của vua Lê Thánh Tông vào 1470 trên đất Hóa Châu chăng?. Mà cũng có thể là mả tập thể của quân dân bị giết trong cuộc loạn đời Lê Hiến Tông. ĐVSKTT chép; “Mậu Ngọ, Cảnh Thống năm thứ nhất [1498]… Trong hạt Nghệ An, Thuận Hóa, bọn trộn cướp đều nổi lên, quận bên cạnh đánh dẹp không yên được. Vua ra sắc lệnh cho quan có trách nhiệm, triệt bỏ hết toán lính đi tiểu bắt, chiêu an phủ dụ cho chúng ra thú tội trở lại nghề nghiệp cũ.”(tr9, tập III, sđd). Hoặc “mả loạn” của người Việt gốc Chăm bị giết thời vua Lê Uy Mục. ĐVSKTT chép: “Kỷ Tỵ, [Đoan Khánh] năm thứ 5 [1509]… Sai bọn Đô đốc Bảo Lộc bá Lê Tử Vân và Vũ Cảnh đi kinh lý vùng Quảng Nam.

Trước đây, năm Hồng Đức thứ nhất, Thánh Tông thân hành đi đánh Chiêm Thành bắt được Trà Toại và vợ con nó đem về nước ta an trí ở ngoài cửa Bảo Khánh gần 30 năm. Đến thời Cảnh Thống, con là Trà Phúc mang trộm hài cốt của cha là Trà Toại trốn về nước, để lại một người chị ruột, đến khi có binh hỏa mới chết. Đến nay nô lệ người Chiêm của các nhà thế gia, công thần ở các điền trang cũng bỏ trốn về nước. Vũ Cảnh cho chạy trạm tâu vua là người Chiêm làm loạn. Vua hạ lệnh giết người Chiêm gần đến gần hết, không biết rằng kẻ làm loạn chính là bọn người Chiêm Chế Mạn. Đến sau bắt được bọn người Chiêm Ma Mạt phiêu giạt ngoài biển, giam ở thừa chế, họ lại cung khai rằng năm trước, Trà Phúc đã trở về nước sai con là Ma La sang cầu viện nhà Minh, lại đóng nhiều thuyền, chứa nhiều lương. do đó vua sai bọn Cảnh đi kinh lý... Mùa thu tháng 8, xuống chiếu bắt giết hết những người Chiêm hiện đang bị giam giữ.” (tr46, tập III, sdd). Ngoài ra cũng cần chú ý cuộc LOẠN CHÀY VÔI hay LOẠN ĐOÀN TRƯNG ĐOÀN TRỰC thời Tự Đức (1866), phát xuất từ GÒ DƯƠNG XUÂN; quân lính và các vị chỉ huy đều bị giết và chôn tập thể. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng “MẢ LOẠN”, “GIẾNG LOẠN” ở gần cồn Bông Sứ, ấp Bình An là mả tập thể của quân lính Tây Sơn (?) thì e rằng không đúng. Triều Nguyễn xếp Tây Sơn vào loại NGỤY nên có những cụm từ như “SÁCH NGỤY”, “TIỀN NGỤY”, “MẢ NGỤY”, ”CHUÔNG NGỤY”, “GIẾNG NGỤY”,… vì Tây Sơn đã “TIẾM NGÔI” nhà Lê. Thế thì mả tập thể của quân lính Tây Sơn sẽ được gọi là MẢ NGỤY, giếng Tây Sơn dùng là GIẾNG NGỤY… chứ không thể gọi là MẢ LOẠN, GIẾNG LOẠN được.

d)            Địa điểm đào được ấn “Trấn Lỗ Tướng Quân Chi Ấn” ở đâu thì có lý?

Khi chiến dịch bình Chiêm toàn thắng năm 1471, vua Lê Thánh Tông bắt nhiều tù binh, phân phối nhiều nơi, cho lập làng sinh sống, trong đó có xã Xuân Hóa phía nam và tây nam BÀU VÁ. Triều Lê từng cử quan TRẤN LỖ TƯỚNG QUÂN, trấn giữ tù binh Chăm ở xứ Bộ Hóa và cấp ấn “TRẤN LỖ TƯỚNG QUÂN CHI ẤN”. Như thế chắc chắn nơi đóng đại bản doanh của quan TRẤN LỖ phải là trung tâm của gò Dương Xuân, gần cụm cư dân và có tầm nhìn bao quát vùng trũng BÀU VÁ, để tiện “trấn giữ” người Việt gốc Chăm ở Dương Xuân. Các đời vua Lê lần lượt lên ngôi, đa phần theo khuôn phép thời Hồng Đức. Hóa Châu là miền biên viễn, không được an ninh. Rồi loạn lạc xảy ra, có khi quan TRẤN LỖ phải bỏ bản doanh mà chạy,hoặc bị giết, để lại ấn của mình.Đại Việt Sử Ký Toàn Thư từng chép: “Kỷ Mảo, [Quang Thiệu] năm thứ 4 [1519]… Tháng 6, thổ tù xứ Thuận Hóa đuổi viên Tổng binh sứ Đoan Lương bá Phạm Văn Huấn, cướp lấy cả vợ con, của cải của Huấn. Bấy giờ, Văn Huấn đem nhiều con em đi theo, đổi đặt làm quan các vệ sở, quấy nhiễu dân địa phương, giết ngầm các thổ tù các xã Võ Xá, An Truyền huyện Đan Điền là bọn Hồ Bá Quang 4 người. Vì thế con em của Bá Quang đem hơn bồn nghìn người bản xứ đến vây bức thành trì, đuổi Văn Huấn đi. Văn Huấn bỏ cả vợ con trốn ra vùng Tân Bình. Bọn Thuận Hóa Thừa tuyên sứ Phạm Khiêm Bính, Hiến Sát sứ Ngô Quang Tổ, cùng vợ con của Văn Huấn lên thuyền chạy trốn, dân xứ ấy cướp hết của cải vợ con của Văn Huấn, cố ép thuyền của Khiêm Bính và Quang Tổ quay về trị sở. Hai tháng sau, vua sai Sái Cảnh làm Thừa chính sứ Thuận Hóa thay Khiêm Bính. Bọn Khiêm Bính do vậy mới được trở về.”(sdd, tập III, tr 94). Có khả năng quan Trấn Lỗ Tướng Quân bị giết hoặc bỏ trốn trong cuộc loạn này và không kịp mang theo ấn Trấn lổ tướng quân chi ấn. Mà bản doanh của quan Trấn lổ tướng quân phải ở xứ Bộ Hóa trên gò Dương Xuân, có người Việt gốc Chăm ở tập trung. Khai canh của làng Dương xuân là “Đô Tổng Binh Thiêm Sự Lê Quý Công”, chức này theo Lịch triều hiến chương loại chí có từ thời Hống Đức. Xứ Bộ Hóa Thượng, có CTL-CBS sát vùng Lâm Lộc là rừng núi và mộ địa, sau năm 1804 vua Gia Long cho phép một bộ phận con dân làng Phú xuân lên khai phá ở xứ Lâm Lộc, xứ Bộ Hóa Thượng mới lập ra ấp Trường Giang, Trường Cửi, Bình An. Còn xứ Bộ Hóa của làng Dương Xuân mới có người Việt gốc Chăm sinh cơ lập nghiệp với mật độ dân cư cao hơn xứ Bộ Hóa Thượng, sát gần xứ Lâm Lộc, nên dấu tích Chăm khá dày đặc, chẳng hạn ở ấp Hóa Quê, Xuân Hòa… ở gò Dương Xuân người ta từng thu được hiện vật Chăm cổ khá nhiều.Xứ Bộ Hóa Thượng thích hợp cho việc lập chùa, miếu hơn là đại bản doanh của quan Trấn Lỗ Tướng Quân! Khi trùng tu Phủ Dương Xuân, cơ tẢ ThỦY đào đất làm hồ bán nguyệt, làm ao vuông có nhà thủy tạ… mới bắt được ấn nói trên. Hồ bán nguyệt trước chùa Vạn Phước là hồ bán nguyệt của Phủ Dương Xuân (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân), thế thì dấu vết ao vuông có nhà thủy tạ ở đâu? Chưa kể năm Bính Tý [1696] chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng trường pháo ở phía sau phủ ở Dương Xuân và Canh Thìn (1700), chúa Nguyễn Phúc Chu còn dựng Diễn Mã Trường và có khả năng trường diễn tập kỵ binh này nằm trước hay bên cạnh phủ. Cũng năm này đã cho trùng tu Phủ Dương Xuân. E rằng địa điểm nằm giữa CTL và cồn Bông Sứ khó thích hợp cho một phủ Dương Xuân, từng có bản doanh của quan Trấn Lỗ Tướng Quân!

e)             Kết luận

GTNĐX với cơ sở chưa thuyết phục, chủ yếu dựa vào nguyên chú vài bài thơ cổ, vài câu thơ của Ai Tư Vãn, lời kể của vài người như ông Nguyễn Hữu Oánh, sư trụ trì chùa Kim Tiên. Những viên gạch, những tảng đá… đào được ở nơi từng có hai ngôi chùa cổ, hơn một chục tháp sư, hằng ngôi mộ của thân vương, hoàng tử (một phần trở thành vô chủ), nhà xưởng của pháo binh triều Nguyễn, rồi phế tích Miếu Lễ Lê Thánh Tông đã hoang phế thì chưa đủ để tin rằng ở đây có một cung điện bị vùi lấp… Nhà nghiên cứu chưa giám định về mặt khảo cổ học những hiện vật thu thập được, chỉ xâu chuỗi chúng lại thành một giả thuyết hấp dẫn theo một dịnh kiến ban đầu. Chưa kể vô tình GTNĐX đánh giá thấp vị thế của Tây Sơn trong lịch sử, với động thái xây dựng Đan Dương Lăng một cách kỳ lạ: “ăn đậu ở nhờ” nơi Phủ Dương Xuân của kẻ thù!

Khi đã không tin vào GTNĐX, không dừng lại ở phần kiến giải những hiện vật thu thập được ở CTL-CBS, chúng tôi tổ chức điền dã nhiều lần ở Gò Dương Xuân, thu thập một số tư liệu mới và cho phép hình thành một giả thuyết công tác mới, trong đó chúng tôi chứng minh: tiền thân của Đình Dương Xuân Hạ là Đền Vũ Sư, tiền thân của Đền Vũ Sư là Phủ Dương Xuân (hành cung mùa đông), tiền thân Ruộng PhủDiễn Mã Trường, tiền thân của khu vực có mộ gia đình Tuy Lý VươngĐiện Trường Lạc (cung điện mùa hè), tiền thân của Điện Trường LạcPhủ Tập Tượng (tả) và tiền thân của Điện Voi RéPhủ Tập Tượng (hữu). Giả thuyết mới này chúng tôi sẽ công bố trong phần hai.

 

D.              Dấu tích Phủ Dương Xuân

Sau khi không thể tin ở cồn Bông Sứ có phủ Dương Xuân, chúng tôi phải trở lại trung tâm của gò Dương Xuân để tìm dấu tích Phủ Dương Xuân.

Chỉ cần chỉ ra phủ Dương Xuân có ở ấp Bình An hay không thì có thể biết giả thuyết khoa học của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đúng hay sai.

 

Hình9: Đình Dương Xuân Hạ dựng trên nền móng cũ của đền Vũ Sư, có tiền thân là phủ Dương Xuân thời  chúa Nguyễn Phúc Tần và chúa Nguyễn Phúc Chu

Hình10:Ảnh đá kê cột và đá lát của phủ Dương Xuân

Hình11: Phủ Dương Xuân nhìn từ Điện Trường Lạc

1.     Tư liu thư tch v Ph Dương Xuân:

Trước hết phải chắt chiu những tư liệu thư tịch viết về Phủ Dương Xuân, Điện Trường Lạc, Diễn Mã Trường, các phủ Tập Tượng:

a)      Lê Quí Đôn, trong PBTL, từng chép về phủ Dương Xuân: Ở thượng lưu về bờ nam có phủ Dương Xuân và phủ Cam. Ở trên nữa có phủ Tập Tượng; lại dựng điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ, mà giải võ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực. Các nhà đều lát nền bằng đá, trên lát ván kiền kiền, những mảng xối đều làm bằng kẽm để hứng nước; trồng xen cây cối, cây vả cây mít đều to mấy ôm. Vườn sau thì núi giả đá quí, ao vuông hồ quanh, cầu vồng thủy tạ, tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng phượng, lân hổ, cỏ hoa…”(PBTL, tr112).Tư liệu này không những khẳng định sự tồn tại phủ Dương Xuân ở thượng lưu sông Hương, bờ nam mà còn cho biết sự tồn tại Điện Trường Lạc và phủ Tập Tượng ở phía ấy. Theo chúng tôi Điện Voi Ré còn những di vật, di chứng chứng tỏ tiền thân của điện Voi Ré là một cung phủ, có liên quan cái hồ trước điện. Đây là phủ Tập Tượng trên vậy.

b)      Cũng trong PBTL, Lê Quí Đôn lại chép: “Khi Hiểu Quốc Công xưng vương hiệu, đổi phủ Tập Tượng làm điện Trường Lạc ở bên hữu sông phía thượng lưu thành Phú Xuân. Năm Giáp Tuất, bầy tôi là Trần Thiên Lộc làm bài phú “Vạn thọ vô cương” cùng bài thơ, sai vẽ ở tường, viết thành chữ nổi, chữ nào cũng đẹp, lớn hơn hai tấc, nay điện đã hỏng mà chữ vách hãy còn. Thơ rằng:

Thần tọa cao lâm Nam cực quýnh;

Lô yên bất động ngũ vân khai.

(Ngôi vua cao nhìn xuống nơi Nam cực,

Lò hương in tỏa năm thức mây)

 

Tối thị thi thần vi sủng ốc.

Minh kha tận hướng phượng trì hồi.

(Nhất là cận thần được vua yêu mến,

Đều sang sảng tiếng ngọc kha (trên mình ngựa) kéo tới chốn phượng trì).

Hoặc:

Phượng liễu sơ hồi tiên lộ bình,

Hổ vi triều điện thự hoa sinh.

(Xe phượng vừa về đường tiên phẳng,

Màn hổ điện chầu đều rực rỡ ánh sáng buổi mai)

 

Liễu nhiễu vân tinh hoàn bắc cực,

Ân cần thiên ngữ hạ tây thành.

(Những vân tinh quây quần quanh bắc cực,

Lời ân cần ban xuống chốn tây thành)(s đ d,tr302)

Tư liệu này chứng tỏ Điện Trường Lạc là do cải tạo Phủ Tập Tượng mà thành. Như vậy thời các chúa Nguyễn phải có hai phủ Tập Tượng.Những câu thơ của Trần Thiên Lộc cho biết Điện Trường Lạc hướng về nam, trước điện có hồ.

c)      Trong mục VẬT SẢN PHONG TỤC, Lê Quí Đôn lại chép: “Họ Nguyễn có xây dựng thì phần nhiều lấy gỗ ở các phủ Qui Nhơn, Quảng Ngãi và Gia Định. Như năm Canh Thân làm phủ Dương Xuân cùng cửa Nghi Môn, hạ lệnh cho quan công đường Quảng Nam sai xá nhân truyền cho cai trường lấy gỗ súc ở phủ Qui Nhơn một tích 695 cây, gồm cột lớn dài 32 thước, kiến thủy dài 3 thước 3 tấc, kèo lá dong dài 24, cùng các hạng xuyên xà; một tích 813 cây, cũng dài lớn như thế. Đều sai cai xã Tăng Quang lấy thuyền trường đà chở nộp, 24 chiếc chỉ chở được 180 cây….

Dinh Phú Xuân của họ Nguyễn có nhà quan và nhà lính tới mấy vạn nhà. Từ tháng giêng năm Ất Mùi, quan quân đóng đồn, tướng sĩ và binh lính theo làm việc có hơn ba vạn người, mặc ý đi lấy củi, lâu ngày phá dỡ, dân gian nhân đó mà lấy trộm cũng không ngăn cấm, mấy năm đốt cháy, không những gỗ kiền kiền, gỗ sao, đến cả gỗ trắc và gỗ giáng hương chứa đầy một gian để làm củi. Mùa xuân năm Bính Thân mở trường đúc tiền, lại lấy để làm than. Lập dinh trấn thủ, lại lấy để làm phòng ốc cho các cơ đội các quân, dùng hãy còn thừa. Đến tháng năm mới sai các quân đi lấy củi ở núi Hòn Chén, cấm không được dỡ nhà quan cũ nữa. Nhưng trường tiền đốt than một lần đã dỡ đến bốn năm chục gian chưa thôi. Ngói đá gạch chum thì kể có hàng vạn, không thể tính xiết…” (sđ d, tr320).Qua tư liệu này cho thấy đến thời chùa Nguyễn Phúc Chu thì Phủ Dương Xuân đã được tôn tạo và mở rộng. Đặc biệt qua đây đủ thấy phủ Dương Xuân hoàn toàn bị xóa sổ từ khi quân Lê Trịnh chiếm Phú Xuân [1774-1775].

Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép: “Canh Thìn năm thứ chín [1700], mùa xuân, tháng giêng, mở trường diễn ngựa, các nội ngoại đội trưởng, các văn chức, nội giám và các mã đội tả hữu đều được thao diễn…

Mùa hè, tháng tư…

Lập phép diễn trận voi. Chúa ra thăm diễn trường ở xã Thọ Khang. Sai viên thống lãnh dẫn voi vào trường theo thứ tự mà bày hàng. Nhạc bộ đánh trống ba hồi, rồi gảy đàn thổi sáo hát khúc Thái Bình. Hát xong đánh 3 tiếng chuông. Thống lãnh dẫn voi tới. Chúa đến duyệt. Lại sai quan duyệt xem voi công ở ba đạo Lưu Đồn, Quảng Bình và Bố Chính…(sđ d, tr155).Tư liệu này chứng tỏ thời chúa Nguyễn Phúc Chu từng lập diễn mã trường. Theo ký ức của các cụ già ở Dương Xuân Hạ, con đường từ cống Bà Lan đến đình làng Dương Xuân Hạ  hiện nay, khá thẳng, giữa ruộng Phủ, đắp bằng đất sỏi ba dan, là con đường để diễn phi ngựa ngày xưa. Ở xã Thủy Xuân (Thọ Khang xưa) còn có bãi đất hình chữ nhật khả rộng, đối xứng với Điện Voi Ré qua tâm của Hổ Quyền là nơi diễn trận voi xưa.

Poivre là nhà buôn ngoại quốc, từng được Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tiếp tai Phủ Dương Xuân vào mùa đông. Poivre từng chép: “Cung điện thứ hai nhỏ hơn, được xây dựng trên một cái gò hơi xa sông một chút và chỉ có một cánh nhìn ra phía sông. Chúa thượng ngự ở đó vào mùa đông hay mùa mưa kéo dài đến bốn tháng” (Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, VSH Hà Nội, 1992, tr 55). Và Poivre có ghi lại sự kiện ông được Võ Vương tiếp tại phủ Dương Xuân: “Ngài bước xuống một căn phòng nhỏ dùng để tiếp tân ở ngay cửa Phủ… Ông cầm tay tôi và dẫn tôi đến một mô đất nằm ngoài cùng của Phủ, đối diện với một cái ao… Trong lúc tôi đang ngồi trên mô đất… thì ở phía bờ ao bên kia, một đám dân nghèo đáng thương đang rạp người cúi lạy Ngài, rồi ráng sức gào lên: bất công, bất công!”(s đ d, tr 56).

d)    Trong B.A.V.H số tháng 6-9 năm 1925, L.Cadiere giải thích lý do trùng tu phủ Dương Xuân năm canh Thìn [1700] “Năm 1698, ngày thứ hai trong tháng 11, một cơn bão lớn đã xảy ra, kèm theo mưa lớn và lụt. Minh Vương (tức Nguyễn Phúc Chu) cảm thấy nguy nan khi đang ngự trong cung, đã tìm đến chỗ an toàn trên một ngọn núi nhỏ. Ngọn núi này phải chăng là nơi ở cũ tại Dương Xuân, nơi Võ Vương sau đó đã ở trong những tháng mùa đông, trong một cung điện, mà theo lời của Poivre, được xây dựng trên một cái gò. Phải chăng vì sự báo động (lũ lụt) trong năm 1698 đã khiến Minh Vương có ý định xây dựng lại phủ Dương Xuân vào năm 1700?”(sđ d, tr54)

Hình12:Cổng Đình Xuân Giang, tức Miễu Xóm thời Cadier.

 

e)      Cadiere từng viết: “Bây giờ nếu chúng ta quan sát vị trí của vạt đất, ở đấy, chúng ta chú ý một cái tứ giác cân đối lớn, chiều sâu khoảng 300m, chiều rộng 100m xuất phát từ con đường, chắc chắn ngày xưa là từ bờ sông, để tiến vào những cánh đồng ruộng. Khu vực này được nâng cao lên 40cm, cũng có thể hơn so với đất đai xung quanh, toàn bộ khu vực còn rải rác trên một chiều khá sâu những mảnh vỡ vụn gạch, ngói, những dấu hiệu của những kiến trúc quan trọng xưa. Phía nam vươn ra đều, trên đó có một cái miếu nhỏ với những cây cao lớn bao bọc chung quanh; đó là cái “Miễu Xóm”(..), bên này bên kia có những mảnh tường vỡ bằng vôi vữa truyền thống của người Việt làm cho người ta phải chú ý; ở phía trước miếu còn có hai tảng đá, một trong hai tảng đá ấy được trang trí với một đường viền manh mảnh. Cũng vẫn phía trước ngôi miếu, theo chiều rộng của tứ giác, có đào một cái hố hình chữ nhật, đã bị bồi lắp phân nửa, hai đầu mút hồ có hai mô đất đã từng được sử dụng làm móng của những kiến trúc nhỏ. Tất cả khu vực này có tên là Ruộng Phủ” (sđ d, tr116).

Hình 13: Đình Xuân Giang (tức Miễu Xóm) dựng trên nền Điện Trường Lạc

 

“Ngôi điện chính, Trường Lạc, nằm ở trung tâm vạt đất được nâng cao, có thể hơi dịch về phía nam, nghĩa là giữa đường Hổ Quyền ngày nay(1925) và cái miếu”

“Hiên Duyệt võ dựng trên mô đất nhô ra ở phía nam của tứ giác. Từ đấy, Võ Vương có ở bên phía phải ông cái “Diễn Mã trường”, và ở bên phía trái ông là trường bắn. Chỗ này là nơi tọa lạc của cái Miễu Xóm và chòm cây ngày nay. Người ta cũng có thể dựng hiên Duyệt Võ trên hai miếng đất trống (ở hai đầu ao), nhưng hồi ấy họ phải dựng lên đó hai cái đình. Đình phía tây để ngồi xem diễn kỵ binh, cái đình phía đông ngồi xem bắn đại bác” (s đ d, tr117).

Thứ đến có thể rút ra một số nhận định ban đầu như sau:

2.     Về lịch sử điện Trường Lạc qua khảo sát điền dã;

Có thể dựa vào các tư liệu trên để xác nhận Điện Trường Lạc mà Cadière đã chứng minh là có cơ sở. Thật vậy, tiền thân của Điện Trường Lạc là Phủ Tập Tượng (Tả) của Chính Dinh Kim Long. Phủ Tập Tượng (Hữu) ở phía xã Thọ Khương, sau này biến thành Điện Voi Ré. Và phủ Tập tượng (tả) là thuộc phần đất bờ nam sông Hương, phần nối dài của làng Phú Xuân, tính từ ga Huế đến cống Bà Lan… Khi Lê Quí Đôn viết PBTL thì phủ Tập Tượng (tả)) đã  biến thành Điện Trường Lạc. Như thế Hồ Lấp trước kia rộng hơn, chứa nước ngọt cho voi uống, và gọi là Tréng Voi. Khi chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát biến Phủ Tập Tượng (tả) thành Điện Trường Lạc thì đã thu nhỏ Tréng Voi lại, nghĩa là lấp một phần nên dân gian gọi hồ trước Điện Trường Lạc là Hồ Lấp. Căn cứ trên thực đia thì Điện Trường Lạc gần như tọa cấn hướng khôn, kiêm tí ngọ. Vì thế giữa Hồ Điện và Điện có sân chầu, bái đình đúng như thơ Trần Thiên Lộc đã mô tả. Khoảng thời gian từ 1775 dến 1875, trên dưới 100 năm, đám đất có nền của điện Trường Lạc trở thành phế tích và trở thành bãi tha ma. Sau này gia đình Tuy Lý Vương đã táng Tuy Lý Vương, thân mẫu của vương… tại nền móng cũ của Điện Trường Lạc. Và dĩ nhiên, đất này không phải của làng Dương Xuân nên dân sở tại đã thành lập xóm Xuân Giang và đã dựng Miễu Xóm ở nền Điện Trường Lạc. Đất trước miễu là Ruộng Phủ của làng Dương Xuân Hạ, cho nên đường vào Miễu Xóm, hiện nay gọi là Đinh Xuân Giang, rất kỳ quặc, từ sau ra trước, cửa đình thì ở bên hông phải và biển ghi “ĐÌNH XUÂN GIANG” thì đối diện với hướng đình.

Hình 14: Lăng mộ Tuy Lý Vương trên khu vực có điện Trường Lạc:

Hình 15: Tảng đá trong lòng cây cổ thụ ở Đình Xuân Giang, di vật của điện Trường Lạc.

Hình 16: Tảng đá sau Đình Xuân Giang là di vật của điện Trường Lạc.

 

Hình 17; Bia thờ thần Hậu Thổ ở khu vực điện Trường Lạc.

Hình 18: Bia Hậu Thổ này tận dụng giải hạ của điện Trường Lạc

 

Hình 19: Ngôi mộ tổ của một họ nào đó, cùng với mộ Tuy Lý Vương và mẹ được táng ở nền cũ Điện Trường Lạc, sau khi điện  bị quân Lê Trịnh tàn phá và trở thành hoang phế vào thời Tây Sơn

 

3.     Phủ Tập Tượng mà Lê Quí Đôn nhắc trong PBTL:

Một vấn nạn đối với những nhà nghiên cứu phủ Dương Xuân – Điện Trường Lạc là vị trí của phủ Tập Tượng, được Lê Quí Đôn chép trong PBTL. Xin trở lại tư liệu thư tịch này “Nam ngạn chi thượng lưu hữ Dương Xuân Phủ, Cam Phủ. Hựu kỳ thượng Tập Tượng Phủ…”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dịch “Ở về mạn thượng lưu bờ nam ngạn, có Phủ Dương Xuân, Phủ Cam. Đi lên phía trên nữa có phủ Tập Tượng…”(sđ d tr 159). Chúng tôi thử kiến giải vấn đề mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã nêu như một thách đố:

Phủ  Tập Tượng là một công trình kiến trúc thời các chúa Nguyễn, liên quan cơ sở nuôi dưỡng và huấn luyện tượng binh mà Lê Quí Đôn có nói đến trong Phủ Biên Tạp Lục. Qua ghi chép của Lê Quí Đôn, có thể biết Phủ Tập Tượng ở về phía thượng lưu sông Hương, xa kinh thành Phú Xuân hơn Phủ Dương Xuân một chút. Phủ Tập Tượng mà Lê Quí Dôn vẫn còn nhắc đến khi đã có Điện Trường Lạc ở đâu?

Để có câu trả lời, cần xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ và nếu cần đưa ra nhiều giả thuyết công tác và tìm cách kiểm chứng.

Trong tinh thần ấy chúng tôi xin được nêu một giả thuyết công tác  nhằm tìm hiểu lịch sử Phủ Tập Tượng và cố gắng giải quyết những ngộ nhận lâu nay.

Quan sát ảnh chụp vệ tinh của xã Dương Xuân thì thấy quần thể kiến trúc ĐIỆN VOI RÉ cũng khá bề thế. Bình đồ của điện hình chữ nhật với bề ngang 43m, bề dọc 56,5m với 3 cấp: Cấp trên có bề rộng 25 m, có điện chính, có trục đối xứng là đường thần đạo theo hướng Tây Bắc –Đông Nam, nghiêng bắc 60 độ (tọa càn hướng tốn). Cấp giữa có bề rộng 15m, có hai nhà tả vu và hữu vu có nền hình vuông cạnh 7m, đối xứng nhau qua đường thần đạo, ở giữa có khoảng sân rộng. Cấp dưới có một sân hình chữ nhât với bề rộng 14,5m để trống và có bấc cấp dẫn lên chính điện. Quan sát toàn bộ thì thấy phần trên cùng cổ hơn phần dưới. Hai mảng tường phần dưới, tiền đình do lớp giữa đã bị bóc nên lộ rõ hai loại gạch, dưới gạch vồ, nữa trên gạch mỏng. Loại gạch này giống gạch dựng tường ở Thái Miếu, đồng đại loại gạch Tây Sơn hay sử dụng và triều vua Gia Long cũng thường dùng… Điều chúng tôi quan tâm là cái hồ hình vỏ đậu phụng ở trước điện. Căn cứ vào địa hình và cống thông của hồ với ruộng ở phía phải điện thì hồ này do người ta đào nhằm nơi trữ nước ngọt cho voi uống trong mùa nước sông Hương bị ngấm nước mặn… Một hai chú voi có công trạng, trước khi chết có gầm ré, mà nhà vua dựng điện thờ to lớn bề thế hơn cả THÁI MIẾU, TRIỆU MIẾU, MIẾU LỊCH ĐẠI… thì quả là điều khác thường! Vài chú voi thành thần đi nữa, làm sao vượt các đại công thần tuẫn tiết trong công cuộc trung hưng của vua Gia Long, lại được thờ trang trọng như điện Voi Ré? Từ thắc mắc ấy, chúng tôi nghĩ rằng phải chăng tiền thân của ĐIỆN VOI RÉ chính là PHỦ TẬP TƯỢNG thời các chúa nguyễn. Có thể ở đây chính là nơi nuôi dạy voi và huấn luyện tượng quân, triều Nguyễn gọi là sở Kinh Tượng ở xã Dương Xuân. Phủ Tập Tượng chỉ là một hành cung để chúa Nguyễn và tùy tùng duyệt quân tượng. Có thể quân Lê –Trịnh và quân Tây Sơn đều tiếp tục sử dụng như thời các chúa Nguyễn. Nhưng đến thời vua Gia Long, do sự kiện các con voi có công, được nhà vua phong tước hiệu, nên nhà vua biến Phủ Tập Tượng, nơi nhà chúa, nhà vua ngự xem quân tượng tập luyện trước đó, thành điện thờ voi, với tên dân gian “ĐIỆN VOI RÉ”. Thực ra có hai sở Kinh Tượng vào thời chúa Nguyễn. Cả hai nơi đều gọi là phủ Tập Tượng. Phủ Tập tượng Hữu, sau này thành Điện Voi Ré như đã nói ở trên. Phủ Tập Tượng Tả lai ở trên đất của làng Phú Xuân, dưới chân đồi Hàm Long, có chùa Bảo Quốc. Phủ này có chuồng voi ở vào vị trí mà sau này ông chủ Tây Boger đã lập nhà máy rượu bia, và dân gian gọi khu vực này là BẦU GHÈ. Hồ Lấp có tiền thân là Tréng Voi, nơi chứa nước ngọt cho voi uống. Lê Quí Đôn từng cho biết lịch sử của Điện Trường Lạc trong một câu ngắn ở PBTL “Khi Hiểu Quốc Công xưng vương hiệu, đổi phủ Tập Tượng làm Điện Trường Lạc ở bên hữu sông phía thượng lưu thành Phú Xuân.

 

Hình 20: Điện Voi Ré  và Hổ Quyền  nhìn từ vệ tinh

Nhìn tổng thể Điện Voi Ré, về mặt kiến trúc chúng ta sẽ thấy hai phong cách kiến trúc khác nhau rõ rệt. Phần trên cùng là phong cách thời các chúa Nguyễn: bộ giàn trò thấp, đường kính cột trung bình nhỏ, nên đá táng, đá kê cột nhỏ, hình quả trám thanh mảnh. Phần sân chầu mới cơi nới mở rộng với loại gạch bìa mỏng mà các nhà kiến trúc, các nhà xây dựng cuối thế kỷ 18 (Tây Sơn) và đầu thế kỷ 19 (Nguyễn, Gia Long) hay dùng và đặc biệt hay làm trụ cổng, trụ biểu hau đầu trụ ở cá góc tường vươn cao…

Hình21: Đội tượng binh triều Nguyễn  đang phủ phục trước Tam Tòa

Với những dữ liệu ban đầu, như đã trình bày, chúng tôi đặt giả thuyết rằng tiền thân của ĐIỆN VOI RÉ là PHỦ TẬP TƯỢNG (hữu) thời các Chúa Nguyễn (phần trên cùng), phần cơi nới của Tây Sơn và Gia Long ở cấp 2,3. Thực ra vua Gia Long vẫn không vừa lòng khi một hành cung của tổ tiên mình đã từng bị quân Lê-Trịnh sử dụng, hoặc vua quan ngụy Tây Sơn từng ngự ở dó để lo tượng binh. Phá đi thì tiếc, như Văn Miếu Long Hồ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, Tây Sơn làm Quốc Tử Giám, vua Gia Long không phá nhưng cho chôn tượng của Không Tử và biến văn miếu này thành KHẢI THÁNH TỪ (thờ cha mẹ của KHÔNG TỬ). Bởi vậy khi có “Đại công thần” voi “tuẫn tiết”, nhà vua biến PHỦ TẬP TƯỢNG thành ĐIỆN VOI RÉ để thờ voi, nhưng thực ra hàm ý lưu lại một di tích mà tổ tiên mình đã xây dựng và phát triển binh tượng trong việc giữ vững Đàng Trong chúng tôi tóm tắt giả thuyết công tác, sau đó kiểm chứng trên thực địa.

4.     Miếu Phi Vận Tướng Quân, Đền Vũ Sư, Đình Dương Xuân Hạ:

Phủ Dương Xuân khi được tôn tạo lớn vào năm 1700 thì lính thợ đào được ấn đồng “TRẤN LỖ TƯỚNG QUÂN CHI ẤN” nên Phủ Dương Xuân còn có tên là Phủ Ấn. Một bộ phận binh tướng trong đoàn quân chinh nam của vua Lê Thánh Tông từng đóng quân ở gò Dương Xuân. Có quan Phi Vận Tướng Quân, Tiến Sĩ Tùng Giang Nguyễn Phục, thầy của vua Lê Thánh Tông, có bản doanh ở trên gò nhỏ nhô ra từ gò Dương Xuân lớn, bên Bàu Vá. Khi quan Phi Vận tướng quân bị ghép tội chết, do trễ nãi quân lương, vua Lê Thánh Tông qua cơn nóng giận, rất lấy làm ân hận và dân sở tại đã lập miếu thờ quan Phi Vận Tướng Quân ở địa điểm nêu trên. Triều Lê cử  quan Trấn Lỗ Tướng Quân, chuyên sắp đặt tổ chức cho đám tù binh và dân Champa được tập trung ở chân và trên gò Dương Xuân sinh sống. Quan Trấn Lỗ Tướng Quân cũng lập bản doanh gần miếu Phi Vận Tướng Quân. Đương nhiên quan Phi Vận và quan Trấn Lỗ trở thành thành hoàng, khai canh của làng Dương Xuân Hạ sau này. Miểu của Phi Vận Tướng Quân trở nên linh hiển. Khi chúa Nguyễn Phúc Tần cho xây miếu thờ vua Lê Thánh Tông thì cũng có khả năng cho xây miếu của Tùng Giang Tiến Sí, Phi Vận Tướng Quân.

Hình22: Bình phong Đền Vũ Sư, tức phủ Dương Xuân xưa

 

Hình23: Cốt rồng chầu của Phủ Dương Xuân, Đền Vũ Sư, giữ lại trên300 năm làm di vật của công trình tiền thân, khi xây dựng đình Dương Xuân Hạ

Do những năm bão to, clụt lớn, các chúa tạm lánh lên gò Dương Xuân, đến ngự gần miếu Tùng Giang, tức miếu Phi Vận Tướng Quân, nhân thể cầu đảo. Để tiện lợi, nhà chúa cho xây dựng hành cung với qui thức giống chính dinh, nhưng nhỏ hơn, để sống và làm việc trong mùa thu-đông, thường có bão tố, mưa lớn và lụt lớn. Vì ở gò này có quan Trấn Lỗ từng đóng bản doanh, để lại ấn đồng do bị tai ương nào đó, nên cơ Tả thủy đào được ấn đồng khi xây dựng phủ Dương Xuân là việc có thật. Sự kiện này chứng tỏ phủ Dương Xuân và miếu Phi Vận Tướng Quân cùng ở trên một gò nhỏ nhô ra từ gò lớn Dương Xuân. Và từ ấy, hiểu được vì sao vua Minh Mạng đã biến miếu Phi Vận Tướng Quân – Phủ Dương Xuân thành đền Vũ Sư vào năm Minh Mạng thứ 7, thay miếu Đại Càn ở An Cựu, để đảo vũ. Rồi triều Nguyễn cũng suy tàn, đền Vũ Sư mất hết chức năng nhiệm vụ, thế là dân sở tại biến đền Vũ Sư (tức miếu Phi Vận tướng quân –Phủ Dương Xuân) thành Đình Dương Xuân Hạ hiện nay

 

5.     Khảo sát thực địa ở miếu Phi Vận Tướng Quân và Đình Dương xuân Hạ:

Quan sát, kiến trúc xây dưng hiện nay của đình Dương Xuân Hạ thì rõ, đình chính giữa và hai nhà tả vu, hữu vu được dựng lại trên nền cũ của Phủ Dương Xuân nhưng có ép lại một phần. Hai miếu thờ thần thấp hơn và nằm hai bên. Đá ốp nền, đá kê cột gồm hai thời kỳ, một là thời chúa Nguyễn (đá granit), một là thời đền Vũ Sư (đá Thanh). Gạch xây dựng bình phong long mã thuộc loại gạch mỏng thời chúa Nguyễn.

Hình 24 Mặt tiền của đình Dương Xuân Hạ

Hình 25: Bệ thờ có bài vị Võ tướng quân

Hình26: Miếu thờ Lôi Sư (thành miếu thờ Lê Tướng Công)

 

Bức bình phong long mã với những mô típ trang trí cổ hơn nhiều so với mô típ trang trí đình vào đầu thế kỷ 20. Người xây dựng đình đã chừa lại cốt một con rồng đắp nổi bằng gạch của thời Đền Vũ Sư. Theo cụ Lê Văn Hồi của làng Dương Xuân thì con rồng còn lại trước đình có lịch sử trên 300 năm. Do lớp vữa bị bóc, có thể thấy rõ một nửa được xây bằng gạch thẻ mỏng thời chúa Nguyễn, một nửa được xây bằng gạch vồ thời Minh Mạng. Như thế con rồng này có trước khi dựng đền Vũ Sư!

Hình 27: Đá kê cột của đền Vũ Sư

Hình 28: Đá táng kê cột của đền Vũ Sư

Hình 29: Văn bản thần Cao Các ở đền Vũ Sư

Hình 30: Văn bản về thần Đại Càng Nam Hải, Thiên Y A Na ở đền Vũ Sư

6.     Cánh đồng Bàu Vá có Diễn Mã Trường, sân bắn:

Ngoài ra cũng năm 1700, chúa Nguyễn Phúc Chu cũng cho mở Diễn Mã Trường từ Phủ Tập Tượng (sau này là Điện Trường Lạc) đến phủ Dương Xuân. Bức hoành phi “DIỄN MÃ TRƯỜNG”, chạm nổi chữ Hán kiểu thức hóa, còn treo ở tiền sãnh Đình Dương Xuân Hạ… là những bằng chứng về giả thuyết khoa học của chúng tôi. Theo các cụ già làng Dương Xuân Hạ có từ lâu. Khi các tiền bối tiếp quản Đền Vũ Sư thì đã thấy tấm biển này, được treo ở tiền sãnh. Theo truyền ngôn thì phía phải, trước hồ bán nguyệt, có ao vuông và cạnh ao vuông có một cái đình để quan sát diễn tập kỵ binh. Khi đình này hỏng nặng và lập đền Vũ Sư thì người xưa đã thỉnh biển DIỄN MÃ TRƯỜNG vào đền Vũ Sư để lưu giữ.

Thời Trịnh –Nguyễn phân tranh, Đàng Trong phải lo việc quân sự là việc làm tất nhiên. Về quân đội ngoài bộ binh, thủy binh, tượng binh, còn có kỵ binh nữa. Thời chúa Nguyễn Phúc Tần thường có những cuộc diễn tập kỵ binh từ quán Thanh Kệ đến Vạn Xuân. Còn thời chúa Nguyễn Phúc Chu, nhà chúa lo chấn hưng Đàng Trong, tức là củng cố và phát triển Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ với ý đồ xưng vương rõ rệt. Không những đề phòng mặt bắc mà còn lo những động thái quân sự giúp mở mang bờ cõi ở phương nam. Chúa Nguyễn Phúc Chu gần như biến vùng Bàu Vá và gò Dương Xuân thành một quân trương để huấn luyện các binh chủng. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép “Giáp Tuất, năm thứ 3 [1694] mùa xuânTháng 2… Thao diễn trận voi. Sai các cơ chia phiên thao diễn trận pháp, mỗi ngày một lượt, thưởng tiền theo thứ bậc. (sdd tr152). Các phủ Tập Tượng có khả năng củng cố và phát triển thời kỳ này. Lại chép: “Canh Thìn năm thứ 9[1700]. Mùa hè tháng 4...

Lập phép diễn trận voi.Chúa ra thăm diễn trường ở xã Thọ Khang. Sai viên thống lãnh dẫn voi vào trường theo thứ tự mà bày hàng. Nhạc bộ đánh trống ba hồi, rồi gảy đàn thổi sáo hát khúc Thái Bình. Hát xong đánh ba tiếng chuông. Thống lĩnh dẫn voi tới. Chúa đến duyệt... (sdd tr155). Và chúa Nguyễn Phúc Chu lại lập trường huấn luyện pháo binh ở vùng Bàu Vá, Ất Hợi, năm thứ 4[1695]... Tháng 3, dựng trường pháo ở phủ sau [ở phía sau một phủ nào đó TVĐIỀN chú ]. Triệu các quan văn võ cùng các đội trưởng, văn chức và tam ty họp nhau diễn tập, bắn trúng thì được thưởng tiền theo thứ bậc, trúng luôn ba lần thì được thưởng một tấm nhiễu hồng. Từ đấy mỗi năm theo làm lệ thường.(sdd tr152). Và chỉ năm tháng sau lại có hoạt động ở trường pháo. Mùa thu tháng 8, sai quân Chính Dinh diễn tập pháo thủ, cho các cai bạ nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu trông nom.(sdd tr 153). Kỵ binh là một binh chủng cơ động, phản ứng nhanh, dễ biến thành kỳ binh trong chiến thuật đánh vu hồi… Vì lẽ đó, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây dựng DIỄN MÃ TRƯỜNG ở cánh đồng Bàu Vá, tức là RUỒNG PHỦ hiện nay.

Diễn Mã Trường được xây dựng khi nào, ở đâu, qui mô và cách tổ chức huấn luyện kỵ binh như thế nào?

Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép: “Canh Thìn năm thứ 9 [1700], mùa xuân, tháng giêng, mở trường diễn ngựa, các nội ngoại đội trưởng, các văn chức, nội giám và mã đội tả hữu đều được thao diễn”(tr155).

Diễn Mã Trường là trường rèn luyện, thao diễn ngựa; tức là vạt đất thấp, khá rộng nối từ phủ Tập Tượng đến phủ Dương Xuân (sát miếu Phi Vận Tướng Quân và miếu Thành Hoàng). Trong Diễn Mã Trường, có đắp con đường bằng đất sỏi badan, phần lớn là thẳng, có vài khúc uốn cong, có cầu vồng (tre, gỗ) bắt qua ao (ao Ấu), có rào chắn thấp bằng đất hoặc bằng tre.

Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu thì cải tạo phủ Tập Tượng (tả) thành điện Trường Lạc. Thật vậy, Lê Quí Đôn chép trong Phủ Biên Tạp Lục: “ Khi Hiểu Quốc Công xưng vương hiệu, đổi phủ Tập Tượng làm Điện Trường Lạc ở bên hữu sông phía thượng lưu thành Phú Xuân…”(tr302). Như vậy Diễn Mã Trường với hai đầu là hai phủ, một đầu là phủ Dương Xuân và một đầu là phủ Tập Tượng (vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu), cho nên sau khi suy tàn Diễn Mã Trường trở thành ruộng canh tác và về sau dân sở tại gọi là Ruộng Phủ. Như thế thì Điện Trường Lạc quay về hướng nam, tréng voi của phủ Tập Tượng được cải tạo thành Phượng Trì hay Đan Trì; khi suy tàn thì dân sở tại gọi là HỒ LẤP. Nếu theo hướng bắc –nam, tựa vào điện (bây giờ là Đình Xuân Giang) và nhìn ra Phượng Trì (bây giờ là Ao Lấp) thì Diễn Mã Trường nằm về phía tay phải. Vì thế Hiên Duyệt Võ phía tây là cải tạo nhà Hữu Vu của phủ Tập Tượng và để xem diễn kỵ binh. Còn nhà Tả Vu của Phủ Tâp Tượng biến thành Hiên Duyệt Võ phía đông Điện Trường Lạc và để xem pháo binh tập luyện. Có thể pháo binh tập bắn cả vào mùa thu-đông. Vào mùa mưa lụt Bàu Vá trở thành một cái hồ lớn, rất thuận lợi trong việc tập bắn súng các cỡ trong khi di chuyển trên thuyền. Hiên Duyệt Võ phía đông của Điện Trường Lạc và Phủ Dương Xuân trên gò cao là những khán đài lý tưởng giúp quan sát kỵ binh, pháo binh tập trận. Sân bắn ở khu vực Ruộng Phủ vẫn còn dấu tích là những HÒN MÔ mà hiện nay dân sở tại đã đưa thân nhân vào chôn. Thế thì TRƯỜNG BIA ở chân cồn Bông Sứ thuộc xứ Bộ Hóa Thượng là hợp lý. Nếu điện Trường Lạc có Hiên Duyệt Võ thì Phủ Dương Xuân hy vọng có khán đài để xem diễn kỵ binh. Nếu Phủ Dương Xuân ở giữa đại danh lam Thiền Lâm và cồn Bông Sứ thì khó xem diễn tập kỵ binh, pháo binh. Như thế trường bắn ban đầu có thể ở phía sau lưng của Phủ Dương Xuân; từ kho thuốc súng (gần chùa Bảo Quốc) đến Trường Bia (có giếng Trường Bia, bên hông chùa Vạn Phước hiện nay).

Hình 31: Biển chạm gỗ ba chữ hán kiểu thức hóa “DIỄN MÃ TRƯỜNG”, chữ Diễn kiểu thức hóa như hình con ngựa(bộ hành uốn cong một nét).

 

7.     Kết quả khảo sát điền dã của Cadiere ở gò Dương Xuân:

Kết quả khảo sát thực địa cũng có những điểm phù hợp với việc khảo sát của Cadière ở gò Dương xuân. Trong bài: “Các tác phẩm điêu khắc Chàm ở Xuân Hòa” (B.A.V.H, tập IV, 1917), Cadiere viết: “Trong một cuộc dạo chơi trên một đồi ở gần ga Huế, tình cờ tôi bắt gặp một số điêu khắc Chàm mà cần nêu lên.

Các thứ ấy ở trong xóm Xuân Hòa hay Xuân Huế hay có người lại gọi là Thiên Hóa. Muốn đến đó, phải rời đường Nam Giao, ở giữa vùng cao trước cánh đồng nghĩa địa, người ta sẽ đến chùa Tường Vân và đi theo con đường cạnh chùa ấy, đi mãi sẽ đến một đám đất thấp ở đó có hai bụi cây che hai cái “miểu xóm” hay miếu Bà Dàng. Chính trước một trong hai miếu ấy, miếu Dàng có đá chạm.

Tất cả có 5 cái: Một đỉnh cột… Con sư tử… Hai đầu Makaras… Cái Linga….

Hai cái miếu gần đó có chạm trỗ ấy ngày trước không phải ở vị trí như hiện giờ. Hai miếu ấy nằm cách đây 5 hoặc 6 mét về phía bắc ở chân một chỗ đất lồi lên mà hiện nay là đền chính thức Thần mưa. Vũ Sư đền này, theo Địa Lý Duy Tân được xây dựng niên hiệu Minh Mạng (1826). Người ta cho tôi biết lịch sử đền này là cái miếu phải dời chỗ đi đã 50 năm rồi. Lý do chuyển đi là những tai họa xảy đến cho xóm. Có thể là hai vị thần nhỏ kia. Vị Thần mưa là một thần chính thức nên 2 vị thần kia phải đi tìm chỗ trú ngụ nơi khác ở trên đồi đá như ngày nay ta đã thấy.

Hai vị thần ấy là ai ?

Tên chính thức của vị thần ghi trên bài vị của đền và đọc ở ngày tế lễ là: “Cổ tích dương phi xích nữ trung đẳng thần...

Bây giờ, sang chuyện của vị nữ thần thờ ở miếu kia. Chức vị cũng khá đặc biệt:Kỷ mùi khoa tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn TrungCadière không biết vị thần này và ông đã nêu thắc mắc trong bài đã dẫn.

Hình 32:  Bệ thờ miếu Phi Vận Tướng Quân

Hình 33: Miếu Phi Vận Tướng Quân

Hình 34: Toàn cảnh đình Dương Xuân Hạ-Đền Vũ Sư-Phủ Dương Xuân nhìn từ vệ tinh

Hình 35: Văn bản về thần Phi Vận Tướng Quân Tùng Giang Tiến Sĩ Nguyễn Phục

Hình 36: Văn bản về thần Xích Mi (nữ thần Chăm)

Miếu Phi Vận Tướng Quân là một miếu cổ ở vị trí cao hơn Đình Dương Xuân Hạ hiện nay, hướng về phía Bắc.Còn đình Dương Xuân Hạ cũng trên gò nhưng phía dưới Miếu Phi Vận, có hướng Tây-Bắc. Đền Vũ Sư mà Cadiere giởi thiệu trong bài viết vừa nêu chính là đình Dương Xuân Hạ hiện nay. Thật vậy, đình Dương Xuân Hạ trước năm 1914 ở vị trí Bệnh viện khu vực 3 hiện nay, gần cầu Kho Rèn. Các cụ cao tuổi của làng Dương Xuân hạ đều xác nhận điều này. Thời Pháp thuộc, nhà nước đền bù giải tỏa và làng thỉnh bài vị các ngài khai canh về đền Vũ Sư (đã thành phế tích), tôn tạo và biến đền Vũ sư thành Đình Dương Xuân Hạ từ 1914 đến nay. Còn miếu Phi Vận tướng quân trở thành miếu Thành hoàng của làng. Miếu Xích Mi vẫn còn, ở phía tay phải của đình. Miếu Xích Mi được dân sở tại gọi là miếu Bà Giành và thay vị trí 3 lần.

8.     Về những vị Thành Hoàng được thờ ở làng Dương xuân Hạ:

Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, vào năm 1700 có một cuộc đại trùng tu Phủ Dương Xuân, quân lính đào được ấn đồng TRẤN LỖ TƯỚNG QUÂN CHI ẤN nên Phủ Dương Xuân còn gọi là PHỦ ẤN và có khả năng nhà chúa cũng cho xây dựng miếu thờ quan Trấn Lỗ Tướng Quân như một vị thành hoàng của phủ Dương Xuân. Miếu này dựng trên gò Dương Xuân gần Đình Dương Xuân Hạ, phía sau nhà bác Lê Văn Hồi. Phải chăng miếu thành hoàng này trở thành Miếu Thành Hoàng thờ thành hoàng do nhà nước dựng. ĐNNTC chép: MIẾU THÀNH HOÀNG: Ở xã Dương Xuân, huyện Hương Thủy, thờ thần Thành Hoàng trong cõi, dựng năm Thiệu Trị thứ 6…”. Trong lòng văn tế thần của làng có xướng hai vị nhân thần, có khả năng là Đô Đốc Bảo Lộc Bá Lê Tử Vân và Vũ Cảnh, nhận lệnh vua Lê Uy Mục vào trấn áp người Việt gốc Chăm nổi loạn. Triều Nguyễn phong thần cho hai vị: Đông Nam Sát Hải Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân Trứ Phong Vi Trừng Trạm Dực Bảo trung Hưng Chi Thần Gia Tặng Uông Nhuận Trung Đẳng Thần”. Khi Đền Vũ Sư biến thành Đình Dương Xuân Hạ và Miếu Thành Hoàng (dựng năm Thiệu Trị thứ 6) bị đổ nát, làng Dương Xuân biến hai miếu tả hữu Vân Sư, Lôi Sư trong khuôn viên đình, trước hai nhà tả vu hữu vu, thành nơi thờ hai tướng quân họ LÊ và họ VÕ.

9.     Một số tư liệu thư tịch điền dã góp phần xây dựng giả thuyết Phủ Dương Xuân là tiền thân của Đền Vũ Sư:

Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, con trưởng của chúa qua đời sớm, con thứ Nguyễn Phúc Luân được chúa tạo điều kiện để làm thế tử. Và có khả năng khi Chưởng Võ Nguyễn Phúc Luân có gia đình và tiềm để ở phủ Dương Xuân. Người đỡ đầu Nguyễn Phúc Luân là quan nội hữu Ý ĐỨC HẦU Trương Văn Hạnh, thầy dạy là Thị Giảng Lê Cao Kỷ. Chắc chắn sau khi Ý Đức Hầu Trương Văn Hạnh, Thị Giảng Lê Cao Kỷ bị giết, Chưỡng Võ Nguyễn Phúc Luân bị bắt rồi sinh bệnh mà mất thì bà Hiếu Khang Nguyễn Thị Hoàn có cầu đảo ở miếu, chùa như miếu Phi vận Tướng Quân Tùng Giang, miếu Thành Hoàng Dương Xuân, chùa Thiên Hòa gần điện Trường Lạc… Chúng tôi trích dẫn đoạn chép về lăng mộ của thân phụ vua Gia Long trong ĐNNTC để minh họa cho điều nhận định trên: LĂNG CƠ THÁNH: Táng Hưng tổ Hiếu Khang hoàng đế; ở núi Cư Chánh huyện Hương Thủy. Tương truyền năm Kỷ Dậu, Hưng Tổ băng, tạm để tử cung ở nhà riêng tại Dương Xuân, chưa tìm được đất chôn cất, một đêm có người sư già đến hỏi rằng:” Đã tìm được đất chưa?”. Người nhà trả lời chưa”. Người sư già chỉ vào chỗ lõm của núi Cư Chánh mà nói: Đấy là đất táng đấy, tôi đã cắm cây, sáng mai cứ đến đấy nhận phương hướng mà an táng”. Nói xong đi ngay. Sáng sớm hôm sau, người nhà theo lời sư nói đi tìm, quả nhiên thấy cây cắm, theo tìm người sư thì không thấy tông tích đâu cả, bèn đem tử cung táng ở đây…”(sđd, tr40). Có khả năng thời chúa Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần, Chưởng Võ Nguyễn Phúc Luân còn ở phủ Dương xuân. Trải qua loạn lạc, nhiều công trình kiến trúc bị tàn phá nhưng chắc chắn nền móng thì còn. Khi Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh trở lại Phú Xuân, bà Hiếu Khang ra sức tôn tạo, trùng tu nhiều đình chùa miếu vũ… Vì vậy có khả năng bà đã nói về sự linh nghiệm trong cầu đảo khi bà còn ở phủ Dương Xuân, gặp gia biến. Và thế là vua Minh Mạng cho lập Đền Vũ Sư trên nền móng cũ của phủ Dương Xuân và vua Thiệu Trị đã nâng miếu Thành Hoàng của làng Dương Xuân thành Miếu Thành Hoàng cho toàn cõi kinh sư.

Hình 37: Hình vẽ ngôi mộ ngài khai canh làng Dương Xuân Hạ ở ấp Phước Quả

Hình 38: Bình đồ mộ ngài khai canh

Hình 39:Văn bản về ngài Đô Tổng Binh Thiêm Sự họ Lê, khai canh làng Dương Xuân.

Trong các bản văn tế của làng Dương Xuân Hạ, thường được xướng tế ở đình, có mỹ hiệu của các thần được triều Nguyễn phong tặng gồm:

-         Thiên thần Xích Mi (có gốc Chăm)(có miếu riêng).

-         Nhân thần Phi Vận Tướng Quân Tiến Sĩ Tùng Giang Nguyễn Phục (Thầy của vua Lê Thánh Tông)(có miếu riêng trên 500 năm).

-         Các thiên thần Cao Các, Tứ Vị Thánh Nương, Tam Cô, Thiên Y A Na… từng được thờ ở Đền Vũ Sư.

-         Các vị Thành Hoàng như Đông Nam Sát Hải Lang Lại Nhị Đại tướng Quân…

-         Bổn thổ khai canh Đô Tổng Binh Thiêm Sự Lê Quí Công và các vị hậu khai khẩn.

Ở trước đình, phía phải, còn giữ bia đá nói về việc các vị chức sắc trong làng từng tranh tụng về phần mộ của ngài khai canh ở Phước Quả và thắng lợi. Trong B.A.V.H (Tập XV, 1928), có đoạn viết về ngôi mộ khai canh làng Dương Xuân, trong đó cadière dựa vào dòng bia của mộ có khắc “Đại Nam Hoàng Triều Cáo Thụ Đại Đô Tổng Binh Kiêm Sự Lê Quí Công Khai Canh trứ phong tặng vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò tôn thần chi mộ” (sđd, tr114), nên Cadière đoán vị Đô Tổng Binh Thiêm Sự thuộc về triều Gia Long. Điều này dẫn đến làng Dương Xuân được thành lập vào đầu thế kỷ 19. Vô lý! Thực ra bia dựng vào năm Thành Thái thứ 17, sau khi thắng kiện, các vị lập bia lại khắc như trên nên có sự nhầm lẫnvừa nêu.

Ngang với các bậc cấp trước cổng đình Dương Xuân Hạ có miếu Âm Hồn, dựng năm 1914, trên nền móng cũ của một công trình cũ. Vị trí này có khả năng là nơi mà chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tiếp Poivre vào mùa hè như Poivre đã kể.

E.               Kết Luận:

Vậy khu vực CTL-CBS từng có đại danh lam Thiền Lâm, với nhiều tháp sư và mộ cổ, với Miếu Lễ Lê Thánh Tông thời Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu đã bị phế bỏ từ thời Gia Long… nên các hiện vật do nhà Nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phát hiện, chưa có một tiêu chí để giám định mà vội gán cho vật liệu xây dựng Đan Dương Lăng là phi khoa học! Hơn nữa trong khoảng từ 1804 đến 1910 ràng các quan triều Nguyễn lần lượt đưa thân nhân vào chôn, tận dụng giải hạ để xây uynh mộ hay những bờ đê chắn nước trên cao đổ xuống làm ảnh hưởng mộ phần.

Tất cả những tiêu chí về Phủ Dương Xuân thì quần thể di tích ở Đền Vũ Sư đều thỏa mãn. Vậy theo chúng tôi thì tiền thân của đền Vũ Sư là phủ Dương Xuân, tiền thân của đình Dương Xuân Hạ là đền Vũ sư, tiền thân của Ruộng Phủ là Diễn Mã Trường và sân bắn, tiền thân của điện Trường Lạc là phủ Tập Tượng tả ở xã Phú Xuân, tiền thân của điện Voi Ré là phủ Tập Tượng hữu ở xã Thọ Khương trên gò Dương Xuân.

Khi cho rằng vua Quang Trung trưng dụng Phủ Dương Xuân thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (đã dựng thêm Điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ…) làm cung điện Đan Dương, nơi sinh hoạt và làm việc của vua Quang Trung thì không có một chứng cớ xác tín nào. Không có một sử liệu thư tịch hay ký ức dân gian về phủ Dương Xuân ở gò Bình An gần chùa Từ Đàm. Với giả thuyết táo bạo này, người đưa giả thuyết phải phủ định hoàn toàn ý kiến của nhà Huế học đáng kính L.Cadièrre. Mặc dầu L.Cadièrre trong B.A.V.H đã chứng minh được Điện Trường Lạc thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát là ở khu vực có Miểu Xóm, Ruộng Phủ với những tư liệu khảo cổ học đầy sức thuyết phục. Chỉ chưa thuyết phục khi cho rằng Phủ Dương xuân ở khu vực Ruộng Phủ và nhà nghiên cứu nguyễn Đấc Xuân phủ định là đúng. Thật táo bạo khi cho rằng sau khi vua Quang Trung băng hà, triều Tây Sơn đã táng nhà vua trong cung điện Đan Dương luôn. Với động thái này triều Tây Sơn đã biến dương cơ thành âm phần, trái với phong tục của dân tộc Việt. Triều Tây Sơn với những vị tham mưu như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích… (tiến sĩ triều Lê) khi để vua con Cảnh Thịnh táng cha mình ở dương cơ của kẻ không đội trời chung với họ Nguyễn Tây Sơn mà không có ý kiến gì ư? Mà dương cơ ấy cũng không phải là cát địa, vì bằng chứng là những tên lính Lê Trịnh vào những năm 1775, 1776 đã phá nát phủ Dương Xuân trên cát địa ấy, để khỏi đi lấy củi xa; cứ vài tên lính góp sức mang một cột mít hay lim của phủ Dương Xuân về nộp là đã hoàn thành nhiệm vụ. Trộm biết khi anh em Quang Toản, Quang Duy… sắp bị hành hình, vua Gia Long có cho họ một bữa cơm ân huệ, Quang Toản cầm đũa định ăn thì ông em Quang Duy ngăn “Hoàng huynh, nhà mình thiếu chi mâm son đũa ngà mà phải dùng mâm đũa của người ta!”… Thế thì muốn giữ bí mật việc mai táng vài tháng, cần gì phải chọn cách táng “xưa nay hiếm” như GTNĐX!

Huế, đầu thu 2007

Trần Viết Điền

Tài liệu tham khảo:

[1]: Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, bản dịch, nxb KHXH, Hà Nội, 1977.

[2]: Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, bản dịch, tập I, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992

[3]: Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên), bản dịch, tập I, NXB Sử Học, Hà Nội, 1982.

[4]: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch, Tập II, NXB KHXH, Hà Nội, 1993

[5]:Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương, sơn lăng của Hoàng Đế Quang Trung, Nguyễn Đắc Xuân, NXB Thuận Hóa, Huế, 2007.