Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
Lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở đâu ?
Xin góp một câu trả lời
*Kỳ 3.- Chùa Thiền Lâm chồng chất những bí ẩn
-
bút ký lịch sử của Nguyễn Đắc Xuân1. Thiền Lâm, ngôi chùa lịch sử Chùa Thiền Lâm thuộc hệ phái Tào Động, khai sơn vào cuối thế kỷ XVII. Theo các bài vị còn thờ ở chùa Thiền Lâm và bia tháp còn tìm thấy thì chùa do Hòa thượng Khắc Huyền hiệu là Như Tư (viên tịch vào năm 1706) khai sơn. Vị tổ thứ hai là Hòa thượng Hưng Liên hiệu là Quả Hoằng là quốc sư của chúa Nguyễn Phúc Chu [1]. Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am dành riêng cho người thân trong gia đình các chúa tụng niệm mỗi lần họ lên trú đông ở Phủ Dương Xuân.
Chùa Thiền Lâm lúc đầu thuộc Phủ chúa, vì thế khoảng năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu mời Hòa thượng Đại Sán từ Quảng Đông sang, Chúa mời Hòa thượng về trú ở chùa Thiền Lâm. Về sau, trong bút ký Hải Ngọai Kỷ Sự, Thích Đại Sán cho biết chùa chỉ có: "ba gian lợp bạch mao" [2] với vị trí: "dựng ở đầu cao chất ngất, xuyên ngang gò núi một đường thông" với: "đôi dòng nước biếc tưới ven biền" [3]. Vì thế Thích Đại Sán than phiền với chúa Nguyễn Phúc Chu là chùa: "chật hẹp không được khoan khoái " [4] Chúa Nguyễn Phúc Chu liền cho vừa lính vừa thợ chừng một ngàn người làm việc trong ba ngày thì hoàn thành: "một tòa phương trượng 5 gian, 32 cột, bốn phía có hành lang, vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván, và một nhà hậu liêu 5 gian, 20 cột" [5] . Từ đó Thiền Lâm trở thành một ngôi đại tự. Chùa có thể chứa hàng ngàn tăng chúng đến thọ giới.
Chân dung Thích Đại Sán
Gần năm mươi năm sau, thời chúa Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát chùa Thiền Lâm lại được đại trùng tu. Lần đại trùng tu nầy không được sử sách nhà Nguyễn viết, chúng ta chỉ có thể biết được qua thơ văn của Phan Huy Ích. Mở đầu bài thơ Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác, Phan Huy Ích viết: "Tự tại Dương Xuân xã sơn, thử ư cựu Võ Hiếu Vương thời, viện vũ cao xưởng..." (Chùa ở núi thuộc xã Dương Xuân, bắt đầu dựng từ đời Võ Hiếu Vương, nhà cửa cao to) [6]. (xem A.011).
Sau năm 1786, Phong trào Tây Sơn chiếm được Phú Xuân, Bùi Đắc Tuyên - cậu ruột của của vua Quang Tỏan lại chiếm chùa Thiền Lâm làm dinh Thái sư. Năm 1795, Bùi bị "đảo chính" bắt giết, chùa Thiền Lâm rơi vào hoang phế tạm dùng làm kho than.
Thời Gia Long, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu quyên tiền trùng tu. Đến cuối thế kỷ XIX (khoảng năm 1897-1898), kỷ sư Kiều lộ Sali thực hiện chủ trương của Thực dân Pháp mở Nam Giao Tân Lộ (nay là đường Điện Biên Phủ) [7], con đường mới xuyên qua khu vực xây dựng chùa, chùa bị dời qua phía Tây [8] (số 78B Điện Biên Phủ hiện nay. (Xem A.012A và A.012B), một số lăng mộ, bia tháp các vị tổ cũng bị dời. Thuở khai sáng Thiền Lâm được các chúa chăm sóc, giøn giữ, nhưng gần hai trăm năm qua Thiền Lâm xuống cấp đến nỗi không mấy ai ở Huế biết đến. Cho mãi đến năm 1987, công sức của Tỳ kheo Thích Chơn Trí và đệ tử của ông gây dựng mới có cơ ngơi ngày hôm nay.
2. Những bí ẩn trong sử sách vở
Như trên đã đề cập, chùa Thiền Lâm thuở khai sơn tọa lạc trên đất xã Dương Xuân. Vùng đất dựng chùa Thiền Lâm và chùa Từ Đàm ở phía sau, theo tấm bia Sa Thạch dựng năm 1746 trước chùa Thiền Tôn ghi "công hạnh tu chứng và đạo của Tổ Liễu Quán" cho biết đó là vùng núi "Long Sơn"[9]. Theo địa bạ làng Phú Xuân, đặc biệt là địa bạ và bản đồ giải thửa ấp Bình An (nơi Thiền Lâm tọa lạc ngày nay) không nói rõ tên, nhưng gọi chung vùng đó là lâm lộc (chân núi). Đầu thế kỷ thứ XIX, vua Gia Long xây dựng Kinh thành, dân làng Phú Xuân nhường đất trong làng cho vua, đổi lại, vua cho phép dân Phú Xuân được đi lập làng các nơi, làng mới ở bất cứ nơi đâu vẫn trực thuộc xã Phú Xuân huyện Hương Trà như cũ. Một số dân Phú Xuân đã lên lập nghiệp ở phía nam sông Hương thuộc đất xã Dương Xuân. Số dân này lập ra ba ấp Trường Giang, Trường Cửu(hay gọi là Cởi) và Bình An. Phần đất còn lại của Dương Xuân chia làm hai xã Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ. Thời Tự Đức, viết Đại Nam Nhất Thống Chí, các sử thần triều Nguyễn ghi địa chỉ chùa Thiền Lâm và các di tích chung quanh theo địa chỉ mới một cách thống nhất là "ấp hoặc gò Bình An" thuộc xã Phú Xuân [10]. Ta cũng biết huyện Hương Thủy ra đời từ năm Minh Mạng 16 (1835) và từ đó hai xã Dương Xuân Thượng, Dương Xuân Hạ và xã Phú Xuân (với 3 ấp Bình An, Trường Cởi, Trường Giang) đều trực thuộc về Hương Thủy.
Căn căn cứ trên bản đồ giải thữa ấp Bình An lập năm Thành Thái thứ 19 (1907) - trước khi Đại Nam Nhất Thống Chí thời Duy Tân ấn hành 6 năm (1907-1913)- trong Bản đồ giải thữa ấp Bình An (Xem A.013), cho thấy khuôn viên đất chùa Thiền Lâm bị Nam Giao Tân Lộ cắt làm ngang, phía đông giáp với Điønh ấp Bình An, phía tây gần giáp với đất nhà họ Nguyễn Hữu (nhà ông Oánh sau nầy) và một cụm ba chùa Tịnh Độ, Phổ Phúc (chùa Vạn Phước sau nầy) và chùa Tuệ Lâm.
Khuôn viên chùa Thiền Lâm sát bên Điønh ấp Bình An bị Nam Giao Tân Lộ cắt ngang
Theo bản đồ giải thữa ấp Biønh An lập năm Thành Thái XIX-1907,
trích trong Địa bộ ấp Bình An do Võ Văn Sơn ( người địa phương) cung cấp.Tài liệu lịch sử, tư liệu bản đồ và thực địa rõ ràng đến như thế nhưng chúng tôi phải mất nhiều năm mới tìm được đích xác nơi toạ lạc chùa Thiền Lâm. Bởi vì chúng tôi đã bị Sách Đại Nam Nhất Thống Chí in thời Duy Tân "ghi nhầm địa chỉ".
Để có thể thấy sự "nhầm" khó hiểu đó xin xem bản kê địa chỉ các chùa chung quanh chùa Thiền Lâm sau:
Bình luận: Ấp Bình An là một trong ba ấp nối liền nhau Trường Giang, Bình An, Trường Cửu (Cởi) mới thành lập từ sau ngay vua Gia Long xây dựng Kinh Thành Huế (1804) trên đất của xã Dương Xuân (thuộc huyện Hương Trà) và 3 ấp không thuộc xã Dương Xuân mà trực thuộc xã Phú Xuân có Đình làng tại làng Phú Xuân cũ (nay thuộc Phường Tây lộc ở phía Tây bắc Kinh thành Huế). Thời Minh Mạng (1835) thành lập huyện Hương Thủy, 3 ấp của xã Phú Xuân nầy thuộc huyện Hương Thủy.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí soạn thời Tự Đức viết 5 ngôi chùa Kim Tiên, Tuệ Lâm, Từ Đàm, Viên Giác Thiền Lâm đều ở ấp Bình An;
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí soạn thời Tự Đức được biên soạn lại và chính thức xuất bản đời Duy Tân, 4 chùa ở chung quanh chùa Thiền Lâm là Kim Tiên, Tuệ Lâm, Từ Đàm, Viên Giác vẫn giữ nguyên địa chỉ cũ là ấp Bình An, riêng chùa Thiền Lâm cho qua xã An Cựu (Xem A.014C).
Vì sao có sự thay đổi như đánh tráo như vậy ? Thực hiện việc thay đổi một cách phi thực tế như thế để làm gì ?
3. Bia lăng mộ tháp các vị tổ chùa Thiền lâm vì sao bị đục phá
Khảo sát thực địa chùa Thiền Lâm hiện nay, chúng tôi phát hiện có một số bia tháp các vị tổ chùa Thiền Lâm đã bị vi phạm như sau:
- Bia tháp hòa thượng Khắc Huyền - vị tổ khai sơn chùa Thiền Lâm dựng năm Chính Hòa thứ 27 (1702) (phía đông vườn nhà 79 Điện Biên Phủ, Huế), phần lạc khoản chung quanh giữ như cũ, phần chính ở giữa bị khắc lại (không rõ vào thời nào) (Xem A.015);
- Bia lăng mộ vị hòa thượng nào đó dựng trên cồn Bông sứ (phía tây chùa Thiền Lâm, phía nam chùa Vạn Phước hiện nay, đế bia là một con rùa đá trắng, cùng một thứ đá với tai bia, mặt bia là đá sa thạch) bị mài nhẵn không còn bất cứ một chữ nào. (Hiện nay để trên sân sau chùa Thiền Lâm. (Xem A.016).
Đặc biệt, phía trước sân chùa Thiền Lâm có một tấm bia sa thạch nằm úp mặt xuống đất hàng trăm năm qua. Vào khoảng năm 1990 nhà chùa cho dựng dậy mới thấy mặt bia bị đục nát. Những chữ còn có thể đọc được là "Lâm Tế chánh tông [...] bổn sư ...Hoằng lão hòa thượng chi tháp" (Bia cao 8 tấc, rộng 6 tấc). Phải chăng đó là bia tháp của HT Quả Hoằng - vị tổ thứ hai của chùa Thiền Lâm...? (Đến nay, bia đã bị thất lạc, nhà chùa nghi đang bị vùi lấp sau cái am sau chùa). (Xem H.017).
Chùa Thiền Lâm và các vị tổ phạm tội gì mà bị trừng phạt như thế ?
Nghiên cứu sách Đại Nam Thực Lục CB, chúng tôi thấy triều Minh Mạng đã lệnh cho bộ Công triệt bỏ bia chùa Trấn Vũ (Hà Nội) do chúa Trịnh dựng lên, phải: "mài đục chữ đi, cái biển đề thơ cũng đốt". Và, những ở Hà Nội, mà ở khắp miền Bắc từ Hà Tĩnh trở ra): "phàm các đền, từ nếu có bia, biển của họ Trịnh làm ra" cũng làm như thế [11]. Đối với những di tích có liên quan đến chúa Trịnh, nhà Nguyễn cho "mài đục" hết các bia biển. Những bia biển ở chùa Thiền Lâm Huế thuộc các chúa Nguyễn không liên quan gì đến chúa Trịnh, vì lý do gì cũng bị "mài đục" như thế ?
Chùa Thiền Lâm có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ công sức của thầy trò Tỳ kheo Thích Chơn Trí. Tỳ kheo là người có công phát hiện những bí ẩn dưới lòng đất sân vườn chùa Thiền Lâm. Vì thế chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề có liên quan đên lịch sử chùa Thiền Lâm. Xin trích một đoạn:
NĐX.- NĐX.- Kính nhờ thầy nói rõ cho hoàn cảnh của thầy và các đệ tử lúc đó (Lúc Tỳ kheo Thích Chơn Trí và đệ tử từ Tổ điønh Tường Vân ra tiếp nhận chùa Thiền Lâm năm 1987 !
Tỳ kheo Thích Chơn Trí.- Khi thầy trò tôi ra đây thì chùa chỉ có một chánh điện và một điện thờ mẫu mục nát. Không có nơi ăn ở, không đủ lương thực để ăn mà tu, thậm chí rau cũng không có. Thầy trò phải xới đất vườn chùa trồng rau mà ăn. Không ngờ đào ở đâu cũng trúng các hố gạch vồ, đá cổ. Nhân đó thầy trò tận dụng lấy gạch đá dưới lòng đất lên rửa sạch. Gạch lành thì xây tường, gạch bể thì dập ra đúc táp-lô, lấy đá xây hồ nước hay làm đôn để kê các chậu hoa.
NĐX.- Lúc đó các thầy có đặt câu hỏi là những gạch đá đủ loại đó của một kiến trúc cổ nào không ? Và vì sao những gạch đá đó tốt như vậy mà người xưa không dùng lại chôn sâu xuống đất ?
Tỳ kheo Thích Chơn Trí.- Trước hiện tượng đó tôi cũng hơi khó hiểu, nhưng rồi cũng không tiøm hiểu làm gì. Chùa nghèo, đào được đá và gạch dưới đất lên thì mừng có vật liệu xây dựng cho có chỗ ăn, chỗ ở để mà tu thôi. Đâu có tiøm hiểu làm gì.
NĐX.- Kính bạch thầy, thầy có nhận xét gì về những gạch đá khai thác dưới lòng đất chùa Thiền Lâm ?
Tỳ kheo Thích Chơn Trí.- Những viên đá táng cột lớn, một số gạch vồ có khuôn dấu, chất gạch, chất đá rất tốt. [...] Gạch, đá đó phải là của những kiến trúc lịch sử quan trọng có liên quan đến vua chúa. Còn dân thường ta ngày xưa làm gì có được những thứ vật liệu tốt rất quý hiếm đó !"
Tôi may mắn được chứng kiến hầu hết các hiện vật lấy từ lòng đất sân vườn chùa Thiền Lâm từ năm 1987 đến nhiều năm sau đó. Hằng ngàn viên gạch vồ, hàng mấy chục viên đá táng, hàng chục viên đá khối . Hầu như toàn bộ gạch vồ đã được tận dụng lại để xây chỗ ăn, chỗ ở cho nhà chùa, số gạch vỡ được đập nhỏ đúc táp-lô xây nhà, phần lớn đá táng và đá khối lớn quá không tái sử dụng được nên sau gần 20 năm vẫn nằm trong sân vườn chùa hoặc dùng làm đôn kê các chậu hoa. (Xem từ A.018 đến A.027)
Qua những hiện vật phát hiện ở chùa Thiền Lâm chứng tỏ lúc mở đường Nam Giao Tân Lộ (1897-1898), chùa Thiền Lâm cũ đã được dời xây dựng lại về phía tây và dựng trên một khu đất đã từng vùi lấp một kiến trúc nào đó đã bị triệt phá. Và, đúng như nhận định của Tỳ kheo trụ trì chùa Thiền Lâm Thích Chơn Trí: "Gạch, đá đó phải là của những kiến trúc lịch sử quan trọng có liên quan đến vua chúa !"
Thế kiến trúc quan trọng ấy là kiến trúc gì của các triều đại trước ?
Chú thích Kỳ (3)
[1] Trần Đại Vinh-Nguyễn Hữu Thông-Lê Văn Sách , Danh lam xứ Huế, Nxb Hội Nhà văn, HN 1993, tr. 220.
[2] Thích Đại Sán, "Hải ngoại kỳ sự", UB phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, 1963, tr.42;
[3] Như [2]
[4] Như, tr.41
[5] Như [2] tr.42;
[6] Phan Huy Ích,"Dật thi lược toản", bản chữ Hán (Viện Hán Nôm)
[7] L. Cadière, Les Tombeaux Annamites dans les environs de Hué,
BAVH 1928, tr.22, 27, 40, .
[8] Xem Bản đồ Giải thữa ấp Biønh An H.013B
[9] Từ Đàm, "Thiền sư Liễu Quán chùa Thiền Tôn, Huế", tập san Phật giáo (?), tr.56
[10] ĐNNTC, thời Tự Đức, bản dịch của Viện Sử học, tr.180
[11] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, t.XXII, KHXH, H. 1969, tr.159.
Bổ sung :
"Bao giờ Long Thọ hết vôi
Thiền Lâm hết gạch đá thiø tôi mới thôi làm"