Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
Mỗi độ Xuân về, tâm trí tôi lại bận rộn với những ngày kỷ niệm lịch sử trong năm mới. Năm 2007, đúng 215 năm (1792-2007) vua Quang Trung qua đời tại Huế và tiếp đến 2008, sẽ kỷ niệm 220 năm (1788-2008) Nguyễn Huệ lên ngôi tại Phú Xuân và lấy niên hiệu Quang Trung. Do đó, nhiều bạn bè nghiên cứu ở trong và ngoài nước hối thúc tôi phải làm rõ hơn lời giải đáp cho câu hỏi "Dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở đâu ? " mà tôi đã công bố trong cuốn sách Đi Tìm Lăng Mộ Vua Quang Trung do Viện Sử học Việt Nam xuất bản đúng 15 năm trước (1992).
Lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở đâu ?
Xin góp một câu trả lời
*
Kỳ 1.- Cung điện Đan Dương thời Quang Trung
-
bút ký lịch sử của Nguyễn Đắc XuânTrong quá trình nghiên cứu, tôi đã khai thác các nguồn tư liệu trong và ngòai nước, tư liệu sử học, văn học cổ, địa lý lịch sử, bút ký lịch sử, thảo mộc học, thuật phong thủy, tư liệu điền dã để hoàn thành công trình trên. Công trình đã được nhiều học giả (như Hòang Xuân Hãn, Lê Thành Khôi, Trần Quốc Vượng, Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân, Nguyễn Nhã .v.v) đánh giá cao, xem như một giải pháp khả thi nhất so với tất cả những công trình nghiên cứu lăng mộ vua Quang Trung có trước và sau đó. Đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, Thành phố Huế đã nổ lực đầu tư nghiên cứu với cố gắng chứng minh lăng Ba Vành ở phía sau Tu viện Thiên An là lăng mộ vua Quang Trung và dự định đầu tư để tôn tạo ngôi lăng " lịch sử " nầy để ra mắt đồng bào cả nước vào dịp kỷ niệm 200 năm vua Quang Trung qua đời (1792-1992). May sao, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đã kịp thời chứng minh lăng Ba Vành là lăng mộ "Hộ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại " thời chúa Nguyễn Phúc Họat (Khóat) và công trình nghiên cứu của tôi chứng minh lăng mộ vua Quang Trung có thể ở ấp Bình An gần chùa Thiền Lâm (78B Điện Biên Phủ, Huế ngày nay) ra đời, việc đầu tư của Thành phố Huế phải dừng lại. Và, từ đó các nhà nghiên cứu không còn quan tâm đến lăng Ba Vành nữa. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu của tôi cũng chưa có câu trả lời dứt khóat " lăng mộ vua Quang Trung cụ thể nằm ở tọa độ nào " vì còn phải chờ khai quật khảo cổ học. Các vị trách nhiệm ở Viện Khảo cổ Việt Nam, ở viện Sử học Việt Nam, ở sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên (cũ)... hứa sẽ đưa vào chương trình khai quật ngay sau năm 1992. Nhưng đã 15 năm trôi qua lời hứa đó đã rơi vào quên lãng, nhiều người hứa đã qua đời (GS Trần Quốc Vượng), hay đã hưu trí (GS Hòang Xuân Chinh, Viện Khảo cổ, Nguyễn Minh Hằng - Giám đốc sở VHTT TTH). Đã có nhiều lời giải thích về sự " quên lãng " lịch sử ấy. Trong đó có một vị quan chức nói nhỏ với tôi : "Không ai nói công trình của anh không khả thi cả, nhưng ....anh cứ thử chết đi thì người ta sẽ .....". Vì thế hôm nay, tôi có tái bản cuốn sách của tôi cũng không giải quyết được vấn đề gì khi các cơ quan chức năng chưa vào cuộc, chưa khai quật khảo cổ học địa điểm mà tôi đã chứng minh bằng tư liệu lịch sử và hiện vật điền dã. Cho nên tôi vẫn tiếp tục chờ. Nếu tuổi thọ tôi kém thì các con, các cháu tôi cũng sẽ tiếp tục chờ. Trong loạt bút ký nầy tôi không dám đề cập đến những vấn đề ngoài tầm tay của tôi.
*
* *Như các nhà nghiên cứu văn học cổ từng biết Ngô Thì Nhậm là một trọng thần của vua Quang Trung. Bài CẢM HOÀI (Xúc cảm trong lòng) trong tập thơ đi sứ (1793) HOAøNG HOA ĐỒ PHẢ, Ngô Thì Nhậm có một nguyên chú cho biết "Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàn ta" [1].
Đây là một thông tin lịch sử quí giá không ai có thể phủ nhận được. Thông tin đó chứng tỏ lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở ngay trong cung điện Đan Dương hay nói cách khác Cung điện Đan Dương là nơi táng vua Quang Trung và từ đó nó trở thành lăng Đan Dương/lăng vua Quang Trung, giống như Khiêm Cung của vua Tự Đức sau trở thành Khiêm Lăng vậy. Lăng Đan Dương nằm trong khu vực Cung điện Đan Dương. Có thế ví như cái bu-gi gắn trong ổ máy một chiếc ô-tô. Trong lúc chờ khai quật để biết cái bu-gi (lăng Đan Dương) nằm vào chỗ nào, qua tài liệu và hiện vật điền dã tôi mời độc giả cùng tôi đi tìm chiếc ô-tô (cung điện Đan Dương). Tìm được Cung điện Đan Dương thì cũng đã là tặng vật vô giá cho lịch sử Việt Nam rồi.
*
* *Các vua chúa ngày xưa, ngòai cung điện chính ở Kinh đô, luôn có những cung hành tại ngòai Kinh thành. Cũng giống như vua chúa bên phương Tây có các cung điện mùa Hè, cung điện mùa Đông vậy. Vua Quang Trung cũng có những cung hành tại, nhưng rất tiếc sử sách viết về những cung điện ấy đã bị thiêu hủy hết từ đầu triều Nguyễn. Nhưng may sao, các nhà thơ trọng thần của vua Quang Trung như Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm đã để lại cho chúng ta ít nhiều thông tin về những cung điện bên ngòai Đô thành Phú Xuân thời ấy.
Lời nguyên dẫn bài thơ Phụng thị ngự doanh khâm ngọan nhãn kính (vào hầu ở ngự doanh vua xem kính đeo mắt, kính ghi), Ngô Thì Nhậm viết: "xa giá về cung hành tại, tôi ngồi chờ ở Phù Bảo viện (nơi giữ ấn tín của vua)"[2]
Lời nguyên dẫn cho biết vua Quang Trung có một cung hành tại để "về". Cung hành tại phải lớn thì ở đó mới có một Phù Bảo viện riêng.
Vậy thì Cung hành tại ấy của vua Quang Trung tên gì? và ở đâu ?
Ngày 29.7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung mất. Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh (Quang Toản). Vì uy tín của vua Quang Trung rất lớn, nhà nước Trung Hoa lúc ấy đã có những nghi lễ đón tiếp trọng thị. Điều đó làm cho Ngô Thì Nhậm càng cảm niệm công ơn to lớn của vua Quang Trung. Trong khi đang xúc động ấy, ông đã viết bài Cảm hoài (xúc động trong lòng) và ghi một lời chú ở dưới bài thơ. Câu 8 bài thơ: "Đan Dương cung điện nhật tam thu" (Trông về điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu). Tác giả chú: "Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hòang ta" như tôi đã dẫn ở trên. Đây là một nguyên chú ở dưới bài thơ chứ không phải là một câu thơ trong một bài thơ. Nguyên chú nầy là một tư liệu lịch sử vô giá.
Bài thơ và lời chú cho biết vua Quang Trung có một cung điện tên là Đan Dương, cung điện này ở vùng núi, sau đó được sử dụng làm lăng cho vua Quang Trung, nên gọi là Sơn Lăng.
Không những trong bài Cảm hoài mà trong nhiều bài thơ khác, Ngô Thì Nhậm cũng nhắc đến Đan Dương Lăng, Đan Lăng. Xin trích một số dẫn chứng:
- Bài thơ "Đạo ý" có viết "Vọng Đan Dương" [3]
- Bài "Khâm vãn Đan Dương Lăng" (Kính viếng lăng Đan Dương)
- Bài "Sóc vọng thị tấu nhạc, Thái Tổ miếu, cung ký"[4] (Ngày lễ rằm, mồng một tấu nhạc miếu Thái Tổ, kính ghi) có câu: "Đan Lăng thức mục tử vân thâm" (Chốn Đan Lăng ngước mắt, áng tử vân âm u)
- Bài "Tòng giá bái tảo Đan Lăng, cung ký" (Theo xa giá đi bái tải Đan Lăng, kính ghi) [5].Trong bài thơ này lại có câu: "Sơn Lăng vạn cổ điện Thần kinh" (Sơn Lăng muôn thuở là nơi yên nghỉ tinh thần).
Người em rể của Ngô Thì Nhậm là Phan Huy Ích cũng đã nhiều lần đề cập đến Đan Lăng. Trong một bài thơ xướng họa với ông anh vợ đồng triều, Phan Huy Ích tâm sự về nỗi nhớ tiếc cuộc gặp gỡ của hai người với vua Quang Trung, khó lòng tìm được một cuộc gặp gỡ như thế nữa. Trước khi viết bài thơ mang số 282, ông đã viết một nguyên dẫn với câu:
"Khúc Đan Dương ở trước mặt, muôn nỗi cảm hoài ". [6]
Năm 1799, bà Thái Vũ hoàng hậu Lê Ngọc Hân mất, Phan Huy Ích viết hộ cho vua Quang Toản một điếu văn, tác giả đã để lộ cho biết triều Quang Toản đã thỏa mãn nguyện vọng muốn được mãi mãi ở cạnh Quang Trung của bà Ngọc Hân, triều đình đã cho táng bà bên cạnh lăng vua Quang Trung, tức Đan Dương. Điếu văn có đọan:
"Nguyện cũ hẳn nay lọn vẹn
Bên Đan Lăng quanh quất mạch liên châu" [7]
Ngoài kinh thành Phú Xuân, không rõ vua Quang Trung có mấy cung hành tại (hành cung); qua thơ văn của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, chúng ta biết được vua Quang Trung có ở vùng núi một cung điện có tên là Đan Dương. Sau ngày vua Quang Trung mất, cung điện Đan Dương được chuyển làm lăng của vua Quang Trung với cái tên gọi Đan Lăng, Đan Dương Lăng hay Sơn Lăng. Đan Lăng là lăng đỏ. Ngày xưa đặt tên đất theo Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), những di tích phía nam có mang ý nghĩa đỏ (phía bắc màu đen, phía đông màu xanh, phía tây màu trắng và trung tâm màu vàng). Như thế, vị trí của Đan Lăng nằm về phía nam của Kinh đô Phú Xuân lúc ấy.
Hai chữ Sơn Lăng cũng gợi lên hình ảnh cái lăng ở vùng núi. (Trong thực tế, vùng đồng bằng xứ Huế hay bị ngập lụt, lăng mộ của vua chúa thường nằm trên vùng núi cả). Đan Lăng tọa lạc ở vùng núi nào ?
Đứng trước câu hỏi nầy tôi bổng nhớ đến chuyện ông Heinrich Schliemann - một thương gia Đức đã dựa vào hai bộ sử thi Illiade và Odyssée của Homère để khai quật (1870) di chỉ Thành Troie bị vùi sâu trong lòng đất hơn 2000 năm trước và tìm thấy "Kho báu Priam" ở phía Đông Bắc bán đảo Xiasia.
Heinrich Schliemannvà sơ đồ Thành Troie. TL Internet
Heinrich Schliemann là người Đức, đi khai quật một di chỉ được biết đến trong chuyện thần thọai ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn hai ngàn năm trước mà thành công. Chúng ta có đến hàng chục câu thơ và nguyên chú của các trọng thần thời Quang Trung và nhiều tài liệu khác nữa về lăng Đan Dương, và chỉ cách chúng ta mới hơn hai trăm năm (1/10 thời gian của Thành Troie với Heinrich Schliemann) ở ngay trên đất Huế, vô lẽ chúng ta không trả lời câu hỏi nầy được sao ?
Khát vọng trả lời câu hỏi nầy cháy bỏng trong tôi gần 1/4 thế kỷ qua.
Chú thích Kỳ (I)
[1]Ngô Thì Nhậm Tác Phẩm tập II, Nxb Văn Học & TTNC Quốc Học, HN. 2001, tr.369-370
[2]Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Nxb KHXH, H. 1978, t.I, tr.213-214
[3]Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, t.I, tr.228
[4]Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, t.I, tr.230
[5]Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, t.I, tr.230
[6]Thơ văn Phan Huy Ích, t.III, Dụ Am ngâm lục, KHXH, H. 1978, tr.43
[7] Hoàng Thúc Trâm, Quốc văn đời Tây Sơn, Vĩnh Bảo, Sg. 1950, tr.40.