Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Nằm mộng gặp hoa bích đào, Nhớ công chúa Ngọc Hân...
___________Bùi Thụy Đào Nguyên
Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng có lần phát biểu, lịch sử Việt Nam thường pha trộn truyền thuyết và hiện thực. Mà cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa là một ví dụ cụ thể.Theo khảo cứu của giáo sư, chi tiết cành hoa đào bích xuân Kỷ Dậu 1789 là chuyện không hề xảy ra. Thế nhưng, người dân Việt hầu như ai cũng biết và tin câu chuyện đẹp đẽ này có thật và xem đó như là biểu tượng của một tình yêu mãi sáng trong.
I. Vắn tắt tiểu sử Lê Ngọc Hân (1770 - 1799) "Người quý giá thế này, thực không hổ thẹn là em dâu của ta"( Nguyễn Nhạc)
*
Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (tức 25-5-1770) là con vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền. Bà có nhan sắc, thông minh, lại giỏi thơ văn.
Năm 1786, anh hùng "áo vải cờ đào" Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh", Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ và theo ông về Thuận Hóa.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Quang Trung, trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, đã sắc phong Ngọc Hân làm Hữu cung hoàng hậu.
Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc cung hoàng hậu.
Năm 1792, Quang Trung Hoàng Đế đột ngột băng hà...
II. Về cái chết của Lê Ngọc Hân Có nhiều giả thuyết về cái chết của Bắc cung hoàng hậu, song thuyết đáng tin cậy nhất và được nhiều người đồng tình là:
2.1 Theo bản phả ký họ Nguyễn Ngọc ở làng Phù Ninh, huyện Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh thì Ngọc Hân mất ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (tức 4-12-1799).
Khi đó Phan Huy Ích đang là một trọng thần của nhà Tây Sơn, đã soạn giúp năm bài văn tế.Cả năm bài này, đều có chép trong Dụ Am văn tập.
Và cũng theo viên quan này thì tang lễ của Ngọc Hân được tổ chức rất trọng thể và được an táng tại Huế, 16 tháng trước khi Nguyễn ánh đánh chiếm Phú Xuân.
Bài viết của PGS Chu Quang Trứ còn cho biết thêm chi tiết :
"Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. (Lăng mộ Quang Trung, người đương thời gọi là Đan Lăng hay Đan Dương lăng. Tháng 11 Tân Dậu (1801), 6 tháng sau khi chiếm được Phú Xuân, Gia Long đã cho phá hủy lăng mộ Quang Trung, san thành bình địa. Từ đó đến nay đã hơn 200 năm, Đan Lăng bị mất dấu. Vị trí Lăng này ở đâu vẫn là điều bí ẩn đối với biết bao thế hệ các nhà nghiên cứu. Và điện Đan Dương có thểở kề cận nơi chôn cất vua Quang Trung- người soạn ghi thêm )
Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì mất, lúc ấy mới 29 tuổi. ( vì lý do gì cũng không thấy nêu cụ thể)"
2.2 Và cũng chính vì không biết rõ vì sao Bắc cung chết trẻ, nên có nhiều lời đồn đoán như sau:
-Ngọc Hân bị ép uống thuốc độc:
Ngô Tất Tố trong "Lược sử công chúa Ngọc Hân" (Thi văn bình chú, Hà Nội 1952)ghi :
Sau khi nhà Tây Sơn thất bại, Ngọc Hân và các con đều đổi tên họ lẻn vào một làng thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhưng chẳng bao lâu thì bị phát giác, Ngọc Hân phải uống thuốc độc tự tử, còn hai con đều bị thắt cổ chết.
Đồng ý kiến này, trên web dactrung.net, ở mục bài viết có bài "Bắc Cung Hoàng Hậu", không thấy ghi tên người soạn, mô tả thêm :
Khi Nguyễn Quang Toản, con dòng lớn lên nối ngôi, bọn họ ngọai mà đứng đầu thái Sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, nội bộ triều Tây Sơn xảy ra lục đục liên miên.
Ngọc Hân và hai con phải đổi tính danh trốn vào sống lẫn với dân chúng ở Quảng Nam. Không lâu sau, bị phát hiện và bị bắt, Ngọc Hân uống thuốc độc quyên sinh, hai con bị thắt cổ chết, đó là năm Kỷ Mùi (1799) khi bà mới 29 tuổi.( tác giả không nói rõ phe nào đến bắt, bọn họ ngoại của vua Quang Toản hay quan quân của Nguyễn Ánh?-người soạn ghi thêm)
-Ngọc Hân được bình yên chết ở quê nhà:
Theo bài "Triều Nguyễn với Lê Ngọc Hân" đăng trên tạp chí Xưa và Nay, Đỗ Đức Hùng viết :
Trước đây trong một số bài viết của mình, tôi cũng theo ý kiến cho rằng công chúa Ngọc Hân đã mất từ trước khi triều Tây Sơn bị sụp đổ hoàn toàn.
Song khi đọc kỹ lại "Quốc sử di biên", tập thượng, bản dịch Sài Gòn 1973, tr.136., tôi thấy tác giả đời Nguyễn là Phan Thúc Trực (1808 - 1852), chép rõ ràng như sau:
" Nguyên năm Bính Ngọ (1786) niên hiệu Lê Cảnh Hưng, vua Lê gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Đến khi nhà Tây Sơn mất, công chúa lại về ở tại mẫu quán là làng Phù Ninh. Tại đây, tháng 5 năm Giáp Tý (1804) công chúa nhà cựu Lê là Ngọc Hân tạ thế.Kẻ hàng thần hiện nhậm chức quan tại huyện Đông Ngạn xin làm tang lễ cho cố công chúa, nhà vua chấp thuận, dân làng Phù Ninh làm từ đường thờ cố công chúa"
Với tư cách là bộ sử tư nhân, ghi chép và bổ sung những sự kiện mà quốc sử còn bỏ sót hoặc đề cập đến chưa chính xác, được biên soạn vào khoảng đầu thời vua Tự Đức (khoảng 1851 - 1852), quốc sử di biên đã cung cấp những thông tin quan trọng:
- Có thể là hai người con của bà Ngọc Hân với Nguyễn Huệ đã bị giết hại sau khi nhà Tây Sơn bị sụp đổ, nhưng riêng Lê Ngọc Hân vẫn còn sống mà trở về quê mẹ là làng Phù Ninh.
- Bà Lê Ngọc Hân đã qua đời tại quê nhà vào tháng 5 năm Giáp Tý (1804) và đã được vua Gia Long nhà Nguyễn cho phép làm tang lễ và nhân dân làng Phù Ninh đã xây dựng từ đường để thờ bà. Điều này có thể hiểu được vì chính vua Gia Long đã lấy em gái của Lê Ngọc Hân, nên ông vua này không thể không nể tình ...
Cùng quan điểm này là tác giả Nhất Thanhtrong bài viết "Công chúa Lê Ngọc Hân...", tạp chíVăn sử địa,số 21, Sài Gòn, 1971.cũng cho rằng khi triều Tây Sơn sụp đổ, Lê Ngọc Hân có bị bắt cùng với hai con hoặc ở Huế hoặc ở nơi khác. Vua Gia Long đã sai giết hai con bà một cách kín đáo, còn riêng Lê Ngọc Hân thì cho về quê mẹ vì nghĩ tình vừa lấy em bà là Lê thị Ngọc Bình làm vợ...
III . Về cái chết của 2 người con Ngày Phú Xuân thất thủ, hai con Ngọc Hân đã trên 10 tuổi.Và cũng theo Lê tộc phả ký thì người anh trai hơn đứa em gái 2 tuổi.
Lý do khiến hai đứa trẻ vương giả này mất đi, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau:
3.1 Không ghi lý do chết:
-Theo PGS Chu Quang Trứ :
" Tiếp theo, triều đình Cảnh Thịnh lục đục và suy yếu, ngày càng bị tập đoàn Nguyễn Ánh đe dọa. Hai con bà phải đổi sang họ Trần, nhưng rồi với sự sụp đổ của triều Tây Sơn, theo tộc phả họ Nguyễn Đính, ngày 18 tháng 11 năm Tân Dậu (23-12-1801), hoàng tử Nguyễn quang Đức mất khi mới 12 tuổi, rồi ngày 17 tháng 4 năm Nhâm Tuất (18-5-1802) công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo cũng mất khi mới 10 tuổi."
-Đại Nam Thực lục, bộ chính sử của nhà Nguyễn, nhân năm 1842 phá hủy đền thờ Ngọc Hân ở Phù Ninh cũng chỉ ghi rất mơ hồ:
"Nguyên người xă ấy là Nguyễn Thị Huyền làm cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có người con gái là Lê Ngọc Hân, sau gả cho ngụy (Nguyễn) Huệ, sinh được 1 trai và 1 gái, Ngọc Hân chết, con trai, con gái cũng chết non cả".
Phần "Biệt lục" của tộc phả Nguyễn Đính có ghi khá hơn, nhưng cũng không cho biết rõ nguyên do cái chết:
Bà Nguyễn Thị Huyền ( mẹ của Ngọc Hân, vợ vua Lê Hiển Tông) thương con gái và các cháu ngoại đều chết yểu nơi xa.
3.2 Bị thắt cổ chết, nhưng không ghi rõ ai giết:
Ngô Tất Tốở bài viết đã trích dẫn bên trên, ghi khá rõ: "Sau khi nhà Tây Sơn thất bại ...Ngọc Hân phải uống thuốc độc tự tử, còn hai con đều bị thắt cổ chết."
3.3 Bị nhà Nguyễn hành hình, thuyết này được nhiều người tán đồng:
-Trích sách Việt Nam Sử lược- Triều Tây Sơn của Phan Trần Chúc:
Khi thành Phú Xuân mất, Quang Toản phải chạy ra Bắc, thì Ngọc Hân nhờ sự che chở của một bầy tôi cũ, mang hai con chạy vào Quảng Nam, đổi tên 2 con ra họ Trần( Trần Văn Đức, Trần thị Ngọc Bảo)và khai mình là vợ một người Bắc vào mua bán ở Phú Xuân, gặp cơn loạn lạc không biết chồng trôi giạt nơi đâu...
Sau có kẻ tố giác nên quan tỉnh bắt mẹ con bà giam cầm. Kết cục, Ngọc Hân phải nhận chén thuốc độc để chết trước, vì không muốn nhìn thấy cảnh hai con bị nhà Nguyễn hành hình...
-Và trong bức thơ đề ngày 16 tháng 7 năm 1801 của Barizy, một sĩ quan người Pháp, tháp tùng cùng Nguyễn Ánh vào chiếm Phú xuân đã ghi lại như sau:
"Nhà vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị (Quang Trung). Tôi đến đó họ ở trong một phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả năm công chúa: một cô 16 tuổi theo tôi là một cô gái đẹp,có tất cả 5 công chúa, một cô 16 tuổi, theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà Công chúa Bắc kỳ (Ngọc Hân) em này cũng coi được, còn ba cô nữa cũng từ 16 đến 18 tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương.
Ngoài ra còn có 3 con trai, có một em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà công chúaBắc kỳ thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương".
Trong thư của Barizy, ta không thấy ghi sự có mặt Hoàng hậu Ngọc Hân mà ông ta đã gọi là "Công chúa Bắc kỳ".Và nếu ta tin theo 2 tư liệu sau, thì 2 con của Ngọc Hân đã bị nhà Nguyễn bắt được và bị xử án chết.
IV. Mồ mả của Ngọc Hân 1. Khi xưa:
-Theo bài viết "Bắc Cung Hoàng Hậu" mà tôi có nói ở phần trên, ghi:
Nghe tin Bắc Cung hoàng hậu và 2 con chết thảm, Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ đẻ ra Ngọc Hân, lúc đó sống ở quê Phù Ninh (tục gọi là làng nành, tỉnh Bắc Ninh) liền thuê người vào Quảng Nam lấy trộm được xác con và hai cháu ngoại đem về mai táng tại làng rồi cho dựng miếu thờ.
Gần 50 năm sau, dưới thời Thiệu Trị, miếu bị đổ nát.
Một ông tú người làng Nành nhớ công lao của Chiêu Nghi họ Nguyễn đối với dân làng, đã quyên tiền tu sửa ngôi miếu.
Không ngờ có tên phó tổng cùng làng vốn thù riêng với ông tú, đã cất công vào Huế tâu vua việc thờ "bọn ngụy Huệ".
Triều đình Huế liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật ba ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông. Ông tú kia bị trọng tội. Tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Đăng Giai cũng bị giáng chức.
- Phần "Biệt lục" của tộc phả Nguyễn Đính, tuy có khác một vài chi tiết, nhưng đa phần sự việc xảy ra cũng tương tự:
Bà Nguyễn Thị Huyền (mẹ của Ngọc Hân, vợ vua Lê Hiển Tông) thương con gái và các cháu ngoại đều chết yểu nơi xa. Nên vào năm 1804, bà thuê người vào Phú Xuân lấy hài cốt của ba mẹ con rồi cải táng vào giờ Ngọ ngày mồng 9 (16-7-1804).
Nơi đó nay là Bãi Cây Đại hay Bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành, xã Phù Ninh ( nay là xă Ninh Hiệp - Gia Lâm, Hà Nội)
Sự việc này, bộ Đại Nam thực lục ghi tiếp ở năm 1842: "Khoảng năm đầu Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xă Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích".
Vẫn theo tộc phả họ Nguyễn Đính và kết hợp truyền thuyết địa phương, thì sau này có người trong làng tố giác việc làm trên nên vua Thiệu Trị đă cho phá hủy đền thờ ở dinh Thiết Lâm, quật mộ ba mẹ con Ngọc Hân, đổ hài cốt xuống sông - nơi này sau dân lập đền ghềnh thờ bà; chánh tổng bị lột da, tri phủ bị cách chức.
Bộ sử Đại nam thực lục năm 1842 cũng xác nhận: "Tới đây, việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy".
Từ năm 1842 dinh Thiết Lâm bị phá, nền dinh bỏ hoang thành đất công của làng, nhưng dân vẫn gọi là "Vườn Dinh" và dựng lên đây một "Miếu cô hồn" kín đáo thờ Ngọc Hân.
Măi gần trăm năm sau, đến năm 1937 họ Nguyễn Đính đổi đất với làng lấy lại một phần nền dinh Thiết Lâm và lập lại đền thờ bà Nguyễn Thị Huyền cùng với Ngọc Hân.
Đồng thời, tại bãi cây Đại, cùng với việc sửa lại mộ bà Nguyễn Thị Huyền, dân làng cũng đắp nấm mộ tượng trưng (mộ gió) của mẹ con Ngọc Hân, tương truyền là chính chỗ mà năm 1842 bị Thiệu Trị quật phá...
2. Và hôm nay:
a. Tiếng kêu cứu từ phần mộ Ngọc Hân công chúa:Nguồn http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2006/5/8/147834.tno, ngày08/05/2006 ( trích ) :
Ông Nguyễn Đình Kiu là cháu đời thứ 5 của Công chúa Ngọc Hân. Hiện nay, ông hơn 70 tuổi, là người kiên trì làm đơn kiến nghị gửi đến các cấp xin tôn tạo phần mộ và đền thờ Công chúa vắn số này trong suốt 26 năm qua...
Đến năm 1990, được chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ là ông Phạm Thế Duyệt , một đoàn cán bộ nghiên cứu khoa học của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã đến điều tra xem xét và kết luận:
"Việc hài cốt của danh nhân Lê Ngọc Hân và hai con chôn tại miền Trung được mẹ là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, tìm cách đem về chôn tại bãi Cây Đại, làng Phù Ninh, nay là xã Ninh Hiệp và được cúng giỗ tại dinh Thiết Lâm của bà Nguyễn Thị Huyền là sự kiện có thật.
"Với ý nghĩa nhiều mặt, Lê Ngọc Hân đã có thời gian gắn bó với quê ngoại khi sống cũng như khi chết. Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội tán thành với ý kiến của Hội đồng khoa học là nên tạo dựng một hình thức xứng đáng tại xã Ninh Hiệp ở khu mộ bãi Cây Đại, hoặc ở tại một điểm trang trọng trên nền đất khu dinh Thiết Lâm cũ".
Vậy mà cho đến nay,( tính thời điểm bài báo ra ngày 8/5/2006), đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày có sự chỉ đạo đó( năm 1990), việc xây dựng khu tưởng niệm Công chúa Ngọc Hân, vợ của người anh hùng, vẫn chưa được bắt tay thực hiện...
...Và tượng bà Nguyễn Thị Huyền trước đây được để trong nhà thờ thì đã bị ai đó gói vào bao tải cũ đặt ở nhà kho trạm xá đã bỏ hoang, mạng nhện bùn đất đầy đầu, đầy mặt tượng.Tới nay tượng được "đối xử" khá hơn một tí, có vải che mặt, trùm đầu, song vẫn bị đưa vào tạm trú ở nhà kho của "nhà văn hóa" xã.
Còn phần mộ của Ngọc Hân công chúa hiện nay chỉ còn là một cái nấm thấp lè tè khoảng 20cm, bề ngang chỉ độ 50cm, dài chừng 2 thước.... (Theo Hồng Hạc)
b. Mộ tưởng niệm công chúa Ngọc Hân (Hà Nội): Nguy cơ bị biến mất.
( trích ):
...khu mộ mộ bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền (mẹ của Ngọc Hân, vợ vua Lê Hiển Tông) cùng mộ Ngọc Hân nằm lọt thỏm giữa những căn nhà hai ba tầng...
Xung quanh khuôn viên được xây bằng hàng ngạch tạm bợ và đầy những vật liệu xây dựng ngổn ngang. Chỉ tính khuôn đất dành riêng cho hai ngôi mộ này thì nhiều lắm cũng chỉ 10m2
Riêng ngôi mộ "tưởng niệm" Ngọc Hân thì quá thô sơ. không bia, không tên, tuổi; chiều dài chỉ khoảng 2m, rộng 60cm và cao 20cm..
(Báo Pháp luật & đời sống, số ra ngàyThứ Năm, 21/06/2007)
V. Ý của người soạn để thay lời kết Người soạn nghiêng về ý kiến: Ngọc Hân mất ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799), lúc ấy mới 29 tuổi. Còn lý do chết trẻ của cả 3 mẹ con: bị bệnh nặng rồi mất hay bị ai đó giết, ta đành phải chờ ý kiến của các nhà sử học.
Việc cải táng rồi bị phá bỏ mồ mả của mẹ con bà tôi tin vào Đại Nam thực lục, là bộ chính sử của nhà Nguyễn.
Ngẫm cuộc đời Lê Ngọc Hân tuy ngắn ngủi, nhưng bà thực sự là một nhân vật lịch sử, một nữ sĩ tài hoa, một người vợ tuyệt vời với nhiều phẩm hạnh cao quí, thật xứng đáng là người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu ở thế kỷ ấy.
Và cuộc đời của bà cũng đâu thiếu cảnh éo le: Ngọc Hân lấy vua Quang Trung đó chỉ là vì hiếu đối với cha, vì xã tắc nhà Lê nhưng lại bị Tôn thất của nhà Lê ruồng bỏ vì cho bà ăn phải "bã" của Tây Sơn nên đã "phản phúc"...
Ấy vậy mà gần 50 năm sau khi bà đã mất đi, nghịch cảnh đen đủi vẫn còn đeo bám: không ngờ có kẻ đã kể trên, chắc chắn nhân cách chẳng ra gì, đã cất công vào tận Huế tố cáo việc thờ "bọn ngụy Huệ". Khiến vua Thiệu Trị hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, khai quật cả ba ngôi mộ của mẹ con bà, vứt tất cả hài cốt xuống sông...
Vậy là lăng mộ cùng thân xác của người "anh hùng áo vải" cũng chẳng còn; chút hài cốt của người vợ trẻ cùng 2 con thơ dại của người hùng anh ấy cũng chẳng còn ; còn chăng chỉ là ba nấm mộ gió nằm lặng lẽ, hiu quạnh... được người dân thủa xưa kia yêu mến lén lút đắp lên& thờ cúng như những"cô hồn"!...
Thật lòng mấy câu thơ trong bài "Ai Tư Vãn" mà Ngọc Hân dành để tếvua Quang Trung:
Cuộc tụ, tán, bi, hoan kíp bấy,
Kể sum vầy đã mấy năm nay?
Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu?...Tôi tin người góa bụa trẻ vương giả này không chỉ khóc cho chồng, cho sự rạn nứt chóng vánh của một triều đại, mà còn để khóc cả cho thân phận mình !...
Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn.
( Bạn đọc xem toàn bộ bài "Ai Tư Vãn " tại địa chỉ :
http://annonymous.online.fr/Thivien/viewpoem.php?ID=1922)
Phần soạn thêm :
1. Nhân đây xin được đính chính :
Số đâu có số lạ đời,
Con vua mà lại hai đời chồng vua.Đó là hai câu ca dao vẫn còn lưu truyền trong dân gian tại vùng đất cố đô Huế cho đến những năm đầu thế kỷ XX. Nó phản ánh một thực tế lịch sử. Song cái nguy hại là nhiều người đã hiểu lầm câu ca dao kia ám chỉ vào công chúa Lê Ngọc Hân. Thậm chí, một tác giả đã viết cả một bài báo.
Đó là một sự lầm lẫn.Thực tế, Ngọc Hân chưa từng bao giờ lấy vua Gia Long mà đó chính em gái của bà tên Lê Thị Ngọc Bình, người vợ trẻ đẹp của vua nhà Tây sơn Nguyễn Quang Toản.
2.Vài lời với những tác giả có tư liệu mà tôi đã sử dụng:
Với tấm lòng muốn "ôn cố tri tân"," dân ta phải biết sử ta"; và cũng chỉ nhằm mục đích chia sẻ, không vụ lợi; tôi mong những tác giả có tư liệu mà tôi đã trích dẫn trong bài viết, xin vui lòng lượng thứ vì lỗi "sử dụng không xin phép trước".
Chào trân trọng. BTĐN
Ảnh minh họa :
Bảo tàng Quang Trung tại Tây Sơn, Bình Định
Mộ Nguyễn Thị Huyền,có miếu thờ nhỏ
"Mộ gió" Lê Ngọc Hân nằm phía bên phải ảnh,( không hiểu sao ngay cả nơi này,
người ta cũng đem phơi đủ loại quần áo ...)
[ Trở Về ]