Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]         Tác giả  ]

 
Tống Thị Quyên

Một Bi Kịch Chốn Vương Triều Nhà Nguyễn
___________

Bùi Thụy Đào Nguyên

I - Mở đầu bi kịch

Nguyễn Phúc Cảnh (NPC), 4 tuổi phải rời mẹ cha, rời quê hương, theo Giám mục Bá-đa-lộc sang Pháp. Rồi Cảnh ăn ở chung với Đức Cha này & được giáo dục y như một chủng sinh thì bảo sao hoàng tử trẻ kia không mê đạo Chúa, không tiêm nhiễm tư tưởng, lối sống của người phương Tây cho được..

Còn nói về người thầy của NPC & cũng là vị Giám mục trên, ông là người quá sốt sắng, quá hăm hở trong việc rao truyền, phát triển đạo Thiên Chúa tại xứ sở mà đạo Nho còn đang chiếm ưu thế. Cho nên đôi lúc ông chưa thật khôn khéo, còn lắm sơ hở, để ý đồ lộ liễu quá. Như có lần ông khuyến dụ cả  Nguyễn Phúc Ánh (NPA) theo đạo (Sử triều Nguyễn chép : năm 1787, Bá-đa-lộc thuyết phục vương theo đạo, trước là để làm gương cho sĩ phu noi theo, thứ đến là nhân dân trong nước. Nhưng vương không nghe... ); như ông ra sức uốn nắn vị hoàng tử vừa kể trên, mà ông tin là sẽ người kế vị, sẽ giúp ông sớm đạt được mục đích ... (xin xem chú thích 1. Nội dung trong lá thư này là một trong những nguyên do chính khiến  NPC mất ngai vàng, vợ cùng con cháu nhiều đời bị đại họa)

Còn NPA (Sau này là vua Gia Long. Sinh năm 1762, mất 1820  ), từ nhỏ đến khi lên ngôi báu năm 40 tuổi (1802), ông đã trải qua bao lần "cái chết trước mắt " và không biết bao nhiêu nỗi khổ nhọc khôn lường. Vừa 4 tuổi, cha mất. 16 tuổi chỉ riêng mình ông chạy thoát rồi được tướng sĩ tôn làm chúa soái, thay thế Duệ tông &Mục tông bị Nguyễn Huệ (Nhà Tây Sơn) bắt rồi giết chết năm 1776. Những dịa danh như Phú Quốc, Xiêm La & nhiều tỉnh thuộc Miền Tây VN đều có in sâu dấu chân bôn ba của ông. Ngai vàng giành lại quá khó nhọc, nên NPA luôn lo sợ, luôn dè chừng, luôn nghi kỵ kẻ khác dòm ngó, sanh tâm cũng là điều dễ hiểu ( việc giết Đỗ Thanh Nhơn, việc gián tiếp bức tử Nguyễn Văn Thành, việc giết chết Đặng Trần Thường, việc không đặt ngôi Tể tướng vì sợ bị chuyên quyền vv... Sợ sa đà vào việc khác nên tôi mong quí đọc giả tự tìm hiểu trong các sách viết về triều Nguyễn ).

Còn việc NPA với giám mục Bá-đa-lộc, những viên sĩ quan người Pháp như Chaigneau & Vannier cùng một số lính đánh thuê khác mà Bá-đa-lộc tuyển mộ được, là mối tình " có qua có lại ", "bằng mặt chứ không hẳn bằng lòng ". Cho nên nhà vua cố che giấu ý nghĩ không ưa đạo Thiên Chúa cùng những người phương Tây, để họ dốc hết tâm sức xây dựng thành lũy, bày vẽ & huấn luyện quân sự vv... phục vụ cho công cuộc phục quốc !

Bởi vậy, Nguyễn vương vừa thất vọng vừa chua xót vì không nhận được chút gì từ chính phủ Pháp mà con trưởng của mình thì bị "Tây hóa " qua hành động như không chịu lạy nơi Thế miếu, theo đạo Thiên Chúa, quá thân thiện với  người phương Tây ... (2)

Phải chăng vì thế, dù đã lập ngôi thái tử cho NPC, là dòng chính thống, để tạm yên lòng tướng sĩ, thần dân trong buổi đầu của một đế chế non trẻ; nhưng vua vẫn ra lệnh mẹ Cảnh nhận hoàng tử Đảm làm con thứ tư của mình vào năm 1793 ( Nguyễn Phúc Đảm lúc ấy, mới lên 3 tuổi, con bà Thuận Thiên, vợ thứ. Ở đây ta đã thấy ý đồ của vua lộ rõ. Nhưng giả sử, Cảnh không mất sớm thì sao nhỉ ? sẽ có một bi kịch khác chăng ?)

Thế rồi y như trời xui khiến, NPC chết vì bệnh "đậu mùa " lúc 22 tuổi sau khi  Bá Đa Lộc mất được 18 tháng (Mẹ Cảnh sinh 3 con trai là Nguyễn phúc Cảnh, Nguyễn Phúc Hy, Nguyễn Phúc Noãn. Và  tất cả đều mất sớm). Thái tử bỏ lại người vợ trẻ đẹp tên Tống thị Quyên và 2 con trai là Mỹ Đường ( còn có tên là Đán ) & Mỹ Thùy ( còn có tên là Kính ).

Sau khi NPC, chết Gia Long cứ dần dừ việc lập ngôi thái tử dù tuổi đã khá cao. Theo tôi nghĩ thì lúc bấy giờ, nước nhà vừa mới tạm yên binh lửa nhưng lòng dân đã yên đâu, binh mã vẫn còn ở trong tay các đại thần muốn tôn lập dòng đích. Nên lúc bấy giờ vua bận rộn lo củng cố vương quyền , lo truy diệt tàn dư của nhà Tây Sơn ( Những bản án vua dành cho vua quan nhà Tây sơn rất tàn khốc, cũng chính là để răn đe cho bất kỳ những ai, kể cả những tâm phúc, rằng chớ có manh tâm chống lại ông  )

Do vậy, nhà vua đâu vội gì gây mích lòng các tướng lãnh cùng vào sinh ra tử với mình. Cả về sau này, ta thấy trước khi quyết định người kế vị, nhà vua cũng đã dè dặt hỏi ý kiến để thăm dò bụng dạ họ ( chứ  lòng vua đã chọn rồi ). Cơ khổ cho mấy ông quan võ ít học, trực tính như : Nguyễn Văn Thành, Lê văn Duyệt trả lời thẳng là : Phải lập hoàng tôn ( ám chỉ Đán), không được bỏ dòng đích ( Chính vì vô tình hay cố ý ? không hiểu thâm ý vua nên sau này 2 ông đều gặp họa lớn ). Chỉ có Trịnh Hoài Đức, là văn thần nên trả lời một câu vừa mát bụng cha, vừa mát bụng con : "Hiểu con không ai hơn cha. Đèn nhà ai nấy biết. Xin Bệ hạ cao minh tự định đoạt lấy ! "

Xét khi ấy, hai con của NPC là Đán & Kính, tức cháu nội vua Nguyễn, đã hai mươi ngoài tuổi, đủ sức nối ngôi; lại được trong triều ngoài dân ủng hộ vì đấy là con của người ít nhiều cũng có công gầy dựng vương triều, lại là dòng đích rất phù hợp thông lệ truyền ngôi từ xưa ở chốn cung đình.

Vậy mà NPA vẫn không chọn một trong hai cháu. Gia Long giận ghét con rồi ghét giận luôn các cháu sao? Điều này, cũng có thể vì nhà vua vốn là "Khi công việc xong rồi, ... ngài lấy những chuyện nhỏ nhặt, đem giết hại những người có công với mình ... " (Việt Nam sử lược. tr424. Trần Trọng Kim ). Và sâu xa hơn, chính là vì "sợ rằng tư tưởng của Bá-đa-lộc ... cũng sẽ ảnh hưởng đến những đứa con của Hoàng tử Cảnh " ( A. Schreiner trong Abrégé de l'histoire d' Annam. Saigon, 1906 )

Còn hoàng tử Đảm, vốn là người hay bài xích đạo Thiên Chúa gay gắt và không có chút cảm tình nào với người Pháp. Điều này rất hạp thâm ý muốn rủ bỏ món nợ ân tình của những người khác nòi giống đã đến giúp, nên Đảm rất được vua yêu thương. Ta thấy điều này thể hiện rõ trong bản di chúc : "... hãy đối xử tử tế với người Âu, nhưng hết sức cảnh giác trước các tham vọng của họ "...

Nào ngờ đứa con "ngoan " này, không hoàn toàn theo đúng tinh thần của cha trăn trối "Minh Mạng nhanh chóng tuyệt giao với người Pháp & các thừa sai; lãnh sự Pháp không được thừa nhận, đặc sứ Pháp không được tiếp kiến, thuyền trưởng Pháp không được lên bờ... và các chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa liên tiếp được ban hành... " (Việt Nam thế kỷXIX. Nguyễn Phan Quang. Nxb T. p. ) mở màn cho một chính sách "bế môn tỏa cảng " rất tai hại  cho đất nước về sau..

II. Màn chánh bi kịch

Tống thị Quyên, chồng là Hoàng tử NPC vừa kể. Bà những tưởng con sẽ thay cha kế vị ngai vàng, nào ngờ chỉ trong phút chốc, tai họa ầm ầm giáng xuống trên đầu. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi chép sự kiện thê thảm này như sau   Năm Minh Mạng thứ năm (1824), có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột là Tống thị. Tống thị vì thế bị dìm nước cho chết, còn Mỹ Đường thì phải giao trả hết ấn tín & dây thao, đồng thời bị giáng xuống làm thứ dân, con trai con gái chỉ được biên chép phụ ở phía sau sổ tôn thất. Năm Minh Mạng thứ bảy (1826), Mỹ Thùy lại bị quân lính ở đạo Dực Chẩn kiện, sắp bị đưa cho đình thần nghị tội thì Mỹ Thùy bị bệnh mà mất, lúc ấy chưa có con cái gì. Vua cho lấy con trưởng của Mỹ Đường là Lệ Chung, tập phong làm Ứng Hòa Hầu để lo việc phụng thờ Anh Duệ Hoàng Thái Tử (tức Hoàng tử Cảnh )...

Tưởng bi kịch đến đó là hết, nào dè đến năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), vì sợ con cái của Lệ Chung nhờ cha mà hưởng phúc ấm, nên triều thần lại tiếp tục nghị tội, buộc con trai con gái của Lệ Chung là Lệ Ngân, Thị Văn, Thị Dao đều phải giáng làm thứ nhân. Mãi đến năm Tự Đức thứ hai (1848), khi Mỹ Đường bị bệnh mất, dòng dõi của Hoàng tử Cảnh mới tạm yên ở phận dân thường !

III. Vài bình phẩm về bi kịch

 Trong Việt Sử Giai Thoại tập 8, tr. 12, nxb Giáo Dục. Tác giả Nguyễn Khắc Thuần có lời bình đáng suy gẫm như sau : ... Thời ấy, có 2 tội thuộc hàng đại ác không thể tha, ấy là bất trung & thất đức. Bất trung thì con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh (tức Đán ) chẳng có biểu hiện gì, vậy thì Minh Mạng muốn được yên vị trên ngai, ắt phải khép Mỹ Đường vào tột thất đức là thông dâm với mẹ !...

Theo Nguyễn thị Chân Quỳnh chép từ ĐẠI NAM VIỆT QUẤC TRIỀU SỬ KÝ, không rõ tác giả, ấn bản 1879, cũng đã nhận định như sau :

Minh-Mệnh lên ngôi là do sự quyết định của Gia-Long, không phải do mưu mô, giành giật mà chiếm được ngai vàng. Nhưng đối trước những phản ứng bất thuận lợi của một số triều thần mà sau 5 năm trị vì nhà vua vẫn không dẹp nổi, có thể Minh-Mệnh đã ra tay "trừ hậu hoạn ". Nếu các con Đông Cung chết, hoặc không còn hi vọng lên nối ngôi thì bọn phản thần, bọn làm giặc ... sẽ như rắn không đầu, còn dựa vào đâu mà mưu mô mà chống đối ? ... Và cũng có thể vì vụ này mà lệ "Tứ bất lập " (26) của nhà Nguyễn ra đời. "Tứ bất lập " là không lập Chánh Cung, không lập Đông Cung, không lập Tể tướng và không lấy ai đỗ Trạng-nguyên... để ngăn ngừa mầm họa.

Riêng Võ Hương Giang viết trên Web ngày 16/2/ 2006 thì có ý khác  : Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt là 2 gương mặt lớn lúc bấy giờ. Sau khi ông Thành chết, Gia Long mới ra quyết định tối hậu chọn Hoàng tử Đảm kế vị ; đồng thời gửi gắm vị vua trẻ này cho một văn, một võ là Phạm Đăng Hưng & Lê Văn Duyệt. Trong bối cảnh như thế, thử hỏi Mỹ Đường cùng dòng đích có đủ can đảm chống lại không ? Liệu có đại thần nào dám ủng hộ, dẫu là ngấm ngầm không ?...

Tác giả nói thêm : đây là vụ án không có bản án. Nó có tính cách "thanh lý nội bộ " hơn là công khai. Vì nội dung vụ án là chuyện thương luân bại lý, làm điếm nhục gia phong, chẳng tốt đẹp gì để làm to chuyện, phơi bày ra cho bàn dân thiên hạ đàm tiếu !...

Người viết còn dẫn giải rộng & xa hơn : "Xin nhớ rằng vu án Mỹ Đường xãy ra năm 1824, nghĩa là 5 năm sau Mimh Mạng lên ngôi ( ngày nay 5 năm là thời gian để hoàn thành 1 kế hoạch lớn ). Vậy thì thời xưa, 5 năm cũng đủ để vua củng cố địa vị một cách vững vàng tuyệt đối. Lẽ thường tình, khi không có dấu hiệu đe dọa, không ai xuống tay nặng nề trong hoàn cảnh tương quan lực lượng như thế, thử hỏi vua Minh Mạng có cần phải làm cái trò nhổ tận gốc không ?...

Sau khi phân tích, tác giả kết luận : Vụ Mỹ Đường không phải là 1 vụ án chính trị !

Và  ý của người soạn bài này :

Triều Minh Mạng cầm quyền có 3 vụ án lớn xảy ra : vụ Mỹ Đường (1824), vụ Lê Văn Duyệt (1835) và vụ Lê Chất (1835). Nhưng 2 vụ sau, sử sách nhà Nguyễn ghi khá rõ ; chỉ riêng vụ đầu tiên thì sử quan viết rất ít & rất mù mờ như đã ghi trên, khiến tôi nảy ra nhiều nghi vấn  :

1/ Người tố cáo là ai, cớ gì không thể nêu tên đối với việc hệ trọng liên quan đến danh dự & quyền lợi của cả một dòng họ ?  Mỹ Đường, ví dụ có là người nghiện dâm dục đi nữa, là công hầu, thiếu gì thị nữ bên cạnh, đứa con này có cần thiết phải thông dâm với mẹ ruột không ? Còn Tống thị, là người nữ có chức phận, ít nhiều cũng được giáo dục theo khuông phép và phải sống trong một cung đình xem trọng đạo Nho ở vào thế kỷ XIX, thử hỏi có người mẹ nào đi ăn ở với chính con ruột của mình không ? ...

2/Vì sao Lê văn Duyệt tâu kín rồi cũng chính ông thi hành án?

 Võ Hương Giang viết bên trên : đây là vụ án không có bản án. Nó có tính cách  "thanh lý nội bộ " hơn là công khai. Vì nội dung vụ án là chuyện thương luân bại lý ...

Tôi thử hỏi nếu cần che giấu, nhà vua thiếu gì cách giết rồi đổ cho một lý do hay một bệnh nào đó, có phải dễ nghe hơn  không. Nếu cần ém nhẹm vì việc đáng xấu hổ, những dòng chép trong chính sử kia làm gì có để người đời sau thêm thắc mắc. Và cần chi đến ông Tả quân đứng ra xử lý nhanh 1 phụ nữ tay yếu chân mềm. Vậy phải chăng đấy là một ý đồ đen tối, dùng thủ đoạn dàn dựng, gán cho một tội danh "đại ác ", rồi nhanh chóng giết người bịt khẩu, nhầm hạ uy tín và triệt hạ vĩnh viễn dòng đích, nhầm ly gián Lê văn Duyệt với dòng này mà từ lâu vị tổng trấn Gia định là đại diện cho một thế lực đang ủng hộ ...

3/Tác giả Võ hương Giang còn hỏi : ... Minh Mạng có cần phải làm cái trò nhổ tận gốc không ?

Tôi xin thưa ngay là cần lắm đấy. Vì Minh Mạng, tuy là người có công rất lớn về nhiều mặt cho vương triều nhà Nguyễn, cho đất nước nhưng qua những hành động như ra lệnh truy tội của Lê văn Duyệt, ra lệnh giết gần 2000 người rồi vùi xác chung mồ (Mả Ngụy - cuộc khởi nghĩa của Lê văn Khôi ), vụ án Thoại Ngọc Hầu (tôi đã có bài viết riêng cũng đăng trên web dactrung. net ), vụ án Lê Chất ( xin bạn đọc xem sách ) vv... Đến nhiều năm sau, Trần Trọng Kim còn bình phẩm nhà vua trong sách Việt Nam sử lược như thế này : Chính trị của vua Minh Mạng tuy có nhiều điều hay, nhưng cũng cónhiều điều dở. Ngài biết cương mà không biết nhu, biết có uy quyền mà ít độ lượng ...

Và theo ý tôi, Minh Mạng cần làm điều này vì các con cháu dòng thứ của ông. Giả dụ có người mưu phản, đưa chiêu bài ủng hộ con cháu Hoàng  tử Cảnh thì sao ? Việc ông áp dụng "tứ bất lập ", "rất hạn chế & rất thận trọng trong việc cắt đặt người trong hoàng tộc tham chính & nắm giữ binh quyền ", bỏ chức danh Tổng trấn, chia cắt Bắc thành & Gia Định thành, thành nhiều tỉnh ... chính là để tóm thâu quyền lực, thiết lập vai trò thống trị cho dòng tộc mình bám chắc ngôi báu dài lâu. Tuy rằng Minh Mạng không giết các con của anh , nhưng ta thấy nhà vua luôn để mắt & xiết chặt  họ, dù họ đã cam phận sống cuộc đời thứ dân.

Xin trích vài dòng cũng trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện : Mỹ Đường có tội phải ở nhà riêng, thường đến thăm con ở xã An Hòa, có người (lại có người ? ý của người soạn ) cho là trốn, tâu lên. Nhà vua bảo rằng : Hành vi của nó hơn là chó lợn, trẫm nghĩ cái tình của Anh Duệ Hoàng thái tử nên không nở làm tội. Nay lại nghe kẻ bậy bạ xui khiến, muốn làm gì chăng ? vua liền sai thị vệ đi bắt về, phái binh canh giữ ...

 IV. Tạm khép lại bi kịch

Tất cả những vai chính phụ trong vở bi kịch trên, giờ đây đều đã nằm sâu dưới đáy mồ. Ở bài viết này tôi không hề có ý luận công hay tội của ai, vì qua sách vỡ tôi được biết ở bất cứ chốn cung đình nào, phía sau những vàng son rực rỡ, cũng đều đầy dẫy những tham vọng, những mưu mô đen tối, thấp hèn ... Mấy hôm rày, lúc tra tài liệu để viết về Tả Quân Lê Văn Duyệt, vô tình tôi bắt gặp vai chánh nữ của bi kịch ấy.

Đọc những chữ dòng biên chép ít ỏi trong chính sử, lòng càng thêm buồn. Vì đâu, chỉ vì một lời cáo buộc của một người vô danh rồi không cần xét xử, vội vã ra lệnh dìm nước giết chết một con người. Và, dẫu gì bà cũng là một vương phi, bởi đâu sử sách chẳng thể ghi lại một dòng tiểu sử, để giờ đây ta chỉ biết người góa bụa bạc phận ấy chết năm 1824 cùng một tội danh đau lòng trên !

 Ghi chú: (1)Trong một lá thư gửi từ Pondichéry (20-3-1785) cho Giám đốc HộiiTruyền giáo nước ngoài, Ba-đa-lộc viết : "Tôi cần sự giúp đỡ của quý vị trong việc giáo dục vị Hoàng tử bé nhỏ do tôi phụ trách. Tôi muốn dậy theo truyền thống đạo Thiên Chúa. Hoàng tử mới lên 6 tuổi mà đã biết đọc kinh và hết lòng mộ đạo và rất mến tôi chứ không nhớ gì đến cha mẹ hay các bà nhũ mẫu. Nếu sau này cha của Hoàng tử (chỉ Gia Long ) có xoay ra thân thiện với người Anh hay người Hòa-lan thì hẳn quý vị cũng thấy việc dậy dỗ, uốn nắn ông Hoàng nhỏ bé này hữu ích biết chừng nào... (2) Một tư liệu nữa là, trong một lá thư đề ngày 11/4/1801 gửi cho Letondal. L. Barisy viết rằng : ... Đông Cung là người đã ra mặt che chở cho tất cả những người Âu, đã bảo vệ cho đạo Thiên Chúa... đích thực là một người bạn thành thật ...

Thêm vài tư liệu có liên quan  :

A - Quan Khâm Sai Lê Văn Duyệt  bài của Hoa Hạ trên net : Ngoài ra khi vua Minh Mạng, vì tư thù và vì sợ bị mất ngôi, đem xử tội Tống Thị Quyên, vợ của Hoàng Tử Cảnh, một cách oan uổng, thì chỉ một mình Lê Văn Duyệt can đảm dâng sớ lên vua xin tha tội cho người này. Việc làm của ngài không khỏi làm cho Minh Mạng bực tức, giận ghét ngài thêm ...

B - Đông Cung nhật trình. Bài của Nguyễn thị Chân Quỳnh trên net: ... Và cũng có thể vì vụ này mà lệ "Tứ bất lập " của nhà Nguyễn ra đời. "Tứ bất lập " là không lập Chánh Cung, không lập Đông Cung, không lập Tể tướng và không lấy ai đỗ Trạng-nguyên. Không lấy ai đỗ Trạng, không lập Tể tướng là để giữ vững chủ quyền của Hoàng đế. Không lập Chánh Cung và Đông Cung phải chăng vì mẹ của Minh-Mệnh chỉ là Thứ Phi chứ không phải là Chánh Cung, do đó Minh-Mệnh không thể đương nhiên lên ngôi Đông Cung vốn dành cho dòng chính ?

Có người cho rằng "Tứ bất lập " do Gia-Long đặt ra nhưng Hoàng tử Cảnh đã lên ngôi Đông Cung năm 1794, mẹ là Vương Hậu Tống thị thì được lập làm Hoàng Hậu năm 1806, rõ ràng dưới thời Gia-Long lệ "Tứ bất lập " chưa có. Lệ này do Minh-Mệnh đặt ra hợp lý hơn bởi Minh-Mệnh mới phải đương đầu với những khó khăn do dòng chính thống gây ra. Đọc Đại Nam Thực Lục Chính Biên, chỉ thấy Minh Mệnh có "Phi " mà không thấy có "Hoàng Hậu ", có "Hoàng Trưởng Tử " mà không thấy có "Đông Cung ".
Sau khi bài này đăng trên Hợp Lưu tôi mới được đọc Delvaux R. P. trong "L'Ambassade de Minh Mạng à Louis Philippe ", BAVH, Oct. Déc. 1928. Không rõ lấy tài liệu ở đâu hay cũng chỉ do suy luận, Delvaux viết rằng chính Minh-Mệnh -vì sợ bị đối nghịch, tranh cướp ngôi- đã giết các con của Đông Cung...

 C - Việt sử giai thoại tập 8. Nguyễn Khắc Thuần.
Trích một đoạn ở tr. 45 nói về vụ án của Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, một công thần vào hàng bậc nhất, để hiểu thêm về vua Gia Long & Minh Mạng : . Thương hại thay ! Vua Gia long lúc đầu tha con cho con của Nguyễn văn Thành, nhưng sau đó lại bắt giết Nguyễn văn Thuyên, ( vì hai câu thơ nghĩa ýthật mơ hồ "Thử hồi nhược đắc sơn trung đế, Tá ngã kinh luân chuyển hóa cơ ". Tạm dịch : Sơn tể phen này mong gặp gỡ, giúp nhau xoay đổi hội cơ này. Người soạn viết thêm ). Vậy mà về sau, vua Minh Mạng còn bắt giết hết 4 người con còn lại cùng với gia thuộc của họ !

Lời người soạn : Với số tư liệu không nhiều nên trong bài viết đôi khi khó tránh khỏi ý chủ quan, võ đoán của tôi. Điều mà người viết về đề tài lịch sử nên tránh. Cho nên qua bài viết chỉ có tính cách gợi mở này, tôi mong những nhà nghiên cứu về triều Nguyễn, những bạn đọc quan tâm ... bổ sung thêm về người phụ nữ cùng dòng tộc không may này. Nếu bà có tội thì cần nêu thêm chứng lý, còn nếu không đủ bằng chứng, sử sách hôm nay cũng nên nói kỹ càng hơn, để trả lại thanh danh cho một con người, dù thân xác ấy từ lâu đã hòa cùng cát bụi...

Bùi Thụy Đào Nguyên


 [  Trở Về  ]