Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]                 [  Mục Lục  ]

Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm

*
12. Thời Nguyễn Mạt - thuộc Pháp (1885-1945)
với 
60 năm phong phú của văn hóa Việt Nam cận hiện đại

Lê Văn Hảo

"... do tác động của chính sách khai thác thuộc địa và ảnh hưởng của văn hóa, văn minh Pháp và phương Tây, nền kinh tế, văn hóa và xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến lớn theo hướng hiện đại hóa ..."
 Thời Nguyễn Mạt - thuộc Pháp trong lịch sử

Thời này kéo dài 60 năm, từ khi kinh đô Phú Xuân - Huế thất thủ (1885) tới lúc Bảo Đại thoái vị (tháng 8-1945), gồm ba vua chính thức : Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đều bị Pháp đày qua Algérie và đảo Réunion, còn lại là ba vua bù nhìn do Pháp đặt để : Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại.

Tác dụng quan trọng của thời này là, do tác động của chính sách khai thác thuộc địa và ảnh hưởng của văn hóa, văn minh Pháp và phương Tây, nền kinh tế, văn hóa và xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến lớn theo hướng hiện đại hóa.

Đặc biệt thời này cũng là 60 năm phong phú của văn hóa Việt Nam cận hiện đại trong nhiều lãnh vực khác nhau.
 

Sự ra đời và bước đầu phát triển của nền báo chí Việt Nam (1865-1945)

Tờ đầu tiên là Gia Định báo, ra ngày 1-2-1865 tại Sài Gòn, do Trương Vĩnh Ký phụ trách. Tờ thứ hai là Phan Yên báo, do Diệp Văn Can phụ trách. Tờ thứ ba là Nông Cổ Mín Đàm. Đến năm 1919 xuất hiện tờ Lục Tỉnh tân văn, do Nguyễn Háo Vĩnh làm chủ bút. Đây là tờ báo ra hàng ngày và viết toàn bằng chữ quốc ngữ.

Ở miền Bắc, tờ báo đầu tiên bằng quốc ngữ kèm chữ Hán là tờ Đại Việt tân báo, do Đào Nguyên Phổ làm chủ bút. Sau đó là các tờ Đăng Cổ tùng báo(1908 do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút), Đông Dương tạp chí (1913, do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ nhiệm), Nam Phong tạp chí (1917 do Phạm Quỳnh làm chủ bút.

Ở miền Trung, Huỳnh Thúc Kháng ra tờ Tiếng Dân (1927-1943).

Trước 1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng có hai tờ báo Khúc Tiêu Sầu và Con Đường Chính. Về mặt khoa học nhân văn, quan trọng nhất là hai tạp chí Thanh Nghị và Tri Tân (1941-1945).
 

Văn học dân gian, văn học cổ điển và văn học chống Pháp

Sau 1885, nhiều tác phẩm dân gian xuất hiện, đặc sắc nhất là Vè thất thủ kinh đô là áng vè lịch sử bằng chữ Nôm dài khoảng 2.000 câu, một tác phẩm của dân chúng Thừa Thiên-Huế.

Văn học cổ điển rất phong phú, gồm hơn 50 tác giả. Nguyễn Đình Chiểu (1822-1880) là tác giả truyện nôm Lục Vân Tiên (1862) dài 2.076 câu lục bát. Kế là Nguyễn Khuyến (1835-1909) và Tú Xương (tức Trần Tế Xương, 1870-1907) là hai nhà thơ trào phúng tài tình nhất cuối thế kỷ 19. Nguyễn Khuyến còn là nhà thơ hàng đầu viết về thiên nhiên và nông thôn Việt Nam. Tàn Đà (Nguyễn Khắc Hiếu, 1888-1939) được xem như dấu nối giữa lớp các nhà thơ cổ điển và lớp các nhà thơ mới trước 1945. Trần Tuấn Khải (1895-1983) viết được một số bài thơ trữ tình sâu sắc.

Văn học chống Pháp thời này đã có những tên tuổi như Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh (1872-1926), Nguyễn An Ninh (1899-1943), Phan Văn Hùm (1902-1945), Tạ Thu Thâu (1905-1945).
 

 Hai hiện tượng văn học lớn : Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới

Tự Lực Văn Đoàn ra đời năm 1932 và hoạt động cho tới mùa thu 1945, do hai nhà văn Nhất Linh và Khái Hưng sáng lập, gồm Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Trần Tiêu…

Văn đoàn chủ trương tuyên truyền cải tạo xã hội, đòi bãi bỏ hủ tục ở nông thôn, giải phóng phụ nữ, cổ võ tự do yêu đương và tự do hôn nhân. Văn đoàn đã thành công khi phê phán lễ giáo cũ, đả kích chế độ gia trưởng, mẹ chồng nàng dâu, mẹ ghẻ con chồng và cảm thông với những người nghèo khổ nhất trong xã hội.

Văn đoàn đã tặng giải thưởng cho nhiều nhà văn, nhà thơ lớn đương thời và xuất bản nhiều tác phẩm hay, đi sâu vào tâm hồn nhân vật, đề cao những truyền thống tốt đẹp của gia đình và xã hội với lời văn thanh thoát, nhẹ nhàng và trong sáng.

Thơ Mới ra đời trong thập niên 1930. Tình Già của Phan Khôi là bài thơ mới đầu tiên đăng trên Phụ Nữ Tân Văn ngày 10-3-1932 ; tiếp đó một loạt nhà thơ trẻ xuất hiện, viết báo ca tụng thơ mới, đả kích thơ cũ và công bố những bài thơ mới hấp dẫn. Về hình thức, thơ mới không hạn chế số câu số chữ, không có niêm luật, không có phép đối. Về nội dung thơ mới khác thơ cũ chủ yếu về tâm tư tình cảm. Mỗi nhà thơ một vẻ, họ ca ngợi phong cảnh thiên nhiên, say sưa với sắc đẹp và tình yêu lãng mạn, hoặc đi tìm cuộc sống giang hồ phiêu lãng trong mơ mộng, hay gởi hồn vào trong những trầm tư triết học và tôn giáo.

Nhà thơ mới nào cũng muốn phô bày những cảm nghĩ chân thực nhất. Những nhà thơ mới được biết tới nhiều là Thế Lữ, Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lư, Xuân Diêu, Huy Cận, Huy Thông, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Nhược Pháp… Họ đã để lại cho nền văn học Việt Nam những áng thơ bất hủ rất mới mẻ cả về xúc cảm lẫn phong cách và ngôn ngữ.
 

 Khoa học nhân văn thời Nguyễn Mạt

Huình Tịnh Của (1834-1907) là người đầu tiên giới thiệu văn hóa Việt Nam bằng chữ quốc ngữ, ông là tác giả của Truyện giải buồn, Tục ngữ cổ ngữ gia ngôn, Sách gia lễ, Sách quan chế, Phép toán, Phép đo…, phiên âm một loạt truyện nôm từ Thoại Khanh - Châu Tuấn tới Chinh Phụ Ngâm, quan trọng nhất là Đại Nam quốc âm tự vị (1895-1896) cuốn tự điển tiếng Việt bằng quốc ngữ đầu tiên cắt nghĩa các từ bằng tiếng Việt.

Trương Vĩnh Ký (1837-1894) đã để lại một sự nghiệp văn hóa lớn: 118 tác phẩm lớn nhỏ, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Biết vững vàng 11 ngôn ngữ châu Á, 15 sinh ngữ và tử ngữ phương Tây, ông đã soạn nhiều tự điển, kể cả Tự điển danh nhân An Nam, cùng với Sử ký An Nam, Chuyện khôi hài, Chuyện đời xưa, Hát, Lý, Hò An Nam, Phép lịch sự An Nam... Nói tóm lại, ông đã đóng góp phần thật to lớn cho sự phát triển văn chương quốc ngữ và bảo tồn di sản văn hóa nước nhà trong thời kỳ thành lập nền quốc văn mới cuối thế kỷ 19.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), chủ bút của nhiều tờ báo tiếng Việt và tiếng Pháp, đã xây dựng tủ sách Âu Tây tư tưởng, đã dịch ra tiếng Việt nhiều tác phẩm lớn của nền văn học Pháp, từ Molière, La Fontaine tới Victor Hugo, Honoré de Balzac... Văn dịch thuật của ông thông thoát và giản dị, đã ảnh hưởng nhiều tới nền quốc văn đương thời. Ông còn là người đầu tiên dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp.

Phạm Quỳnh (1892-1945) đã cho ra đời một khối lượng công trình biên khảo đồ sộ, được tập hợp lại trong hai bộ Nam Phong tùng thư và Thượng Chi văn tập. Ông đã có công giới thiệu và dịch thuật nhiều tác giả văn học, triết học Pháp. Công trình lớn lao nhất là tạp chí Nam Phong (1917-1934) đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần ở nước ta đầu thế kỷ 20 trong việc phổ biến tư tưởng và văn hóa Á-Âu.

Trần Trọng Kim (1887-1953) là một học giả uyên bác, tác giả của Nho giáo, Lão giáo, Phật lục, Vũ trụ đại quan, Đường thi, Việt thi, Việt Nam văn phạm (viết chung với Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm)... Công trình có giá trị và được phổ biến rộng rãi là cuốn Việt Nam sử lược.

Đào Duy Anh (1904-1988) là nhà nghiên cứu văn hóa đã để lại cho chúng ta Đất nước Việt Nam qua các đời, Nguyễn Trãi toàn tập, Tự điển truyện Kiều, Chữ Nôm nguồn gốc cấu trúc và diễn biến…

Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) là tác giả của những cuốn Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử, Chinh phụ ngâm bị khảo…

Trần Văn Giáp (1902-1973) đã viết Phật giáo Việt Nam, Tìm hiểu kho sách Hán-Nôm, Luợc truyện các tác giả Việt Nam…

Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), nhà dân tộc lớn nửa đầu thế kỷ 20, đã để lại nhiều công trình nghiên cứu đặc sắc như Hát đối đáp của thanh niên thiếu nữ tại Việt Nam, Hội đền Phù Đổng, Thành Hoàng Lý Phục Man…
 

Mỹ thuật

Có ba công trình kiến trúc lớn phải nhắc tới :

- Nhà thờ Phát Diệm là một quần thể gồm 5 nhà thờ, mỗi ngôi mỗi kiểu cách, dung hòa hai truyền thống mỹ thuật Đông và Tây. Tạo ra công trình này là linh mục Sáu, người đã lãnh đạo công cuộc xây dựng trong suốt 23 năm (1876-1899). Nhà thờ này đẹp ở sự quí trọng và đề cao truyền thống kiến trúc của dân tộc nên nó rất giống một ngôi đình Việt Nam qui mô lớn.

- Lăng Khải Định được xây dựng từ 1920 tới 1931 mới xong. Từ dưới đi lên lăng phải trèo 109 bậc để tới ba lớp mặt lăng. Lớp thứ nhất có hai điện, lớp thứ hai có bái đình và hai tượng chầu, nhà bia và bia đá. Từ bái đình phải leo thêm 47 bậc mới tới điện Thiên Định thờ vua.

- Gác Khuê Văn được xây dựng năm 1805 trong khuôn viên Văn miếu-Quốc tử giám. Tuy không to lớn lắm nhưng có tỷ lệ hài hòa, đây là một công trình nhẹ nhàng và thông thoáng, hòa hợp hoàn hảo với phong cảnh thiên nhiên chung quanh…

Cũng cần phải nói tới Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1925-1945) là một trường đại học gồm ba ban hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Victor Tardieu, giám đốc đầu tiên của trường, là người biết tôn trọng truyền thống mỹ thuật Việt Nam : ôÂng đã tích cực đề cao và khuyến khích môn vẽ tranh lụa. Một giáo sư Pháp khác là Inguimberty, giảng dạy hai môn sơn dầu và trang trí, đã góp phần cùng với các giáo sư và sinh viên của trường vào công cuộc sáng tạo nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
 

 Nghệ thuật sân khấu

Ba thành tựu lớn của ngành này là sự phát triển của hát bội và sự ra đời của nghệ thuật cải lương và kịch nói.

Nghệ thuật hát bội thời Nguyễn Mạt đã phát triển mạnh nhờ hai nghệ sĩ tên tuổi :

- Đào Tấn (1845-1907), người đã chỉnh lý các tuồng cổ như Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương và sáng tác nhiều vở tuồng mới như Diễn võ đình, Trầm hương các... ;

- Nguyễn Hiển Dĩnh (1853-1926) vừa là nghệ nhân vừa là tác giả nhiều vở tuồng nổi tiếng như Lục Vân Tiên, Võ Hùng Vương (tức là vở Ngoại tổ dâng đầu)… và vở tuồng hài Trương Đồ Nhục với lời văn nôm na gần với văn học dân gian nên rất được quần chúng ái mộ.

Sân khấu cải lương ra đời vào thập niên 1920, gắn liền với tên tuổi những nghệ sĩ lớn như Cao Văn Lầu, Năm Châu, Năm Phỉ, Phùng Há, Ba Du, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Tám Danh, Út Trà Ôn, Uùt Bạch Lan, Nhị Kiều, Bảy Bá (tức Viễn Châu)… với những vở diễn nổi tiếng như Phụng Nghi Đình, Tô Ánh Nguyệt, Nửa Đời Hương Phấn, Lan và Điệp…

Khoảng mươi năm sau khi cải lương ra đời ở miền Nam thì nghệ thuật kịch nói xuất hiện ở Hà Nội trong thời khoảng 1932-1945, do ảnh hưởng của nền kịch nghệ Pháp với những bậc thầy như Alfred de Musset, Sacha Guitry... Những nhà soạn kịch Việt Nam đầu tiên như Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ… đều nhận mình là học trò của họ. Từ những năm 1932-1935 đã xuất hiện những vở kịch rất ăn khách như Nghệ sĩ hồn, Mơ hoa, Gái không chồng, Cuối mùa… của hai nghệ sĩ nói trên. Đến 1936 Thế Lữ và một số nghệ sĩ khác đã thành lập ban kịch Tinh Hoa. Rồi hàng loạt kịch thơ ra đời mở đầu là Tiếng địch sông Ô của Huy Thông.
 

 Sự ra đời của tân nhạc (1935-1945)

Sự ra đời của tân nhạc gồm hai giai đoạn : thời kỳ mở lối (1935-1938) và thời kỳ phát triển (1938-1945).

Trong thời gian đầu, các nhạc sĩ dùng các điệu nhạc, bài ca thời thượng của nhạc ngoại, đặt lời Việt phổ biến, được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Trong số đó, có bài Hà nhật quân tái lai, ca khúc Trung Hoa, Shina No Yoru, ca khúc Nhật, nhiều bài ca Pháp như J'ai deux amours, các sáng tác của Vincent Scotto do Tino Rossi trình diễn trong phim và trên sân khấu. Cũng có lời ca Việt cho một số nhạc phẩm cổ điển như Dạ khúc (Shubert), Trở về mái nhà xưa (Retour à Soriento)...

Tiếp đến là sự ra đời của vài bản nhạc ngắn thuần Việt còn thô kém như Thu trên đảo Kinh Châu ; mấy bài đó nhanh chóng chìm vào quên lãng trước các sáng tác tài danh của Đặng Thế Phong, Tô Vũ, Văn Cao, Phạm Duy, Lê Thương, Doãn Mẫn, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Hoàng Trọng... Mở đầu những bản hùng ca có Hoàng Quý, Lê Hữu Mục, Hùng Lân ; rồi những bản nhạc kích thích tinh thần dân tộc do Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Phan Huỳnh Điểu... Một tuyên ngôn về nhạc mới đã cổ xúy cho phong trào tân nhạc do ba người ký : Lưu Hữu Phướùc, Trần Văn Khê, Nguyễn Tôn Hoàn. Phạm Duy là nhạc sĩ hát rong nổi tiếng ở khắp ba kỳ. Tất cả đã xây dựng nền móng vững chắc cho tân nhạc Việt Nam.

Lê Văn Hảo
(Paris)


 [  Trở Về  ]