Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam
*
Xứ Hoa, Người Hoa
Trên đại vùng văn hóa Nam BộLê Văn Hảo
Từ thế kỷ 16-17, người Việt từ các xứ Thanh Nghệ Huế Quảng đã lần lượt đến sinh sống ở miền đất Nam Bộ. Không lâu sau đó, ở các thế kỷ 18-19 họ đã trở thành thành phần chủ thể trong cộng đồng cư dân miền này ; họ đã cùng các tộc người tại chỗ lúc ấy (Stieng, Mạ, Khmer...) và những nhóm người mới nhập cư (Hoa, Chăm, Ấn...) khai phá miền châu thổ Đồng Nai và Cửu Long hoang vu thành một miền kinh tế trù phú. Sớm cảm nhận được đặc điểm của thiên nhiên Nam Bộ, người Việt đã lập nên những vùng quần cư dưới những tên gọi dân gian gợi cảm, vừa rất thân quen vừa rất hiện thực. Đó là những miệt giồng, miệt vườn, miệt cù lao, miệt kênh, miệt thứ, miệt U Minh, miệt dưới, miệt trên..., mỗi miệt đều có những đặc điểm địa hình kinh tế - dân cư riêng.
Những miệt vừa kể trên thuộc về hai vùng địa hình dân cư lớn : vùng phù sa cổ châu thổ sông Đồng Nai và vùng đồng bằng mới châu thổ sông Cửu Long, nơi đó một sắc dân đa số là người Việt và hai sắc dân thiểu số là người Hoa và người Khmer đã sinh sống hòa thuận và hữu nghị bên nhau trong nhiều thế kỷ để có được nhiều đóng góp tốt đẹp vào nền văn hóa văn minh Việt Nam đa sắc tộc.
Xứ Hoa-người Hoa, văn hóa Hoa trên đại vùng văn hóa Nam Bộ
Trong những năm gần đây, một số công trình tổng hợp xuất sắc của học giả Việt và Hoa, cá nhân hay tập thể, trong nước hay ngoài nước đã giúp chúng ta hiểu biết khá đầy đủ về người Hoa, đáng kể nhất là Người Hoa tại Việt Nam (Nguyễn Văn Huy, Paris, 1993), Tìm hiểu sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt-Hoa trong lịch sử (Phạm Đức Dương, Châu Thị Hải chủ biên, Hà Nội, 1998), Người Hoa ở Nam Bộ (Phan An, Sài Gòn, 2005). Người Hoa với số dân hiện nay là khoảng trên dưới một triệu người, sống rải rác ở nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam, và tập trung đông nhất là ở các quận 5, 6 và 11, Sài Gòn), với khoảng hơn nửa triệu người gồm các nhóm địa phương gọi theo địa danh quê hương xưa : Quảng Đông, Triều Châu (Tiều), Hải Nàm, Phúc Kiến, Hạ Phương (Hẹ). Mỗi nhóm kết lại với nhau thành bang, mỗi bang có trường học, bệnh viện, ngân hàng, chùa miếu, nghĩa trang... riêng.
Người Hoa rất cần mẫn, siêng năng, làm nhiều nghề. Làm ruộng thì ít nhưng sở trường của họ là thủ công, mỹ nghệ, công nghiệp nhẹ và nặng, nhất là buôn bán từ nhỏ tới lớn và dịch vụ từ trong nước tới quốc tế. Tùy theo tài sản nhỏ hay lớn, xã hội người Hoa phân ra thành nhiều giai cấp và tầng lớp khác nhau nhưng rất quí trọng nhau, do tính cộng đồng dân tộc và địa phương cũng như tinh thần tương thân tương trợ giữa họ rất mạnh, đáng là mẫu mực cho nhiều sắc dân khác.
Ngôn ngữ người Hoa thuộc ngữ hệ Hán-Tạng nhưng chia ra thành nhiều phương ngữ, thổ ngữ, trong đó tiếng Quảng Đông là phổ biến nhất.
Người Hoa theo Phật giáo đại thừa, Khổng giáo và Lão giáo nhưng về thực chất có lẽ khó có thể nói tính cách của họ thiên về tôn giáo, tín ngưỡng. Vào nhà người Hoa thấy ngay rất nhiều bàn thờ, trang thờ ngoài sân, trong nhà, trên cao, dưới đất. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, gia đình người Hoa thờ rất nhiều vị thần bảo trợ, từ Ngọc Hoàng tới ông Địa. Người Hoa cũng rất gắn bó với thần Tài, ông Bổn, đức Quan Âm, bà Thiên Hậu và nhiều nữa.
Nhưng người ta vẫn có cảm tưởng rằng họ là một sắc tộc rất thực tiễn và thực dụng : họ tha thiết muốn các mối quan hệ với mọi người cũng như với chư thần đều hữu hảo để dễ bề làm ăn sinh sống.
Đám cưới người Hoa, một biểu hiện thuần phong mỹ tục độc đáo
Là một sắc tộc chịu ảnh hưởng lâu đời của Khổng giáo, người Hoa rất trọng lễ nghĩa, thể hiện qua tam thư, lục lễ (lập ba văn bản, cử hành sáu nghi lễ) nhất thiết phải có trong mỗi cuộc hôn nhân truyền thống. Đầu tiên là lễ vấn danh: nhà trai xuất trình một tờ giấy đỏ (hồng điều) ghi rõ tên tuổi, ngày giờ, năm tháng, nơi sinh của cô dâu, chú rể cho hai bên tường tận. Liền sau đó là lễ nhận bốc: đại diện cả hai gia đình mang tấm giấy đỏ ấy lên chùa đặt trên bàn thờ cùng với hoa quả dâng cúng để thỉnh ý bồ tát xem hai trẻ có hợp duyên hay không. Tiếp theo là lễ hòa đồng: nhà trai đem trầu cau, bánh trái sang nhà gái, kèm theo một loan thiệp viết trên giấy đỏ ; nhà gái nhận lễ và trả lời ngay bằng một phụng thư, cũng trên giấy đỏ, nội dung hai văn bản đều nói thuận tình cho đôi trẻ thành thân.
Sau đó là lễ gặp mặt để thỏa thuận về sính lễ : ít nhất có hai bàn tiệc để hai họ vui vẻ thỏa thuận về tiền bạc, nữ trang, tơ lụa, thực đơn đám cưới (yến sào, vi cá, bào ngư...). Hai món heo quay và bánh ngọt do nhà trai mang tới sẽ được đem chia ngay cho bà con hai họ để báo tin vui. Các điều khoản sính lễ này cũng ghi vào tờ giấy hồng điều. Tiếp đó là lễ văn định: nó quan trọng vì có tấm thiệp ghi rõ tên tuổi cô dâu chú rể, ngày giờ, nơi chốn cử hành hôn lễ, kèm theo lời chúc lành. Tấm thiệp hồng này cũng được để trên bàn thờ tổ tiên hai họ. Rồi đến lễ cưới: tờ hôn thư (chưa phải là giấy hôn thú) được thành lập với các chữ ký đôi bên cha mẹ, cô dâu chú rể và những người chứng hôn.
Sáu nghi lễ trên gọi là lục lễ và có thể kéo dài trong nhiều ngày. Còn tờ vấn danh, tờ văn định và tờ hôn thư được gọi là tam thư.
Đến ngày cưới, buổi sáng xe hoa tới nhà gái. Thường cha mẹ không đi, chú bác đi thay cùng với anh chị em họ nhà trai. Đến nơi, cô dâu nhờ anh em trai hay chị em gái ra xe đón chú rể. Nhưng tới ngưỡng cửa thì bên nhà gái bắt đầu cản trở ; chú rể phải chuẩn bị rất nhiều phong bao đỏ đựng tiền lì xì mới lọt được vô nhà để làm lễ trước bàn thờ tổ tiên nhà gái.
Rước dâu ra khỏi nhà, cả đoàn đám cưới phải đi lòng vòng dạo phố cho thiên hạ biết. Về tới nhà trai đã 5-6 giờ chiều. Cha mẹ, hay bác của chú rể lấy một bó đũa gõ nhẹ lên đầu đôi trẻ tượng trưng cho sự gắn bó sắt son. Sau đó đôi trẻ lạy Trời Phật, tổ tiên, cha mẹ, vợ chồng lạy nhau rồi mời trà và tiếp tục lạy chú bác, anh chị, bạn bè.
Chùa miếu đền người Hoa và những lễ hội tưng bừng náo nhiệt
Hàng trăm ngôi chùa đền miếu lớn nhỏ của người Hoa có mặt ở nhiều tỉnh thành của đất nước. Tại Sài Gòn Chợ Lớn, hiện nay có hơn 20 nơi thờ phượïng công cộng do các bang người Hoa bỏ tiền ra xây. Có hai nơi được nhắc tới nhiều nhất:
- Điện Ngọc Hoàng (phường Đa Kao, quận 1) là cơ sở tín ngưỡng lớn và cổ xưa nhất của người Hoa ở Sài Gòn, với ngày đại lễ mồng 9 tháng Giêng và bốn ngày vía lớn : rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười và mồng 6 tháng 11 âm lịch, thu hút hàng vạn tín đồ người Hoa lẫn người Việt. Do giá trị kiến trúc độc đáo của điện thờ và giá trị thẩm mỹ của các pho tượng, Điện Ngọc Hoàng đã được thừa nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994.
- Di tích thứ nhì được đánh giá cao là Miếu Bà Thiên Hậu, còn gọi là Tuệ Thành Hội Quán xây năm 1760 tại Chợ Lớn, với hai ngày hội lớn (lễ viếng Bà, cúng Bà) được tổ chức long trọng vào 23 tháng Ba và 28 tháng Chạp giáp Tết để cầu mong "hộ quốc an dân". Là ngôi miếu cổ kính nhất thờ bà Thiên Hậu, cũng là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm mỹ thuật mỹ nghệ, Miếu Bà cũng được công nhận là di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. Đây có lẽ là nơi thu hút đông đảo nhất tín đồ người Hoa và khách hành hương của Sài Gòn, Chợ Lớn và phụ cận.
Hàng ngày Miếu Bà vẫn đón nhận một số khá đông người đến cúng lễ, đông nhất là vào các ngày mồng một và rằm hàng tháng, các ngày lễ Tết trong năm của người Hoa như Tết Nguyên tiêu, Thanh minh, Đoan ngọ... Riêng hai ngày vía Bà, cúng Bà tháng Ba và tháng Chạp có thể thu hút đến hàng vạn người. Vào những ngày này, ngay từ đêm hôm trước của lễ hội đã cử hành lễ tắm Bà, sau đó là lễ thay áo cho Bà. Sáng 23 tháng Ba tổ chức lễ rước Bà. Tượng Bà được đặt vào kiệu do các thanh niên nam nữ người Hoa ăn mặc thật đẹp rước Bà đi qua các đường phố quanh miếu. Theo sau kiệu Bà có thuyền rồng, rồi đến các đội múa lân, múa sư tử, múa rồng, các đội nhạc truyền thống của người Hoa vừa đi vừa múa hát tạo nên một quang cảnh vô cùng náo nhiệt quanh miếu từ sáng tới tối.
Giao lưu tiếp biến văn hóa Hoa-Việt : từ hát quảng, hát tiều tới cải lương hồ quảng
Sinh hoạt văn hóa truyền thống và dân gian của người Hoa gồm nhiều thể loại như đàn hát, múa và kịch hát. Loại hình nghệ thuật quần chúng được ưa thích nhất trong các lễ hội là múa lân, múa rồng, múa sư tử. Ba loại hình văn nghệ thu hút đông đảo người tham dự là hát sán cố và hát quảng, hát tiều.
Người Hoa ham thích nghệ thuật sân khấu hát quảng, hát tiều như người Việt miền Trung, miền Nam mến mộ hát bội, cải lương. Tổ tiên người Hoa đã sáng tạo tại chính quốc ba dòng sân khấu chính là kinh kịch (dùng tiếng Quan Thoại, phổ biến chủ yếu ở miền Bắc Trung Quốc), việt kịch (dùng tiếng Quảng Đông, phổ biến ở miền Nam Trung Quốc) và triều kịch (dùng tiếng Tiều, phổ biến ở vùng Triều Châu). Tại miền Nam Việt Nam, đa số người Hoa có gốc Quảng Đông và Triều Châu nên không thích xem kinh kịch vì không hiểu được tiếng Quan Thoại, tất nhiên họ ưa thích hát quảng và hát tiều là hậu thân của việt kịch và triều kịch.
Hát quảng đã ra đời tại Chợ Lớn từ đầu thế kỷ 20 do những đoàn việt kịch nhỏ lưu diễn từ các tỉnh duyên hải Đông-Nam Trung Quốc đi dần xuống phía Nam bằng thuyền để biểu diễn. Những đoàn việt kịch này huấn luyện cho nghệ nhân tài tử người Hoa và giúp họ tạo ra một loại hình sân khấu địa phương ở Chợ Lớn, gọi là hát quảng.
Hát tiều cũng xuất hiện tại Nam Bộ những năm đầu thế kỷ 20 do những đoàn triều kịch lưu diễn từ các tỉnh Nam Trung Quốc rồi vào Chợ Lớn và đi khắp đồng bằng Nam Bộ. Biểu diễn đến đâu họ cũng huấn luyện cho nghệ nhân tài tử người Hoa để có được sân khấu hát tiều.
Người Hoa Chợ Lớn và người Việt Sài Gòn và Nam Bộ thuộc các thế hệ lớn tuổi chắc còn nhớ các vở tuồng việt kịch và triều kịch nổi tiếng như Ngũ Hổ tướng, Kinh Kha tráng sĩ, Đêm cướp ở Long Hoa, v.v. Người Hoa và người Việt đều thích hát quảng và hát tiều với các vai kép văn, võ, tướng, lão, hề, các vai đào thương, lẳng, độc, mụ. Qua đó ta thấy hát tuồng, hát bội của người Việt đã chịu ảnh hưởng của sân khấu Trung Quốc tự lâu đời. Các nhà nghiên cứu Đỗ Văn Rỡ, Đinh Bằng Phi đã có những công trình nghiên cứu công phu về hát bội và cải lương Nam Bộ và sân khấu hát tiều, hát quảng ở Sài Gòn (Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tập 3, 1990) qua đó ta thấy rõ một hiện tượng giao lưu tiếp biến văn hóa sân khấu Hoa-Việt tốt đẹp : do tiếp xúc với hát quảng, hát tiều từ đầu thế kỷ 20 mà các soạn giả và nghệ nhân hát bội và cải lương Nam Bộ đã tạo ra một loại hình sân khấu mới mà người Việt cũng như người Hoa đều yêu thích, đó là cải lương hồ quảng đã thu hút vô số khán giả Việt và Hoa từ hơn nửa thế kỷ nay.
Lê Văn Hảo (Paris)
[ Trở Về ]