Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]

Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam
*
Xứ Chăm - người Chăm và quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa Chăm- Việt

Lê Văn Hảo

Xin tạm dùng các từ ngữ xứ Chăm, xứ Hoa, xứ Khmer để chỉ định những vùng sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần của ba sắc dân thiểu số ở miền đồng bằng đất nước ta : người Chăm, người Hoa và người Khmer, nhóm thì sống tập trung, nhóm lại rải rác tùy theo những hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa-văn hóa khác nhau đã diễn ra trong thời gian, không gian Việt Nam xưa nay.

Hãy bắt đầu với sắc tộc và văn hóa Chăm, gắn bó với một vấn đề lý thú là quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Chăm-Việt.

Văn hóa Champa trước đây và môn Champa học ngày nay
Nhờ thành tích nghiên cứu hơn một trăm năm qua của các học giả Pháp, Chăm, Việt từ Parmentier, Maspéro, Stern tới Lafont, Boisselier, Le Bonheur ; từ Po Dharma, Nguyễn Văn Huy (Paris) tới Inrasara, Lương Ninh, Trần Kỳ Phương, Ngô Văn Doanh, Cao Xuân Phổ... (Việt Nam), chúng ta được biết khá nhiều về lịch sử Champa quá đỗi truân chiên, về nền văn hóa Chăm cổ xưa thật rực rỡ, nay trở thành một thành phần xuất sắc đáng tự hào của văn hóa, văn minh Việt Nam đa sắc tộc.

Champa học đã ra đời từ cuối thế kỷ 19 nhờ Học Viện Viễn Đông Pháp (EFEO-Ecole Française d’Extrême-Orient), và gần đây đang là một trong những cái đinh của nền Đông phương học qua những hoạt động học thuật quốc tế diễn ra tại Đan Mạch, Malaysia, Pháp, Hoa Kỳ..., qua những xuất bản phẩm của EFEO, của Chương trình Thế giới Mã Lai - Thế giới Đông Dương, qua tập san Champaka, Nghiên cứu lịch sử và nền văn minh Champa rất phong phú do International Office of Champa (Hoa Kỳ) và Champa International Arts and Culture Foundation (Canada) đồng bảo trợ và xuất bản cùng lúc tại Paris, Toronto và San Jose từ 1999.

Mới đây nhất là nhiều hoạt động nghệ thuật và học thuật qui mô lớn mà giới văn hóa Pháp dành cho lịch sử và văn hóa Chăm được tổ chức tại Viện bảo tàng quốc gia các nền nghệ thuật Á Đông Guimet ở Paris, từ 12-10-2005 đến 9-1-2006, gồm cuộc triển lãm lớn "Kho tàng nghệ thuật Việt Nam : nền điêu khắc Champa (từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15)", nhiều cuộc diễn thuyết khoa học và nghệ thuật, và quan trọng nhất là Ngày Học Thuật (7-12-2005) dành cho "Di Sản Việt Nam : Những Khía Cạnh Của Nền Văn Minh Chăm, 100 Năm Nghiên Cứu và Phát Hiện", với sự tham dự của nhiều chuyên gia quốc tế, kèm theo nhiều xuất bản phẩm mới về Champa, v.v.

Từ vương quốc Champa xưa tới xứ Chăm ngày nay
Vào khoảng cuối thế kỷ 2 cho đến đầu thế kỷ 19, trên dãi đất dài rộng từ Nam Đèo Ngang đến Tây Nguyên và Nam Bình Thuận đã tồn tại một quốc gia gồm nhiều tiểu vương quốc thuộc hai bộ tộc lớn CauDừa liên hợp lại thành vương quốc Champa với những tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ : Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành... trên 5 khu vực hành chánh khác nhau từ Bắc tới Nam : Ulik-Indrapura (Bình Trị Thiên), Amavarati (Quảng Nam, Quảng Ngãi), Vijaya (Bình Định), Aryaru-Kauthara (Phú Yên, Khánh Hòa) và Panduranga (Ninh Thuận-Bình Thuận).

Trong gần 17 thế kỷ quan hệ giữa hai vương quốc Champa và Đại Việt vô cùng phức tạp : chiến tranh, lấn chiếm, rồi hòa bình, hòa hiếu, sui gia, đồng thuận, rồi lại chiến tranh, đổ nát, điêu tàn... Những hình tượng Mỵ Ê, Huyền Trân-Chế Mân, Chế Bồng Nga... còn mãi đó trong ký ức tập thể Chăm và Việt, buồn hay vui, cảm thông hay oán hờn trước những biến thiên vô tình, bất nhẫn, hay phi lý của lịch sử mạnh được yếu thua, may ít rủi nhiều ?

Người Chăm hôm nay, với một số dân trên 100.000 người (3/5 theo Bà La Môn giáo, 2/5 còn lại theo Hồi giáo cải biên), là một sắc dân thiểu số sống tập trung ở hai khu vực : Ninh Thuận-Bình Thuận và An Giang-Châu Đốc. Họ theo lịch Chăm, có chữ viết Chăm mà ngày nay chỉ còn một số người rất ít ỏi có thể đọc được.

Di sản mỹ thuật Chăm còn lại từ văn hóa Champa cổ xưa gồm có :

a. Viện Bào Tàng Điêu Khắc Chăm ở Đà Nẵng với gần 400 pho tượng và bức phù điêu tinh tế điêu luyện mà người Pháp đã tập hợp được từ cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20, và người Việt đã bổ sung từ sau 1975 từ các vùng như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu, Bình Định, Tháp Mẫm...

b. Những công trình kiến trúc và điêu khắc còn sót lại của thánh địa Mỹ Sơn được Unesco tôn vinh là một trong di sản văn hóa thế giới, được Nhật, Pháp, Ba Lan... giúp đỡ trùng tu và tôn tạo.

c. Khoảng 20 nhóm đền tháp còn tương đối đứng vững ở các vùng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, trong đó đáng chú ý nhất là Tháp Dơi ở Phú Yên, đền tháp Po Inư Nagar (Tháp Bà) ở Nha Trang, đền tháp Po Khlong Garai (Tháp Chàm) gần Phan Rang, tháp Po Rome và tháp Po Shanư gần Phan Thiết là những nhóm đền tháp đẹp, nơi đó ngày nay vẫn diễn ra các nghi thức thờ cúng và sinh hoạt lễ hội đầy nhiệt tình của người Chăm theo Bà La Môn giáo. Còn người Chăm theo Hồi giáo chính thống ở An Giang-Châu Đốc thì có những thánh đường riêng khi họ cử hành những nghi lễ Suk Yương, Ramadan...

Các lễ hội Chăm tổ chức tại những đền tháp ở Nam Trung Bộ vừa kể trên đều là những lễ hội lớn liên quan đến nhiều làng và cả một vùng :
- Lễ Poh Mbang Yang (lễ khai mương đắp đập) là nghi lễ mở đầu cho chu kỳ hội lễ hàng năm tổ chức vào tháng 11 lịch Chăm để cầu xin thần linh cho phép dân đào kênh, đắp đập, làm mùa;
- Lễ Yor Yang (hạ điền), lễ Plao Pasah (cầu đảo) tổ chức vào tháng 4 lịch Chăm ;
- Lễ Chabun là hội lễ thờ cúng, tôn vinh Bà mẹ xứ sở, tức nữ thần Po Inư Nagar diễn ra vào tháng 9 lịch Chăm;
- Quan trọng hơn cả, có qui mô lớn và kéo dài nhiều ngày là lễ hội Mbang Katê. Đây là Tết của người Chăm, là dịp để tưởng niệm các vị vua thần Po Rome, Po Klong Garai... để tưởng nhớ chư thần và tổ tiên, được tổ chức vào tháng 7 lịch Chăm.

Còn lại là các nghi lễ nông nghiệp diễn ra theo chu kỳ nông lịch mà người Chăm rất gắn bó : lễ dựng chòi ruộng, lễ cúng lúa đẻ nhánh, lễ cúng lúa làm đòng, lễ thu hoạch lúa chín, lễ mừng lúa mới, lễ chặn nguồn nước, lễ tế trâu... đều là những nghi lễ dân gian trong đó ảnh hưởng tôn giáo không đáng kể.

Một nét đặc sắc của xã hội Chăm ở miền Trung, rất khác với người Việt, là cộng đồng người Chăm theo chế độ mẫu hệ, thể hiện cụ thể như sau : huyết thống của con cái đều tính theo dòng mẹ, thừa kế tài sản theo trực hệ bên mẹ. Chế độ ngoại hôn phải thực hiện theo dòng mẹ, nếu vi phạm điều này thì mang tội loạn luân. Người phụ nữ Chăm giữ vai trò chủ động trong tình yêu và hôn nhân, sau hôn lễ phải về cư trú bên nhà vợ. Vai trò và vị trí người phụ nữ trong xã hội luôn luôn được đề cao và có tính quyết định so với nam giới. Vai trò của ông cậu (anh hoặc em của mẹ) rất lớn đối với mỗi thành viên trong gia đình. Nếu vợ chết mà bên vợ không có người nối kết hôn nhân với chồng (tục "nối nòi", các sắc tộc Tây Nguyên gọi là "chuê nuê") thì người chồng phải trở về dòng họ mình với hai bàn tay trắng, không con cái, không của cải.

Chế độ mẫu hệ này đã thể hiện lâu đời theo luật tục Chăm. Vào giữa thế kỷ 20, nó đã được một bô lão Chăm có uy tín trong cộng đồng là cụ Dương Tấn Phát đã đúc kết lại và văn bản hóa thành Bộ luật Chăm đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Có thể nói chế độ mẫu hệ khá đậm nét và chặt chẽ này cộng với sự đoàn kết, cố kết trong dòng họ, làng xóm, cùng với hệ thống tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục và hội hè rất bền vững đã tạo nên sức mạnh và sức sống của cộng đồng người Chăm hôm nay.

Quan hệ giao lưu tiếp biến văn hóa Chăm-Việt
Kể từ năm 1069 khi vua Chăm Rudravarman nhường cho Đại Việt phần đất phía Bắc của vùng Ulik-Indrapura (trở thành ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính) cho đến năm 1692 khi Đại Việt bắt đầu làm chủ vùng đất Panduranga - Champa (sau này trở thành Ninh Thuận, Bình Thuận), người Chăm và người Việt đã chung sống với nhau lâu dài trong nhiều thế kỷ, và lẽ tất nhiên giao lưu tiếp biến văn hóa Chăm-Việt đã diễn ra một cách tốt đẹp.

Hàng trăm tiếng Chăm đã gia nhập vào phương ngữ và địa danh của xứ Huế và xứ Quảng : ni, nớ, mô, tê, ri, răng, rứa, nậu, sông Ô Lâu, bến đò Ka Kút, Sình, Sịa, Nong, Truồi, Hiên, Giằng, Trà Kú, Thốc Lốc... (Gerard Moussay, Dictionnaire Cam-Vietnamien-Français, 1971 ; Hoàng Thị Châu, Tiếng Việt trên các miền đất nước (Phương ngữ học), 1989 ; Bùi Minh Đức, Tiếng Huế đặc thù, 1995 ; Từ điển tiếng Huế, 2004).

Ngư dân Việt đã tiếp thu tục thờ cúng cá voi (cá Ông của người Chăm), người Việt miền Trung đã kế thừa tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội vinh danh nữ thần Po Inư Nagar, Bà Chúa Xứ này đã trở thành Thánh Mẫu Thiên Y Ana được thờ cúng từ miền Trung (Điện Hòn Chén ở Huế, Tháp Bà ở Nha Trang) cho đến tận Nam Bộ.

Các nhà folklore học (Nguyễn Đổng Chi, Phan Đăng Nhật, Lê Văn Hảo...) đã nhận xét rằng trong kho tàng truyện cổ Việt Nam có thể tìm thấy hàng chục truyền thuyết, cổ tích Chăm và Việt rất giống nhau về cấu trúc, chủ đề, hình tượng và ý nghĩa : nếu người Việt có truyện Sọ Dừa, Tấm Cám, Thạch Sanh, Bánh chưng bánh dày thì người Chăm cũng có truyện Sọ Dừa, Nàng Cà Điêng, Ca Dong và Ha Lớc, Núi Đá Trắng, v.v.

Nhạc sĩ Phạm Duy, trong cuốn Đặc khảo về dân nhạc Việt Nam (1972) đã phát hiện người Chăm cũng có thể thơ lục bát thịnh hành trong dân ca và ông đã công bố một bài dân ca theo thể thơ lục bát Chăm, gieo vần giống như ở thể thơ lục bát cổ xưa của người Việt (chữ thứ 6 của câu lục vần với chữ thứ 4 của câu bát) :

Thây mai mưng đêh thây ô
Drơh phik kâu lô yom tha urang
Chek tian mưng asit dih đang
Mai hu ka urang oan lô lingik !
(Ai đến từ đàng kia, ai đó
Đẹp lòng ta hình như một người
Mà ta đã mến yêu từ khi còn ẵm ngữa
Nay đã thuộc về người khác rồi, tiếc quá trời ơi !)
Cách đây vài năm, nhà nghiên cứu Champa học Hoa Fatimah, một thành viên của chương trình thế giới Mã Lai - thế giới Đông Dương, trong bài Ariya Cam-Bini (trường ca Cam Bini), đã giới thiệu 118 câu thơ trữ tình, cũng dưới dạng lục bát gieo vần giống như ở thể thơ lục bát cổ xưa của người Việt (Tạp chí Champaka số 1, 1999).

Một số nhạc sĩ và nhà nhạc học đã ghi nhận sự gần gũi giữa âm nhạc truyền thống Chăm và Việt (Trương Đình Quang, Sổ tay người sưu tầm dân ca Chăm, 1977 ; Thụy Loan, Bước đầu tiếp xúc với âm nhạc Chăm, 1978 ; Trần văn Khê, Musique du Vietnam, 1967, 1996).

Hàng chục làn điệu dân ca Chăm được sưu tầm, ghi âm và tàng trữ tại Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam trong mấy chục năm qua thuộc các thể loại ariya, tọ payao, tọ đing, tọ atăm tàrà, tọ mư yút, tọ rathung xa, tọ tăm mưtai... đã thu hút sự chú ý của các nhà nhạc học và folklor học vì sự giống nhau của chúng về mặt giai điệu, tiết tấu, thang âm và điệu thức so với các thể loại ngâm thơ, vè, hát ống, hò xay lúa, hò giã gạo, họ chèo thuyền, hò đưa linh, hát bả trạo... trong di sản âm nhạc dân gian của người Việt miền Trung.

Sự gần gũi giữa ca nhạc Chăm và ca nhạc Việt truyền thống lại càng sâu sắc hơn nữa khi đem so sánh những tác phẩm đặc sắc nhất của ca nhạc Chăm với nhiều điệu hò, điệu lý Huế, với những bài bản u hoài hay ảo não thuộc điệu Nam hơi xuân, hơi dựng, hơi ai, hơi oán của ca nhạc Huế, đờn Quảng và đờn ca tài tử Nam Bộ : hò ô, hò mái nhì, hò mái đẫy, lý hoài xuân, lý tương tư, lý năm canh, cổ bản, phú lục, nam ai, nam bình, tứ đại oán, quả phụ hàm oan...

Đi vào một ví dụ cụ thể : từ lâu nay tôi vẫn tin rằng vì quá bức xúc trước biến cố Ô Lý - Huyền Trân mà dân gian xứ Huế, xứ Quảng, qua nhạc và lời tuyệt tác của điệu lý qua đèo (còn gọi là lý chiều chiều hay lý hoài nam) đã sử dụng tiếng Việt pha tiếng Chăm để sáng tạo nên hình tượng tuyệt vời của người con gái Việt trong một buổi hoàng hôn có chim kêu vượn hú đã đau đớn rời tổ quốc, vượt Ải Vân về Chiêm Quốc, với nỗi lòng thống thiết đến muôn đời:

Chiều ơ chiều, chiều ơ chiều,
dắt ớ bạn, dắt ớ bạn
Ơ đèo mà qua đèo, tà là đèo qua đèo,
chim ớ kêu, chim ớ kêu
Tình kêu chư bên nớ, úy óa, chi rứa, chi rứa,
ức ức con vượn trèo
Tà là trèo, con vượn trèo, ni bên ni, ơi hởi,
con vượn trèo, ni bên ni
Đi sâu phân tích điệu Nam của thang âm ngủ cung và các sắc thái tình cảm tế nhị và tinh vi của nó là hơi xuân, hơi ai, hơi oán của nhạc cổ điển và dân gian Việt miền Trung, miền Nam, nhà nhạc học đã phát hiện rằng nhạc truyền thống Chăm cũng có thang âm điệu thức và các hơi nhạc tương tự :
 
Thương âm ngũ cung - Điệu Nam hơi ai ( Chăm và Việt :
Hò - Xự (già) - Xang (non) - - Cống - Liu - Ú (già)
Thương âm ngũ cung - Điệu Nam hơi oán ( Chăm và Việt :
Hò - Xự (non) - Xang (già) - - Cống (non) - Liu - Ú (non) 

Cách nay hơn 40 năm, trong một bài báo in trên tạp chí Bách Khoa, nhạc sư Trần Văn Khê đã có một đúc kết giàu ấn tượng và hình tượng: "Nhạc Việt đã nhuộm màu Chàm". Có thể nói thêm : phương ngữ, địa danh, tín ngưỡng, phong tục, folklor Việt cũng đã nhuộm màu Chàm. Những hiện tượng văn hóa nghệ thuật so sánh trên đây chắc chắn không thể do ngẫu nhiên tình cờ mà có khi sự trùng hợp đã xảy ra nhiều lần trong đời sống tinh thần của hai sắc tộc. Rõ ràng là những bi kịch vô tình của lịch sử đã không cản ngăn được quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa lâu dài và sâu sắc, góp phần đưa đến những sáng tạo cổ điển và dân gian tốt đẹp từ người Chăm đến người Việt. Điều tốt đẹp ấy sẽ tồn tại mãi.

Lê Văn Hảo (Paris)


 [  Trở Về  ]