Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]

Phụ lục I - Người tìm cá ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Vũ Toàn

TT - Có một ông tiến sĩ, một nhà ngư loại học đã bỏ nhiều năm tháng để “xộc” vào các chợ nông thôn hẻo lánh, lặn lội khắp các con suối, con sông của miền Trung để tìm... cá. Và rồi ông đã hoàn thành một công trình khoa học mang tên “Bảo tồn tính độc đáo và quí báu của đa dạng sinh học cá vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB)”.
Mới đây, trong hội thảo quốc tế về nghiên cứu đa dạng sinh học tại Bangkok (Thái Lan), ông đã công bố công trình này và khẳng định: “PN-KB là thiên đường của các nhà ngư loại học”... Đó là tiến sĩ Nguyễn Thái Tự.
9 năm và 20 phút...
Quả thật thầy Tự không thể nhớ mình đã... si mê những loài cá nước ngọt từ khi nào. Từng là cán bộ giảng dạy khoa sinh vật Trường đại học Vinh (Nghệ An), năm nay ông đã 68 tuổi và có gần 70 công trình khoa học cấp quốc gia và quốc tế về sưu tầm, phát hiện 162 loài cá nước ngọt ở vùng PN-KB (trong tổng số 544 loài của cả nước). Thành tích ấy đã khiến nhiều người, nhất là các chuyên gia về cá khắp thế giới, hết sức ngạc nhiên.
Mới đây, sự phát hiện thành công con cá ton (Cyprinus quidatensis) rất đặc biệt với nhiều chuyện thú vị của riêng nó đã thật sự đưa sự nghiệp nghiên cứu cá nước ngọt của ông vượt lên tầm mới. Bởi chỉ với con cá “vừa quen vừa lạ” như con cá chép “dị bản” này đã giúp ông có thêm cứ liệu vàng chứng minh về tính độc đáo có một không hai của đa dạng sinh học ở PN-KB...
Năm 1996, do biết khả năng của tiến sĩ Tự nên Quĩ Bảo vệ động vật hoang dã (WWF) đã mời ông tham gia đoàn khảo sát về cá nước ngọt ở PN-KB. Sau đó không lâu ông lại được WWF mời vào PN-KB lần hai. Qua hai đợt, bằng trực giác ông đã nhìn thấy “PN-KB là một thiên đường của các nhà ngư loại học”.
Lòng yêu thiên nhiên và niềm tin thôi thúc, ngày 25-12-1996 thầy trò ông Tự thuê xe Uoat đi hàng trăm kilômet rồi vượt cổng trời lên hang Tiên trên đỉnh Cha Lo ở Quảng Bình để đi tìm sự độc đáo mà ông cho là “thiên đường” ấy. Về lại căn phòng chật hẹp chỉ vỏn vẹn 50m2 trên tầng hai chung cư C3, Quang Trung, TP Vinh, hình ảnh những con sông, dòng suối, những dãy núi đá vôi trùng điệp và dọc ngang hang động vùng PN-KB không thôi ám ảnh ông.
Sau một tháng trời tiếp tục nghiên cứu cùng với sự giúp đỡ của Chương trình nghiên cứu cơ bản trong nước, ông quyết định viết một dự án gửi Cộng đồng châu Âu (EC) nhằm kêu gọi sự trợ giúp để nghiên cứu sâu thêm vấn đề hóc búa nhưng rất quan trọng này. EC và Trung tâm Đa dạng sinh học Đông Nam Á liền lên tiếng hỗ trợ và khuyến khích ông thành lập một “thư viện” mini về 162 loài cá nước ngọt do ông phát hiện.
 
Ông Tự nhớ lại: “Bắt đầu từ đó tôi mới có điều kiện di chuyển “bảo tàng cá” lâu nay phải đặt... dưới gầm cầu thang ẩm thấp lên căn phòng ở tầng hai với dàn máy vi tính, máy camera xách tay”. Tôi tò mò về cái “bảo tàng cá” phải nằm dưới gầm cầu thang ấy.
Ông bảo: “Phòng ở của dãy chung cư xây từ năm 1974 vừa đủ chỗ cho hai vợ chồng và ba đứa con là may lắm rồi, nói gì đến chuyện bày đặt hai tủ sách và cái “bảo tàng cá”. Bí bách quá tôi bàn với vợ gắng xây thêm một ô dưới chân gầm cầu thang để làm nơi lưu giữ những loài cá quí hiếm”.
Từ dạo ấy, mỗi lần đi săn cá về, ông Tự lại ngồi kỳ cạch mổ, rửa cá cho vào lọ dung dịch rồi lom khom mở ba lần khóa để đặt thêm vào “bảo tàng” những mẫu cá mới.
Cách đây vài tháng, khi ông Tự chuẩn bị di chuyển “bảo tàng cá” lên phòng, tôi đã được theo ông đi khom qua những cái cửa bé xíu để xem cá. Theo ánh đèn pin của ông lướt qua mấy chiếc xe đạp cũ, tôi thấy đủ loại lọ cá được đề các tên khoa học rất cẩn thận và xếp đặt ngay ngắn. Ông Tự bảo: “Bao nhiêu lần đi báo cáo khoa học ở nước ngoài cũng từ cái “bảo tàng cá” nằm dưới gầm này đây”.
Ngày 12-2-2004 tôi đến thăm ông. Ông cười vui nói: “Tôi mới đi Bangkok báo cáo công trình khoa học “Bảo tồn tính độc đáo và quí báu của đa dạng sinh học cá vùng núi đá vôi PN-KB” tại hội thảo Xây dựng cầu nối các nước ASEAN và Cộng đồng châu Âu về nghiên cứu đa dạng sinh học. Vẫn những câu chuyện thú vị ẩn náu trong cái “bảo tàng cá” này thôi”.
Công trình nghiên cứu chín năm được ông Tự báo cáo cô đọng trong 20 phút ngắn ngủi, nhưng ông John MacKinnon - đồng chủ tịch Trung tâm Đa dạng sinh học vùng Đông Nam Á (ARCBC) - đánh giá: “Đây là một công trình hết sức thú vị”.
Thú vị cá ton

Tiến sĩ Tự nói: “Từ trước đến nay các nhà ngư loại học hàng đầu thế giới đều xem Đông Nam Á là trung tâm phát sinh của hầu hết loài cá nước ngọt trên thế giới. Nhưng thực tế sinh động hơn là tôi đã chứng minh PN-KB là trung tâm phát sinh của giống Cyprinus và của tộc Cyprinini”.

Theo ông, vùng nghiên cứu của ông chỉ rộng chừng 4.000m2, một diện tích hết sức nhỏ bé nhưng có đến bảy loài cá, trong khi đó cả miền Bắc (tính từ đèo Hải Vân trở ra, trừ PN-KB, Tây Bắc và lưu vực sông Kỳ Cùng) chỉ có bốn loài (thuộc tộc Cyprinini).

Đây chính là tính độc đáo hấp dẫn đầu tiên của khu hệ cá PN-KB. Tính độc đáo thứ hai: khu hệ cá PN-KB là một di sản thiên nhiên quí báu gồm đa dạng thành phần loài (162 loài/544 loài của cả nước). Tính độc đáo thứ ba: PN-KB lưu giữ đầy đủ bốn pha (chặng) quan trọng nhất của quá trình hình thành loài...

Rồi ông say sưa nói về một loài cá mới: cá ton, có nguồn gốc từ loài cá chép. Điều thú vị ở đây là cá ton được hình thành trong khoảng cách địa lý rất hẹp (gần 5km theo đường chim bay) bởi một khúc sông ngầm. Trong khi đó các loài cá mới thường xuất hiện trong phạm vi địa lý rất rộng với chế độ khí hậu, thức ăn... hoàn toàn khác nhau. Chính từ phát hiện này mà ông Tự đã đem đến cho các nhà ngư loại học trong hội thảo ở Bangkok sự thú vị đặc biệt.
 

Ông Tự giải thích nguyên nhân quan trọng nhất làm nên tính độc đáo của hệ cá PN-KB là do vùng này có các sông ngầm của núi đá vôi tạo nên sự chia cắt các hệ sinh thái; PN-KB nằm rất gần biển nên có nhiều loại cá biển di nhập; PN-KB nằm trong vùng bắc Trường Sơn nơi có nhiều yếu tố địa lý động vật như yếu tố Hoa Nam, yếu tố Mekong... Chính công trình khoa học mang tầm cỡ quốc tế này đã góp phần khẳng định PN-KB là một di sản của nhân loại.
Trở lại chuyện đi săn cá, tiến sĩ Nguyễn Thái Tự đưa tôi xem tấm hình ông chụp chung với “lão ngư tri giang” Cao Viết Bách một đời sống cần mẫn trên các con sông, ngọn suối ở PN-KB. Chính ông Bách đã kể cho ông Tự nghe nhiều kinh nghiệm đánh bắt cá và sưu tầm những loài cá mới của ngư dân, dẫn ông đi săn những con cá lạ lẫm từ vùng này qua vùng khác.

Riêng việc săn được con cá ton là cả một kỳ công. Sau khi tình cờ phát hiện được cá ton ở phiên chợ làng xã Thượng Hóa, thầy trò ông khẩn trương khăn gói lên đường. Gần một tháng trời theo ngư dân lang thang trên nhiều dòng sông, băng qua khúc sông ngầm Hung Sạc, nhiều đêm căng bạt mà ngủ và bao nhiêu lần giăng lưới mới bắt được con cá lạ mà dân PN-KB gọi là cá ton...

VŨ TOÀN
theo website : http://www.tuoitre.com.vn
Thứ Bảy, 14/02/2004


Trở Về  ]