Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]             [ Trang chủ  ]

Những Thành Tựu Văn Hóa Đáng Khen 
Của Một Nhà Xuất Bản Địa Phương 
( Nhân dịp ba bộ sách quan trọng của Nhà Xuất Bản Đà Nẵng 
được công bố vào năm 2002 )
Lê Văn Hảo
Hiện nay ở Việt Nam có bốn nhà xuất bản ( NXB ) địa phương được chú ý vì số lượng và chất lượng những xuất bản phẩm của họ : đó là NXB Hà Nội, NXB Trẻ ( TP.HCM ), NXB Thuận Hóa ( Huế ) và NXB Đà Nẳng.
Xin giới thiệu lần này ba thành tựu mới nhất của NXB Đà Nẵng.
- Tổng Tập Văn học Các Dân tộc thiểu số Việt Nam;
- Việt Nam, Lể hội cổ truyền;
- Những di sản thế giới ở Việt Nam.

I. Tổng tập Văn học Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam ( TTVHCDTTSVN )
4 tập ( 6 quyển ), 6.144 trang, khổ 19x27, NXB Đà Nẳng, 2002.

Nếu Tổng Tập Văn Học Việt Nam trọn bộ 42 tập ( xb. từ 1977 đến 1997, tái bản 2000 ) của NXB Khoa học Xã hội ( Hà Nội ) được xem như là bộ sách về văn học Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay nhưng chưa đầy đủ vì nó chỉ đề cập đến văn học thành văn của người Việt từ tk. X đến 1945 và cần có hai phần bổ sung : Văn học dân gian Việt, Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, thì NXB Đà Nẵng đã cống hiến một phần bổ sung quan trọng : Bộ TTVHCDTTSVN do Đặng Nghiêm Vạn chủ biên. Tổng tập này, công trình lớn nhất về hợp tuyển văn học của 53 dân tộc thiểu số Việt Nam từ trước đến nay ( với hơn 6 ngàn trang sách khổ lớn ) chia làm 4 tập, 6 quyển : 
Q.1 Tục ngữ, đồng dao, hát ru, câu đối dân ca lao động, dân ca phong tục
Q.2 Dân ca trữ tình, dân ca nghi lễ
Q.3 Truyện cổ tích
Q.4 Truyện lịch sử, luật tục, sử thi
Q.5 Sử thi
Q.6 Truyện thơ
Văn học dân gian các dân tộc thiểu số ở Việt Nam chia làm 2 phần rõ rệt. Phần thứ nhất gồm tục ngữ, đồng dao hát ru câu đố và cổ tích là phần được giáo sư Đặng Nghiêm Vạn gọi là " Văn học dân gian "
Phần này chiếm khoảng 1/3 số trang của Tổng tập. Phần thứ hai mà Đặng Nghiêm Vạn gọi là " Văn học bác học " là những văn bản mang tính lịch sử cao : đó là  những bộ luật tục (Thái, Ê đê, Mnông), những truyện lịch sử ( Thái, Tùy ), những sử thi ( anh hùng ca ) ( Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, M' Nông )  và những truyện thơ. Lời nói đầu của Đặng Nghiêm Vạn  (34 trang) là một bài giới thiệu khái quát nêu lên được những đặc trưng về dân tộc, thể loại, nội dung... các tác phẩm tiêu biểu cho hai dòng văn học dân gian và văn học " bác học " của hầu hết các dân tộc thiểu số.
Người đọc và nhất là các nhà nghiên cứu hy vọng rằng trong những lần tái bản sắp tới, các tác phẩm của những dân tộc Xinh Mun, Pà Thẻn, La Hủ, Cống, Si La ở miền Bắc, Thổ, Chứt, Ơ Đu, Bơ Râu, Hơ Măm, Stiêng ở miền Trung và Nam vắng mặt lần này sẽ được kịp thời bổ sung.
Trong hoàn cảnh hiện nay, khi di sản văn hoá tinh thần các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một dần vì sự ra đi của những người lớn tuổi, TTVH CDTTSVN này là một công trình quí báu, một niềm tự hào cho nền văn hoá văn minh đa sắc tộc Việt Nam.

II. Việt Nam, Lễ hội cổ truyền
Traditional Festivals of Viet nam
240 trang khổ25 x 25, NXB Đà Nẳng 2002

Đây là một trong những tập sách ảnh rất đẹp của NXB Đà Nẵng do Huỳnh Yên Trầm My biên soạn với sự tham gia của 51 tác giả và nhà nhiếp ảnh có tên tuổi ( Hữu Cấy, Đào Hoa Nữ, Võ Văn Tường... )
Lễ hội có lẽ là hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng sinh động, tốt đẹp, hấp dẫn nhất của dân tộc ta. Lễ hội gắn bó với hình ảnh cây đa giếng nước, sân đình, mái đền, mái chùa, lũy tre... để trở thành một biểu tượng thiêng liêng, mãnh liệt trong tâm hồn Việt Nam.
Nghiên cứu về Lễ hội Việt Nam thì đã có nhiều công trình đồ sộ, công phu có giá trị khoa học, nhưng phần minh họa về tranh ảnh của các công trình ấy phần nhiều không đáp ứng với lòng mong mỏi và thị hiếu thẩm mỹ của người đọc.
Người biên soạn và hơn 50 tác gia, nhiếp ảnh gia của tập sách ảnh này đã muốn minh họa, miêu tả lễ hội bằng hình ảnh. Họ đã tập trung giới thiệu một số lễ hội mang tính phổ biến, có những nét đặc trưng của từng vùng đất nước và của nhiều dân tộc khác nhau trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Qua gần 370 bức ảnh ( nhiều bức chiếm toàn khổ trang giấy ( 25x25 cm), 20 lễ hội cổ truyền tiêu biểu hiện ra sinh động, đầy màu sắc, chất thơ, chất dân gian, hồn dân tộc: tết Nguyên Đán, tết Vu Lan, tết Trung Thu, hội đền Hùng, hội chùa Hương, hội Lim, hội Hoa Ban, Lễ Hội Yên Tử, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Nghinh Ông, hội Chọi Trâu, hội Đua Voi... Một số nội dung chi tiết của Lễ hội cũng được nhấn mạnh : các nghi thức, trò chơi dân gian, sân khấu dân gian, trang phục, nhạc khí, vũ điệu.
Phần phụ lục của tập sách ảnh cũng rất phong phú: danh mục chi tiết về 240 Lễ hội, danh mục về 400 danh thắng của 61 tỉnh thành...
Vì đây là một sách ảnh bằng 3 thứ tiếng ( Việt, Anh, Pháp ) đưa ra giới thiệu rộng rãi ở nước ngoài để thăng tiến ngành du lịch và cung cấp cho hàng triệu người đọc những khía cạnh tươi đẹp nhất về văn hoá văn minh Việt Nam nên cần chú ý đến một số chi tiết thẩm mỹ, ví dụ trang 19 ảnh " Chén rượu đầu xuân " không nên để hai cụ già mặc y phục truyền thống mà lại đi giày ba ta, dép nhựt, tr. 87 " Lễ hội nghinh ông ", không nên để ba nhân vật mặc lễ phục truyền thống mà lại đi dép hiện đại có phần thiếu nghiêm túc, tr. 173 ảnh hai tượng mồ Tây Nguyên hoàn toàn không tiêu biểu cho vẻ đẹp truyền thống và tính thiêng liêng của loại hình mỹ thuật này.

III - Những Di Sản Thề Giới Việt Nam
Word Héritage in Viet Nam
Patrimoine Mondial du Viet Nam
204 trang khổ 24x24, NXB Đà Nẳng 2002

Cùng với tập ảnh Việt Nam, Lễ hội cổ truyền, Những Di Sản Thế Giới ở Việt Nam 
( NDSTGVN ) in bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, là một tác phẩm đẹp do Huỳnh Yên Trầm My, Trương Vũ Quỳnh, Nguyễn Đông Hiếu biên soạn, với sự tham gia của 39 tác giả và nhiếp ảnh gia Việt Nam và nước ngoài, thêm đài truyền hình Chukyo Nagoya .
Từ năm 1978 đến nay đã có 730 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng đã được tổ chức UNESCO đưa vào Danh mục Di sản Thế giới ( Di sản Tự nhiên và Di sản Văn hóa của nhân loại ). Việt Nam đã có 4 địa điểm được ghi trong Danh mục vẻ vang này đó là cố đô Huế, vịnh Hạ Long, đô thị cổ Hội Anthánh địa Mỹ Sơn. Hơn 40 tác giả và nhiếp ảnh gia bằng những bài viết hay bức ảnh đã muốn cung cấp cho chúng ta một cái nhìn nhiều mặt, nhiều màu vẽ về cảnh và người của 4 cụm di tích lịch sử - văn hóa và thắng cảnh nêu trên.
Qua hơn 200 bức ảnh màu và đen trắng ( kể cả những bức ảnh cổ được chụp từ những thập niên đầu của thế kỷ XX ), cùng với nhiều bản đồ bản vẻ, các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa Nguyễn Tuân, Trần Kỳ Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Thùy Trang đã nói lên vẽ đẹp, chất thơ, tính cổ kính, hồn dân tộc ( Việt, Chàm ) tiềm tàng trong thiên nhiên và trong lịch sử văn hóa văn minh Việt Nam.
Phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế với sông Hương êm đềm, điệu hò man mác, vịnh Hạ Long kỳ ảo những bình minh, hoàng hôn, đêm trăng giữa 3000 hòn đảo giống như những tranh thủy mạc hay những áng thơ Đường... mấy di tích và danh thắng kỳ diệu này của Việt Nam còn gợi niềm cảm hứng cho bao nhiêu nghệ sĩ, khách viễn du, tâm hồn lãng mạn nữa trên dòng sông bất tận của thời gian ?
Tập sách ảnh NDSTGVN không những là một niềm vui thẩm mỹ sâu xa mà còn đem đến cho chúng ta một tin vui mới: Việt Nam đang đề nghị UNESCO xem xét chấp thuận đưa thêm 4 di tích - thắng cảnh Việt Nam vào Danh mục Di sản thế giới : Động Phong Nha   (Quảng Bình ), Hồ Ba Bể ( Bắc Cạn ), Chùa Hương  (Hà Tây ), Bãi đá cổ Sa Pa ( Lao Cai ). Hy vọng rằng những thắng tích đẹp đẽ hay kỳ lạ này sẽ được thế giới công nhận, như những thắng tích mà NXB Đà Nẵng đã giới thiệu một cách hoàn hảo trong tập sách ảnh đang đề cập ở đây.
 

Lê Văn Hảo



Trở Về  ]