Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]


 
Kiên Giang Trong Ánh Mắt Tôi
Việt Hải 

Một trong những tỉnh trù phú về địa thế và đẹp đẽ về phong cảnh của đất nước Việt Nam mà tôi muốn đề cập đến là Kiên Giang. Kiên Giang nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang có những cánh đồng ruộng lúa phì nhiêu, có hải đảo và đồi núi với nguồn tài nguyên vô cùng phong phú và thật đa dạng về nông sản, hải sản, khoáng sản và du lịch. Nằm ven vịnh Thái Lan, Kiên Giang tọa lạc ngay giao điểm lưu thông với quốc tế bằng đường biển rất thuận lợi. Bây giờ ta hãy xét qua các yếu tố của Kiêng Giang như: Lịch sử, Địa lý, Du lịch, Ẩm Thực và Văn Học.

Lịch sử Kiên Giang

Kiên Giang tiên khởi là vùng đất hoang vu của phủ Sài Mạt thuộc đất Chân Lạp do Mạc Cửu, vốn là người di cư đến từ Quảng Đông bên Tàu sau khi Minh triều bị tiêu diệt hoàn toàn năm 1645. Ông có công mở mang , khai phá và phát triển buôn bán làm cho vùng đất này trở thành trù phú hơn vào khoảng cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18. Vua Chân Lạp đã phong cho Mạc Cửu chức Oknha (Ốc nha) để cai quản vùng đất này. Tuy nhiên, vì quân Xiêm La thường xuyên sang quấy phá mà Chân Lạp không đủ sức mạnh quân sự để bảo vệ nên năm 1708 Mạc Cửu đã thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu (chúa Minh) để được bảo hộ và vẫn được giữ nguyên các chức vụ. Từ đó vùng đất này thuộc về lãnh thổ Việt Nam và có tên gọi là Hà Tiên. Sau này, con ông là Mạc Thiên Tích đã mở rộng thêm vùng đất này. Đến đời vua Minh Mạng, Hà Tiên là một trong 6 tỉnh vùng Nam Bộ.

Lịch Sử vùng đất Hà Tiên

Theo lịch sử Hà Tiên thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ XVII trên các bản đồ cổ của Trung Quốc, Hy Lạp và Ả Rập chưa thấy vẽ rõ ràng phần đất này và chưa thấy ghi một địa danh nào minh bạch. Nguời Bồ Đào Nha là những nhà hàng hải đầu tiên của phương Tây hồi tiền bán thế kỷ XVI đã tới thám hiểm và vẽ điạ phận này tương đối khá chính xác. Họ ghi trên địa điểm thị trấn Hà Tiên địa danh Carol. Đến nay, vẫn chưa biết xuất xứ Carol từ đâu ra, nhưng chắc chắn nơi đây đã là một bến cảng trao đổi hàng hóa quốc tế rất sớm có từ cuối thế kỷ XV. Không chừng khi ấy đã có thương nhân Đại Việt tới đây buôn bán. Sau này địa danh Cancao được đặt thay cho địa danh Carol. Tên Cancao có lẽ do âm của chữ Cảng Khẩu mà ra. Chúng ta vẫn chưa biết Carol có liên quan gì với Cancao hay không. Tiếp thời kỳ trên, sử gia Trịnh Hoài Đức đã ghi chép về lịch sử Hà Tiên khá rõ ràng là Hà Tiên, nguyên đất của Chân Lạp tục xưng là Mang Khảm, tiếng tàu goị là Phương Thành khi ban đầu Mạc Cửu, người xả Lê Quách Huyện Khang Hải, phủ Lôi Châu tỉnh Quảng Đông của nước Đại Minh, vào năm 1680 nhà Minh mất Mạc Cửu không thần phục chánh sách nhà Thanh để tóc dài nên ông chạy qua phương Nam ở tại Nam Vang nước Chân Lạp. Thấy nơi phủ Sài Mạt của nước ấy có nhiều người ngoại quốc như Trung Hoa, Đồ Bà (Chà Và, Ấn xưa) tụ tập mở sòng bạc trưng thuế gọi là thuế Hoa Chi. Mạc Cửu bèn trưng mua thuế ấy lại bắt được cái hầm bạc nữa, nên chẳng bao lâu sau cơ ngơi của ông phát triển giàu có, ông lại chiêu mộ dân phiêu bạt ở Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau lập làm 7 thôn xả. Tục truyền tại xứ Hà Tiên có các vị tiên thường hay xuất hiện, nên cho đó gọi là Hà Tiên. Mạc Cửu sai hai thuộc hạ Trương Cầu và Lý Xá đệ biểu văn trần tình đến kinh đô Phú Xuân để xin làm quan.

Mùa Thu tháng 8 năm Mậu Tý 1708 theo sách Thống Nhất Chí và một số sử liệu khác lại là năm Giáp Ngọ 1714 cúa Nguyễn Phước Chu sắc phong cho Mạc Cửu làm Tổng Binh Trấn Hà Tiên với tước Cửu Ngọc Hầu. Mạc Cửu lập dinh trại đồn trú ở đất Phương Thành, dân càng ngày càng qui tụ về đông đảo hơn. Vậy là trước năm 1708 đã có nhiều dân phiêu lưu ở Phú Quốc Lũng Kỳ (còn được gọi là Vũng Kè) Cần Bột tức (Kampot) Vũng Thơm tức (Kompong Som), Rạch Gía, Cà Mau rồi để cho Mạc Cửu lập thành 7 thôn tất nhiên trong đó cũng có số ít người Hoa, người Miên và người Đồ Bà (Chà Và).

Mạc Cửu làm Tổng Binh cai trị Hà Tiên đến năm Bính Thìn 1736 thì qua đời, chúa Nguyễn cho con là Mạc Thiên Tứ (hay Mạc Thiên Tích) kế nghiệp, lại gia ơn cho mở lò đúc tiền. Mạc Thiên Tứ chia đặt văn võ nha thuộc tuyển lựa quản binh, dựng công thự, đắp thành bảo, chia đặt đường sá chợ quán sau đó thương thuyền các nước vãng lai đông đảo. Mạc Thiên Tứ là người trọng văn học, thường mời các bạn văn sĩ tài nghệ tới đàm đạo thơ văn . Họ là những người gốc Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu hay cả từ phủ Triệu Phong, phủ Qui Nhơn hoặc phủ Gia Định cùng đến tham dự. Mạc Thiên Tứ mở Chiêu Anh Các, mua sách vở, cùng bạn văn xướng họa có thơ vịnh Hà Tiên Thập Cảnh . Từ đó văn phong mới truyền bá ra khắp miền biển này. Mạc Thiên Tứ cho khắc bản Hà Tiên Thập Vịnh và Minh Bột Di Ngư truyền lại cho đời. Đây là những áng văn tỏ tình ca ngợi và yêu thương đất nước cũng con người Hà Tiên. Vào năm 1757, xứ Chân Lạp có loạn, quốc vương Nặc Tôo trốn chạy sang Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ xin chúa Nguyễn cho hộ tống hồi hương. Nặc Tôn cảm đức ân đó bèn cắt cho 5 phủ, Chân Sâm, Sài Mạt, Linh Quỳnh, Cần Bột, Hương Ức. Mạc Thiên Tứ đem dâng quốc triều, vua cho qui vào Hà Tiên quản hạt, rồi lập đạo Kiên Giang đạo Long Xuyên ở đất Cà Mau, đều đặt quan lại cai trị. Vào năm 1772 nguỵ vương nước Xiêm là Phi Nhã Tân đem quân sang cướp phá Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ lui giữ trấn Giang (sau này là Cần Thơ). Sang năm 1775 chúa Duệ Tông chạy vào Nam thì Mạc Thiên Tứ thân hành đến Gia Định bái yết rồi trở về Trấn Giang chiêu tập nạn dân. Vào năm 1977 Tây Sơn chiếm Long Xuyên Mạc Thiên Tứ sang Xiêm La cầu viện, bị Phi Nhã Tân nghi ngờ rồi giết ông ở Xiêm. Mười năm sau Nguyễn Ánh thu phục được Hà Tiên. Vào năm 1788 đem hai đạo Kiên Giang và Long Xuyên cải tổ lại thuộc về trấn Vĩnh Thanh. Năm 1808 đặt hai huyện Kiên Giang và Long Xuyên vẫn do đạo quản hạt. Năm 1810 lại đưa hai huyện trên về Hà Tiên. Năm năm sau đó bỏ quản đạo đặt tri huyện. Ở trấn hạt thì đặt huyện Hà Tiên và đặt phủ An Biên để coi cả 3 huyện trên.

Vào năm 1832, phân hạt gọi là tỉnh Hà Tiên, và cải phủ An Biên thành phủ Khai Biên, huyện Hà Tiên làm huyện Hà Châu. Năm sau đó Lê Văn Khôi nổi lên chiếm lãnh Hà Tiên, tỉnh thành thất thủ liền bị quân Xiêm La xăm lăng có đại binh của Trương Minh Giản đến tiễu trừ mới yên được. Vào năm 1834, đổi lại phủ khai biên làm phủ An Biên, lấy đất Cần Bột, Hưng Ức làm phủ Quảng Biên và phủ Khai Biên. Vào năm 1936 triều đình cử Trương Đăng Quế và Trương Minh Giản làm việc đạt điền lập địa bạ cho 6 tỉnh Nam Kỳ. Toàn tỉnh Hà Tiên làm xong và được kiểm thực vào ngày 3 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 17. Vào năm 1839, đặt phủ Tịnh Biên lấy hai huyện Hà Dương và Hà Âm làm phủ mà tỉnh quản hạt. Vào năm 1842, Thiệu Trị trả đất Quảng Biên cho Chân Lạp đem phủ Tịnh Biên và hai huyện cho thuộc tỉnh hạt An Giang.

Vào năm 1867 Pháp đem quân tới chiếm 3 tỉnh miền Tây, Hà Tiên bị chiếm ngày 24 tháng 6 (sau Vĩnh Long có bốn ngày). Lúc đầu , Pháp giữ ranh giới hành chánh như cũ. Sau thay đổi dồn nhập chia cắt ra thành 20 hạt và hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn . Tỉnh Hà Tiên Cũ chia làm 3 điạ hạt là: Hà Tiên, Rạch Gía và Bạc Liêu. Địa bàn Hà Tiên mới là huyện Hà Châu cũ, Rạch Giá là Kiên Giang còn huyện Bạc Liêu là huyện Long Xuyên cũ cộng với hai tổng xưa thuộc An Giang. Khi người Pháp cai trị, sự phân chia hành chánh của Hà Tiên thật phức tạp và theo một qúa trình quanh cọ Sau ngày 15 tháng 6 1867 vẫn tồn tại 3 huyện cũ hay là hạt nhưng Pháp chỉ đặt Tham Biện ở Rạch Gía để cai trị huyện Kiên Giang và ở Cà Mau để cai trị huyện Long Xuyên. Còn ở Hà Tiên chưa đặt tham biện vì địa bàn nhỏ hẹp ngày 1 tháng 8 1867, Pháp thấy Cà Mau còn vắng vẻ nên chuyển tham biện về Hà Tiên để trông nom việc giao thương với Xiêm và các xứ khác trong vùng. Bỏ Tòa Bố Chánh ở Cà Mau, đưa huyện Long Xuyên thuộc về hạt Rạch Giá. Lúc ấy Rạch Gía là địa hạt lớn nhất Nam Kỳ. Đảo Phú Quốc đã có một thời là địa hạt riêng. Xin tóm tắt lại những sự kiện diễn tiến như sau:

a ) Tỉnh Hà Tiên nằm trên địa phận huyện Hà Châu cũ, vì đất hẹp người thưa nên hai lần suýt bị bãi bỏ: Ngày 12 tháng 1 năm 1888 Hà Tiên bị sáp nhập vào Châu Đốc , ngày 27 tháng 12, năm 1892 lại phục hồi vị trí tỉnh, và từ năm 1913 đến năm 1924 một lần nữa Hà Tiên thuộc về Châu Đốc.

b) Đảo Phú Quốc đã trở thành hạt biệt lập từ 1874 đến 1975.

c) Tỉnh Rạch Gía lúc đầu chỉ cai trị huyện Kiên Giang sau quản nhiệm Long Xuyên cho tới năm 1882.

d) Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 18 tháng 7 1882 gồm hai tổng Thạnh Hoà và Thạnh Hưng của tỉnh An Giang cũ cùng với 3 tổng Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Hưng của huyện Long Xuyên thuộc tỉnh Hà Tiên cũ.

Lịch sử Phú Quốc

Tương tự như phần trên đã trình bày, vào năm 1671 Mạc Cửu từ quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, đoàn người của Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, phái đoàn liền tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó nội bộ Chân Lạp có loạn. Mạc Cửu gặp Nặc Ông Thu (tức Ang Sur, Jayajettha III) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681.

Mạc Cửu cho lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trũng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác. Ngoài ra, ông cho lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán, tức sắc dân Khmer), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo). Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc, tức vùng đất thịnh vượng, trù phú.

Đến năm 1708 Mạc Cửu liên lạc được với Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu. Năm 1714, Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn để được bảo hộ và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu. Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đổi tên thành Long Hồ dinh. Từ 1729, Long Hồ dinh nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan. Vào năm 1735 Mạc Cửu mất, con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi tên thành Mạc Thiên Tứ, được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi tên thành trấn Hà Tiên. Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (bắc Bạc Liêu). Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để được về Nam Vang cai trị. Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam), nói chung là toàn bộ vùng biển ven duyên quanh đảo Phú Quốc, Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Thật ra đây là những vùng đất hoang, không người Khmer nào sinh sống tại đây vì sình lầy và lụt lội quanh năm. Võ vương sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.

Địa Lý thiên nhiên

Diện tích tỉnh Kiên Giang chiếm độ 6.300 cây số vuông, đất nông nghiệp khoảng 4.120 cây số vuông, riêng đất canh tác lúa chiếm đến 3.170 cây số vuông. Do đó có những ruộng lúa cò bay thẳng cánh tại Kiên Giang. Về đất cho rừng lâm nghiệp chiếm đến 1.200 cây số vuông. Vì thế đất chưa sử dụng còn gần 1000 cây số vuông. Kiên Giang là một dải đất nằm ở phía tây nam Việt Nam. Phía đông và đông nam của tỉnh Kiên Giang giáp ranh với các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang, phía nam giáp Cà Mau, phía bắc giáp Cam Bốt với đường biên giới dài 54 cây số, ngoài ra còn có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ ngoài vịnh Thái Lan. Về giao thông bằng đường thì Rạch Giá cách Cần Thơ 116 cây số, cách Mỹ Tho 182 cây số và cách Sài Gòn 250 cây số. Về đường không thì có ba sân bay Rạch Giá, Phú Quốc và Hà Tiên.

Tỉnh lỵ của Kiên Giang là thị xã Rạch Giá. Các huyện gồm thị xã Hà Tiên; huyện Hà Tiên, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận. Hai huyện là Phú Quốc, Kiên Hải.

Các sắc dân định cư gồm người Việt (Kinh), Khmer và Hoa.

Trong địa phận Kiên Giang có nhiều núi thấp ở phía tây là núi Đại Tô Châu 178 m (234 ft), núi Hòn Sóc 187 (561 ft), Hòn Đất 260 (780 ft), Vân Sơn, Địa Tạng... Ngoài biển Kiên Giang có rất nhiều hòn đảo như hòn Tre, hòn Thổ Châu, hòn Chông, hòn Rai, hòn Mấu, hòn Nam Du, Minh Hoa, Kiên Giang, hòn Dọc, hòn Kinh Qui, hòn Ngang, hòn Heo, hòn Xưởng, hòn Vang, hòn Thơm, hòn Roi, hòn Dừa, hòn Nhạn... Đặc biệt là đảo Phú Quốc rất lớn, diện tích 566 cây số vuông, dài 50 cây số, chỗ rộng nhất 29 cây số, có dãy núi Tà Lơn với các ngọn cao như Hàm Rồng 365 m (1,095 ft), núi Chúa 603 m (1,809 ft), núi Mắt Quỷ 360 m (1,080 ft).

Kiên Giang có một khu rừng ngập nước ở phía Nam (U Minh Thượng). Sông rạch trong tỉnh chi chít, phíc bắc có rạch Giang Thành, kinh Hà Tiên, kinh Ba Thê, các kinh Rạch Giá đi Long Xuyên và Thất Sơn, rạch Sỏi...; phía đông nam có kinh Cái Sắn, kinh Tân Hiệp, kinh Thốt Nốt, kinh Cán Gáo, sông Trèm Trẹm, các sông Cái Lớn, Cái Bé đổ ra cửa vũng Rạch Giá, và một số kinh mang số từ 1 đến 10. Bờ biển Kiên Giang có hai có hai vũng lớn là vũng Cây Dương và vũng Rạch Giá.

Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 27ºC, quanh năm không quá nóng và quá lạnh. Khí hậu 2 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.

Tiềm năng kinh tế

Kiêng Giang chú trọng vào hai phạm vi nông nghiệp và ngư nghiệp. Kỹ nghệ đánh cá cũng rất phát triển. Biển Kiên Giang có những bãi nuôi tôm thiên nhiên và luồng cá rất lớn với nhiều loại cá ngon như cá thu, cá chim, cá nhám, cá bạc má, cá hồng, cá ngộ và cá thiều. Kiên Giang còn nổi tiếng về ngành sản xuất nước mắm. Kiên Giang có nhiều địa danh nổi tiếng đi vào lịch sử là rừng U Minh, Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc... Thiên nhiên ưu đãi cho Kiên Giang nhiều danh lam thắng cảnh tại hai vùng đất Trời ban như Non nước Hà Tiên, Biển trời Phú Quốc và Địa danh Hà Tiên.

Về tài nguyên thiên nhiên thì Kiên Giang là tỉnh có nguồn khoáng sản khá dồi dào tại vùng đất bồi do đồng bằng sông Cửu Long. Những loại quặng mỏ chính được khai thác như: than bùn, đá vôi, sắt, và đá quý như huyền thạch anh.Chủ yếu của vùng là sản xuất xi măng. Núi đá vôi có hơn 20 ngọn với trữ lượng khoảng 440 triệu tấn, trữ lượng khai thác là 245 triệu tấn.

Kinh tế Phú Quốc

Với diện tích rộng tới 585 cây số vuông, chiều dài của đảo là 50 cây số, nơi rộng nhất ở phía Bắc là 25 cây số. Phú Quốc có 99 ngọn núi chập chùng trong một quần đảo gồm 26 đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan. Đây là một đảo giàu có của Việt Nam với các tiềm năng ngoài kỹ nghệ du lịch, các sản phẩm thiên nhiên gồm:

1/ Ngành lâm nghiệp vì rừng chiếm 70% diện tích đảo với 50.000ha. Trong đó rừng đặc dụng có tới 9.500ha, có nhiều gỗ quý và thú rừng lạ.

2/ Nhiều loại khoáng sản như: cát thủy tinh rất tốt, cao lanh, đồng, măng gan, sắt...

3/ Ngành ngư nghiệp đánh cá biển và ngành sản xuất nước mắm từ cá biển. Phú Quốc có tới 2000 tàu đánh cá, sản lượng đánh bắt cá hàng năm khoảng 35.000 tấn.

4/ Tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì phẩm có độ nồng và thơm.

Thắng cảnh Du lịch

Do thắng cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, kỹ nghệ du lịch tại Kiên giang đóng góp nhiều cho đời sống kinh tế phồn thịnh của Kiên Giang. Hòn Đất

Nằm ở khoảng giữa đường Rạch Gía đi Hà Tiên, Hòn Đất có diện tích tự nhiên khoảng 102 ngàn mẫu gồm cả núi, biển, đồng bằng và rừng. Cách đây hằng thế kỷ, khi vương quốc Phù Nam cổ còn trải rộng bạt ngàn, thì với những di chỉ khảo cổ hiện có, Hòn Đất đã được khẳng định là một trong những cái nôi của nền văn hoá Óc Eo rực rỡ… Đến những năm cuối cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Hòn Đất được sát nhập thuộc phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên, phía Bắc giáp với Thoại Sơn (An Giang), phía Nam là 56 cây số bờ biển của vịnh Cây Dương, Rạch Gía.

Thời đó, cư dân Hòn Đất chủ yếu là người Khờ-me, người Kinh Nam Bộ và người Hoa. Mãi đến năm 1941, chính quyền Pháp thuộc mới chiêu mộ 750 gia đình nông dân ở Thái Bình, Nam Định di cư vào sống dọc theo kênh đào Tri Tôn. Bên cạnh những mái nhà lợp lá dừa nước, những mái nhà tranh vách đất đặc trưng của nông thôn miền Bắc Việt Nam đã mọc lên trên mảnh đất phương Nam heo hút này, và dần dần tạo nên bản sắc cộng đồng dân cư mới.

Hòn Đất là một huyện của tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 120 ngàn dân sinh sống, lấy nghề nông làm kế sinh nhai chánh. Không cao lớn, hùng vĩ, nhưng cụm núi Hòn (gồm Hòn Me, Hòn Sóc, Hòn Quéo) được đáng giá là một trong những quan cảnh đẹp tự nhiên của vùng đất Tây Nam đất nước. Một địa thế sông núi liền kề nhau có đồng bằng, có biển cả sát cận nhau. Lợi điểm thiên nhiên đó rất dễ tạo cho ngành du lịch tại đây phát triển tốt đẹp, nhất là khi kết hợp các chuyến du ngoạn ba nơi Rạch Giá, Hà Tiên và Châu Đốc sát nhau.

Thắng cảnh Mũi Nai

Tại thị trấn nhỏ của tỉnh Kiên Giang, Hà Tiên có danh lam Mũi Nai, vùng đất có khí hậu vốn ấm áp và mát mẽ do gió biển, lại có nhiều hang thạch động mỹ miều do thiên nhiên, gồm đảo lớn, đảo nhỏ thuộc thắng cảnh du lịch đẹp tại Đông Nam Á. Từ thuở hoang sơ vùng đất này là mênh mông nước và mênh mông trời, tục truyền rằng có một chú nai con thuộc dòng dõi nai thần hay ra uống nước. Rồi một ngày kia mãi say cảnh đẹp của biển trời Hà Tiên, chú nai không về kịp giờ đóng cửa rừng. Buồn bã, chú nai quay lại bờ biển, thơ thẩn đi dạo. Nhưng biển đêm không hề thơ mộng êm ả vào mùa gió chướng. Gió nổi, sóng xô ầm ầm. Chú nai con gục ngã giữa biển. Ngày nay, khi tản bộ lên đỉnh cao của phía đối diện, bạn sẽ được nhìn ngắm toàn cảnh bãi biển. Ngọn núi phía xa xa vẫn mang hình chú nai con đang uống nước.

Điểm độc đáo đầu tiên và dễ nhận ra nhất của bãi Mũi Nai là có điểm du lịch nổi tiếng khác xung quanh. Tôi xem cảnh chụp về vùng biển này mà hãnh diện vì đất nước tôi có bao thắng cảnh không thua vùng hải đảo Carribbean có Bahamas, Jamaica, Barbados hay Bermuda. Mũi Nai có Kim Cương động (Thạch Động) huyền ảo trốn trong mây với tiếng đàn Thạch Sanh văng vẳng. Đằng kia là Hòn Chông đá dựng, uy nghi huyền sử Hòn Phụ Tử đánh cá sấu, lung linh hệ thống thạch nhũ có hình đủ dạng. Rồi Chùa Hang cổ kính, tan tiếng chuông trong chiều lộng gió… Quá nhiều điều hấp dẫn chờ đón du khách như tôi vốn đam mê biển cả thám hiểm những kỳ quan trên quê hương tôi, nhất là sau khi đầm mình vào biển ấm bơi cho thỏa thích.

Chùa Hang và Hòn Phụ Tử

Trên đường về Hà Tiên tức đất của tỉnh Kiên Giang, đến Ba Hòn, rẽ trái khoảng 18 cây số, bạn đã đến khu du lịch Hòn Phụ Tử. Nhưng trước khi đến với hòn Phụ Tử, bạn phải ghé qua chùa Hang, một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng cho du khách đến viếng khi ghé Kiên Giang. Chùa Hang được khám phá vào đầu thế kỷ 18 do các nhà sư Thái Lan và các ngư dân đến đây khẩn hoang lập nghiệp.

Bước qua cổng tam quan là khoảng sân trống chạy dài tới chân núi An Hải, trước mặt là hang núi khá rộng, có những nhánh nham thạch tua tủa đó đây. Đây là hang động thiên nhiên trong ngọn núi đá vôi bị xâm thực cách đây trên ngàn năm. Trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều hình tượng lạ lùng, chút gì dó huyền bí trong ánh mắt tôi. Chùa Hang nằm trong đó. Chùa có nhiều pho tượng Phật, đặc biệt có 2 pho tượng Phật Thích Ca đã an vị hơn 300 năm. Hàng năm, chùa Hang tổ chức lễ hội long trọng từ ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch kéo dài đến ngày 15 tháng 4 âm lịch. Đây là những ngày hội mừng Phật đản sinh được tổ chức với nét văn hóa đặc sắc... Theo lòng hang ngoằn ngoèo trong ruột núi, cuối cùng bạn sẽ nghe những ngọn gió muối mặn thổi lồng. Ngẩng nhìn, trước mắt bạn là một vùng biển trời bao la rộng mở. Đó là vùng biển hòn Phụ Tử. Khi nói đến Hà Tiên, ta không thể nào bỏ qua hòn Phụ Tử, nơi được xem là một danh lam thắng cảnh tiêu biểu của vùng đất huyền diệu này. Theo truyền thuyết từ xa xưa ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ, hay đánh đắm thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Bên chân An Hải Sơn, cạnh chùa Hang, có hai cha con người chài lưới sống. Quá trắc ẩn trước thực trạng này, người cha quyết lòng tiêu diệt con ác thú trừ hại cho bà con. Sau khi tính hết kế, cuối cùng ông thấy chỉ còn cách hy sinh thân mình mới mong giết được con thuồng luồng ác nghiệt này. Thế là ông liền tẩm thuốc độc vào mình, nằm sát mé biển để dụ con ác thú. Thấy mồi ngon, con thuồng luồng đến ăn đứt đầu ông, trúng độc rồi chết. Người con đi tìm cha, bắt gặp xác cha cụt đầu, ôm lấy, khóc thương thảm thiết. Không ngờ chất độc từ người cha thấm qua khiến người con trúng độc rồi chết. Trời nổi giông bão, mưa suốt mấy ngày liền. Và nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn to là cha và hòn nhỏ là con, người ta gọi là hòn Phụ Tử.

Với huyền tích như vậy, hòn Phụ Tử càng được tô đậm đức tính văn hóa gia đình Việt Nam, tôi cảm động khi nghe vị sư kể lại tích xưa của địa phương này.

Hà Tiên - Chốn Bồng Lai

Là thị xã nằm phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, Hà Tiên có bờ biển và biên giới tiếp giáp với Cam Bốt. Thị xã có 4 phường: Đông Hồ, Bình San, Pháo Đài, Tô Châu; 2 xã là Thuận Yên, Mỹ Đức; và đảo Tiên Hải. Hà Tiên có nhiều thắng cảnh thiên nhiên hữu tình. Tục xưa truyền rằng vì trần gian nơi đây có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, tiên nữ thường xuất hiện, vậy là có tên địa danh Hà Tiên. Hà Tiên xưa kia thuộc vùng đất Mang Khảm (tục danh của Trấn Phiên thành, còn gọi là Đồng Trụ trấn). Như đã kể trong phần sử Hà Tiên bên trên, năm 1679 Mạc Cửu vì bất mãn chống lại Thanh triều, lưu lạc đến vùng đất Hà Tiên, chiêu tập lưu dân lập nên xứ Hà Tiên. Năm Hiển Tông đời thứ 7, nghe lời mưu sĩ Tô Quân cùng các thuộc hạ Trường Cầu, Lý Xá dâng biểu cầu thân với nhà Nguyễn. Kể từ ngày đó, Hà Tiên trở thành mảnh đất cuối cùng của đất Việt về hướng Tây Nam. Do dó công Mạc Cửu đóng góp cho lịch sử Việt Nam mở rộng biên cương rất đáng trân quí. Đã đến Hà Tiên ta không thể nào không ghé thăm từ đường của dòng họ Mạc được khởi đầu từ Tổng binh Mạc Cửu. Khi ông qua đời, nhà Nguyễn đã phong tặng tước hiệu Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị công. Những bậc thang đá đưa du khách viếng thăm nơi an nghỉ của những người đã có công khai phá xứ Hà Tiên hơn 300 năm trước. Mạc Cửu giỏi tài dụng binh khiển tướng, Mạc Thiên Tích giỏi văn, người có công lập ra tao đàn Chiêu Anh Các để mỗi mùa trăng tròn ngắm trăng làm thơ tại Bảo nguyệt liên trì, nơi đối diện đền thờ Mạc Công... Phải chăng nền văn học Kiên Giang cho nhiều văn thi nhân vì lịch sử, vì vùng đất đáng yêu này của xứ sở.

Này nhé, từ trên núi Bình San, Hà Tiên hiện ra thơ mộng đến vô cùng tận, một bên là biển Đông mênh mông, một bên là núi Voi Phục, những núi đá vôi cô độc càng tô đậm thêm vẻ đẹp ưu ái của đất Hà Tiên mà ít nơi nào có được lắm. Hà Tiên có Thạch Động, hay còn gọi là Vân Sơn. Thạch động chính là nơi khởi nguồn của câu chuyện cổ tích Thạch Sanh chém chằn thấm sâu trong ký ức tuổi thơ. Vào sâu trong Thạch Động, thạch nhũ lâu ngày đã tạo ra những hình thù thiêng liêng huyền bí như dáng một cô gái tóc dài mà dân gian quen gọi là Phật Bà Quan Âm. Từ đây, chỉ cần bách bộ thêm vài bước chân là tới cửa khẩu Xà Xía, và bên kia là đất nước Chùa Tháp.

Dọc theo biển, xuôi về hướng Nam, du khách sẽ đến một cụm thắng cảnh nổi tiếng của Hà Tiên là Hòn Chông. Nước biển ở đây xanh ngắt, khí trời mát rượi không thua kém gì vùng biển Carribbean. Điểm lưu ý là từ Hòn Chông ta có thể ngắm nhìn hòn Phụ Tử trong tiếng sóng vỗ rì rào của vùng biển Hà Tiên.

Từ chùa Hang chỉ cần vài phút bồng bềnh trên ca nô vượt sóng sẽ đến hang Gia Long với những hình thù do thạch nhũ tạo ra như ghế Gia Long, hình Đường Tăng, giếng Tiên, tượng Phật Bà Quan Âm... để thưởng ngoạn thắng cảnh tại đây.

Suối Tranh

Đảo Phú Quốc trong phạm vi hành chánh của tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc có thẳng cảnh du lịch nổi tiếng là Suối Tranh. Phía Đông Bắc của đảo Phú Quốc có dãy Hàm Ninh xanh thẳm, từ trong khe núi, nhiều dòng suối nhỏ len lỏi qua rừng cây, khe đá để rồi hoà mình vào dòng chính tạo nên dòng Suối Tranh chảy triền miên, lưu lượng nước điều hoà. Năm 73 tôi được dịp ghé chiêm ngưỡng nơi đây, tôi còn nhớ mãi. Quang cảnh thiên nhiên tại đây sao thật êm đềm như tiên cảnh. Rồi lại có đoạn suối chảy qua các ghềnh đá tạo nên những con thác nhỏ với làn nước róc rách mềm mại, trắng xoá trong màu xanh mượt mà của cỏ cây hoa lá... Khung cảnh tựa như bức tranh thiên nhiên xinh đẹp nên nó được gọi là Suối Tranh. Khách đến đây có thể tắm suối, đắm mình ở những bờ biển trong vắt, nước mát mẽ, rồi tựa mình trên những tảng đá bằng phẳng nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim kêu trong bầu không gian về chiều hồn ta như nghe lới ca của bài hát của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên bên Paris:

"Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào?

Mịt mùng ngàn thâu suối mơ trầm lắng
Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng
Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy?
Ngàn đời vang nhắc bên suối trăng tà
Suối mơ lời hẹn ước ven bờ suối xưa..."
(Trăng Mờ Bên Suối)

Di tích lịch sử:

- Đình Nguyễn Trung Trực: Để tưởng nhớ cụ Nguyễn Trung Trực, lúc đầu đền thờ mang tên thờ Nam hải Đại tướng quân, thờ cá ông để che mắt kiểm soát của thực dân Pháp. Sau nhiều lần trùng tu đền hiện nay tọa lạc tại khu bến cảng Rạch Giá.

- Chùa Tam Bảo: Tọa lạc tại phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang. Ngôi chùa được nổi tiếng vì lối kiến trúc đẹp mắt.

- Lăng Mạc Cửu: Để tưởng nhớ Mạc Cửu, người có công khai phá đất Hà Tiên. Khu di tích nằm trọn trên núi Voi Phục, từ trên đỉnh có thể thấy được toàn cảnh Hà Tiên.

Ẩm Thực Kiên Giang

Kiên Giang là xứ biển, thổ sản cá, khô, mắm thì quá dồi dào. Kiên Giang hằng năm khai thác hơn 120 ngàn tấn hải sản và nguồn cá đồng lên đến hằng chục ngàn tấn. Vì thế các món ăn nơi đây được chế biến rất đa dạng nhưng vẫn giữ được sắc thái đặc thù riêng. Vã lại, khi viết về một quốc gia hay một địa phương mà ta bỏ qua mục thức ăn địa phương tiêu biểu, tôi e rằng đó là một thiếu sót. Dĩ nhiên thực đơn của Kiên Giang bao gồm nhiều món lắm, trong bài này tôi đưa ra những món đặc trưng cho Kiên Giang mà tôi đã ăn qua là "Bún Cá Kiên Giang" và "Bún Mắm Nước Lèo".

Bún Cá Kiên Giang

Bún cá Kiên Giang đã có từ bao lâu thì tôi không rỏ, nhưng cái ngon và độc đáo của nó là điều tôi muốn trình bày ra đây. Dạo quanh phố xá Kiên Giang, người ta thấy nhiều nới bán món này, mà thú thật ăn bún cá ở hàng quán bình dân trong lồng chợ hoặc tại các gánh hàng rong mà tôi gọi là ăn bụi đời mới thấy cái hương vị quê hương Kiên Giang. Tô bún cá (Kiên Giang) đầu tiên cho tôi cái thú vị tuyệt vời, nó như mối tình đầu khi chúng ta va chạm phải.

"Lần đầu ăn tô bún cá
Chạy dìa Rạch Giá, bỏ Má theo em"

Ra xứ ngoài rồi thì dù xa Rạch Giá, nhà thơ gốc Hải quân mang cả bầu trời quê hương năm nào theo anh. Xin thưa, nhà thơ Ngô Quang Võ cho tôi bài viết để tôi đi tìm cái hương vị Kiên Giang mang theo:

Bún Cá Kiên Giang (Ngô Quang Võ)

Vật Liệu:

Trước nhất ta mua xương ống heo để nấu làm nước lèọ. Gia vị mặn lạt thì tùy người ăn. Nếu ở bên này không có cá Lóc thì ta thế cá Bass (Green Bass Large or small mouth Bass, hay mấy cá khác cũng được), nhưng nó có mùi không giống cá Lóc như loại cá Bass.

Cách Làm:

Cá làm cho thật sạch, để lên rỗ cho khô nước (khô nước thịt cá sẽ dẻ hơn). Cá cắt làm hai ngay gần đầu, sợ đầu cá bị bể nên buộc đầu cá, thả vô nồi nước lèo đang sôi canh chừng 15-17 phút vớt cá ra.

Đầu thì để nguyên cho người nhậu, còn thịt thì rỉa ra từng miếng nhỏ để sau này bỏ lên tô Bún cá.

Tôm càng ta nên mua vài con lớn về kích thước, vì tôm càng to mới có gạch nhiều, Tôm lột ra thịt bằm miếng nhỏ, lấy gạch tôm xào chung với thịt để tạo thành màu hồng của nước Bún.

Rau sống thì tùy người ăn thích mùi vị của rau, riêng tôi thì chỉ có hai loại rau húng lũi, húng cây và giá, rau sắt nhuyễn trộn chung với giá.

Nước mắm chan cũng tùy người riêng ta thì nên để riêng ra tốt hơn. Nước mắm thì là nước mắm nguyên chất, không thêm gia vị vô, nhưng ai muốn thêm giấm ớt thì cần có tí đường và tí ti bột ngọt cho nó đậm đà.

Nước lèo khi nấu nhớ là phải vớt bọt, vì vớt bọt nước mới trong.

Cá bỏ vô lúc nước thật sôi, cá vừa chín là lấy ra, như thế thịt cá mới còn ngọt.

Chanh cắt nghiêng 8 miếng cho một trái, chanh cắt nghiêng mới có nước.

Khi ăn ta nên nhớ là phải trụng bún, nếu để nguội bún, tô bún sẽ lạnh ngắt, sẽ không ngon.

Trụng bún bỏ vô tô, rau thơm giá bỏ vô chung, cá rải lên mặt, chan nước lèo quê hương lên là ta có một tô bún Kiên Giang rồi đó. Còn nếu ta ăn cay được bỏ ớt nhiều. Bún sẽ mang hương vị đậm đà hơn.

Đó là lời nhà thơ Hải quân mở khóa nấu ăn cho tôi. Và là nam nhà thơ hướng dẫn món Bún Cá Kiên Giang.

Sau đây là nữ nhà thơ Trần Mỹ Thanh, cũng của đất Kiên Giang mời tôi món  Bún Mắm Nước Lèo.

Vật liệu gồm cá lóc hoặc cá bông lau, xương heo nấu nước lèo, tôm tươi, thịt ba rọi, mắm sặc (loại rỉa sẵn ready-to-use), sả, nước cốt dừa lon và dừa xiêm tươi, bún. Rau gồm húng quế, giá, chuối hột cắt sợi, và hẹ. Gia vị có tương hoisin, đường tiêu, tỏi, ớt, hành, ngò và chanh.

Rửa sạch xương heo, cho vào nồi nấu chung với nước dừa và nước lọc, nêm ít muối. Tôm rửa sạch, đem hấp chín, để nguội Lột vỏ tôm va chẻ mỗi con làm hai dọc theo sống lưng. Cá đem làm sạch, lạng da, để ráo nước.

Thịt ba rọi cho vô nồi luộc chín, vớt ra để nguội, xong cắt lát to. Canh nước vừa sôi cho cá vào luộc vừa chín, vớt ra để nguội và gỡ lấy thịt.

Mắm sặc cho vào nước vừa luộc thịt và cá, nấu cho mắm sôi, dùng đũa quậy cho rã trong nước luộc. Hoà nước luộc mắm vào nước súp hầm xương. Nêm vào nồi nước súp đường và cho bó xả vào nồi súp nấu lửa nhỏ cho đến khi nước lèo thơm mùi sả. Nêm các thư gia vị sao cho vừa khẩu vị. Giữ nước lèo nóng khi dùng.

Bắc chảo cho tỏi bằm nhuyễn vào phi thơm. Cho dầu vào xoong nước lèo, Xào thêm 3, 4 muỗng dầu và hành, tỏi cho thơm, chia dầu ra dùng để xào tôm, thịt và cá, riêng biệt từng thứ. Bày tôm thịt và cá vào một dĩa bàn lớn, mỗi thứ một góc.

Bày lên bàn một dĩa bún, một dĩa rau sống, dĩa đựng giá, hẹ, một hũ tỏi xắt lát ngâm chua, ớt xắt khoanh mỏng và chanh cắt múi. Nước lèo có thể hâm nóng đặt trong lẩu ở giữa bàn.

Khi chuẩn bị ăn cho bún vào tô bên trên giá hẹ trụng, bày cá, tôm, thịt lên trên mặt bún. Chan nước lèo nóng vào tô cho vừa ngập bún, rắt tiêu cho thơm. Nên dùng món bún mắm khi nóng kèm thêm rau thơm (húng, quế, hành, ngò), chanh, ớt, và đừng quên tỏi ngâm chua.

Nhà thơ Trần Mỹ Thanh và chị hai Trần Xuân Lan bày cho tôi thêm món Bún Kèn Cá.

Món này tôi đã ăn qua trong lồng chợ Châu Đốc, hôm nay hai chị cho tôi khóa học thực hành. Để thực hiện món này, ta cần cá lóc, nhưng tại Mỹ học viên chỉ có cá mèo catfish mà thôi. Tôm tươi (có người thích dùng tôm khô hơn), dừa xiêm trái, nước cốt dừa lon, khóm tươi, rau thơm và gia vị. Có ba điều khác giữa món bún mắm và bún kèn là bún kèn không dùng xương keo làm nước lèo mà chỉ dùng cá và tôm (cho hương vị hải sản "seafood"), không dùng thịt ba rọi, và không dùng mắm, mà dùng bột cà ri. Đại để thì khá giống về qui tắc làm, luộc tôm cá bằng nước dừa xiêm và nước lọc xong dùng làm nước súp, nêm gia vị như muối đường cho súp vừa khẩu vị. Cá rỉa lấy thịt, bỏ xương, tôm bóc vỏ bỏ chỉ lưng, bằm tôm nhuyễn xong phi tỏi và sả bằm đem xào chung với cá, khóm bằm, cho bột cà ri vô, nêm gia vị xong đổ úp hỗn hợp vô nồi nước súp, để lửa nhỏ riu riu cho đủ nóng khi dọn ra ăn. Như món bún mắm món này cần rau ghém ăn kèm mới ngon. Ôi, nhớ sao là nhớ!

Trước khi tốt nghiệp khóa nấu ăn Kiên Giang, anh nhà thơ Hải quân dẫn tôi trở lại bếp thực hiện món tốt nghiệp. Vì là dân Rạch Giá anh chỉ cho tôi món nào cũng có giá và cá. Sau cùng là món "Cá Nướng Kiên Giang". Ai mà ghé đất Kiên thành mà bỏ qua món "Cá Nướng Sông Kiên", tôi cho thiếu sót nhiều lắm. Anh Ngô Quang Võ mặc dù ôm mộng hải hồ đi tàu nổi trôi đó đây nhưng vẫn chung tình vói dòng sông Kiên, và với món cá nướng hương vị quê hương. Anh nhà thơ Hải quân chỉ cho tôi một lý thuyết chọn cá với những tiêu chuẩn như cụ nhà thơ Tản Đà khi xưa có những qui tắc riêng về ẩm thực:

"Cá thì lọai nào tùy nguời thích, cá Thu Ngừ (Spanish Mackerel) cá trắng (White Fish) Cá chét (Boston Blue). Các lọai cá về giòng họ nhà Bass đều đuợc cả. Khi chúng ta chọn lựa cá nên cá phải tươi, coi chừng mấy anh bán cá giả danh cá tươi... Tuyệt đối không làm cá đông lạnh, vì cá sẽ bị tanh..."

Tôi thích cá white fish vì thịt rất béo, hoặc lọai cá thu đuôi vàng (yellow tail) cùng giòng họ với cá thu ngừ (mackerel), thịt ngon hơn. Bàn về cá tươi quả thật hơi khó tại đây, trừ phi chạy ra các bến Long Beach hay Newport Beach mua cá tươi khi tàu về làm. Có lẽ người Kiên Giang như nhà thơ bạn tôi vốn được thiên nhiên ưu đãi nên cách chọn lựa có phần nghiêm khắc hơn chăng? Dù sao cá tươi cho ta nhiều điểm lợi hơn cá đông lạnh. Anh nói tiếp về cách nướng cá:

"… hay chặt dài cây sậy, gom một mớ rơm khô, bắt vài con cá lóc xỏ lụi từ đầu cho đến đuôi, dựng đứng cá tủ rơm lên đốt khỏang trên duới 1/2 tiếng là cũng có một món cá lóc nuớng tuyệt cú mèo. Chấm với nước mắm me xơi vài ba chén cơm như chơi. Xứ này xài tòan lò gas, lò điện, nên không có than. Ngòai đồng thì lúa mì và cỏ dại, cho nên chúng ta muốn một bữa cá nướng thì không dễ dàng gì. Cho nên chúng chỉ còn đem cá mà đút lò..."

Tôi đồng ý cá nướng trong tủ rơm hay rạ, hoặc barbecue lửa than vẫn ngon hơn lò điện, nhưng hôm nay trong nhà anh em chúng tôi chỉ có lò điện mà thôi. Món Cá Nướng Sông Kiên vẫn danh trấn quê hương. Nào, khi chúng ta hẹn nhau ngồi tại một góc quán bên bờ sông Kiên, hãy kêu một con cá lóc hạng trung, không to quá thịt dai, không bé quá thì thịt ít. Một dĩa rau sống thật xanh tươi. Chúng ta cuốn bánh tráng cá lóc nướng chấm nước mắm me, và trong cái mát rượi của dòng sông Kiên, cái ngọt thịt của cá, cái thơm của tỏi phi, mỡ hành, cái cay của ớt, cái chua vừa phải của me, có phải cái tổng hợp của tất cả cho một món ăn thấm vào cổ họng để dịch vị tiết ra cho ta mãi nhớ về quê hương?

Văn Học và Âm Nhạc Kiên Giang: Xét qua một vùng đất ta không thể bỏ qua khía cạnh văn hóa của nếp dân sinh tại đó. Lịch sử Kiên Giang xưa kể rằng Mạc Thiên Tứ vốn yêu thơ, yêu văn học và yêu nghệ thuật. Dù rằng gốc gác ông là người Minh hương, nhưng gia đình ông có công trạng rất lớn giúp lịch sử Việt Nam mở rộng biên cương, và tạo ra những thành quả tích cực về một xã hội với kinh tế phồn thịnh để người địa phương vẫn sùng bái và thờ phượng thân phụ của ông cho đến nay. Mạc Thiên Tứ là một nhà thơ, ông vịnh cảnh đẹp của Hà Tiên như sau:

Hà Tiên thập cảnh tổng vịnh

Mười cảnh hà Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẫm nên xinh
Đông hồ Lộc Trĩ tuôn dòng chảy
Nam phố Lư Khê một mạch xanh
Tiêu tự Giang Thành chuông trống ỏi
Châu nham Kim dữ cá chim quanh
Bình san Thạch động là rường cột
Sừng sựng muôn năm cũng để dành .

Tôi tìm hiểu về người Kiên Giang, tôi gặp một tập thể yêu thơ không nhỏ tại Hoa Kỳ.

Thơ Kiên Giang

Nhà thơ Ngô Quang Võ là nhà thơ có đam mê thi phú, thơ quê hương của anh kể về Rạch Giá:

"Ai về Rạch Gía Kiên Giang
Cho Tôi nhắn gởi đôi hàng về thăm
Hai bảy năm, hai bảy năm
Tôi ly hương chỉ âm tnầm nhớ thương ...

Cổng Tam Quan dẫn đường vào chợ
Sân Lạc Hồng của thuở ngà xưa
Quê tôi ruộng lúa hàng dừa
Có Trường Trung Trực có Chùa Thập Phương .
Chiêu Dương Quán ánh trăng soi nước
Cầu Sông Kiên lũ lượt người qua
Sáng tinh sương buổi chiều tà
Nam thanh nữ tú Thướt tha vào thành
Chùa Phật Lớn bên vành cửa bắc
Xo/m Mộ Bia chật nứt ghe thuyền
Bến Xe đưa khách Hà Tiên
Bên đường Mạc Cữu mặt tiền hướng đông.
Mời bạn đến nhà lồng của chợ
Ngắm gian hàng bách hóa người Hoa
Hiên đông có bún Gỏi Và
Hiên Tây có bán cháo gà xé phay
Tiết Canh Vịt ngò gai nước mắm
Bún Kiên Giang Cá thắm hồn quê
Bún Măng bún mắm ê hề
Cháo lòng vịt lộn cà phê vỉa hè
Sông Rạch Sỏi nhiều bè gỗ qúi
Xóm An Hòa cắt xẻ đóng xây
Kinh Bê , Tân Hiệp , Cầu Quay
Gò Quao Tắc Cậu khóm đầy vị hương
Cầu Tàu Mỹ ghe xuồng tấp nập
Vựa ghe Chày bến cặp Nhà Đèn
Nối liền Kinh Xáng Hà Tiên..."
(Ngô Quang Võ "Quê Tôi Rạch Giá")
Nhà thơ Vĩnh Hòa Hiệp sáng tác bài thơ "Qua Sông Cái Lớn"
"Qua Sông Cái Lớn Qua sông Cái Lớn cùng em
Về thăm quê ngoại chút nem, bánh mì
Ổi kia xá lị xanh rì
Trung Lương chục mận còn gì vui hơn
Bánh phồng sữa trắng thơm nồng
Thơm mùi lúa mới trên đồng quê ta
Qua sông về lại thứ Ba
Xẻo, Rô, Hiếu Lễ quê nhà đâu đây
Xẻo Quao tình nhớ đong đầy
Xẻo Bần con rạch hàng cây ven bờ
Kinh Dài tràm mọc nên thơ
Tre già lả ngọn chiều mờ bên sông
Cau già buồng đã tầm vông
Khói chiều vương bếp ấm lòng tha phương
Trong ta còn một trời thương
Một trời quê ngoại vương vương lòng sầu..."

Chuyện ngày xanh vẫn nhẹ nhàng, bâng khuâng khi mùa ổi chín, thuở thơ ngây để thơ quyện vào kỷ niệm không mờ phai, lại thơ tỏ tình đượm nét quê hương:
"Rạch Giá quê tôi đường đất trợt
Trước vườn dừa vườn ổi phía sau
Bóng chiều nghiêng hai đứa hẹn nhau
Giờ khơi lại tháng ngày không còn nữa

Mùa ổi chín anh hái mang ra chợ
Em gái thành, mua đón nụ cười duyên
Răng trắng trong hai má lún đồng tiền
Anh chỉ lén nhìn, nào dám ngó... "
(Ngô Quang Võ, "Chuyện Ngày Thơ")

Nhà thơ Tăng Đức Sơn ôn về dĩ vãng quê hương có những con đò chiều về xuôi dòng theo kinh Vĩnhh Tế.
"Xuôi dòng Vĩnh Tế ba lần
Nẻo về Rạch Sỏi, hai vầng ra khơi
Xuồng ai đưa đón đầu Doi
Đò chiều nắng cạn bên trời Thập Phương
Sóng rờn trắng trải từng hàng
Em qua Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thanh tôi về
Chùa Nồi, cơm khói bờ đê
Tiếng chèo rõ điệu như kề Thanh Vân
Không gian đón tiếng chuông ngân
Ra đi bỏ lại nửa vần sao quên?
Sông Kiên đứng đợi nỗi niềm
Kẻ sang bến đổ bỏ thềm cô đơn
Hai mươi năm mộng đây còn
Ngã ba viễn khứ ru hồn khách lai
Qua cơn mê tỉnh lại hay
Đò chiều lặng lẽ miệt mài tháng trôi..."
(Tăng Đức Sơn, "Đò Chiều")
Ghi nhận của người viết là kinh Vĩnh Tế phát từ Châu Đốc qua Hà Tiên, dọc theo biên giới Miên ra biển Rạch Sỏi, cách châu thành Rạch Giá 7 cây số, là đường thủy chánh cho các tàu lớn ra biển hay vào trong đất liền để sửa chữa. Anh nhắc đến địa danh Đầu Doi, tức khúc ngã ba sông của ba phường Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thanh và Vĩnh Hiệp. Vĩnh Thanh Vân như là một cù lao lớn giữa hai con sông ra biển. Trong khi Chuà Thập Phương thuộc phường Vĩnh Thanh, và Chùa Ông Nồi lại thuộc phường Vĩnh Hiệp

Nhạc về Kiên Giang

Nguồn âm nhạc liên quan đến Kiên Giang, nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã tỏa lòng cảm tác trước vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất Kiên Giang. Ta hãy nghe nhạc về cảnh Hà Tiên:

"Tôi nhớ hoài một chiều dừng chân ghé qua thăm miền ước mơ
Hà Tiên mến yêu đẹp như xứ thơ xa cách tôi còn nhớ
Nhớ ghi muôn đời nước trời biển mơ
xanh xanh màu ánh mắt em gái chiều năm xưa
như vấn vương ai trên bến chiều xa vắng năm tháng còn ngẩn ngơ

Hà Tiên ơi, đây miền xinh tươi như hoa gấm trong đời
Hà Tiên ơi, đây những bóng dừa xanh mát biển khơi

Tôi qua lăng Mạc Cửu, nằm trên con voi cùn
Tôi vô thăm Thạch Động, trời bát ngát mênh mông
Nghe chuông ngân chiều vắng như tiếng nói cô miên
xao xuyến tâm tư người ghé thăm Hà Tiên

Giây phút đẹp còn lại kỷ niệm khó phai trên bờ mắt ai
Hà Tiên đã ghi vào tâm trí tôi ôi luyến lưu làng mây
Nhớ thương với đầy hướng về Hà Tiên..."
(Lê Dinh, bài "Hà Tiên")

Năm 1943, nhạc sĩ Lê Thương cho ra nhạc phẩm ca ngợi nét đẹp thiên nhiên Hà Tiên.
"Ba trăm năm xưa bên bờ Cửu Long Giang
Một người đàn bà hay xuống mé sông
Đứng tiếp giữa các khách chạy đò ngang
Lòng ngao ngán tiếc thân chưa có chồng
Ngày kia tự nhiên có một thiếu niên nào
Từ quan san xa khách đâu tìm đến
Mới bước xuống xe vừa trông gặp má đào
Chàng thiếu niên bèn ngỏ lời kết duyên
Hai năm sau sinh một nàng tiên

... Mươi mươi lăm năm sau nàng Hà Tiên
Bực mình vì lòng sông thiếu thốn duyên
Đêm thân tiên nương đi tìm vịnh Xiêm
Hoạ chăng có bóng quý nhân độ thuyền
Ngày kia một cơn gió mang tới biên thùy
Một công tôn đi đứng trong kiệu quý
Bóng dáng quý nhân vừa trông đã thấy mờ
Hoá ra nàng gặp một giấc mơ
Tiên cô đi yêu một bài thơ..."

(Lê Thương, bài "Nàng Hà Tiên")

Tôi lại nghe tiếng hát Phi Nhung bài ca về nét đẹp Hà Tiên như sau:
"Anh trở lại Hà Tiên thăm em, người em dịu hiền
Đường cách trở hai nơi, xa xôi, thương thì tìm tới
Hà Tiên ơi sao vẫn không rời, bước chân gọi mời
Yêu dấu Hà Tiên với biển khơi, gởi nhau mấy lời thương nhớ trong đời

Chuông Cô Tự phù dung ngân vang, gội tan bụi trần
Chiều bóng ngả Tô Châu, tương tư, hỏi người nào thấu
Hà Tiên ơi, em vẫn tuyệt vời, gió mưa giữa trời
Không ước thề xui khiến gặp nhau
Từ giây phút đầu nghe trái tim sầu

Hà Tiên, trông dáng em mỹ miều
Bên bướm hoa dập dìu, em đưa anh về thăm lăng Mạc Cửu
Biển rộng bình an ôm hòn phụ tử
Mênh mông gió lộng thạch động
Làm xao xuyến, khi về lưu luyến thương quá Hà Tiên

Mai giã biệt Hà Tiên, xa anh, lòng sao bùi ngùi
Đời gối mỏi bôn ba, tha phương nhớ hoài người thương
Thuyền xa bến ôm ấp kỷ niệm với bao nỗi niềm
Năm tháng buồn hiu hắt chờ mong
Hà Tiên vẫn đẹp yêu dấu bên lòng..."
(Bài "Yêu Dấu Hà Tiên")

Rạch Giá là quê vợ anh, anh là một nhạc sĩ, anh đã sáng tác bài ca ca ngợi Kiên Giang. Mai mốt tìm về quê em Rạch Giá, anh xin đời mặc lại chiếc áo bà ba…
"Mai mốt tìm về quê em Rạch Giá
Anh xin đời mặc lại chiếc áo bà ba
Rồi chèo xuồng ra khóc nơi cửa ải
Chổ xưa kia anh cùng đất chia xa
Chổ xưa ôi chổ nào chẳng nhớ
Đốt đuốc tìm đời biết có ra
Nơi xa xứ mà tâm còn nghe sóng
Đập hoài lên những vết đau xưa
Hãy nhúng giùm anh miếng bánh tráng
Tiện tay em cuốn lại quê nhà
Trộn chút rau thơm cùng ngò quế
Cho anh ăn bằng nỗi thiết tha
Hãy rót thêm dùm chút nước mắm
Cho mặn lòng anh miếng gió quê
Miếng gió mát tay người Cần Giuộc
Ru anh thơ ấu ngủ bờ đê
Mai mốt anh về miền quê em Rạch Giá
Anh xin người nồng nàn sông nước tình quê
Xin tìm lại trong đất con đường nhỏ
Nằm nghiêng nghiêng nâng nhẹ gót anh về"
Đó là nhạc sĩ Phan Ni Tấn. Anh khảy tiếng đàn trong nỗi tha thiết nhung nhớ quê em, miền quê em Rạch Giá, để anh xin em nồng nàn sông nước tình quê trên con đường đất làng quê nhỏ, nghiêng nghiêng nâng nhẹ gót anh về. Phan Ni Tấn với "Rạch Giá Quê Em".

Kiên Giang có Phan Ni Tấn, có nhạc sĩ Anh Việt, có nhạc sĩ Lam Phượng. Kiên Giang có những soạn giả cổ nhạc như Trương Vũ mà vào thập niên 60 cho ra vở tuồng tình ca "Suối Mờ Rền Pháo Cưới", có soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng với tột đỉnh vinh quang qua những vở "Nửa Đời Hương Phấn", "Tấm Lòng Của Biển", "Con Gái Chị Hằng". Lãnh vực báo chí có ký giả các Lý Thanh Cần, Việt Định Phượng và Trọng Viễn. Về thơ có Lý Dũng Tâm, Kiên Giang Hà Huy Hà. Về văn có Sơn Nam với tác phẩm "Hương Rừng Cà Mau", có Hải Bằng với loạt chuyện cho kịch bản "Gia Đình Bác Tám", ông còn có tác phẩm"Giòng Sông Nước Mắt", một chuyện tình bi thương trong thời chiến. Những nhân tài đóng góp cho Kiên Giang còn nhiều. Thế hệ mai hậu sẽ ghi nhận trung thực hơn.

Tóm lại, "Kiên Giang Trong Ánh Mắt Tôi" là bài viết theo khảo hướng tổng hợp với mục đích gom góp những yếu tố cấu tạo thành vùng đất Kiên Giang, mà trong đó có hai vùng đất góp phần quan trọng cho Kiên Giang về nhiều phương diện là Hà Tiên và Phú Quốc. Trên bình diện quốc gia, Kiên Giang có thắng cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, có nguồn tài nguyên phong phú góp phần cho nền kinh tế chung của quốc gia. Sau hết, Kiên Giang có bao anh hùng dựng nước mở mang bờ cõi và giữ nước, có những nhân tài, chất xám tô điểm cho Kiên Giang sánh vai chung bước với những những tỉnh khác làm hãnh diện đất nước Việt Nam.

Việt Hải
 (Viết tặng quí anh chị Kiên Giang: Xuân Lan, Mỹ Thanh, Mỹ Nguyệt, Hương + Huệ, Đường Chính, Vĩnh Hòa Hiệp, Tăng Đức Sơn, Phan Ni Tấn, Ngô Quang Võ, Nguyễn Trọng Đông và Trần Văn Phú).