Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về           [ Trang Chủ ]

Bài chòi được khôi phục tại Hội An

KIM EM


 
Hò bài chòi
TTO - Đã thành lệ, cứ đến tối thứ bảy hàng tuần, đông đảo người dân đủ mọi lứa tuổi từ Đà Nẵng, Điện Bàn, Duy Xuyên đến Cù lao Chàm...lại vượt hàng chục cây số về tập trung bên bùng binh An Hội ở đầu đường Nguyễn Thái Học (khu phố cổ Hội An) để chơi bài chòi. 

Mới hơn ba giờ chiều thứ bảy, cụ bà Bùi Thị Mại - 75 tuổi (trú tại phường An Hải Tây , TP Đà Nẵng) lại giục con cháu đưa bà ra bến xe buýt để về Hội An chơi bài chòi. Cùng đi chuyến xe với cụ Mại chiều hôm ấy còn có một nhóm học sinh lớp 10/3 trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn- Đà Nẵng. Họ cũng là những thành viên tích cực của hội bài chòi. Cụ Mại cho hay, hơn ba năm qua không bao giờ cụ vắng mặt vào các tối mà Hội An có tổ chức chơi bài chòi. 

Nếu ai đã từng chơi bài chòi thì sẽ biết vì sao cả người già lần trẻ đều mê trò chơi này. Cái không khí rộn ràng khi tiếng trống chầu khua vang mỗi khi có ai đó được bài cùng với những lời ca , hò vè mang đậm bản sắc của vùng đất quê nhà do anh Hiệu - người hô bài trong mỗi hội chơi như có mãnh lực kéo mọi người đến với hội. 

Bài chòi - sở dĩ có tên gọi như vậy vì người chơi ngồi trên chòi. Thường thì trên một khoảnh đất rộng, hoặc sân đình, sân chợ, người ta cất 9 chòi  theo cạnh hình chữ nhật. Trên 2 cạnh dài, mỗi bên dựng 4 chòi con đối mặt nhau. Chính giữa một cạnh ngắn là chòi cái, dành cho  những người có địa vị trong làng đến tham gia hội bài chòi. Cạnh ngắn kia  đặt một trống chầu, cùng một chiếc bàn lớn đặt khay tiền và những lá cờ hiệu, cạnh đó là chỗ ngồi cuả dàn nhạc. 

Tại đây, trồng một cây tre, trên đó treo những ống tre lủng lẳng để đựng những thẻ quân bài. Đây là một trò chơi đánh bài nhưng không hề mang tính cờ bạc đỏ đen, mà lại nghiêng về nghệ thuật hô diễn, ngày xưa thường được tổ chức trong dịp tết cổ truyền, từ mồng một đến mồng 7 tháng giêng ở các vùng nông thôn Nam Trung bộ. 

Bài chòi là trò chơi dân gian lành mạnh và có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với công chúng. Một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn này là tài năng của anh hiệu. Anh hiệu phải là người có giọng tốt, nắm vững lề lối hô và diễn, có vốn liếng về thơ ca, có khả năng sáng tác và cải biến nhanh lời hát tại chỗ. 

Hội An không phải là cái nôi của bài chòi. Loại hình này ra đời Bình Định nhưng lại phát triển mạnh ở Quảng Nam. Và đặc biệt hiện nay, trong khi trò chơi bài chòi đã vắng bóng ở nhiều vùng nông thôn Nam Trung bộ, và làn điệu dân ca Bài Chòi hầu như chỉ còn trên sân khấu của 3 đoàn ca kịch Khánh Hoà, Bình Định, Quảng Nam, thì tại Hội An, người dân lại được chơi, được nghe hát bài chòi. 

Bài và ảnh: KIM EM
Source : tuoi tre online


Trở Về  ]