Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ

 
Chủ nhật, 29/9/2002, 12:59 (GMT+7)
Nhộn nhịp Hội thi Phở đầu tiên ở Hà Nội
Sáng nay, sân sau Cung Văn hóa hữu nghị chật cứng khách tham quan. 10h30' cuộc đua tài Phở Hà Nội 2002 mới bắt đầu nhưng họ đã đến từ rất sớm để xem các đội chuẩn bị. Thí sinh luôn tay bày biện, thái thịt, chẻ hành và không ngừng xin lỗi khách rằng sẽ chỉ bán hàng khi cuộc thi kết thúc. 

Khác với tưởng tượng của nhiều người, các đội dự thi không thực hiện từ công đoạn đầu tiên tại đây mà được chuẩn bị trước ở nhà các việc luộc thịt, ninh xương, rửa, tỉa rau quả để trình bày... Anh Lê Minh Túc, tổ trưởng tổ nấu ăn của Công ty Thương mại Khách sạn Đống Đa, cho biết họ có mặt từ 6h30' để sắp đặt mọi thứ, công việc tại hội thi chỉ còn là gia giảm, pha chế, trình bày rồi mang sản phẩm ra ứng thí. 

12 đội tranh tài qua 2 phần thực hành: bắt buộc (phở bò chín) và tự chọn (phở bò xào giòn, xào mềm hoặc áp chảo khô). Các thí sinh còn phải viết ra giấy hoặc trình bày trực tiếp trước ban giám khảo về công thức, cách pha chế, yêu cầu thành phẩm; cách ăn, tiêu chí phục vụ, địa chỉ và gọi tên hàng phở của mình. Họ cũng phải thể hiện sự hiểu biết món ăn đặc trưng của Hà Nội về nguồn gốc, xuất xứ...

Ông Lê Chí Tường, Chuyên viên Bộ Thương Mại, một trong 6 thành viên Ban giám khảo, cho biết họ sẽ chấm điểm cho sản phẩm có nước dùng trong, thơm hương đặc trưng của thịt bò, vị ngọt vừa và phải thật nóng. Bánh phở yêu cầu mềm, không nát mà giòn dai; thịt chín mềm, không dai, không bã, thơm, ngọt. Cách trình bày bát phở cũng chiếm một phần điểm thi. Ngoài ông Tường, thành viên ban giám khảo còn có Thạc sỹ Lê Nhân Tuấn - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội; bà Huỳnh Hồng Nga - dược sĩ; 2 chuyên gia Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Văn Định và nhà văn Băng Sơn. Hội thi do Sở Thương mại Hà Nội tổ chức được xem là bước khởi đầu cho việc gìn giữ và nâng cao trình độ thưởng thức những món ăn truyền thống.

Dù sản phẩm là những bát phở được làm thường xuyên, đều đặn hằng ngày nhưng do tính chất tham dự một cuộc thi nên các thí sinh hơi lúng túng khi trình bày. Có đội mang thành phẩm lên mà quên cả phương tiện chấm điểm là đũa, thìa hay các phụ gia kèm theo... Khu vực thi chật hẹp cũng làm cản trở thí sinh trong quá trình chuẩn bị và mang đến khu vực chấm thi. Tuy vậy, mọi tinh hoa nghề phở đều đã được phát huy trong ngày hội. Anh Thái Học, tổ nấu ăn phở Luân cho biết: "Chúng tôi chuẩn bị rất kỹ từ lựa chọn nguyên liệu đến sơ chế và tiến hành nấu. Được mời dự thi là niềm vui, vì đây là cơ hội tiếp xúc với đông đảo khách hàng và cả những người trong nghề. Dù mỗi đơn vị có dấu ấn riêng nhưng cũng có thể học hỏi lẫn nhau".

Khách tham quan ở các độ tuổi đều hào hứng với ngày hội này, họ mang theo những tâm sự và mong muốn khác nhau.
Những người trên dưới 70 tuổi như ông Nam, ông Hưng trông đợi sự có mặt của hương vị phở Hà Nội trước kia và tỏ ra không mấy hài lòng. Ông Nam giải thích: "Tôi thấy người ta cho mì chính (bột ngọt) vào phở, dù ít hay nhiều cũng không đúng. Bánh phở to và dày quá. Bát phở có đội chan ít nước trông rất ngộn". Khách trung niên như chị Nga, anh Tuấn thì chỉ muốn biết thêm một vài vị phở ngon, khác ngày thường; may ra học lỏm được cách pha chế để nấu tại nhà. Ở tuổi 18-20, khách hàng muốn thưởng thức cả phở xưa và nay. Chị Dung, chủ một hàng phở bình dân ở Bách Khoa, thì tìm đến đây để học hỏi và tìm hiểu xem người ăn quan tâm nhất đến yếu tố nào trong bát phở: thịt, nước hay bánh... Một số khác cho ý kiến về cách đánh giá, tính điểm, họ đồng tình với ý kiến của ông Thoại, muốn là những giám khảo tự do: "Chỉ có 6 thành viên mà lại chấm lần lượt từng đội, e không chính xác. Tại sao không chọn khoảng 20-30 khách ở đây nếm rồi bỏ phiếu". Tuy nhiên, họ đều không phủ nhận sự bổ ích và sức hấp dẫn của hội thi, đồng thời thể hiện mong muốn có thêm nhiều cuộc tranh tài như thế với những món ăn truyền thống khác.
Kết quả hội thi được công bố lúc 14h30' với 2 giải nhất thuộc về 2 đội của Công ty Bodega; 3 giải nhì (Phở Nhớ, Trường TH Thương mại - Du lịch và Khách sạn Đống Đa 2); 4 giải ba và 3 giải khuyến khích. Ông Lê Nhân Tuấn đánh giá, hội thi là sự khẳng định chất lượng phở truyền thống Hà Nội với những chuẩn mực cần có. Các đội đều tham gia rất nhiệt tình và thực hiện tốt các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Văn Định, chỉ có 6 cơ sở đạt tiêu chuẩn vị phở truyền thống.
 
Mai Hương


Trở Về  ]