Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]                 [ Trang Chủ ]               [ Trang trước ] / [ Trang sau ]

HOÀNG XUÂN-HÃN
Lý Thường Kiệt
LỊCH-SỬ NGOẠI-GIAO TRIỀU LÝ
Phần I - Bại Chiêm Phá Tống

CHƯƠNG III - CẦM QUYỀN BÍNH

1. Văn võ phân tranh
2. Liên kết nhân tâm
Chú thích

1. Văn võ phân tranh
Tháng giêng năm Nhâm-tý, Thần-vũ thứ tư, vua Lý Thánh-tông mất. Ấy vào ngày Canh-dần (DL 1-2-1072), thọ 50 tuổi. Hoàng thái tử Càn-đức lên ngôi ; Tức là Lý Nhân-tông.

Càn-đức là con Ỷ-lan nguyên phi. Sinh năm Bính-ngọ vào tháng giêng (1066). Bấy giờ mới bảy tuổi. Quyền bính ở trong tay Lý Đạo-Thành và Hoàng thái hậu Thượng-Dương họ Dương.

Mẹ Càn-đức, tuy được phong làm Hoàng thái phi, nhưng không được tham dự chính quyền. Thái phi nguyên là Ỷ-lan phu nhân, một cô gái nhà quê. Nhân khi vua Thánh-tông hiếm con, đi cầu tự ở chùa làng Siêu-loại, gặp Ỷ-lan trong vườn dâu ; vua để ý tới, đem về cung (1). Vì sau sinh con trai, nên được tôn làm nguyên phi. Khi Thánh-tông vắng mặt ở kinh (1069), Thái phi đã được thay vua cầm quyền. Thái tử còn trẻ; lẽ ra trước khi mất, vua cha phải phó thác cho một đại thần. Nhưng sử không chép vua Thánh-tông ủy quyền phụ chánh cho ai. Ta xem đó, nghi rằng vua mất một cách nhanh chóng, không kịp di chúc điều đó. Cho nên trong cung cấm có chuyện cạnh tranh. TT còn chép rằng : tháng chạp năm trước, vua mệt. Chiếu cho quan hữu ti rằng có ai vào lầm nhà dành cho quan chức đô tả hữu, thì sẽ phạt 80 trượng. Ý chừng là để đề phòng sự cướp quyền.

Phe Thượng-Dương thái hậu được Lý Đạo-Thành ủng hộ, nên Thái hậu được cầm quyền và Lý Đạo-Thành làm phụ chánh. (TT và VSL)

Lý Đạo-Thành là một bậc lão thần. Vua Thánh-tông lúc mới lên ngôi, đã chọn ông làm thái sư (1054, VSL). Ông ở ngôi tể tướng trong 18 năm. Nay vua còn trẻ, chức phụ chánh về ông là phải. Ông lại là một nhà nho học ; ông theo lẽ thường, tôn Thượng-Dương thái hậu lên chấp chính. Đó là một cớ xung đột giữa ông và Ỷ-lan thái phi. Là một văn quan, mộ nho, mộ phật, chắc ông chuộng hoà bình, trái với Lý Thường-Kiệt là một vũ tướng đương tuổi còn hăng hái (54 tuổi).

Thường-Kiệt vẫn giữ chức thái uý, cầm binh quyền, nhưng đứng sau thái sư Đạo-Thành. Đã có xung đột giữa hai người, thì chẳng bao lâu ắt có cuộc biến.

VSL chép rằng : " ngày mồng 8 tháng tư năm ấy, (TT chép năm ấy là năm Thái-ninh năm đầu, còn VSL chép năm ấy vẫn để niên hiệu Thần-vũ) sau khi làm lễ tắm tượng Phật, nhân ngày Phật đản, vua Nhân-tông chọn quan đại liêu Nguyễn Thường-Kiệt làm kiểm hiệu thái úy, và Nguyễn Nhật-Thành làm binh bộ thị lang ". Họ Nguyễn đây là họ Lý mà đời Trần kiêng húy (tổ nhà vua là Trần Lý) mà đổi ra. Nhật-Thành chắc là Đạo-Thành. Chữ Đạo hình như vì húy nên đời Trần cũng hay đổi (XV/1).

Theo đó, bốn tháng sau khi Nhân-tông lên ngôi, phe Thường-Kiệt đắc thắng. Thường-Kiệt được cất lên làm tể chấp, còn Lý Đạo-Thành bị giáng xuống chức thị lang.

Đó là kết quả của sự Nguyên-thái-phi vận động ở trong. Cho nên ta không lấy làm lạ rằng năm sau, có cuộc Thái-phi ép Thái-hậu tự tử, để giành lấy chính quyền.

TT và VSL đều chép rằng : Thái-phi tính hay ghen, thấy mình là sinh mẫu mà không được dự chính, bèn nói với vua rằng : " Mẹ già đã khó nhọc nuôi nấng con, mới có ngày nay. Bây giờ được phú quí, thì người khác giành mất chỗ. Họ sẽ đặt mẹ già vào chỗ nào ? " Vua bèn giam Thái-hậu và 72 thị nữ vào cung Thượng-dương (cung riêng của Thái-hậu), rồi ép phải chết theo vua Lý Thánh-tông. (VSL chép 72 người, TT chép 76. Tục truyền cũng 72, và nói vì vậy, sau này Ỷ-Lan dựng 72 ngôi chùa để chuộc tội).

Còn Lý Đạo-Thành phải giáng chức, làm tả gián nghị đại phu, ra coi châu Nghệ-an (TT). Đạo-Thành ra đó lập viện Địa-tạng, trong ấy để tượng Phật và vị hiệu vua Lý Thánh-tông để thờ. Lý Thường-Kiệt chuyên cầm quyền bính cùng Thái-phi, mà bấy giờ cũng tôn lên làm Linh-nhân Hoàng thái hậu. (TT)

Tuy các sử không đâu chép, nhưng trong việc khuynh đảo Thượng-dương thái hậu, chắc Thường-Kiệt có một phần trách nhiệm. Sử chỉ đổ lỗi cho Ỷ-Lan xui con, và cho Nhân-tông, vì nhỏ tuổi, nghe lời mẹ. Nhưng thật ra, vua mới tám tuổi ; Thượng-dương lại cầm quyền. Nếu không có một đại thần, cầm quân đội trong tay, giúp, thì làm sao ép được Thái-hậu tự tử ? Còn Lý Đạo-Thành, theo như lời bàn của Ngô Sĩ-Liên (TT), chắc đã phản kháng việc ấy, nên mới bị biếm ra Nghệ-an, và mới ôm hận, mang theo thần vị vua Thánh-tông để thờ. Đạo-Thành làm thế để tỏ lòng uất ức.

Một sự đáng làm ta chú ý đến, là trong TT không hề nói đến Thường-Kiệt trong khoảng đầu đời Nhân-tông. Nhưng nhiều sách khác của người Tống nói rõ địa vị của ông ; và, như ta đã thấy trên, VSL, là sách viết tự đời Trần, và chưa từng bị sửa chữa lại, cũng nói rõ ông được làm thủ tướng. Chính bia LX cũng nói rõ rằng : " Lúc đầu thời Thái-ninh, vua ta nay là Minh-hiếu Hoàng-đế, cầm vận nước lên ngôi. Vì ông (Thường-Kiệt) có tài, văn ngang Y-Doãn, vũ sánh Hoắc-Quang, nên vua giao coi việc dại chính và phó xã tắc cho ông " (2). VĐUL cũng nói : " Lúc Nhân-tông lên ngôi, trao cho ông chức Phụ-quốc thái úy ", ấy cũng hợp với VSL. Các sách Tống nói rõ ràng hơn. Sách MKBĐ (Quyển 2) rằng : " Nhật-tôn (Thánh-tông) mất. Càn-đức lên, lấy hoạn quan Lý Thượng-Cát và mẹ Lê thị Yến-loan thái phi cùng coi việc nước ".Người Tống chép theo âm, nhưng ta cũng nhận thấy tên Lý Thường-Kiệt và Ỷ-lan thái hậu. Sách LNĐĐ cũng nói : " Nhật-tôn mất, con là Càn-đức lên, tự gọi là Minh-vương. Quyền về tay bầy tôi. Đại thần Thượng-Cát cầm đầu ". Sách TB (279/11a) cũng chép tên Lý Thượng-Cát ấy. Cho đến bia NBS, của Nhữ Bá-Sĩ dựng đời Tự-đức, mà cũng chép : " Lúc Nhân-tông lên ngôi, Lý Thượng-Cát dự chính ". NBS tưởng Thượng-Cát và Thường-Kiệt là hai người.

Những chứng cớ trên làm ta không thể nghi ngờ rằng, hoặc trước, hoặc sau khi Thượng-dương Thái-hậu mất, Thường-Kiệt cầm hết quyền bính trong tay : văn và vũ. Vả, vì đó, Thường-Kiệt đã a phụ Ỷ-lan trong việc tranh giành ngôi thứ với Hoàng Thái-hậu, và trong việc bức tử 72 nhân mạng.

Đó là một vết đen trong sử xán lạn của Lý Thường-Kiệt. Nhưng ông là võ tướng ; trong trận đánh Chiêm, cũng như sau này, trong các trận đánh Tống, ông còn hi sinh biết bao là nhân mạng nữa, gấp trăm ngàn lần sự bức sát này.

Muốn gỡ tội ít nhiều cho Ỷ-lan, và có lẽ cho ông, ta nhận đời Lý còn giữ tục bắt các cung nhân chết theo vua. Xem như sau khi Ỷ-lan mất (1117), có ba thị nữ chết theo, (TT và VSL) và sau khi vua Lý Nhân-tông mất (1127) cũng có cung nữ lên đàn lửa để chết theo vua. (TT)

Trên kia đã nói, sách TT không hề nói đến chuyện Lý Thường-Kiệt cầm quyền tể tướng. Chắc rằng, đời sau, khi Lê Văn-Hưu, hay Ngô Sĩ-Liên viết sử, Khổng học đã thịnh, kẻ học giả đã dùng sử học làm một khoa luân lý ; cho nên tự sửa chữa các việc cũ theo ý ấy. Thường-Kiệt là một hoạn thần, mà hoạn thần xưa nay không được nho thần trọng. Nho thần lấy khoa cử xuất thân, coi hoạn thần như là đầy tớ trong cung. Vả từ cuối đời Hán về sau, các hoạn thần đã lạm dụng sự gần gũi cung cấm mà tiếm quyền, cho nên đời sau rất ghét hoạn quan cầm quyền bính . Có lẽ Lý Thường-Kiệt cũng bị ghét lây. Sử gia cho ông không đáng chức tể tướng, cho nên tước khử sự ấy trong sử cũ mà không chép lại.

2. Liên kết nhân tâm
Vua gia phong cho ông chức Đôn-quốc thái-úy, Đại-tướng-quân, Đại-tư-đồ và ban cho hiệu Thượng-phụ-công. Thế là ông coi việc văn, việc vũ, và kiêm cả chức cấm quan. " Ông bấy giờ, trong thì cầm đại chính, ngoài thì coi sư lữ. Dốc một lòng lấy sự yên xã tắc làm vui. Trong ngoài đều được yên ổn " (NBS). Bấy giờ ông 55 tuổi (năm 1073).

Sự yên ổn ấy chỉ có bề ngoài. Thật ra, ở biên thùy có nhiều triệu chứng chiến tranh. Năm sau (Giáp dần 1074) Chiêm-thành lại bắt đầu quấy biên cảnh (TT) và dọc biên giới miền bắc, Tống cũng sửa soạn việc động binh.

Có lẽ, vì thế, Lý Thường-Kiệt lo toan đoàn kết trong nước để kết thúc nhân tâm. Việc đầu tiên là xóa sự hiềm khích gây ra vì chuyện Thượng-dương thái hậu. Năm ấy (Giáp-dần 1074), mời Lý Đạo-Thành từ Nghệ-an trở về, giữ chức Thái-phó, bình-chương quân quốc trọng sự, hiệp tác với Thuờng-Kiệt coi việc dân và quân trong nước, để cho Thường-Kiệt rảnh tay sắp đặt việc chống Tống, và thay ông trong khi phải xuất ngoại cầm quân.

Lý Đạo-Thànhlà một bậc lão thành, được sĩ phu ngưỡng vọng. Việc ông bị biếm vào Nghệ-an chắc đã gây mầm chia rẽ lớn ở triều.

Bấy giờ, bên triều Tống, cũng có việc hai phái tân cựu cạnh tranh. Tân và cựu, không phải chỉ trong phương pháp (VI/3), nhưng ở cả cá nhân. Phái tân có thủ lĩnh Vương An-Thạch ; trong phái ấy, người đều còn trẻ. Phái cựu gồm hầu hết các lão thần. Thấy Vương An-Thạch và đồng phái đều còn ít tuổi mà lên cầm quyền, phái cũ không bằng lòng, cho nên sự xung đột về chủ nghĩa lại tăng kịch liệt.

Chắc rằng, ở nước ta cũng chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột ấy. Vua còn trẻ, đáng lẽ các lão thần phụ chính. Mà bây giờ, quyền lại vào tay một vũ tướng mới hơn 50, thêm là một hoạn quan. Phái già chắc bất mãn. Muốn lấy lòng phái ấy, Thường-Kiệt tất phải hậu đãi các lão thần. Vì vậy mới có việc mời Lý Đạo-Thành trở về dự chính, và việc vua hạ chiếu cho phép những công thần 80 tuổi, mỗi khi vào chầu, được chống gậy và ngồi ghế. (TT)

Việc thứ hai, là tôn kẻ học giả, để chiêu dụ hiền tài. Từ trước, tuy có lập Văn-miếu (1071), tuy có dùng nho quan, nhưng chưa hề có mở khoa thi để khuyến khích và tuyển nhân tài. Năm Ất-mão (1075), vào tháng hai, vua hạ chiếu tuyển các nhà minh-kinh bác- học, chọn kẻ hiểu sách Kinh, học rộng, và mở khoa thi Nho đầu tiên ở nước ta. Lê Văn-Thịnh đậu khoa ấy, và được vào dạy vua Nhân-tông bấy giờ lên 10 tuổi. Trong các việc này, chắc Lý Đạo-Thành có ảnh hưởng lớn. Thế cũng đủ tỏ rằng hai nhà họ Lý kia đã thành thật đồng tâm cộng sự. Nhờ sự hoà hảo trong triều, mà sau này, tuy Tống tìm phương chia rẽ các đại thần để dễ bại quân ta, nhưng Tống sẽ hoàn toàn thất bại.

Ta sẽ thấy vũ công của Lý Thường-Kiệt trong năm sắp tới rất to. Mà xem việc trên đây, ta cũng thấy về chính trị, ông cũng là tay rất giỏi.

CHÚ THÍCH
(1) Làng là bởi chữ hương mà dịch ra. Nhưng hương không phải là một làng nhỏ như bây giờ. Từ đời Tần, nước Trung-quốc chia ra từng quận. Quận chia thành huyện. Huyện chia thành hương. Hương chia thành đình. Đình chia thành lý. Tuy đời sau có đổi chế độ ít nhiều. Nhung hương vẫn là phần của huyện. Lúc nước ta thuộc Bắc, nước thành quận, cũng bị chia ra châu hay huyện. Vậy chế độ hương có từ đời ấy. Mà hương là lớn như một tổng lớn đời sau.

Về chuyện Ỷ-lan, xem lời dẫn tường tận ở sách Chuyên Ỷ-lan, (nhà xuất bản Sông Nhị).1.

(2) Y-doãn làm quan đời Thương. Trước ở ẩn, vua Thang ba lần đến mời, mới chịu ra. Ông có công giúp vua Thang đánh vua Hạ Kiệt. Sau vua Thang mất, có phó thác cháu là Thái-Giáp cho ông. Thái-Giáp còn trẻ, tính hư. Y-doãn truất đi, bèn hối quá.

Hoắc-Quang, tướng đời Hán, là em Hoắc Khứ-Bệnh (I, Cth 2). Quang giúp vua Hán Vũ-đế rất có công. Vua mất, giao cho ông phò vua Chiêu-đế. Quyền hoàn toàn trong tay ông. Chiêu-đế chết, ông lập Xương ấp-vương tên Hạ. Vì Hạ dâm loạn, ông lại bỏ đi, lập vua Tuyên-đế. Nói tóm lại Y-doãn và Hoắc-quan là hai bầy tôi, được vua phó thác hoàng tử còn bé. Tuy cầm hết quyền bính trong tay, hai người đều trung thành với chúa, và không nhân cơ hội đoạt ngôi vua. Lời bia so sách Lý Thường-Kiệt với Y-doãn, Hoắc-quang, đủ tỏ rằng Lý Thường-Kiệt đã làm tể tướng cầm hết quyền trong nước, trong khi Lý Nhân-tông còn nhỏ.

Bia BA có câu :"Vua nhỏ có thể phó thác cho ông." Đó là thêm một chứng nữa rằng Thường-Kiệt được sung chức phụ chính.1.