Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang Chủ ] [ Trang trước ] / [ Trang sau ]
HOÀNG XUÂN-HÃN Lý Thường Kiệt LỊCH-SỬ NGOẠI-GIAO TRIỀU LÝ
Phần I - Bại Chiêm Phá Tống CHƯƠNG NHẤT - GỐC TÍCH
1. Gốc tích
2. Vào cấm đình
3. Kinh phỏng Thanh Nghệ
Chú thích
1. Gốc tích
Lý Thường-Kiệt quê phường Thái-hòa, ở trong thành Thăng-long, phía hữu (VĐUL) nghĩa là phía tây (HVDĐ). Thái-hòa cũng là tên một núi nhỏ ở phía tây trong thành Thăng-long, bây giờ, ở phía nam đê Bách-thảo, gần chỗ rẽ xuống trường đua ngựa. Lý Thường-Kiệt có nhà ở gần núi ấy. Tuy là họ Lý, nhưng ông không phải là người hoàng tộc. Theo bia NBS, có chỗ chép tên húy ông là Tuấn, và nói Thường-Kiệt chỉ là tự mà thôi. Nhữ Bá-Sĩ bàn rằng có lẽ ngày xuất thân mới dùng tự làm tên.
Cha, tên An-Ngữ, sung chức Sùng-ban-lang-tướng (1) ở triều Lý. (VĐUL)
Mẹ, họ Hàn. Năm 20 tuổi sinh Thường-Kiệt. Ấy vào năm Thuận-thiên thứ 10 (1019) đời Lý Thái-Tổ. Sau lại sinh Lý Thường-Hiến, mà có chỗ cũng gọi là Thường-Hiển. (NBS)
Khoảng niên hiệu Thiên-thành, đời Lý Thái-Tông, cha đi tuần biên địa, ở Tượng-châu, thuộc Thanh-hoá, bị bệnh rồi mất vào năm Tân-mùi (1031). Thường-Kiệt bấy giờ mười ba tuổi, đêm ngày thương khóc không dứt. (NBS)
Chồng cô, là Tạ Đức thấy thế, đem lòng thương và dỗ dành. Nhân đó hỏi ông về chí hướng. Ông trả lời : " Về văn học, biết chữ để ký tên là đủ. Về vũ học, muốn theo Vệ Thanh, Hoắc Khứ (2), lo đi xa vạn dặm để lập công, lấy được ấn phong hầu, để làm vẻ vang cho cha mẹ. Đó là sở nguyện ". Tạ Đức khen là có chí khí, bèn gả cháu gái tên là Thuần Khanh cho ông, và dạy cho học các sách binh thư họ Tôn, họ Ngô.
Thường-Kiệt đêm ngày học tập. Đêm đọc sách, ngày tập bắn cung, cưỡi ngựa, lập doanh, bày trận. Các phép binh thư đều thông hiểu cả. Tạ Đức lại khuyên đọc sách nho. Thường-Kiệt rất chịu gắng công học tập, nên chóng thành tài.
Đoạn trên này, chép theo bia NBS, là một bia mới dựng đời Tự-Đức. Chắc rằng Nhữ Bá-Sĩ chép theo thần phổ. Thần phổ phần nhiều là lời chép tục truyền hay lời bịa đặt, ta không thể hoàn toàn tin những chi tiết quá rõ ràng chép trong thần phổ. Nhưng sự giáo dục Thường-Kiệt kể trên đây là hợp với những điều ta còn biết về đời nhà Lý.
Từ lúc nhà Đinh mở nước, các vua đều lấy vũ công mà gây dựng cơ đồ. Đến Lý Công-Uẩn, xuất thân cũng là tay vũ tướng. Cho nên triều đình và xã hội bấy giờ chuộng vũ. Thanh niên thì lấy nghề làm tướng là vinh. Hễ mỗi khi có giặc dã nổi lên, tuy tại nơi rất xa lánh, vua cũng thân chinh, hoặc sai hoàng tử đi cầm quân. Lý Thường-Kiệt con một vũ tướng, được dạy nghề vũ, thích nghề vũ ; sự ấy là lẽ dĩ nhiên.
Còn về nho học, bấy giờ chưa thịnh. Phần vì óc thượng vũ, phần vì tục mộ Phật và dị đoan rất mạnh ở dân gian cũng như trong cung điện, cho nên nho học, từ đời Hán đưa vào, tuy bấy giờ vẫn được duy trì, nhưng phải đợi đến năm 1070 mới dựng Văn-miếu, và năm 1075 mới có khoa thi nho (3). Trước năm 1040, Lý Thường-Kiệt học sách nho, là một việc đáng được chú ý và ghi chép.
Năm ông 18 tuổi (1036), mẹ mất. Hai anh em lo đủ mọi lễ tống táng. Trong khi cúng tế, hễ có việc gì, cũng tự tay mình làm. (NBS)
Lúc hết tang, nhờ phụ ấm, Thường-Kiệt được bổ chức Kỵ mã hiệu-úy, tức là một sĩ quan nhỏ về đội quân cưỡi ngựa.
2. Vào cấm đình
Năm lên 23 tuổi, là năm Tân-tị (1041), niên hiệu Càn-phù hữu-đạo đời Lý Thái-Tông, ông được bổ vào ngạch thị vệ để hầu vua, và sung chức Hoàng-môn chỉ-hậu. Chức này là một chức hoạn quan. Như trên đã nói, ông cưới vợ mấy năm về trước. Thế thì, vì lẽ gì ông lại tĩnh thân để làm hoạn quan ? Về việc này có nhiều thuyết.
Bia LX, dựng đời Lý, chỉ nói tóm tắt rằng : " Lúc ông còn nhược quán, được cử vào cấm thát hầu vua Thái-Tông hoàng đế ". Hai chữ nhược quán nghĩa là tuổi vào khoảng hai mươi, gần đúng như lời bia NBS. Sách VĐUL, đời Trần, chép rằng : " Vì ông có dáng mặt đẹp, nên mới tĩnh thân mà sung vào chức Hoàng-môn chỉ-hậu ". Theo hai sử liệu xưa trên, thì ông tự yếm mà làm hoạn quan.
Nhưng bia NBS có kể lại rằng : " Về việc này, có hai thuyết. Một thuyết : lúc vua Lý Thái-Tông đánh bắt được Nùng Trí-Cao rồi lại thả ra (1041), ông nhất thiết can ; vua cho là thất lễ, bèn phạt bắt tĩnh thân. Sau khi ông trở về nhà, vua lại triệu vào hầu cận. " Thuyết thứ hai là thuyết đã thấy ở sách VĐUL ; rằng : Vua thấy mặt mũi đẹp đẽ, cho ông tiền ba vạn, bảo tự yếm.
Lý Thường-Kiệt đã tự yếm ; đó là một sự thật, vì tuy thần tích có nói ông đã lấy vợ, mà sau, sử ta cũng như sách Mộng-khê-bút-đàm của người Tống đều nói ông là một hoạn quan. Thuyết nói ông vì can vua mà bị nhục hình, thì chắc sai. Việc bắt tha Nùng Trí-Cao là vào tháng 11 năm Tân-tị, 1041.Và cũng năm ấy ông được vào cấm thát. Không lẽ trong hai tháng cuối năm, mà ông bị phạt nặng rồi được cất lên cao như thế. Vả không lẽ vua vừa tha và phong hầu cho một nghịch thần, mà lại bắt tự yếm một người tôi trung, trẻ tuổi.
Thuyết sau có lý hơn. Hoạn quan xưa nay nhiều quyền thế, vì thường ngày ở cạnh vua. Nhất là từ đời Đường, hoạn quan lại càng được thế. Khi trước, tuy được vua tin nghe, nhưng hoạn quan cũng thường chỉ hành động trong cung thất. Từ đời Đường, thì được công nhiên cầm chính quyền hay làm đại tướng. Vì những lẽ ấy, đời sau lắm kẻ tự tĩnh thân để được chọn. Đối với Lý Thường-Kiệt, có đặc biệt hơn là được vua ban tiền và sai làm. Ông nghe lời. Bấy giờ ông 23 tuổi. Không biết bà vợ ra sao, hay là lúc ấy đã mất rồi. Không sách nào nói đến.
Ông vào cấm thát. " Chưa được một kỷ (12 năm), tiếng nổi nội đình " (Bia LX). Được thăng nhiều lần, lên đến chức Đô-tri, ông coi tất cả mọi việc trong cung. (VĐUL và bia NBS)
Năm Lý Thánh-Tông lên ngôi (1054, ông 36 tuổi), vì đã có công phù dực, ông được thăng chức Bổng-hành-quân-hiệu-úy, tức là một chức vũ quan cao cấp. " Hàng ngày, ông hầu cận bên vua, hiến việc tốt, can việc xấu, giúp vua hết mọi cách. Vì cần lao giúp rập, nên được cất lên chức Kiểm-hiệu-thái-bảo (Bia LX), tức là một chức tại triều rất cao (4).
3.- Kinh phỏng Thanh nghệ
Sách VĐUL (NBS cũng chép) chép rằng : " gặp lúc trong nước, ở cõi tây nam, dân nổi lên chống các thuộc lại, dân Man Lào lại hay tới quấy rối. Vua thấy ông siêng năng, cẩn thận, khoan hồng bèn sai ông làm Kinh-phỏng-sứ vào thanh tra vùng Thanh-hoá, Nghệ-an, và trao quyền tiện nghi hành sự. Ông phủ dụ dân khôn khéo, nên tất cả năm châu, sáu huyện, ba nguồn, hai mươi bốn động đều qui phục và được yên ổn ". Ấy là lần thứ nhất ông lập vũ công.
Về việc loạn này, trong sách TT không thấy chép. Duy chỉ sách VSL có biên rằng : " năm 1061, Ngũ-huyện-giang ở Ái-châu (5) nổi loạn ". Ngũ-huyện-giang là tên một vùng thuộc lộ Thanh-hoá. Đời Tiền-Lê và đời Lý thường dùng tên sông mà gọi đất có sông ấy, ví dụ Bắc-giang-lộ, Đà-giang-lộ. Theo hai bia đời Lý, bia HN và mộ chí Lưu Khánh-Đàm (6), Ngũ-huyện-giang chắc ở Thanh-hoá, là sông Mã ngày nay. Vả TT chép đời Lê và Lý dân Lữ-long nổi loạn, tức là dân Mường vùng Cẩm-thủy ngày nay. YÙ chừng Lý Thường-Kiệt vào kinh phỏng Ái-châu là để dẹp loạn Mường và đúng năm 1061 ấy. Bấy giờ ông 43 tuổi.
CHÚ THÍCH
(1) - Theo (ANCL), trong quan chế đời Lý có hai tên Sùng-ban và Lang-tướng, nhưng sách ANCL chép hai tên ấy rời nhau. Sùng-ban lang-tướng là hàm lang-tướng thuộc ban Sùng-ban chăng ? ANCL có chép hàm Vũ-nội lang-tướng, thì chắc rằng hàm Sùng-ban lang-tướng có thật.1. (2) - Vệ Thanh là một danh đời Hán, bảy lần đánh Hung-nô. Hoắc Khứ tức là Hoắc Khứ-Bệnh, con em gái Vệ Thanh, cũng là một tướng tài đời nhà Hán, đánh Hung-nô nhiều lần.1.
(3) - Trước đó tuy chưa có đặt khoa cử, nhưng nho giả đã được trọng dụng. Trong việc bang giao với Tống phải cần đến nho thần biết ứng đối, biết làm thơ. Năm 1043 vua Lý Thái-Tông du ngoạn ở núi Vũ-ninh, có nho thần đi theo làm thơ (TT).1.
(4) - Sách VĐUL cũng chép như vậy. Kiểm-hiệu nguyên là một chức giám sát. Đến đời Tống, chỉ là một hàm, dùng để ban gia cho các quan vào hàng cao nhất. Những hàm ấy, ở đời Lý, kể từ cao xuống thấp, có : Thái-sư, Thái-úy, Thái-phó, Thái-bảo, Phụ-quốc, Thiếu-sư, Thiếu-uý, Thiếu-phó, Thiếu-bảo. (ANCL).2.
(5) - Sách VĐUL nói " Năm châu, sáu huyện, ba nguồn, hai mươi bốn động ". Có lẽ muốn nói vùng thượng du Thanh Nghệ .3.
(6) - Bia HN chép : " vua Lê Đại-Hành đi tuần du Ngũ-huyện-giang, nhân tới thăm chùa Hương-nghiêm ". Chùa này ở huyện Đông-sơn, tỉnh Thanh-hoá (NV1).
(7) - Bia LKĐ chép : Lưu Khánh-Đàm người thôn Yên-lang, thuộc Ngũ-huyện-giang, quận Cửu-chân (NV1).3.
CHÚ Ý : Con số cuối mỗi chú thích là số mục của đoạn cần chú thích trong chương này. Ví dụ (5)...3. Nghĩa là chú thích (5) ở đoạn 3 trên.