Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác
giả ]
|
|
Miền nam nước
Pháp, cách thành phố Nice 80km hướng bắc, dãy núi Mercantour
gồm có những ngọn cao giữa 2000 và 3000m, bao quanh nhiều thung
lũng mà ba cái chính là Thung những Kỳ quan Vallée des Merveilles
nằm giữa hai Thung Fontanalbe và Thung L'Arpette, cả ba chiếm
phần lớn Công viên Quốc gia Mercantour. Thung Fontanalbe với
những đám cỏ xanh rờn xem như là bãi chăn thả. Thung những
Kỳ quan, rộng lớn và hoang vu hơn nhiều Thung lũng Tình yêu
mộng mơ của xứ Đà Lạt ta, với những hóc đá lởm chởm
hướng lên trời tưởng như cảnh vật ngoài vũ trụ. Ngọn
húi Bégo chế ngự hai thung lũng nầy chỉ cao có 2872m nhưng
được dân bản xứ truyền tụng là rất linh thiêng. Tục
truyền có anh chăn cừu Casterine vì muốn đâm thủng màn bí
mật quanh vụ mặt trời mọc lên mỗi sáng sau đỉnh núi mà
bị thần linh giết chết. Còn có chuyện mụ phù thủy La Levelli
sống với đàn dê cạnh nguồn suối Valmasque hằng năm bắt
đám trai chăn cừu biếu bốn con vật để làm lễ hiến sinh
trên hồ Carbone. Thấy mụ có khả năng gây bệnh tật, mất
mùa, biến hóa dê cừu thành cây thông sau những cơn giông
tố hãi hùng mặc dầu sau nầy bị vị chúa tể rừng thiên
đuổi chạy, bảy nhà chân tu đã lại lập đàn cầu niệm
nhưng không làm sao triệt hạ được đoàn quỷ sứ hộ tống
mụ ta. Sau cùng, một vị đạo sĩ nhờ phép thuật cao tay tiêu
diệt được chúng, nhưng cuộc chiến quá khốc liệt nên ngay
sau đó ông kiệt lực từ trần. Trước khi nhắm mắt, ông
vạch lên hóc đá những hình vẻ huyền bí. Người bản địa
tin là để cám ơn thần linh. Luôn giữ trong lòng mối tri ơn
người đã hi sinh tính mệnh mình cho dân gian, những trai tráng
chăn cừu trong vùng tiếp tục tạc khắc những hình vẻ lên
đá. Thật ra, chưa ai cam đoan biết chắc cội nguồn hợp lý
những hình vẻ đó.
Người Pháp nghe
nói nhiều về các hình vẽ lạ thường kia nhưng ít ai muốn
tốn công bỏ sức trèo lên xem vì chẳng có đường sá và
phương cách lại gần chỉ là trèo bộ. Gần đây thôi mới
thấy nhiều xe hơi có động cơ mạnh có thể vượt qua các
đường mòn đầy sỏi đá để mau chóng đưa khách lại thung
lũng. Nhưng tiện lợi rút gọn thời gian và tiết kiệm nhân
lực làm mất một khía cạnh rất quan trọng là cuộc bước
dạo qua các đồi núi hùng vĩ để đạt đến đích. Kết
hợp một thái độ thể thao với một kích thước văn hóa
thật là một hoạt động vô cùng lành mạnh. Ỷ vào thực
tập và kinh nghiệm ở Aussois là nơi đã từng học trèo núi,
tôi mạnh dạn ghi tên cùng với một đám thanh niên vào chuyến
đi của hội "Những người đi bộ vùng Paris" lên đường
viếng Thung các Kỳ quan. Chương trình là lấy tàu từ Paris
về Nice, xe hàng từ Nice lên Saint-Martin Vésubie là một làng
nằm ngay ở trung tâm công viên Mercantour. Sau đấy là bao bị
trên vai, du khách phải trèo đèo vượt núi một tuần lễ
theo con đường mòn GR52 nhắm hướng thị xã Tende bên kia phía
đông Công viên Mercantour, trên biên thùy Pháp Ý để lấy tàu
về lại Nice. Một tuần hết còn dính dáng đến tàu bè, xe
cộ, xa lánh điện thoại, tin tức, quên bỏ truyền thanh, truyền
hình,...một cách cắt đứt với đời sống hằng ngày, chỉ
còn vui với trời, mây, gió, núi. Ngày đi, đêm nghỉ, mục
đích chính là tìm xem những hình vẽ trên đá lừng danh khắp
thế giới được bàn tán từ nhiều thế kỷ nay.
Lúc trước, một
chuyến đi loại nầy rất mệt nhọc vì du khách phải mang
trên lưng mọi thức ăn, mền chiếu, lều chỏng. Ngày nay rải
rác trong dãy núi nhiều nhà trú chân cống hiến một bửa
ăn tối thanh đạm, một bửa điểm tâm lúc rạng đông, một
gói cơm bới để ăn trưa và một cái giường đơn giản trong
một phòng ngủ công cộng không đèn, không sưởi. Tuy đã
có đặt trước, du khách không nên lại chậm sau 5 giờ chiều,
có thể mất chỗ ngủ vì ở núi thì có luật rừng... Sống
trong núi cũng như sống ở miền quê lúc trước bên ta, giờ
giấc ăn ngủ theo gót mặt trời. Như vậy nghĩa là phải đi
ngủ khi mặt trời lặn và tan tản sớm, khoảng 5 giờ sáng,
phòng ngủ đã ồn ào thức giấc, mọi người đều sửa soạn
ra đi. Phần thưởng của cuộc dậy sớm nầy là được mục
kích mặt trời mọc sau các đỉnh núi, có lúc trong sương
mù huyền ảo, một cảnh tượng độc đáo khó thấy ở thành
phố đồng bằng. Để lại nhiều ấn tượng trong trí óc
tôi là hình ảnh những đỉnh núi rực vàng dưới những tia
nắng đầu tiên, ẩn hiện dưới đáy hồ, huyền diệu trong
trong cảnh thanh bình tĩnh mịch ban mai. Thỉnh thoáng du khách
may mắn ngắm được những cặp sơn dương oai vệ thảnh thơi
kiếm ăn trên sườn núi cao. Đáng tiếc là như mọi chuyến
đi tập thể, phải nối gót bạn đường, không thể dừng
lâu thưởng ngoạn, mơ màng trước cảnh đẹp, say đắm trong
hiện tượng ít thấy, vả lại đường còn xa...
Đầu súc vật có sừng Ngày nay, đi dạo
một vòng quanh vùng, nhất là cạnh đỉnh núi Bégo, sừng sững
giữa những tảng đá hematit màu máu khô đỏ xẩm, từng được
những băng hà mài nhẵn cách đây 260 triệu năm, không cần
phải ra sức tìm tòi cũng thấy hàng ngàn hình khắc vẽ lên
đá: khoảng 40.000 hình, trên 3500 tảng đá, rải rác khắp
1400 ha, một nửa trong Thung Fontanable, nửa kia trong Thung những
Kỳ quan. Trong Thung Fontanable, chúng hình dung đời sống hằng
ngày, nào dụng cụ như móc, hái, khí giới như mâu, kích (riêng
dao găm chiếm 18% tổng số các hình vẽ), nào thú vật có
sừng từng cặp mắc vào ách cày hay bừa, có khi thêm vào
người dẫn, những hình hình học tương tự như hình những
mảnh đất rào kín hay những thửa ruộng,...nổi bật trên
những phiến đá xen lẫn hoa lá rực màu hoặc trên những
thành vách giữa các khe đá rong rêu xanh rờn. Trong Thung những
Kỳ quan, những hình khắc có vẻ nghệ thuật hơn, nhưng cũng
ít hơn (1% tổng số các hình vẽ) là những hình "dạng người"
mà những tên rất gợi ý như vị phù thủy, ông tù trưởng
bộ lạc hay đấng Christ, được đặt ra theo hình
thức chứ thoạt tiên chẳng có một ý nghĩa sâu xa gì. Có
giả thuyết đáng tin cho những hình nầy không phải của một
tác giả mà là từ nhiều hình chồng chất tiếp tục nhau
trong thời gian. Họ chứng minh một đầu thú có sừng, thêm
vào nhiều nét có thể trở thành một đầu người, ví dụ
hình vẽ đặt tên vị phù thủy, cũng như nhiều đầu
thú xếp đặt trên dưới, thêm vào nhiều đường gạch nối
có thể biến chuyển ra thành một người toàn vẹn.
Từ thế kỷ XVII, nhiều sử gia, tiền sử gia, địa chất học, thực vật học, khảo cổ học, cổ sinh vật học,... nhiều vị linh mục, mục sư, nhà điêu khắc,... đã tiếp tục nhau xem xét, tìm hiểu, kê khai những hình vẽ nầy, hầu mong đưa ra một giải thích thỏa đáng. Ngày nay, dựa lên hình thể, người ta đã xếp chúng thành từng loại. Xem xét nét vẽ thể hiện kỹ thuật chạm khắc, sử dụng những phương pháp hiện đại trong ngành thụ mộc niên đại học, người ta đã thử đánh tuổi các hình vẽ. Chúng có thể được thực hiện từ thời đại đồ đồng đá đến thời đại đồ đồng cổ, nghĩa là giữa 1700 và 2500 trước Công nguyên, lúc chưa ai nói đến đấng Christ ! Về mặt động cơ, nếu có một vài ý tưởng thờ cúng, ma thuật tôn giáo, lấy đỉnh Bégo làm vị trí thiêng liêng, thì cũng có giả thuyết cho các hình vẽ nầy là phương thức biểu hiện một nghệ thuật giản lược, ghi chép những cảnh tượng hằng ngày, khi ở trong hang tối như đã thầy ở nhiều nơi khác, khi ở ngoài nắng, dưới vòm trời cao,... Một trong những người đã bỏ công kê khai, sắp đặt nhiều các hình vẽ trong di sản thế giới nầy từ hơn ba mươi năm nay, là nhà khảo cổ Giáo sư Henri de Lumley ở viện Cổ sinh vật học, người đã bôn ba khắp các di tích tiền sử có tiếng trên thế giới. Một nhà dân tộc thiên văn học tương đối trẻ, độc lập (nghĩa là không thuộc một viện nào), khảo cứu trong ngành khảo cổ - thiên văn học, Tiến sĩ Chantal Jègues Wolkiewiez, đưa ra một giả thuyết táo bạo giải thích các hình vẽ ngày nay chưa được các bạn đồng nghiệp hoàn toàn chấp nhận. Cần chăng nên biết hai ngành khảo cổ học và thiên văn học xa nhau như mặt trăng và mặt trời, hai thiên thể quen thuộc mà bà Jègues thử gây liên quan trong một luận án văn chương và khoa học nhân văn bắt đầu từ 1992 và bảo vệ năm 1997 trên đề tài: Từ những hình vẽ ở Thung lũng những Kỳ quan đến bầu trời ngọn núi Bégo. Khảo sát dân tộc thiên văn học một ngôi đền mặt trăng - mặt trời thời kỳ đồ đá mới.
Người và súc vật Ý muốn đầu tiên của bà Jèques là tìm hiệu nguồn gốc hình vẽ trong các động, nhưng cuộc khảo cứu lại bắt đầu ở Thung những Kỳ quan với những hình vẽ ngoài trời. Hôm đầu tiên lại đây, bà chú ý ngay đến hình vẽ những lưỡi dao găm tượng trưng cho mặt trời, đặc biệt trên tảng đá đặt tên Bàn thờ: chúng đều chọc mũi về một hướng. Đem đo độ núi chênh các tảng đá có hình vẽ thì bà khám phá ra các dao găm kia đều hướng về những điểm mặt trời mọc hay lặn những ngày hạ chí hay thu phân. Trong một hệ thống các tảng đá có nhiều lỗ thông với bên ngoài, bà nhận xét cứ đến thu phân hay xuân phân thì ánh nắng mặt trời thông qua lỗ chiếu sáng một điểm xác định, điểm giao lưu giữa hai tinh tú. Xem xét những hình vòng thường dùng để hình dung mặt trăng, vị trí những ngày điểm chí hay điểm phân được xác định, sáu tuần trăng thể hiện qua những đường cong có sáu đỉnh. Trên nhiều tảng đá, những hình vẽ hình dung những chòm sao hoàng đạo. Khảo cứu một tảng đá trên ấy có hình vẽ đặt tên Vị chúa tể có tay hình chữ chi, bà nhận thấy những hình vẽ hình dung những thiên thể vào một lúc chỉ định, đem so sánh với phương vị những hình vẽ khác mà bà bỏ công đo lường, bà khám phá ra được một nhật thực ngày 10 tháng 10 năm 1718 trước Công nguyên vào lúc mặt trời mọc, rất quan trọng vì là ngày đầu tiên mùa thu, rất dễ tính toán vào lúc thay đổi tiết trời. Chỗ khắc hình vẽ lắm lúc được chọn lựa rất kỹ càng. Ví dụ tảng đá gọi là Bàn thờ đã thấy, trên ấy có hình vẽ đặt tên Vị tù trưởng bộ lạc, chiếm một vị trí gọi là vị tự so với địa hình ngọn núi Bégo để khi mặt trời và mặt trăng mọc hay lặn, ánh nắng chiếu rõ những hình vẽ. Nói chung, chỗ nào có nhiều hình vẽ là chỗ ấy có điểm quan sát quan trọng, để lại cho hậu thế những cuốn sổ tay tràn đầy ghi chép thiên văn quí báu nếu biết tìm cách đọc hiểu. Có nhà thiên văn học đã nhận ra những hình vẽ các chòm sao, có khi liên quan đến những thay đổi thời tiết...Những đài thiên văn tiền sử giản dị nầy, tổ tiên những đài hiện đại ngày nay, đã sử dụng những vật liệu mộc mạc sẵn có tại chỗ và vận dụng kỹ thuật tuy đơn sơ mà biết bao công hiệu thời ấy, những điều kiện cần thiết cho sự sống còn của các bộ lạc. Địa điểm chọn lựa cũng không phải tình cờ : ở cao độ, dễ nhìn xa, nhìn rõ ; có núi có thung, dễ xác định tứ phương ; có địa hình gồ ghề dễ thực hiện những nhiều điểm kiểm tra cùng lúc ; gần biển dễ dàng đi lại, giao lưu kiến thức,...dù những tác giả các hình vẽ kia chỉ có thể là những chàng chăn cừu mộc mạc tháng năm quanh quẩn trong đồi núi nhưng không thiếu đầu óc quan sát, khả năng lý luận.
Ngang đây cần mở một vòng ngoặc. Năm 1991, trước khi bà Jègues khởi công luận án, bà Emilia Masson, chuyên gia về đạo giáo Ấn - Âu và sử ký dân tộc Hittites, nhân viên Collège de France ở Paris, trong đề tài khảo cứu về những hình vẻ Công viên Mercantour, đưa ra một giả thuyết động trời trình bày ở viện Hàn lâm Khoa học : Thung Fontanalbe và Thung các Kỳ quan là hai bộ phận một tổ chức nhị nguyên, thung thứ nhất thể hiện thế gian, thung thứ nhì thế giới bên kia. Thiêng liêng chế ngự quần thể là đỉnh hình kim tự tháp Cime des Lacs sừng sững giữa hai thung và trên chóp đỉnh hiện ra vòng quanh một mặt người. Để thêm phần thuyết phục, bà cho biết bên trong đỉnh núi có một hang động mang nhiều hình vẽ. Tin như sét đánh: đến nay trong dân gian cũng như trong giới những nhà khảo cứu, không ai thấy mặt người nầy. Một ông cụ đã nói với tôi: tôi sống suốt đời ở cạnh đây mà không nào nghe nói đến, bây giờ một bà parisienne đột xuất đưa tin ấy. Giới khoa học cũng xôn xao không ít. Ủy ban bảo tồn di tích Aix-en-Provence cử hai nhà tiền sử học Roger Jousseau và Jean Clottes thưc hiện một cuộc giám định mà ai cũng đoán trước kết quả. Đằng khác, hai nhà địa chất học quen thuộc với vùng núi nầy, Maurice Taïeb và Frédéric Werth, theo yêu cầu của Yves Coppens, nhân viên viện Hàn lâm Khoa học, giáo sư ở Collège de France, cũng lại khảo sát và đưa kết luận chỉ là một thành hệ thiên nhiên.
Những dữ liệu
đầy sức thuyết phục gom góp ở Thung những Kỳ quan đã
tăng cường ý chí của bà Jègues là những người tiền sử,
luôn biết bảo tồn liên hệ vĩnh viễn trời - đất, nhờ
biết xem xét bầu trời và định hướng những công trình,
đã vạch rõ vai trò và vị trí ánh sáng những thiên thể
trong các điện đài dựng lên như những cuốn lịch để tổ
chức cuộc sống trong năm : lúc nào nắng, ngày nào mưa, mùa
nào tuyết phủ che kín núi đồi, thời gian nào làm gì, chẳng
hạn lúc nào gieo hạt, lúc nào chuyển nuôi thú vật lên non
xuống núi, đồng thời xác định những ngày lễ bái cầu
mong bảo vệ con người cũng như mùa màng. Những khái niệm
căn bản cho nền khoa học nầy dần dần bị quên bỏ, nhất
là khi chữ viết ra đời, cứ muốn giải thích những tượng
trưng mà quên các ý nghĩa lúc ban đầu. Sau đó bà trở lại
ý chí ban đầu, tiếp tục tìm hiểu phương hướng các động
trong vùng, đồng thời nguồn gốc những hình vẽ trong các
động mà nổi tiếng nhất là động Lascaux, ngày nay đáng
tiếc đã bị đóng cửa để tránh khỏi bị hư. Tuy bà Jègues
hết sức tin tưởng ở giả thuyết của mình, ai dám khoe khoang
thông hiểu đầu óc con người đã tạc chạm các hình vẻ
nầy lên đá mấy ngàn năm trước đây? Để góp thêm ý, ông
Jerôme Magail ở Viện Bảo tàng Nhân loại tiền sử học Monaco,
sau mười ba năm khảo cứu, khám phá ra bóng đỉnh ngọn Bégo
chiếu xuống chân núi trong thời gian từ ngày 21 tháng sáu
đến ngày 14 tháng chín, tức là từ hạ chí đến trung phân,
đúng vào 36 hình vẽ. Thời gian nầy là lúc không có tuyết
và dân miền núi đem súc vật lên nuôi ở đây. Câu hỏi là
tại sao hình vẽ khi là hình vẽ mủi dao, khi thì hình vẽ
đầu bò? Dù sao, khám phá nầy góp phần chứng minh người
xưa đã có một kiến thức rõ rệt về thiên văn.
(Bàn thờ hiện thấy tại chỗ là một bản sao. Nguyên bản được cất vào viện bảo tàng.)
Các nghệ sĩ thời xa xưa có dè đâu đã gây biết bao khuấy động trong đầu óc kẻ trí thức hậu thế! Người đi dạo Thung những Kỳ quan mãi suy nghĩ cũng chỉ biết phân vân trước các tác phẩm của người tiền sử. Đến một lúc, có lẽ không cần tìm hiểu lý do đã thúc đẩy những nghệ sĩ đã bỏ công tạc khắc, mà chỉ nên còn biết sống những giờ phút hiện tại, tận hưởng cảnh đẹp hữu tình của núi non hùng vĩ cũng như thưởng thức những nét vẻ hồn nhiên của các hình chạm thô sơ, để mặc tâm hồn thư thái ngược dòng thời gian trở lại quá khứ xa xăm, lúc con người đang đang còn biết sung sướng với thiên nhiên tạo hóa.
Tiến lên đỉnh Bégo Phụ lục: đá
khắc ở Mường Hoa
Những hình vẽ tạc lên đá ở Bắc bộ bên ta cũng đặt vấn đề tương tự. Trong thung lũng Mường Hoa thuộc các xã Lao Chải, Hầu Thào, Tả Van, Sử Pán.. (huyện Sa Pa) có một bãi đá rộng 8km2 với hơn 159 tảng đá granit có dầu chạm khắc. Theo ngưòi Mông quanh hai xã Hầu Thảo và Tả Vạn, nguồn gốc bãi đá được giải thích trong một truyền thuyết về mối tình bất hạnh của một đôi trai gái không cùng bộ tộc, vì chiến tranh chống nhau, phải chạy trốn đến nguồn suối Kim Hoa và hóa đá ở đấy. Ngày nay tại chỗ có ba tảng đá mang tên Hòn Bố lớn nhất (6x15m), Hòn Mẹ, Hòn Con. Trên mình tất cả ba đều có hình vẻ kỳ quặc, khó hiểu. Nhiều giả thuyết cho đó là những bức tranh, những bản đồ khu vực của người Mông xưa hay của những chiến trận một thời trước. Trong những bức tranh có thể tưởng tượng nhận ra núi non, măt trời, sông suối, ruộng bậc thang. Có người nhận thức ngay cả những hình người với những tư thế, dáng điệu khác nhau (11 kiểu), những họa tiết giống như cổ tự! Những người lớn tuổi còn tin hai Hòn Bố và Hòn Mẹ không ngừng tìm lại nhau... Bãi đá được nhà khoa học người Pháp Jean Bartherlier phát hiện năm 1924. Năm sau, Viện Viễn đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội đã cử nhà nghiên cứu Victor Goloubew và một số cộng sự lên Sa Pa tiến hành cuộc khảo cứu quy mô lớn. Trong một Hội nghị khoa học về những phát hiện khảo cổ do Viện Khảo cổ tổ chức cuối tháng chín năm 2000, giáo sư Phan Trường Thị và các đồng nghiệp công bố đã phát hiện tại huyện Phong Thổ (Lai Châu), những vết khắc có nhiều nét tương đồng với hình khắc tại bãi đá Sa Pa, cũng trên mặt những tảng đá granit, loại vạch khắc hình tròn, hình cung song song, có khi đối xứng, có khi bắt chéo nhau,... Những hình khắc đẹp nhất tập trung ở Bản Pho. Từ 2005, trở thành di tích quốc gia, bãi đá được ghi vào một chương trình khảo cứu liên hợp EFEO và Sở văn hóa tỉnh. Do Philippe Le Failler và Trần Hữu Sơn điều khiển, những đội lẫn lộn cán bộ trẻ địa phương, chuyên gia từ Hà Nội lên, cùng nhau thiết lập một bản thống kê cặn kẽ có hệ thống: quy định, khuôn rập, tư liệu,... để đi đến một bản kê toàn bộ những hình thể. Năm 2012, EFEO Việt Nam đã cho xuất bản một cuốn catalô, thêm vào một bản hệ thống loại hình của Philippe Le Failler nêu cao ưu thế những kiểu trổ nhắm mục đích họa đồ. Tuy cuôc khảo cứu chưa xác định được chính xác niên đại cùng tác giả của những vết khắc công phu nầy, công tác đã rất cần thiết để khai khẩn đồng thời bảo vệ một di thể quý giá nằm trong vùng du lịch đang bị những kế hoạch làm nhà máy điện đe dọa ngoài những tai biến thiên nhiên và sự xói mòn của thời gian.
Thung lũng Những Kỳ Quan - Thung lũng Mường Hoa: một vạn cây số chia cách, hai địa điểm, một vấn đề! Tham khảo - Daniel Riba, La Vallée des Merveilles, Guide du visiteur, Editions Serre, Nice 1983 - Yvonne Rebeyrol, La nature, sculpteur de la Vallée des Merveilles, Le Monde 08.07.1992 - Emilia Masson, La Vallée des Merveilles, Bulletin MGEN 11-12.1992 - Du rififi dans la Vallée des Merveilles, Sciences et Avenir 10.1996 - Un cadran solaire vieux de 4000 ans au mont Bégo, Sciences et Avenir 04.2007; montbego.com - Colette Mainguy, La Vallée des Merveilles, Le Nouvel Observateur 09.06.2011 - Chantal Jègues Wolkiewiez, La Vallée des Merveilles, La Roche de l'Autel, archeociel.com - Tạ Hòa Phương, Những bãi đá khắc bí ẩn ở Sa Pa, baodatviet.vn06.06.2009 - Nam Trung, Truyền thuyết tình yêu bên bãi đá cổ Sa Pa, baodatviet.vn 10.03.2010 - Philippe Le Failler, Pétroglyphes et histoire des régions montagneuses du nord du Vietnam, Objectif Vietnam, Edition Paris Musées 2014 |
|