Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

LƯƠNG CHÂU TỪ 
của Vương Chi Hoán

Thu Tứ

Nguyên văn
Dịch nghĩa
Dịch ra thơ Đường luật
- Lê Nguyễn Lưu
- Thu Tứ
Dịch ra thơ song thất lục bát
- Nguyễn Minh
- Thu Tứ
Dịch ra thơ lục bát
- Tương Như
- Bàn Thành Lãng Tử
- Thu Tứ
*
Thơ Đường có hai bài Lương Châu Từ. Bài thứ nhất của Vương Hàn ("Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi..."). Bài thứ hai là đây, còn có tên là Xuất Tái.

Quận Lương Châu thuộc tỉnh Cam Túc, xưa kia là vùng sa mạc biên cương hẻo lánh. Ngọc Môn Quan là một cái cửa ải ở Lương Châu, nằm trên Con Đường Tơ Lụa. Gọi Cửa Ngọc vì đó là nơi ngọc từ phương Tây nhập vào Trung Quốc. Khương là tiếng chỉ chung các sắc dân du mục sinh sống ở miền tây nước Tàu. "Oán dương liễu" là hờn chia tay, vì "người xưa đưa khách đến bến đò hoặc cầu, thường bẻ nhánh liễu (chiết liễu) để tặng biệt".(1)

Hai câu đầu bài thơ vẽ cảnh to đến nỗi cả một tòa thành cũng bất quá "mảnh". Hai câu sau chứa tâm sự của một hạt bụi: Buồn lắm sáo ơi, qua khỏi đây là hết xuân rồi!

Nguyên văn

Lương Châu từ

Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian
Nhất phiến cô thành vạn nhận san
Khương địch hà tu oán dương liễu
Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan.

Dịch nghĩa

Bài từ Lương Châu (2)

Xa xa sông Hoàng Hà như lên tận khoảng mây trắng
Một tòa thành lẻ loi trên núi cao muôn trượng
Sáo Khương thổi chi khúc nhạc hờn chia tay
Gió xuân nào có thổi qua ải Ngọc Môn.

Dịch ra thơ Đường luật

Lê Nguyễn Lưu:

Mây trắng mù xa ngọn nước dồn,
Cô thành ngàn trượng núi chon von.
Sáo Khương thôi chớ hờn dương liễu,
Theo gió xuân về tới Ngọc Môn!

Thu Tứ:

Sông dài xa nhảy lên trắng mây,
Thành côi một mảnh bám non đây.
Hiu quạnh não nùng thêm sáo thổi,
Hỏi có buồn đâu sánh chốn này.

Dịch ra thơ song thất lục bát

Nguyễn Minh:

Sông Hoàng Hà cuối trời mây trắng,
Một cổ thành hoang vắng trên non.
Sáo Khương dương liễu oán hờn,
Gió xuân có tới Ngọc Môn đâu nào.

Thu Tứ:

Kia sông chảy tận trời mây trắng,
Nọ thành côi một mảnh sườn non.
Tới đây dạ đã héo hon,
Nghe hơi sáo rợ thân còn hồn bay!(3)

Dịch ra thơ lục bát

Tương Như:

Sông vàng, mây trắng liền nhau,
Thành côi một mảnh, núi cao tiếp trời.
Thổi chi "Chiết liễu", sáo ơi,
Gió xuân đâu lọt ra ngoài Ngọc Môn!

Bàn Thành Lãng Tử:

Hoàng Hà xa thẳm ngàn mây,
Thành xưa lẻ bóng, non tây muôn trùng.
Cất chi tiếng sáo não nùng,
Gió xuân nào thổi qua vùng Ngọc Môn.

Thu Tứ:

Sông vàng chảy mãi lên mây!
Non cao một mảnh thành xây bao giờ...
Chân đi sắp tới chơ vơ,
Sáo buồn nghe thổi thẫn thờ càng thêm...

__________

(1) Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh.

(2) Đây là thơ Đường luật, không hiểu tại sao tác giả đặt tên bài như thế.

(3) Chúng tôi dùng chữ "rợ" vì người Tàu xưa có lối hay miệt thị các dân tộc phi - Hoa. Đây không, nhưng trong thơ Đường có những bài chứa chữ "man" chữ "di".