Tặng phẩm - Quý Thể - Chim Việt Cành Nam
Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Tặng phẩm
Quý Thể
Ngồi trên xe đi Tân Hiệp tôi luôn luôn nghĩ tới tặng phẩm dành cho Ngọc Lan. Chúng tôi mới yêu nhau, đây cũng là chuyến đi xa đầu tiên của tôi, khi trở về không thể thiếu tặng phẩm. Lần này tôi trở về thăm anh chị tôi ở Tân Hiệp, một thị trấn nhỏ nằm trên quốc lộ 4 ở giữa Tân An và Mỹ Tho. Tôi nghĩ phải có một món quà gì đó thích hợp cho Ngọc Lan. Lúc đầu tôi tính khi trở về lại Sài Gòn sẽ mua mận Trung Lương tặng nàng. Sau tôi lại nghĩ món quà này trông có vẻ trẻ con quá. Tôi tính mua son phấn hay một xấp hàng thật đẹp nhưng lại thấy không tiện. Mình đi về quê chớ có phải lên thành phố hoa lệ nào đâu. Phải chi tôi giàu có như anh chàng mà tôi bắt gặp trên đường Tự Do. Anh ta hiên ngang dẫn người yêu vào một tiệm kim hoàn để cho nàng tự chọn lấy chiếc nhẫn kim cương, anh cầm bàn tay người yêu, âu yếm đeo chiếc nhân kim cương bằng cả một gia tài. Phải chi tôi biết làm thơ tôi sẽ tặng nàng bài thơ sau chuyến đi. Và phải chi tôi có một cuộc tình lãng mạn như cậu Hải mỗi sáng đem tặng cô Trang một bông hồng hàm tiếu. Ý nghĩ cứ miên man, thời gian ngắn lại. Xe tới nơi thật nhanh. 

Đến nhà anh chị, không khí tĩnh mịt ở chốn thôn quê làm cho tôi mềm lòng. Mới xa nhau có mấy giờ mà đã thấy nhớ Ngọc Lan. Giữa trưa bỗng vang lên tiếng sáo trúc. Tôi rất ngạc nhiên, tại sao giữa chốn quê mùa này lại có nghệ sĩ nào chơi sáo trúc hay thế nầy? Tôi hỏi, cô cháu trả lời : "lão Lấm thổi sáo thiến heo đó". À thì ra ở vùng này người thiến heo dùng tiếng sáo trúc thay lời rao. Thật là một sáng kiến nên thơ. Thấy việc hay hay tôi ra xem và rồi vui chân đi theo lão.

Tôi thấy lão ghé vào một ngôi nhà. Chị chủ nhà dẫn lão ra chuồng heo. Lão leo vào tóm chân chú heo đực con đem ra treo ngược lên nhánh mít. Chú heo con dãy dụa la hét. Lão Lấm dở túi đồ nghề lấy con dao xếp, loại dao mà mấy bà già ăn trầu thường dùng. Chỉ cần một cái rạch, trong nháy mắt lão đã lấy ra ngoài cái phần hệ trọng nhất của nam giới ra ngoài. Lão lấy cây kim cuộn chỉ và cũng trong thời gian ngắn lão may vết mổ lại, thiện nghệ không khác gì một bác sĩ giải phẩu tài ba. Tôi nghe lão biểu chị chủ nhà lấy ra cái chảo với nữa chén dầu dừa. Lão cạo lọ chảo vào chén rồi trộn dầu dừa vào. Đây đích thị là thứ thuốc sát trùng cổ truyền màu đen nhánh sền sệt. Lão bôi cho con vật rồi thả nó vào chuồng. Chú heo con chạy vào góc, giương đôi mắt sợ hải nhìn ra. Việc làm chỉ mất khoảng mười lăm phút. Lão nhận tiền công. Lão đếm tiền nhiều lần. Chị chủ nhà không một lời lịch sự, cám ơn, mà lại còn hăm :

- Nó mà có chuyện gì thì liệu hồn với tui đó!

Lão chẳng bận tâm tới lời chị chủ nhà. Lão đếm đi đếm lại mấy đồng bạc. Chị chủ nhà nói với thằng con trai :

- Lấy que gắp cái của nợ lão thiến ra đó quẳng xuống ao cá vồ đi.

Lão lấm nghe thế vội vàng nói :

- Để đó cho tui. Nói xong lão lấy lá chuối gói lại bỏ vào bị.

Hôm đó là một ngày tốt. Lão đi có nửa buổi mà có tới năm nhà mời thiến heo. Chiều lại lão hớn hở đi vào chợ Tân Hiệp. Lão xăm xăm đi về phía cuối chợ chỗ hàng cá đồng, gặp người phụ nữ gánh nước. Sau này tôi mới biết đó là chị Năm Tro làm nghề gánh nước mướn cho mấy bà ngồi bán cá đồng. Chị ta không chồng con, chẳng có nhà cửa, cái chợ Tân hiệp này là nhà của chị. Chị ăn ở luôn tại đây. Lão lấm đưa cho chị túm lá chuối rồi nói :

- Bữa ni được ba bộ. Số là năm nhưng thằng Mười Khôi không chịu đưa, nó đòi lại để nhậu. Lão Sáu Sào chận đường xin một bộ ngâm rượu, không cho cũng không được, hắn giựt đại. Còn ba bộ đem về cho mình đó.

Tôi thấy nét mặt chị Tro trở lại dịu dàng. Chị vừa gây lộn với con mẹ Sen bán ốc bưu, hai người suýt nữa nện nhau bằng đòn gánh. Giờ thì cái tặng phẩm đặc biệt thể hiện tình yêu của lão Lấm làm cho chị mềm lòng. Chị quên mất vụ gây lộn vừa rồi.

Chị tên là Tro nhưng lại có nước da trắng. "Tặng phẩm" làm cho chị cảm động đôi má tự nhiên ửng hồng. Tôi cảm thấy đôi thùng nước trên vai chị lúc này trở nên nhẹ bong. Chị nói, cái giọng khàn khàn vì cuộc đấu khẩu vừa qua với tất cả lời lẽ tục tằn nhất trên đời. Nay chị nói với lão Lấm thật êm đềm tình tứ :

- Để tui tới nhà Tám Hèm mua xị rượu gạo nước nhứt cho mà nhậu. Muốn kêu ai tới thì kêu...

- Thôi bày vẽ làm chi, tụi nó tới quậy chịu đời không thấu đâu.

Ở Tân Hiệp mấy ngày nay tôi có dịp theo dõi cuộc tình của Roméo và Juliette này. Lão Lấm làm nghề thiến heo thiến trâu bò, thiến cả chó nữa. Lão ở cái chòi ngoài đồng. Không ai rõ thân thế của lão. Lão có cái tật mà ai cũng cho là ngộ. Lão bủn xỉn một cách kỳ lạ. Không ai lấy của lão xu nào. Anh Ba Tài hớt tóc ở chợ cũng chưa móc được của lão một đồng. Tóc dài thì lão lấy con dao thiến heo mài bén rồi lượm miếng kính vỡ soi cái mặt dài như mặt ngựa tự thí phát cho mình. Cái đầu lão lởm chởm trông như chó liếm. Tật bủn xỉn còn thấy rõ ở cách lão đếm tiền. Ai đưa, lão đếm đi đếm lại nhiều lần. Còn lão đưa tiền đong gạo thì lão muốn bóc tờ bạc ra làm hai. Lão rè, lão chẻ, lão thổi nhiều lần thử xem mấy đồng bạc có dính vào nhau hay không ? Thế mà từ khi quen với Năm Tro, tự nhiên lão đổi tính. Tiền tiết kiệm được bao nhiêu lão giao hết cho con Năm. Lão cũng bắt đầu chưng diện. Lúc này chủ tiệm hớt tóc Ba Tài mới kiếm được đồng tiền của lão. Tiệm may của chú Cầu mới có dịp cắt cho lão bộ bà ba. 

Còn chị Tro cũng thay đổi ngó thấy. Trước đây chị nổi tiếng hung dữ và hàm hồ nhất cái chợ Tân Hiệp này. Mỗi lần chửi lộn thì cởi cả quần. Đánh lộn với mấy mụ hàng cá thì chị sử dụng "tuyệt chiêu" võ công, tay chụp đầu xoắn tóc, tay tuột quần đối phương. Với cái "chiêu độc" nầy chưa ai hóa giải được. Thế mà mấy lúc này chị trở nên dịu dàng hay nói, hay cười, hay làm duyên, vô hàng xén mua thỏi son, kín đáo thoa lên môi, soi gương, cười duyên. Tôi tưởng ái tình là cái bệnh của đám thanh niên, ai đâu ngờ nó chẳng tha cho hạng người nào. Cũng thật lạ, nó làm cho người ta đổi tính. Thường là tốt ra.

Mấy hôm sau tôi đi theo lão Lấm xem lão làm nghề. Tôi tưởng mọi việc dễ dàng như lần thiến con heo con của nhà Tám Lang. Ai ngờ thiến mấy thứ khác khó hơn nhiều. Nghe tiếng sáo, mụ Kìm kêu lão vô nhờ thiến con chó mực. Nó hung quá vừa cắn con thằng Hai Hố, hắn tới bắt đền mấy chục ngàn tiền thuốc. Lão Lấm ngồi chồm hổm trên bộ ván bốn tấm. Mụ Kìm để tô cơm nguội dưới phảng. Con mực chui vô đứng ăn. Lão Lấm tách hai tấm ở giữa ra. Lão thò tay xuống tóm lấy cái chân sau con mực kéo phần đuôi nó lên rồi khép tấm ván lại. Con mực chỉ còn cách kêu gào bên dưới. Công việc lão làm không tới năm phút. Nhưng khi lão còn đang đứng trước cửa nhà đếm đi đếm lại mấy tờ bạc rách thì con mực chạy tới cắn thật mạnh vào cái ống chân khẳng khiu. Lão ngồi xuống rên rỉ. Đây quả là một tai nạn nghề nghiệp. Lão cũng chỉ dùng cái thứ thuốc lọ nghẹ dầu dừa bôi vào vết chó cắn. Mấy ngày sau lão không đi làm được. Chị Năm Tro chiều lại thấy vắng những tặng phẩm, hỏi ra mới biết lão bị chó cắn. Chị nấu cho lão miếng cháo đậu xanh ăn cho giải độc, đem tới cái chòi ở bờ ruộng.

Nghề nào cũng có lúc vinh, lúc nhục. Nhiều khi gia chủ mời mọc đãi đằng thịnh soạn. Có khi tiếng sáo trúc của lão vừa mới cất lên ở đầu xóm đã bị người ta lôi ra chửi xối xả. Con mẹ Hợi nắm áo kéo lão ra chuồng heo chỉ vào con heo lứa nằm một xó trong góc chuồng :

- Đó, thiến cái giống gì làm con người ta bỏ ăn ba ngày cục cựa không nổi...

- Con heo này lớn bộn rồi. Nó đau vài ngày thì khỏi. Sát trùng cẩn thận mà.

- Sát trùng cái con mụ nội lão!

Mụ Hợi nói. Lão chẳng cãi vã, bỏ đi.

Thiến trâu bò là công việc vất vả lại có khi nguy hiểm. Bù lại lão được nhiều tiền. Chiều lại có tặng phẩm quý giá đem về cho chị cho. Một lần mấy thằng chăn trâu cánh đồng cọ chạy về chợ Tân Hiệp la lên :

- Lão Lấm thiến con bò đực Tám Soan bị nó đá trúng ngực hộc máu một đống !

Chị Năm Tro chết điếng, hớt hơ hớt hải quẳng đôi thùng nước chạy băng băng qua cánh đồng đất cày lật cứng như đa, nửa đường gặp thằng Rền chặn lại nói :

- Tụi quỷ nói giỡn đó !

Chị Năm Tro dừng lại vừa thở vừa chửi nhưng nét mặt tươi rói :

- Mồ tổ hắn báo hại người ta chạy muốn đứt hơi !

*

Tôi trở về Sài Gòn. Lần này thì tôi đã "giác ngộ" Khi đang yêu, tặng phẩm quý nhất chính là con người mà mình yêu. Tôi lấy chính tôi ra làm tặng phẩm tặng Ngọc Lan. Ngọc Lan sung sướng vô cùng. Tôi đem cái chuyện "tặng phẩm của tình yêu" mà mỗi chiều lão Lấm gói trong túm lá chuối đem về tặng chị Tro kể lại cho Ngọc Lan. Nàng nói : "Ông chỉ được cái bày vẽ. Lần này ông trở về tay không nên ông bịa chuyện!" Tuy nói thế nhưng nụ cười của nàng lấp lánh hạnh phúc./.