Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ
Lê Khắc Thanh Hoài

Cô đơn

Không một ai trên cõi đời mà không một lần trải nghiệm một thứ tình cảm buồn bã, hụt hẩng vì không có ai để chia sẻ, thốt lên điều gì đó tự đáy lòng sâu thẳm, hoặc có chia sẻ được cùng ai điều gì đi nữa, những mong được cảm thông, thì lại không được cảm thông, mong được hiểu thì lại không được hiểu, không hiểu đúng, lại còn bị hiểu sai, hiểu lệch lạc, hiểu méo mó, hiểu ngược ngạo, nói một đằng hiểu một nẻo, mong được chấp nhận thì lại không được chấp nhận, không được đáp lại như ý muốn, những điều đã bày tỏ, đã thuyết minh, đã thuyết phục, thậm chí phải van lơn, cầu khẩn, đã dùng mọi cách để chứng minh, phân trần, biện bạch, biện hộ, để cho trắng thì ra trắng, đen thì ra đen, nhưng rồi mọi cố gắng đều thất bại. Không nhận được một cái gật đầu, không một lời nói đồng ý, không một cử chỉ thỏa thuận, không một dấu hiệu được ai đó tỏ cho biết là họ theo phe mình, ủng hộ mình, vì mình, vì hành động hay tư tưởng của mình. Rốt cuộc chỉ thấy một mình mình trơ trọi với những gì mình ôm ấp trong lòng, chỉ thấy một mình mình chống chọi với tình thế đang diễn ra trưóc mắt, mọi người đều quay lưng, có khi im lặng lạnh lùng, có khi mạt sát thị phi. Tất cả đều như những mủi tên nhọn ghim vào tim mình. Mình bị tổn thương trầm trọng như con chim bị bắn trúng đạn nằm rơi xuống mặt đất, mình quằn quại, đau đớn vàmình gào lên "Ôi ! tôi cô đơn !"

Ý nghĩa của hai chữ cô đơn thật ra quá giản dị, chỉ là một mình, cô là một mình, lẻ loi, đơn cũng là một mình, đơn chiếc. Một mình, nhưng cái một mình này, ngoài cái thân thì còn có cái tâm, ngoài cái phần vật chất thì còn có cả phần tinh thần, tâm linh. Chỉ một mình, biểu hiện qua thể xác và cũng chỉ một mình, biểu hiện qua phần tinh thần. Khi nói cô độc, là nói nói đến cái thân xác, chỉ có một mình nó. Khi nói cô đơn là nói cái phần tinh thần, cũng chỉ một mình nó. Mình với Mình. Ta với Ta. Cái Mình, cái Ta ở ẩn phía bên trong cái thân thật quá phức tạp và...lăng nhăng như một chùm dây thần kinh trong bộ não ! Nhìn thoáng qua những tưởng là đơn sơ nhưng cái Mình cái Ta này cũng có thể là đầu mối của muôn vàn tai họa, hạnh phúc hay khổ đau, chiến tranh hay hòa bình !

Chỉ một thân một mình, không ai kề cận, không ai để chia sẻ một căn nhà, một căn phòng, một mâm cơm, một chiếc giường thì đó gọi là cô độc.
Chỉ một thân một mình, không ai kề cận, không ai để chia sẻ một căn nhà, một căn phòng, một mâm cơm, một chiếc giường và chia sẻ cả buồn vui sướng khổ thì không những là cô độc mà còn cô đơn.

Cũng chỉ một mình, không ai kề cận, không ai để chia sẻ một căn nhà, một căn phòng, một mâm cơm, một chiếc giường nhưng lại chia sẻ được buồn vui sướng khổ qua các phương tiện truyền thông hiện đại hay chỉ qua những bức thư viết tay, mực xanh giấy trắng, như những thập niên trước thì thực sự có cô độc nhưng không cô đơn.

Không một thân một mình, có người kề cận, có người để chia sẻ một căn nhà, một căn phòng, một mâm cơm, một chiếc giường nhưng lại không chia sẻ được buồn vui sướng khổ thì không cô độc mà vô cùng cô đơn ! Đồng sàng mà dị mộng thì không gì buồn hơn.
Thực ra thì, khi ngủ, " mộng ai...nấy mộng " là chuyện thường tình nhưng khi thức mà vẫn " mộng ai...nấy mộng " mới thật sự là cô đơn. Cùng cực cô đơn.
Mộng ở đây là tâm tư, là nỗi lòng, là hoài mong, là hi vọng, là khát khao, là ao ước, là " tơ tưởng ". Những sợi tơ lòng dệt trong ý tưởng, trong nghĩ suy kết lại thành những dây chuyền của cảm xúc, làm rung động cả hồn lẫn xác. Và cô đơn là khi chỉ có một mình Ta với Ta để đón nhận và cảm nhận những làn sóng cảm xúc vi tế đó. Những dây chuyền của cảm xúc này rung động mãnh liệt nhất là khi yêu mà chẳng được yêu lại !

Bất cứ ai, trai gái, già trẻ, lớn bé, thông minh, ngu dốt, có học, vô học, có tài, bất tài, có địa vị, không địa vị, trí thức, thợ thuyền, đẹp đẽ, xấu xí, lành lặn, tật nguyền, lanh lợi, chậm lụt, nhà quê, tân thời, văn minh, chậm tiến, triệu phú, ăn mày, tu sĩ, phàm phu, triết gia, khoa học gia, chính trị gia, kinh tế gia...Ai cũng có một lần trải nghiệm nỗi cô đơn, cảm giác bơ vơ, lạc lõng, bị bỏ rơi, bị cô lập, bị đào thải, bị ruồng bỏ...những sợi tơ lòng rung lên những tiếng nấc, nghẹn ngào, thổn thức...Trừ những kẻ có trái tim hoàn toàn sắt đá, không cần chia sẻ, không cần cảm thông. Đó thường là trái tim của những kẻ độc tài, chỉ biết áp đặt, ra lệnh, mọi người phải tuân theo, ý của họ là đúng, tư tưởng của họ là có giá trị, họ không hề sai, họ không biết cô đơn hay là họ gạt bỏ cô đơn ra ngoài tâm tư vì họ bắt buộc mọi người phải nghe họ, dù muốn dù không, sẳn sàng dùng cả bạo lực !
Hoặc những vị nào đã tu quá cao, đạt được cái Tâm Bất Động, vượt ra khỏi mọi xao xuyến hệ lụy của cuộc sống, thì vị nầy chẳng bao giờ thấy cô đơn. Đạo Phật thường dạy điều phục tâm để không bị tám ngọn gió của thế gian, " Bát Phong " làm khổ. Tám ngọn gió là những điều khen, chê, được, mất, hơn, thua, khổ, sướng. Tám ngọn gió này bao gồm những thăng trầm của cuộc đời, khi thịnh khi suy, khi được ca ngợi, hoan hô, khi bị chỉ trích, đả đảo, ngộ nhận, khi được lợi lộc, phú quí, khi tiêu tan tài sản, nghèo cùng đói rách, khi hạnh phúc, khi đau khổ.
Trước những điều tốt hay xấu, như ý hay bất như ý xảy đến cho mình thì chỉ có thể dùng Tâm để đối trị mọi xao động, nao núng, bất an. Không thể chờ đợi gì bên ngoài. Chỉ có như vậy mới tìm thấy an lạc thực sự. Cô đơn không thể có khi mà Tâm đã an. Người hành Thiền là người đang tìm cách chuyển đổi, trút bỏ cái Tâm nặng nề như núi để có cái tâm tựa lông hồng bay nhẹ nhàng thoải mái trong không trung. Xin đừng lầm lẫn với cái Tâm vô cảm.
Con người cô đơn là vì luôn luôn chờ đợi sự đền đáp, sự tôn vinh, sự thừa nhận, sự công nhận, sự đánh giá đúng tầm vóc, tương xứng với tài năng, đức độ của mình, hay chỉ là phù du như sắc đẹp, tướng tốt hiện ra bên ngoài. Chờ đợi sự đền đáp bằng tinh thần, bằng tình cảm cũng như vật chất. Chính sự chờ đợi này gây khổ cho con người. Vì không bao giờ có sự chờ đợi mà được đáp lại trọn vẹn, hoàn hảo. Tâm con người chao đảo như chim trúng đạn. Như vậy chuyện điều phục tâm trong Phật giáo là hợp lý hợp tình, hợp thời hợp thế. Bất cứ trường hợp nào, bất cứ hoàn cảnh nào đều phải dụng Tâm để bên trong vững vàng trụ trong an lạc, bên ngoài, ngoại cảnh chẳng thể xâm phạm làm điêu đứng, mất thăng bằng.
Nhưng con đường điều phục Tâm không phải dễ dàng. Đó là một lộ trình khá dài và gian nan, cần nhiều nghị lực.

Vừa mới mở mắt chào đời đã...cô đơn nên mới khóc rống ? Phải tự mình chống chọi với một môi trường còn nguyên xa lạ sau chín tháng mười ngày yên ngủ trong bụng mẹ. Cô đơn hầu như gắn liền với thân phận con người ?
Hãy lang thang một vòng từ căn nhà hay căn phòng của mình, bước ra đường phố, đầu ngõ đã có người ăn mày chìa tay chờ đợi. Nhìn vào ánh mắt của họ, ta đã thấy một nỗi cô đơn hiện lên rõ ràng qua lời van xin. Trừ khi gặp phải một ăn mày...giả dạng ! Sống ở thời đại này, dường như chuyện gì cũng có thể xảy ra ! Trong trường hợp này, chính ta là người cô đơn vì bị...lừa !
Khi đi bộ thì ta mới dễ dàng tiếp cận với những người chung quanh. Thử đi chậm lại và quan sát làn sóng người vây quanh, nhất là vào những giờ tan sở, mọi người hấp tấp ra về, chờ xe buýt hay leo lên tàu điện ngầm, chờ taxi hay leo lên xe hơi, ngồi trên xe xích lô, đạp xe đạp hay đi bộ...ít có thấy một khuôn mặt vui tươi, đương nhiên, chắc chắn rồi, vì đó là khuôn mặt của sau buổi làm việc mệt nhọc, nhưng nếu nhìn kỹ ta sẽ nhận ra, có khuôn mặt nao nức quay về, và cũng có những khuôn mặt thật sự chán chường, tuởng như là họ rời bỏ chỗ này nặng nề mệt nhọc và sẽ đến một nơi khác cũng không đem lại an bình gì cho họ. Nỗi cô đơn hằn lên trên khuôn mặt, dáng điệu, cử chỉ của họ.
Không phải ai cũng quay về với vợ đẹp con ngoan, cơm lành canh ngọt. Có những thực tế phũ phàng và cay đắng núp đằng sau những căn biệt thự sang trọng. Nhưng cũng có những niềm vui nhẹ nhàng giản dị sau những mái nhà lụp xụp. Và cũng có những ngõ hẹp tối tăm càng làm thêm thê thảm đau buồn những số phận hẩm hiu.

Cô đơn vì thực tại không đem lại đúng như ý muốn. Điều mong cầu chờ đợi không được đáp ứng, thỏa mãn. Niềm vui đang có bỗng dưng đứt ngang. Hạnh phúc đang có bỗng dưng tuột khỏi tầm tay. Phải xa lìa người thân yêu, quí mến. Đối mặt với kẻ thù, không ưa, không mến. Bệnh tật, tai nạn bất ngờ xảy đến. Túng thiếu, lo âu chạy ngược chạy xuôi, bị chủ mắng nhiếc quở trách, kẻ gian lường đảo, làm ăn thua lỗ, mất sở mất việc, bạn bè lơ là, người yêu ruồng bỏ, phản bội, đành nhẫn nhục bỏ qua, ngậm miệng, cúi đầu, lao lực kiếm từng miếng ăn, từng đồng tiền trả nợ, trả thuế, chạy đủ thứ tiền để chi tiêu, bảo đảm một đời sống vật chất cho người thân, cho chính mình, nhưng rồi vẫn cảm thấy một nỗi buồn nằng nặng trong lòng, dường như không ai thèm biết đến công lao của mình, không ai nhớ ơn mình một cách xứng đáng, đó chỉ là bổn phận của mình, trách nhiệm của mình, không làm tròn không được, thế thôi, mình có nằm xuống, ngày mai cuộc sống vẫn tiếp tục, mặt trời vẫn sáng và mọi sự đều nhanh chóng đi vào quên lãng. Dường như ai ai cũng mang một nỗi cô đơn như thế. Mình thương cho mình quá !

Cái hành trình vừa cô độc và cô đơn, hoặc không cô độc mà vẫn cô đơn, hoặc ngược lại, chẳng cô độc cũng chẳng cô đơn, dường như đã được vạch sẳn nơi bản đồ của đời người. Ta có ít lựa chọn mà có lựa chọn cũng chưa chắc được. Vì không một ai có thể khẳng định được điều gì đó sẽ xảy đến với mình. Chỉ đến lúc nhắm mắt xuôi tay, con người mới có thể " tính sổ " về đời mình. Vâng, tôi đã đạt được điều này, tôi đã không làm được việc kia, tôi đã thất bại chỗ này, tôi đã thành công chỗ kia, tôi đã may mắn, tôi đã thiếu cơ hội, tôi nuối tiếc, tôi đáng trách, cũng như tôi hài lòng và không có gì đáng trách, và rồi vẫn còn lại, cũng không ít, những món nợ chưa đền xong, nợ tiền cũng như nợ tình.
Có ít kẻ mỉm cười nhắm mắt thì cũng có lắm kẻ mếu máo ra đi.

Nỗi cô đơn bám chặt cả linh hồn !
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan !(1)
Trăm ngàn vạn chuyện, hằng hà sa số điều bất như ý, bất toại nguyện, những điều hiểu lầm, hiểu sai, những tình huống ngang trái éo le, những hoàn cảnh ép buộc, bất khả kháng, những oan ức không thể giải, những rủi ro không thể tránh, những oán thù trách móc không thể ngăn, không thể cản...Tất cả đẩy con người vào nỗi cô đơn vời vợi.
Ôm lòng đòi đoạn xa gần
Chẳng vò mà rối chẳng dần mà đau !(2)
Trước nỗi cô đơn, con người thường không biết cách giải tỏa, hóa giải hay " chữa trị " mà thường lựa chọn những giải pháp dễ dãi như say sưa rượu chè, bài bạc, trác táng để quên sầu riêng, nỗi lòng không được diễn tả, cảm thông. Ngay cả các cách giải trí lành mạnh khác như thể thao, nhảy đầm, hát karaoké, xem phim, chơi games (chưa hẳn là lành mạnh), du lịch... Tất cả chỉ là để tạm quên, tạm đè xuống đáy lòng, tạm lờ, không nghĩ tới, không xem là quan trọng và cố tận hưởng giây phút hiện tại nhưng thực ra vấn đề vẫn không hề được giải quyết và trong lòng con người đó, nỗi cô đơn vẫn hiển hiện, chỉ chờ hoàn cảnh thuận tiện là bùng nổ. Không lạ gì những cơn " thịnh nộ " bỗng đâu kéo đến chỉ bởi một lý do nhỏ nhặt, một giấy đệ đơn ly dị bất ngờ, một đơn thôi việc không chính đáng, một bức thơ " lẩm cẩm " tuyệt giao với người bạn chí thiết, thậm chí có khi " từ " cả cha mẹ, con cái mình ! Tất cả vì nỗi cô đơn gậm nhấm đã từ lâu mà không biết.
Cô đơn " một " bỗng trở thành " mười " lần cô đơn hơn !
Con người nhốt tù mình trong nỗi cô đơn và xem tất cả kẻ chung quanh là địa ngục.

L'enfer, c'est les autres ! (3)

Con người bình thường trong cuộc sống thì không ai biết nỗi cô đơn của họ vì họ không nói ra cho tất cả mọi người biết, vì họ là " thường dân " hay chỉ là " phàm phu " hình ảnh tên tuổi của họ không in trên mặt báo, họ đi đâu không có ai cúi đầu chào hỏi, chắp tay lễ lạy, nhưng không phải thế mà họ không cô đơn. Ngược lại nỗi cô đơn của họ còn cao, còn dày, còn mênh mang hơn nữa, vì chỉ việc được xem như là một thường dân, một phàm phu cũng làm họ cảm thấy như bị hạ thấp, nhỏ nhoi. Nỗi cô đơn của họ chỉ tăng mà không giảm !
Các người nổi tiếng thì họ chỉ muốn dấu nỗi cô đơn của mình, họ chỉ muốn đưa ra những hình ảnh đẹp về mình, luôn tươi cười hạnh phúc. Hãy nhìn những hình ảnh về các tổng thống và phu nhân của họ. Luôn luôn là những hình ảnh cực kỳ hạnh phúc, tuyệt vời, xứng đáng là vị nguyên thủ của quốc gia. Chỉ cần một vài hình ảnh thật tuyệt đẹp về một gia đình gương mẫu là một ứng cử viên tổng thống có tràn trề hi vọng kiếm thêm thật nhiều cử tri bầu cho mình.

Trong thực tế, đã có những vị tổng thống mà sau khi họ qua đời người
ta mới phanh phui những chuyện ngoại tình, con rơi con rớt !
Sống giả dối cũng là một nỗi cô đơn đè nặng. Một bước ra đường là bị các fans hâm mộ hay paparazzi theo đuổi cũng là chịu áp lực của nỗi cô đơn. Họ không thể sống bình thường, thản nhiên, vô tư và thoải mái. Mặt trái của sự nổi tiếng mà họ phải gánh chịu là nỗi cô đơn không thể sống với bản chất tự nhiên, không phấn son, không làm dáng, không kiểu cách, không thể ăn mặc sao cũng được, không hợp thời trang, không sành điệu, không thể không có hàng hiệu...dường như điệu bộ nói năng của họ đều không thật và họ tự chán lấy mình, nhưng bản ngã tự kiêu và tự mãn với cái danh hiệu được xưng tụng làm họ tự nhốt mình trong cô đơn. Sự cô đơn được lựa chọn và chấp nhận. Nếu không chấp nhận được hay quá mệt mỏi với sự giả dối thì họ tìm quên trong chất nghiện, chất say và có khi tự hủy diệt, ý thức và cả vô ý thức. Điều này hay xảy ra trong giới gọi là " Show biz ". Sẳn tính nhậy cảm, các nghệ sĩ rất dễ sa vào lưới cô đơn. Cộng thêm vào những khó khăn riêng của nghề nghiệp, họ lại sống trong một môi trường mà mọi sự đều có thể diễn ra nhanh như chớp và cũng có thể biến mất nhanh hơn cả sao băng. Nỗi cô đơn của họ là phải giã biệt ánh sáng và lùi vào bóng tối, trong khi họ không muốn, chưa muốn.
Ngược lại cũng có nỗi cô đơn của những kẻ ở trong bóng tối và chỉ mơ ước cái ngày bước ra ánh sáng !
Xem lại phim " Limelight " của Charlie Chaplin, anh chàng Charlot thiên tài, ta sẽ thấy rất rõ nỗi cô đơn của hai kẻ đang đi trên hai chuyến tàu ngược chiều này, một tên hề về già phải vĩnh biệt đèn màu sân khấu và một vũ nữ xinh đẹp son trẻ đang tiến dần đến ánh sáng chói lọi của đèn màu sân khấu. Hai cảnh đời trái ngược, hai nỗi cô đơn gặp nhau trong tình thương, trong sự nâng đỡ nhau. Nhưng rồi đường người nào người nấy đi. Tên hề già chết trong câm lặng, khi ánh đèn màu vụt tắt. Cuộc đời là thế thôi. Chỉ cần nghe phần âm nhạc trong phim cũng thấm thía nỗi cô đơn diệu vợi đó !
Tìm hiểu thêm, ta được biết Charlot đã thực hiện cuốn phim Limelight vào năm 1952 ở Mỹ, vì lý do chính trị thời đó, Charlot phải di cư sang Thụy sĩ, mãi đến năm 1972, tức là 20 năm sau cuốn phim mới được trình chiếu và còn được giải Oscar về Nhạc Phim. Trong 20 năm, nỗi cô đơn của Charlot biết phải diễn tả như thế nào đây ?!

Cái chết bên cạnh những liều thuốc ngủ của cô đào Marylin Monroe xinh đẹp, quyến rũ không ai mà không nhớ và thương tiếc. Nếu chẳng phải vì cô đơn thì còn có thể là gì ?
Các vụ tự kết liễu đời mình tựu trung chỉ xuất phát từ một nỗi cô đơn nào đó quá sức chịu đựng.
Nguyễn Du có làm bài thơ về một ca nữ đã tự hủy mình " Điếu La Thành Ca Giả " và cũng kết luận " Chắc nghĩ rằng đời không ai hiểu mình " Cô đơn là thế, không được người khác hiểu mình.
Các văn nhân, thi sĩ có may mắn diễn đạt nỗi cô đơn của mình qua thơ văn nên có phần vượt qua dễ dàng hơn người khác, những bức bách, dày vò của nỗi cô đơn.
Nỗi cô đơn của cụ Nguyễn được thấy rõ trong hai bài thơ chữ Hán " U Cư " được dịch là Ở nơi U Tịch, một thiên tài mà phải sống bần bạc, giả vờ, sợ hãi :

Hoa đào, lá đào rụng tả tơi
Cánh cổng xiêu vẹo, bên trong là chiếc nhà bần bạc
Ở trọ lâu ngày, quên bẳng mình là khách
Qua nhiều năm, biết cái già đã đến với mình
Ở đất khách, giả vụng về để phòng thói tục
Gặp đời loạn, vì muốn bảo toàn sinh mệnh, nên luôn sợ người ta.
Xiêu dạt đến bạc đầu, có thành việc gì đâu ?
Gió tây thổi rơi, chiếc khăn thâm nhỏ hẹp.(4)
Nỗi cô đơn của Trần Tế Xương thiết yếu là trong việc khoa cử :

Bụng buồn còn muốn nói năng chi?
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì !(5)

Nỗi cô đơn của Cao Bá Quát là nỗi cô đơn của kẻ nhìn đời lên xuống và cũng muốn buông xuôi:

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Ðem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt (6)
Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng (7)
Làm chi cho mệt một đời.(8)
...
Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo.(9)


Nỗi cô đơn của Lưu Trọng Lư thì dính dáng đến giai nhân, thi sĩ và giai nhân vẫn thuờng gặp nhau, nhưng lại không cùng sát cánh, cùng song hành:

Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn nằm trong nhung lụa.(10)
Nỗi cô đơn của Bùi Giáng thì mang nặng tình gắn bó với cõi trần gian:
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.(11)


Nỗi cô đơn của Hàn Mặc Tử thì quá mênh mang, dàn trải suốt cả cuộc đời ngắn ngủi mà các nỗi thất vọng về tình yêu thì hầu như liên miên bất tận và qua đó ta đã thấy loáng thoáng bóng dáng của cái chết :
Nguồn thơ ứa mãi hai hàng lệ

Tờ giấy hoa tiên cũng ướt mèm !(12)
...
Anh nằm ngoài sự thực
Em ngồi trong chiêm bao
Cách nhau xa biết mấy
Nhớ thương quá thì sao ?(13)
...
Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió - trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ.(14)
...
Ta trú linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn Em sao chẳng hay gì cả ?
Xin để tang anh đến vạn ngày !(15)


Thử tìm hiểu nỗi cô đơn của Hàn Mặc Tử qua bài thơ nổi tiếng và gắn liền với một người con gái xứ Huế.
Chỉ một câu mở đầu của bài thơ "Đây Thôn Vĩ Dạ" đã cho thấy nỗi cô đơn cùng cực của Hàn Mặc Tử. Tác giả tự xướng câu hỏi " Sao anh không về chơi thôn Vĩ " Tự xướng ? Phải, vì thực ra câu hỏi này không hề là của một giai nhân thốt lên, mà chính Hàn Mặc Tử tự mình đặt câu hỏi để rồi tự mình nhìn và thấy, cái nhìn xôn xao trong " tơ tưởng" đã cho thấy nắng mới lên, cho thấy hàng cau, cho thấy vườn ai xanh mướt, cho thấy lá trúc, cho thấy khuôn mặt, cho thấy gió, cho thấy mây, cho thấy giòng nước buồn thiu (hay chính lòng mình buồn thiu ?) cho thấy hoa bắp lay, cho thấy thuyền, cho thấy trăng, cho thấy rất nhiều nhưng chỉ được là " mơ ". Mơ khách đường xa. Ở đây chỉ mơ mà không thấy, vì khách đường xa không bao giờ đến, cũng thế, ở đây chỉ thấy áo trắng mà không biết có phải là Em : "Áo em trắng quá nhìn không ra", nhìn không ra nên có chắc gì là Em ?! và rồi trong sương khói, trong mù mịt, của không gian, của ngoại cảnh, cũng như trong sương khói, trong mù mịt của tâm tư, thì chỉ có thể thốt lên " Ai biết tình ai có đậm đà "! Câu thơ cuối cũng là một câu hỏi như câu thơ đầu và cũng là một câu hỏi cùng cực cô đơn! Chỉ một chữ "Ai " cũng làm ta lạnh cả lòng vì cô đơn.

Đọc " Lá Trúc Che Ngang, Chuyện tình cô tôi" của Hoàng Quỳnh Hoa, ta đuợc biết rõ giai nhân mà Hàn Mặc Tử thầm yêu trộm nhớ và đã sáng tác nên những vần thơ bất hủ của Đây Thôn Vĩ Dạ, thực ra giai nhân này chẳng hề mảy may đáp lại tình cảm thiết tha của thi nhân.Tất cả những gì được thêu dệt quanh bài thơ này, với mối tình của người con gái xứ Huế này, đều chỉ do trí tưởng tượng của người ngoại cuộc. Đây vốn dĩ là một cuộc tình hoàn toàn đơn phương của thi nhân. Đơn phương đúng như nghĩa của nó chỉ có một chiều. Cái tình của thi nhân thì rõ ràng, lộ liễu qua lời thơ, qua cử chỉ, qua hành động, nhưng không hề nhận được một chút tình đáp trả, dù chỉ một lời nói, một ánh mắt. Giả dụ là có yêu đi chăng nữa mà không hề nói ra, không hề bày tỏ, không hề có dấu hiệu gì đưa ra thì cũng như là một sự từ khước rồi ! Cái tấm ảnh mà giai nhân gởi tặng cho thi sĩ cũng chỉ là một tấm carte postale mua trong tiệm. Hình ảnh ở đây không thể là hình ảnh chân thật của giai nhân và cũng không hề có kèm theo một chữ Tình đáp lại một chữ Tình dào dạt tha thiết đợi chờ của thi nhân ! Đúng như thi nhân đã viết: " Gió theo lối gió, mây đường mây " Hiểu rõ như vậy, ta mới càng thấm thía hơn nỗi cô đơn của Hàn Mặc Tử ! Đây Thôn Vĩ Dạ toát ra nỗi cô đơn ngút ngàn thống thiết của thi nhân.
Thống thiết bởi vì lúc ấy, thi nhân đã lâm trọng bệnh và nàng Thơ gây cảm hứng cho chàng thì vẫn thờ ơ lạnh nhạt !

Nỗi cô đơn của triết gia, thi sĩ, kiêm nhà văn Phạm Công Thiện quả thật bàng bạc như sương mù Đà Lạt, thành phố mà ông từng gắn bó và cũng như tên hề với vũ nữ trong Limelight của Charlie Chaplin, nỗi cô đơn của Phạm Công Thiện đã hòa quyện vào nỗi cô đơn của cô ca sĩ đêm đêm đem tiếng hát cho người tìm vui nhưng trong lòng cô ấy chỉ là một nỗi buồn tủi nhục :

Cô đơn về trắng sương rừng
Anh nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
Khuya buồn tủi nhục môi em
Mưa run lặng lẽ trên thềm bơ vơ.(16)
Nói về nỗi cô đơn của chính mình thì ông viết :
Em là gái của tám phương trời
Anh là trai của vô phương mịt mù
Chỉ còn tách cà phê
Chỉ còn sự trung thành của tách cà phê
Với giòng nước đen của đời anh.(17)


Nỗi cô đơn của ông đã biến thành một nỗi đau " trắng linh hồn" :

Mùa xuân bay thành khói
Tôi ca hát một mình
Suốt đời không biết nói
Nước chảy tràn con kinh.
Quá khứ bay lên trời
Biến thành cánh chim non
Tôi quì hôn lá mới
Đau khổ trắng linh hồn.(18)
Chẳng phân biệt là thường dân, là văn nhân, là nghệ sĩ, là thiên tài hay vĩ nhân, ai cũng như ai, ai cũng có những niềm đau nỗi khổ, ai cũng có những lúc thăng trầm, thịnh suy, được khen, bị chê, hài lòng hay không hài lòng với cuộc sống, với những gì đang có trong hiện tại, ai cũng biết thế nào là cô đơn, là không được chia sẻ và cảm thông, chấp nhận. Tám ngọn gió trần gian luôn luôn thổi trong cuộc đời buồn nhiều, vui ít này, làm cho con người lao đao, dằn vặt, khổ tâm. Chính cái Tâm chịu ảnh hưởng trực tiếp của mọi sự diễn biến ở bên ngoài, nếu chỉ chờ đợi sự đổi thay ở bên ngoài e rằng khó mà thực hiện được. Chi bằng hướng vào bên trong, chuyển Tâm thành an lạc, an nhiên, thì nỗi cô đơn nào cũng nhẹ nhàng như cơn gió thoảng qua, không là bão nổi, có khi hại cả mình, nguời và vật chung quanh.

Trong dân gian, cũng tìm thấy không ít những bài học để đối trị với nỗi cô đơn, nói rộng ra là những tình huống bất như ý, bất toại nguyện, thiếu cảm thông :

Dù ai nói đông nói tây
Thì ta cũng vững như cây giữa rừng
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Thì ta cũng vững như kiềng ba chân.(19)
...
Đây ta như cây giữa rừng
Ai lay ai chuyển ai rung chẳng rời
Vàng ngâm xuống nước vẫn tươi
Anh hùng lâm nạn cứ cười cứ vui.(20)
...
Ai về ai ở mặc ai
Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh.
...
Lòng ta ta đã chắc rồi
Nào ai giục đứng giục ngồi mà nao.(21)
Ta thấy chữ Lòng trong dân gian không khác gì chữ Tâm trong Phật giáo. Chứng tỏ đạo lý được tìm thấy rất rõ và rất gần với con người qua dân gian, những con người thường dân, phàm phu và vô danh những thực ra chẳng thường, chẳng phàm chút nào vì nội dung của những câu ca dao luôn sâu sắc mà lại thực tiễn, không xa rời đời sống và tuy là vô danh, nhưng lại được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác không gián đoạn, còn " nổi danh" hơn là những tác giả đã có danh, cũng như làm phong phú cho nền văn học nước Việt ta vậy.
Nỗi cô đơn của con người, phải chăng, là vắng mặt cuộc đối thoại giữa mình và người. Một khi được bày tỏ, diễn tả, nói ra thì nỗi cô đơn sẽ không còn, cho dù không được cảm thông. Cũng thế, khi hành động mà không mong chờ thì cũng tránh được cô đơn. Bởi mong chờ không bao giờ được đáp ứng như mong đợi.
Nhưng rồi nỗi cô đơn vẫn đẹp vì cô đơn đã được biến thành những vần thơ bất hủ, những dòng nhạc tuyệt vời. Xin cám ơn tất cả các thi sĩ trên đời và nghiêng mình lắng nghe Tristesse của Chopin.
LêKhắcThanhHoài
Paris, Hè 2014
Chú Thích :

1. Kiều. Nguyễn Du
2.Kiều. Nguyễn Du
3. Huis Clos. J.P Sartre
4. Ở Nơi U Tịch. Nguyễn Du
5. Buồn Thi Hỏng. Trần Tế Xương
6. Thú Nhàn. Cao Bá Quát
7. Thú Nhàn. Cao Bá Quát
8. Thú Nhàn. Cao Bá Quát
9. Uống Rượu Tiêu Sầu. Cao Bá Quát
10. Một Mùa Đông ( bài 2 ). Lưu Trọng Lư
11. Phụng Hiến. Bùi Giáng
12. Buồn Ở Đây. Hàn Mặc Tử
13. Anh Điên. Hàn Mặc Tử
14. Trút Linh Hồn. Hàn Mặc Tử
15. Trút Linh Hồn. Hàn Mặc Tử
16. Cô Đơn Về Trắng Sương Rừng. Phạm Công Thiện
17. Chiều Trong Quán Cà Phê. Phạm Công Thiện
18. Mùa Xuân Bay Thành Khói. Phạm Công Thiện
19. 20.21. Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam. Vũ Ngọc Phan