Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ]          [ Trang chủ ]      [ Tác giả ]
Chùa 1000 Đức Phật ở Bourgogne

Bài và ảnh Võ Quang Yến

Tiếng mõ cấu kinh đất trời vang vọng
Cõi lòng ta thư thái tới vô thường.
Đào Phan Toàn

Chùa Dashang Kagyu Ling, nôm na gọi Chùa 1000 Đức Phật (1000 là số lượng đức Phật chờ đợi trong kỷ nguyên vũ trụ của ta) tên chính thức ghi trên bản đồ, là một trung tâm khảo cứu và thiền định theo phong cách xứ Bhutan. Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi tĩnh mịch, trong khuôn viên lâu đài Plaige ở làng Toulon-sur-Arnoux, tỉnh Saône-et-Loire, miền dưới khối núi Morvan vùng Bourgogne, cách xa phía nam Paris khoảng 300km. Từ xa, ngay ngoài đường cái, khách đã thấy thấp thoáng trong các lùm cây mái chùa đặc biệt với nóc mái nhọn hình búp sen trên ba vòng đốt, một hình chuông kẹp giữa hai vòng những hình trái chuối. Mở vào chùa là một cái cửa đồ sộ, trên mái kiểng chân đứng thẳng hai con linh dương tượng trưng buổi thuyết pháp đầu tiên của đức Phật trong vườn Lộc Uyển Mrgadava cây cao bóng mát tại Sarnath. Hai con thú thần nầy đứng chầu hai bên bánh xe pháp mà bài đức Phật giảng lần đầu tại đây cho năm người bạn cùng tu khổ hạnh ngày xưa, tức là lần chuyển bánh xe pháp thứ nhất, là bài Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế Catvari aryasatyani. Đường vào chùa dẫn đến một thang cấp đưa lên một bình phong khổng lồ, phía trước của một bể cạn, chiếm ngay ở giữa một bánh xe pháp đủ màu trắng, vàng, xanh, đỏ tương ứng với Tứ Đại hay Tứ Sinh, bên trong tám nan hoa tượng trưng Bát Thánh Đạo hay Bát Chính Đạo Aryastangikamarga là tám nhánh của con đường đạo diệt khổ. Xung quanh bánh xe pháp có hình Namchou Wangden là mantra chính của giáo huấn Kalacakra, nhiều hình súc vật như voi, ngựa, khỉ, cọp, sư tử, chim thấn Varuda ngậm rắn trong miệng và... rồng. Con rồng có vẻ Tàu nầy không lạc lỏng ở đây nếu biết người thành lập chùa nầy là vị Lama Kalou Rimpoche, người nước Bhutan, mà nước nầy thường được gọi là xứ con rồng ! (*)

Đi quanh bình phong, khách đạt đến một cái sân rộng trước chùa, bên trái là "miếu ánh sáng", nơi khách có thể đốt một ngọn nén, bên mặt là "nhà cối xay cầu nguyện" gồm có một trục cán khổng lồ chứa đựng hàng triệu công thức linh thiêng mantra, càng hữu hiệu khi khách đẩy quay trục. Lẽ tất nhiên tác dụng càng mạnh khi khách có lòng thành, chân thật khi cầu niệm. Hiệu lực cũng giống khi khách ngắm nhìn bên cạnh và sau chùa những bài kinh in trên giấy ngũ sắc phấp phới trên dây mang tên những "ngựa gió" đưa lên cõi Phật những lời cầu nguyện của khách hành hương tượng tự các luồng khói khi đốt giấy vàng bạc. Quanh sân chùa sắp hàng 35 ngôi tháp nhỏ tcheuten, mỗi tháp mang một tượng Phật, biểu dương bảy đoạn đời quan trọng của đức Phật. Đi vòng quanh theo chiều kim đồng hồ (truyền thống Tây Tạng gọi padakkhina) là một dịp lọc sạch màn mờ của trí óc và tích tụ công đức. Trong một góc sân, một cột cao kỷ niệm vị thành lập chùa. Xa hơn bên phía trái là một một ngôi tháp tcheuten lớn hơn những tháp kia, gồm có từ dưới lên : một chân tháp khrid hình vuông, bốn cạnh xem như là tứ vô hạn hay tứ vô cùng, tượng trưng Đất và đức Bảo Sinh Phật Ratnasambhava, chứa đựng những thánh tích, văn bảng linh thiêng ; năm tầng cấp xếp thành hình chóp cụt rộng tượng trưng năm đường dẫn đến Giác ngộ ; một vòm bát úp bumpa nới rộng phía trên, mang hình đức Phật phía trước, tượng trưng Nước và đức Vô Động Phật Aksobhya ; một hình chóp cụt thon với mười ba vòng tròn tượng trưng Lửa và đức A Di Đà Amitabha ; một cái lọng tượng trưng Khí và đức Tựu Phật Amoghasiddhi ; một hình trăng lưởi liềm và một hình cầu tượng trưng hai bản thể âm dương ; và trên cùng một hình cuộn tức nada tượng trưng Không trung và đức Như Lai Phật Vairocana. Sau chùa là nhà dành cho tín đồ lại ẩn cư và nhà hàng sách.

Chùa là một ngôi nhà cao 20m, rộng 22m, dài 26m, trang hoàng đủ sắc muôn màu như mọi bộ phận khác trong khuôn viên. Ba tầng chùa tượng trưng cho Thân, Lời và Trí của đức Phật. Bốn cột mặt trước chùa nhắc đến Tứ Thánh Đế, ngay ở trước có tượng hai kỳ lân, trên lại còn hai linh dương đứng chầu bánh xe pháp. Bước lên tầng nhất, khách đạt đến một hành lang có bốn vị hộ pháp Tứ Đại Thiên Vương Lokapala oai phong lẫm liệt đứng gác : Dhrtarastra là Trị Quốc Thiên Vương, ngự trị phía đông ; Virupaksa là Quảng Mục Thiên Vương, phía tây ; Virudhaka là Tăng Trưởng Thiên Vương, phía nam ; Vaisravana là Da Văn Thiên Vương, phía bắc. Trên cầu thang dẫn lên tầng hai, một số hình tường trình bày bánh xe pháp trên lưng voi, châu báu trên lưng ngựa, hay mang phụ đề Bà hoàng quý, Ông Thủ tướng quí, Ông Tướng quý ,...có thể hiểu là những vị đáng kính. Trên hành lang, đón chào khách có bức tranh tường bánh xe thế luân Bhavacakra trình bày những cuộc sống. Vòng ngoài lượt kê những nguyên nhân của cuộc luân hồi : người mù tượng trưng ngu dốt ; người thợ gốm, những sáng tác vòng sinh tử ; con khỉ, ý thức ; hai người trên thuyền, tên và hình dáng ; một người đàn ông một người đàn bà, sự tiếp xúc ; một người bị tên bắn, cảm giác ; một người ngồi ở bàn, cơn khát nước ; một con khỉ hái trái cây, sự chiếm đoạt ; một người đàn bà có mang, vòng sinh tử ; một người nằm nơi, sự sinh sản ; những hình già nua và chết chóc. Trung tâm bánh xe trình bày ba nọc độc trong trí óc bị ô uế : con gà tượng trưng ham muốn (tham), con rắn căm thù (sân), con heo tâm thần mờ tối (si). Giữa hai vòng nầy là hai lãnh vực sống của những người có và không có đạo đức. Phần chính trình bày những cuộc sống : âm phủ ở dưới, lên trên là những tâm thần tham lam, giới con người bên mặt, những người khổng lồ titan, giới động vật bên trái, trên cùng là nơi ở của các thiên thần. Nổi bật trong hành lang nầy còn có một pho tượng Quan Âm Avalokiteshvara bốn tay, ngồi, trắng xóa, không cùng phong cách, xem như lạc lòi trên nền các tranh tường màu sắc rực rỡ.
 
Trị Quồc Thiên Vương - Đông
Quang Mục Thiên Vương - Tây
Tăng Trưởng Thiên Vương - Nam
Da Văn Thiên Vương - Bắc

Bên trong là chính điện. Ba tượng khổng lồ 6-7m, chiếm luôn hai tầng : ở giữa là tượng đức Phật Thích Ca, mặc áo cà sa đỏ vàng, ngồi xếp bằng padmasana, trong tư thế địa xúc ấn bhumisparsha-mudra, tay mặt đặt trên đầu gối mặt, đầu những ngón tay chỉ xuống đất, tay trái cầm một cái chén; bên trái là tượng vị Thầy quý tức Guru Rimpoché hay Padmasambhava, người đã đem nhập Phật giáo Kim cương thừa vào Tây Tạng thế kỷ 8, áo xanh đỏ lục, cũng ngồi xếp bằng padmasana, tay mặt cầm chùy kim cương dordje tượng trưng những sức mạnh tâm thần và tính cương quyết trí tuệ, tay trái cầm bình kalasha đựngrượu tiên đạo lý ; bên mặt là tượng đức Tara lục, một nữ thần trẻ tiêu biểu lòng thương công hiệu, cơ thể tay chân màu lục, tay mặt thực hiện thí nguyện ấn varada-mudra, tay trái vô úy ấn abhaya-mudra, cầm hoa sen tượng trưng sự trong trắng vì từ bùn, vượt qua nước để nở thơm đẹp trong ánh mặt trời. Trước ba tượng suốt tầng dưới là thiền đường dành cho tu sĩ, chỉ mở cửa cho tín đồ trong những giờ chỉ định. Trái lại, tín đồ có thể đi quanh viếng thiền đường từ ba mặt hành lang, trước và hai bên ba tuợng lớn và dự hai buổi lễ puja 7 giờ sáng, 7 giờ chiều. Bên mặt có một tượng nhỏ, trắng hình dung đức Tchenrézik tức Pyan-ras-gzigs, một dạng của Avalokitesvara-Lokesvara, ngồi theo một tư thể rajalitasana biến đổi, hai chân gấp ngang, chân trái đặt lên đầu gối chân mặt, tay trái đặt lên chân trái, tay mặt chống xuống đất để giữ thăng bằng. Thần nầy rất được lòng dân và thường tín đồ đến trước tượng vừa lần tràng hạt vừa khấn chân ngôn mantra "Om Mani Padme Hum" để được bảo vệ theo kỹ thuật định tâm Tây Tạng. Trong tủ kính, có những hình tượng trình bày các nam thần với vị nữ tính nằm sấp trên bụng xem như là tượng trưng hòa hợp lòng trắc ẩn và đạo lý dẫn đến giác ngộ (yab-yum). Bên trái một biểu đồ đạo tràng mandala bằng cát trong tủ gương với những hình vuông hay vòng tròn đồng tâm, mở ra ngoài có bốn cánh cửa, trình bày những thiên thần với những uy lực, tượng trưng vũ trụ vô hình cùng các sức mạnh chi phối nó, một cách để tiếp xúc với các thiên thần, thường được dùng ví dụ để xô đưổi ma quỷ, để hòa giải những linh hồn lang thang hay để cầu xin những quyền lực. Cạnh mandala là tủ sách chứa đựng những kinh soutra và những sách giáo lý tantra.

Quanh hành lang ngoài tượng các đức Phật Sakyamuni, Guru Rimpoché, Tara lục, còn có tượng đức Văn Thù Manjushri, cùng với đức Phổ Hiến Samantabhadra là hai người hầu lễ đức Phật Thích Ca ; tượng đức Tara Dreulma (Giải phóng), với con mắt thứ ba tượng trưng đạo lý, tay trái thực hiện thí nguyện ấn varada-mudra, tay mặt cầm hoa sen trong trắng ; tượng đức Shahdrung Ngawang Namgyal (1594-1651) đã từ Tây Tạng chạy trốn qua Bhoutan xây cất chùa công sự dzong đầu tiên, xây dựng nền Phật giáo, phát triển canh nông, củng cố đất nước thành một quốc gia ; những hình vẻ thangka nhiều vị thần như Gampopa, trường phái Dakpo Kagyupa), Khyounpo Nèldjor (trường phái Shangpa Kagyupa). Đặc biệt có một ảnh đức Kyabdjé Kalou Rimpoché. Sinh năm 1905 ở miền đông Tây Tạng, Ngài là người đi tiên phong trong cuộc truyền bá Phật giáo Tây Tạng qua Tây phương. Được đào tạo rất sớm và có dịp du hành khắp nơi, năm 1957 Ngài được mời qua Bhoutan chăm lo chùa hoàng gia, năm 1966 xây cất chùa Sonata ở Darjeeling bên Ấn Độ ; được hai đức Dalai Lama va Karmapa khuyến khích, Ngài tiếp xúc Tây phương, bắt đầu từ 1971 thành lập nhiều trung tâm thiền định ở Mỹ châu và Âu châu : Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp.
 
Guru Rimpoché
Cakyamuni
Tara lục

Năm 1980, sau nhiều chuyến qua lại Tây phương, sau khi thành lập một nhóm thiền định ở Paris, trước mặt một cử tọa đông đúc ở Chùa Quốc tế trong rừng Vincennes, lần đầu tiên Ngài trình bày giáo huấn Kalacakra đuợc xem là mẫu mực của một tantra toàn bộ nhất nhưng cũng là phức tạp nhất. Nhân dịp đó Ngài gặp Jean Ober là Tổng thư ký Viện Phật giáo Quốc tế. Ông nầy tỏ ý ước mong đi xa hơn trong cuộc giảng dạy và dự án xây dựng một trung tâm ẩn cư ba tháng thành hình : viên đá đầu tiên Chùa 1000 đức Phật đặt ngày 20 tháng ba 1983 và Chùa Dashang Kagyu Ling được chính thức khánh thành ngày 22 tháng tám năm 1987. Tên giáo đoàn của chùa xuất phát từ hai trường phái Dakpo Kagyupa (để lại tên những đức Tilopa, Naropa, Marpa, Milaropa, Gampopa, một loạt các đức Karmapa...cho đến nay vị Karmapa 17 là Orgyen Trinley Dorjé) và Shangpa Kagyupa (khởi nguyên với đức Khyounpo Nèldjor). Đức Kyabdjé Kalou Rimpoché điều khiển chùa từ năm thành lập 1987 cho đến năm 1989, Ngài trở về quê nhà và tận thế trong tư thế định tâm sau ba ngày thiền định samadhi ở Sonada. Vị trù trì hiện nay của chùa là Lama Seunam, một đồ đệ của Ngài. Ngài còn cho xây dựng chùa Karmaling ở tỉnh Savoie. Năm 1987 trung tâm Kagyu Rintchen Tcheu Ling ở Montpellier trở thành một chùa phong cách hoàn toàn Hy Mã Lạp Sơn, được đức Kyabdjé Bokar Rinpoché, người thừa kế và đệ tử của Ngài, chính thức làm lễ thừa nhận ba năm sau. Giữa 1971 và 1989, Ngài đã đi giảng dạy giáo lý nhiều ở châu Mỹ và Bắc Âu, ở đâu Ngài cũng không quên gởi qua những vị lama để tiếp tục. Ngày nay ở Âu châu có một số tu sĩ đồ đệ của Ngài : Lama Gyourmé, Lama Sauman, Lama Sonam Tchering, Lama Karta, Lama Drubgyu, Lama Denys. Nói chung, Ngài đã thành lập khắp thế giới khoảng năm chục ngôi chùa, để lại cho hậu thế một gia tài tinh thần vô cùng lớn lao. Người thác sinh của Ngài, đức Yangsi Kalou Rimpoché, năm nay 20 tuổi, được chính thức thừa nhận từ năm 2 tuổi, thụ phong năm 3 tuổi, là vị Kalou Rimpoché thứ ba.
 

Bhavacakra
bánh xe thế luân
Namchou Wangden
mantra chính của Kalacakra

Chùa 1000 đức Phật góp phần vào cuộc truyền bá nền Phật giáo qua Tây phương. Cái lạ là chính hai trường phái Nhật Bản và Tây Tạng phức tạp nhất lại được phổ biến nhất. Người Mỹ với một triệu tín đồ đã nói đến một trường phái mới : Navayana (Tân thừa ?) tiếp theo Tiểu, Đại, Kim cương thừa. Người Pháp với một nửa triệu, thêm vào tín đồ các nước Đức, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha,...liệu rồi có lập thành một trường phái Âu châu không ?
 

Mandala
Kyabdjé Kalou Rimpoché
Mừng lễ Phật Đản 2558
Saint-Brisson, nhân lễ bát tuần Marèze
(*) Bhutan là một nước tí hon 47.000 km2, nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, kẹp mình giữa hai nước khổng lồ Trung Hoa và Ấn Độ, 700.000 dân, 35.000 ở thành thị, 75% Phật giáo, 25% Ấn Độ giáo, kinh đô Thimphu, 100.000 dân, chế độ quân chủ lập hiến. Trị vì hiện nay là Jigma, đức vua thế hệ 4 triều đại Wangchuk, hoạt động kinh tế : nông nghiệp, khai khẩn lâm sản, sản xuất điện nguồn gốc thủy động lực. Đặc biệt ở nước nầy, thay vì tính tổng sản lượng quốc gia PNB, người ra tính tổng hạnh phúc quốc gia BNB !

Tham khảo :

- Musée Guimet Paris 2010, Au pays du dragon - Arts sacrés du Bhoutan, Connaissance des Arts

- Philippe Cornu, Dictionnnaire encyclopédique du Bouddhisme, Seuil 2001