Chim Việt Cành Nam              [  Trở Về  ]          [ Trang chủ
Có phải
"Tây Sa thuộc Trung quốc từ đời Hán"?

Trần Thị Vĩnh Tường
06/06/2014

Đúng một tháng sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào cắm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Viêt Nam, đụng độ không chỉ trên biển Đông mà trên cả diễn đàn. Theo tin đài RFI ngày 02/06/2014 tác giả Trần Khánh Hồng, Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc, khẳng định là quần đảo Hoàng Sa, (người Hoa gọi Tây Sa) là thuộc chủ quyền Trung quốc từ đời nhà Hán và đến thập niên 1950, hai nhân vật của chính phủ Hà Nội là Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm năm 1956, và Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Tại sao người phương Bắc nhất quyết xâm lấn phương Nam?

Trong cuốn Ancient China in lần thứ sáu, giáo sư Eward H Schafer/đại học Berkeley nhấn mạnh sự giàu có của Đông Nam Á là lý do tại sao triều đại liên tiếp phương Bắc phải chiếm cho bằng được vùng cực nam xa xôi này. Hàng hóa phương Nam có nhiều món phương Bắc không có: hạt trai, ngà voi, trầm hương, sừng tê, gia vị, đồng, vàng, bạc sắt... Miến Điện đầy vàng và gỗ quý. Vịnh Bắc Việt là một bể ngọc trai. Xứ Lào cung cấp ngà voi sừng tê. Xứ Chăm thơm nức mùi trầm hương. Tiếp theo xứ Chăm là những miền đất giàu có trên vịnh Thái Lan và đảo Java. Từ Vân Nam đến Bắc Việt là một kho khoáng sản. Sự tham lam của phương Bắc đã kéo dài hàng ngàn năm, người Việt không thể coi thường.

Nhà Tần

Tần Thủy Hoàng chẳng biết mặt ngang mũi dọc miền đất phương Nam ra sao, cũng vươn tay "xí" liều, đặt tên ba vùng mới là Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Toàn Thư ghi rõ "theo sách Hoài Nam Tử (Nhà Tần) lại ham sừng tê, ngà voi, lông trả, ngọc châu và ngọc cơ của đất Việt, bèn sai úy Đồ Thư phát 50 vạn binh..." và "bắt dân ta xuống biển mò ngọc trai ". Của cải phương Nam lớn tới nỗi Tần Thuỷ Hoàng phát tới 500.000 người xuống "đất Việt" tức Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Việt và đặt Triệu Đà nhặt thuế cho thiên triều. Ai dè Triệu Đà chơi ngông cãi lệnh thiên tử, từ chối làm người nhà Tần, tự xưng làm vua nước Nam Việt trị vì từ năm 207-137TTL. Mộ Triệu Đà có sáu bộ ngà voi châu Phi và bình bạc Ba Tư chứng tỏ có giao thương với khối thương nhân người Hồ, nhưng không có nghĩa là Triệu Đà chèo thuyền đi buôn.

Nhà Hán

Nhà Hán tiếp theo nhà Tần. Hán là tên một con sông nhỏ ở tả ngạn sông Duơng Tử, gần bờ biển đông nam. Nông dân Lưu Bang người xứ Giang Tô, nước Ngô. Dân Ngô thuộc chủng Lạc Việt, thuộc Bách Việt. Chàng làm nghề coi tù, ưa phất phơ uống rượu. Lưu Bang lập nghiệp ở sông Hán nên lấy tên sông Hán cho triều đại. Nhà Hán kéo dài hơn 400 năm (206 TTL-220STL), người Hua xưng là người "Hán", là biểu tượng văn hóa, không phải chủng tộc

Nhà Hán bị khoá trong lục địa. Phía Đông Bắc là biển rất lạnh. Phía Bắc tràn lan toàn tuyết. Phía Tây Bắc là sa mạc núi non. Chỉ còn miền Nam sông Dương Tử, chìa khóa mở cho kinh tế Trung Hoa con đường thoát.

Đời Hán Vũ Đế, vua Hán thứ bẩy, sau gần 30 năm xuôi ngược ngoài biên thùy, Zhang Qian/Trương Khiên hoàn thành sứ mạng nối hai đế quốc Hán/La Mã. Con Đường Tơ Lụa thành hình với đoàn lữ hành mang hàng hoá trên lưng lạc đà xuôi ngược 7.000km sa mạc núi non, từ Tràng An đến bờ biển Caspien. Trên thực tế, Con Đường Tơ Lụa đứt đoạn bởi thiên nhiên, cướp bóc và quá nhiều thứ thuế từ hàng ngàn lãnh chúa địa phương, chưa kể hành trình xa xôi đi/về mất từ 6-8 năm mất luôn mạng sống. Phía Bắc luôn bị người Hung Nô tấn công. Nhà Hán chỉ còn cách hướng về phía Nam. Đó là lý do nhà Đông Hán cử lão tướng Mã Viện xuống đánh dẹp hai người đàn bà non trẻ là Hai Bà Trưng. Theo Toàn Thư: "Vua Hán bảo người tả hữu rằng "Dân Giao Chỉ hay làm loạn, chỉ nên ràng buộc mà thôi". "Ràng buộc" tức quan hệ rất lỏng lẻo. Nhà Hán chỉ đặt Sĩ Nhiếp làm thái thú, ngồi chơi thâu thuế và thâu cống phẩm từ các "nước" nhỏ xung quanh.

Lâm Ấp

Bờ biển Đông Nam Á chính là gạch nối hai khối Trung Hoa và Cận Đông-La Mã. Thế kỷ II, Giao Chỉ, Chămpa và Phù Nam là bến đậu trên hải lộ từ Ấn Độ tới Trung Hoa.

Sách Hán Thuỷ Kinh Chú chép "Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chữ "Tượng" chỉ gọi là Lâm Ấp". Cư dân nơi vương quốc nhỏ bé này coi vậy không ngán nhà Hán, hễ có dịp là tấn công nhà Hán đang chiếm đóng Nhật Nam, cai trị một cách lỏng lẻo. Lương Thư gọi dân ở Tượng Lâm là "bọn man di". Hậu duệ của "Man Di" chính là người Chămpa. Tiểu quốc Amaravati (Quảng Nam, Quảng Ngãi) từ đèo Hải Vân (Quảng Nam) xuống phía nam đến ráp Bình Định là vùng trọng điểm của văn minh Chăm ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Văn minh Hán không thế nào tới được Amavarati. Hòn đảo mà Việt Nam gọi Hoàng Sa, Trung quốc gọi là Tây Sa thuộc Tỉnh Quảng Nam.

Có di tích nhà Hán ở duyên hải?

Không hề có di tích nào của nhà Hán. Ngược lại di tích của người "Hồ" ở Trung Hoa còn đến ngày nay. Người Hồ là ai?

Người Hoa gọi người Ả Rập là Ta'shish và Ba Tư là Po'ssi, gọi chung tất cả là "người Hồ". Thế kỷ thứ 7, từ khi một số người Hồ theo tôn giáo Islam, thương mại càng vượt trội vì Islam chủ trương phát triển theo buôn bán. Một số thương nhân Hồ tới Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tô, Hàng Châu bằng đường biển. Mậu dịch hàng hải của ba triều đại, Đường-Nam Tống-Nguyên đều nằm trong tay khối thương nhân hàng hải người Hồ gồm người Huihu, Ả Rập, Ba Tư và Ấn Độ.

Đền Guangxiao ở Quảng Châu ban đầu do một tăng lữ Ấn Độ xây cất (317- 420), bây giờ là một thắng cảnh. Tại Quảng Châu, đền Huaisheng và ngọn hải đăng cao 35.75m được cho là xây năm 616, tương truyền bởi người chú ruột Sa`d ibn Abi Waqqas của tiên tri Muhammad từ Ethiopia đến Quảng Châu. Ngôi Đền được tặng danh hiệu Đền Chim Hạc cùng với Đền Chim Phượng ở Hàng Châu hiện nay là hai chốn tôn nghiêm và thắng cảnh lịch sử. Quảng Châu là một thành phố toàn người Hồ, 200.000 người Arab, Ba Tư, Ấn Độ, Phi Châu và Thổ Nhĩ Kỳ. Chính số thương nhân ngoại kiều này nắm trọn thương mại hàng hải Trung Hoa. Năm 878, Hoàng Sào tàn sát hơn 120.000 thương nhân Do Thái, Hồi Giáo, Ki-tô Giáo, Ba Tư. Mãi tới thời nhà Đường, người Hoa vẫn như con mèo nhát nước. Theo Jessica Hallet/đại học Oxford, hải lộ từ Vịnh Ba Tư đến bờ biển nam Trung Hoa vào đời Tống (960-1279) không hề ghi chép thương thuyền nhà Tống có mặt trên hải lộ này.

Buồm tam giác của khối thương nhân Hồ,
có tên gọi "Dư Vị Lãng Mạn Đông Phương"

Trong bài viết "A Ninth-Century Arab or Indian Shipwreck in Indonesia", có kèm hình ảnh của tàu đắm gần đảo Belingtun, Michael Flecker -ngành khảo cổ hải dương- viết "căn cứ vào cấu trúc của tàu đắm, đây là một tàu của Ả Rập hay Ấn Độ, dù hàng hoá trên tàu là đồ gốm nhà Đường làm ở lò Changsha, tỉnh Hồ Nam".

Sách vở không phải lúc nào cũng đáng tin nếu khộng có chứng cớ vững chắc. Trong thông tin tiếng Việt, đôi khi vài tường thuật viết "gốm Hán, gốm Thanh, gốm Minh..." tìm thấy nơi này nơi nọ dọc bờ biển bây giờ là VN, mà không hề khắt khe xem xét rằng ngoài xuất xứ/nguyên liệu/hoạ tiết còn phải kể tới cư dân/thời điểm, làm tại chỗ hay ở đâu mang tới... Bài học ở khắp mọi nơi mọi lúc là sự "chểnh mảng hồn nhiên" có thể di họa không ngờ.

Tây cũng không khá hơn Ta. Cuốn sách "1421, The Year China Discovered the World/Nãm 1421, Người Hoa khám phá thế giới", in nãm 2008, tác giả Gavin Menzies -sĩ quan hài quân Anh- cho rằng chính thuyền trưởng Trịnh Hoà đã ghé châu Mỹ trước Christopher Columbus nãm 1492. Nhà khảo cổ Geoff Wade của National University of Singapore đã phản bác mãnh liệt rằng đây chỉ là chuyện hoang đường. Chuyến hải hành chỉ là tưởng tượng nảy ra trong trí tác giả vì không có chứng cớ lịch sử và khảo cổ.

Trần Khánh Hồng có thể kể ra đền đài hay di tích khảo cổ nào mang dấu tích Hán suốt dọc duyên hải Giao Chỉ - Chămpa?

Không phải ngồi tại chỗ, đưa tay cắm cây tăm xí chỗ này chỗ kia là được.

---------------------------------------------

- Schafer, Edward H., Ancient China, NY 1967

- http://maritimeasia.ws/topic/1421bunkum.html

- http://en.wikipedia.org/wiki/Gavin_Menzies

- http://www.marionkaplan.com/idx_dhow.htm

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, NXB VHTT, Hà Nội 2004

- http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140602-tan-hoa-xa-tiep-tuc-cao-buoc-viet-nam-gay-cang-thang

- Nguyễn Đức Hiệp, "Lâm Ấp, Champa và Di Sản"
http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/champavadisan.htm

- Hallet, Jessica, Trade and Innovation: The Rise of a Pottery Industry in Abbasid Basra. Unpublished D.Phil thesis, University of Oxford, 1999.
http://islamicceramics.ashmolean.org/

- Flecker, Michael "A Ninth-Century Arab or Indian Shipwreck in Indonesia: The First Archaeological Evidence of Direct Trade with China"
 http://www.jstor.org/discover/10.2307/827926?uid=3739560&uid=2129&uid
=2&uid=70&uid=4&uid=3739256&sid=55920995843

- K.N. Chaudhuri, "Trade and Civilization in the Indian Ocean - An Economic History from the Rise of Islam to 1750" 
http://books.google.com/books?id=ByT1l36ZxGoC&pg=PA50&lpg=PA50&dq=
Kalah+Bar+in+indochina&source=bl&ots=HuIGIFL5kP&sig=Lw39SyZbkolVI7HIi8y0bb
AtFF8&hl=en&sa=X&ei=RNNoT__hA42GiQK4mZGJBw&ved=0CCsQ6AEwAg#v=
onepage&q=Kalah%20Bar%20in%20indochina&f=true