Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
-Cái gì thế này? là Matsuo, chồng Tsuneko. -Ngày bé tôi là không có nệm gì cả đấy. Chồng có ý muốn nói rằng chỉ là cái máy thôi mà xấc xược ngồi nệm cơ à. Suýt nữa là Tsuneko đã buột miệng đáp rằng" nếu không lót gì cả thì tiếng chuông điện thoại réo đinh tai nhức óc nghe thô lỗ lắm", xong may sao đã kịp giữ lời. Trước mặt chồng, Tsuneko vẫn phải tránh dùng những chữ "vô ý vô tứ" hay "thô lỗ". Mùa đông năm nay Tsuneko mới biết mình đã bị chứng buốt lạnh từ lưng trở xuống. Tsuneko vừa cười vừa chống chế với chồng rằng không biết có phải vì thế hay không, mà hễ nhìn chiếc điện thoại không lót gì cả, để trên bệ bằng nhựa trắng, thì cứ có cảm giác như là mông bị lạnh. Matsuo không buồn đôi co thêm, vừa lau lưng mới tắm xong bằng chiếc khăn lông, vừa đi vào phòng ngủ. Những giọt nước bắn ra từ chiếc lưng vẫn còn săn chắc, tuy Matsuo cũng đã sắp tới tuổi ngũ tuần. Thân thể có vẻ dầy dặn to lớn hơn trước. Khi còn trẻ thì đâu có được như thế. Hễ hai vợ chồng có chuyện đôi co, tuy chưa đến nỗi cãi vã, mà có vẻ đuối lý là chồng quay đi, giơ đôi vai còn gầy trơ xương, vùng vằng dậm bước đi nhanh vào phòng ngủ, chiếc lưng như muốn nói: -Thì đã sao? Những tối như vậy, từ chỗ nằm bên cạnh thể nào cũng có cánh tay thò sang. Chồng nóng nảy, chỉ muốn phân chia thắng bại ngay trước khi sang ngày hôm sau, mà phải dành phần thắng cho bằng được cơ. Bị đè xuống trong bóng tối, Tsuneko liên tưởng đến tấm bảng ghi kết quả các cuộc thi đấu đô vật đăng trên góc trang báo. Chồng chẳng nói chẳng rằng, thở hắt ra thật mạnh bên tai trái Tsuneko, rồi dùng cả sức nặng đè xuống. Chồng chỉ muốn ghi một dấu thắng, hình ngôi sao trắng, lên chỗ tên mình trên bảng ghi thắng bại ấy, rồi mới chịu ngủ. Thế nhưng bây giờ thì không còn như thế nữa. Chỉ không đầy năm phút sau đã nghe có tiếng ngáy vang. Hai mươi lăm năm qua rồi, theo năm tháng đôi vai của chồng ngày càng rộng hơn, những chuyện tỉ mỉ trong cuộc sống hàng ngày thì chồng cũng có ý kiến đấy, xong rốt cuộc rồi cũng làm theo ý Tsuneko cả thôi. Có tiếng nhạc quốc ca bài Kimi ga yo vang lên. Đó là tiếng nhạc từ chiếc máy truyền hình ở nhà hàng xóm. Không hiểu sao mà hình như họ phải nghe điệu nhạc này rồi mới tắt máy(*). Con
trai và con gái, còn học đại học, đang làm gì ở đâu, vẫn
chưa về đến nhà. Nghe tiếng điện thoại mà thấy đinh tai
nhức óc, phải lót nệm, chứng tỏ là Tsuneko thường hay phải
ở nhà một mình đợi mọi người về. Cả nhà bốn người
họp mặt đông đủ ngồi uống trà là khi không còn nghe tiếng
nhạc bài quốc ca từ nhà bên vọng sang.
Từ khi lót miếng nệm dưới điện thoại, Tsuneko nhận ra là, ở đâu đó trong đáy lòng mình có ý chờ đợi tiếng chuông điện thoại vang lên. Tiếng chuông điện thoại giờ đã trở thành những âm thanh êm dịu ấm cúng hẳn lên. Để thấy rõ có sự khác biệt đó phải có ai gọi điện thoại tới nhà, có thế mới vui. Hơn nữa dạo này mỗi lần điện thoại reo là lại có tin vui. Tin con trai lớn tìm được việc, tin chồng lên chức Trưởng phòng tài vụ, Tsuneko đều được nghe qua điện thoại. Khi đi chợ Tsuneko đã đánh rơi chiếc ví của mẹ để lại, nhưng sau đó được nhân viên siêu thị gọi đến báo cho biết đã tìm thấy, tuy ví đã bị rút hết ruột, cũng là những tiếng chuông êm ả. Tsuneko gọt vỏ khoai tây trong bếp. Khoai tây cũ từ vụ mùa năm ngoái đã nẩy mầm vài chỗ. Tsuneko vừa dùng mũi dao khoét những chỗ ấy đi, vừa nhớ lại lần đầu tiên mẹ dậy cho cách cầm dao. Khi đó đúng là cũng gọt khoai tây. -Mầm khoai tây có độc đấy. Tsuneko nhớ là hình như mẹ dậy rằng nếu ăn chung với bạc hà là chết đấy. Không biết cái lần đang ăn cơm cà ri với món crocket làm bằng khoai tây, thì chợt nhớ là buổi trưa khi ra đường đã ngậm kẹo bạc hà, đã lo đến tức cả ngực, là lúc mình mấy tuổi nhỉ. Chuông điện thoại reo vang trong phòng khách. Tsuneko lấy làm hài lòng với những âm thanh êm dịu ấy, vừa vui vẻ cất tiếng đáp lại, vừa hơi nhanh chân chạy đến nhấc điện thoại. Tsuneko vui vẻ xưng tên, thì nghe có tiếng một người đàn bà: -Dạ thưa, có phải bà nhà không ạ? Một giọng nói lần đầu tiên Tsuneko mới nghe. -Vâng, thưa ai đang gọi đấy ạ? Người bên kia đầu dây lặng thinh giây lát rồi đáp: -Tôi là chỗ quen biết với ông nhà. Đến lượt Tsuneko lặng thinh. Không lẽ là thế sao, và có lẽ là thế rồi. Hai ý nghĩ ấy cứ quay cuồng trong đầu như hai lằn vạch đỏ và xanh quấn vào nhau quanh thanh xoay tròn trên bảng hiệu của hiệu hớt tóc. Xin bà cho gặp, mà đừng cho ông nhà biết nhé. Hôm nay, bây giờ, bà có rỗi không ạ? Tsuneko nghe cứ như là chuyện người dưng. Ở đầu đằng kia của sợi dây điện thoại dài màu đen là bóng tối. Trong bóng tối ấy có một người đàn bà đang ngồi đấy. Tsuneko không thấy được mặt mũi hình dáng của người đàn bà ấy, nhưng người ấy cũng ngồi cầm điện thoại như Tsuneko. Tuổi tác có lẽ chỉ bằng nửa số tuổi của Tsuneko hay nhiều hơn một chút. Có vẻ như không phải là một người đàn bà bình thường, Tsuneko chợt thấy sợi chỉ đỏ rũ xuống ở bốn góc chiếc nệm nhỏ lót dưới điện thoại, mà Tsuneko đang quấn vào mấy ngón tay ở không chẳng biết làm gì của mình, đã đổi dần sang màu đen đục. Mới chưa đầy một tháng mà sao đã thành màu kinh tởm thế này. Tsuneko đã hẹn gặp người đàn bà ấy ở phòng lễ tân của khách sạn vào buổi chiều. -Nhưng tôi không biết mặt ... Tsuneko mới nói nửa chừng, người đàn bà ấy đã khẽ cười bảo " Dạ, tôi thì biết bà ạ". Tại sao người đàn bà ấy lại biết mình. Chồng đã đưa cho người đàn bà này xem ảnh cả gia đình hay sao nhỉ. Tsuneko thấy mồ hôi rịn ra dưới nách. Cuối cùng khi hỏi tên người đàn bà kia, Tsuneko lại lặng người đi thêm một lần nữa. Là vì Tsuneko nghe thấy cô ta xưng tên cũng là Tsuneko. Tsuneko vừa mới nghĩ "Chồng đã đi lại với người đàn bà cùng tên với mình", nhưng ngay sau đó mới biết rằng mình đã nghe nhầm. Người đàn bà tên là Tsuwako, đã giải thích cặn kẽ thêm với Tsuneko rằng: -Tsuwa là chữ Tsuwa như tên hoa Tsuwabuki đấy ạ. -Có phải là viết chữ thạch với chữ lộ không ạ ? -Thưa không ạ, chỉ viết bằng chữ hiragana là tsuwa thôi ạ. Cắt điện thoại rồi, Tsuneko còn ngồi yên bất động hồi lâu. Chỗ tay cầm của chiếc điện thoại mầu đen có in vết ngón tay Tsuneko có dính tinh bột khoai tây. Thế
rồi, Tsuneko bỗng thấy buồn cười quá, cười gập cả người
lại. Là vì Tsuneko chợt nhận ra rằng tên của người đàn
bà là tên của một loài hoa.
Trước khi cưới, hầu như Matsuo không biết gì về tên hoa. Hoa anh đào, hoa cúc với hoa huệ. Matsuo chỉ biết được có ngần ấy thôi. Hỏi kỹ ra thì ngay cả ba loại hoa này, Matsuo cũng lơ mơ nốt. -Hoa anh đào thì anh tự tin lắm. Vì đó là huy hiệu trường trung học của anh. Matsuo tỏ ra rất tự tin, nên Tsuneko mới hỏi xem Matsuo có biết hoa anh đào với hoa mơ khác nhau thế nào, thì Matsuo liền tỏ ra lúng túng. Về đến nhà, Tsuneko đã thở dài, nghĩ thầm: -Hay là thôi đừng nhận lời... Tsuneko mới vừa đến tuổi đôi mươi, mà từ nay suốt cả cuộc đời dài dằng dặc sẽ phải sống với một người đàn ông chẳng mấy muốn biết hoa nào nở hoa nào tàn, thì thật là buồn chán. Chứ có phải chỉ là chuyện tên hoa mà thôi đâu. Thế nhưng, mẹ Tsuneko bỗng tỏ ra hăm hở với đám này. Vì mẹ bảo đàn ông như thế mà vợ lại hạnh phúc. -Cứ trông bố con mà xem. Bố Tsuneko ấy à, nói cho hay thì đó là người có nhiều sở thích, mà nói cho đúng thì cũng có phần nào là người "biết lắm chỉ khổ nhiều". Hễ ai cho con cá là bố đích thân làm cá, cắt miếng cá sống làm món sashimi rất ngon. Thắt sợi kim nhũ ngân nhũ hàng mã thì bố còn khéo tay hơn mẹ nhiều. Bố biết rõ cả về áo kimono của đàn bà, biết chọn mẫu hoa sao cho đẹp để may kimono. Vì thế chắc là bố cũng giỏi nịnh đầm. Bố làm công chức nhưng đường hoạn lộ không khá, thế nhưng về cái khoản đào hoa bay bướm thì cũng có ít nhiều, tuy rằng Tsuneko không biết thôi. Trong lần gặp nhau sau đó -cũng là do Tsuneko bị mẹ hối thúc-, Matsuo đã nói như lẩm bẩm một mình rằng: -Tôi là người khiếm khuyết. Tsuneko ngửng lên nhìn người đàn ông cao lớn đứng bên cạnh cao hơn mình cả một cái đầu. Từ bé chỉ biết nghe lời cha mẹ lo học để đứng nhất, để vào được trường danh tiếng. Trong đầu chỉ có toán và lý luận kinh tế học. Chỉ biết nhìn thẳng trước mặt mải miết hăm hở tiến tới. -Sau khi cưới rồi, em cứ đi học cắm hoa. Hãy dạy cho anh biết về hoa . Suýt nữa là Tsuneko đã ngả vào người Matsuo. Con gái mà làm thế thì sẽ bị chê cười nên Tsuneko gượng lại, thì bàn tay cứng như thép của Matsuo đã nắm chặt lấy tay Tsuneko. Nếu anh muốn học thì em sẽ dậy cho. Cả tên hoa, cả tên cá, cả tên rau nữa. Matsuo đã giữ đúng lời hứa. Vừa đi tuần trăng mật về, Matsuo liền để Tsuneko đi học với bà thầy dậy cắm hoa ở gần nhà. Mỗi tuần một lần cứ đến ngày Tsuneko đi học, Matsuo đi thẳng một mạch về nhà không ghé vào đâu cả. Cơm nước xong xuôi, Matsuo liền bảo Tsuneko cắm hoa theo bài học hôm ấy ngay trước mắt mình, và chăm chú theo dõi bằng con mắt của sinh viên nội trú đang quan sát một cuộc giải phẫu. -Đấy là hoa gì? Matsuo hỏi đi hỏi lại rất kỹ. Buổi tối hôm có buổi học cắm hoa, bao giờ Matsuo cũng ôm Tsuneko rất nồng nàn. Khi mới cưới Tsuneko không để ý, nhưng được năm năm sau, tình cờ có dịp đọc được sổ tay của chồng, Tsuneko mới biết rằng những hôm ấy, Matsuo đã ghi vào sổ tay tên các loại hoa đã học được từ Tsuneko, như thế này: Tháng 3 ngày ... Hoa thủy tiên loa kèn (màu vàng) Hoa mơ trân châu (màu trắng) Hơn nữa, ở cuối sổ tay ngày hôm ấy có đánh dấu tròn, ở giữa là chữ "Hành sự". Tsuneko lần giở xem những ngày tháng trước đó, thì thấy hình như chỗ nào cũng đều có đánh dấu đúng vào những ngày như thế cả. Cũng đúng vào khoảng thời gian ấy. Một hôm nửa đêm chồng về đến nhà rất cao hứng, vui vẻ. Chồng kể rằng đã được cấp trên mời đến nhà, ngay cửa vào có bình hoa của bà vợ có cắm các loại hoa đặc biệt chỉ có những người chuyên môn về cắm hoa mới biết, thì trong đám nhân viên cấp dưới hôm ấy chỉ có mỗi Matsuo là nói được đúng tên hoa. Chồng kể đi kể lại mãi là đã được vợ chồng cấp trên khen " Giỏi thật, không ngờ ! ", rồi chồng chống hai tay xuống nền chiếu bảo Tsuneko: -Cũng là nhờ mình cả đấy. Lần đầu tiên Tsuneko thấy chồng mừng rơn vì được lòng cấp trên, trong lòng không khỏi hơi thất vọng, vì không ngờ con người này cũng có mặt phàm tục như thế. Xong khi nghe chồng nói: -Nhờ mình mà tôi mới thực sự được sống ra người. thì không phải là không vui. Và Tsuneko cũng đã có tâm trạng chờ đợi cử chỉ nồng nàn của chồng sau khi đã tắt đèn. Không biết có phải vì tối hôm ấy hay không, sau đó Tsuneko đã bị xẩy thai. Nếu thai nhi ra đời thì đó là đứa con thứ ba. Cũng từ đó, thói quen đền trả công vợ đã chỉ bảo cho mình những chuyện tỉ mỉ hàng ngày, tự nhiên ngày một thưa dần. Matsuo vốn là người rất mực thước về nguyên tắc, thời gian, nên hẳn đã lấy làm ân hận vì chuyện vợ bị xẩy thai. Vả lại, cũng không còn cần phải nhờ vợ dậy bảo cho điều gì nữa. Cá suzuki khác cá đối nục ra sao, cá thu với cá ngừ mùi vị khác nhau thế nào. Rau nào là rau bó xôi, rau cải, rau mitsuba hay rau cần. Matsuo đã có thể phân biệt được những thứ này rồi. Nói về giống khuyển thì không chỉ là một loại động vật gọi là chó, mà còn phân biệt chó nào là chó vùng Akita, chó vùng Tosa, hay chó Shiba, chó nào là chó bẹc giê, hay chó Great Dane. Nhưng thói quen quả là điều đáng sợ, Tsuneko thành ra hay lên giọng kẻ cả bắt chồng phải ôn lại những điều mình đã dậy. Và Matsuo cũng thế, tuy bảo vợ là "Lắm lời", "Biết rồi!", xong vẫn chịu khó đáp: -Trông giống con chồn thì đó là mèo xiêm, còn giống cáo thì đó là mèo Ba Tư. Matsuo còn đang nói,Tsuneko đã ngắt lời : -Ngược rồi ạ! Về những chi tiết tỉ mỉ thì Tsuneko vẫn là tay trên một bậc. Chỉ có mỗi một điều vẫn như hai mươi lăm năm trước, đó là nếu Tsuneko không nói gì thì Matsuo còn mặc mãi những bộ quần áo mùa đông, để rồi mồ hôi mồ kê ra nhễ nhại. Matsuo vừa mặc chiếc quần áo lót mà Tsuneko đã sắp sẵn, vừa nói : -Anh chẳng biết gì về màu sắc. Matsuo thắt cà vạt mà Tsuneko đã chọn sẵn cho, nhất nhất làm theo lời Tsuneko về cách thức xã giao vào những dịp quan hôn tang tế, hay cách nói khi nhân viên cấp dưới nhờ làm người mai mối trong tiệc cưới. Ngoài việc bị con gái trêu là " Dở về những chuyện thực tế ", chắc hẳn Matsuo cũng là một người cha như mọi người cha khác trên đời. Làm việc giỏi giang, lên chức cũng nhanh hơn người, nhưng người vốn đã chân chỉ hạt bột, tên lại cứng nhắc, nên Tsuneko đã nghĩ rằng riêng về cái khoản nguyệt hoa thì chắc là không phải lo gì. Thế mà hoá ra lại có mèo. Cô ta tên một loài hoa. Chắc hẳn chồng đã để ý đến cô ta là vì cái tên. -Thật không uổng công mình dậy dỗ. Tsuneko lẩm bẩm rồi cười phá lên. Cố rặn ra tiếng cười gượng. Con gái quay về nhà lấy chiếc vợt thể thao, hỏi : -Mẹ làm sao thế? Nhưng không phải là chuyện có thể kể cho con gái nghe được. Trước khi đi đến chỗ hẹn với người đàn bà ấy, Tsuneko không còn đủ thì giờ đi ra hiệu làm tóc, nhưng vẫn còn thư thả để gọt vỏ nốt chỗ khoai tây. Có
độc, ăn vào là chết đấy, Tsuneko làm theo lời mẹ dặn
ngày xưa, khoét thật sâu chỗ mầm màu hồng, chỗ khoét lớn
đến nỗi chính Tsuneko cũng không ngờ.
Người đàn bà xưng tên là Tsuwako khoảng chừng trên ba mươi tuổi, có vẻ là chủ quán rượu hạng trung. Trang phục lẫn son phấn nhã nhặn, trông nền nã, phong cách không đến nỗi tệ. Có con với nhau rồi, hay là muốn vòi tiền đây, hoặc còn có vấn đề gì trầm trọng hơn nữa không biết. Trên đường đi tới chỗ hẹn, Tsuneko đã bới óc nghĩ ngợi đủ điều, nhưng không đoán ra được là điều gì, đành gồng mình thủ thế, thôi thì cứ chờ địch ra quân rồi sẽ giáp chiến vậy; nên khi biết những điều mình phỏng đoán trước đều không đúng cả, thì như sợi dây căng bị chùng xuống. -Có việc gì ạ? Tsuneko hỏi, thì người phụ nữ kia mân mê quai tách cà phê rồi nói: -Tôi chỉ muốn bà biết cho là ông nhà có một người như thế này ạ. Cô ta chỉ nói thế, rồi quay ra ngắm thác nước trong vườn của khách sạn. Cứ làm thinh mãi thì cũng chẳng ngã ngũ ra làm sao, Tsuneko bèn kể, nào là về chuyện năm ngoái đã kỷ niệm 25 năm ngày cưới, chuyện có con lớn sắp đi làm và sắp lập gia đình, rằng tuy không biết chồng giao du với ai ở ngoài đường, nhưng mình quan niệm chuyện ở ngoài đường không có liên quan gì đến chuyện trong nhà. Tsuwako vẫn chẳng nói một lời nào. Tsuneko lại nói : -Tên Tsuwako của cô cũng lạ nhỉ. Chắc là chồng tôi đã nói ngay rằng tên cô lấy từ tên hoa tsuwabuki, phải không? Nếu người kia đáp vâng ạ, Tsuneko định bụng sẽ kể chuyện ngày xưa. Tên hoa là do tôi đã dậy cho chồng đấy. Thế nhưng không phải thế. -Dạ không có liên quan gì đâu ạ. Tsuwako từ tốn đáp. -À nói thế mới nhớ, ông nhà về sau có hỏi rằng, có phải là mẹ tôi đã bị ốm nghén nặng hay không? Tsuwako cười với nét mặt dễ có thiện cảm. -Làm gì có cha mẹ nào lại đặt cho con tên nghĩa là " ốm nghén " phải không ạ! Tsuwako còn kể thêm một chuyện thật bất ngờ. Đó là ở quán rượu, chồng đã gọi Tsuneko là "Bà thầy ở nhà tôi" -Bà thầy ở nhà tôi à.. -Ông nhà bảo là cái gì bà cũng biết. Tôi thì khác hẳn ạ. Tôi ngốc có tiếng đấy ạ. Bấy giờ Tsuneko mới để ý thấy chiếc áo kimono mà cô ta đang mặc hơi xộc xệch. Cách nói chuyện, cách cầm thìa khuấy cũng chậm chạp. Cũng có thể nghĩ là cô ta hơi đần độn, nhưng biết đâu cô ta đang đóng kịch cũng không chừng. Tsuneko chợt nghĩ nếu vậy thì đây mới thực là hạng đàn bà ghê gớm đáng sợ. Tưởng là cái gì mình cũng biết, mà rốt cuộc chẳng biết gì cả, Tsuneko chia trả tiền cà phê với Tsuwako, rồi ra về. Tối hôm ấy cả chồng lẫn con đều về muộn. Tsuneko ngồi một mình trong phòng khách mà lòng dạ bồn chồn như nước sôi lửa bỏng. . Ai đã nói " Tôi là người khiếm khuyết ", ai đã chống tay xuống chiếu bảo "Hãy dậy cho anh biết ", " Cũng là nhờ mình cả đấy ". Những điều ấy nghĩa là thế nào? Những cái dấu ghi trong sổ nhật ký của chồng đã gói ghém những tình cảm ra sao? Chồng về đến nhà, vẻ mặt vẫn như mọi khi. Tsuneko cố nuốt vào lòng những lời hằn học: - Mình có biết hoa tsuwabuki không?Chồng còn nồng nặc hơi rượu, miễn cưỡng trả lời: -Tsuwabuki à ? Hoa màu vàng chứ gì. -Mình có biết ai tên Tsuwako không ? Chồng đáp như thể làm cho Tsuneko không hỏi được nữa: -Dạo này không còn thấy giống hoa ấy nữa nhỉ. Tsuneko nói với theo lưng của chồng đang đi vào phòng ngủ: -Có điện thoại của cô ta đấy. Thế là thế nào ... Bị truy kich, chồng đứng dừng lại, đáp. -Chuyện đã qua rồi. Đoạn cứ thế đi vào phòng ngủ. Thân hình của chồng trông càng vạm vỡ to lớn thêm lên. Cái lưng ấy như thể đang nói: -Thì
đã sao ?
Dậy cho chồng biết tên hoa, nghĩ rằng mình đã giúp chồng mà đắc chí, chỉ là tự cao tự đại. Cây con ngày trước quả là từng được tay ai chăm bón, giờ đã thành cây đại thụ tự lúc nào không biết. Tên hoa ư. Thì đã sao ? Tên đàn bà ư. Thì đã sao? Chiếc lưng của chồng đang nói thế. Hai mươi lăm năm trôi qua, thước đo của đàn bà vẫn thế chẳng đổi thay, nhưng của đàn ông nay đã có những khấc dài rộng hơn xưa. Bài
Kimi ga yo từ chiếc máy truyền hình nhà bên lại vọng sang.
Nguyên
tác: Hana no namae(1980), Mukoda Kuniko(1929-1981)
Quỳnh Chi dịch( 1994~31/5/2014) Chú
thích:
(*)
Chương trình truyền hình của đài quốc gia Nhật Bản trước
đây bắt đầu vào sáng sớm và kết thúc vào nửa đêm với
điệu nhạc quốc ca Kimi ga yo
|
|