Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ
Mã nhật tượng điền xe liền pháo cách
***
Phí Ngọc Hùng

          Chuyện nghe kể đã lâu, nhớ được bao nhiêu viết bấy nhiêu, vậy mà phải nhai văn nhá chữ từng câu, từng chữ. Không phải vì đằng sau hai chữ Kỳ vương đầy rẫy những huyền thọai, cũng chẳng phải là bạn cũ trường xưa, chết vì cái tên tục tôi gán ghép cho nó. Chả là bấy lâu nay tôi ôm đồm một mớ chữ nghĩa với triết lý củ khoai này nọ, thảng như một lúc nào đó lỡ có hụt hẫng dẵm phải lỗ chân trâu, như thua một ván cờ, rồi xóa bài làm lại. Như thể đang trói chân kỳ ký tra vào rọthì đủng đoảng thế nào chẳng biết nữa, một ngày vấp phải hòn đá bên đường, để rẽ qua một khúc quanh khác, để trở một con người khác.

          Ây cũng là chuyện của thằng bạn tôi…Hay bất cứ ai.

          Nói về thằng này thì chẳng có quái gì để mà nói, chỉ tòan những chuyện cũ rích đến chán phèo của năm này tháng nọ. Thế nhưng đã mang lên giấy trắng mực đen, mà chuyện nào chẳng có chút thêm bớt, bỗng thấy nó có một khuôn mặt xa lạ và chẳng giống ai. Thôi thì lọt sàng xuống nia, sau này rảnh rang có đọc lại mấy hàng viết về một thằng bạn cũ thì cũng miên man với một thóang vu vơ nào đó: Ừ thì nó đấy, cùng một cái họ một cái tên.
 
 

***

          Dạo ấy nghe danh kỳ vương của nó vang vọng tứ phương tám hướng từ cái xứ chó ăn đá gà ăn muối, tôi cũng có một chút hãnh diện còm là có thằng bạn chết tiệt cũng danh trấn giang hồ như ai. Thực tình mà nói tôi không ngạc nhiên lắm, vì bất cứ chuyện gì cũng có thể sẩy ra dưới ánh sáng mặt trời, nhất là lại với nó. Hơn thế nữa, những ngày mới lớn, tôi đã từng thấy nó nhiều bận nhấp nhổm chầu rìa xem mấy bạn của ông cậu nó lách cách với mấy con cờ. Mỗi lần vậy tôi lại nhìn cái bản mặt cứ thộn ra, lỗ chỗ những vết chấm bằng đầu mắt muỗi như "mặt bằng" Khe Sanh bị B52 trải thảm. Số là nhà hai thằng tôi nằm trên con phố Trần Bình Trọng nên nhiều bận tôi còn bắt gặp nó ngồi chồm hổm bên vỉa hè, ngớ ra xem cờ thế của mấy bác đạp xe xích lô ở ngay đầu Chợ Quán. Ấy vậy mà khi họ gài được nhau một thế cờ cao thâm bí hiểm, mấy tay hảo hán quần đùi áo thung hô hóan vang trời dậy đất những tên đầy nho phong sĩ khí. Thì mặt nó lại láo ngáo trông thấy, thấy tội nghiệp cho thằng con gì đâu.
 
 

          Nhưng cái mà tôi ngạc nhiên là những mẩu chuyện được nghe kể mới đây, như năm nào nghỉ phép cũng vù qua Tân Gia Ba, Hồng Kông để đánh độ kiếm chút cháo bào ngư. Độ nào độ nấy cũng bạc trăm bạc ngàn, nghe cũng dễ nể chứ đâu có bỡn. Vì vậy tôi lại càng háo hức muốn gặp lại nó để hỏi cho ra nhẽ. Mãi đến khi nghe tin nó sẽ có mặt ở thành phố Cựu Kim Sơn, trong một trận thư hùng với một danh thủ từ bên Trung Hoa Lục Địa sang. Gặp lại, chả hiểu nó muốn hù họa gì tôi không mà tha hương ngộ cố tri. Nó đi một đường diễn xuất với qua dáng dấp khật khừng cùng nụ cười khinh bạc của một anh hùng ngã ngựa, lâu lâu lại nhún vai một cái ra cái điều ta đây…sinh lầm thế kỷ. Thế nhưng bắt trúng tần số thì bốc vung tít mẹt, nhưng đầy hào hùng, hào khí, trước sau gì nó cũng chỉ có một đề tài là quy tụ anh em cùng một chí hướng. Nói trộm sau lưng nó, nghe một lần cũng xuôi tai mát con mắt, nhưng nhấm nhẳng hai ba phùa thật tình cũng có đôi chút ngán ngẩm. Lạy Chúa tôi, vì đến giờ này nó vẫn còn hào hứng kể chuyện ông cụ nó cùng Nhất Linh, Hòang Đạo khăn gói gió đưa vượt biên giới qua Tàu. Nhưng trong bụng dạ tôi cũng phải thầm phục là đến cái tuổi này vẫn còn nhiệt tình, nhiệt tâm đội đá vá trời với…chuyện nước non ngàn dặm ra đi.
 
 

          Rồi nó dẫn dắt tôi về rừng núi sình lầy, leo giây tử thần, băng rừng lội suối để gặp lại bạn cũ cùng những khuôn mặt, những bóng dáng ở sân trường ngày nào. Thằng thì mới đâu đây, mặt mũi non chọet, vậy mà khi Cọp ba đầu rằn dẫn lính xuống núi cũng một thời ngang dọc, ngang tàng khí phách như ai. Thằng thì củ mỉ cù mì, khóac chiến bào cũng chỉ vì mầu áo hoa rừng. Nhưng khi nhập thế sự thăng trầm quân mạc vấn cũng uống rượu chửi thề tới bến. Với nó cũng chỉ có vậy, không ngòai những ký ức ngắn dài với thằng này thằng kia. Với dáng ngồi lom khom, nó như con hổ nhớ rừng…Thế nhưng tuyệt nhiên nó không luận gì về cờ tướng, hay nó là thằng mục hạ vô nhân nên coi thường tôi, ra quân xách xe xuống núi là hết…đất, đi năm phút lại trở về chốn cũ. Biết vậy nên tôi thủ kín như bưng, có nghĩa là tôi đang âm thầm đánh cờ, đấu trí với nó. Tôi đang đợi nó bật mí, bình rượu để lâu, ngọt hay chua cũng tùy. Lại nữa, nó chỉ là người chứ có phải là thánh đâu, cũng tham sân si như ai nên nó từ Úc bay sang đây làm một trận sống mái để kiếm chút danh còm.
 
 

***

          Đối thủ của nó là một lão Tầu già, đầu tóc bạc phơ như vua cờ Đế Thích trong tranh vẽ, tay cầm quạt phất phơ, như Nam Tào, Bắc Đẩu rời chốn tiên cảnh bồng lai để cứu nhân độ thế, chầu rìa điếu đóm mà thiếu rượu thì đừng có hòng, thiên cơ bất khả lậu là cái cẳng. Thế nên nước cờ của người cõi trên có khác, qua góp nhặt cóc nhái của tôi thì an nhiên tự tại, đi những nước cờ khóang đạt và thanh thản như nước chẩy mây trôi. Lão dàn binh bố trận ở thế thủ, nhưng lóang một cái chuyển thành thế công, kỳ bí khôn lường. Trong khi nó như Lưu Linh, ra quân ngất ngưởng, quơ cào chụp con tốt, vồ con mã, chân nam đá chân xiêu ở cái thế ỉ dốc, ào ào như thác đổ. Ấy vậy mà lớ quớ thế nào mất bu nó cặp xe, nhưng vẫn còn cặp pháo. Đang bình tài, bất phân thắng bại bỗng dưng nó buông một tiếng “Thua” trời ơi đất hỡi, cúi đầu chào lão Tầu già, phong cách khiêm cung thấy rõ.
 
 

          Tôi lầu bầu rủa thầm rằng vô chi bất mộ, tài cán gì thằng quái này, trong đám mù thằng chột làm vua chỉ được nước nổ bậy là không ai bằng! Chưa hết, đợi lão đứng dậy, nó đi theo nhỏ to với lão dăm câu gì đó. Một già, một trẻ thì thào cả một lúc lâu. Lạ một nhẽ lão với nó như tương đắc, tương bần, như quen biết từ thuở tám hoánh nào rồi. Hóa ra không phải là lão Tầu, mà chính nó mới là thằng…kỳ bí. Vừa ra khỏi cửa tôi chộp nó hỏi ngay cớ sự gì mà lạ quá thể vậy? Nó lẳng lặng mồi điếu thuốc lá, thở ra khói và buông thõng một câu khiến tôi chới với lộn thừng lộn chảo:

          - Tao đánh để…thua.

          Bá ngọ nó chứ, đến nước này tôi đành lắc đầu chịu thua và rủ nó ghé quán vắng ven biển để nói chuyện phải quấy với thằng khó chơi này. Trên đường đi, trong đầu tôi cứ lấn cấn là hình như nó cũng biết tiếng Tiều, tiếng Hẹ thì phải? Vừa đặt đít ngồi xuống chưa nóng chỗ, không “oong-đơ” gì sất, tôi bập ngay tức thì:

          - Kể đi mày, thằng ma gà.
 
 

          Nheo mắt nhìn tôi cười tủm, không trả lời ngay, nó bình thản gọi hai con cua đá khá nặng kí, một chai vang khá bộn tiền. Tôi bụng bảo dạ: Ông giời đi vắng thằng này chơi ngon. Rồi động não động tình: Nếu thằng này mà thắng lão vua cờ Đế Thích thì còn…ngon lành hơn nữa. Sau đấy, nó sụt sùi một nắng hai mưa:

          Mày thừa biết tao làm quen cờ tướng từ nhỏ, lõm bõm vài chữ như mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách này kia. Sau đi đâu ông cậu tao cũng dắt theo, nhưng cũng để cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng tao có cái khiếu trời cho hay sao ấy, là nhẩm chừng đóan đường đi nước bước của từng người, rồi nó nhập tâm lúc nào không hay. Lớn lên trận mạc nhiều, tao vỡ bọng cứt hơn một chút, nhưng cũng chỉ tính nhẩm được ba bốn nước là cùng. Như ra con xe, nhích con pháo, lên con mã, đẩy con chốt, vẫn thuộc lọai cờ ngòai bài trong. Giống như tầm sư để học bí kíp võ công trong Kim Dung, một chiều lạng quạng rơi cái bịch xuống hang động tối om om, mới gặp kỳ nhân dị tướng, râu tóc dài quá rốn. Tao cũng vậy, vào đến trại cải tạo…

          Nghe nó đi học tập mà tướng tá to khỏe như trâu, tôi bèn ngứa miệng:

          - Mày nằm ấp mấy năm.

          - Tiên nhân cha chúng nó, trên mười niên có lẻ.

          Tôi lấy làm lạ vì nó chỉ là đại úy Biệt Động Quân, sau bị thương, biệt phái qua huấn luyện làm cán bộ, suốt ngày lấy ắc ê một, hai, ba, bốn làm vui. Bạn bè tôi thường thì dấm dúi vài năm, tôi hỏi làm gì mà nằm bờ ở bụi lâu dữ thần vậy! Hay bịa chăng?.

          Nó thản nhiên trả lời như chợ chiều vắng khách:

          - Tao theo chân bố tao: VNQDĐ.
 
 

***

          Cũng qua lời bạn bè, lúc này tôi biết lờ mờ là nó đang tiếp nối con đường những người thân của nó cùng với mộng lớn mộng con, thế nên tôi chẳng lấy làm lạ chút nào với câu trả lời ấy.

          Nhấp chút rượu, nó cười buồn:

          Sa cơ lỡ vận, sầu đời nên tao dẹp ba cái chuyện ruồi bu điều binh khiển tướng. Cho đến ngày tao gặo ông Thầy tao…Bố già tao đấy. Bố cũng mũ ni che tai, nên bố già không bon chen để mua miếng đỉnh chung. Câu kinh nhật tụng của bố với cờ quạt là kiêng sát sinh, không muốn cắt cổ gà thêm nữa. Bố rung đùi, kỳ nhân, kỳ tướng gì ở cái nơi đèo heo hút gió này, nếu có phải đụng trận, thì nên chơi cờ bằng cái tâm,

          Một tối, bố già kể cho tao nghe một công án thiền như thế này đây, nghe khiếp không mày:

          "…Có một kiếm sĩ trẻ tuổi nọ, đường gươm, quân cờ trùm thiên hạ, rút kiếm ra là phải có máu, đi ba nước cờ là có kẻ ôm hận. Một ngày kiếm sĩ gác bỏ chuyện đời, tới thiền viện để xin xuống tóc. Buổi hội ngộ ban sơ, Thiền sư muốn đánh một ván cờ dọ dẫm với chàng trẻ tuổi. Chàng lắc đầu, Thiền sư bèn đuổi ra. Hôm sau trở lại xin thụ giáo nữa, Thiền sư lại giở bàn cờ, chàng lẳng lặng bỏ về. Lần thứ ba, mới bước vào thấy người chưởng môn cũng cỡ tuổi chàng, đang ngồi bên bàn cờ đã bầy sẵn. Thiền sư lấy bộ gươm trên kệ án, nói hai người hãy đánh cờ với nhau, nếu ai thua sẽ tự xử lấy.

          Chàng hiểu ra vị Thiền sư xưa kia là kiếm sĩ. Trong kiếm đạo, đã từng là sát thủ. Đã rút kiếm ra khỏi vỏ, là phải có máu.
 
 

          Sau hai ba thế, chàng thấy người chưởng môn có nước cờ khóang đạt, không váng vất chút mê mờ tham vọng và nụ cười vô ưu. Trong khi kiếm sĩ càng cố nhắm mắt thiền định thì những vọng tưởng của cái kiếp nhân sinh u mê lại hiện đến với tạp ý khi phất phơ như gió nhẹ, khi khởi động như đám mây giông. Với người chưởng môn thì trận cờ sống chết xem như phù du, chàng như hiệp sĩ mù nghe gió kiếm, đẩy xe kéo pháo ùn ùn nổ tung như sấm dậy, mịt mờ gió mây. Những thế cờ kim cổ ghi trong sử sách như Kỳ diệu thư, Tượng kỳ bí sử, Mai hoa phổ là những ghềnh sâu, vực thẳm, dẫn dụ địch thủ vào tử địa của trận đồ. Vẻ bình lặng trên bàn cờ chỉ là ảnh ảo để che mắt sóng gió khi ẩn khi hiện, chàng không thể đánh trong hư không bằng cái nhỏ mọn của thế tục, không thể thắng tĩnh lặng bằng những ồn ào của thế nhân. Chàng chợt nghĩ đến mình, ngựa quen đường cũ, đang trở về với mê lộ. Cái bản ngã không chịu giam mình trong cái vỏ hạn hẹp, đang muốn vươn lên với hơn thua. Chàng có thể thắng ván cờ này, nhưng không thể thắng cái tâm không vướng bụi trần ai của người chưởng môn nên chàng âm thầm tự phá xe, chôn pháo và chàng thản nhiên cúi đầu xin…thua.
 
 

          Cùng lúc ấy, chàng nghe tiếng rút kiếm nhanh như chớp, rồi xọet xọet, đường gươm lướt qua đầu, tóc chàng rơi lả tả xuống bàn cờ cùng âm vọng của Thiền sư:

          - Con đã ngộ…"
 
 

          Nghe…ngộ thật, cờ tướng không ngòai bắt xe, nhốt pháo là hết đất, chung cuộc dí thằng tướng là hết chuyện. Thằng của nợ này còn bày đặt nhồi nhét tí thiền quán, thiền tính vào đây làm gì không biết nữa, lòng vòng quá thể. Tôi bèn lôi nó về thực tại:

          - Kể chuyện ông Thầy của mày đi, nghe đã hơn.

          Nó chép miệng:

          "Ừ thì kể! Bố già dậy tao cuộc cờ là cuộc sống giữa những con người chấp ngã. Người chơi cờ sát phạt ăn thua nhau là kỳ sĩ. Chơi cờ như điều binh khiển tướng là kỳ thủ. Chơi cờ như một sự thể hiện cái tâm rỗng lặng, cái nhìn phiêu dật, cái chí an nhiên của mình là…kỳ vương. Tao nghĩ thầm, cầm kỳ thi tửu vốn là cái thú tiêu khiển thanh lịch của hàng tao nhân mặc khách xưa nay, chứ có phải hầu cờ với các bậc chân nhân kỳ tướng đâu mà ông Thầy tao bầy vẽ lỉnh kỉnh quá thể như thế?

          Buồn tình tao cũng nhấm nháp với bố già dăm quả. Bố già chê tao: Mày xử dụng xe pháo mã, cọc cạch như đàn bà con gái đánh tam cúc ấy. Bố mắng tao như đĩ: Mày đánh cờ như…cứt. Chửi tao xong, bố trầm ngâm: Không phải ngồi xuống là đâm đầu vào đánh lấy thắng, thằng con giai. Mẹ kiếp, nghe sao thấy lọng cọng làm sao ấy. Ấy vậy mà bố già như Tôn Tử, dậy dỗ tao chiến thuật, chiến lược nữa mới chán mớ đời. Mà bố hơn đếch gì tao, ngòai hơn tao gần hai con giáp, lon lá thì trần sư cụ một cái bông mai bạc lẻ bóng, yếu thấy rõ. Bố già luận, nào là phải đứng ngòai vòng cương tỏa, đánh cờ đừng vướng mắc đến con xe con pháo, hãy nghĩ đến nước chẩy mây trôi, mưa gió rì rào. Mẹ, nghe như đấm vào tai, với tao chỏang nhau thì phải chém giết không nương tay, máu đổ thịt rơi. Đâu có chuyện đánh lấy hòa, chơi lấy thua, lại thua bằng chữ tâm nữa. Mẹ, rắc rối gì đâu không biết nữa.
 
 

          Tao với bố già là con mồ côi, tết nhất đến nơi tao cũng ráng kiếm bánh thuốc lào cúng tổ, bái thầy cho phải đạo. Thế nên tao âm thầm xuống núi, mò mẫm nhăm quân cờ để bắt cái công hầu danh tướng. Bố thừa biết tao đi kiếm gạo nên cứ nằm ì một đống nghe ngóng thằng con của bố tả xung hữu đột ra sao. Nghe lời bố già, tao không nghĩ đến được thua luận anh hùng, không có lễ cúng tổ thì bố vẫn bình chân như vại, vẫn là con bà cả đọi. Xung trận tao không nghĩ đến thắng bại, chỉ nghĩ đến những ngày tao còn tắm truồng tồng ngồng ở ao hồ. Vậy mà lớ ngớ thế nào tao lãnh ấn tiên phong đi đấu tòan trại. Có ít thuốc lào với kẹo rồi, tao chấp, tao đánh khơi khơi, được thua không qua tiếng cười. Cứ vậy, thừa thắng xông lên tao vồ cái chức kỳ thủ mấy trại vùng Việt Bắc. Thế là một chiều bố già đón tao ở cửa, cười tít mắt.

          Tiếng dữ đồn xa tiếng lành đồn gần, cận Tết, tao bị gọi lên văn phòng trại…Tiên nhân cha chúng nó, đúng là số con rệp, lên đến nơi mới ngã ngửa người ra, là tụi nó "báo cáo"cho tao hay, sửa sọan về Hà Nội để…đánh cờ, vậy mới chết một cửa tứ. Vậy mà tao cũng phải "làm việc" với tụi nó cả buổi. Tối về đến lán thì tin đồn đã lan khắp nơi, nào là tao phải hầu cờ với một sĩ phu Thăng Long, ba năm liên tiếp vô địch Bắc Hà. Còn bố già tao thì lo lắng ra mặt, vì tao kể lể về thằng cán gáo từ Ba Đình lên đây làm việc, cứ xóay quanh chuyện ông bố tao qua Tàu họat động xưa kia. Có lẽ cũng chỉ vì cái họ Tàu tàu của bố con tao, Lưu Bị không ra Lưu Bị, Tào Táo chẳng ra Tào Tháo, tào lao thì có, nên mới bị dính trấu. Bố già chăm chú nghe, cù rủ như con cò ốm, suốt đêm bố cứ thao thức đập muỗi, ho khan.
 
 

***

          Sáng dậy bố con tao cáo ốm và đè tao ra hỏi: Mày biết tại sao quân mình thua quân ta không. Mẹ, chữ nghĩa đíu gì mà tối om om như cái lá đa, tao đang nghệt ra thì bố nhả một câu để đời: Du kích đấy… Tiếp, bố già nhồi nhét tao: Tốt với mã như cá với nước, nhưng ít ai để ý đến hai con cờ trôi sông lạc chợ này lắm. Mày nắm được nó ở thế công và thế thủ thì trùm thiên hạ đấy, thằng con giai. Thế là tao lội dòng nước ngược, làm quen cá với nước, bơi mệt nghỉ, để đánh…“du kích". Nhưng tao nghĩ dại thua thì mình đã thua chỏng gọng từ khuya rồi. Nay có thua thêm một thằng răng đen mã tấu nữa thì có chết thằng Tây đen nào nào đâu. Làm gì bố già nhắng lên vậy. Sau đấy bố và tao luyện cờ như luyện kiếm với những thế cờ biến ảo. Những nước cờ biến hiện khi tấn, khi thoái, lúc thủ, lúc công…Làm như bố già mang nguồn sinh lực còn rơi rớt lại của bố già nhồi nhét vào đầu tao. Giữa mỗi cuộc cờ là một sự hiện hữu, khiến bố gìà quên đi nỗi ám ảnh ẩn hiện trong góc tối trăm năm của đời mình.

          Bố như vậy đấy, tao lại đốc chứng nghĩ nhảm qua cái đầu củ chuối của tao với những quân cờ tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã…là sự thăng trầm phi lý của vận nước, của những kẻ bại trận. Như mày thấy đấy, bàn cờ mai đây tao đụng trận sẽ trở thành chiến địa để tao rửa mặt. Những quân cờ quái ác đụng chạm mơ hồ nhưng rát mặt, cứ thế giằng co nhau qua một trận đánh sống mái cuối cùng của riêng tao bầy ra ở… Ban Mê Thuột.

          Tao sẽ ngược thời gian về ngày 10 tháng 3 năm 1975, tao sẽ xóa bài làm lại, tao sẽ không co vào mà bung ra, với tốt, mã trong tay, tao sẽ chặt đẹp và đánh một trận để đời.
 
 

          Ngày ấy cũng đến, tao chỉ mong được nhìn thấy tận mắt cố đô Thăng Long ngàn năm văn vật mà tao chôm chỉa trong sách truyện. Ngày chia tay, bố phán: Chúc mày thượng lộ bình an. Bố lại còn dở trò bấm độn, rút ra tờ giấy nhỏ, lẩm bẩm đọc, như gửi gấm: Chắc thầy trò mình chẳng bao giờ gặp nhau nữa.

          Nghe…“bấm độn”, bỗng tôi bật cười khan. Là dân cờ tướng có khác, như đi “bốt-đờ-sô” dẵm cứt vào đầu tôi. Nó mắng sa sả:

          - Sư mày thằng củ cải, tao báo đời cho mày biết: Tao dư sức chế ra mấy cái trò lỉnh kỉnh để hù mày, là bố già tao như Khổng Minh. Viết một cái cẩm nang bỏ vào túi đưa cho tao đi phó hội. Đến ngày đó, giờ đó mở ra là cứ thế mà làm thế này, thế nọ…
 
 

          Ngừng lại rót rượu cho tôi, giọng nó trầm hẳn xuống:

          Nhưng mà thôi, chẳng dính dáng gì đến chuyện tao đang kể. Trở về chuyến đi Hà Nội, ngồi trên xe thằng cán gáo cho tao hay tay cờ tao sắp gặp, không phải là vua cờ Hà Thành như mọi người đồn đãi. Mà là một phái đòan của Trung Cộng qua Hà Nội, trong đó có con của một thứ trưởng ngọai giao, muốn thử lửa với tao. Mẹ cha nó chứ, nghe mà dái muốn thọt lên đến tận cổ, cú này chắc từ chết đến bị thương. Hắn còn cho biết thêm, tao thua lại hồi cố quận, nhưng không được về trại cũ. Nghe đến đây tao lặng người vì bố già tiên liệu như thần: Vì Đặng Tiểu Bình vừa dậy cho người anh em Một bài học lịch sử nên chuyện chuyển trại là chuyện thường tình. Chưa kịp hòan hồn, hắn choang một câu làm tao muốn té đái ra quần: Nếu anh thắng, anh sẽ đi Bắc Kinh…đánh cờ tiếp. Tao bèn nghĩ, sau chuyện chúng nó choảng nhau sưng đầu u trán ở Lạng Sơn ấy, đây là phái đoàn đầu tiên của Trung Cộng sang giao lưu dọ dẫm. Thôi rồi, của người phúc ta, tao chỉ là quân cờ nhỏ trong một ván cờ lớn của người anh em. Tiên sư chúng nó, chẳng ăn cái giải rút mẹ gì, chỉ tổ cầm cu cho chó đái nên tao không ham. Nhưng tự ái dân tộc lại đùng đùng nổi lên, mẹ kiếp, muốn chết tao cho chết, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, cho chừa cái thói môi hở răng lạnh.

Lòng tự hào dân tộc ngủ sâu trong đầu tao bỗng trở mình thức dậy. Một ván cờ mua vui chẳng ai chú ý, nhưng một ván cờ quyết đấu giữa hai kỳ thủ của hai nước lại trở thành một biểu tượng…quốc gia mới điên cái đầu. Mà kỳ thủ này là ai đây cơ chứ? Nên tao rét! Tao nói thật, nãy giờ cờ tướng tao bốc nhằng đấy thôi chứ cờ quạt chẳng hay ho gì cho mấy.
 
 

          Thấy thằng này lằng nhằng quá thể, tôi bèn đổi…thế cờ:

          - Hà Nội 36 phố phường…cực kỳ không mày?

          Nó sửng cồ với tôi:

          - Thằng củ cải, mười tuổi "ri cư" vào Nam như tao biết chó gì Hà Nội. Hôm ấy tao chỉ nhìn thóang hồ Hoàn Kiếm qua cửa kính xe, nhân tụi nó đưa tao đi làm đẹp với cắt tóc, cạo râu. Còn dợt tao cách cư xử "ngọai giao" với người Trung Quốc…xấu xí nữa.
 
 

***

          Và nó rề rà tiếp:

          Tới khách sạn để tao ngộ chiến, xuống xe, thằng cán gáo vớt một câu: Tụi tôi nhất trí với anh. Tiên nhân nó chứ, nhất trí mốc xì gì, nghe nực cò bỏ mẹ. Vào đến đại sảnh, tao muốn ngốt người vì thấy một đống quan chức ngồi chung quanh bốn bức tường. Nón cối, dép râu ối ra đấy, đông như tổ đỉa. Chưa hết, Tàu cái Tàu đực cả đống, xí xa xí xô tiếng tây tiếng u nghe muốn điếc luôn. Mà khỉ ạ, lại có cả máy quay phim nữa, giữa là cái bàn để đánh cờ với hai ghế trống. Tao có cảm tưởng như bị lôi ra tòa án nhân dân nghe xét xử nên cũng mất sướng.
 
 

          Lát sau, địch thủ của tao xuất hiện…

          Mẹ! Tao chóang người vì tay cờ của tao là…một cô gái. Mà lại đẹp thần sầu nữa mới khỉ, cô mặc áo xường sám xẻ lên tới tận đùi non, trắng như ếch lột, tao nhìn muốn lòi con mắt. Nói thực với mày, tao không lọan ngôn chút nào, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tao chưa hề gặp một em chệt nào người ngợm lại não nùng sầu bi đến như vậy. Và tao khớp thấy rõ khi cô cúi đấu chào, liếc xéo tao một cái đến lạnh người, lại điểm nụ cười với con mắt có đuôi. Khỉ gió cắn răng gì đâu, tao đâm ra lơ tơ mơ và người ngợm lâng lâng như người cưỡi mây. Sau đó tao được giới thiệu cô ta họ Chung…Cheng gì gì đấy?.

Đồng thời tao cũng được nói qua loa về luật chơi như đánh ba ván, ai thắng hai là xem như phân thắng bại. Thời gian tối đa để suy nghĩ cho một nước cờ là mười phút. Nhấc quân cờ nào lên là phải đi quân đó. Nước cờ đã đi rồi là coi như xong. Bỗng cô nhìn về phía cái máy quay phim và khẽ lắc đầu, thế là cái màn trình diễn tuyên truyền hữu nghị này được dẹp cái một. Mẹ, thấy quá đã, đâm ra tao mên mến với cô ấy mới đau”.

          - "Tên gì mày". Tôi lưỡi đá miệng hỏi nó.

          - Đừng ồn, thằng củ cải…Hồi sau sẽ rõ…
 
 

          Rồi nhởn nha tiếp:

          Chỉ cần ba nước cờ đầu, tao thấy cô là một cao thủ, với nước đi như múa lụa với điệu vũ nghê thường, uyển chuyển và nhịp nhàng, không thừa không thiếu…Cô có lối ra quân không phải là một tay sát thủ, xe đâu pháo đấy, cô chỉ vờn địch thủ để dồn vào tử địa để…tự sát. Tao nhớ đến lời bố già dặn dò là tâm không vướng mắc với cuộc chơi. Không dính mắc với quá khứ và hiện tại. Không dây dưa giữa ta và địch. Không vướng mắc với thua và được. Với trò chơi du kích cùng tốt với mã, thế là tao dẫn lính nằm bờ nấp bụi. Vẻ yên ắng của đồng không mông quạnh tao rình và đợi. Tao cô lập thôn quê, bao vây thành thị. Thành trì phòng ngự tao kéo xe đánh pháo vung tít mẹt rồi tao…chạy có cờ. Địch thủ bó tay không biết tao đang đi chiêu thức gì? Và chỉ còn một, hai nước nữa là tao đẩy mấy con tốt mọn vây chặt hậu cung của cô. Nội bất xuất ngọai bất nhập và ở tao nhìn cô và đợi…Như một con ruồi sa cơ thất thế.

          Bỗng nhiên tao thèm một hơi thuốc, một hơi men…Tao ra hiệu với cô mượn giấy bút. Cô nhướng mắt và tủm tỉm cười. Tay xóa ván cờ. Lóang thóang tao nghe tiếng vỗ tay lẹt đẹt…
 
 

***

          Một ý nghĩ sẹt qua đầu tôi ngay tức thì: Chế vừa thôi cha! Đang trong tù cải tạo, được móc lên Hà Nội khơi khơi là quá cha thiên hạ rồi. Nay còn hươu vượn bút đàm đòi rượu với thuốc lá nữa, cứ như ông cố nội mấy thằng nón cối không bằng.
 
 

          Chưa kịp lật tẩy thì nó đã tàng tàng tiếp:

          Ván thứ hai, tao nghĩ đến quân Tàu vừa đánh Lạng Sơn mà đau hơn hoạn, tụi nó mang đại quân vượt biên giới xâm lăng bờ cõi của mình. Bàn cờ nhỏ nhoi trước mặt tao đây, tao hình dung ra trận đồ là một chiến trường quy ước, binh tướng quân phân, ranh giới rạch ròi qua voi, ngựa, tướng, sĩ. Xuôi theo với những quân cờ, ra trận với không thắng thì thua, như bánh xe lịch sử phải lăn trên đường là chuyện tất nhiên. Thừa thắng xông lên từ ván cờ trước, tao lơ đãng nhìn qua vai cô.

          Qua khung cửa kính là nhánh sông Hồng đang lặng lờ trôi…

          Tao ngược dòng lịch sử và mường tượng ra chiến trường xưa cũ năm 75. Tao sẽ xóa bài làm lại. Tao không bỏ Ban Mê Thuột, không…di tản chiến thuật. Tao mang đại quân lên núi làm một trận sống mái để giải vây thành phố mây mù. Thành không nhà trống, bốn mặt thành tượng binh vây kín, xe pháo ầm ầm, chọc thủng ngọ môn, phá tan quân cấm vệ. Tao quên bố nó mất lời Thầy dậy, bỏ mã thí tốt qua sông, tao đánh những thế trận như Bình phong mã hay Thiên địa pháo hoặc Diện thủ phá vệ. Đang nghiêng trời lệch đất, ngỏanh lại đất mình tao mới ô hô ai tai. Mẹ kiếp! Tao thấy…ông tướng của tao đang bị rượt chạy có cờ. Những tượng hùng, pháo tống, xe xuyên, mã tốc…như trốn biệt mất tiêu. Lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng nên tao đành vuốt mặt phá đại pháo, bẻ gẫy cỗ xa... Tao di chuyển những quân cờ lang thang lếch thếch như…di tản chiến thuật ngày nào. Tao bị cô ấy cho vào xiếc với cái cờ thế rất ấu trĩ là…điệu hổ ly sơn, những quận đường, tỉnh lỵ từ từ lọt vào tay địch lúc nào chẳng hay.Tao không cãi được số trời, âu cũng là cái vận nước…

          Nói khác đi vận nước mình chỉ là con tốt trong một ván cờ!
 
 

***

          Được nghỉ mươi phút cho thư giãn, tao lầm lũi cầm cái ly ra phía cửa sổ và nhìn ra ngòai bờ sông. Vừa lúc thằng cán gáo đến ám quẻ: Phấn đấu đi anh. Tao rủa thầm: Nhờ anh tí, phấn đấu cái củ thìu biu. Ông đang sặc gạch ra đây này. Nhưng cũng may nhờ câu nói của hắn, tao nghĩ đến bố già và nghĩ hay là "Đánh lấy hòa". Bố lẩm cẩm thật đấy, nhưng vớ vẩn vậy mà có thể…"Đúng". Tao nghĩ thì cứ kéo ván bài đến chỗ lằng nhằng, để chờ thời cơ với gặp thời thế, thế thời phải thế. Quay lại nhìn lại bàn cờ, tao bắt gặp cô ấy đang rót rượu cho tao. Hứng tình, tao lềnh bềnh với…ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai…

          Ngồi đồng hóa Bụt, bèn phang một câu:

          - Mà ông Thầy mày có đúng không đã?

          Nó giẫy lên như đỉa phải vôi:

          - Cái thằng trên bựa dái dưới bựa răng, lúc nào mày cũng đúng với sai…Nhớ một lần ông Thầy rao giảng câu của một Thiền sư để tao ngộ ra là: Trong thế tục, hãy tránh hơn thua hoặc đúng với sai. Ông Thầy tao muốn tao là…

Sợ nó thiền quá hóa…ngộ. Tôi đốp liền:

          - Lỗ Trí Thâm.

          Để rồi trong đầu tôi lại tung tẩy với cái tâm đạo của ông Thầy nó, ma đưa lối quỷ dẫn đường, nhập vào cái vô đạo của cái thằng ma đầu này, để thành…một kỳ vương thì cũng đã nhảm rồi. Nay nó lại lẫn ngẫn với chữ ngộ, hơn thua, đúng sai, nên tôi cũng thấy mệt nó quá sức. Thì may quá là may, nó gõ tiếng chuông tỉnh thức để đưa tôi về thế tục…

          Khi không nó xuống sáu câu sề:

          - Tao có linh tính, giống kiếm sĩ trong truyện thiền, tao mơ hồ không bao giờ tao có thể thắng cô ấy được. Tao có thể thắng một ván cờ, nhưng không thể thắng được cái tâm của người đánh cờ. Chuyện là thế đấy! Mày có hiểu tao muốn nói gì không?

          Bố khỉ, nói cho ngay tôi chả hiểu nó muốn nói chó gì? Trong bụng tôi lầu bầu muốn chửi thề, thằng này khó thật, lại thêm một chữ "tâm" nữa, tâm đâu mà nhiều quá thể vậy cà.
 
 

***

          Đang loay hoay nghĩ ngợi thì nó đưa tôi vào mê hồn trận:

          Đến ván thứ ba, cô đổi thế trận. Tao biết cô rất tinh tường cờ thế. Sĩ lên trường thành phất tiểu kỳ, trường gươm chỉ vào cung địch với thế Đại đao xuyên tâm. Mở toang ngọ môn cho tượng xuất chinh, đại quân với thần công đang nằm đâu đây. Để gài tao vào thế cờ cô dàn dựng là Nhị quỷ phách môn, với hai mã, hai tốt phục binh. Nhưng đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, tao như Vi Tiểu Bảo lăng ba vi bộ một số "cờ thế” không có trong…kỳ thư, như đưa pháo, mã tới đầu sông trống trải rồi ì ra đấy, như long chầu hổ phục. Đến nỗi cô lắc đầu, bút đàm hỏi tao: Anh chuyển sang cờ thế? Tao lựng bựng: Vâng. Cô hỏi tiếp: Triển châu sa, pháo kéo thuyền lên bãi, phải không anh? Tao bấm bụng cười thầm, ai lại đánh cờ chân phương đến độ đi hỏi tên “cờ thế” của địch thủ. Nhưng tao vẫn cúi đầu, tủm tỉm cười, mượn con mã nằm ở đầu sông cuối bãi. Tao trả lời: Quân tại Tương Giang đầu.
 
 

          Cô ta nhíu mày lắc đầu nhè nhẹ…Thực tình chữ nghĩa tao vay mượn trong bài Tương tư của Lương Ý Nương, nghe thâm sâu, bí hiểm thế thôi. Vì Ý Nương là một nữ lưu Đường thi nên tao cũng có chút đùa dai, để đẩy đưa cô vào cái thế hỗn mang, lọan cờ. Tao đang ở thế bị động, cùng tắc biến, biến tắc thông nên vô hình chung võ công nằm trong tâm thức, phóng ra là biến hóa khôn lường nên cô lúng túng. Thế là tao dắt ngựa tới cổng vườn, đứng đực ra đấy như…ngỗng đực, như Thôi Hộ với hoa đào năm ấy còn cuời gió đông. Cô hỏi: Tên thế cờ là gì vậy anh? Mượn gió bẻ măng và tao múa máy: Tương tư bất tương kiến.

Cô gật gật đầu ra điều hiểu chút chút, rồi khi không tao lui hai con mã về thế thủ, về đầu ghềnh cuối sông. Như Phạm Thái bên bờ suối, đêm đêm mài gươm dưới trăng hồ trường với Quỳnh Như. Nghi binh như Khổng Minh ngồi trên thành, nhóm củi đun nước đợi Tư Mã Ý đến cho có "bạn" trà đàm. Bỗng cô reo lên như ấm nước sôi: Song mã ẩm tuyền, hai mã uống nước suối. Tao mở cờ trong bụng, được thể vẽ vời: Đồng ẩm Tương Giang thủy.
 
 

          Lại cái mửng cũ, hết rượu, thuốc lá bây giờ đến Thôi Hộ, Phạm Thái. Thằng này câu giờ quá thể, nhưng cứ để nó múa gậy vườn hoang vì tôi biết tỏng nó rồi thế nào cũng đánh lấy…"thua" cho mà xem. Thế nhưng không, giọng nó trầm hẳn xuống:

          Lần này thì cô nheo mắt với tao, rồi cúi xuống viết: Ông cụ tôi gửi lời thăm anh. Tao muốn nhẩy nhổm lên, nhưng đọc xong hàng chữ tao khựng lại, dường như có cái gì ngờ ngợ mà lúc đầu tao không để ý. Vì: Tên của cô ta và họ của tao là một.

          Vậy là đủ nói lên một phần nào, hình ảnh của bố tao những ngày nơi đất khách quê người ẩn hiện qua lời kể của bà cụ tao: Bố tao có người bạn Trung Hoa cùng chí hướng và hết lòng vì bạn, từ nơi ăn chốn ở, miếng cơm manh áo, ngay cả lúc ốm đau. Mắt tao nhìn vào bàn cờ, đầu tao mông lung đâu đó vì bố tao biệt tích từ ngày ấy, không biết bây giờ cụ còn hay mất. Nay mọi chuyện sẽ được sáng tỏ là nhờ cô ấy, vô tình cô chính là cái phao tao đang muốn bám víu. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng phải đợi hết ván cờ, tao mới hỏi han được đôi điều về bố tao.
 
 

***

          Và tao nhìn cô gật đầu, hình như ánh mắt cô cũng có khác.

          Bỗng cô gõ quân cờ lách cách ra dấu sắp ra quân, trở lại trận chiến với một thắng một thua…Nói cho ngay, lúc đầu cô bị lấn cấn vì mấy cái cờ thế dấm dớ cùng những cái tên chim kêu vượn hú của tao. Bình tâm lại, cô đan, cô kéo sợi buồn con nhện giăng mau…Cô như giăng cái lưới thiên la địa võng để chụp con ruồi đi hoang. Và cái số tao ruồi nên không khá nên chẳng thóat khỏi được lưới trời lồng lộng, cuối cùng tao cũng bị…dính.

Cờ gần tàn, chỉ còn hai nước nữa thôi, con cờ kế tiếp lại nằm trong tay cô. Tao như Tào Tháo bị nhốt vào vào Huê Dương Tiểu Lộ để xếp giáo quy hàng, trừ trường hợp cô là Quan Vân Trường với ân nghĩa thủy chung. Nói cho mày dễ hiểu, xe tao chặn ngang đường tiến quân của cô, nếu cô chọn con cờ sai để bứng con xe ấy đi, thì bất chiến tự nhiên thành, tao sẽ là kẻ thắng cuộc.

          Nhưng với một tay cao cờ như cô, đó là điều không tưởng. Bỗng cô nhìn tao và đặt bút xuống như thảo chiến bại thư. Cô viết: Thiếp tại Tương Giang vĩ. Xong, cô xếp tờ giấy bỏ vào túi.
 
 

          Thế là tao lòi đuôi vì cái thói hợm chữ, lúc này tao mới là thằng đang bị phân tâm, đầu óc rối như tơ vò. Đi cờ mà bị động cũng như người xiếc đu dây, lắc lư, chao đảo, bất định. Tao ngồi như thằng chết rồi. Một chiến trường vang rền xe ngựa biến đâu mất, cảnh tên bay đạn lạc chỉ còn gió lạnh trên sông. Chốn gió tanh mưa máu lãng đãng mây mù. Cờ hết nước. Một ván cờ mù!

          Tao lơ đãng nhìn ra sông Hồng mưa phùn giăng giăng như lưới nhện…Qua mảng sương mù trong một ngày ảm đạm, lúc ấy lẩn quẩn trong đầu tao là chỉ nghĩ cách làm thế nào để lần mò qua Tương Giang vĩ quê hương của cô để đi tìm mộ chí của ông cụ tao, nếu ông cụ đã nằm xuống cùng hương tàn khói lạnh. Và muốn như vậy tao phải thắng ván cờ này, để được đi Bắc Kinh như thằng cán gáo trong xe đã nói. Trong khi cái thế của tao thì …cờ đang dở cuộc không còn nước. Nói cho ngay tao không những vướng mắc mà còn vương tơ. Mặc dù hai người lặng lẽ với cái giao tình bên ngoài có vẻ nhạt thếch. Nhưng trong tao, đầy ắp, chan hòa những…quân tử chi giao đạm nhược thủy…
 
 

          Thông thường thủ pháp ra quân trên bàn cờ là một sự phối hợp hài hòa giữa tâm và trí. Tâm loạn kéo theo trí đoản. Những nước cờ lúc tấn kích điên cuồng, lúc sững sờ chới với, chứng tỏ tao đang sa lầy trong những giây phút ngập ngụa giữa trăm ngàn thác loạn. Trở về thực tại, tao thấy cô đang vắt óc vào quân cờ sắp đi, hai phút…Rồi bốn phút…

Cô thò tay xuống rồi nhăn mặt rụt lại. Cả đại sảnh im phăng phắc đến nghẹt thở. Cô suy nghĩ thêm đến bẩy phút…

          Rồi chín phút...rưỡi có lẻ.
 
 

          Lạy Chúa tôi! Mồ hôi tao lấm tấm đằng sau lưng. Dường như cô như…"nhắm mắt “ cho số phận đẩy đưa với thế sự thăng trầm quân mạc vấn và…và…nhắm mắt bốc lên một quân cờ…

          Và tao nhẩy cẫng lên. Vì cô vừa chọn một quân cờ sai !
 
 

          Đột nhiên khắp phòng vang lên một tiến ồ thật dài, hòa lẫn tiếng vỗ tay cũng vẫn lẹt đẹt rời rạc. Tao ngồi xuống lại, cúi đầu đưa cái ly lên, nhấp một ngụm nhưng thấy…đắng chát. Miệng tao như muốn nói một câu gì đó. Nhưng nói không được. Vì…

          Vì chỉ một mình tao biết: Cô…không nhắm mắt.
 
 

          Sau đó mấy ngày tao đeo theo phái đòan Trung Hoa đi Bắc Kinh, ít lâu sau cũng chính gia đình cô ấy lo cho tao qua Hồng Kông. Từ ngày ấy, tao không gặp cô nữa…
 
 

***

          Ngay khi gặp thằng của nợ này ở thành phố Cựu Kim Sơn, tôi đã có một khúc mắc. Nay hết chuyện, mới há họng hỏi nó:

          - Nghe nói sau này mày còn qua Ma Cao để đánh độ.

          Nó át giọng tôi cái một:

          - Mày ngu như lợn.
 
 

          Mà tôi đụt thật, lại nhớ đến câu mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách. Mã nhật tượng điền đâu không thấy, chỉ thấy nó xấu giai tốt củ vậy mà giờ này vẫn phòng không đơn chiếc thì phải. Với xe liền pháo…cách, vừa gặp đây mà nó biến mất như ma chơi, mới nghe lóang thóang thằng con dừng chân ở Thái Lan dọn bãi cho nhóm kháng chiến nào đó. Đùng một cái đã có mặt ghé Tân Gia Ba. Chưa đầy một con trăng, lại được tin nó kéo pháo sang sông và nằm ụ tại bến Hồng Kông. Đâu đó đến cuối năm thì tôi ngớ ra khi được tin qua một ván cờ nên duyên, để kết nghĩa tao khang chi thê, vợ nó không ai ngòai người họ Cheng tên Hạ. Và …"Hạ" là…là…họ của nó.
 
 

          Như nó, như trên đã thưa thốt, cờ quạt với tôi chỉ quân ngoài bài trong nên nó kể sao tôi nghe vậy, chẳng hiểu nó có hú họa tôi chăng? Rõ ra nó ngược dòng lịch sử xóa bài làm lại với tử thủ Ban Mê Thuột, rồi ra tàn cuộc binh đao chỉ thấy thành không nhà trống. Khi không cũng như nó, tôi nghĩ quẩn vận người nổi trôi theo vận nước đến hồi mạt vận với "Nam quốc sơn hà nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư". Nào có khác gì bàn cờ gỗ thí pháo, thí xe qua cờ thế, thế cờ là…thế đấy. Hay nói khác đi không ngoài "Thế Chiến quốc thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế". Để rồi chẳng phải đợi đến cái quan định luận vì chẳng ai biết làm gì khác hơn. Hơn là gặp ông Tầu già để nó giả mù sa mưa đánh lấy…thua, để đi tìm…vợ. Bây giờ tôi mới hiểu ra nhẽ ấy.
 
 

***

          Ừ thì biết kể lể gì về nó nữa đây? Hư cấu văn vẻ cho lắm cũng chẳng hẳn là với thế sự du du hề một thóag bạch câu, thôi cũng đành trước đèn đọc sách, lui cui với: "Một bình rượu, một khay trà - Một đôi bạch lạp, giấy hoa bút vàng - Án thư vài tập cảo thơm - Dăm ba chậu kiểng, một bàn cờ vuông". Hoang tưởng cách mấy cũng không hơn chuyện đời thường: Tắt lửa tối đèn, thôi thì đét đồn lên với quân thiếp trắng, quân chàng đen: "Thọat mới vào chàng liền nhẩy ngựa - Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên", để rồi như gà mắc đẻ…"Chợt nước pháo nổ đùng ra chiếu".
 
 

          Chữ nghĩa cũng bằng thừa, rằng tôi biết thừa bứa một nhiễu sự là suốt mảnh đời còn lại của nó cho đến chót đời:

          Thay vì ăn cơm với nước mắm thì nó ăn cơm với…xì dầu.
 
 

Trúc gia trang
Lập thu, Đinh Hợi 2007
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

Nguồn:

Ván Cờ Đầu Năm - Trần Kiêm Đoàn