Chim
Việt Cành Nam
[ Trở
Về
] [ Trang
chủ ]
|
|
Mới sang xuân, mặt
trời đã lên cao mà Paris vẫn còn lạnh, những đám
sương chưa tan khu chung cư ở phía Bắc ngoại ô Paris vẫn
mờ sương, ánh đèn đường vàng vọt nhòa trong sương
như vầng trăng tàn khuất mây. Căn hộ tầng trệt của chung
cư gia chủ là một người Á Châu, căn phòng ấm áp được
bày biện rất khang trang. Ông mướn ở đây
đã lâu và sống một mình nên rất thầm lặng, thỉnh
thoảng có ít người Việt Nam đến
chơi, mỗi lần như thế căn nhà lại vang lên tiếng
cười nói thật sinh động trái hẳn
cái trầm mặc cố hữu. Người đàn ông đó có mái tóc bạc
phơ, dáng người cao dong dỏng, nước da trắng, vầng trán
rộng đã có nhiều nếp gấp. Khuôn mặt của ông tuy gầy
nhưng sáng sủa vẫn cân đối với chiếc mũi cao, nhất là
cặp kính cận dày càng toát lên vẻ
thông minh trí thức. Tính ông rất vui vẻ, lại tử tế, hay
giúp đỡ người bất luận là ai, quen lâu hay mới quen, kể
cả những người chưa từng gặp mặt đến nhờ ông viết
những đơn từ bằng tiếng Pháp hay chỉ dẫn những điều
về an sinh xã hội rất phức tạp mà những người ngoại
quốc sống trên đất Pháp thường
gặp. Do đó ông được mọi người chung quanh yêu mến
và nể trọng. Người trong chung cư gọi ông bằng lời rất
thân mật là "bố già", những người ngoài phố gọi ông là
giáo sư, và những người bạn thân gọi ông là cụ Giáo.
Nghe nói hồi còn ở quê nhà ông là giáo sư Đại
học, đã từng du học ở Pháp và Hoa Kỳ và đỗ
được hai bằng Tiến sĩ, vì thế đa số những người trong
giới quan chức của Miền Nam trước kia là học trò
của ông. Vài ngày trước khi Miền Nam mất, đám học trò
cũ có đến mời ông đi nước ngoài
nhưng ông từ chối, viện dẫn là già rồi không muốn chết
ở xứ người. Hơn nữa, ông cho rằng cả đời
chỉ biết dạy học không hề dính dáng đến chính trị thì
dù ai nắm chính quyền thì ông cũng thế. Sống ở miền nam
suốt mấy chục năm, đã nhiều
lần chính quyền Miền Nam mời ông ra tham chính nhưng ông đều
từ chối. Ngày CS vào chiếm Sài Gòn, thấy xe tăng
bộ đội trên đường phố ông có sợ nhưng không nao núng.
Thuở đó với phẩm chất nhà giáo, tâm hồn thuần khiết
đạo đức nên trong ý nghĩ của ông rất giản dị:
"Một người không
hề dính dấp đến chính trị, lẽ nào người ta lại đi hại
một ông già?" Sau khi
chính quyền Miền Nam sụp đổ, ông bị chính quyền địa
phương kết án là gián điệp do Mỹ gài lại và bị
bắt đi tù! Những năm ở tù đã làm ông sáng mắt, vợ ông
ở Sài Gòn bị cướp nhà và bị đuổi lên vùng kinh tế mới!
Sống trong cảnh cơ cực nghèo đói, lại không chịu nổi nơi
hoang vu như thế, chỉ sau một thời gian ngắn, bà ngã bệnh,
do thiếu thuốc men chữa trị nên đã chết! Khi người em dâu
lên thăm nuôi báo tin, ông khóc rống lên như đứa trẻ, ông
hối hận vì một phút quyết định
sai lầm không chịu ra đi nên đã để khổ đến người vợ
thương yêu nhất! Trở về lán ông than thở với bạn
tù: :"Tôi già đến ngần tuổi nầy mà
còn u mê, anh ạ! Học cho lắm, thế mà vẫn bị chúng lừa!Bà
nhà tôi cũng bị chúng lừa vì tin chúng sẽ thả tôi nếu
chịu đi kinh tế mới. Vợ tôi chỉ
muốn cho tôi được thả sớm nên đã nghe theo lời đường
mật mà chết trong tức tưởi!." Bạn tù thương ông cũng chỉ biết nhìn ông rồi thở
dài trong im lặng!Thấm thoát ông đã trải qua mấy mùa xa nhà,
nếm đủ mùi tù và chịu đựng bao nhọc nhằn ; thế mà ông
không hề hé răng than vãn, hay vì miếng ăn làm mất nhân cách
một nhà giáo trước bao nghịch cảnh đày ải đói khổ, có
lúc ông muốn chết quách cho nhẹ tấm thân già, may mà chỉ
là nghĩ vẩn, chỉ thoáng qua mà thôi. Ông làm sao có thể chết
ở trong tù được ? Ông cần phải
sống để xem đời sẽ ra sao, ai biết được chuyện ngày
mai?. Dẫu sao sự sống vẫn qúy; Ông chỉ ngậm ngùi cho ý
nghĩa của sự tự do. Ở đây tự
do đồng nghĩa với sự im lặng, nghĩa là chấp hành
những mệnh lệnh của kẻ cai ngục! Ông nghĩ: "Làm sao
hiểu được tận cùng chữ Biết ?" Có nhiều thứ ở
trên đời dù cho thông minh và cố gắng học hỏi nghiên cứu
nhiều thời gian đến đâu, thì vẫn
chẳng bao giờ hiểu hết được! Những bằng cấp mà
ông học hỏi và đạt được kể
đã hết mức nhưng lại không đủ nhận biết mình bị
gạt vì những cụm từ hoa mỹ: "cải tạo " ?!
. Đến khi đã vướng chàm, biết mình bị lừa thì đã
quá muộn! Bài học để đời này
không những cho riêng ông, mà còn cho biết bao trí thức khoa
bảng đã "mụ" như ông về Thiên Đàng Xã Hội Chủ Nghĩa!
Họ đã vô tình tiếp tay với CS để xây dựng thiên đàng
mộng mị, mà hôm nay đất nước nghèo đi, chính họ là những
kẻ cầm cuốc cặm cụi trên những mảnh đất
để bươi xới tìm củ khoai, cù mì để
ăn trong các trại tù! Chẳng cần học vị tiến sĩ,
bài học đời quá đau ; cũng đủ
để ông sáng mắt, thấm thía về sự độc tài toàn
trị, do đó ông không thiết tha học
tập để mau tiến bộ trở thành: thành viên xã hội.
Cụm từ tiến bộ chỉ là cái bánh vẽ dụ những tâm hồn
khờ khạo, những trí thức tngây thơ
tin đó là cái "chìa khóa" mở cổng tù. Thế rồi đến
một ngày ông vẫn được thả, lý do già yếu, bệnh tật.
Họ thả ông và bắt buộc ông phải đi
kinh tế mới chịu sự quản thúc của địa phương. Ông chép
miệng nghĩ:"Cái xã hội nầy ; đâu mà chẳng phải
nhà tù! Thật là mỉa mai cho những danh từ
trí thức, khoa bảng thường được
người đời qúy trọng nhưng nhà nước CS có xem ra gì
đâu!"
Không phải họ không biết ông là một giáo
sư giỏi nghề, nhưng họ đâu có đào
tạo ông, không những thế họ còn xem ông là gián điệp của
Mỹ, thì làm sao dùng ông! Ở đất nước này người ta chỉ
biết Đảng, người ta đồng hóa yêu
đảng là yêu nước nên xúm nhau ca ngợi Đảng, và thích
sống với ảo ảnh qua những chiến công chống Tây chống
Mỹ, họ hô hào chống đến nỗi nhân dân nheo nhóc thiếu
cả manh quần tấm áo mà đất nước nào hề có thật sự
được độc lập tự do! Bao xương
máu của người dân vô tội bị đổ trong cuộc chiến chỉ
làm rạng danh cái thiên đường bịp!
Thời gian ở đây, ông Giáo gặp lại người anh cả, cũng là giáo sư dạy ở đại học Tổng Hợp Hà Nội, nay đã hưu trí. Ông ở ngoài Bắc đi cùng con gái vào thăm các em. Do hoàn cảnh chiến tranh, thấm thoát cũng đã mấy chục năm anh em mới gặp lại nhau, thế mà ngay phút đầu chiến tranh lạnh lại bùng lên. Hai anh em không biểu lộ sự hân hoan, hai người chẳng thèm nhìn nhau, họ tỏ thái độ dửng dưng, nếu trong lòng họ có mềm ra thì cũng chẳng ai biết. Những cặp mắt mỏi mệt do thời gian đã làm nhạt tinh anh, nhưng khi nhìn nhau vẫn chóe lửa, thì làm sao lăn được một giọt nước mắt! Không gian trong căn phòng trở nên tĩnh lặng, không khí càng thêm ngột ngạt. Người em dâu thấy vậy vồn vã: -Anh Cả và cháu Ngọc đi đường xa, chắc mệt? Người anh cả cười nói: -Già rồi cũng mệt, thím út ạ! Ông ngồi xuống ghế nói tiếp: -Xe hỏa của xứ ta còn tệ quá, đã chật chội nóng bức còn chạy chậm như rùa. Đã thế mà bà con ta lại ồn ào như cái chợ! Muốn chợp mắt một tí nào có ngủ được! Ông Giáo đứng bên cửa sổ hướng mắt lên hàng hoa giấy, bỗng nghe anh mình nói liền khẽ hứ giọng mũi không nói một lời, ông tiến lại đứa cháu, nét mặt của ông trở nên tươi sáng. Ông mỉm cười nhẹ đưa tay xoa đầu đứa cháu gái mà lần đầu gặp, sau đó gương mặt của ông lại lạnh toát, rồi bỏ lên lầu. Người em dâu thấy hai anh như vậy nên bối rối, liền mời ông anh cả và người cháu dùng chút bánh và nước ngọt, sau đó bà dẫn bố con họ lên phòng nghỉ, chỉ vào hai phòng. Ngọc nhìn phòng ngủ bày biện khang trang, bức tranh sơn dầu treo ngay trên đầu chiếc giường Hồng Kông trải drap trắng mướt, cạnh là chiếc đèn ngủ. Ngọc nói: -Nhà thím sang quá Cháu cứ ngỡ mình đang sống trong phim… Người thím mỉm cười không nói, bà chạnh lòng thương cho Ngọc, con của một cán bộ cao cấp mà lại bỡ ngỡ trước những thứ vật chất rất tầm thường ở Sài Gòn nầy. Ngọc chưa dứt bàng hoàng, bỗng ngước nhìn người thím và cảm thấy bà có một nét đẹp rất quí phái và tươi mát dù tuổi đã ngoài ba mươi, bà cũng đang ngắm nhìn mình với ánh mắt đầy tha thiết. Ngọc bẽn lẽn mắt hướng về bức tranh nói: -Sài Gòn lộng lẫy và đẹp quá, thím nhỉ? Ngày mai thím dẫn cháu đi dạo phố nhé! -Nghỉ đi cho đỡ mệt, chút ra ăn cơm. Ngày mai thím sẽ dẫn cháu đi dạo và sắm đồ. Nói rồi bà khép cửa phòng cho Ngọc và xuống lầu đi thẳng vào phòng ăn làm cơm. Tiếng ho thúng thắng của người anh cả vang lên âm buồn có đoạn dài , có đoạn đứt khúc làm tiều tụy thêm dáng vóc gầy gò lưa thưa nhúm tóc bạc phơ. Khuôn mặt của ông rất giống ông Giáo, nếu không lệch tuổi tác, người ta có thể lầm tưởng là anh em song sinh. Ở chung nhà cả tuần mà hai người vẫn tránh nhau. Nhưng hôm nay là ngày giỗ ông bà nên buộc lòng anh em phải ra cúng lễ và đối thoại nhau. Trước bàn thờ gia tiên, người anh môi run run, mặt xúc động lên tiếng trước: -Chú vẫn khỏe? Ông Giáo bừng cặp mắt đỏ, đôi gò má run run, tiếng nói bỗng khàn xuống: -Cảm ơn anh cả tôi chưa chết! Khuôn mặt người anh bỗng nhíu lại: -Sao chú lại nói thế ? Chú còn giận anh hả? Chuyện của chú lúc trước... Người em cau mặt, cắt ngang: -Thôi, tôi xin anh đừng nhắc chuyện xưa! Người anh quay mặt ra cửa, dấu giọt lệ trong khóe mắt, thổn thức giải bày: -Chú trách tôi là phải. Nghe tin chú Út và chú bị đưa đi học tập, còn thím bị mất trên vùng kinh tế mới, tôi rất buồn! Tuy có ngỡ ngàng và chẳng hiểu tại sao các chú lại chịu làm tay sai cho Mỹ để làm giàu ?. Nhưng trong tình máu mủ gặp hoàn cảnh như thế thử hỏi làm sao mà tôi không đau lòng?! Ông Giáo gằn giọng: -Thôi, xin cảm ơn lòng tốt bác đảng của anh! Người anh vẫn nhìn ra cửa trầm giọng nói: -Mãi đến bây giờ, vào đây tôi mới vỡ lẽ, đã hiểu tất! Chú tha lỗi và thông cảm cho tôi, mấy chục năm bị bưng bít tuyên truyền, tôi đã hiểu sai!Tôi có mắt mà cũng như mù! Nhưng chú cũng chẳng hiểu Hà Nội sau năm 1954, và người dân Hà Nội nghĩ gì? Chú đừng tưởng một giáo sư đại học lâu năm như tôi là có quyền thế ?Dưới Xã Hội Chủ Nghĩa người trí thức rẻ hơn Bèo! Người anh quay mặt lại nhìn em, giọng lên vút : Chú tưởng những người vào đảng đều vì lý tưởng cả sao? Và cứ ở trong đảng là có quyền sao? Ông hạ giọng nphân trần : …Đành rằng phải phấn đấu mới vô được đảng nhưng trong đảng đâu phải ai cũng nhiệt thành cả?..Cũng có người nầy kẻ nọ chứ! Trừ một số ít lãnh đạo, quán triệt được đường lối tư tưởngchủ nghĩa Cộng Sản, còn lại hầu hết người ta chẳng hiểu gì về Cộng sản, họ vô đảng là chỉ hòng kiếm cơm, nhắm vào tem phiếu thôi. Hơn nữa không vô mà được hả? Bộ máy đảng sẽ sẵn sàng nghiền nát những đối tượng tiêu cực. Họ trì triết phê bình rồi trù dập có nước mà tự tử! Hồi năm 46 chú mới qua Pháp, anh về, lúc ấy cả nước đang sôi sục khí thế chống thực dân thì anh cũng phải lên đường vào chiến khu như bao nhiêu người khác thôi. Chú xem bản thân gia đình ta đấy: Nào địa chủ, lại còn phong kiến quan lại theo Tây, cả anh lẫn chú và em Thảo lại du học Pháp, thuở đó Hà Nội có mấy người?Làm sao mà họ không phê phán về quan điểm lập trường của gia đình ta theo Pháp, Mỹ, khi mà em Thảo thì ở lại luôn bên Pháp, còn chú mang cả gia đình di cư vào Nam, dẫn theo chú Út, chỉ có Bố là ở lại vì bệnh tình lúc đó quá nặng nên không thể theo gia đình chú được! Vả lại bố muốn yên nghỉ gần ông bà, do đó mẹ phải ở lại trông nom bố thì anh có muốn vào Nam cũng không đành! Chú đi lúc ấy là phải, anh đã chứng kiến nào là chỉnh huấn, nào là cải cách ruộng đất. Chú còn nhớ, chính anh đã khuyên vợ chồng chú và chú út nên đi, đừng bịn rịn, bố mẹ ở lại đã có anh lo?… Ông Giáo mặt cúi xuống, hình như đang xúc động. Người anh bước lại, ngồi xuống ghế, giọng bùi ngùi kể tiếp: -Sau khi bố mẹ qua đời, tôi nào được yên thân. Bao nhiêu năm miệt mài trong chiến khu thế mà vẫn bị dòm ngó. Tôi bị người ta nói bóng gió, xỏ xiên nhiếc móc nào là trí thức phản động, địa chủ cường hào, quan lại bóc lột, thân nhân bám theo Mỹ Diệm. Xuýt tí nữa thì bị dính vào vụ án "Nhân Văn Giai Phẩm". Tôi bị quy tội quan hệ với những người trí thức tiểu tư sản trong nhóm Nhân Văn. Chao ôi! Những người trí thức văn nghệ sĩ đó cũng bao nhiêu năm miệt mài trong kháng chiến, thế mà chỉ vì muốn bảo vệ chút tự do tư tưởng, tiếng nói riêng tư phát từ đáy lòng khác với đảng, mà bị trù dập, họ sống dở chết dở! Tôi thật là may, Trời thương đã che chở mới thoát qua. Chú đừng tưởng họ quên quá khứ của gia đình ta, dù tôi cũng đã đóng góp biết bao công sức trong thời gian kháng chiến! Có lẽ nhờ số ruộng đất của ông bà nội, ngoại cùng dãy nhà ở Ha Nội của bố mẹ đều dâng hiến tất cho nhà nước trước khi các cụ qua đời mà tôi mới được yên thân, nhưng họ vẫn ruồng bỏ như một thứ ghẻ lạnh! Kể từ ngày dó tôi quyết tâm vô đảng, tìm cái vỏ bọc che thân, và tôi đã lập gia đình, tuy muộn nhưng bớt bị dòm ngó. Mẹ cháu Ngọc là giáo viên nhỏ hơn tôi hai giáp tuổi, chị em sau bị chết trên đường sơ tán! Ngày hay tin các em bị đưa đi cải tạo, tôi có nhờ một vài người bạn thân tìm người chạy để bảo lãnh các em ra. Nhưng họ khuyên đừng dính vào tội gián điệp và tâm lý chiến, nhất là lúc ấy nội bộ của các ông lớn đang phân hóa, người theo Tàu, kẻ theo Liên Sô, còn những ai đã từng vào công tác trong Nam đều bị nghi biến chất phục Mỹ. Do đó tôi đã ngần ngại không dám, khiến điều ấy dày vò tâm hồn tôi mãi đến hôm nay! Nói đến đấy, người anh ôm mặt nức nở gục trên đầu gối, kể tiếp: -Năm ngoái anh có đi tàu hỏa ra Thanh Hóa, chờ ô tô vào tận huyện Như Xuân mất cả ngày đường, rồi còn băng rừng, vượt sông vượt suối suốt hơn 20 km mối đến được trại cải tạo Thanh Phong, chỗ giam chú út. Đây là khu vực thuộc biên giới Lào, hồi còn trẻ anh cũng đã đi qua, nhưng nay tuổi đã cao. Ôi thật là gian nan mới đến được. Nhưng khi đến nơi rồi mới đau lòng!… Mọi người hoảng hốt. Người em dâu, mặt biến sắc chạy lại lay vai người anh cả hỏi giật: -Chồng em ra sao? Ông biết người em dâu đã lầm nên vội vã nói: -Chú ấy khỏe! Mọi người có mặt đều thở nhẹ nhõm, ông ngậm ngùi kể tiếp: -Anh nói là đau lòng không phải là chú út có chuyện gì, điều mà anh đau lòng là anh thân già, lặn lội đường xa đến thăm chú mà chú lại không chịu ra gặp, lấy cớ là bệnh. Anh lại quay lại huyện Như Xuân ngủ một đêm, hôm sau trở lại trại Thanh Phong nhờ đến người cán bộ trưởng trại, họ cho công an dẫn chú ra, sau đó công an rút lui để anh gặp riêng chú. Nhìn chú thiểu não trong bộ đồ tù mà anh đứt ruột, hình ảnh thời thơ ấu của chú bỗng hiện ra trong trí anh. Hồi đó anh em ta thường hay dắt chú đi chơi, mỗi lần như thế chú Út tthường đòi ăn quà của những người bán hàng rong Bờ Hồ. Giờ, gặp mặt đứa em út thân yêu thì chú lại xem anh như kẻ thù! Dẫu xa cách mấy chục năm không gặp nhau, anh vẫn nhận ra chú vì chú út rất giống mẹ, dù lúc đó chú ấy để râu. Chú ấy cứ im lặng và quay đi không thèm nhìn mặt anh .Anh rất giận định quay về nhưng chợt nghĩ dù sao anh cũng là anh cả, lại hơn chú hai mươi mấy tuổi. Anh đắn đo chưa biết mở lời ra sao, chẳng lẽ anh em cứ ngây như tượng đá ?! Anh cảm thấy sự bất hạnh cứ đeo đuổi gia đình mình mãi! Chợt anh nhớ đến bố mẹ, và anh liền hỏi: Chú có muốn nghe chuyện bố mẹ mất ra sao không? Quả nhiên mắt chú sáng
lên và dồn dập hỏi anh. Các em có biết không, anh bật khóc.
Anh khóc không phải là chú út nhắc đến bố mẹ mà anh khóc
là tình anh em chưa dứt hẳn ; vì còn chỗ dựa là cùng huyết
thống. Anh kể cho chú nghe sơ chuyện gia đình. Anh em tâm sự
cũng hằng giờ. Số quà mà anh mang theo, chú nhận hết,
ngoại trừ ít sách về tư tưởng.
-Anh Cả mang về những thứ nầy mà dùng, anh cần nó hơn em ở đây em đã dùng nó thế cơm hằng ngày nên phát ngấy! -Nhìn thái độ khẳng khái của chú, anh thầm cảm phục khí phách của chú . nhưng thấy ánh mắt loé lên những tia sắc sáng quắc như muốn chọc thủng thù địch; anh bỗng phì cười và tội nghiệp chú, là sĩ quan tâm lý chiến mà chẳng hiểu gì về Cộng sản cả! Chú nào biết muốn thoát khỏi nanh vuốt Cộng sản hoặc là câm như tượng đá hoặc là phải thành vẹt nhắc thuộc lòng khẩu quyết của Cộng sản thì mới mong tồn tại, nhất là tránh được cái họa mồm để khỏi bị chết oan! Trươc khi về, anh còn căn dặn: -Em phải cố bảo trọng sức khỏe và cố giữ cái mồm, muốn gặp mặt vợ con thì nên vạch đầu gối ra mà than,tai vách mạch rừng cả đấy!'. Người em dâu nghe ông anh cả kể chuyện về chồng mình mà rưng rưng nước mắt, bà hài lòng về sự bất khuất chồng nhưng lại lo sợ cho sự an nguy của chồng. Bà bước ra tủ lấy chai rượu Whisky và nói: -Các anh mấy chục năm mới gặp nhau cả tuần nay gặp mặt nhưng lạnh nhạt khiến căn nhà giữa mùa hè Sài Gòn mà em cảm thấy giá băng như Bắc cực Hôm nay nhờ hồn thiêng của ông bà, hai anh tha hồ hàn huyên, có khi cả tháng vẫn chưa đủ,các anh nên uống mừng ngày họp mặt. Em mừng vì thấy anh cả dù sống trong lòng chế độ miền bắc mà tư tưởng vẫn phóng khoáng, nhất là đã hiểu được tâm tư và đời sống trong Nam! Bà thở dài rồi nói tiếp: -Em tiếc là chồng em bị đưa ra bắc chẳng biết ngày nào về. Nhưng mẹ con em thế nào cũng liệu. Ở lại đây ngày nào là phập phồng lo ngày đó, chẳng biết họ đến bắt khi nào. Gần cả năm nay em đã nhiều chuẩn bị..Anh cả vào đúng lúc, anh có muốn đi vượt biên với gia dình em không? Khuôn mặt người anh thoáng xụ nét buồn, ông nhấp ly rượu, lắc đầu: -Rượu ngon quá, mấy chục năm nay, anh mới được hớp rượu ngon như thế nầy! Ông Giáo vừa nhấp rượu vừa hỏi: -Anh Cả chưa trả lời thím Út. Sao anh có muốn đi với gia đình thím Út không? Đôi mắt người anh cả đỏ lên vì quá xúc động. Ông mếu máo hỏi như than: -Các em không sợ anh đi tố giác à? -Qua trực giác, em tin là anh cả không thể hại các em và các cháu! Người anh cả gật đầu cười chua xót: -Cảm ơn thím tin. Anh của các em nào tán tận lương tâm như thế? Nhưng em cũng nên thận trọng, chế độ nầy đã cướp đi tính trong sạch và lòng tốt của con người..Người Miền Nam thật hay dễ tin quá, rồi đây Miền Nam còn phải chịu nhiều thay đổi đau thương nữa !… Ông nhích ra co ro ngồi ở mép ghế, mặt buồn xo, nói tiếp: - Anh cũng đã từng du học Pháp, Liên Sô nhưng hình như anh giống bố phải chết ở quê nhà, các em ạ! Anh suốt đời chỉ làm kẻ tiễn đưa...Anh già rồi! Ở đâu mà chẳng chết? Hơn nữa anh đang mắc chứng bệnh nan y, qua đó chỉ làm khổ các em và cháu! Nếu có thể được xin cho cháu Ngọc đi theo, cháu mới vào Đại học, tương lai thì chẳng biết ra sao! Được như thế là anh mãn nguyện vô cùng biết ơn các em.… Nghe anh cả trình bày tấm lòng khiến ông giáo và người em dâu đều bùi ngùi và đồng cảm. Họ tiếp tục tâm sự, kể lể cho nhau nghe những vui buồn của quãng thời gian bao năm xa cách. Bao nhiêu đắng cay phiền muộn của người anh cả chất chứa trong mấy chục năm bỗng được xả ra, ông cảm thấy tâm hồn được nhẹ nhõm. Tuy sức khỏe đã kém, lại được rượu ngon nên ông uống quá nhiều, người đã nhũn ra nhưng môi vẫn nhấp, hòa với những giọt nước mắt lăn dài trên má. Ôâng nức nở nói: -Suốt mấy chục năm,, anh ao ước gia đình anh em mình được đoàn tụ, thế mà nào có trọn ước mơ! Ôi bao cảnh não lòng. Chiến tranh đã cướp đi bao tuổi thanh xuân và xương máu của những người vô tội chỉ vì chủ thuyết hư vô. Người chết thì oan khuất, tức tưởi, còn người sống thì lơ láo. Kẻ chiến thắng cô đơn trong vinh quang và lạc loài giữa đất nước. Kẻ bại thì người biệt xứ, kẻ ở lại lớp tù đày, lớp đói khát câm nín như chiếc bóng trên chính quê hương trong chua xót tủi nhục!… Ông bùi ngùi than: -Họ tàn nhẫn lắm, các em ạ! Họ dùng người rồi vắt chanh bỏ vỏ! Ông ngẩng đầu lên, mắt sáng quắc, mặt đanh lại, nói: -Nếu chỉ vắt chanh bỏ vỏ thì mới chỉ là loại đểu. Đằng nầy nó miết lấy hết chất nước xong rồi lấy vỏ đem phơi khô tán thành thuốc bắc rồi đem bán cho người khác. Họ không bỏ thứ gì cả. Thế có ác không chứ?! Các em bằng mọi giá nên đi đi cho cháu Ngọc của anh theo với! Dứt câu, người anh cả gục đầu trên bàn ngủ say. Sau hai tuần lễ lênh đênh trên biển cả, vượt bao nguy hiểm sóng gió bão bùng Có lúc đoàn người rú lên tưởng cơn sóng đã nhận chìm chiếc thuyền đầy nhóc người xuống đáy đại dương. Chiếc thuyền chở gia đình người em dâu và bao người khác cuối cùng đã đến được bờ tự do. Lên đảo Palawan, ông giáo không theo gia đình người em dâu và đứa cháu con ông anh cả sang Mỹ. Ông thích qua Pháp vì có các con bên nầy. Sang đây, tuổi của ông đã gần sáu mươi, cái tuổi rất khó tìm được việc làm, cũng may nhờ người giới thiệu nên có một việc làm tạm trong thư viện nhưng cũng kéo gần được chục năm. Về sau, do sức khỏe quá kém, ông đành phải nghỉ việc và ở nhà lãnh tiền già. Ấy thế mà ông cũng dành dụm tí tiền gởi về cho bạn bè, thân nhân còn ở bên nhà. Chẳng bù cho đám con của ông ở bên nầy đều thành đạt cả, nhờ ngày trước, lúc còn chiến tranh ông gởi chúng đi du học. Lương chúng rất cao nhưng nào thí cho ai một xu! Đứa thì tiền đổ vào sòng bạc Casino, đứa thì còn mãi dẫn cô vợ đầm đi chu du thế giới, còn cô con gái út thì thích xe đẹp, nhà sang. Thật là vô phúc! Con làm bác sĩ mà bố lại phải nhờ người khác. Cả bố chúng mà họa hoằn lắm, có khi cả năm mới tạt qua giây lát rồi biến, thì đừng phí công đòi hỏi lòng nhân ở những tâm hồn vật chất ấy! Cô Thảo, em gái kế ông, qua Pháp du học đầu năm mươi, sau khi học xong đã theo chồng sang Mỹ lập nghiệp, nhiều lần sang Pháp mời ông qua Mỹ ở nhưng ông đã từ chối. Ông có mấy người bạn thân tuy còn ít tuổi hơn ông nhưng lại rất hợp với ông về tư tưởng và quan niệm sống, nhất là ông rất thích về văn học, nghệ thuật. Thời gian còn làm ở thư viện đã giúp ông mở mang thêm trí tuệ, có thể nói ông đã đọc quá nửa số sách trong thư viện, nhờ thế ông đã khám phá nền văn học nghệ thuật của thế giới thật bao la, vĩ đại./. |
|