Chim Việt Cành Nam              [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]
HỒ XUÂN HƯƠNG ĐI BUÔN (1807-1811)

"MẸ GIÀ NHÀ TÚNG, ĂN Ở KHÔNG YÊN ỔN"

TS Phạm Trọng Chánh

Trong bài tựa Lưu Hương Ký, Tốn Phong viết: " Từ đó (sau lần đến thăm xuân 1807) có những lúc tôi phải vào Nam, ra Bắc, không thể cùng nhau sớm hôm xướng họa. Còn Xuân Hương cũng vì mẹ già nhà túng mà ăn ở không được yên ổn. " Hồ Xuân Hương làm gì trong thời gian này mà Tốn Phong gọi là " ăn ở không yên ổn ?"

Điều làm các nhà nghiên cứu về Hồ Xuân Hương ngạc nhiên là nàng "đi du lịch” rất nhiều ? Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tam Đái, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Đông, Tuyên Quang.. Các địa danh lưu lại trên các bài thơ. Tại sao Xuân Hương đi nhiều như thế, lý do gì ? phương tiện nào ? Xuân Hương làm gì có tiền nhiều để đi du lịch, với năm ba hầu gái ?

Theo tôi Xuân Hương đi buôn vì hoàn cảnh mẹ già, nhà túng, phải đi buôn bán các hội làng, hay bán cho các phú hộ, các quan các trấn. Đi buôn với các chị em bạn, vợ và em gái Tử Minh làng Nghi Tàm, với các học trò. Các chuyến đi bằng thuyền, bằng xe ngựa. Đem hàng hóa đến bán cho các Hội làng: Lĩnh đen, tơ lụa làng Nghi Tàm, giấy làng Bưởi, sách hàng Gai, tranh Đông Hồ, Hàng Trống, sách Hàng Gai. Bút, nghiên, mực tàu, son.. Ngày xưa nước ta chỉ có chợ phiên tại các trấn mở mỗi tháng vài lần, chợ Hội Đình làng nhân dịp lễ hội kỳ yên mỗi năm. Tại vùng quê các trấn các phú hộ, nông dân giàu có , có sức mua lớn nhưng không có hàng hóa, năm khi mười họa họ mới rời lũy tre làng quê ra tỉnh thành. Nên mỗi dịp lễ hội đình làng là một cơ hội, các chị em buôn bán thành thị đem hàng hóa đến vùng quê. Các phú hộ, các nhà quan các trấn huyện là nơi có sức mua lớn, người buôn vải, tơ, lụa, mỗi năm ghé ngang vào dịp trước tết hay sau vụ mùa gặp bà cả các nhà phú hộ, chi tiền mua vải vóc cho cả nhà, một người vài thước vải may vài ba bộ đồ, cả nhà phú hộ, năm thê bảy thiếp, con cái nhiều dòng, kể cả tôi tớ cũng bốn năm chục người, người đi buôn vải chỉ cần ghé vài nhà phú hộ quen biết là đủ bán hết số vải mang theo. Đến nhà quan bán sách, thì quan mua cho đủ nguyên các bộ sách và đủ loại giấy làng Bưởi: giấy ngư thư, giấy hoa tiên, giấy sắc, giấy lệnh, giấy hồng điều, giấy vàng, giấy bạc, giấy điệp, giấy ngũ sắc, giấy bổi. đôi khi cũng có giấy thiếp lan đình, loại giấy bìa cứng phủ kim nhủ nhập cảng từ các nhà buôn Trung Quốc.., các loại bút lông, nghiên đá mài mực, mực tàu, son, tráp, triện, ấn .. tóm lại là các "văn phòng phẩm " dùng cho huyện đường, trấn.. cả năm, còn dặn dò tìm cho các sách quan cần. Học trò cụ Đồ Diễn cha Hồ Xuân Hương chắc có nhiều người làm quan, Xuân Hương chỉ cần đến bán cho một người, học trò cũ ngày xưa rất kính nể gia đình thầy, chắc không nỡ nào từ chối mà còn giúp đỡ viết thư giới thiệu cho cô Xuân Hương đi bán cho các bạn quan khác trong quan trường, Xuân Hương chẳng mấy chốc có khách hàng khắp nơi, ra vào chốn quan quyền dễ dàng, các quan gặp Xuân Hương hay chữ đối đáp, làm thơ xướng họa. Tại Nam Định, Xuân Hương đã gặp gỡ trước năm 1809 Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tĩnh, và tại Phủ Tam Đái, (Vĩnh Tường), Việt Trì ngày nay năm 1811 Xuân Hương hội ngộ với Tri Phủ Trần Phúc Hiển.

Ngày xưa các quan hay văn nhân như Kim Trọng: Theo sau có một vài thằng con con, đứa thì mang tráp, đứa thì dắt ngựa ăn cỏ khi: Chàng Vương quen mặt ra chào, Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa. Quan hay văn nhân đi đâu thường có tiểu đồng cắp theo cái tráp gỗ có dây đeo, hay tay xách bằng gỗ hay tre, là một cái hộp gỗ, đựng giấy bút, cái nghiên và thỏi mực. Quan Hiệp trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán đến thăm Hồ Xuân Hương. Muốn viết thơ làm gì có tiện lợi như ngày nay chỉ cần, mở cặp, lấy cây viết máy giấy, bút. Thời xưa quan phải sai tiểu đồng, mở tráp lấy nước mài mực, và quan dùng bút lông chấm mực viết giấy có in hình con cá ở đầu tờ: Ngư thư vội thảo một tờ trình. Hồ Xuân Hương viết thơ cho Tốn Phong thì dùng giấy có in hình con chim nhạn: Hồng nhạn xin đưa ba chữ lại. Tú Uyên viết thơ cho Giáng Kiều thì dùng giấy Hoa Tiên, giấy có pha những cánh hoa nhỏ ép khô, hay in hình hoa, mây, tiên nữ in màu nhạt. Tú Uyên đi đâu cũng mang theo bầu rượu, túi thơ, muốn viết bài thơ phải có tiểu đồng mất 5 phút mài mực, văn nhân mà mài mực thì tay cũng lọ lem mất cả thi hứng, thời ấy chưa có bút bi, bút máy, bút phớt, bút chì như ngày nay, cũng chưa có bình mực với bút sắt lá tre, lá chuối đi học về hai tay lấm lem đầy mực như thời đầu thế kỷ 20..

Sau khi gặp Tốn Phong đầu xuân năm 1807, Xuân Hương Hồ Phi Mai đóng cửa hiệu sách, nên những lần gặp sau đó, trong thơ Tốn Phong cho biết : gặp Hồ Xuân Hương tại Cổ Nguyệt Đường: Bến Trúc làng Nghi Tàm (Bến Trúc mừng vui gặp mỹ nhân). Cuộc đi buôn chấm dứt vào năm 1811 vì tình hình vùng Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ bất an vì có loạn Đặng Trần Siêu, Võ Đình Lực, khởi nghĩa từ năm 1810 đến 1820 mới dẹp yên. Từ năm 1811 thế giặc hùng mạnh làm cho các con đường cái quan không còn yên ổn, họ thường chặn đường cướp bóc các thương nhân phụ nữ, các Hội làng không còn được tổ chức vui vẻ như thời thanh bình. May mắn thay cho Xuân Hương, năm 1811 Tử Minh, còn gọi là Cả Tân, người bạn thân dạy học làng Nghi Tàm bệnh mất đột ngột năm 40 tuổi, để lại lớp học, làng Nghi Tàm lại mời Xuân Hương thay Tử Minh dạy học cho con trẻ. Cuộc đời nàng lại qua một vận hội mới : Buồn thoa oanh khéo dập dìu tơ (Bài Cảm cựu tống tân xuân chi tác): các quan, các văn nhân đến viếng thăm nàng tấp nập..

Khác với vợ Tú Xương : "Lặn lội thân cò nơi quảng vắng, eo sèo mặt nước buổi đò đông". Vợ Tú Xương buôn bán lẻ, mua lại hàng hóa năm ba cái bán chợ làng quê kiếm lời nuôi "bốn con làm lính bố làm quan". Xuân Hương thuộc hạng buôn bán tận gốc lấy hàng từ cơ sở sản xuất làng Nghi Tàm, làng Yên Thái, làng Thụy Khuê.. nhờ quen biết hay vốn lớn hơn, thuê bao cả chuyến xe ngựa, hay cả thuyền cùng năm ba hầu gái đi đến các trấn, phủ, huyện. Và họ mua lại các nông phẩm địa phương, cây trái, vải, mít, đồ gốm.. đem về bán tại Thăng Long. Ngày xưa chưa có va-li họ dùng một tấm vải thô lớn, đặt hàng hóa vào giữa, cột hai đầu đối diện, hai đầu cuối để dài hơn vác trên vai.

Theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán trong Hà Nội nghìn xưa; nxb VH. Hà Nội 1975, tr 313.: " Từ thời Lý Trần, thuyền bè đã tấp nập trên các bến sông Thăng Long. Vên đê sông Hồng nông dân trồng dâu nuôi tằm, trồng hoa, hành tỏi ven sông Tô Lịch. Những thợ lò nung gạch ngói, nung chén bát sứ, lò tỏa khói đôi bờ sông. Thợ dệt chăm canh cửi ngày đêm thánh thót thoi đưa, dệt những tấm lụa, the, đoạn gấm, lĩnh. Thợ nhuộm, nhuộm thành lụa năm màu, vóc lĩnh năm màu. Các chú tiểu, sư bác, sư ông cần cù in kinh Đại Tạng, sách Phật và thơ. Phường Công bộ Ba Đình bận rộn với những công trình xây dựng. Những thợ vàng bạc Định Công (Thanh Trì), những thợ làm đồ mỹ nghệ, ngọc ngà châu báu.. đã chế tạo những sản phẩm tinh vi. Những thợ thủ công làm xe, kiệu, võng lọng, thợ giấy làm giấy phất quạt, giấy dó, giấy long ám sắc rồng. Những thợ đúc đồng đúc chuông, tượng đồ thờ, đúc tiền đồng. Những bến sông, những chợ nhỏ họp đều kỳ, những quán nước, những cửa hiệu của người trong nước và thương nhân ngoại quốc. "

Bài Qua sông phụ sóng, Xuân Hương làm thơ tức cảnh lúc đi buôn đò ngang:

QUA SÔNG PHỤ SÓNG

Chú lái kia ơi, chú biết rồi,

Qua sông rồi lại đấm ngay bòi.

Chèo ghe vừa khỏi dòng nước ngược,

Đấm cặc ngay vào nưóc ngấn xuôi.

Mới biết lên bờ đà vỗ đít,

Nào khi giữa khúc phải co vòi.

Chuyến đò nên nghĩa sao không nhớ ?

Sang nữa hay là một chuyến thôi.
 
 

Mượn cảnh qua đò, Xuân Hương đã tâm tình cảnh người đàn bà trao thân gửi phận cho người tình và bị tình phụ. Ca dao có câu : Trách lòng quân tử bia danh. Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao. Xuân Hương trách : Chuyến đò nên nghĩa sau không nhớ. Chuyện tình đâu chỉ một lần chiếm đoạt trinh tiết là hết, như một lần qua đò, đời người chỉ một lần qua đò thôi sao ?

Bài Quán Khách, Xuân Hương làm trên đường đi buôn. Có lẽ quán do người khách trú Trung Quốc lập ra chăng ? Người Hakka đảo Hải Nam thường đến nước ta mở quán bán tạp hóa, bán nước, lữ quán, Maurice Durand trong Thơ Hồ Xuân Hương chép Vịnh hàng ở Thanh. Có bản chép là Quán Khánh, Xuân Diệu trong Các nhà thơ Cổ điển, trích dẫn Văn Tân cho rằng Quán Khánh ở Thanh Hóa. Hai văn bản đều cho bài này Xuân Hương làm ở Thanh Hóa. Bài thơ thuộc loại vần khó làm như vần : Uông, Một đàn thằng ngọng " ứng xem uông ", phải là tay bản lĩnh như Xuân Hương, mọi người đều khâm phục thi tài ứng khẩu.

QUÁN KHÁCH

Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo,

Đường đi thiên thẹo quán cheo leo.

Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác,

Xỏ kẽ, kèo tre đốt khẳng kheo.

Ba trạc cây xanh hình uốn éo,

Một dòng nước biếc cỏ leo teo.

Nhìn xem phong cảnh vui là thế,

Nỡ để tri âm khách lạt tèo.

Chú thích :

Câu 7,8 Có bản chép

Thú vui quên cả niềm lo cũ,

Kìa cái diều ai thả lộn lèo.. Theo tôi hai câu này không hợp với bài thơ tả cảnh quán nước, chỉ là một câu của hiện tượng thích sửa đổi lời ca dâm tục, hay chế bài hát của người đời sau.

Bài thơ quán khách, tả một quán nước ở bên đường, cheo leo có đường đi nhiều ngã, mái cỏ tranh xơ xác, kèo tre đốt khẳng kheo, bên cạnh có ba trạc cây xanh, cây cảnh hình uốn éo. Một dòng sông nước biếc cỏ leo teo. Nhìn phong cảnh cũng đủ vui, chẳng để tri âm khách lạt tèo. Bài thơ dùng những chữ rất khó làm chúng tỏ ngưòi viết có thiên tài sử dụng ngôn ngữ, không phải ai cũng làm được bài thơ này. Từ đường nét với âm thành như một vũ khúc điên đảo lệch lạc, phải có tài thi ca làm thơ quỷ như Xuân Hương mới viết được bài thơ này.

Thơ Xuân Hương làm và đọc cho các chị em thương nhân nghe, để quên đường xa và cùng đùa vui. Xuân Hương đã bênh vực một cô vì cả nể một phú hộ nên có mang. Phong tục tại Thăng Long, với 36 phố phường tấp nập cũng đổi khác. Không chồng mả chửa không còn bị gọt đầu bôi vôi, thả bè trôi sông, hay đào hố úp bụng xuống đánh đòn vào mông, phạt vạ cha mẹ.

CHỬA HOANG

Cả nể cho nên hóa dỡ dang,

Nổi niềm có thấy hỡi chăng chàng ?

Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc.

Phận liễu sao đành nẩy nét ngang.

Cái nghĩa trăm nằm chàng nhớ chữa ?

Mảnh tình một khối thiếp xin mang.

Quản bao miệng thế lời chênh lệch,

Không có nhưng mà có mới ngoan .

Chú thích :

Câu 2 có bản chép : Nỗi niềm chàng hỡi biết chăng chàng.

Câu 3 chữ thiên là trời có thêm nét nhô trên đầu thành chữ phụ là chồng, ý nói chưa chồng.

Câu 4 chữ liễu, tượng trưng cho người đàn bà có nét ngang là chữ tử, ý nói có con trong bụng.

Lời chênh lệch : lời bàn tán mỉa mai.

Câu 7 : Ca dao có câu : Không chồng mà chửa mới ngoan. Có chồng mà chửa thế gian sự thường.
 
 

Xuân Hưong còn làm thơ hộ cho cô thị Dịu gửi chồng vì bị chồng chê xấu.

LÀM HỘ THỊ DỊU GỬI CHỒNG

Kén chọn làm chi thế hỡi anh,

Lấy ai khuynh quốc lại khuynh thành.

Vô duyên đến nỗi người chê Dịu,

Có đẹp chăng thì gái ở tranh.

Ghét mặt cục vàng ra cục đất,

Tắt đèn nhà ngói cũng nhà gianh.

Thay lời mượn bút đem thư gửi,

Nghĩ lại sao cho dạ được đành.

Bài này tựa do người đời sau thêm vào có điều không ổn là nếu có chồng rồi thì còn đâu mà kén chọn. Làm hộ Thị Diệu gửi bạn tình. Anh kén chọn vợ mà làm gì, anh có lấy ai sắc nước khuynh thành được đâu, anh chê Dịu là anh vô duyên đấy, chỉ có tố nữ trong tranh mới đẹp vẹn toàn mà thôi. Em là cục vàng, anh không thương nên tưởng lkà cục đất, khi tắt đèn yêu đương thì nhà ngói, nhà tranh cũng giống nhau. Nay em nhờ người viết bài thơ thay lời em, mong anh nghĩ lại, nỡ sao đành phụ em .

Bài Đèo Ba Dội, còn gọi là Tam Điệp hay Đường Trèo. Xuân Hương làm khi đi ngang qua núi Tam Điệp ở địa phận Thanh Hóa.

ĐÈO BA DỘI

Một đèo, một đèo lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Cửa son đỏ khè tùm hum nóc,

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.

Hiền nhân quân tử ai là chẳng ?

Mỏi gối chốn chân cũng phải trèo .
 
 

Chú Thích:

Khé: chữ cổ rất đỏ, có bản chép đỏ loét

Câu 4: Các bản quốc ngữ về sau chép" hòn đá", các bản chữ nôm viết Thềm đúng hơn, vì thềm đối với cửa.

Trong Hồ Xuân Hương thi tập bản Lê Quý chép trước năm 1893 có bài họa của một quan Huyện cùng đi với Xuân Hương.

HỌA BÀI ĐÈO BA DỘI

Đã khỏi Đèo Ông lại một đèo,

Nhác trông phong cảnh ngán trăm chiều.

Đất chùa mu giải xanh om cỏ,

Đá chởm gan gà trắng ợt rêu.

Một lạch lun phum con nước nhỏ,

Hai bên tem tẻm cái lưng eo.

Trẻ già dù có ai qua đó,

Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo.
 
 

Bài thơ họa này cho ta biết thêm một chi tiết, trên đèo có một ngôi chùa, đất hình mu con rùa lớn, hai bên đường đá gan gà, trắng móc rêu. Con đường qua đèo Ba Dội có nhiều người qua lại trẻ có, già có, từ hiền nhân quân tử đến người thường, các quan đi trấn nhậm cũng thường đi ngang qua đó. Ai lên đèo đều dừng chân nơi chùa nghỉ mệt. Một viên quan huyện trên đường đi trấn nhậm đã gặp gỡ, họa thơ với Xuân Hương chắng ?

Bài Đá Ông Chồng Bà Chồng theo Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trong Giai Nhân Dị Mặc, Hồ Xuân Hương làm trên đường đi Tuyên Quang.

ĐÁ ÔNG CHỒNG BÀ CHỒNG

Khéo léo bày trò tạo hóa công,

Ông Chồng đã vậy, lại bà Chồng.

Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc,

Thớt dưới sương pha đượm má hồng.

Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt,

Khối tình mài cọ với non sông.

Đá kia còn biết xuân già giặn,

Chả trách người ta lúc trẻ trung.

Khác với Hòn Chồng, Hòn Vợ ở Nha Trang hai cụm đá riêng biệt. Hay Hòn Trống Mái ở Sầm Sơn, Xuân Hương có làm bài thơ chữ Hán Vịnh Thạch Phu Phụ, chép trong Hương Đình Cổ Nguyệt Thi Tập, một tảng đá lớn và một tảng đá nhỏ bên cạnh. Đá Ông Chồng, bà Chồng là một tảng đá lớn đè trên một tảng đá nhỏ hơn, nên người ta đặt tên là đá ông Chồng, bà Chồng. Qua ngòi bút của Xuân Hương trở thành tác phẩm điêu khắc cảnh làm tình của thiên nhiên. Tầng trên đá bạc rêu trắng như tuyết điểm, tầng dưới má thẹn ửng hồng. Gan nghĩa giải ra cùng mặt trời mặt trăng năm tháng, Khối tình vẫn mài cọ với non sông. Đá kia còn biết có xuân huấn chi người t lúc còn trẻ. Những chữ giải ra, mài cọ thật sinh động tài tình, đường nét điêu khắc thật sống động và tài tình.

KẼM TRỐNG thuộc huyện Kim Bảng tỉnh Ninh Bình, một dòng sông hẹp chảy giữa hai vách núi.

KẼM TRỐNG

Hai bên thì núi, giữa thì sông,

Có phải đây là Kẽm Trống không ?

Gió giật sườn non khua lắc cắc,

Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.

Ở trong hang núi còn hơi hẹp,

Ra khỏi đầu non đã rộng thùng,

Qua cửa, mình ơi nên ngắm lại,

Nào ai có biết nỗi bưng bồng.

Gọi là Kẽm Trống vì thiên nhiên đang chơi trống. Gió thổi qua sườn non thông rì rào khua lắc cắc, nước chảy vang dội kêu long bong suốt ngày. Ở trong hang hai vách núi giao lại như bị núi đè, ra khỏi non rộng thùng sảng khoái. Một dấu phảy sau chữ cửa, mình ơi thật thú vị. Đời nay có Bút Tre viết: Chị em du kích giỏi thay, Bắn trúng giặc Mỹ rơi ngay cửa mình.

Bài thơ

ĐỀ ĐỀN ĐỀN SẦM NGHI ĐỐNG

Ghé mắt trông lên thấy bảng treo,

Kìa đền Thái thú đứng cheo leo,

Ví đây đổi phận làm trai được,

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.

Dân Việt Nam thật lạ lùng, Liễu Thăng bại trận bị phục binh Việt chém chết bởi Lê Lơi, nhà Minh đòi người vàng thế mạng mỗi lần đi cống. Sứ thần Ngô Thời Vị cười là nhà Minh ngu, tướng bại trận có gì là vinh hiển mà cứ nhắc hoài cái nhục của mình. Tướng Sầm Nghi Đống bại trận không kịp chạy theo Tôn Sĩ Nghị thắt cổ tự tử, nhân dân ta vẫn lập đền thờ để Hồ Xuân Hương đi qua: Ví đây đổi phận làm trai được, Thì sự anh hùng há bấy nhiêu. Làm trai anh hùng chiến đấu đến cuối cùng đền nợ nước, cớ chi phải mượn dây thắt cổ tự vẫn. Sự nghiệp anh hùng chỉ bấy nhiêu sao ?. Xuân Diệu đổi chữ trông lên, thành trông ngang, để tán chữ ngang không đúng vì đi ngang qua Hà Đông đền nằm trên cao, làm sao trông ngang được ?

Trong Xuân Hưong Thi Tập, Phúc Văn Đường tàng bảng. Hàng Gai Hà Nội 1921 có chép bài thơ Vịnh Bãi Bình Than và hai bài thơ Đề núi Lã Vọng. Các bài này không có trong các thi tập Hồ Xuân Hương. thơ vịnh cảnh Bình Than là tên một con sông ở huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh chỗ sông Đuống nối với sông Thái Bình. Vua Trần Nhân Tôn (1279—1293) nghe Thoát Hoan Toa Đô dẫn 50 vạn quân Mông Cổ, giả tiếng mượn đường ngang qua nước ta đánh Chiêm Thành, bèn ngự thuyền ra sông Bình Than, hội các vươnghầu bàn kế chống giữ.

THƠ VỊNH BÃI BÌNH THAN

Một đụn Bình Than vành vạnh tròn,

Bốn mùa nước chảy chẳng hề mòn.

Li ti vó cất bên kia suối,

Thủng thẳng chài buôn mái nọ non.

Dặm dọ đầu ghềnh sào một cột,

Lênh đênh mặt nước đá hai hòn.

Ngư ông chèo khiến khoan lại nhặt.

Thủng thẳng trèo lên đá dựng con.

Lã Vọng hay Lữ Vọng là tên Khương Thượng tự là Tử Nha người đời Châu, học đủ sáu phép thao lược. Thuở hàn vi bị vợ bỏ đi lấy chồng khác. Tử Nha không màng, cứ ngồi bàn thạch sông Vị Thủy câu cá chờTới 80 tuổi, vua nhà Châu rước về làm Thừa Tướng đánh Trụ, dựng nghiệp cho nhà Châu hơn tám trăm năm. Có nhiều núi bên bờ sông Việt Nam mang tên Lã Vọng, chưa xác định được Hồ Xuân Hương vịnh nơi nào.

THƠ ĐỀ NÚI LÃ VỌNG

Ông xuống chi đây mới lạ đời,

Hay là ông xuống thử ngối chơi.

Mình chen trời đất so gan đá,

Bạn với nước non trả kiếp người.

Nhật nguyệt hai vầng soi trước mặt,

Càn khôn một gánh sẵn hai vai.

Có ai hỏi lão đà bao tuổi,

Từ thửa ta ra mới có trời.
 
 

THƠ ĐỀ NÚI LÃ VỌNG. BÀI II

Lão được như ông mấy lão so,

Biếng đường danh lợi chẳng bôn xu.

Bằng cùng trời đất dầy niên kỷ,

Bền với non sông dãi phát phu.

Trốn ẩn chẳng màng đôi Hứa, Phủ,

Cuộc cờ thường trải mấy Thươn, Chu.

Có ai hỏi lão bao nhiêu tuổi,

Kể tự hồng hoang biết mấy thu.
 
 

Chú Thích:

Hứa Do, Sào Phủ: Hứa Do sau khi nghe vua Nghiêu muốn truyền ngôi cho vì vua Nghiêu nói rằng Hứa Do có tài lại là nhân đức, Hứa Do cho là việc nhơ bẩn sợ dơ tai , bèn xuống sông rửa tai. Sào Phủ đương cho trâu uống nước, chợt thấy bèn hỏi, Sào Phủ nghe câu chuyện mới nói: "Anh đi đâu đó mà nghe người ta nói. Nghe mà rửa tai thì đừng nghe có hay hơn không ?", Nói rồi bèn dắt trâu lên trên dòng mà uống nước. Hứa Do hỏi, Sào Phủ trả lời: "Vì không muốn trâu tôi uống nước dơ".

Thương, Chu: Hai triều đại Trung Quốc thời Cổ Đại còn nhiều phỏng đoán mơ hồ., cuối thời nhà Chu là thời Xuân Thu Chiến Quốc mới có sử gia Tư Mã Thiên ghi chép lịch sử rõ ràng..

Hồng hoang: thời khai thiên lập địa, có bản chép hồng mong không đúng.

Trong Hương Đình Cổ Nguyệt Thi tập của Hồ Xuân Hương, tìm được ở Huyện Hải Hậu, Nam Hà năm 1973 có bài thơ chữ Hán Quá Khinh Dao từ hoài cổ. Bài thơ Hồ Xuân Hương làm nhân đi qua đền danh tướng Phạm Đình Trọng (1714-1754), danh tướng đời vua Lê Hiển Tông, ở làng Khinh Giao, huyện Giáp Sơn trấn Hải Dương nay thuộc thành phố Hải Phòng. Hồ Xuân Hương làm bài thơ này nhân chuyến đi buôn tận Hải Phòng hay trên đường đến nơi trấn nhậm của chồng chăng ?

QUA ĐỀN KHINH DAO NHỚ CHUYỆN XƯA

Non biển tang bồng xưa đến nay,

Đường dài từng bước chạnh lòng thay !

Trước sân voi ngựa đôi vòng bạc,

Trong điện y trang ngọc một đôi.

Cây cỏ âm thầm đông tuyết giá,

Núi sông buồn vẫn nhớ người đây.

Cao xanh có ý sang thời mới,

Gió cuốn bụi hồng sạch kiếp này

Thơ Hồ Xuân Hương, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

QUÁ KHINH DAO TỪ HOÀI CỔ

Sơn hải tang bồng dĩ cổ lai,

Trường đồ trước cước xạ quan hoài.

Đình tiền tượng mã song ngân tỏa,

Cung lý y quan ngọc một đôi.

Thảo mộc ám tùy đông tuyết lão,

Giang sơn hoài vị tích nhân ai.

Hoàng thiên hữu ý khai tân vận,

Phong quyển hồng trần phất kiếp hôi.

Nhân đến đền Khinh Dao, nghĩ đến chuyện biển xanh hóa thành ruộng dâu xưa nay mà chạnh lòng. Trước sân đền chỉ còn voi ngựa bằng đá với đôi vòng bạc. Trong điện còn thờ y trang và một đôi ngọc của danh tướng. Cây cỏ âm thầm mùa đông qua, núi sông vẫn còn buồn thương vị danh tướng bị gian thần Đỗ Thế Giai dâng rượu đầu độc chết năm 40 tuổi. Trời đất có lẽ sắp sang vận hội mới. Gió cuốn cho sạch bụi trần cuộc đời này.

Một bài thơ không tựa chép trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương, ghi lại nỗi lòng Hồ Xuân Hương, sau khi đem sách và giấy bút bán cho quan Tri Phủ Tam Đái (Vĩnh Tường) Trần Phúc Hiển, người sẽ trở nên người bạn đời Hồ Xuân Hương, ba năm hạnh phúc trên Vịnh Hạ Long. Tôi lấy hai chữ trong bài đặt tên :

SẦU RIÊNG

Thắc mắc sầu riêng khó gỡ ra,

Đèn tàn khêu mãi thấy thêm hoa.

Muốn về nhưng có về sao đến,

Biếng nói song le nói được mà.

Sông Bắc trông chừng chênh bóng thỏ,

Lầu Nam nghe tiếng trống canh gà,

Trăm năm gặp gỡ là bao nả,

Thắc mắc sầu riêng khó gỡ ra.

Được một vị quan môn sinh của cha giới thiệu, Xuân Hương mang sách, giấy bút đến cung cấp cho quan Tri Phủ Tam Đái (Vĩnh Tường), Nghe tiếng thơ văn nàng, viên tri phủ ân cần tiếp đón, rồi cùng trân trọng mời nàng xướng họa thi văn. Hai bên cùng phải lòng nhau. Lần gặp gỡ đầu tiên, nàng canh cánh bên mình như vướng phải tơ tình khó gỡ mối tơ ra, thức bên đèn, khêu thêm ngọn bấc cho đèn cháy sáng lòng rộn rã giấc mơ hoa tình yêu. Gặp chàng lòng muốn về nhưng cứ lưu luyến không về được. Gặp nhau nhìn nhau trong mắt, hiểu lòng nhau nhưng nói chẳng nên lời. Từ sông Bắc, Tam Đái Giang, phủ Tam Đái, Vĩnh Tường nay là Việt Trì nơi chàng trấn nhậm vầng trăng chênh chếch bóng. Nơi lầu Nam, hiệu sách phố Nam thành Thăng Long nàng thao thức cho đến lúc trống canh điểm gà gáy sáng. Trăm năm có duyên gì với nhau mà lòng rối như tơ vương khó gỡ ra.

Thời gian viết bài thơ có lẽ khoảng năm 1811, nàng đã yêu Tri phủ Tam Đái Trần Phúc Hiển, và trong thơ văn nàng từ đây, Hồ Xuân Hương đã từ chối những mối tình đến muộn và cho mọi người biết mình đã có người yêu: Đối với mối tình si của Tốn Phong: "Được lứa tài tình cho xứng đáng, Nghìn non muôn nước cũng tìm theo ", Xuân Hương cho biết đã tìm được người xứng đáng, dù chàng về trấn nhậm nơi nghìn non muôn nước vịnh Hạ Long, nàng cũng nhất quyết theo chàng. Dứt khoát với quan Chánh Sứ Nguyễn Du trong lần cuối cùng gặp nhau tại bến Thạch Đình sông Vị Hoàng năm 1813 : "Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập", mừng cho chàng hạnh phúc có nhiều thê thiếp và tình nàng: " Chữ tình ngang ngửa biết bao nhiêu, Một chút duyên xưa dở lắm điều". Xuân Hương dứt khoát với lời tán tỉnh của quan Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán: "Ngưng duyên bèo lạc với dòng thơ."

Paris 1-4-2014

TS Phạm Trọng Chánh

Phạm Trọng Chánh. Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne. Tác giả: Hồ Xuân Hương nàng là ai ? Khuê Văn 2000; Nguyễn Du , Mười năm gió bụi và mối tình Hồ Xuân Hương Khuê Văn Paris 2010. Truyện Thơ Odyssée qua 12110 câu thơ lục bát. Khuê Văn 2005. Sử Thi Iliade qua 16933 câu thơ lục bát Khuê Văn 2009. Tự điển tình yêu bằng thơ tình Xuân Diệu. Khuê Văn 2011.. Giáo Dục Việt Nam thời Pháp thuộc (1940-1945)Paris 1976. Giáo Dục Miền Nam Việt Nam 1954-1975 Paris 1980. Thơ tình Nhất Uyên (Huy Cận, Xuân Diệu đề tựa)Paris, 1996. . Công cha như núi Trường Sơn 1975.Cánh chim từ vùng lửa đỏ (thơ nhạc với Tốn Thất Lập)HSVST 1974. Bóng thời gian, Thời gian ta mãi mãi còn xanh (với Nguyễn Đăng Hưng Liège 1972). Chiêm Bao Trắng Thơ Sàigon 1969.