Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Việt Ngữ tương giao Văn Học và Triết Học 
viết từ năm 1950 của G.S. Trần Đức Thảo 

Trần Văn Nam

Cuốn sách mỏng "Triết Lý Đã Đi Đến Đâu?" của Giáo sư Trần Đức Thảo do nhà xuất bản Minh Tân ấn hành tại Paris năm 1950, khi lướt đọc qua, nó khiến ta vừa thấy khó hiểu vừa làm cho ta thoáng cảm nhận được cách viết có tính chất văn chương; và ta không khỏi lưu ý vẻ uyên bác trong cách sử dụng Việt ngữ viết từ năm 1950. Mới đọc qua có thể làm một số độc giả nản lòng vì không quen với những vấn đề thuộc Siêu Hình Học của lịch sử Triết học Tây phương.Thấy cũng khó hiểu dù lúc ấy người viết bài này có liên hệ quy chiếu với vài hiểu biết dòng lịch sử triết học Tây phương qua các cuốn sách "Siêu Hình Học" của ông Nguyễn Đình Thi (sách in trên giấy bồi, xuất bản thời tiền chiến); hoặc cuốn "Triết Học Tổng Quát" của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung. Vừa mơ hồ theo dõi cách lập luận, vừa thích thú thấy nó như cuốn sách hay về hành văn và sử dụng từ ngữ Việt. Đó là những cảm nhận mà người viết bài này đọc được cuốn sách trên khoảng năm 1964 nơi phòng khách bề bộn rất nhiều sách tại nhà ông Huỳnh Tấn ở Khu Xóm Mới thành phố Nha Trang (ông nổi tiếng là người tự học, kiến thức rộng, là Giáo sư Anh Văn ở Nha Trang trong thời quân đội Mỹ hiện diện đông đảo tại đây; và ông Huỳnh Tấn cũng là người từng nổi danh trên báo Sài Gòn với việc thực hiện chuyến đi Xuyên Việt bằng xe đạp). Gần như lãng quên cuốn sách ấy, cho đến khi đọc được bài báo "Triết Lý Của Trần Đức Thảo Đã Đi Đến Đâu?" của tác giả Phạm Trọng Luật (đăng trên Tạp chí "Hợp Lưu" số 79, ấn hành vào tháng 10 và 11 năm 2004, tại Westminster, California), trong đó ông Phạm Trọng Luật cho rằng cuốn sách viết năm 1950 của Giáo sư Trần Đức Thảo "giới thiệu lịch sử triết học Tây phương cho giới lao động Việt Kiều ở Pháp". Trọn tập sách "Triết Lý Đã Đi Đến Đâu?", nay có thể tìm đọc trong "triethoc.com.vn".

Ta có ngay một thắc mắc sau khi đọc bài viết của ông Phạm Trọng Luật: giới Việt kiều lao động ở Pháp vào đầu thập niên 1950 là ai? Phải chăng đó là những người Việt từ Việt Nam được đưa qua Pháp để tham gia vào quân đội Pháp chống Đức, rồi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, một số trong họ không trở về cố quốc mà ở lại Pháp sinh sống, hoặc do lập gia đình với phụ nữ Pháp. Vậy họ là những người lính xuất thân từ giới lao động hoặc nông dân ở Việt Nam. Sau chiến tranh Thế chiến ấy, họ đã khá lớn tuổi, do phải lo sinh kế cho gia đình, vậy chắc họ không mấy người lưu tâm tới những môn học khó đem lại lợi ích thực tế như môn văn chương hay triết học, làm sao có thể vướng bận kiến thức khúc mắc như dòng lịch sử triết học Tây phương qua tiếng Pháp, rồi lại phải đọc dòng lịch sử đó qua tiếng Việt rất nhiều từ ngữ Hán-Việt trong cuốn "Triết Lý Đã Đi Đến Đâu?" của ông Trần Đức Thảo. Hoặc kể tới giới Việt kiều lao động ấy là một số sinh viên Việt Nam, thuộc gia đình không khá giả lắm ở Việt Nam, đã được cha mẹ cố gắng cho xuất dương du học Pháp quốc, nên phải cố gắng tìm sinh kế tự túc để trút gánh nặng tài chánh cho cha mẹ ở Việt Nam. Những người này vốn học khá, nhưng đa số học tiếng Pháp ở quê nhà (vì vậy cha mẹ mới gửi đi với niềm tin tưởng con mình thành công trên đường học vấn ở Pháp). Vậy thì làm sao họ có thể là đối tượng để gửi tới tác phẩm viết bằng Việt ngữ trình độ cao như cuốn "Triết Lý Đã Đi Đến Đâu?". Nếu không phải nhắm tới giới lao động Việt kiều ở Pháp thì cuốn sách ấy nhắm tới những ai không thuộc giới lao động, ta muốn nói đến thành phần có việc làm tốt người Việt tại Pháp những năm đầu thập niên 1950. Những người này tương đối không nhiều lắm. Họ là những người nếu vừa giỏi tiếng Pháp (đã từng đọc qua lịch sử triết học) và vừa giỏi tiếng Việt thì mới quan tâm cuốn sách này. Ta nghĩ số người Việt giỏi tiếng Pháp thì nhiều hơn số người giỏi tiếng Việt tại Pháp vào thời ấy (Ở đây, ta không kể về "nói" mà kể về "đọc viết" ở trình-độ học-giả). Hay là cuốn sách nhắm gửi về cho sinh viên học sinh ở Việt Nam. Sinh viên học sinh tại Việt Nam vào thời ấy còn phải học chương trình giáo dục Pháp, số người thâu nhận kiến thức triết học bằng Việt ngữ chắc cũng không nhiều. Một số người có bằng Tú Tài Triết thuộc chương trình giáo khoa Pháp thì đa số biết kiến thức lịch sử Triết học Tây phương bằng tiếng Pháp. Trước năm 1950 chắc không nhiều sách viết bằng Việt ngữ về dòng lịch sử này, trong khi cuốn "Triết Lý Đã Đi Đến Đâu?" đã lập luận gần hoàn toàn trên nền tảng dòng lịch sử triết học Tây phương. Nếu giáo sư Trần Đức Thảo lập luận dựa trên nền tảng dòng lịch sử các chế độ chính trị của nhân loại thì chắc dễ hiểu cách lập luận hơn. Nghĩa là theo suy nghĩ "Vật Sinh Tâm" thì các chế độ chính trị đều phát sinh do những điều kiện kinh tế: có ưu thế do có được những sản phẩm từ đồng ruộng sở hữu; do mua bán thương mại; do phát triển giao thông trao đổi sản vật; do phát triển kỹ nghệ đem lại lợi nhuận... Với lập luận "Vật Sinh Tâm", kinh tế sinh ra tư-duy cai quản xã hội, nên đã hình thành chế độ phong kiến (dựa vào đất đai, thái ấp, dòng họ), hình thành chế độ quân chủ (vua chúa gồm thâu các địa phận do lãnh chúa cai quản), hình thành đế quốc (một nhà nước quân chủ mạnh gồm thâu các nước yếu), hình thành chế độ dân chủ cộng hòa (do các thành thị phát triển thương mại thành từng khu vực riêng như Hy Lạp thuở xưa)... Nhưng ông đã lập luận trên nền tảng các dòng tư tưởng mà đa số suy tư về nguyên ủy vũ trụ thuộc lãnh vực siêu hình, hoặc về tri-thức-luận (cách thức làm cho ta biết được ngoại giới), nên muốn biết cách lập luận ấy lại phải biết các suy tư siêu hình của các triết gia. Mà các suy niệm siêu hình của các triết gia có lắm tư tưởng khúc mắc khó hiểu, nên các lập luận "Vật Sinh Tâm" trên nền tảng ấy cũng không dễ hiểu. Ví dụ chủ trương siêu hình về nguyên thủy vũ trụ là Nước hay Lửa (như chủ trương của vài triết gia Hy Lạp); hay Thế Giới này có là do Thế Giới Ý Niệm làm khuôn mẫu (Platon); hay Tinh Thần và Tự Nhiên chỉ là Một trong hành trình hiện-tượng-hóa của Ý Niệm, nên tất cả đều là Tâm Trí từ khởi đầu vương tới trình độ cao cấp là Tinh Thần Tuyệt Đối (Hegel). Tuy nhiên, dù triết-thuyết Hegel khó hiểu ở chỗ làm sao Lý Trí và Tự Nhiên lại là một thể, nhưng Giáo sư Trần Đức Thảo trình bày làm ta thấy dễ hiểu phần nào cuộc hành trình siêu hình (dễ hiểu nhưng đầy huyền thoại) của tâm trí: "Ý Niệm nguyên khởi là thực tại trừu tượng, nhưng lại triển khai, tự ra khỏi mình và biến đổi thành Tự Nhiên, rồi trở lại mình và trở nên Tinh Thần. Tinh thần là thực thể đã tự giác, và nhờ sự tự giác đó đã hoàn thành Ý Niệm. Vậy cuộc biến chuyển thiết thực từ vật thể đến tinh thần chỉ là cách thực hiện của Ý Niệm.Ý Niệm tự bỏ phạm vi trừu tượng và thực-thể-hóa, rồi trở lại Duy Tâm". Huyền hoặc như vậy nên ta phân vân không hiểu hết ý tưởng của Hegel thường được nhắc nhở: Những gì thực là duy lý; những gì duy lý đều là thực (What is real is rational - what is rational is real). (Duy Lý thuộc Tinh Thần và Thực thuộc Vật chất, thuộc Hiện tượng: vậy phải chăng qua hành-trình hiện-tượng-hóa thì Tâm và Vật trở thành Nhất Thể? - hay Hegel quy ra không nói về siêu hình mà chỉ có ý nói về Hiện-thực-hóa của Ý-niệm trong công trình tạo tác nào đó của con người?). Nếu đề cập đến "Nhất Thể" thì đây là một trong những triết thuyết siêu hình hàm chứa giải đáp ẩn số vũ trụ; còn vấn đề "nhận thức được ngoại giới" là nhờ đâu trong một triết thuyết khác, cũng được Giáo sư làm giải tỏa được phần nào sự bận tâm trước đây mà ta đã vướng phải khi đọc tới triết lý của Kant. Ta không muốn sa đà vào sự phức tạp nên chỉ cốt nêu ra đây cách viết, cách trình bày khiến ta thấy dễ hiểu ý tưởng của Emmanuel Kant: Biết được hiện tượng tự nhiên là do những khuôn mẫu có sẵn trong tâm trí ta chụp vào ngoại giới. Giáo sư đã viết về điều đó như sau: "Emmanuel Kant sáng tạo, giải thích thực thể bằng sự hoạt động của linh tâm. Thực thể chỉ là những ý tượng trước ý thức, chứ không tồn tại một cách thiết thực ngoài chủ thể... thiết thực và khách quan cũng chỉ do ở nhịp tất nhiên trong chủ quan. Ví dụ như ta trông thấy một vật có một độ lớn nhất định trước mắt, ai cũng tưởngvật ấy tồn tại một cách bản nhiên ngoài hết ý thức. Sự thực đó chỉ là một số cảm giác và hình tượng trong ý thức... thế giới chỉ là kết quả của sự hoạt động tinh thần trong ý thức, thu thập ý tưởng thành đơn vị phổ biến, vật thể có tính cách duy tâm...". Và giáo sư Trần Đức Thảo đã lập luận ra sao, để đi tới kết luận các triết gia chủ trương như vậy đều do điều kiện kinh tế thương mại, do các triết gia thuộc giai cấp nào (giai cấp quý tộc vua chúa cha truyền con nối, hay giai cấp tiểu trưởng giả do buôn bán thương mại, hay giai cấp đại trưởng giả do lợi nhuận quá lớn từ phát triển kỹ nghệ). Đọc triết học như phiêu lưu vào những phức tạp tư tưởng siêu hình, lập luận trên nền tảng những vấn đề siêu hình lại càng phức tạp hơn. Vậy bài viết ở đây cố tránh tìm tòi vào lãnh vực phức tạp, điều cốt yếu là nêu ra những yếu tố thuộc về ngôn ngữ Việt giáo sư Trần Đức Thảo đã sử dụng để thử đặt ra câu hỏi: tác phẩm viết cho ai? Viết để làm gì?

Câu hỏi viết để làm gì có lẽ dễ giải đáp. Ông viết để tỏ rõ sự ủng hộ triết học Karl Marx. Ông viết tác phẩm để minh định lập trường đứng về một phía, không phải viết theo tính cách giáo khoa trình bày kiến thức, tuy nhiên ta đọc được những đoạn làm sáng rõ kiến thức như đã kể trên. Viết theo lập trường, nên ông sử dụng vài từ ngữ cốt biểu lộ sự phản đối như đôi khi gọi vài triết gia là những bọn, những tên. Sau khi viết một số tác phẩm triết học, trong đó gồm cuốn sách mỏng này, ông Trần Đức Thảo từ bỏ tương lai đầy hứa hẹn ở Pháp (đậu thủ khoa Thạc sĩ Triết học ở Pháp năm 1943, tác phẩm triết học bằng Pháp ngữ xuất bản năm 1951 của ông được đánh giá cao tại Paris), đã trở về nước năm 1952 để tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đi vào chiến khu Việt Minh ở Việt Bắc. Điều ấy cho thấy ông gắn bó theo lập trường của mình đã viết trong cuốn "Triết Lý Đã Đi đến Đâu?". Vậy câu hỏi ông viết để làm gì kể như được sáng rõ: viết để trình bày lập trường theo tư tưởng Karl Marx.

Nhưng tỏ bày lập trường của mình bao hàm muốn phổ biến lập trường ấy cho người khác, nên câu hỏi tiếp theo sẽ là: Viết cho ai? Viết cho ai mà lập luận trên nền tảng có ít người thông thạo là nền tảng dòng lịch sử triết học Tây phương. Viết cho ai mà sử dụng ngôn ngữ Việt uyên bác diễn giảng triết học, mà vào năm 1950 dường như chưa có tập Từ Điển Triết Học nào bằng Việt ngữ, cho nên có một số từ ngữ triết học do chính ông sáng tạo, nhân đó ông đã đóng góp vào kho Việt ngữ bộ môn triết học. Chẳng hạn để nói về tư tưởng nhân loại do điều kiện sinh sống ngày càng phát triển: khởi đi từ của cải tạo ra nhờ vườn ruộng thái-ấp, tiến đến của cải tạo ra nhờ buôn bán phát triển thương mại giao dịch, tiến xa hơn nữa là của cải tạo ra nhờ kỹ nghệ phát minh máy móc giúp sản xuất tăng cao. Do đó tư tưởng nhân loại ngày càng hướng về số đông. Từ thái ấp nhỏ hẹp của lãnh chúa đến quốc gia rộng lớn của nền quân chủ, đến một phần toàn cầu của đế quốc, và con người tạo ra cách cai quản người càng ngày càng bao trùm. Từ trao đổi qua tay cho nhau sản vật làm ra đến giao dịch bằng đồng tiền; tiến đến chuyển giao số tiền lớn bằng ngân phiếu; bằng lệnh-phiếu điện tử; vậy con người đã thực hiện sự tiến bộ đi từ cá thể đến đại thể. Từ những cách thức kinh tế và cai quản xã hội, nói chung là vật chất đó, đã phát sinh tư tưởng cũng đi từ cụ thể đến trừu tượng. Giáo sư Trần Đức Thảo đã sáng tạo từ ngữ "phổ biến" để nói về hành trình đi từ phạm vi nhỏ hẹp sang pham vi rộng lớn: "Trong thời đại dã man, đời sống chỉ tổ chức theo từng họ từng làng, vậy giá trị của một người không ra khỏi giới hạn hẹp hòi của huyết thống và lân ấp. Nhưng dần dần lực lượng sản xuất bành trướng, tăng gia nông vật và công phẩm, triển khai giao dịch: đời sống càng ngày càng ra ngoài cái khuôn khổ chặt chẽ của họ và làng, vậy dần dần đã thực hiện một ý nghĩa phổ biến". Theo thiển nghĩ, "ý nghĩa phổ biến" là từ ngữ thay cho "tư tưởng trừu tượng" trong câu trên, không chỉ đề cập đến phương thức kinh tế hay quản lý xã hội ngày càng bao quát. Rải rác trong cuốn sách mỏng này, thấy còn một số từ ngữ triết học bằng Việt ngữ được sáng tạo; ví dụ "phản lý xâm vụ" (có phải để nói về triết lý hư vô chủ nghĩa nhắm tới công kích các nền triết lý bảo vệ những giá trị cựu truyền?); hoặc như từ ngữ "phóng khí" có phải cùng ý nghĩa với từ ngữ "tha hóa" hay "vong thân" mà thời phổ biến "Triết Lý Hiện Sinh" ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 ta vẫn thường nghe đề cập tới. Từ năm 1950, giáo sư Trần Đức Thảo đã nói đến "Phái Tồn Tại" (tức phái Triết Lý Hiện Sinh) mà đến thập niên 1960 tại Miền Nam Việt Nam, ta mới biết khá nhiều hơn nhờ đọc được các báo đề cập tới thường xuyên. Khi đọc qua cuốn sách này tại nhà ông Huỳnh Tấn (vào năm 1964), và trước đó khá lâu qua cuốn "Triết Học Tổng Quát", người viết bài chưa hiểu chủ đích của "Triết lý đề cao khoa học thực nghiệm" của Auguste Comte; hoặc mới thoáng hiểu kiến thức nhưng chưa hiểu chủ đích của triết lý mô tả và giải thích cụ thể Ý-Hướng-Tính của tri giác nhận biết ngoại giới trong Hiện-Tượng-Học của Husserl. Bây giờ đọc lại, trong năm 2013, những đoạn tóm gọn ấy trong cuốn "Triết Lý Đã Đi Đến Đâu?", mặc dù ngắn ngủi, lại giúp ta thêm hiểu triết lý của hai triết gia trên: "Một nhóm tác giả chọn con đường hoàn toàn phân ly, bác biện khoa học, công nhận tính phóng khí của đời sống hiện tại nhưng lại tìm giải pháp hậu thoái... đưa đến phái tồn tại hiện nay do Martin Heidegger chủ trương và Jean Paul Sartre truyền bá và tục hóa. Nhóm này được nhiều ảnh hưởng trong văn giới... Một nhóm khác bành trướng trong giáo giới (như Augste Comte...), tìm cách duy trì duy lý, nhưng hạn chế giá trị của khoa học, biện chính việc khảo xét thực tế... Đặc biệt là Edmond Husserl sáng lập phái hiện tượng, phục vụ sở vọng cựu truyền kiến thiết một nền khoa học hoàn toàn, gắng tìm giải đáp duy lý cho hết các vấn đề trong đời sống nhân loại (như Toán pháp, Vật lý, Tôn giáo, Mỹ thuật)... Theo thuyết hiện tượng của Edmond Husserl, những hiện tượng xuất hiện một cách hiển nhiên trước ý thức đều có quyền được công nhận là chân thực... Phái hiện tượng tìm cách định nghĩa tinh túy của mỗi phạm vi thực tại bằng ý niệm đích xác, nghĩa là hiệp nhất cái nội dung trực quan của triết lý văn chương với hình thức khách quan của triết lý khoa học... Thuyết hiện tượng, sáng tạo đầu thế kỷ hai mươi, được nhiều ảnh hưởng vì đã gây ra phương tiện hiệu lực để duy trì hết ý nghĩa cựu truyền..."

Ta nói hiểu được phần nào lập luận theo triết học Karl Marx của ông Trần Đức Thảo ở chỗ các tư tưởng triết học đều được xét trong cái nhìn triết gia thuộc giai cấp nào, giai cấp phong kiến do làm chủ đất đai, hay giai cấp quý tộc do gồm thâu quốc gia vào gia đình huyết thống, hay giai cấp tiểu trưởng giả nhờ thương mại, hay giai cấp đại trưởng giả với lợi nhuận to lớn nhờ kỹ nghệ. Từ đó tư tưởng của họ dù thuộc chính trị hay xa vời thuộc siêu hình, cũng đều được nhìn theo biện chứng từ "vật sinh tâm": tư tưởng bởi kinh tế mà phát sinh. Như ta đã nói ở đoạn khởi đầu, nếu xét trên nền tảng dòng lịch sử các chế độ xã hội thì dễ hiểu hơn cách nhìn đó. Nhưng giáo sư Trần Đức Thảo xét trên tảng dòng lịch sử triết học Tây phương, trong đó đa phần là tư tưởng siêu hình về vũ-trụ. Đôi khi chỉ vắn tắt đôi dòng về triết thuyết siêu hình khiến ta biết mơ hồ vũ-trụ-quan có nguồn cội từ Vật Sinh Tâm. Cho dù với những đoạn khá dài, cũng khó biết hết cách lập luận, như trong "Từ Điển Triết Học" do các học giả Liên Xô soạn thảo (Nhà xb. Sự Thật xuất bản trong nước năm 1976). Ví dụ trong đoạn viết về Fichte thì triết gia này được xếp vào thành phần giai cấp tư sản Đức. Triết học Fichte là triết lý Duy Tâm Chủ Quan với chủ trương Biện-Chứng qua lại giữa Ngã và Phi Ngã làm cho ngoại giới hiện hữu: tư tưởng như vậy ta nghĩ thuộc về Siêu Hình Học, nhưng được nhìn xa đến nguyên nhân xã hội là sự do dự của giai cấp tư sản đối với giai cấp phong kiến: "Cái Tôi của Phich-Tơ tức là LýTính mà cũng là Ý Chí, là nhận thức mà cũng là hành động. Ông cho rằng đặc điểm của Lý Tính là sáng tạo ra tồn tại, chứ không phải chiêm vọng hoặc mô tả tồn tại. "Hành động, hành động", đó là lý do tồn tại của chúng ta. Cái "Tôi thuần-túy" là một hệ thống kín mít và hoàn chỉnh, nó hoàn toàn giống nhau ở tất cả mọi người (Cái Tôi siêu-cá-nhân)... Cái Tôi phổ biến ấy được sáng tạo từ chỗ không có gì, và "nhờ tự có ý thức về bản thân mình nên nó sáng tạo ra thế giới, đồng thời sáng tạo ra toàn bộ lịch sử nhân loại... Nghĩa là Phich-tơ đã có trực giác sâu sắc về tính chất biện chứng của sự tác động lẫn nhau giữa chủ thể và khách thể, giữa lý luận và thực tiễn... Trong triết học của Phich-tơ, những yếu tố tiến bộ lẫn lộn với những yếu tố phản động. Điều đó phản ánh sự do dự của giai cấp tư sản Đức thời bấy giờ. Trong giai cấp này, những nguyện vọng tiến bộ liên hợp với tinh thần nô lệ đối với bọn phong kiến". (Từ Điển Triết Học)

Xin nhắc lại: Lập luận trên nền tảng dòng lịch sử triết học Tây phương, thay vì cho dễ thâu nhận hơn thì lập luận trên nền tảng dòng lịch sử các chế độ xã hội, nên ta nghĩ tác giả không viết để phổ biến cho giới lao động Việt kiều tại Pháp, như đã nói, chắc thuở ấy rất ít người quan tâm môn học mênh mông triết học. Cũng không phải để phổ biến vào giới sinh viên Việt Nam tại quê nhà vì thời gian đó đa số học theo chương trình giáo khoa Pháp, chắc thấy khó hiểu Việt ngữ nhiều từ Hán Việt của giáo sư Trần Đức Thảo. Riêng những người Việt chỉ giỏi Pháp văn thì nếu họ muốn tìm đọc thì không hiếm sách viết bằng tiếng Pháp theo xu hướng Triết học Karl Marx. Và riêng những người đang theo học bên Nga vào thời ấy thì đã dồi dào sách vở viết bằng Nga ngữ hoặc Hoa ngữ, cũng theo lập luận của Biện Chứng Pháp Duy Vật Chủ Nghĩa. Vậy thì ông viết tác phẩm này cho một số nhà nghiên cứu Việt vừa giỏi tiếng Pháp vừa giỏi tiếng Việt vào thời ấy. Số này chắc cũng không nhiều. Một giả định nữa là có thể ông viết chỉ để đóng góp thêm một tác phẩm vào sự nghiệp văn hóa của ông, lần này bằng Việt ngữ, song hành cùng những tác phẩm bằng Pháp ngữ ông đã hoàn thành. Nghĩa là vào năm 1950 ông muốn có tác phẩm cho văn hóa Việt, sau khi đã viết sách đóng góp vào văn hóa Pháp. Ta thử kể đến giả định này, vì cuốn sách mỏng "Triết Lý Đã Đi Đến Đâu?"(ngoài những giản lược một số triết thuyết siêu hình làm cho ta không hiểu hết lập luận Vật Sinh Tâm); còn chứa đựng những đoạn viết khá dài và trong sáng truyền kiến thức; như về triết lý Platon nhìn vạn vật không có thật vì chỉ là bào ảnh lấy mẫu từ Thế Giới Ý Niệm trên thượng tầng; như về triết lý Nhận Thức Luận kết nối Duy Tâm Duy Thực của Emmanuel Kant; hoặc triết lý Hegel với cuộc Hành Trình Hiện Tượng Hóa của Ý Niệm cá nhân để hoàn thành Tinh Thần Tuyệt Đối; hoặc triết lý Hiện-Tượng-Luận của Husserl xác nhận giá trị cụ thể của Ý-Hướng-Tính tức Ý Thức Trực Quan nắm bắt hiện tượng ... Và ta có thể củng cố thêm về giả định ấy (viết tác phẩm cho chính sự nghiệp văn hóa của ông), qua lối viết bằng bút pháp gần với văn chương, ví dụ ở đoạn viết mà ta cảm nhận được sự trôi chảy thật hay của hành văn Việt ngữ dù là để công kích một triết thuyết: "Nietzche sáng kiến một chủ nghĩa phản lý xâm vụ, bãi biện hoàn toàn hết giá trị phổ biến và trở lại những xung động nguyên thủy của thời đại dã man. Theo Nietzche, lòng từ bi tôn giáo, tính xác thực khách quan của khoa học, nguyên tắc bình đẳng của phong trào xã hội, đều tiết lộ rõ ràng rằng sinh lực thiếu thốn. Những giá trị văn minh hiện đại, bác ái, lý trí, luân lý, dân chủ, xã hội, toàn là những triệu trụy lạc, chứng tỏ rằng ý chí cường quyền càng ngày càng yếu. Giá trị thiết thực là sinh khí nguyên thủy đời xưa phát triển trong những bậc anh hùng chủ tể chuyên chế thiên hạ bằng cách bạo động. Những hạng ấy dần dần biến mất, vì bị đám hạ lưu dèm pha, khuyên giải rằng cá nhân bình đẳng, nhân phẩm là do ở tình nghĩa và ở sự phục tòng pháp luật và nhân lý. Vậy muốn phục hưng thì phải bãi bỏ luân lý tầm thường, khuynh đảo những giá trị phổ biến, trở lại sinh lực tự nhiên và cưỡng chế một chí lực phản lý tuyệt đối... Rõ ràng là xu hướng hạng tiểu trưởng giả thất vọng... đời sống đã hết ý nghĩa, vậy lấy thất đích làm mục đích, tất nhiên sa vào con đường phản lý xâm vụ. Nietzche thành nguồn cảm hứng cho bọn phản động phát-xít, cố gắng duy trì xã hội trưởng giả bằng cách phấn khởi bản năng cầm thú và xung động dã man". Một chứng cứ thứ ba để ta nói giáo sư Trần Đức Thảo viết cuốn sách mỏng này để đóng góp vào nền học thuật Việt Nam, ở chỗ dùng từ ngữ Việt thật chính xác, không cần diễn tả dài, chỉ cần từ ngữ cô đọng mà trình bày được hết kiến thức của một triết thuyết. Ta thử so sánh hai cách diễn tả kiến thức để thấy sự gảy gọn do dùng từ đúng chỗ, đúng điều cần phải nói đến, nên chỉ đôi dòng có thể thế chỗ cho nhiều lời (vì muốn trình bày thật đầy đủ để cố gắng làm cho người khác cùng thâu nhận với mình). Ví dụ về triết thuyết của Schopenhauer, người viết bài này nhân dịp xin ghi lại những dòng đã trình bày như sau đây: Schopenhauer phân chia ra hai thế giới ("Thế Giới Biểu Tượng" hư ảo do lý trí ta nhận biết và "Thế Giới Thực Tại" do ta trực giác). Thế Giới Thực Tại (The World as Will) là thế giời của ý chí mù quáng, trong vật giới gồm điện-từ-lực, trong cầm thú thể hiện ở bản năng, trong con người là dục vọng. Thế Giới nhận biết do lý trí (The World as Idea, có sách dịch là The World as Representation) sở dĩ hư ảo, không có thật, là vì lý trí nhận biết nó tuân theo bốn nguyên tắc đầy đủ lý do gồm có: Vật gì đang trở thành thì phải có nguyên nhân (nguyên tắc thứ 1) - Điều gì nhận biết được thì phải hợp lý (nguyên tắc 2) - Vật giới phải ở trong không gian và thời gian thì mới hiện hữu (nguyên tắc 3) - Hành động nào cũng có tự tại một chuyển động lực (nguyên tắc 4). Thế Giới Ý Chí mù quáng tự tung tự tác nên đã nằm ngoài bốn nguyên tắc đó. Nhưng thế giới ý chí mù quáng lại là thế giới thật, nó làm đời người trầm luân trong bể khổ dục vọng... Viết bằng lối hành văn như vậy thiển nghĩ có tính chất giáo khoa, muốn trình bày càng rõ bao nhiêu thì càng mong đạt tới, không chuyên tâm hành văn vừa cô đọng do từ ngữ, vừa có tính văn chương Việt ngữ, như sau đây trong cuốn "Triết Lý Đã Đi đến Đâu": "Bên phản lý có Schopenhauer lợi dụng chủ nghĩa Kant để phủ định thực tại của ngoại giới, cho thực tại đó chỉ là mơ mộng chủ quan kết hợp duy lý. Cảm giác kết hợp theo luật nhân quả, ý niệm theo luật luận-lý, đa trùng trực quan theo quan hệ thời gian và không gian, hoạt động theo luật duyên cớ, đó là bốn gốc của nguyên tắc đầy đủ lý do... Ngoại giới chỉ là một giấc mộng duy lý, nhưng nếu ta phản tỉnh thì ta lại thấy một thực thể tuyệt đối: ý chí nội tâm phản lý nhưng chứa chan lực lượng...".

Tóm lại, cuốn sách mỏng viết bằng Việt ngữ uyên bác xuất bản năm 1950 của Giáo sư Trần Đức Thảo lập luận trên nền tảng Dòng Lịch Sử Triết Học Tây Phương, khó nhắm vào số lao động Việt kiều tại Pháp ít người rành về kiến thức này; cũng khó nhắm vào sinh viên Việt đa số chỉ rành Pháp ngữ vào thời đó hơn là Việt ngữ thuộc trình độ cao như vậy. Vừa uyên bác vừa hành văn có tính văn chương, vậy tác phẩm này là sự tương giao giữa văn học và triết học, tuy là tập sách mỏng nhưng có lẽ mang ý nguyện khởi đầu việc đóng góp tác phẩm vào nền học thuật Việt Nam.

Trần Văn Nam
City of Walnut, California, tháng 12 năm 2013