Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [  Tác giả

Của Người và Ngựa 2014 

Sóng Việt Đàm Giang sưu tầm và biên soạn

Năm 2014 âm lịch là năm Giáp Ngọ. Như thế năm Ngọ phải nói chuyện về Ngựa! Ngựa là một đề tài quá quen thuộc! Truyện kể về ngựa có rất nhiều viết bằng đủ thứ tiếng trên thế giới. Bài viết này đóng góp một chút về Ngựa và một số nhân vật liên quan đến ngựa.

Nói chung chung, trong một con giáp, 12 năm của âm lịch thì có lẽ ngựa được nhắc đến nhiều nhất. Ngựa được nhắc đến trong lịch sử, trong nghệ thuật hội họa, điêu khắc, trong chiến tranh, trong thần thoại, trong văn chương, và trong truyện cổ nhân gian, cùng ca dao tục ngữ của Việt Nam mình rất nhiều.

Với Việt ngữ, ngựa là từ chung cho ngựa dù là ngựa mới sinh, ngựa đực, ngựa cái, ngựa lớn, ngựa nhỏ, nhưng một số quốc gia đặt tên riêng cho từng loại ngựa, như người Mỹ gọi ngựa trẻ, ngựa tơ chưa phát triển hoàn toàn là pony, ngựa đực trên 4 tuổi chưa bị thiến là stallion, ngựa cái trên bốn tuổi là mare. Ngựa con từ lúc sanh ra được gọi chung là foal, nếu dưới bốn tuổi thì giống đực là colt, giống cái là filly.

Như chúng ta đã biết từ mã lực (horse-power) là đơn vị động cơ máy nổ trong cơ học. Người ta lượng định sức mạnh của một máy động cơ (như xe hơi, xe máy dầu, xe điện, tầu thuyền máy, v.v....) bằng sức ngựa kéo. Một mã lực có một sức mạnh tương đương với sức mạnh của một con ngựa trung bình.. Ngựa cũng được dùng để đặt tên cho xe hơi, thí dụ như hãng xe Ford có Ford Mustang, Ford Bronco, Ford Pinto (ngựa lang), Colt, v.v...

Trong phim ảnh chúng ta cũng đã thấy ngựa hay kỵ sĩ trong những bộ phim lịch sử vĩ đại như Cleopatra, Spartacus, Helen of Troy, v.v...

Ngựa thuộc giống Equus, một loài động vật có vú, mang móng, và ăn cỏ. Từ Equestrian là môn thể thao người cưỡi ngựa có từ ngàn xưa. Ngựa (horse) bắt nguồn từ chữ Latin Hippus/hay Hy lạp Hippo. Trường đua ngựa ngày xưa đã mang tên hippodrome là thế. Ngoài đua ngựa, một môn thể thao cũng dùng đến ngựa là chơi cầu cưỡi ngựa (Polo), đây là loại thể thao cho những người giàu có quyền quý từ thời xưa.

Khởi thủy ngựa chỉ đuợc dùng như là một thể thao trong thời cổ, và về sau ngựa đuợc xem như là phương tiện chuyên chở, cày bừa, trong chiến trận hay những hoạt động khác liên quan với Người.

Ngựa có danh tiếng trong lịch sử

Hình ảnh một ngựa hùng tráng với chủ cưỡi trên yên, tung hoành trên triến trường, xông pha nơi mũi tên hòn đạn, trung thành với chủ, là hình ảnh rất quen thuộc thường thấy trong sách báo, tượng đài.

Trong lịch sử Trung quốc, có ngựa Xích Thố, một chú ngựa nổi tiếng trong Tam Quốc Chí. Ngựa Xích Thố được mô tả như có chiều dài một trượng, cao tám thước (đo lường cổ của người Trung Hoa), lông mầu đỏ, có sức mạnh bền bỉ, có thể đi ngàn dặm, trèo non vượt suối không biết mệt. Ngựa Xích Thố là sở hữu của Đổng Trác, sau Đổng Trác tặng cho con nuôi là Lã Bố. Khi Lã Bố bị Tào Tháo bắt và giết chết, Xính Thố được Tào Tháo cho người chăm sóc và trao cho Quan Công (Quan Vũ/Quan Vân Trường). Xích Thố theo Quan Công qua nhiều trận chiến và sau cùng chết cùng theo chủ khi Quan Công bị Tôn Quyền bắt và giết chết.

Vào thời Hán Sở tranh hùng bên Trung Quốc, có ngựa Ô Truy của Sở Bá Vương Hạng Võ. Hạng Võ đã sát cánh cùng Hán Vương Lưu Bang diệt đuợc bạo chúa Tần. Sau đó, khi Sở Vương Hạng Võ và Hán Vương Lưu Bang giao tranh để dành quyền bá chủ. Hạng Võ yếu thế phải cùng ngựa Ô Truy nhảy xuống bến Ô Giang tử tiết.

Tại tỉnh Xian bên Trung Quốc hiện còn di tích đạo quân hàng ngàn người ngựa làm bằng đất nung (terra cotta) dùng để canh mộ Tần Thủy Hoàng. Tại USA, nhà hàng ăn P.F Chang với chi nhánh khắp nước Mỹ có trưng ngay cổng vào một đôi ngựa thân hơi ngắn, có đuôi được búi gọn thành một bó. Nghe đâu họ lấy mẫu rập theo ngựa đất nung ở Xian của Tần Thủy Hoàng.
 

Ngựa đồng đuôi búi 
Ngựa Bucephalus và Alexander
Ngựa sắt và Thánh Gióng

Ngựa Bucephalus của Alexander. Ngựa đen có đốm trắng ở chân mày là loài ngựa tốt nhất của Thessaly. Nhà viết sử Plutarch kể chuyện vào năm 344 BC, hoàng tử Alexander 13 tuổi con trai của Vua Phillip II đã thuần phục đuợc chú ngựa bất kham khi biết tính toán để ngựa không nhìn thấy cái bóng của chính nó. Vua Philipp II quan sát sự tự tin, thắng cuộc của con trai với ngựa Bucephalus đã thốt lời tiên đoán rằng con trai ông sẽ mở rộng bờ cõi và chinh phục được những vùng đất xa. Alexander sau đó đã cùng ngựa Bucephalus chiến đấu bên nhau ở khắp mọi nơi từ Hy Lạp cho đến Ấn Độ. Khi ngựa chết vì tuổi già (hay có thể trong một trận chiến) năm 326 BC, Alexander rất thương tiếc và để tưởng nhớ ông đã đặt tên cho một thành phố mới là Bucephalus.

Lịch sử Việt Nam có chú ngựa sắt thần kỳ của Phù Đổng Thiên Vương. Ngựa này được miêu tả thân bọc sắt, cao lớn khác thường, phi rất nhanh và có thể bay bổng lên trời. Huyền sử kể: " Đời Hùng Vương thứ sáu , có quân đội nhà Ân tràn vào xâm lược nước Văn Lang, gây nhiều tội ác. Hùng Vương rất lo và cho sứ giả đi tìm khắp nơi để tìm người tài ra cứu nước. ở Kẻ Dỏng, thuộc bộ Vũ Ninh có cậu Gióng đã lên ba tuổi mà không biết nói, biết cưới. Nghe sứ giả của nhà vua đi kén người ra giúp nước, thì cậu nói được và mời vị sứ giả đến và bảo: "Ngài về tâu với đức vua đúc cho con ngựa sắc, roi sắt, áo giáp sắt và chiếc nón sắt mang đến cho ta để ta đi đánh giặc Ân". Sau cái hôm đó, Gióng lớn nhanh như thổi, ăn uống la liệt. Ngựa sắt, nón sắt và giáp sắt, đã rèn xong. Gióng nhảy lên lưng ngựa, Ngựa hí một tiếng dài, thét ra lửa, lao vút ra trận. Phá xong quân Ân, Gióng phi ngựa đến chân núi Sóc Sơn, ghìm cương, cởi giáp và nón treo lên một cành cây, sau đó cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời. Hùng Vương nhớ ơn Dòng bèn cho lập đền thờ ở Kẻ Dỏng và phong Gióng là Phù Đổng Thiên Vương."

Ngựa trong thần thoại.

Trong thần thoại chúng ta biết đến một ngựa có cánh Pegasus, hay một Centaurus đầu người mình ngựa, và chú ngựa gỗ thành Troy

Pegasus, một ngựa nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp, ngựa này có đôi cánh lớn, là con của Thủy thần Poseidon và Medusa. Medusa khi bị Perseus chém đầu thì máu từ cổ phun ra thành ngựa. Chuyện kể khi Pegasus dậm bốn chân xuống núi Helicon thì giòng suối Hippcrene xuất hiện, chuyện này khơi nguồn cho thi ca. Pegasus là một chú ngựa bất kham, tuy nhiên nó để cho chàng Bellerophon cưỡi để cùng đi trị quái thú Chimera đầu sư tử mình rồng thở ra lửa đang tung hoành gây hại cho vùng Lycia, Sau đó cùng với Bellerophon, Pegasus còn trừ khử đuợc nhiều quái vật gây hại khác. Khi Bellerophon rớt ngựa do bị Pegasus hất xuống trong hành trình đòi lên núi Olympia sống với thần thì Pegasus ở lại Olympia, được thần Zeus chuyển vào quỹ hành tinh trên trời. Hình ảnh một Pegasus tung vó và cánh bay lên trời đã và còn được nhiều nơi dùng làm biểu tượng cho sự di chuyển nhanh chóng. Hãng xăng nhớt Mobil có dùng biểu tượng Pegasus trên nhãn hiệu của họ.
 

Pegasus
 
Centaur
Unicorn

Quái thú đầu người mình ngựa Centaur trong thần thoại Hy Lạp. Theo truyền thuyết thì vào thời dân Hy Lạp chưa có ngựa, nhưng thấy nước láng giềng Thessaly có người cưỡi ngựa chạy rất nhanh để săn bắn, kéo xe nhìn không rõ thì đặt tên là quái vật có đầu người mình ngựa Centaur. Thần thoại thì kể Ixion người xứ Thessaly mê say Hera vợ thần Zeus khiến Zeus tức giận dùng phép biến một đám mây tên Nephele thành một người rất giống Hera. Ixion giao hợp với Nephele sinh ra Centaurus. Lớn lên Centaurus giao hợp với nhiều ngựa cái Thessaly sinh ra loài Centaur (Ixionidae).

Ngoài những Centaurs đầu cổ ngực như người mình ngựa, trong thần thoại Hy Lạp còn có ngựa Unicorn thường miêu tả lông màu trắng, có một sừng nhọn trên trán. Nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, cộng hoà Czech, Thụy sĩ, Hung Gia Lợi đều có những coat of arms mang hình Unicorn.

Có khá nhiều huyền thoại về ngựa trong thần thoại Hy Lạp, nhưng nổi tiếng nhất là truyện "Con Ngựa Gỗ Thành Troy" của Virgil.

Nguyên nàng Helen, con của thần Zeus và hoàng hậu Leda, vợ vua Tyndareus của xứ Sparta. Helen có hai người anh hay em trai khác bố là Castor và Polydeuces (còn gọi là Pollux). Sau một lần bị bắt cóc hụt,và vì có quá nhiều chàng trai theo đuổi nên vua Tyndareus bắt tất cả phải hứa sẽ tôn trọng quyền lựa chọn của Helen và sau đó, nếu ai manh tâm bắt cóc Helen, những người khác sẽ phải hợp tác với người chồng do Helen chọn để hợp sức chống lại. Helen kết hôn với vua Menelaus xứ Sparta thuộc Hy Lạp. Cùng thời có ba người đẹp khác là Hera, Athena và Aphrodite . Ba nữ thần này không ai chịu nhường ai nên cuối cùng phải nhờ hoàng tử Paris con vua Priam của thành Troy làm giám khảo phân định ai đẹp nhất. Cả ba nàng đều cố dùng pháp lực của mình để khuynh đảo Paris. Cuối cùng, Paris chọn và trao quả táo vàng cho Aphrodite, Nữ Thần Tình Yêu vì Aphrodite hứa sẽ dâng cho Paris người đàn bà đẹp nhất trên đời. Khi Paris sang Hy Lạp thăm Sparta thì được Meneclaus-Helen tiếp đón. Dưới ảnh hưởng của Aphrodite, Helen bị mê hoặc và theo Paris về thành Troy. Và từ đó là mở màn cho chinh chiến giữa các dũng sĩ Hy lạp dưới quyền chỉ huy của Agamemmon, vua xứ Mycenae, tập trung tại vịnh Audis và quân thành Troy. Chiến trận kéo dài hơn chín năm mà quân Hy Lạp vẫn không thể vào được thành Troy. Cuối cùng, quân Hy Lạp dùng kế, giả bộ rút lui nhưng để lại một con ngựa gỗ rất lớn. Thấy địch tự nhiên lui binh, lại bỏ lại ngựa gỗ, nên quân thành Troy của Priam cùng nhau đẩy ngựa gỗ vào trong thành để ăn mừng. Nửa đêm, quân Hy Lạp trong bụng ngựa gỗ tràn ra đốt phá thành và giết hầu hết quân dân thành Troy, chỉ còn lại một số nhỏ trốn thoát. Theo văn hào Virgil kể lại trong cuốn Aeneid, nhóm này do Aeneas hướng dẫn trốn sang xứ lân cận và thành lập xứ Italy ngày nay. Sau khi Paris chết và thành Troy thất thủ, Menelaus tái ngộ cùng Helen trở về Hy Lạp. Hai người hạ sinh một công chúa tên Hermione và tiếp tục cai trị xứ Sparta.
 

Tranh cổ Novgorod
Tranh Raphael
Tranh Moreau

Trong Ki tô Giáo, ngựa là tượng trưng của sự can đảm và lòng hào hiệp trượng nghĩa, do đó, các vị Thánh Bổn Mạng của ngành kỵ mã như St. Martin, St. Maurice, St. George và St. Victor đều được mô tả trong sách vở hay tranh ảnh như những kỵ sĩ tài ba. Những bức tranh nổi tiếng như của Raphael, Gustave Moreau, v.v... và tranh cổ trong bảo tàng cho thấy hình ảnh một thánh George hào hùng cưỡi ngựa đang đâm chết rồng dữ.

Ngựa trong hội họa

Nói đến ngựa trong hội họa thì không thể không nhắc đến những họa sĩ nổi tiếng của Trung quốc chuyên vẽ về ngựa.

Hàn Cán (706-783). Họ Hàn sống ở Trường An, và là họa sĩ cung đình dưới thời trị vì của vua Đường Huyền Tông. Ông đã để lại hai bức tranh ngựa nổi tiếng. Trong bức thứ nhất "Người cưỡi ngựa" Hàn Cán vẽ một đôi ngựa, một con trắng một con đen, trên lưng con trắng có một người đàn ông ngồi, tay cầm cương đang ghì chặt con ngựa đen đứng sát bên cạnh.

Bức tranh thứ hai "Chiếu Dạ Bạch Đồ" ông vẽ con Thần mã của Vua Đường Minh Hoàng. Trong bức tranh này người ta thấy con Thần mã dáng gọn gàng và vạm vỡ, tuy bị cột chặt vào một chiếc cọc nhưng nó vẫn lồng lên như muốn quẫy thoát, đôi mắt tròng giận dữ, đầy khí thế. Con ngựa trắng dũng mãnh "Thần mã" này có lẽ đã được yêu chuộng nhất trong sưu tập ngựa hơn bẩy trăm con của vua Đường Huyền Tông nên mới được cho vẽ.
 
 

Tranh Hàn Cán
Hàn Cán
Tranh Tiền Tuyển

Tiền Tuyển thời Nguyên (1279-1368), vẽ cảnh Dương Quý Phi đang leo lên yên ngựa. Trong bức tranh này người ta thấy bà phi yêu quý của vua Đường Minh Hoàng đang được các cung nhân và thị nữ đỡ lên ngựa.

Sang đến đời Thanh (1644-1912), đặc biệt trong nhóm họa gia cung đình thời vua Càn Long nhà Thanh có Lương Thế Ninh (Láng Shìníng ) chuyên vẽ người, hoa điểu và ngựa vô cùng đặc sắc. Lương Thế Ninh tên thật là Guiseppe Castiglione (July 19,1688- July 17,1766) là một tu sĩ giòng Jesuit người Ý. Năm 27 tuổi, ông sang Trung Hoa truyền giáo và được giữ trong cung để phục vụ triều đình. Trong số rất nhiều tranh với thể loại đa dạng do ông sáng tác, nổi tiếng nhất là bức tranh lớn "Bách mã đồ" vẽ một trăm con ngựa, hiện được trưng bày tại Cố Cung Bảo tàng viện ở Đài Loan ( One Hundred Horses scroll / National Palace Museum, Taipei). Trong kiệt tác này, Castiglione vẽ 100 con ngựa, có con đứng, con ngồi, con đang chạy, con lội qua song, con nằm v.v..., hình tướng, màu sắc và thần thái đều khác nhau.
 
 

Tranh Lương Thế Ninh. Một phần bức Một trăm con ngựa
Vua Càn Long cưỡi ngựa

Sang đến nửa đầu thế kỷ 20 lại có họa sĩ Từ Bi Hồng (1895-1953) chuyên vẽ ngựa bằng mực tàu có nét viền. Tranh ông được bán đấu giá rất cao, cả vài triệu US dollars một tấm.

Ngựa trong văn chương Đông phương

Ngựa không những chỉ liên quan tới quân sử, mà còn qua lịch sử văn chương kim cổ. Đặc biệt bên Đông Phương, ngựa rất được trọng dụng, coi là bạn đồng hành thân thiết cùng sống chết với các chiến sĩ nơi sa trường. Một vài thí dụ như trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm có những câu như:

"Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu"

Hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người chinh phụ vào giây phút chia ly:

"Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống
Giáp mặt rồi bỗng phút chia tay"

Hình ảnh người chiến sĩ tay nâng chén ly bôi trước khi lên lưng ngựa ra sa trường trong tiếng đàn tì bà đưa tiễn cũng được diễn tả thật hào hùng, cảm động trong bài thơ Đường sau đây:

"Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi"

Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng đề cập không ít tới ngựa. Xin chỉ mang lên điển hình là hình ảnh chàng Kim Trọng phong nhã dạo ngựa nhân hội Đạp Thanh đã gặp gỡ Thúy Kiều trong hoàn cảnh như sau:

"Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng
Ðề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu giòn ..."

Trong văn chương Việt Nam, ngựa được sắp vào hàng đầu của "lục súc". Tập truyện dân gian "Lục Súc Tranh Công" tuyên dương ngựa từng sát cánh cùng các chiến sĩ. Cảnh "Vinh Qui Bái Tổ" "ngựa anh đi trước võng nàng theo sau", hoặc trong bài ca dao "Trăng Sáng Vườn Chè" có "Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui, hai bên có lính hầu đi dẹp đàng", v.v...

Người cưỡi ngựa.

Nếu đã nói đến ngựa nổi tiếng, ngựa trong lịch sử, văn chương, ngựa trong hội họa thì không thể không nhắc đến người cưỡi ngựa (kỵ sĩ) và những chiến mã hai ngựa, bốn ngựa thời cổ.

Vì ngựa tượng trưng cho lòng can đảm và trượng nghĩa nên hình tượng các danh nhân, chiến sĩ, hoàng gia cưỡi ngựa hiện diện khắp nơi, kể không hết tại những bùng binh, công viên, đài kỷ niệm ở các quốc gia khắp năm Châu.

Tưởng cũng cần nhắc, người cưỡi ngựa còn được gọi là hiệp sĩ danh từ chung hay Hiệp sĩ danh từ riêng tuỳ theo hoàn cảnh. Hiệp sĩ là một từ dùng để chỉ một địa vị của xã hội châu Âu dành cho những người từ những gia đình phong kiến. Hiệp sĩ đứng hàng thấp nhất trong giới quý tộc và vì thế không mang tính chất thừa kế. Vào thời kỳ Trung Cổ và Hậu Trung Cổ, nhiệm vụ chính của một hiệp sĩ là chiến đấu, đặc biệt là dưới hình thức kỵ binh. Gần đây, hiệp sĩ đã trở thành một tước hiệu dành cho những người nổi tiếng thí dụ như Paul McCartney, Elton John, Edmund Hillary...

Hiệp sĩ cũng là từ thông dụng dành cho những người cưỡi ngựa giỏi. Lịch sử của các hiệp sĩ liên quan đến sự phát triển của xã hội thời đó, và điều kiện lịch sử. Hình ảnh một hiệp sĩ/kỵ sĩ đuợc biết đến nhiếu qua bài thơ của John Keats viết về một người đàn bà không có trái tim "La Belle Dame sans Merci". Một số tranh miêu tả hiệp sĩ như trong bài viết "Người Đẹp Tàn Nhẫn" của Sóng Việt Đàm Giang.
 

Tranh Dicksee
Tượng Absolon

Tại Copenhagen, Đan Mạch, ngoài Tượng cưỡi ngựa Vua Frederick V tại Hoàng Cung, còn nhiều tượng khác, nhưng được nhiều người biết nhất phải kể tượng Archishop Absolon cưỡi ngựa. Absolon (cỡ 1128-1201) thuộc một gia đình có thế lực với Hoàng gia. Được lịnh của vua thời đó (Vua Valdemar), Absolon đã cho xây cất một thành trì bằng đá? đặt tên là Kaufmanne Hafen có nghĩa là Cảng của Thương gia (bây giờ là Christianborg Castle ở Copenhagen),và từ đó thành phát triển rộng ra cho đến ngày nay. Nhờ thành đá này mà Đan Mạch chiếm được một vi trí quan trọng trong thương mại. Và Bishop Absalon được coi như cha đẻ của Copenhagen. Tượng Absolon cưỡi ngựa được dựng tại Hojbro Plads vào năm 1201, do điêu khắc gia Vilhelm Bissen (1836-1913) làm bằng đồng và cột đặt tượng làm bằng đá hoa cương.
 

Napoleon (Pháp)
Peter The Great (Nga)

Bức họa Napoleon vượt rặng Alps là tác phẩm tranh dầu nổi tiếng của Jacques-Louis David vẽ trong khoảng năm 1801-1805 miêu tả một Napoleon oai dũng dẫn đoàn quân Pháp vượt rặng Alps đi qua Great St. Bernard Pass vào tháng 5, 1800.

Tượng Kỵ mã bằng đồng ở St. Petersburg, Nga. Đây là tượng cưỡi ngựa của Hoàng đế Nga Peter the Great, do Nữ hoàng Catherine the Great đặt nhà điêu khắc Pháp Étienne Maurice Falconet làm. Tên The Bronze Hoseman cũng là bài thơ nổi tiếng của nhà văn Nga Alexander Puskin viết gợi hứng từ bức tượng này vào năm 1833.

Ngày nay kỵ sĩ nói chung không còn nữa, tuy nhiên một số quốc gia vẫn dùng kỵ binh để thực hiện nghi thức cổ truyền vào ngày lễ hội hay chào đón nguyên thủ quốc gia. Và một số thành phố vẫn còn giữ đội cảnh sát cưỡi ngựa để kiểm soát an ninh, giải tán biểu tình, đàn áp đám đông khi cần thiết.

Xe ngựa

Xe ngựa loại này có thể có một, hai, ba hay bốn ngựa kéo. Xe ngựa có đã từ lâu. Từ xe ngựa với một ngựa kéo, có một cái gía trên một khung bánh không quay để một người đứng đuợc một chú ngựa kéo phía trước, xe ngựa đã tiến triển thành những xe ngựa có hai ngựa kéo (biga) dùng trong thời Rome cổ xưa để chơi thể thao, chuyên chở và hành lễ. Trên đồng tiền La mã chúng ta có thể thấy coin mang hình cỗ xe hai ngựa kéo. Biga cũng đuợc dùng ở vùng có văn hóa Âu Á, ở Hy Lạp cổ và vùng Celts. Nếu xe có bốn ngựa kéo hay tứ mã thì tiếng Latin gọi là quadriga, loại tứ mã này thường dùng cho chạy đua thời La mã cổ. Đây là hai loại thường thấy nhất. Nếu nói về thiên văn thì biga tượng trưng cho mặt trăng, còn quadriga tượng trưng cho mặt trời.

Những xe ngựa này cũng đã được dùng trong chiến tranh vùng Âu Á từ cả thế kỷ trước BC cùng dùng để săn bắn và thể thao như trò chơi Olympic và trongnhững quảng trường La mã. Xe ngựa đua hai ngựa kéo bắt đâu thực hiện vào thời 408 BC. Xe đua bốn ngựa kéo được bắt đầu thực hiện vào cỡ 680 BC như buổi đua ngựa đầu tiên. Với xe bốn ngựa kéo, thì hai con ngựa giữa cột vào cái ách và chỉ là lực kéo, hai con bên ngoài đuợc cột nối với ách bằng giây thừng, quan trọng nhất là con ngựa phiá ngoài bên tay phải vì trường đua ngựa luôn luôn rẽ trái nên con ngựa bên phải phải là con ngựa mạnh và chạy nhanh nhất.

Những cổng và dinh thự có trang hoàng với bộ xe tứ mã.

Một số cổng và dinh thự của nhiều quốc gia trên thế giới có trang hoàng trên cao ở chính giữa một bộ xe tứ mã có người đứng ở giữa. Dưới đây là một số di tích lịch sử mà người viết đã có dịp đi qua và chiêm ngưỡng hoặc cùng chụp hình trong từ vài năm gần đây cho đến hiện tại.

- Khải hoàn môn Carrousel ở Paris nằm giữa bảo tàng Louvre và vườn Tuileries, bên cạnh sông Seine. Cổng xây trong khoảng 1807-1809 đề cao chiến thắng của Napoleon ở trận Austerlitz (1805) và sự đầu hàng của thành Ulm (1807) đuợc dựng như cổng chiến thắng dẫn đến điện Tuileries. Bộ xe tứ mã đặt vào thời điểm đó là bộ tứ mã mà Napoleon đã chiếm đoạt ở Venice (năm 1798) và mang về. Sau khi bộ tứ mã nguyên thủy của San Marcos đuợc hoàn trả về Ý vào thời kỳ Khôi phục (1814-1830) thì năm 1815 bộ tứ mã bản sao do nhà điêu khắc F. Joseph Bosio thực hiện được đặt lên.
 

Khải Hoàn Môn Carrousel ở Paris
Tứ mã tại Thánh đuờng San Marco

-Tứ mã San Marco Venice. Thánh đuờng San Marco tại Venice, Ý nằm tại quảng trường San Marco là nhà thờ lớn của Venice. Trên cao, mặt tiền của nhà thờ có trưng bản copy của bộ tứ mã cổ (bốn ngựa dùng để đua ngựa). Bộ tứ mã nguyên thủy đuợc trưng trong viện bảo tàng từ năm 1980. Bộ tứ mã nguyên thủy này đúc từ hơn 2,000 năm trước ở một địa danh chưa đuợc thống nhất có thể là từ Ý, Hy Lạp hay Ai cập. Người ta chỉ biết lúc đầu bộ ngựa này đuợc dựng trên khải hoàn môn của Hoàng đế Neron tại Rome. Sau đó Hoàng đế Constantine chiếm đoạt mang về Constantinople (Istambul bây giờ), rồi sau đó nó trở thành một chiến lợi phẩm chiến tranh đuợc mang về Venice năm 1204 sau trận chiến chiếm đoạt Constantinople của Crusaders. Năm 1798 Napoleon sau chiến thắng Ý, chiếm mang chúng về Paris trưng trên khải hoàn môn Carousel rồi sau cùng nó đuợc hoàn trả lại Rome vào năm 1815 và bản sao bộ tứ mã nổi tiếng này hiện hiện trên balcon mặt tiền của nhà thờ San Macos, Venice từ đó cho đến ngày nay.

-Tứ mã Cổng Brandenburg là cổng thành phố Berlin trước đây và là một trong những biểu tượng chính của thành phố Berlin, Đức. Cổng này là cổng duy nhất còn lại của một loạt cổng cổ ra vào Berlin. Cách cổng Brandenburg một khúc phố về phía bắc là Reichstag nơi Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức nhóm họp. Cổng này là trọng tâm của đại lộ Under den Linden, con đường với hàng cây linden/đọan lá bạc (Tilia tomentosa) nối liền hoàng cung và cổng Brandenburg. Vua Frederick William II của Prussia là người ra lệnh xây cổng này như một biểu tượng của hòa bình. Việc xây cất kéo dài từ năm 1788 đến năm 1791 mới hoàn thành. Năm 1793 Bộ Tứ Mã Chiến thắng (Quadriga of Victory) với một vương miện lá olive biểu tượng cho hoà bình được đặt trên đỉnh cổng. Năm 1806, Napoleon mang bộ tứ mã này về Paris, và năm 1814 đuợc mang trả vể Đức và đặt lại trên cổng. Cổng bị thiệt hại nhiều trong Đệ nhị thế chiến nhưng sau đó đuợc tu bổ lại vào năm 2000-2002. Cổng này được xem như một biểu tượng lịch sử trong giai đọan xáo trộn mạnh mẽ của Âu châu và Đức, đồng thời cũng là điểm mang lại sự thống nhất Âu châu và hòa bình.
 
 

Cổng Brandenburg, Berlin. Đức
Palace Square, St Petersburg. Nga

-Bộ tượng tại Quảng trường Palace ở thành phố Saint Petersburg, Nga hoàn tất vào thời kỳ 1819-1829 có sáu con ngựa.

-Bộ tứ mã đặt trên mái tòa nhà Hát Alexandrinsky cũng ở St Petersburg được thực hiện trong khoảng 1828-1832.

-Bộ tứ mã đặt trên cổng nhà Hát Bolshoi tại Moscow được thực hiện cỡ năm 1850

-Hai bộ tứ mã tại Grand Palais ở Paris, Pháp thực hiện vào khoảng năm1900

-Bộ tứ mã trên đỉnh cái cổng tại Grand Army Plaza ở Brooklyn, NY có tượng Columbia đứng giữa, hai bên có thiên thần mang cánh thổi kèn cháo mừng chiến thắng.
 
 

Brooklyn
Minnesota

-Tại Saint Paul, Minnesota, USA, phía trước toà nhà Minnesota State Capitol có trang hoàng trên cao lối cửa vào chính một bộ xe tứ mã mạ vàng hoàn toàn, hoàn tất vào năm 1906, bộ tứ mã mang tên Progress of the State. Bốn ngựa tượng trưng cho thiên lực: đất, gió, lửa, và nước. Người đàn bà điều khiển ngựa tiêu biểu cho Văn minh, và người đàn ông trên cỗ xe tượng trưng cho Thịnh vượng.

-Tại Rome, Ý có tượng đài quốc gia tưởng nhớ Victor Emmanuel II, vị vua đầu tiên đã thống nhất nước Ý. Bộ tượng thực hiện từ năm 1911 đến 1935 mới hoàn tất. Toà nhà màu trắng đồ sộ nằm giữa Piazza Venezia vả Capitoline Hill, có hồ phun nước,có tượng Vua Vicor Emmanuel cưỡi ngựa và có hai tượng nữ thần Victoria đang cưỡi xe ngựa ở hai bên.

-Bên Anh, tại London có cổng Wellington với bộ xe tứ mã với một thanh niên trẻ hướng lái cỗ xe ngựa. Cổng này nằm tại Công viên Hyde và góc phía đông của Công viên Green. Cổng được dựng từ năm 1826-1830, nhưng tượng bộ tứ mã chỉ được đặt lên thay thế tượng Quận công Wellington cỡi ngựa khi cổng đuợc chuyển về địa điểm mới này vào năm 1912.
 

Victor Emmanuel II, Rome, Ý
Cổng Wellington, London

-Hung Gia Lợi có Quảng trường Anh Hùng ở Budapest. Quảng trường Anh Hùng rất rộng có nhiều tượng và địa danh lịch sử, chính giữa là một đài kỷ niệm và phiá sau đài kỷ niệm là hai nửa vòng cung, trang hoàng trên đỉnh với nhiều tuợng có ý nghĩa khác nhau.
 
 

Chiến tranh
Hòa Bình

Trên đỉnh vòng cung dẫy cột bên trái, phía ngoài là tượng một người đàn ông cầm một lưỡi hái (scythe) và một người đàn bà đang reo hạt tượng trưng cho Lao động và Thịnh vượng. Phía đối diện thì có người đàn ông cầm một bức tượng và người đàn bà cầm một lá cọ tượng trưng cho Kiến Thức và Vinh Quang. Trên đỉnh phía bên trong của hai dẫy tượng, bên trái có người đàn ông lái song mã dùng con Rắn như một cái roi, tượng trưng cho Chiến tranh, và bên phải hình tượng người đàn bà cưỡi song mã, tay cầm lá cọ biểu hiệu cho Hoà bình.

Ngựa và Luật pháp

Chúng ta có cụm từ "Trước vành móng ngựa". Cụm từ này đuợc nổi tiếng nhờ một loạt chuyện ngắn của nhà văn Hoàng Đạo/Nguyễn Tường Long (Tự Lực Văn Đoàn) mà ông đã thu thập khi làm tham tá lục sự trong các toà "Tây Án". Chuyện kể những ê chề, buồn khổ, đôi khi cười ra nước mắt khi ông nhân chứng những vụ quan tòa bảo hộ xử án oan ức những bị can không có tiền thuê trạng sư biện hộ trong một xã hội nô lệ thời đó tại toà tiểu hình Hà-Nội.

Vành móng ngựa là một loại vành sắt hình cong như móng ngựa và được đóng chặt vào móng chân ngựa để bảo vệ và giữ cho các móng được bền vững khi ngựa chạy trên đường trường. Cụm từ này được sử dụng ở các tòa án và được đặt tên cho một bục gỗ có hình vòng cung bán nguyệt như móng ngựa đặt ngay giữa phòng xử án của pháp đình để phạm nhân đứng vào đó nghe quan tòa, biện lý hay chánh án buộc tội/xử.

Ngựa và ứng dụng Khoa học/Y/Dược

Đã lâu huyết thanh ngựa đã được dùng để điều chế một số loại thuốc áp dụng trong Huyết thanh liệu pháp (serum therapy) để chống trị một số bệnh nhiễm trùng. Biết đến lâu nhất là huyết thanh từ ngựa dùng tạo miễn nhiễm trị bệnh sưng yết hầu Diphteria, sau đó là antitoxin trị Tetanos , hay trị rắn cắn (antivenom), trị nhện độc châm trích, v.v... Bác sĩ gốc người Đức Emil Von Behring (1893), người đã được phát giải Nobel Y khoa lần đầu tiên vào năm 1901 là do sự đóng góp khoa học quý giá cứu nhân này mặc dù có uẩn khúc trong tiến trình nghiên cứu cùng cộng tác viên khoa học khác.

Thuốc ATG Anti-Thymocyte globulin là một sản phẩm kháng thể gốc làm từ ngựa (eATG) hay thỏ (rATG) dùng chống lại tế bào T, để phòng ngừa rejection trầm trọng trong những trường hợp thay ghép cơ quan (thí dụ thay thận) và điều trị thiếu máu aplastic anemia. Có hai ATG lưu hành tại USA là ATG của Genzyme (rATG) và ATG Atgam (eATG) của Pfizer. ATG thường được dùng vào thời điểm thay ghép cơ quan để phòng ngừa bệnh cơ thể không chấp nhận cơ quan thay thế.

Ngoài ra một sản phẩm rất quen thuộc với phụ nữ trong nhiều thập niên trước, Premarin (conjugated estrogen) đã được ly trích từ nước tiểu ngựa cái có bầu dùng trị rối loạn kích thích tố ở phụ nữ. Đây là sản phẩm đã có từ lâu đời (lưu hành từ năm 1942) của hãng Wyeth Pharmaceuticals (là một phần của Pfizer bây giờ từ năm 2009).

Ngựa và Cơ thể học

Cụm từ thần kinh cột sống hình đuôi ngựa (Latin là cauda equina) do nhà cơ thể học Pháp Andreas Lazarius đặt ra khi ông thấy nó giống đuôi ngựa, được dùng để chỉ một nhóm những đôi thần kinh rời khỏi dây cột sống ở phần cuối tận cùng của cột tủy sống trong người. Những dây thần kinh vận động này giữ nhiệm vụ điều hành vận động của vùng háng, đầu gối, chân, v.v...

Hội chứng Cauda equine (CES/cauda equine syndrome) là bệnh đau dây thần kinh cột sống đuôi ngựa có thể gây nên mất khả năng vận động nếu bị trầm trọng.

Bệnh thận hình móng ngựa (horseshoe kidney) là bệnh trong thời gian phát triển của bào thai, hai thận nối nhập liền với nhau thành hình chữ U hay vòng cung móng ngựa đi từ bên này hông sang bên kia hông. Bệnh bẩm sinh này làm thận của trẻ sơ sinh không hoạt động được và các em nhỏ thường chết yểu. Tài tử Mel Gibson (sinh năm 1956/57 tuổi) qua thông tin internet và báo chí có mang bệnh bẩm sinh này, nhưng vẫn sống bình thường cho đến hiện tại.

Tạm kết

Tóm lại, viết về ngựa thì có biết bao nhiêu chuyện để viết, nhưng người viết xin tạm ngưng vì chỉ nhớ có từng ấy thôi. Thế mà cũng đã khá dài. Xin hẹn sẽ viết tiếp trong năm Giáp Ngọ nếu có chi hay và mới hơn để thêm vào.

Không tiên đoán mà chỉ mong năm Giáp Ngọ sẽ mang cho tất cả độc giả và gia đình, thân quyến những điều tốt đẹp nhất, và đất nước chúng ta sẽ tiến triển nhiều hơn trên mọi phương diện.

Sóng Việt Đàm Giang
Những ngày cuối năm 2013