Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Tôi đi tìm nó
***
Phí Ngọc Hùng
Đang đi tìm một cõi văn chương trong kho chữ thì gặp bác. Bác đúng là mọt sách, mọt chữ để thành bạn gối đầu lên chữ nghĩa của tôi và để có chuyện lập thân tối tiểu thị văn chương dưới đây. Chuyện là bấy lâu nay, tôi năm nắm nghĩ làm như định mệnh an bài cho mỗi người gắn liền với mỗi vật để có chung một dòng sinh mệnh. Vậy mà đã gần nửa đời người tôi đi tìm nó, năm mươi năm thì ngắn, nhưng nếu nghĩ đến nửa thế kỷ thì lại quá dài. Nó vẫn có đấy, còn đấy và bám cứng theo tôi không rời.
Bác mọt sách vừa bò ra khỏi trang giấy lỗ mỗ lơ ngơ hỏi "nó" là cái giống gì mà giống đuổi mồi bắt bóng vậy? Chả dấu gì bác, lúc này tôi có một chuyện khác. Trong đom đóm ngoài bó đuốc là đi tìm...chữ để viết về một vật. Nó dường như cũng có chung một dòng sinh mệnh với tôi, mà tôi vừa mạo muội thưa gửi với bác ở trên. Khi không bác cõng ông Anton Chekhov vào chuyện xóng xả: "Khi viết, bạn phải tìm cách vượt thoát phần vào chuyệnhết chuyện vì nó làm mất nhiều thì giờ nhất cho người viết". Dạ, hiểu rồi bác! Phần "hết chuyện", nói cho ngay tôi đang quá mù sa mưa!

Còn phần "vào chuyện" thì có ngay đây...thưa bác!

***

"...Như hôm nay chả hạn, đang nằm bẹp dí bên khay bàn đèn thuốc phiện, ông nghe vanh vách, không sót một tiếng...Khác với mọi ngày, lúc này ông đang vật vờ về một thời hoàng kim cùng ngẫm chuyện nhân sinh. Nào là sống ở trên đời chả được mấy. Không ăn chơi cũng thiệt, chả ăn cũng thiệt vào thân, không chơi cũng già khú đế. Và ông tặc lưỡi tách một cái. Mà đã ngập vào nơi chốn ấy, tương giao tri kỷ không ngòai khi buồn thuốc phiện, lúc vui cô đầu đến...nhức đầu. Đêm hồi hôm, ông ngủ cho béo mắt. Sáng nay dậy muộn. Ông nằm khểnh trên phản nghe bà hàng xóm chửi mất gà, quên tiệt đi mất là từ sáng đên giờ chưa làm ngao nào cho ra hồn. Tiện tay quơ cái dọc tẩu. Ông phồng má lấy hơi thổi phù phù vào cái đít dọc tẩu cho thông hơi thông điếu. Chậm rãi hơ cái nõ qua ngọn đèn dầu lạc cho vừa đủ nóng. Nhét bi thuốc phiện lấy ra từ cái hộp dẹt tròn có dấu in hình nổi "Bà Đầm Xòe" có cái tít "Công Quản Nha Phiến Đông Dương" mà ông cậy cục mua ở phố Khâm Thiên, ngõ Yên Thái tận Hà Nội.

Ông thong thả khẽ nhấn nhấn chất dẻo vừa đủ chặt sau đó nhẹ nhàng châm lửa. Trong cái vắng tanh vắng ngắt của gian phòng ẩm thấp, gần như ông nghe được cả tiếng xèo xèo của chất nhựa quánh gặp nóng kêu riu riu. Trong cái giây lát yên ắng chờ đợi sắp gặp gỡ ả phù dung, ông thót bụng lấy hơi từ lục phủ ngũ tạng. Đưa cái đít dọc tẩu ngang cửa miệng, thông qua cái yết hầu nhấp nhô lồi lõm. Ông hít vào một chập thật lâm ly quy phượng như lõ cả bộ điếu ra. Tiếng điếu kêu ròn tan, mùi thơm ngào ngạt tỏa khắp nhà. Ông lờ đờ nhả khói từng ngụm nhỏ giữa gian phòng thênh thang, không một bóng người. Trừ con thạch sùng đang đờ đẫn trên vách tường, bỗng khi không nó buồn tình tặc lưỡi một tiếng "tách", thì ra nó đang đợi hít hít chút hơi hám cơm thừa canh cặn của ông. Ông hãm khói từng ngụm thuốc từ nãy giờ. Giờ mới nhả ra những mảng khói xanh nhạt nhỏ, từng đợt, từng sợi mỏng tang như hương tàn khói lạnh...".

Đầu trỏ xuống cuống trở lên, chữ nghĩa tôi là một thứ trái muộn, nó ương ương vào cuối mùa, bác thấy sao? Bác tặc lưỡi "tách" một cái như con thạch sùng và rằng: "Văn hay chả luận đọc dài, vừa mở đầu bài đã biết văn hay" (ca dao). Ấy! Lạy thánh mớ bái, bác cứ nói thế, bạn đọc chửi cho thối óc. Nói cho đúng ra, tôi năng nhặt chặt bị chữ nghĩa của người trăm năm cũ, để chẳng hay ho cũng húng hắng được một vài...câu về ông ngoại tôi. Nào có khác gì bác vừa vay mượn ca trù, đồng dao để hú họa tôi vừa rồi. Hay như ông Khổng Khâu với thuật nhi bất tác, nôm na là chỉ thuật lại chứ chẳng sáng tác chi. Ngắn gọn là tôi chỉ ăn đong chữ nghĩa của người khác để...sáng tạo thế thôi. 

Hớ! Bác ngùng ngoằng là: "Cái bệnh của những học giả, nói theo Nietzsche, là không viết được gì nếu không dựa trên trích dẫn của người khác. Chứ chả sáng tạo quái gì". Bác lẫm đẫm thêm: "Sáng tạo của viết lách là sự nấu nướng những gì có sẵn thành món ăn mới. Còn viết chữ ư? Là bày biện món ăn với nhiều gia vị. Một phong hóa văn chương, dàn dựng nhân sinh vào mâm cỗ ngôn ngữ đấy thôi". Thôi thì bác nhiều chữ, bác bảo sao tôi nghe vậy. Vì chữ Tây chữ u tôi rù rà rù rờ, ngay cả ông Anton Chekhov tôi cũng lõm ngõm nữa là! Huống chi cụ Nietzsche! Chạy trời không khỏi nắng với nhập thế tục bất khả vô văn tự, thì nó nắng ưa không mưa không chịu là thế đấy.

Ngày...tháng...năm...

Bài viết về ông ngoại tôi với cái bàn đèn qua truyện ngắn "Chửi mất gà" thì tôi đã viết xong từ lâu. Mà cái tật viết chữ để tiêu hóa thời gian để dính vào cái khổ nạn tiêu pha chữ nghĩa làm tôi chống chếnh chung chiêng. Vì rằng một ngày đụng vào ông làm văn Tô Văn, gốc Bắc, trước 75 ông nổi tiếng là ăn thịt chó, uống rượu, hút thuốc phiện và lề mề rằng: "Hễ ghét thằng nào thì xúi nó làm văn và hút thuốc phiện. Hễ nó dính vào nghề văn, hút thuốc phiện là nghiệp rồi. Chả bao giờ khá được, khổ như chó ấy". 

Thế là cái thằng tôi ...dính! Nhưng ấy là chuyện sau!

Nay tôi đang đi...tìm chữ về ả phù dung để có bài viết khác thì lại bí chữ. Bác liu điu là cứ theo ông đồ nát chữ Ngộ Không nào đó thì phù là nổi lên mặt nước, còn có nghĩa khác là hư không. Phù dung là một loại cây sống trong nước. Phù du là tiếng Hán, tiếng Nôm là con vờ vờ. Một thứ côn trùng ban ngày bay ở trên mặt nước, tối hay bay ở gần bóng đèn và...chết sớm. Phù dung và phù du chỉ đời sống ngắn ngủi, vô thường. Đầu óc tôi đang rối tinh vì hút thuốc phiện chả dây mơ rễ má gì đến cây phù dung, con vờ vờ phù du với hư không, vô thường với...ả phù dung. Thì bác đã lấy lửa thử vàng, đã giựt giọc "hỏi thử" tôi vậy chứ cụ vua nào đầu tiên hút thuốc phiện trong sử thi ta?

Hơ! Câu hỏi này khó nhai đây! Thôi thì tôi cũng đành vật vờ theo con vờ vờ là: 

Thế kỷ 19, người Anh, Pháp mang thuốc phiện từ Ấn Độ vào Tàu gây ra Chiến tranh nha phiến. Đồng thời người Pháp mang thuốc phiện vào nước ta để cụ vua đầu tiên nhì nhằng đến á phiện là Hoằng Tôn Tuyên Hoàng đế Khải Định.

Hoằng Tôn Tuyên Hoàng đế ngoài là cụ vua mê hát bội, cải lương và ngay cả đào hát nữa. Ngay chính cụ vua múa bút tự trào với khẩu khí chả biển ngẫu tí nào, thưa bác: 

Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tầu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoang ra dáng, rạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng.

Ngày...tháng...năm...

Ngỡ xong cái nợ đồng lần, bác lại tha ma mộ địa với văn học, ai là người hút xách đầu tiên. Nhiễu sự này trong sách vở tam sao thất bản cũng có đấy, nhưng còn tồn nghi. Vì rằng đầu thế kỷ 20 cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có bài thơ Đi đong thóc:

Trời mưa, sắn ống cao quần

Hỏi cô bán thuốc trời gần hay xa

Thân anh đã xác như vờ

Đồng cân xin chị cho già chớ non

Tôi chỉ nghe hơi nồi chõ thế thôi, vì chưa ai viết cụ Tản Đá hút thuốc phiện. Ngay cả giai thoại, nhưng đó là chuyện cụ vào Sài Gòn trước năm 54...nấu phở. Nhưng tôi chịu đèn...dầu lạc ở cụm chữ "xác như vờ" để tạm hiểu thế nào là con vờ vờ xác như vờ với ả phù dung hư không với vô thường. Nhưng trăm sự nhờ bác hỏi han, tôi mới thông nõ điếu ra là nên bắt đầu chuyện bàn đèn từ đẩu từ đâu. Rõ ra từ cụ Phan Khôi...

***

Ngày...tháng...năm...

Mạn phép bác chứ, chứ tôi dùng chữ "rõ ra" vì bác ăn chữ mẻ bát thiên hạ, bác biết thừa bứa khoảng thời gian này thuốc phiện được người Pháp điều hành việc phân phối. Tiệm thuốc phiện thời ấy có một bộ mặt rất Tây: Trước cửa không treo bảng hiệu mà chỉ gắn một bảng trắng kẻ hai chữ RO (Régie Opium) tức là Công quản thuốc phiện. Mùi thuốc phiện nướng thơm phức như thúc giục khách bước nhanh vào. Các bộ ván gõ bóng loáng với những chiếc gối sành mát lạnh như mời khách ngả lưng. 

Trong Người Bình Xuyên tác giả Nguyên Hùng đã miêu tả:

"...Hai Vĩnh cúi xuống tấm cửa nhỏ tí ti, vừa đủ thò bàn tay vào trao tiền và nhận thuốc phiện rót trong vỏ sò. Xong anh đi thẳng vô trong, chọn chỗ nằm ưng ý. Anh cởi áo sơ mi mắc lên móc, cởi giày rồi nằm xuống ván, kê đầu trên gối sành.Trong buồng, một lão ốm tong teo lui cui rót vài giọt đen sệt vào vỏ sò. Một a xẩm mang vỏ sò "vàng đen" ấy đến tận nơi Hai Vĩnh nằm. Anh ra dấu bảo a xẩm làm thuốc cho mình.

Với ngón tay điêu luyện, ả hơ các giọt đen sệt ấy trên ngọn đèn dầu lạc. Hai Vĩnh rít một hơi. Khói thơm phả ra cuồn cuộn. Anh có cảm tưởng như thoát trần, thân xác nhẹ nhàng như bay bổng trên mây.Làm đủ một cặp, thấm thuốc anh nằm đê mê, nửa say nửa tỉnh. Bao nhiêu ưu phiền, nghèo túng, đều bay theo làn khói về chốn hư vô..".

Ngày...tháng...năm...

Trăm sự ở một nhà văn hóa cổ đại, hiểu theo nghĩa ông là người làm văn chương đã lâu năm, tuổi tác đã khọm và cũ kỹ lắm rồi. Ông cảm khái khi đi kháng chiến: 

"...Thập niên 50, khói lửa bùng lên khắp nơi. Tôi tạm rời về miền duyên hải. Ngày dài đằng đẵng, một hôm, tôi nhận được từ Thái Nguyên gửi về cái phong bì ngoài đề: Vũ Hoàng Chương, NamĐịnh. 

Bên trong vẻn vẹn một bài luật thi với chữ ký: Phan Khôi.

Ngừng tim lặng óc bặt giòng tình
Tai mắt như không phải của mình
Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc
Nghe trong tiếng ếch một mầu xanh
Suối tiên đắm đuối bao cho chán
Khối mộng vờn mơn mãi chả thành
Thứ ấy từ lâu không có nữa
Ngủ say thức tỉnh dậy buồn tênh. 

Theo tôi, thơ cũng không xuất sắc gì cho lắm, nó được nhiều người biết vì nó là thơ ông Phan Khôi. Bài thơ được lưu hành có một chữ khác với bài thơ VH Chương nói là ông Phan Khôi gửi riêng cho tôi. Bài thơ theo VHC: "Thứ ấy từ lâu không có nữa..."

Bài thơ của Phan Khôi nhiều người có thì lại là: "Thú ấy từ lâu không có nữa...".

"Thứ" và "thú" chỉ khác nhau tí síu nhưng ý nghĩa khác nhau xa. Có người bình loạn bài thơ trên nói rằng cái "thú ấy" trong thơ Phan Khôi là cái thú "nằm với đàn bà", nhà thơ than lâu rồi ông không có cái thú dâm đàn bà nữa. Tôi không nghĩ ông Phan Khôi lại than như thế, tôi nghĩ tiếng đó phải là "thú", không phải là "thứ", nhưng cái "thú" của nhà thơ Phan Khôi không phải là cái thú hành dâm với đàn bà. Ông Phan Khôi đong thóc (*) . Thi bá VH Chương cũng đong thóc. Khi hai đệ tử của Cô Ba gặp nhau việc phải xẩy ra là họ đưa nhau về đến bàn đèn. Ông Phan Khôi về NamĐịnh với ông Vũ Hoàng Chương. Cái Gác Ống dài như cái ống, tối như hũ nút. Trong cái tiệm hút đó ông VH Chương và ông Phan Khôi đã nói chuyện với nhau hai ngày tròn với hai đêm trắng.

Trong bài thơ của ông Tú Khôi, cái "thú" ấy không phải là cái thú chơi đàn bà mà là thú đi mây, về gió, thú hít tô phê, thú phi yến thu lâm. Từ ngày lên Việt Bắc ông Tú Khôi không còn cái thú hít tô phê nữa. Rất có thể bài thơ ấy được ông Tú Khôi làm để gửi riêng cho Thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Ông VH Chương đã không viết đúng sự thực, ông đã không viết ông Phan Khôi than với ông là lâu rồi ông không còn cái thú hít tô phê, ông VH Chương sửa thơ ông Phan Khôi từ "thú" ra "thứ". Tôi thấy Thi bá VH Chương không lương thiện nếu quả thật ông sửa thơ ông Phan Khôi. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng Thi bá đã sửa lời thơ ấy từ "thú" ra "thứ".

Tôi không tin chăm phần chăm ở việc "nói có sách, mách có chứng.." Sách có nhiều sách sai be, sai bét, còn chứng thì rất nhiều khi toàn là chứng láo khoét...".

***

Ngày...tháng...năm...

Nghe thủng chuyện người làm văn chương khọm khú đế, bác chả mấy vui. Bác ngầy ngật: "Qua mâm cỗ văn chương như trên thì phải chấp nhận cái sống sượng của người sào nấu chữ nghĩa. Người đọc văn phải ngậm đắng nuốt cay mà nuốt tiếp cái phong hóa văn chương này". Trộm ý bác, tôi cắc ca cắc củm với truyện ngắn Ông Năm chuột của cụ Phan Khôi rằng không có lửa sao có khói: Ngồi buồn đốt một nhúm rơm - Khói lên nghi ngút chẳng thơm tí nào - Khói lên đến tận thiên tào - Ngọc hòang phán hỏi đứa nào đốt rơm. 

Còn "đứa nào đốt rơm chẳng thơm tí nào" nằm tít ở khúc sau.

Với truyện viết của cụ Phan Khôi gặp một người cùng làng tên Năm Chuột. Ông này làm nghề thợ bạc mà cụ không quen biết nhiều lắm ngoài cái tên:

"...Người ấy lúc vào đến cửa, hai tay cắp cái nón lá ngang ngực cúi chào cậu tôi, khi bỏ cái nón lá ra, mới thấy trong tay còn cầm một cái nữa mà sau này tôi mới biết đó là cái dọc tẩu. Nó là cái ống tròn mà dài, thấy thoáng như có khảm xà cừ và bịt bạc, bịt vàng gì đó. Tôi đã cáo về rồi, không ngờ ra khỏi cổng một chặng, nghe có người chạy theo đằng sau gọi tôi đứng lại, thì ra là người 

thấy lúc nãy. Anh ta tự giới thiệu:
- Tôi là Năm Chuột đây.
Anh ta có đưa cái dọc tẩu ra, và đột ngột nói với tôi: 

- Ông cậu của cậu thật là keo quá, cái dọc tẩu thế này mà cầm trả có 5 đồng bạc. 

Bỗng dưng anh ta cười một cách rất xỏ lá, rồi nói tiếp: 


- Như tôi, (anh ta lấy tay phải ấn vào ngực) ghiền thuốc phiện cho đáng, chứ ông cậu của cậu mà cũng hút thì hết thảy những người nghiện chúng tôi đều phải lấy làm lạ.

- Sao vậy? 

- Quan lớn xưa cùng mấy ông em lập một bản "gia ước", trong đó có một điều cấm con cháu hút thuốc phiện, nếu phạm thì trừng trị bằng những cách nào đó. Thế mà dám phạm. Ðủ biết là ông cậu của cậu là vậy đó: cái gì cũng làm nghịch lại với cha. 


Cái "gia ước" anh ta nói đây, tôi không hề biết, vì không hề nghe ai nói tới. Nhưng tôi nghĩ, nếu đúng như thế, thì anh ta nói cũng có lý. Tôi lại làm thinh. Tối hôm ấy, tôi đem câu chuyện Năm Chuột nói với tôi kể lại cho thầy tôi nghe. 

Thầy tôi bảo:
- Cái thằng láo đến thế là cùng!
Tôi làm thinh. Một chặp tôi mới dịu giọng hỏi:
- Cái "gia ước" ông ngoại lập ra mà Năm Chuột nói đó, thầy có biết không? 

- Tao không biết. Thấy nói sự cấm hút ấy ở nhà Ðông bàn (nhà quan thượng Phạm Phú Thứ) thì có, còn nhà Xuân Tài, tao không nghe. 

Ðến lúc tắt đèn, đi ngủ rồi, thầy tôi còn nói một mình:
- Cái thằng láo quá! 


Ðó về sau hơn 10 năm, tôi không gặp lại Năm Chuột lần nào. Chừng vào khoảng 1920, một lần tôi ở Hà Nội về nhà, thấy người ta nói Năm Chuột bây giờ lập gia đình ở tại làng tôi. Làng tôi có một chỗ gọi là Cồn Mũi Gươm, có một vạt đất gọi là đất Chó ỉa, theo lời thì Năm Chuột đã xin làm cái túp tranh trên vạt đất ấy, và cưới vợ là con gái một nhà có môn bài bán rượu và thuốc phiện cũng ở làng tôi. Hắn vẫn làm thợ bạc. 

Một hôm tôi đến thăm, thấy trong nhà chỉ có một căn ván nhỏ, trên đặt cái bàn đèn, ngoài ra là cái lò bễ bạc để ngay chỗ cửa ra vào. Bấy giờ gần đến Tết, trời hơi lạnh, hắn ở trần, ngồi cạnh cái lò bễ đang hơ cả người trên lửa. Hắn xin lỗi tôi và nói:
- Người ta tắm bằng nước, nhưng tôi quanh năm tắm bằng lửa. Hơ thế này cho đổ mồ hôi ra, kỳ sạch ghét, thì cũng chả khác 

tắm bằng nước. 


Nói đến đây, anh ta ngáp một hơi, rồi xin lỗi tôi cho lên ván đốt đèn hút mấy điếu...".

***

Bỗng dưng bác ngáp: "Cái thằng láo quá!". Xin lỗi bác núc nắc gì tôi nghe không ra?Nhưng ấy là chuyện của bác....

Vì lúc này tôi phải khăn gói gió đưa ri cư vào Namđây.

Thôi thì với một mảng văn chương, bác cho tôi hoài đồng vọng một chút về Hà Nội qua nhà văn Mai Thảo:

"Trở về những mảnh tôi xưa, những hình ảnh muôn thuở của Hà Nội chưa tiều tụy. Tiếng gió HồngHà mùa nước lũ. Tiếng còi tầu Long Biên. Tiếng tỳ bà Ngã Tư Sở đìu hiu lau lách. Tiếng tom chát ngõYên Thái. Tiếng khí phách Khâm Thiên...".

Nhà văn Mai Thảo hoài niệm ông bạn Thần Tháp Rùa viết về Hà Nội với nhiều dấu chấm đậm đặc, phiêu bồng đâu đây ngào ngạt hơi hướng của ả phù dung với khói mây mịt mùng ở ngõ Yên Thái, khu Khâm Thiên. Và tôi nhớ lất phất ai đấy đã viết Mai Thảo trong đêm cuối năm, sau một canh chắn cháy túi, phải đi về vì để chủ nhà đón giao thừaXuống nhà chẳng biết đi đâu, một bạn văn, cũng là bạn của nàng tiên nâu hỏi: "Đi không". Và Mai Thảo lừng khừng: "Ừ, đi thì đi" và khật khừ leo lên...xe xích lô.

Ngày...tháng...năm...

Tôi và bác nằm bẹp dí trên tầu há mồm vào Sài Gòn...

Nằm không chả biết há mồm ngả ngớn gì, hay là bác để tôi khoe mẽ với đi tìm...chữ đâu có ngon ăn như trứng luộc. Vì giống nhà văn Đêm giã từ Hà Nộitôi như con lươn bỏ rọ với nhà văn Thạch Lam. Nhà văn Hà Nội 36 phố phường có nong nia với thuốc phiện hay chăng thì nó còn đó có đó. Nó ẩn nấp nằm ở "1" câu qua một bài viết trong kho chữ như bác ấy thôi. Ấy là chưa kể lắm khi mầy mò vào kiếm "1" chữ nhất tự thiên kim, vậy mà nó trốn biệt trong ngõ ngách nào đấy mà mò mẫm tìm không ra. Mà cũng nhờ cái túc duyên mò mẫm ấy tôi mới gặp bác để ăn mày chữ nghĩa. Mà bác ăn chữ mòn răng, bác có hay cái điếu cày cùng giuộc với cái tẩu thuốc phiện chăng? Như đợi dịp này lâu lắm rồi, thế là bác sống sít mang ông bạn bác ra khoe chữ. Cứ như qua ông đồ bát nháo Ngộ Không...ngộ chữ thì cái điếu cày được thợ cày cưa, cắt từ khúc tre bánh tẻ. Tiếp, bác đục đẽo không đâu là cái điêu cày chả danh gia vọng tộc gì cho mấy. Thế nhưng trong văn học nước nhà tự cổ chí kim không thứ gì tiêu pha nhiều chữ nghĩa về cái điếu cày đến như thế: Từ cái chiếu, cái chổi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kể cả cái tẩu thuốc phiện. 

Hơ! Nói dại chứ giầy dép còn có số, chứ theo cụ Nguyễn Du qua bài Điệp thử thư trung thì bác chạy trời không khỏi số, số bác nặng nợ chữ nghĩa với: Đố ngư dị tỉnh phồn hoa mộng - Văn đạo dã ưng cam nhất tử. Số bác phù dung như con vờ vờ:Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch - Tàn hồn vô lệ khốc văn chương. Thế nên bác là hậu duệ của con điệp thử thư trung, con đố ngư. Là con mọt chữ, bác nhúm nhó cái điếu cày thuộc về văn hóa dân gian chẳng qua là...cái số nên được nhiều người mục sở thị. 

Với tôi, cái tẩu thuốc phiện chỉ là kẻ hậu sinh. Thế nên tôi cùm nà cụm nụm đắp chữ vá câu là cái dọc tẩu giống như cái điếu cày không ngoài được đắp vá thiếc, đồng, bạc cho oách và cái nõ là cái nồi ống bằng kim loại. Mỗi khi hút, mấy ông bắn khỉ nằm tựa bên cạnh bàn đèn, đưa cái nồi ống hơ trên chiếc đèn dầu lạc. Khi thuốc phiện bay hơi, mấy ông bắn khỉ bèn bắn một phát, hiểu theo nghĩa bắt đầu hít vào để "phê". Vì vậy mới có cụm từ "hít tô phê" với bắn "ba-zô-ca" là thế. Ý đồ tôi là trong văn học cũng có những từ mới mẻ một thưở một cõi như: "phê", "hít tô phê", "bán khỉ", "ba-zô-ca" là vậy.

Còn đục chữ đẽo câu đến như ông đồ chữ nghĩa như trấu chát Ngộ Không bạn bác cũng...ấy ái uông thôi. 

Số là tậm tịt thế nào chả biết nữa, chả mấy ông bắn khỉ nhà văn, nhà thơ nào có chịu viết về cái bàn đèn với khẩu"ba-zô-ca". Như truyện ngắn tựa đề Cái dọc tẩu của nhà văn tiền chiến Bùi Hiển. Truyện dài "4" trang: Ngoài cái tựa đề! Tôi bới bèo tìm bọ lõ mắt tìm không ra chuyện hút thuốc phiện, cái bàn đèn. Mà chỉ thấy có duy nhất: "1" câu với "25" chữ. Trong 25 chữ có "2" chữ về cái tẩu thuốc phiện: "Anh gạt tay lão ra, lão càng xán vào vừa ấn dọc tẩu lên miệng anh vừa nói gì rất to gần như xỉ vả".

Viết về hút thuốc phiện không ngoàiVũ Bằng với nhân vật chính là tác giả xưng "ông" qua tự sự Phù dung ơi! Vĩnh biệt!.

Chẳng qua vì "vĩnh biệt" thì ông mới viết:

"...Ông nhớ đến cái cảnh linh lung ở tiệm, đây đó có mấy ngọn đèn dầu mờ tỏ. Cảnh đó "gợi" lòng người nghiện lắm. Thế mà ông không được hưởng. Lòng ông rộn rã như có ai vò xé. Tai ông ùm lên...Ông nhớ đến tiếng nói của ông chủ tiệm? Đến tên bồi tiêm mỗi khi làm xong điếu thuốc lại cầm tiêm gõ vào độc tẩu mời ông xơi?...".

Hoàng Cầm qua nhà văn Nguyễn Quang Lập: "Cụ nói một ngày tôi chỉ làm vài điếu. Mình hỏi ai đưa Cụ nói..."họ cho". Mình biết "họ" là ai rồi nên chẳng cần hỏi thêm. Lát sau đến giờ về, cụ kéo tay mình, nói "ở đây ai có điếu cày không, mượn giúp tôi cái, thèm thuốc lào" quá. Mình ngồi thừ hồi lâu, buồn và ân hận". 

Như đã thưa với bác, những nhà văn thời tiền chiến không hút lại lân la đến cái bàn đèn như Bùi Hiển, như Vũ Trọng Phụng. Sau 54, Đinh Hùng của miền Namqua Tô Kiều Ngân cũng thế: 

"Trên giường chất chồng đủ thứ: mền gối, sách vở, ấm chén và có một thứ không thể thiếu đó là chiếc bàn đèn thuốc phiện. Đinh Hùng nằm lọt thỏm vào giữa "giang sơn" của anh, vừa "dìu hồn theo cánh khói" vừa tìm ý thơ Đường vào tình sử.".

Như đường vào tình sử,tôi trên đường đi tìm nó! Thưa bác.

***

Ngày...tháng...năm...

Vào đến Sài Gòn, mò mẫm theo những người viết trước, tôi mới hay nổi tiếng có tiệm Amy ở đường Hàm Nghi. Ngoài ra còn phải kể đến tiệm hút d’Ormay ở đường Nguyễn Văn Thinh, ngay sát đường Catinat. Ấy là năm 54, vì còn nhiều nữa nằm rải rác qua những người viết khác dàn trải như tiệm Ba Lân, A Coón ở Bàn Cờ, tiệm Ðinh Quát, vòm Tư Cao gần Trường Ðại Học Vạn Hạnh, đường Trương Minh Giảng.

Và tôi đi tìm...chữ cho bài viết qua Trần Lam Giang mới "làm quen" được với cụ Vũ:

"...14, 15 tuổi tôi học Chu Văn An và học với thầy Vũ Hoàng Chương...Thầy tới trường bằng xích lô đạp. Thầy mình hạc, mảnh khảnh trong bộ đồ complet-gabardin trắng, tứ thời. Chiếc mũ phớt trắng, tứ thời. Chiếc cặp da nâu mỏng, tứ thời khi vô lớp. Rồi Thầy nhìn lên trần nhà bắt đầu nói. Có lúc Thầy nổi hứng ngâm thơ sang sảng. Hết giờ nhưng học trò còn chưa ra khỏi giấc mơ văn thơ VN. Hêt giờ, Thầy ra về, ra khỏi lớp, mặt ngước cao, nhìn mây trời, nghe chim hót...".

Đến dây, tôi tiếp nối với Trần Lam Giang là đồng môn với tôi và hoang tưởng đến cụ Vũ ngoài sân trường nhìn trời nghe chim hót và ngâm nga bài "Quên"

Đã hẹn với em rồi, không tưởng tiếc

Quãng đời xưa, không than khóc gì đâu

Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc

Sát gần đây, gần nữa, cặp môi nâu

"Em" đây là "nàng tiên nâu" ái ân với cụ Vũ. Và trong "quãng đời xưa" ấy người thơ nhả khói làm thơ về thuốc phiện. Nghe chim hót ríu rít xong, bác năm nắm hỏitôi làm quen với cụ Vũ, tôi có lân la "quen biết" với cô ba phù dung không? Ừ thì cũng đành năm nắm nem nép với bác là tôi chỉ kể chuyện thôi. Chuyện kể trên giấy không có những nhịp điệu diễn biến, bác chả tìm thấy những nhân vật hấp dẫn. Chả như bác đã dậy là không có công thức nào cho sáng tạo văn chương, viết chỉ lã những gợi mở và trình bày. Viết là để Đi tìm thời gian đã mất như của Marcel Proust. Hoặc như người mươi năm cũ với biên khảo không phải là tùy bút mà là...ký. Nhưng tôi lại hiểu bừa là ...nhật ký, thế nên tôi lực đực với ngày...tháng...năm...trong bài viết này là thế.

Là đi tìm thời gian đã mất, tôi vần đang đi tìm nó. Nhưng vẫn chưa thấy, thưa bác.

***

Ngày...tháng...năm...

Ngoài chuyện đi tìm...chữ, chuyện tôi đi tìm thời gian đã mất nằm cheo queo ở khoảng thời gian, không gian nào tôi...đếch nhớ, khỉ thế đấy. Mà chỉ nhớ tôi hay nèo neo ở quán cà phê của một ông Tàu Hải Phòng tên Phong. Vào Namông về hưu, mở một quán cà phê trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Cứ theo ông cậu vợ tôi thì ông Tàu này hút thuốc phiện nên được gọi là "Foóng" chứ chả phải là Phong.

Bắt gặp chữ "phong", như gặp mưa chiều gió sớm, bác lại được thể mọt sách nho phong sĩ khí với "yên" là thuốc phiện, "foóng" là dân làng bẹp. Dân hút thuốc phiện được gọi là "làng bẹp" vì cái tai họ bị bẹp dí do nằm hút lâu năm. Khiếp! Sao bác đào đâu ra chữ nhiều quá thể! Mà tôi kể đến đâu rồi nhỉ? Hơ! Nhớ ra rồi, là nhờ đến quán cà phê. Tình cờ tôi...mới có túc duyên gặp thằng con ông Phong tên Phát ở...Ngã Ba Chú Ía. Rất thật với bác, tôi không hay thằng của nợ này có tí máu nghiện như bố nó!

Cho đến một hôm, nó đèo tôi trên xe Honda và kể lể là một lần nó bị đau bụng. Bố nó cho nó "phê" để hết đau bụng. Tôi lưỡi đá miệng hỏi nó lần đầu "phê" có...phẻ chăng? Nó hươu vượn lúc đầu "phê" muốn ói mửa và còn đau bụng nữa, thế mới khỉ. Khỉ gió gì đâu, đột nhiên nó chở tôi tới con ngõ bên cạnh Viện Đại Học Vạn Hạnh và đi thẳng vào vòm Tư Cao cho nó "phê" một cữ, vì nó "đói thuốc" rồi. Thế mới bỏ bu!

Tới cửa, tôi đang bần bật, thằng của nợ đe nẹt tôi: "Sợ thì đừng có hút, say đấy". Câu nói vô tình của nó khiến tôi chợt nhớ đến câu viết sau này của nhà văn Duyên Anh trong Sài Gòn ngày dài nhất, diễn tả tâm trạng sợ hãi của người ở lại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975: "Thuốc phiện lâu say mà say lâu. Và hễ say, dao kề cổ vẫn...tỉnh bơ, bởi chả còn ý thức nổi không gian, thời gian, nói chi sự việc quanh mình. Dẫu mắt vẫn mở. Mắt mở không phải là thức. Dù mắt nhắm. Mắt nhắm không phải là ngủ... Giá tôi được chết say thuốc phiện, tôi sẽ hoan hỉ vô cùng. Tôi sẽ vượt khỏi sợ hãi chờ chết". 

Thế là tôi...tỉnh bơ đi vào, và gặp cô chủ bàn đèn mắn chuyện là đã thấy...say tình rồi. Âu là số ruồi. Cô, mắt liếc xéo, miệng xắng xẻ rằng hút thuốc phiện khó lắm, nhiều người hút lần đầu, một là chả mấy khi kêu thành tiếng. Hai là sẽ bị nhâm nhẩm đau bụng, như thằng của nợ tháo ống cống với tôi trên xe Hongda. Nó thật với bác, chuyện này tôi chỉ kể cho bác nghe thôi, chứ mang vào bài viết bạn đọc chửi cho mục mả. 

Lạy thánh mớ bái, bác tha cho: Số là cô chủ vừa cúi xuống lui cui tiêm thuốc cho nó, đập vào mắt tôi là một mảng ngực to bằng cái đèn dầu lạc. Chứ chẳng phải vì tức khí, vì sợ quái gì như Duyên Anh. Vừa lúc thằng của nợ vác "ba-zô-ca" bắn kêu "ro..ro.." nghe quá đã. Thế là được thể mảng ngực kéo thêm cái đèn dầu lạc chui tịt vào đầu tôi vất vưởng với: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói cả trăm năm. Thằng tôi bèn "ngả bàn đèn" làm một điếu cho...nhân sinh quý thích chí. Tôi tham thiền nhập định thở ra một hơi ngắn, nhắm tịt mắt hít vào một hơi dài và "hít" thẳng băng một hơi lâm ly quy phượng như ông ngoại tôi nghe "ro..ro.." ngon ơ. Mô Phật, cô chủ bàn đèn cùng cục khen thằng tôi...có khiếu trên đời ít thấy. Từ đó tôi chừa và cạch đến già.

***

Thấy bác không mắn chuyện cái đèn dầu lạc, hay là tôi bắt qua chuyện khác vậy...

Ngày...tháng...năm...

Chuyện là tôi lại gặp lại cây đa cây đề tức nhà văn hóa cổ đại, là người làm văn chương khọm khú đế qua một bài viết. Và cũng là cái cớ để tôi trở lại chuyện Ngọc hòang phán hỏi đứa nào đốt rơm ở trên để chẳng thơm tí nào như thế này đây:

"...Trong những lần về Hà Nội vì việc quan, ông ngoại tôi gặp lại những ông bạn đồng liêu cùng Hội Hít Tô Phe với ông. Các ông gặp nhau bên bàn thờ Cô Ba Phù Dung, chuyện các ông nở như gạo rang. Tôi không giấu chuyện ông Ngoại tôi nghiện thuốc phiện, tôi cũng không giấu chuyện tôi có một thời là Lính của Cô Ba Phù Dung, thời đăng hỏa, tức thời đèn lửa của tôi dài lâu đến 10 mùa hoa anh đào nở. Trong những người viết trẻ chỉ có tôi là bạn bàn đọi với anh Côn, anh Ðinh Hùng. Không có gì để khoe về việc hút xách nhưng năm tháng xưa đã qua rồi; anh Nguyễn Mạnh Côn, anh Ðinh Hùng đã thành người thiên cổ. Tôi không nghiện vì anh Nguyễn Mạnh Côn, khi tôi thân với anh, những năm 1964, 1965, tôi đã là đệ tử của Cô Ba Phù Dung lâu rồi.

Nhà anh trong Cư Xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận, nằm hút với anh; anh có bàn đèn ở nhà, nồi ống, đồ nghề tốt hơn của anh Ðinh Hùng. Anh làm thuốc tôi hút, vì việc tiêm thuốc cho tôi làm anh mệt, tôi hút nhiều, anh làm thuốc mỏi tay. Tôi không thoải mái khi anh phải nằm tiêm thuốc cả giờ cho tôi hút. 

Như đoạn viết về ông Ngoại tôi với câu kết mà bất cứ người viết nào có chút thông minh nhỏ bằng đầu que tăm xỉa răng cũng không hạ bút. Ðó là câu: "Ngày xưa... tri phủ, tri huyện nào mà không nghiện thuốc phiện...". Ngày xưa, tức là trước năm 1945, tất cả những ông tri phủ, tri huyện của ta đều nghiện thuốc phiện?

Quái dị. Viết như dzậy mà viết được. Hết nước nói...".

Khi không bác nhai văn nhá chữ: "Văn chương chữ nghĩa gì mà bày biện vụng về trên mâm cỗ tràn ngập đồ ăn chưa kịp nấu, sống sượng và thô thiển. Ngôn từ ngộp thở trong cái sống sượng chưa tiêu hóa như của những làng xã đất Bắc. Thêm một lần bác lụng bụng gì tôi không hiểu? Hớ! Hóa ra, bác mọt sách ăn giấy, ăn chữ đã lâu nay chỉ thích nói chuyện bếp núc. Có vậy thôi mà tôi vặn óc nghĩ không ra.

Ngày...tháng...năm...

Cây đa cây đề nhắc đến Nguyễn Mạnh Côn thì tôi chả có lý do gì không rù rì đến tác giả Mối tình hoa anh đào, qua nhà văn Thế Uyên:

"...Tôi kiếm ra nhà anh không khó. Mặc dù là buổi trưa và có hẹn trước, cửa sắt có những tấm chắn mỏng khóa kín. Chị Côn ngó ra nhận diện tôi rồi mới mở cửa và mời tôi lên thẳng căn gác gỗ phía trên. 

Nguyễn Mạnh Côn 

Tranh Chóe – Nguyễn Hải Chí

Anh đang ngồi cạnh bàn đèn, ngọn đèn dầu lạc cháy sáng, mùi khói thuốc phiện đang bay thoang thoảng trong không khí. Chắc anh đang hút cữ buổi trưa và dĩ nhiên cửa đóng then cài. 

Anh thoải mái tiếp tôi cạnh bàn đèn và tôi cũng thoải mái đến ngồi trên chiếu phía bên vì anh biết rõ ông bố tôi cũng là người nghiện thuốc phiện mới cai sau khi di cư vào Namvài năm. Hai chúng tôi chuẩn bị cho điếu thuốc kế tiếp, những động tác đối với tôi thật quá quen thuộc từ thời quá khứ. Trong rất nhiều đêm ở miền Bắc trước 1954, bố tôi đã có cái lệ, trao công việc chuẩn bị bữa hút tối cho tôi và cô em gái. Con gái trải chiếu, và kê gối, tôi bê bình trà nóng từ phòng khách vào, bê bàn đèn đặt vào chính giữa chiếu. Cái bất thường là bộ bàn đèn ở chính giữa, nhưng nó vẫn có đó từ quá lâu nên con cái coi như là bình thường. Nếu có một ảnh hưởng nào chăng thì hẳn là lũ con trai ý thức nghiện thuốc không phải là điều hay, nên về sau, khi đã trưởng thành, bọn tôi lắm lúc cũng chìm ngập nhiều khoảng khắc trong tứ đổ tường, nhưng chả có ai thuyết phục hay dụ dỗ được bọn tôi đi vào con đường ma túy bất kể loại nào.

Tôi đã chấp nhận từ đã lâu sự nghiện ngập như là một khuyết điểm của bố mình, và nếu sinh ra làm con đâu vì bố mình nghiện mà phủ nhận bố đâu. Cũng vì thế giao tình của Nguyễn Mạnh Côn và tôi cứ thế diễn ra hai bên ngọn đèn dầu lạc.

Qua ngọn đèn dầu lạc với anh Côn, một lần tôi hỏi anh Nguyễn Mạnh Côn tại sao anh nghiện, anh đã trả lời ngay thẳng đại khái là nghe nói thuốc phiện làm tăng hưng phấn về tình dục và kéo dài được lâu cuộc làm tình, anh đã thử. Khi tôi hỏi kết quả có đúng thế không, anh đã cười cho biết là đúng, nhưng rồi anh...thở dài rất nhẹ: Nhưng chỉ trong thời kỳ đầu mới hút thôi, khi đã nghiện rồi mọi sự trở lại bình thường...".

Bác cũng thở dài rất nhẹ và nhìn tôi. Thì tôi vẫn còn đang đi tìm nó đây, thưa bác.

***

Ngày...tháng...năm...

Khi không dẫn xác qua đây xin nhận nơi này làm quê hương. Tới tuổi tịch dương vô hạn hảo lại mon men làm quen với cái thú chơi đồ cổ qua một thằng bạn đời. Nó dẫn dụ tôi với đồ cổ là "nhất cổ nhì quái", cho đến một lúc nhà tôi không còn chỗ nào để nhét ba thứ cũ sì cũ mốc ấy nữa. Nhưng tôi không quên một chuyện một lần nó kể tôi nghe.

Chuyện là một ngày không nắng cũng chẳng mưa nó ghé tiệm đồ cổ của một lão Tầu già dưới phố và đập chát vào mặt nó là cái tẩu thuốc phiện. Hỏi giá nhiêu, trả lời 500. Ấy là thập niên 80, bộ tiền chùa sao, lương 7 đồng 1 giờ. Nên đành về. Sang năm trở lại chốn cũ, cái tẩu thuốc phiện vẫn còn nằm đấy. Lại hỏi giá bao nhiêu, lại được trả lời 1000. Năm sau nữa, quay lại tiệm đồ cổ thì cái tẩu thuốc phiện biến mất.

Bèn há họng hỏi?. Ông Tầu già mặt nghiêm và buồn: 1500!.

Một ngày cuối tuần, hai thằng đang ngồi xơi phở, bỗng nó hỏi tôi: "Đi săn đồ cổ chứ?". Bèn trả lời: "Còn chỗ đâu mà chứa!". Đột nhiên trong cái đầu đất chui ra cái tẩu thuốc phiện và nghĩ dám "của đi tìm người" lắm ạ. Nên gật đầu cái kịch. 

Đầu gật nhưng nghĩ không ra cái tẩu của ông ngoại tôi, hay đi hút với thằng bạn làm bằng gì? Gỗ hay tre? Lại khăn gói gió đưa thuốc phiện khởi thủy từ Ấn Độ mà tôi góp nhặt sỏi đá thì cái tẩu họ làm bằng ...thân cây ớt. Bác râm ran rằng nói thế mà nghe được, bạn đọc chửi cho thối óc. Hớ! Thế thì Tàu vặn vẹo cái tẩu giống "cái tù và" bằng sừng trâu, sừng bò. Họ uốn éo ra con hạc với chân, mỏ dài ngoằng và "hít tô phê" ở đầu con hạc thì bác có nhức óc chăng? Nói xa chẳng qua nói gần là từ thưở xa xưa, từ Tàu đến Ta, cái tẩu thuốc phiện hình thể là cái bình tích tròn, hay vuông mà tôi mục sở thị hình chụp năm 1820. Gần đây ngoài tre, gỗ, nó được làm bằng ống bạc, ống đồng, ống xương, ống thủy tinh, đá cẩm thạch xanh, trắng. Gần hơn nữa, lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng với làng gốm Bát Tràng. Họ làm chơi ăn thật cho du khách...xem chơi, nó làm bằng sành hình thể lại giống cái tù, cái bình tích và thêm..."cái trống cơm".

Thế là hai thằng nhắm tới một quận lỵ cách thành phố gần hai giờ lái xe. Nơi đây có mấy chục tiệm đồ cổ, một rạp "mô-vi" cổ lỗ sĩ, một tiệm "nhét-dô-răng" và một quán "sa-lun" cũng già lão không kém. Quận lỵ có những dấu tích còn rơi rớt lại của những người Ăng Lê, Tô Cách Lan, Ái Nhĩ Lan mà họ sang đây khai phá vùng đất mới từ thưở tám hoánh nào rồi. Nay những ông bà già khú đế, con cháu của họ, đến đây để nhặt nhặn những cổ vật của tổ tiên, của quá vãng, ôm giấc mộng hoàng lương: Ta về tắm lại dòng sông cũ – Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên. (thơ Tô Thùy Yên).

Bác lâm râm rằng ở cái đất chó ăn đá gà ăn muối nay toàn là đồ tây, đồ sành, đồ đồng thì xách bác tới làm chi vì chả có gì cho bác...thực bất chi kỳ vị. Ấy đấy, bác nằm trong xó bếp đâu có hay năm thì mười họa lọt xàng xuống nia rơi rớt lại nhăm cổ vật của Tàu, của An Nam ta. Mà mấy thứ lạc tinh, lạc quẻ này với mấy ông tây bà đầm lại rẻ như bèo nên tôi đã từng tha về hai ba món của làng Bát Tràng. Vì vậy hai thằng Mít da vàng cứ: Tưởng tượng ta về nơi bản trạch - Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn(thơ Tô Thùy Yên)và thẩn thơ, thơ thẩn đến chiều mới về. 

Trở về qua đầu thị trấn buồn hiu hắt, tôi chợt nhìn thấy tiệm đồ cổ đầu tiên lúc đến không ghé. Nhìn đồng hồ còn sớm chán nên tạt vào xem. Va vào mắt tôi là...cái tẩu thuốc phiện. Nhòm giá: 50. Bèn lật ngửa cái tẩu thuốc phiện bằng tre thấy nứt một đường dài. Mà đồ cổ bị mẻ, vỡ thì không có giá trị, nhưng ai biết đó là đâu vì nó nắm dưới cái dọc tẩu. Bèn khiêng ra xe. 

Bê nó ra xe mà đầu óc tôi óc ách. Vì cái tẩu thuốc phiện y trang như hình chụp trong quyển cẩm nang chơi đồ cổ mà tôi có ở nhà. Ấy là chưa kể giá cả còn bộn hơn cái tẩu thuốc phiện của lão Tầu già dưới phố qua chuyện thằng bạn tôi. Và tôi ôm nó khư khư trong cái tâm thái...của đi tìm người. Thêm nữa, đó là cái tẩu thuốc phiện của những người Tàu qua San Francisco từ năm 1907 làm đường xe lửa trước tôi cả trăm năm với cùng một lứa bên trời lận đận. Ý đồ tôi là đại hạn phùng cam vũ, tha hương ngộ cố tri này kia, kia nọ với hà tất hằng tương thức? Lọ sẵn đã quen nhau? Ừ thì như bác đã biết đấy, tôi vừa gặp lại một vật thân quen từ cái tuổi tập làm người lớn với nhang khói hương đèn. Dù chỉ một lần trong đời, với một nhớ hai quên, thưa bác.

***

Thôi thì đến lúc bài viết tẩu thuốc phiện thiên cổ sự nên ngừng lại. Vì như ông Nietzsche của bác từng cục ta cục tác: "Con gà mà trứng nhiều thì trứng sẽ nhỏ đi". Mà cái dở của tôi là nhiều chữ quá mà không nói lên được điều gì sất cả. Học theo bác, đồ ăn đã được nấu nướng xong, mâm cỗ chữ nghĩa đã được bày biện gọn ghẽ. Bác thêm bát thêm đũa là cốt truyện đừng xào nấu quá kỹ, ăn sẽ nhạt nhẽo...vô vị, vì vậy cần phải có nhiều...gia vị. Bác còn động dao động thớt là viết như bằm chữ để bạn đọc ăn ...ngôn ngữ! Chứ không phải cốt truyện như rang cám, tình tiết như thái bèo cho lợn ăn!.

Vậy mà chưa xong với bác. Bác lụi đụi rằng "vào chuyện" cho bài viết là một chuyện, còn "hết chuyện" là một chuyện khác. Hớ! Bác mọt sách mọt chữ cho lắm cũng bằng thừa vì "hết chuyện" bài viết của tôi chỉ đúng "5" chữ...hết biết!. 

Tôi đồ là bác chả cần bòn mót thêm "1" chữ nào cho nó cả! Dạ thì nó đây, thưa bác:

- Tôi đã tìm ra nó.

Thạch trúc gia trang

Xuân sinh, Quý Tỵ 2013

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Cây thuốc phiện

Chú thích: (*)

Theo bà Phan Thị Mỹ Khanh trong hồi ký "Cha tôi: Ông Phan Khôi" thì:

"...Trong khi dạy tôi học người chỉ dùng cái miệng còn hay tay chỉ để dùng vào cái việc cần thiết của người: lúc thì đưa mũi tiêm lên ngọn đèn, lúc thì lăn lăn nó nhanh thoăn thoắt trên cái mặt tẩu. Nhưng lúc người quay cái đầu dọc tẩu vào miệng và cai tiêng ro ro trầm buồn đang kéo dài, là tiếng nói người hoàn toàn im hẳn. Tôi cũng lặng im, đợi cái phút mà từ hai lỗ mũi người bay ra hai làn khói xanh quyện vào nhau rồi tan mác trên không, người bắt đầu giảng tiếp. Thấy tôi chăm và chóng kết quả, Thầy tôi rất bằng lòng. Nhưng tiếc thay ước vọng của con người và chí nguyện của tôi nửa chừng đành bỏ dở vì lúc sau nầy người cai thuốc phiện...(khoảng năm 1930 ở làng Bảo An, Quảng Nam)".