Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
|
|
Chuyện gã kể không phải dễ viết, bởi lẽ đã có
nhiều người viết rồi. Như một nhà văn nào đó ai oán: “Vào
cái lúc tôi bắt đầu viết, những điều tôi cho rằng cần được
viết ra đều đã được viết ra bởi những người đi trước.
Những mất mát đau thương, những tủi hờn vong quốc, những đất
khách bơ vơ, những qua sông nín thở. Và còn nữa, những máu
lệ ngục tù, những hồn oan ngọn sóng, những đáy biển vùi thây”.
Nhưng may quá là may, nghe qua chuyện
kể,...những máu lệ ngục tù,...những
tủi hờn vong quốc cũng đều có cả đấy. Chỉ khác một
nhẽ chuyện của gã là gã bị bắt làm tù binh. Nhưng chẳng may
gì! Bởi nhẽ thiên hạ sự đi nhẩy dù, thủy quân lục chiến,
đánh đấm từ trên trời xuống, từ dưới nước lên thì gã trên
răng dưới lựu đạn được tạm coi như là “hình nhân thế
mạng” cho lính...địa phương quân! Với địa là đất, suốt
ngày đào đất ngồi dưới hố cá nhân thì văn dĩ tải đạo cái
khổ nào. Khó khăn thật chứ đâu có đùa!
Khó hơn nữa với một nhà văn ngoại quốc: ‘’Không
việc gì phải lo tìm bằng được những cốt truyện thật lắt
léo, chi
tiết vô bổ, không có thật’’. Nói
cho ngay...cốt truyện đã có
sẵn rồi đây, và không...lắt léo
cho mấy, như: Gã, trung úy bộ binh Sư đoàn 1, bị bắt làm tù
binh, bị đưa ra Bắc. Vào lại Nam rồi vào trại cải tạo như
bất cứ ai.
Còn...chi tiết vô bổ! ư? Bung bét ra như thế này: Vào trại cải tạo,
gã đi chặt tre rừng. Đang lom khom chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
hữu thân hữu khổ, chưa biết phàn nàn cùng ai thì bị cái gai
đâm bu nó vào mắt, phúc bẩy mươi đời chưa mù. Chưa kể đi
H.O. với bút sa gà chết trong giấy ra trại bị ông cán ngố phóng
bút: “31 tháng hai”. Thế là thằng Mỹ nó bác, gã phải mại căn
nhà để lo thủ tục ”đầu tiên”. Để lại mò ra Bắc nữa vào
Bộ nội vụ nắn no lại cho đúng niên kỷ, niên lịch: “28 tháng
hai” tây.
Tiếp đến với...không có thật, nếu như ra Bắc cũng nên gặp nhà văn
Nguyễn Công Hoan, vì tôi đã học mót ông, học như gà đá vách
ấy mà qua câu: “Viết là bịa, nhưng phải dựa trên chuyện có
thật, viết thật quá lại không thật. Vì vậy phải bịa. Nhưng
phải bịa như thật”. Nói cho ngay, tôi đâu cần phải...bịa, vì chuyện có...thật:
với hiện thực: “Gã” là
đương kim anh vợ tôi. Đèo bòng thêm nữa, nói xa nói gần
chẳng bằng nói thật, chẳng phải vì gần chùa gọi Bụt bằng
anh, thấy Bụt hiền lành bế Bụt đi chơi. Tôi không gọi
“anh” mà khuân hình tượng, hình dung từ “gã” vào đây để
bài viết có khí phách, có hồn vía một chút nên tôi nghĩ ông
anh vợ tôi chẳng nề hà gì. Vì đi lính, gã cũng uống bia trái
thơm, hút thuốc lá quân tiếp vụ như bất cứ ai. Ấy là tôi đoán
chừng vậy, chẳng biết có đúng chăng. ***
Tất cả chỉ là ngẫu nhiên, cả năm anh em mới gặp nhau
trong dịp Tết, đang nói chuyện nhà Phật với...Tứ diệu đế.
Khi không, tôi bắt qua chuyện bắn “ba-zô-ca” trong trại cải
tạo với câu thơ “Nhớ
bạn như đang nhớ thuốc lào - Đường gần nhưng cách trở
biết bao”
và đường gần nhưng cách trở biết bao đây là hai láng
với hàng rào kẽm gai.
Thế là gã vào chuyện...
Theo gã kể trại cải tạo vùng Quảng Trị tên là “Trại
tàn binh”, tạm hiểu đây là trại tù kiểu du kích địa phương
“tự biên tự diễn” nên tương đối còn lỏng lẻo. Vì là
trại chuyển tiếp, chưa có nội quy chặt chẽ nên ít khắc
nghiệt hơn những trại cải tạo trong Nam hay ngoài Bắc. Như
mới chỉ ba tháng, thỉnh thoảng có người được tha về, thường
là những công chức nhỏ hay sĩ quan cấp thấp, như thiếu úy,
trung úy chẳng hạn.
Một ngày gã và 5 ông
bạn qua một thửa vườn, nhìn thấy lá như lá đu đủ non, gã
biết ngay chóc đây là những cây khoai mì. Thế là gã nhẩy bổ
vào. Nhưng gã không ngờ khi nhổ củ khoai mì, lá cây ở trên lay
động, thằng du kích đứng ở chòi cao dòm thấy. Vừa lúc lụi
đụi buộc ống quần để nhét mấy củ khoai mì thì gã bị
thằng du kích lấy báng súng đánh ngược lên, gã bật ngửa ra
đằng sau. Vẫn không tha, thằng du kích tiếp tục lấy báng súng
dọng vào mặt gã. Gã lấy tay che mặt mới biết mặt mày đầy
máu
Và mới biết mất bu nó nguyên hàm răng cửa.
Gã lóng nhóng tiếp sau này qua đây, gã thửa được nguyên...bộ
răng giả. Ngỡ yên thân, một bữa đứng trước cầu tiêu, gã
ho. Gã...ho thế quái nào mà văng hàm răng vào bồn cầu, thế là
lại phải trồng một hàm răng nữa cho sướng cái thân.
Bị thằng du kích đánh tận tình, đục gã tới nơi tới
chốn. Nhưng gã không thèm mở miệng van xin thằng oắt tì một câu
vì dẫu chết thì chết, gia dĩ gã là sĩ quan quân lực VNCH cơ mà.
Đến đâu thì đến, đó là “triết lý củ khoai” của gã.
Quần gã tơi bời khói lửa xong, thay vì dẫn về trại, thằng du
kích trói giật khủy tay đưa gã đến trụ sở xã gần đấy.
Vừa lúc lão xã trưởng đi về. Lão đi qua gã liếc xéo gã
một cái rồi định ngồi xuống làm một bi thuốc lào. Không
hiểu nghĩ sao lão khẽ khọt quay trở lại nhìn gã rõ hơn, dễ
hiểu là gã đang ôm mặt đầy máu nên lão nhìn không ra. Bỗng lão
bật ra hai chữ:
- Ô Ba.
Gã cũng muốn bật ngửa người ra đằng sau như hồi nãy.
Vì “03” là tên hiệu truyền tin của gã. Nhưng gã vẫn nín
khe, vì trại cải tạo kia, trụ sở xã này nằm trên đất đóng
quân một thời một thưở của gã. Bởi nhẽ nào có biết lão xã
trưởng này là ai, là nẫu nằm vùng thì còn...nẫu hơn nữa. Lão
nâng mặt gã lên nhìn. Và búng thêm một câu:
- Đủ má! Trung úy Nghĩa!!!
Lúc này gã mới ve vé mắt nhìn lão xã trưởng. Bố mẹ ơi,
hóa ra lão là thượng sĩ nhất tên “Nàng”, là thường vụ đại
đội trước kia của gã. “Nàng” vội cởi trói cho gã...
Từ đó gã tịnh khẩu bằng cách ăn chay và nói chuyện
tứ diệu đế. Riêng cái khoản chay tịnh, chay chùa với giống
giuộc nào có chữ củ như củ khoai mì, củ khoai lang...và
cả...“củ cải”, tuyệt nhiên không có gã...Tuyệt tự không!
Thà ngỏm củ tỉ sướng hơn!
Nhưng ấy là chuyện sau... ***
Làm như được...cởi trói là an nhiên tự tại lắm với
trời đất hương hoa, người ta cơm rượu, nên gã thảnh thơi vào
nhà đổng đểnh xách ra nguyên một chai Henessy. Là ngày Tết, cũng
vừa xong ngày thất thất lai tuần của ông cụ gã, và cũng là
ông nhạc tôi.
Hơ! Ô túy cương tửu, diễn Nôm “ô” là
ghét, ghét say sưa nhưng lại thích uống rượu. Vì vậy tôi đành
ực một cối, nhưng vẫn còn tỉnh táo, để tam toạng với gã là
ngay từ đầu nhìn thấy mặt, nghe giọng nói, gã không nhận ra lão
thượng sĩ già ư? Nghi quá thể! Gã ngay đơ là đang hồn vía lên
mây vì hồi nãy thằng du kích còn hú họa mang về trại quại thêm
một chập nữa. Đồng thời trong cái lúc đầu óc đang lùng bùng,
mặt mày sưng vếu, máu me tùm lum, mắt híp lại, nên còn hơi
sức đâu nhòm ngó ai với ai nữa.
Nghe được, được thể tôi lùi xùi tiếp cởi trói rồi
sao nữa? Gã nói sao trăng gì! Vì ngay cái lúc hỗn quân hỗn quan
ấy, gã nghe một tràng
“ra-phan” khạc đạn 7.5 ly...
- Đủ má thằng nào đánh ôn.
- Tui, vì nó ăn cắp
khoai mì.
- Mả cha mày, mày biết ôn là ai không.
- Tui đâu có hay.
- Đủ má, hồi nhỏ mày đái lên đầu ôn. Mày không hay à.
Bấy giờ gã mới lớ quớ ra thằng du kích là con lão thượng
sĩ già, vì có lần gã cõng nó theo lão đi nhậu và nó đái lên
đầu gã. Vừa lúc nó quỳ mọp xuống, lạy gã như tế sao:
- Con xin lỗi ôn, ôn tha cho con.
Sau đấy, gã dàng dênh là lão thượng già quát tháo thằng
con luộc khoai mì cho gã ăn. Đang ngon trớn “hoài cố nhân”
với “hoài niệm”, khi không gã...“tắc bọp”:
- Đủ...
Mới được nửa chữ nhất tự thiên kim, biết lỡ miệng,
gã quề quà:
- Còn răng lợi đâu mà ăn nữa!
Cũng từ đó, gã ăn khoai mì thấy...ê răng. Nghe
chuyện khoai lang, khoai mì dai nhanh nhách, tôi bèn hỏi gã chuyện
Sư đoàn 1, để nghe bắn nhau đùng đùng đã hơn.
Ngỡ được nghe gã góp nhóp sư đoàn tuyến đầu hỏa
tuyến, gã lại...“cắc cù” nữa:
- Đủ má...
Lại biết mình lỡ miệng nữa, gã khỏa lấp ngay:
- Sui tận mạng!
Sau đó gã à ê, đại thể hôm đó gã và 5 ông bạn tù
được trưởng trại chuyển qua trại khác gần sịt ngay đó nên
đi bộ cho phẻ. Thấy vườn khoai mì là nhào xuống kiếm chút
“bồi dưỡng” nên bị thằng con lão thượng sĩ đánh cho nhừ
tử. Bị giải về trại cũ mới ô hô ai tai ra gã và 5 ông bạn
qua trại bên kia để làm giấy tờ ra trại về Sài Gòn. Nhóm gã
được thả nhưng thằng trưởng trại cóc cho hay vì sợ
lộ...tiết lộ bí mật nhà nước.
Bố khỉ! Nghe xong tôi cũng muốn “đủ...với thiếu”
ngon ơ như gã! ***
Mãn khóa Thủ Đức, gã chọn Sư đòan 23 thuộc Vùng 2
chiến thuật. Đứng bên cạnh, vợ bạn đồng khóa đang vác ba-lô
ngược, ỉ ôi vì chồng bị ra Sư đoàn 1. Gã búng tay một cái tách
làm cú hoán chuyển cho đẹp mắt. Về nhà, gặp khi ông cụ đang
ngó chừng TV qua những trận đánh ở miền Trung. Nghe vậy ông
cụ gã mắng cho một trận tươi tát và chạy tới ông chú quan
to súng ngắn trong Bộ Tổng Tham Mưu chạy thuốc. Cha đời, nói
không ai tin, có 10 ngày phép mới tới ngày thứ 7, gã đã cuốn gói
ra Huế để trốn ông cụ.
C130 đáp xuống Phú Bài, bước xuống gió thổi mù mịt,
nom nhòm thấy hàng hàng lớp lớp quan tài phủ cờ ba sọc đỏ,
gã lạnh...mình bèn vỗ trán: “Mình ngu thật!”. Nhưng chẳng
ngu gì, 6 tháng sau bạn đồng khóa hy sinh vì tổ quốc ở Tuyên
Đức.
Ra vùng một chiến thuật, trình diện Tiểu đoàn 2, Trung đoàn
54. Một ngày như mọi ngày gã dẫn lính vào nơi gió cát, tới
tận Quảng Trị. Ở đây gã gặp lão thượng sĩ nhất thường
vụ đại đội, người xứ Quảng. Quần nát địa đầu giới
tuyến một thời gian được lệnh kéo lính về Huế, và được
điều động tới căn cứ
Nói xa nói gần chẳng qua nói thật là chuẩn úy mới ra trường,
lão “chỉ huy” gã chứ ông cố nội gã nào...dám chỉ huy lão.
Thảng như một tối gã cho lính đóng chốt ở tọa độ “A”.
Lão cho hay ở đây thế nào cũng từ chết đến bị thương nên
“ra lệnh” rời qua chỗ khác. Nhân bảo như thần bảo, nửa đêm
nghe ì oành, I oành, đất trời rung rinh tóe lửa. Sáng hôm sau
trở lại chốn cũ, gã tóe khói ra là tọa độ A bị pháo tan bành
xí quách.
Ngay cả chuyện lon lá của gã, lão nguých ngoác rằng
thêu thùa ở cổ áo làm khỉ gì, cứ gắn miếng thiếc ở túi
áo cho tiện bề đôi việc. Lỡ gặp ngày trái nắng trở trời,
bị Việt Cộng rượt chạy có cờ thì quẳng bu nó đi cho đỡ
mất công có cái màn lỉnh kỉnh...hòm gỗ cài hoa. Gắn lon vào túi
áo xong, gã bèn...gắn bó với lão cho phải phép cái đạo tửu
đồ. Vì nhà lão quanh quéo gần đấy, gã ký phép miệng cho lão
về thăm nhà. Sợ lão dù mất tiêu thì bỏ bu nên gã đeo theo,
tiện thể gã theo lão vào thôn ấp lỳ một lam làm một ly đế
Kim Long. Vì vậy mới có chuyện gã cõng thằng con lão và nó nhè
đái lên đầu là thế.
Là người hay vọ vậy với địa dư với sử ký, tôi dục
dặc hỏi gã trận địa của gã có hung hăng như tướng Patton đánh
chiến xa với Đức Quốc Xã ở thành phố
Tình trạng ì oạp, ì oạp như ếch gọi mưa chẳng kéo dài
bao lâu. Chuối sau cau trước vì nhẩy dù được bốc vào
- Tôi ở vùng này tôi biết, trước sau tụi mình cũng tiêu.
Lão ngẫm nguột...Rồi nắn no, nho nhã:
- Ông thầy nên tính đi, tam thập lục kế tẩu vi thượng
sách.
Gã bèn làm mặt nghiêm và buồn:
- Ông bảo tôi đào ngũ.
Ngỡ lão tầm phào, không ngờ lão quý
xuống vừa lạy gã vừa khóc:
- Ông thầy độc thân. Tôi còn 14 đứa con, ông thầy cho tôi
về...
Và gã không biết làm gì hơn là làm thinh. Hiểu theo nghĩa
là...làm ngơ. Nhưng trước khi lão...về quê, gã cũng không quên
đưa cho lão cái đồng hồ Seiko mặt vuông và dặn dò lão đưa
cho ông cụ bà cụ nếu gã có cái màn lủng củng...hòm gỗ cài
hoa.
Thêm một lần nhân bảo như thần bảo, buổi trưa lão
biến, tối đến địch pháo ì ầm. Gã còn nghe được tăng T-54
âm ì đâu đây. Gã nói thằng truyền tin gọi máy về trung đoàn
để gã nói chuyện với “Đại bàng” cho mấy khẩu M-72 để
bắn chiến xa cho...đã.
Gọi mãi trung đoàn trưởng chỉ thấy im ắng, ắng im đến
lạnh người.
Buông ống liên hợp xuống một cái cốp, thằng truyền tin
hô hoán:
- Không xong rồi trung úy.
Nhìn cái bi đông hồi trưa lão thượng sĩ để lại.
Thằng truyền tin rẽ ràng:
- Trung úy không dọt. Em dọt.
Không xong thật! Sáng hôm sau chưa kịp uống cà phê vì lão
thượng sĩ già “dzu-lu” mất
đất rồi. Và trong quân sử của trận địa chiến trên thế
giới, ngay cả những phim về chiến tranh Việt Nam của Hollywood,
từ Coming
Home đến The
Deer Hunter hay Go
Tell the Spartans, v...v...đều không có
“clip” như thế này đây, hiểu theo nghĩa chuyện gã bị bắt
chẳng có “action” khỉ gì: Đại loại vào một buổi sáng
trời quang mây tạnh, gã đang chớp chớp mắt tỉnh dậy, bỗng
thấy trời đất khi không êm ru bà rù. Bỗng dưng có mấy khẩu
AK dí vào người. Mấy thằng chết bầm cũng không thèm vén môi
hỏi cho một câu: “Hàng sống chống chết...Hàng sống chống
chết” mà khơi khơi bắt gã làm tù binh.
Khỉ thật! Nghe gã còng cảnh kể chuyện cứ như...truyện
phong thần. Tôi buồn miệng ngứa răng rằng sao gã không ria tụi
nó một tràng cho đã điếu. Gã trả lời gọn lỏn:
- Còn đạn đâu mà
bắn...
Khi không tôi lớ quớ rằng khi đó gã có sợ chăng? Gã
thở như trâu hạ địa nào có thì giờ để sợ nữa, chỉ
biết ngớ ra thôi. Nhưng trong đầu cũng lẫn đẫn: “Đến đâu
thì đến...”.
Chung sự gã được đưa đến...cầu Hiền Lương thật!
Gã bị bắt tháng 11 năm 1974. Và được tống tiễn ra Bắc
ngay tức thì. Về
Trở lại chuyện về
Ông ta trả lời
ngon lành:
- Ở...Đà Nẵng.
Rồi ông nói ngon ơ:
- Ngu gì mà ở lại.
Gã định hỏi tiếp sao bây giờ “đại
bàng” lại chui vào đây như...gã, nhưng nghĩ sao lại thôi.
Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào, tôi hỏi bỡn gã đi tù
ra Bắc, có...ngon ăn chăng? Gã không trả lời. Già hay đái tật,
gã vào trong làm một bãi...
Để bắt đầu bằng vào mảnh đời tù binh của gã. ***
Gã được đưa tới sông Bến Hải, qua cầu Hiền Lương,
địa giới đầu tiên tên Ba Bình, nỗi buồn chạm mặt với
ngẫu sự gặp “hàng quân” Phạm Văn Đinh, nguyên trung tá trung
đoàn trưởng của Sư đoàn 3 dàn chào. Ông chơi nguyên con quần
áo bộ đội, mang quân hàm trung tá hai sao đó, hai gạch. Ông
trấn an trước 500 tù binh trước sau mình cũng...thua. Cứ phấn
đấu học tập, sẽ được như...ông và ngày về chẳng bao xa.
Sau đấy, làm như Bắc tiến đến nơi không bằng, ông “hàng
binh” trang bị cho hơn 10 anh em tù binh nào là ba-lô, quần áo
“treillis”, có người có cả “poncho” nữa, chỉ thiếu mũ
sắt, “botte de sault”. Gã chắc mẩm chuyến này đi mút mùa lệ
thủy, chẳng có ngày về. Nhưng buồn tình ngẫm ngợi những bộ
quần áo “treillis” từ lỗ nẻ nào chui lên đây? Gã ớ ra
phải chăng quân trang của anh em Sư đoàn 3 bị bắt làm tù binh
đã bỏ xác trên đường ra Bắc? Gã ớ thêm cái nữa thế này
thì chắc...chết quá. Nhưng cũng tặc lưỡi một cái bép, ra cái
điều chín đụn mười trâu, chết cũng hai tay cắp đít, tới đâu
thì tới.
Và tiếp: Ngày về đâu chưa thấy, chỉ thấy...tới Quảng
Bình, Đồng Hới...Bỗng dưng như ăn khoai môn ngứa miệng, tôi
hỏi gã có bị ném đá như trong những sách truyện chăng! Gã
trả lời ngay đơ là “có” và “không”. Nghe lạ vì gì mà
“có” là “không“ với ”không” là “có”? Tôi bèn hỏi
cho ra môn ra khoai, gã râm ran một ngắn hai dài:
Khi gã đi qua một huyện nhỏ có đám con trai, con gái đứng
bên đường (*),
dưới chân là đống sỏi đá chỉ trỏ đám tù binh. Một đứa
con gái khoảng 16 tuổi nói lớn: “Anh ni thiếu úy, anh nớ trung
úy”. Gã hỏi người đi trước: “Sao nó biết cập bậc của
tụi mình”. Chưa kịp nghe trả lời, đám tàn binh đã bị bị
mấy viên đá chọi lộp bộp vào người như gà mổ mo cau. Nhưng
vừa may có một người đàn ông đi tới đuổi lũ nhóc ấy đi và
dẫn đứa con gái về. Đám tù binh ngừng lại người này hỏi
thăm người kia một lát, rồi bị vệ binh giục đi. Đi được
một quãng gặp đứa con gái ngồi trước hiên nhà. Một tên vệ
binh vào nhà. Gã ngỡ nó vào “làm việc” với người đàn ông
hồi nãy vì chuyện ném đá. Nhưng lát sau ông ta ra. Người đàn
ông liếc nhìn đám tù binh và nói lớn:
- Thứ đó đem bén bỏ cho rồi. Nước đâu mà cho uống.
Đợi tên vệ binh qua quán nước bên kia đường. Người đàn
ông kề tai nói nhỏ với cô con gái. Lát sau cả hai mang hai gầu
đầy nước cho đám tù binh...
Bỗng điện thoại gã “réc réc” như dế kêu, gã đi vào
nhà. Tôi ngồi như Bụt mọc để cái đầu thả rong về sự
thể vừa rồi. Chuyện là tôi đọc được một bài bài viết
của một người làm văn hóa ở Hà Nội. Sau 75 vào Sài Gòn đi
dọc theo Quốc lộ 1 “tham quan” có nhắc tới chuyện ném đá vào
những toa xe lửa chở anh em cải tạo ra Bắc. Ông ngúc ngắc là
chiến tranh đã chấm dứt, sao cũng là người Việt lại đối
xử với nhau như thú vật vậy!?
Thêm một người viết trẻ tại Mỹ viết truyện “giả tưởng”:
Năm 75, quân đội VNCH bắc tiến, thêm một trùng hợp ngẫu nhiên
là quân miền Nam chiếm được...Thanh
Hóa (ẩn dụ cho Huế). Thừa
thắng kéo rốc tới Hà Nội. Miền Bắc được “giải phóng”,
Việt
Điện thoại xong, gã quay quắt trở lại với vùng đất Đồng
Hới, Quảng Bình, gã lõ mắt chỉ thấy hố bom với hố bom, nhà
cửa xiêu vẹo đổ nát nên chẳng có gì để...kể lể. Vào
Nghệ Tĩnh, cuốc bộ qua Đèo Ngang, gã bồi hồi tới bà Huyện
Thanh Quan với nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc, thương nhà
mỏi miệng cái gia gia. Tiện thể gã hoài cố nhân tới lão thượng
sĩ già, chả biết bây giờ lão ở nơi nao? Tôi nghĩ ông anh vợ
này cũng hoài đồng vọng gớm với người muôn năm cũ hồn ở
đâu bây giờ. Nghĩ quấy quá thế thôi...
Thế nhưng đến Nghệ An, qua Quỳnh Lưu, gã xăn xò dân công
giáo nghèo khổ, rách rưới không chữ nghĩa nào tả cho hết!
Ếch vào cua ra, tôi nghếch ngác họ rách thế nào, rách như tổ
đỉa là cùng chứ gì? Gã hâm hâm rằng nói rách rưới thế thôi
chứ có quần áo đâu mà...rách! Vì họ mặc...khố! Nhìn tù binh
mặc quần áo tù họ thèm thuồng thấy rõ. Họ đi lao động
chỉ vì bát cơm vậy mà họ muốn đổi miếng ăn lấy cái quần
đùi của tù. Chẳng lẽ tù đổi quần rồi...đóng khố sao?
Vậy mà sau có anh tù cởi quần đưa cho một anh nông dân, thay vì
đeo khố anh lấy cái bao cát làm quần đùi. Khi ấy, tù binh và dân
được điều động vét đất con kinh Ba Ra Đô Lương thuộc
huyện Nông Cống. Họ đào vét lòng kinh hình thang đáy 2m x 5m, dài
cả mấy cây số tới tận chân núi tên Kinh.
Là người công giáo thuần thành, đợi gã đào vét xong con
kinh tôi mới líu ríu hỏi người công giáo Quỳnh Lưu bây giờ còn
đức tin không? Gã ngẫm ngợi một hồi lâu. Lâu lắm, mới cho
hay họ còn đức tin. Nhưng không tin tù binh mình có...đường
với kẹo.
Gã trở lại với núi Kinh nói...kinh thật, vì một ông tướng
ôn vật đầy ”tư duy” và “sáng tạo” chỉ ngọn núi và
mắng thằng Tây nó ngu, làm đường gì mà ngoằn nghoèo như đèo
Hải Vân, làm bộ đội ông leo đèo chóng cả mặt. Với sức người
sỏi đá cũng thành cơm, ông bèn cho làm đường hầm xuyên qua núi.
Cứ một thằng tù, một thằng dân với một cái cuốc chim xẻ sơn
phá núi cả tháng mới được một cái hốc bé con con. Sẵn
thuốc nổ TNT của Mỹ Ngụy để lại, ông cho nổ tung núi thành
hang sâu hun hút.
Thêm một lần, đợi gã vác mấy thùng mìn lên núi đâu vào
đấy rồi. Nhân khi gã ngồi bên đường nghỉ mệt. Tôi hỏi khi
nào gã biết mình “tan hàng”. Gã cười cái hậc là nằm trong
rừng, nhìn hoa mai nở còn không biết xuân về hay chưa nữa là.
Chỉ Quốc lộ 1 trước mặt: Cũng ngay chỗ này, gã dòm thấy
mấy thằng nón cối từ
Mìn nổ thêm mấy quả nữa, đúng lúc này, lệch lạc thế
nào chẳng biết, ông tướng ôn vật mang Molotova bốc tù binh ngược
lên Thanh Hóa. Còn lại dân với xe cải tiến chui vào hang chở đá
vụn ra. Đám tù binh xuống núi, nửa đường nghe một tiếng ầm
kinh thiên động địa. Cứ theo gã nhẩm chừng khoảng hơn 200 dân
nằm chết vùi chết giập trong hang...Đoàn tù rời núi Kinh khá
xa, ngẩn ngơ, hụt hẫng nhìn lại thấy đá cát, bụi đất bốc
lên như cụm mây hình đĩa sôi vẫn còn vất vưởng ngang ngang đầu
núi. ***
Nghe gã sắp được trâu rong bò giắt đi Thanh Hóa...Chợt
nhớ gã hạnh ngộ ...cô gái 16
tuổi bên đàng, lại được cả gầu nước. Tôi tếu táo
hỏi gã có mối tình lớn, mối con nào rơi rớt chăng. Gã giầy
thừa dép thiếu rằng sau này trại cải tạo có lán, có buồng,
còn trước 75 ở ngoài Bắc, họ đang “phấn đấu” đánh cho
Mỹ té Ngụy nhào. Nên họ đâu có quởn “khẩn trương” dựng
trại cải tạo cho một nhúm 500 tù binh đang lêu bêu nay đây mai
đó. Vì vậy gặp rừng xanh um là đốn cây làm nơi tạm trú. Ban
ngày trời nóng cách mấy, nhẩy ùm xuống suối là phẻ. Đói
gặp mối chúa, mối vua là xong tuốt, cứ con gì nhúc nhích là
nhai bằng thích, trừ con...“bù-long”. Nhưng đêm về với cái
lạnh cóng da buốt thịt của rừng núi thì trốn ở đâu cho thóat.
Lạnh teo...“bu-di” thì còn làm ăn gì nữa. Đất
sinh cỏ già sinh tật, cái tật của tôi vướng víu với tầm chương
trích cú nên cũng muốn nặn véo chữ nghĩa với gã tí ti. Chòm
hỏm nhìn chai Heneesy, trộm nghĩ ‘’rượu không say, say vì chén’’,
thế là tôi làm nguyên chén và tôi bốc một tấc tận giời là
ngoài cụm từ ngụy quân, ngụy
quyền có từ thời Gia Long. Theo Đại Nam chính biên liệt
truyện, chúa Nguyễn Phúc Khoát dành hai vùng Thủy Xá phía đông
và Hỏa Xá phía tây núi Bà Nam nằm đâu đó ở miền Trung giáp
Lào cho người Chàm mất nước. Nhà chúa ‘’cải
cách’’, ‘’tạo dựng’’ làng cho người Chàm, mới có từ cải tạo. Từ làng có láng.
Láng đây là tiếng Chàm, nay thiên hạ sự gọi là lán.
Con đường “tù binh” gã đi từ Quảng Trị, qua Quảng Bình
tới Thanh Hóa, không ngoài...lịch
sử là cuộc tái diễn không ngừng.
Minh Mạng sai Trương Minh Giảng đánh Chân Lạp, đưa Nặc
Ông em lên làm vua. Bắt Nặc Ông anh và cận thần quan lại làm tù
binh, trong đó có Nữ vương Ang Mey. Bầu đoàn thê tử triều chính
và Nữ vương Ang Mey bị đưa về Quảng Bình, cón Nặc Ông anh và
tù binh bị đưa ra Bắc tập trung ở rừng núi Thanh Hóa cho
tuyệt hậu hoạn.
Tất cả đã thuộc về quá khứ, những người miền Bắc
đang “tạo dựng” lại. Nhưng tôi không nói cho gã nghe vì gã
đang là tù nhân của quá khứ, đang đi tìm thời gian đã mất.
Như nhà văn Marcel Proust mặc dù nói đi tìm một thời gian đã
mất, ông chỉ loay hoay tìm kiếm mãi hình ảnh một cái làng, làng
Combray. Ngược lại, gã ngược đoạn đường chiến binh bằng vào
con đường tù binh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa. Nếu như quá
khứ là ký ức, theo một nhà văn ở Úc: “Ðã có vô số người
viết về chiến tranh nhìn từ góc độ lịch sử và ký ức. Từ
góc độ lịch sử, người ta xem chiến tranh đã kết thúc, ở đó,
đã biết rõ ai thắng ai bại. Từ góc độ ký ức, người ta nhìn
chiến tranh như một cái gì đang tiếp diễn, ở thì hiện tại,
ở đó, họ vẫn là chiến sĩ, đứng hẳn trong một chiến
tuyến nhất định”.
Vì thế khi qua Quảng Bình, gã chẳng quên nhớ nước đau lòng
con cuốc cuốc là thế.
Lúc này đây gã đang
sửa soạn khăn gói gió đưa về vùng rừng núi Thanh Hóa. Chạy
trời không khỏi nắng, gã sẽ được đưa đến nơi chốn hoang
địa xưa kia những tù binh Chân Lạp (tức Cao Mên bây giờ) đã
có mặt ở đấy. Gã có thể nằm lại tại đây, ở một tha ma
mộ địa nào đó, gã sẽ nát bàn với Nặc Ông anh cùng thế
Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế.
Thế nên trong hương tàn khói lạnh, tôi biết gã chép miệng
một cái bép...và không nói nữa. Nhưng tôi chứng ngộ ra rằng
với gã chân không đến đất, cật chẳng đến giời thì...”thì
đến đâu thì đến”. Tôi vẫn hằng tâm đắc với “triết lý
củ khoai” của gã từ nãy đến giờ. Mặc dù gã không thích...khoai
mì.
Đến đâu thì đến...Chuyện là khi nghe nói gã sắp...đến
vùng đất chó ăn đá gà ăn muối chỉ toàn đá với đá của ông
nhà thơ Hữu Loan ở núi Nga Sơn. Lúc này nhà thơ đang ở đấy,
đang đẩy chiếc xe cải tiến lên núi xuống núi, tay cầm cái
cuốc chim thì sao đây? Tôi đoán chừng gã chẳng còn hơi sức đâu
thương nhà mỏi miệng cái gia gia và chắc như đinh đóng cột gã
sẽ...đục đá như nhà thơ nữa. Thế nhưng không, gã trẹo trọ
là được đưa tới huyện Như Xuân thuộc đất Thanh giáp biên
giới Lào, thay vì đục đá phải lên rừng đốn cây như lính thú
đời xưa với trân thủ lưu đồn “Chém
tre, đẵn gỗ trên ngàn - Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai”
rồi gặp lụt lột vì mưa thui trời thối đất...
Nghe trần ai khoai củ với lụt lội, tôi biết thế nào cũng
có rắn trong hang, lỗ chui ra. Bèn hỏi. Gã ngoằn nghoèo không
phải rắn mà là trăn. Tiếp, gã thao tác về một anh tù đang chém
tre, đẵn gỗ trên ngàn bị trăn quấn muốn...nghẹt thở.
Xoay xỏa lại chuyện đốn cây, chỉ vì chuyện đội đá vá
trời để nới rộng sông Mực làm hồ chứa nước, tù binh
phải đốn cây làm đập để lập...nhà máy thủy điện. Tôi
lại được thể so đo là đập nước làm nhà máy thủy điện
với bê tông cốt sắt dầy cả chục thước lắm khi còn bị
bể. Huống chi mấy mảng gỗ buộc giây thừng lỏng le. Y như
rằng, theo gã đâu đó ít lâu, vùng biên giới Lào bị một cơn
bão rừng kéo dài cả tuần. Cây trên rừng bị đốn, không
chặn được nước mưa. Nước ập xuống làm đập cây bị vỡ,
cây đè đám tù đang làm đập chết khoảng hơn ba chục người.
Như những cận thần quan lại Chân Lạp cả mấy trăm năm trước,
hơn ba chục tù binh, quan cũng như lính bỏ xác bên sườn núi đìu
hiu hoang vắng. Trong một cõi đi về với 1000 năm trước, 100 năm
sau nữa, thôi thì cũng đành
ngậm ngùi “Mấy kẻ công
danh nhàn lẵng đẵng - Mồ hoa cỏ lục thấy ai đâu”.
Thế nên tôi không kể chuyện giả tưởng
quân đội VNCH chiếm Thanh Hóa vừa rồi là vậy. Vì rằng ông
anh vợ hiền như khoai, lành như Bụt của tôi sẽ thở ra nếu
vậy thì hơn ba chục bạn bè tù binh của ông đã không bỏ xác
oan uổng ở nơi chốn này. ***
Năm hết Tết đến, nghe gã quan quả
toàn những chuyện tha ma mộ địa, tôi không thể không lay lắt
tới những “cái chết vô tình” và chẳng thể thiếu
những...“cái chết cố tình” trong cuộc chiến. Thảng như
với “cái chết vô tình” qua một nhà thơ miền
Đi
hành quân rượu đế vẫn mang theo Mang
trong đầu những ý nghĩ trong veo Xem
cuộc chiến như tai trời ách nước Ta
bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước Vì
căn phần ngươi xui khiến đó thôi Chiến
tranh này cũng chỉ một trò chơi
Với nhà thơ, cái chết chỉ là trò chơi súng đạn vô tình.
Nhưng với “cái chết cố tình”, tôi lại phải nhờ vả đến
nhà văn ở Úc một lần nữa: “Ở đâu có chiến tranh là có
hiện tượng phi-nhân hoá nhắm vào kẻ thù: hành động giết
kẻ thù không những được miễn trừ đạo đức mà còn, hơn
nữa, được thẩm mỹ hoá thành một cái đẹp. Giết người là
đẹp. Máu chảy là đẹp. Thời 1954-75 ở miền Bắc, Phạm Tiến
Duật mô tả cái đẹp của “Ðường ra trận mùa này đẹp
lắm”. Xuân Diệu mô tả cảm giác sung sướng: “Ôi, êm ái khi
tay cầm vũ khí”. Và có vũ khí với Tố Hữu: Giết...giết và...giết.
Cùng một vắn hai dài,
chuyện đi lính, đi tù được nghe kể rời rạc, đứt quãng đâu
đó ít nhất hai lần. Những tôi không quan hoài cho mấy, vì
cuộc chiến đã qua 40 năm, nếu lấy cái mốc thời gian của riêng
gã từ1974 đến 2014. Vần lay lắt theo nhà văn ở Úc: “Có thể
nói những ai đã từng trực tiếp tham dự vào chiến tranh sẽ không
bao giờ thoát khỏi cuộc chiến tranh ấy. Những người lính
từng “giã từ vũ khí” gần ba mươi năm trước vẫn tiếp
tục sống trong tâm thế lính tráng cho đến tận bây giờ. Người
ta tiếp tục đánh nhau trong ký ức. Ðiều này phần nào giải thích
tại sao người ta cứ viết về chiến tranh mãi. Kẻ thắng
viết, đã đành; kẻ thua cũng viết, thậm chí, còn viết nhiều
và viết hăng hơn những kẻ chiến thắng nữa. Tại sao thế
nhỉ?”. Với tôi chẳng có câu hỏi: Tại sao thế nhỉ?. Vì với tôi viết chẳng phải vì
cắp nắp “ký ức”: 9 tuần Quang Trung, 8 tháng Đồng Đế. Mà
vì nếu tôi không viết, tay chân cứ ngứa ngáy khó chịu làm sao
ấy, vậy thôi, thế đó.
Thế nên, từ lúc
ngồi xuống, tôi lấy sổ tay ghi ghi chép chép những gì gã kể
lể...
Gã kể...đi đâu có chết chóc đến đấy, vậy mà gã
vẫn sống nhăn răng. Nghe quái! Nếu sống chết có số, chuyện gã
có thể viết thành truyện được. Nhưng chuyện phải có đầu có
đũa, nên tôi trở lại khúc đầu hỏi thêm một phùa nữa cái
ngày gã bị AK dí gã có “rét” thật chăng. Hỏi cho có thế thôi.
Ý đồ tôi muốn hỏi qua một mảnh đời chiến địa của gã,
đánh đấm cầm chừng, câu giờ như Lã Vọng...câu cá! Ngoài ra
đánh nhau như chơi với “Đi
hành quân rượu đế vẫn mang theo”,
như đùa với “Mang
trong đầu những ý nghĩ trong veo” cùng
rượu đế Kim Long
cũng trong veo nốt,
chẳng thấy máu me gì
sất cả.
***
Gã cười te tái là rét thì không, nhưng lạnh cẳng thì có.
Nhưng gã chấp nhận số phận...đến đâu thì đến. Vì ngay sau
đấy tụi nón cối đưa gã...đến ven rừng.
Trời chưa tối đất, đám tàn binh đang ngồi xổm
chuyện trò thì xuất hiện một thằng bộ đội răng hô mồm cá
ngao. Thằng này dắt ba sĩ quan thủy quân lục chiến bị trói dây
hàng một đi ngang qua chỗ gã. Nhờ ánh sáng chiều chênh chếch
qua tàn cây, gã nhìn lên thấy ba sĩ quan thủy quân lục chiến người
nào người nấy đều cao lớn. Riêng người đi sau cùng, mặc dù
không thấy rõ mặt, nhưng vóc dáng kềnh càng như con gấu.
Bỗng không hiểu sao, thằng bộ đội quay ngoắt lại và nhìn
gã chằm bằm. Gã vội lấy dây ba chạc che cái lon ở ngực áo,
lúc này gã mới phục sát đất lão thượng sĩ dậy khôn gã. Nhưng
với con mắt cú vọ, nó cũng nhìn ra lon lá, bắt gã đứng dậy
và trói gã. Kiểu trói này không như thằng du kích con lão thượng
sĩ với hai tay đằng sau lưng còn ngọ nguậy, còn có đôi chút
thỏa mái. Kiểu trói của thằng bộ đội này khác, nó vặt cánh
tay trái gã vắt qua vai, bẻ ngược cánh tay phải ra sau lưng rồi
trói gô lại. Kiểu trói “ngoặt ngọeo” này vừa đau hai khớp
xương bả vai, vừa không cục cựa, nhúc nhích gì được.
Xong, nó trói gã dính liền với anh thủy quân lục chiến
sau cùng.
Trong khi hai người bị trói lại với nhau, anh quay lại nhìn
gã với đôi mắt nửa lặng lẽ, nửa hững hờ. Vì đứng sau không
thấy cấp bậc, nhưng nhờ anh để râu quai nón như Trương Phi. Gã
nhận ra ngay anh là đại úy thuộc Tiểu đoàn 2 Thủy quân lục
chiến. Vì tiểu đoàn anh và gã có cùng số 2 với nhau, nhưng gã
không biết anh. Vì khi cần được cứu viện hay yểm trợ, tiểu
đoàn anh nhập trận đánh ào ào xong là rút ngay.
Trói xong, thằng bộ đội giắt một chuỗi bốn người đi
vào rừng. Đang len lỏi qua rặng cây, gặp con đường mòn ở khúc
quanh có một hòn đá tảng. Đột nhiên thằng bộ đội quay
lại, gã nghĩ mọi người được nghỉ chân thì...
Thì...gã choáng người vì nhìn thấy tay phải nó lăm lăm cái
lưỡi lê hồi nào không hay. Rồi từng người, từng người
một. Rất thành thạo, tay trái nó nắm tóc kéo xuống như lấy
điểm tựa. Và cũng rất quen thuộc với nhanh và gọn...
Thằng bộ đội bậm miệng, lụi vào bụng mỗi người
hai, ba nhát lưỡi lê.
Người này vừa xong đến người kế tiếp. Chỉ trong
bốn, năm giây...Cũng vẫn động tác quen thuộc, thành thạo, tay
nắm tóc ghì xuống, bậm miệng, tay đâm vào bụng hai, ba nhát
rất gọn gàng và không hơn. Cả hai người đều xụm ngồi
xuống, đầu gục vào giữa hai đầu gối... Giữa cái êm ả
của rừng rậm, gã nghe tiếng xào xạc của lá cây trộn lẫn
tiếng rên rỉ lúc dài, lúc tắc nghẹn. Những người đứng sau
trong đó có gã, chưa kịp phản ứng gì, không ai bảo ai, đồng
loạt gào thét, la hét vang vọng cả một góc rừng ...
Cũng chỉ trong bốn, năm cái chớp mắt đến lượt...anh đại
úy thủy quân lục chiến. Như theo quán tính, anh co chân lên. Gã
không hiểu là anh định đạp thằng bộ đội hay định chạy nhưng...không
còn kịp nữa rồi. Rất gọn và nhanh,...hai,...ba tiếng
“phập”,...“phập”,...ngọt lịm. Gã chỉ kịp nghe một
tiếng...”hự” đau đớn hoà nhập cùng những tiếng rên rỉ
của hai người trước. Gã nghe rõ mồn một tiếng...“cóc” khi
cả thân hình to lớn của anh...lảo đảo rồi ...đổ xuống, đầu
anh đập vào tảng đá.
Một tiếng...“cóc” thật khô.
Chỉ một tiếng...“cóc” khô khan không thôi,
nghe rất nhỏ như đập vào đầu gã.
Và thằng bộ đội tiến tới...gã.
Nhưng lần này có hơi lâu lắc hơn một chút. Vì
thân xác anh ngáng chân nó, nó đạp anh, hay bước qua người anh
gã cũng không hay biết nữa. Mà chỉ biết rằng khi anh vật
xuống, sợi giây thừng nối giữa hai người kéo gã chúi theo. Gã
vội khom người, chùn lại, mười đầu ngón chân bấu vào mặt
đất để khỏi bị chúi thêm. Cũng vì vậy người gã lệch qua
một bên, thành thử thằng bộ đội cũng phải xoay qua một bên
để đối mặt với gã.
Nhưng vì đầu gã hơi cúi xuống, nó không nắm tóc gã
nữa. Vì gã khom xuống, cái đầu che đi một phần cái bụng.
Lại nữa, vì người gã kheo khư, còm nòm nên lần này, thằng
bộ đội cầm lưởi lê phải đâm ngược lên...mặt gã. Theo
phản xạ, gã định...nhắm mắt lại. Nhưng chưa kịp nhắm
mắt, thi...thì...nhìn thấy bàn tay ai đó...giữ cánh tay nó lại.
Ai đó...giằng lấy cái lưỡi lê. Gã nghe tiếng gằn giọng:
- Tôi cảnh cáo đồng chí vi phạm nội quy. Đợi về, tôi
kiểm thảo đồng chí.
Gã nói với tôi sau này gã mới biết người
cứu gã là một chính trị viên, người cũng còm nòm, kheo khư như
gã. Hay là...Hay là...Tôi vội vàng xua đuổi cái ý nghĩ ấy đi,
không cho len lỏi vào đầu. Thay vào đó, bằng vào với mỗi người
một nết, đến chết cũng không chừa, tôi óc ách hỏi gã trong
lúc thập tử nhất sinh ấy thì gã...Không cho hỏi hết câu, gã
bàu bạu là trong hỗn mang không nhớ rõ lắm. Rồi ngần ngừ và
tiếp trong lúc thập tử nhất sinh ấy mỗi người mỗi phản
ứng khác nhau. Với phản ứng giữa ngã với ngã tâm linh...Và gã
cười ngượng ngập: Trong cõi u u minh minh, u mê ám chướng...
Gã thấy gã rơi xuống...địa ngục. Cùng lúc, trong một sát
na, gã lại bò lên...niết bàn.
***
Vừa lúc cạn xong chai
Henessy...Trong cái đầu củ chuối tôi cứ quanh quéo niết bàn
với địa ngục, quớ quãng với...ngã này...ngã kia. Hôm nay là
ngày hóa vàng, tôi lễnh đễnh bước tới bàn thờ thắp nén
nhang khấn ông cụ. Đập vào mắt tôi ở bức tường bên kia
treo tấm ảnh chụp gã đội mũ sắt ngập ngụa mờ nhân ảnh. Có
thể vì bức ảnh đã hơn 40 năm nên ố vàng, khuôn mặt gã đeo
kính trắng nhạt nhòa mờ nhân ảo trong một cõi đi về. Ngước
mắt nhìn bức chân dung cụ còn mới, tôi chẳng thấy hình bóng
cụ đâu.
Mà chỉ thấy gã nấp sau bát nhang nhìn con gà khỏa thân...
Thạch
trúc gia trang Mồng
ba tết Giáp Ngọ 2014 Ngộ
Không Phí Ngọc Hùng (*)
Đoạn này người viết vay mượn trong truyện “Tết trong trại
cải tạo” của tác giả Bồ Tùng Ma. Xin cảm tạ tác giả...
g
|
|