Chim Việt Cành Nam        [ Trở Về  ]            [ Trang chủ ]            

Đường Quê Ra Tỉnh

Nguyễn Thanh Bạch

(trao về các bạn hữu quê Bình Dương)
Bé Trí mới được mười tuổi, nó rất thông minh, lanh lợi. Cả gia đình vui với tiếng cười, giọng nói ngây thơ, hồn nhiên, không chút vướng bận ưu phiền của nó. Sáng nay, nó thức dậy thật sớm, sửa soạn quần áo gọn gàng, đi tới đi lui, nói cười luôn miệng như con chim đang nhảy nhót líu lo trên cành. Thỉnh thoảng nó liếc nhìn cái đồng hồ treo trên tường, rồi liếc nhìn ba mẹ nó ra vẻ sốt ruột. Nó sợ trể giờ lên đường đi cắm trại tám tuần với các bạn .Chương trình nầy, nó và tôi đã phải tranh đấu cả tuần, ba mẹ nó mới bằng lòng.

 Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở các xứ văn minh, đầy đủ tiện nghi, đầy đủ vật chất như Mỹ và Canada, trong mùa hè, đi nghỉ mát, đi cắm trại cần thiết  như sự ăn uống của các đứa trẻ sống ở các nước nghèo. Bé Trí như con chim nhỏ bị nhốt trong lồng suốt mùa đông dài, nó mong được sổ lồng, được bay lượn trong bầu trời bao la, được tận hưởng cảnh vật thiên nhiên nơi miền rừng núi. Tôi mỉm cười vui lây với sự vui sướng hồn nhiên của tuổi trẻ, tuổi ngây thơ " cơm cha áo mẹ công thầy ". Cái tuổi mà tôi, tất cả mọi nguời đã đi qua và tất cả mọi người đều nuối tiếc.

 Dù tuổi trẻ của tôi không sung sướng, không đầy đủ vật chất như bé Trí cháu ngoại tôi bây giờ nhưng trái tim tôi chứa quá đầy tình yêu, yêu cha mẹ, yêu quê hương, yêu lũy tre làng, bên dòng suối mát, mội Thầy Thơ thơ mộng, yêu vườn cây ăn trái, ngọt, bùi, chua, chát, đầy đủ hương vị của quê hương. Riêng với cha mẹ, có biết bao kỷ niệm vui buồn, biết bao thương yêu, biết bao khó nhọc, biết bao công lao, làm sao kể hết công ơn của thầy mẹ tôi, hai đấng sanh thành đã suốt đời tận tụy vì đàn con của mình!.

 Thầy tôi, khi nhắc đến hai chữ nầy, lòng tôi buồn rười rượi,gợi lên hình ảnh người cha gương mẫu, hiền lành mà tôi luôn gọi là " thầy ". Tất cả anh em trong nhà đều gọi bằng ba cũng như các trẻ trong làng đều gọi cha của mình bằng ba hay tía, nhưng tôi thì gọi bằng thầy.  Có lẽ lúc tôi chào đời, cha tôi đang dạy học ở trường làng của tôi, nên tôi và bà con cả làng đều gọi là thầy. Thầy tôi mồ côi mẹ từ thuỡ lên ba, ông nội tôi tục huyền, có thêm một đàn con nheo nhóc. Sau giờ dạy học, thầy tôi lo ruộng rẫy phụ giúp nội tôi. Suốt cuộc đời, lúc nào thầy tôi cũng chịu khó, cần mẫn và lấy chữ " tín nghĩa " làm đầu.Thầy tôi không ham danh lợi bạc tiền, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thầy tôi sống một cuộc đời đạm bạc cho đến khi ông nhắm mắt lìa đời. Cái kho tàng thầy tôi để lại cho tôi, cho cả các anh em tôi là tình yêu thương, lòng nhân ái và lối sống đạo đức " ở hiền gặp lành ". 

 Tôi sanh ra và lớn lên trong làng quê hẽo lánh, dòng máu, bộ óc non nớt của tôi đã được thầy tôi đào tạo. Tôi bước từng bước khó khăn từ quê ra tỉnh, từ một thằng bé đầu cạo trọc, không có một đôi dép mòn trên đôi chân nhỏ bé, lặn lội trên năm cây số đường dài, mỗi ngày hai buổi sáng đi chiều về, đi học ở trường tiểu học tỉnh lỵ.

 Trời còn lờ mờ sáng, tôi ôm cặp sách vở và một gói cơm ăn trưa, đứng chờ để đi theo các bà hàng rong gánh rau cải ra chợ tỉnh. Hôm nào các bà đi chợ trễ, tôi hồi hộp lo âu, vì khi qua hết các đường hẻo lánh, qua hết cái dốc Chín Xướng, dốc Chánh Thiện, dốc cầu Ông Đành là tôi phải chạy hết hơi để đến trường cho kịp giờ học.

 Tôi sợ nhứt mà cũng thích nhứt là cái dốc Chánh Thiện. Nó cao thoai thoải, khi lên dốc không mệt, vừa đi vừa ngắm cảnh. Đứng trên đầu dốc, tâm hồn thảnh thơi  mở rộng tận hưởng cảnh đồng ruộng bát ngát bao la, vào tháng mười một, lúa chín vàng cả một chơn trời, chan hoà với vài tia nắng vàng còn sót lại trong buổi chiều cuối thu. Buổi sáng bình minh, mặt trời vừa ló dạng, to và đỏ ửng toả ánh sáng lung linh, làn gió nhẹ lưót trên ngọn lúa non xanh mưót, tạo thành một làn sóng biển bao la trên cánh đồng mênh mông.

Con suối Giữa quanh co uốn khúc chạy dọc theo con đường, xuyên qua cánh đồng lúa phì nhiêu. Suối mang lại cho dân làng một nguồn nước trong xanh mát lịm, nuôi ruộng lúa xanh tươi, nuôi cây trái đơm bông kết nụ. Những hạt cát nhỏ li ti trông như những hạt kim cương, không biết từ đâu chảy theo dòng nước dưới dốc Chánh Thiện. Nơi đây con suối nở to ra và sâu, đầy cát. Dân làng thường đến đây lấy cát về xây nhà vì thế càng ngày nó càng sâu rộng, giống như một cái hồ nho nhỏ. Dân làng cũng thường tới đoạn suối nầy để tắm rửa. Khách bộ hành cũng thường ghé đó nghỉ chân vào những buổi trưa chiều mùa hè nóng bức, rửa mặt ướt đẵm mồ hôi. Những bữa đi học về, tôi thưòng xuống bờ suối, nhẹ nhàng nhúng chân vào nước, ngồi thả hồn vào cõi xa xăm, tai lắng nghe tiếng suối róc rách chảy. Tiếng suối êm đềm không tha thiết u buồn như tiếng sáo của Trương Chi, không cao sang như tiếng dương cầm của nàng tiểu thơ đài các. Tiếng suối mộc mạc, hồn nhiên như tiếng reo vui, như tiếng cười khúc khích của những đứa trẻ trong làng quê . Êm ả thay, dòng nước mát!. Dịu dàng thay, tiếng suối miền quê tôi! Tâm hồn tôi cũng dịu mát êm đềm như con suối Giữa thân yêu, đã gắn liền với tôi suốt cuộc đời thơ ấu!

Trên đầu dốc Chánh Thiện, cạnh bên đường, trải dài một nghĩa trang của người Tàu, những nấm mồ, cái thấp cái cao, cái cũ cái mới, cảnh vật u buồn. Thương thay cái kiếp con người, dầu giàu sang, danh vọng, khi chết đi cũng bỏ xương ngoài cánh đồng, trơ trọi cô đơn! Những buổi chiều mưa phùn gió bấc, sấm sét rền vang, khi đi qua nơi nầy, tôi nín thở chạy như bay, không bao giờ dám nhìn lại cái nghĩa địa hoang vu đó.

 Cái dốc Ông Đành thì ác nghiệt hơn, nó cao vòi vọi lại quanh co rất khó đi, xe xuống dốc rất dễ bị tai nạn. Nhiều người đã chết nơi đây, thân nhân người chết  đã lập nhiều bàn thờ dưới gốc cây đa già ở cuối con dốc, hương khói nghi ngút thường xuyên. Người ta nói có nhiều oan hồn người chết chưa siêu thoát hay về phá phách nên dân làng đã cất lên ngôi chùa Đức Sơn ở trên đầu dốc. Ngôi chùa nhỏ đơn sơ nhưng không kém phần cổ kính trang nghiêm, chung quanh chùa có nhiều cây to bóng mát. Ngôi mộ lâu đời của nhà sư trụ trì đầu tiên, rêu phủ xanh rì, lỗ chỗ đốm trắng đốm đen trịnh trọng đứng trước cửa chùa như sẵn sàng mời đón khách khách thập phương thiện nam tín nữ đến cúng viếng.

 Những ngày lễ, ngày rằm tôi thường đi theo mẹ tôi lễ Phật. Có một lần mẹ tôi bịnh nặng, ba tôi phải chở lên chùa để trị bịnh. Tôi đã ở đó nuôi mẹ tôi mấy tuần lễ, tiếng chuông chùa ngân dài trong sáng sớm bình minh hay trong những buổi hoàng hôn nắng vừa tắt khiến cho lòng tôi thanh thản vô cùng. Hình ảnh đức Phật từ bi đã khắc sâu trong trái tim thơ dại của tôi từ thuỡ ấy.

 Có những buổi chiều đi học về, trời mưa tầm tã, áo quần ướt nhẹp, tôi giống như con chuột lột, gió lạnh buốt da.Trời vừa tối lại sấm sét liên hồi, do trí tưởng tượng trẻ con, bóng dáng con ma xõa tóc, con quỷ lưỡi dài hiện ra trước mặt tôi. Hồn phi phách tán, tôi chỉ còn nước chạy như điên. May thay gặp chiếc xe bò đang từ từ lăn bánh, tôi xin được quá giang một đoạn đường. Ôi! tôi vui sướng biết bao, niềm hạnh phúc đã đến với tôi, lâng lâng như tôi vừa lên được thiên đàng.

 Thiên đàng và địa ngục cách nhau chẳng xa, một buổi chiều, không biết hồn ma bóng quế nào đã theo phá tôi. Một bác chạy xe đạp xuống dốc, đường rộng thênh thang không chạy lại chạy đâm vào thằng nhỏ lang thang một mình trên đường vắng. Không biết vì nguyên do nào ông ta đã cùng chiếc xe đạp lủi vào tôi.

 Khi tỉnh dậy, tôi thấy mẹ đang xoa đầu tôi, nước mắt chảy dài xuống má, mẹ tôi nghẹn ngào vừa khóc vừa cười, ôm tôi vào lòng.

 Mẹ tôi, người mẹ suốt đời hi sinh tận tuỵ cho đàn con. Mẹ tôi có tất cả mười một đứa con trai, tôi là đứa thứ mười, cả nhà cứ tưởng tôi là út nên tôi rất được cưng chiều. Mẹ tôi cũng cưng tôi  hết mực. Bất ngờ làm sao, chỉ hơn hai năm sau, mẹ tôi lại sanh thêm một cậu nữa, lúc đó cả nhà sữa lại cách gọi, gọi tôi là út lớn, em tôi là út nhỏ. Dầu tôi không còn là út độc quyền nhưng tình thương của mẹ dành cho tôi không giảm tí nào mà lại có phần tăng thêm, vì các anh lớn, thầy tôi đã gởi đi Sài gòn học, chỉ còn hai đứa út ở lại với thầy mẹ thôi.

 Tất cả công việc trong nhà, cơm nưóc, săn sóc đàn con, một mình mẹ tôi lo liệu. Mẹ tôi còn phụ thầy tôi chăm lo khu vuờn quanh nhà. Vườn nhà tôi đầy đũ loại cây ăn trái, mùa nào cũng có huê lợi thu vào; vườn rau của mẹ tôi lúc nào cũng xanh tươi. Mẹ tôi vất vả suốt ngày, ít khi mẹ nghỉ, tôi chỉ thấy mẹ tôi ngồi, đó là lúc mẹ tôi vá quần vá áo cho chúng tôi. Mẹ tôi vui với vườn cây, vườn rau cải và sống hạnh phúc bên cạnh chồng con. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi giận dữ, trách móc thầy tôi hay rầy la chúng tôi. Chỉ thấy mắt mẹ lo âu, đượm buồn khi mẹ nhìn thấy đàn con thiếu thốn.

 Mỗi ngày, mẹ tôi thức dậy thật sớm chuẩn bị cơm nước cho tôi ăn và dỡ một phần mang theo ăn trưa. Mẹ tôi rất cẩn thận, thường bà để cơm vào chiếc mo cau ép lại, gói theo một con cá khô, một miếng thịt ướp sả nướng hoặc  một quả trứng luộc với muối tiêu, vv.. Ngoài ra, tôi còn có trái cây theo mùa, vú sửa, mận, dâu, bưởi, nhản, trái trưòng, vv.. Trái trường, một loại trái cây rừng, nhỏ bằng ngón tay cái, cở quả trứng cút, có một loại ngọt và một loại chua, màu đỏ thẫm đeo lơ lửng từng chùm trên cành cây, lẫn lộn trong màu lá xanh, trông rất rõ. Cây trường ở trước nhà tôi rất sai trái. Khi đến mùa, mỗi ngày mẹ tôi hái một chùm chín đỏ cho tôi mang theo. Đến khi ở dưới thấp không còn trái nữa, mẹ tôi ngước nhìn lên cao. Hình ảnh mẹ tôi cầm cây sào dài ngẩng đầu nhìn lên trời tìm chùm trường chín đỏ cho tôi không bao giờ phai mờ trong trí của tôi, thời thơ ấu và cho đến bây giờ.

 So với các bạn cùng trường, tôi là đứa bé được mẹ cưng chiều hết mực. Những bửa trưa, chúng tôi thường bày cơm ra ăn chung. Có đứa chỉ có một cục mắm ruốc, một ít nước mắm  kho quẹt, có đứa chỉ vài ba con dế cơm kho tiêu. Dầu cuộc sống của chúng tôi có phần thiếu thốn vật chất nhưng tâm hồn chúng tôi thảnh thơi không vướng bận ưu phiền, không thù hằn, ganh tị. Chỉ cần một miếng thịt muối sả, một con cá khô ăn cùng với cơm nguội ép trong mo cau cũng đủ làm cho chúng tôi sung sướng rồi. Huống chi tôi còn một tô bún  kiểm vào mỗi ngày rằm. Mỗi tháng, đến ngày rằm, tôi không mang cơm theo. Mẹ cho năm cắc, buổi trưa, tôi có thể ra chợ Thủ tìm thức ăn chay. Tôi rất chung tình, chung thủy, không bao giờ thay đổi gian hàng cũng như không bao giờ thay đổi món ăn. Mỗi lần nhìn thấy mặt tôi, bà bán bún  kiểm vui vẻ mỉm cười rất dễ thương. Bà nhanh tay lấy cái tô bỏ bún vào thật gọn gàng rồi cầm cái vá nhẹ nhàng quậy qua một lượt trong nồi kiểm, nưóc cốt dừa trắng trộn lẫn bí đỏ, khoai lang, bún tàu. Tôi còn thấy vài miếng mướp xanh lẫn lộn, trái táo đỏ nổi lềnh bềnh trên mặt nồi, trông hấp dẫn vô cùng. Một tô bún kiểm mỗi ngày rằm ngon lành không có gì sánh bằng cũng như không có giấy mực nào diễn tả đưọc niềm hạnh phúc của tôi .

*** 
 Tuổi trẻ qua nhanh, tôi học xong bậc tiểu học, phải từ giả bà bún kiểm dễ thương, từ giả con đường làng quen thuộc đầy kỷ niệm, xa lìa ngôi nhà thân yêu để lên Sài gòn tiếp tục con đường học vấn.

 Ngày đi thi, chính mẹ tôi đưa tôi đến truờng thi và đứng chờ suốt ngày để đón tôi về. Trên đường về bằng xe điện, vì chậm chạp và nhút nhát không dám chen lấn nên tôi bị bỏ rơi lại tại trạm xe điện Nancy (1). Tôi chỉ biết đứng khóc hu hu, kêu mẹ; mẹ tôi đã lên xe trước không trở xuống được vội nói hét lên :

-Con ở đó chờ má, đừng đi đâu hết nghe con, khi xe ngừng ở trạm tới má xuống và sẽ trở lại rước con.

Nước mắt nước mũi tùm lum, tôi đứng dưới trời nắng,  vừa giận mình chậm chạp, vừa giận cái xe ác ôn chạy nhanh quá. Bà bán nưóc mía cạnh đường thấy tôi như vậy động lòng thương hại bước ra nắm lấy tay tôi dẫn vào ngồi gần xe nước mía cho đở nắng, nhìn tôi mỉm cười, nói : 

- Nín đi cháu, đừng khóc nữa, một chút mẹ cháu trở lại, không sao đâu, con trai mà khóc dở lắm! Con trai phải mạnh dạn, dầu gặp khó khăn cũng phải cười mới được, " nam nhi chi chí " mà!

Sự thật lúc đó tôi chẳng hiểu gì. Tại sao con trai không được khóc? Tại sao " nam nhi chi chí "? Nhưng tôi bắt đầu suy nghĩ và nín khóc. Khi lớn lên, từ từ rời tôi hiểu. Mỗi lần gặp khó khăn, tôi lại nhớ đến lời bà bán nưóc miá để can đảm vượt qua. Mười mấy năm tù đày, khổ sở dưới chế độ Cộng sản, có lúc tôi muốn hủy bỏ cái thân xác yếu hèn nầy, nước mắt chực chờ rơi xuống. Tôi vội thu hết can đảm lập lại câu "  nam nhi chi chí mà! "

Nhờ vậy, tôi mới sống còn cho đến ngày hôm nay.

Gần nửa giờ sau, mẹ tôi trở lại, mẹ vuốt tóc tôi, ôm tôi vào lòng. Mẹ cám ơn bà bán nước mía và mua một ly nước mía cho hai mẹ con, mẹ tôi chỉ uống một ít rồi đưa cho tôi. Tôi ực một hơi nửa ly thật ngon lành. Mẹ nhìn tôi mỉm cười. Tôi ngước nhìn mẹ và đưa phần còn lại cho mẹ. Mẹ tôi cũng chỉ nhấp một tí rồi đưa lại cho tôi. Cuối cùng hai mẹ con chia nhau cục nưóc đá.

Một tháng sau, anh hai về thăm, vui vẻ báo tin mừng, tôi là một trong năm trò thi đỗ đầu vào năm thứ nhứt trường Petrus Ký nên được cấp học bổng. Thầy mẹ hãnh diện nhìn tôi mỉm cười. Anh hai đưa ra một đôi giày săng-đan còn mới tinh cho tôi mang thử. Ôi! Đôi giày đẹp làm sao là đẹp, thật vừa, thật êm chân. Tôi sung sướng nhảy nhót như thằng bé lên ba được kẹo. Ngày hôm sau, thầy tôi dẫn tôi ra chợ Thủ hớt tóc lần đầu tiên. Anh hai tôi dẫn lại tiệm may đặt may cho tôi hai bộ đồng phục. Tôi cảm thấy mình lớn hơn lên, đẹp trai ra, lòng bâng khuâng, vui buồn lẫn lộn.

***

" Thưa ngoại con đi, ngoại ở nhà đừng buồn nghe ngoại, con sẽ đem quà về cho ngoại nghe ".Bé Trí ôm hôn tôi và nói líu lo, tôi vội vàng ôm nó vào lòng:

-Ờ, con đi chơi, phải ngoan, phải nghe lời người hướng dẫn, phải đi theo đoàn nghe con, đừng bao giờ đi một mình, bị lạc đó!. Con đi chơi cho vui, ngoại chờ con về đi câu với ngoại.

Bé Trí chạy nhanh ra cửa, ba mẹ nó đi theo sau, lắc đầu cười. Thằng bé mới có mười tuổi mà  " ngon lành " thật. Đúng là nam nhi chi chí mà !

Ngày xưa, khi mẹ tôi đưa tôi xuống Sài gòn, tôi đã mười ba tuổi. Khi đưa tiễn mẹ tôi về nhà còn tôi thì phải ở lại Sài gòn để lo việc học hành, nước mắt tôi chan hoà, còn nghe rõ những lời âu yếm của mẹ tôi:

- Con ráng học giỏi để cho tấm thân sau nầy được nhờ, nghe con!

Tôi đứng im lặng, lòng tê tái, nhìn theo chiếc xe đưa mẹ tôi đi cho đến lúc chiếc xe xa dần, xa dần rồi mất hút trong đám bụi mờ. Tôi thương thầy mẹ tôi vô cùng, tôi không muốn xa thầy mẹ tôi, tôi không muốn xa làng quê nhỏ bé mộc mạc của tôi. 

 Đường quê ra tỉnh, tôi thấy xa vời vợi,  nên nước mắt tuôn rơi!

      Nguyễn Thanh Bạch
(1) Thời 1945-1947, còn có xe điện từ Sài gòn tới Chợlớn. Ga đầu tiên tại bồn binh chợ Bến thành tên là ga Cuniac. Ga Nancy là nhà ga , từ đó đi thẳng một đường thì đến trường Petrus Trương vĩnh Ký.