Chim Việt Cành Nam              [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]

HỒ XUÂN HƯƠNG CÔ HÀNG BÁN SÁCH

PHỐ  NAM THÀNH THĂNG LONG (1804-1807)

TS Phạm Trọng Chánh

        Thơ Tốn Phong  bài 12 có hai câu: Nam Phố tương tri thập tải tiền, Đào hoa do tự cách tiên nguyên  .(Nam Phố mười năm xưa đã quen, Hoa đào độ ấy cách nguồn tiên.) Khoảng 10 năm trước năm 1813 Tốn Phong đã đến thăm  Xuân Hương  Hồ Phi Mai tại hiệu sách Xuân Hương, Phố Nam thành Thăng Long, thuở ấy nàng ở cách  xa nơi sinh trưởng của nàng Cổ Nguyệt Đường,  làng Nghi Tàm.  Xuân Hương nói mười năm cho gọn, nhưng sự thật chỉ sáu, bảy năm. Tốn Phong đến Thăng Long dạy học sau kỳ thi Hương  trường thi Nghệ An, năm 1806 và năm 1812.

Theo Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trong Giai Nhân Di Mặc, Imp du Tonkin 1917: " Sau Xuân Hương có thiên ra thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, bây giờ là phố Nhà Thờ, gần đền Lý Quốc Sư "(Nguyễn Minh Không, Quốc Sư triều Lý  thánh tổ nghề đúc đồng Việt Nam). Nhà Thờ Lớn Hà Nội xây trên nền chùa Báo Thiên, Tháp Báo Thiên một  trong bốn công trình lớn đẹp nhất nước ta : An Nam Tứ Đại Khí đời Lý. Tháp bị phá vào thời nhà Minh xâm lược, nhưng chùa vẫn tồn tại đến đầu thời Pháp thuộc. Ngày nay vẫn còn một cái giếng cổ của chùa.   Nơi đây có trường ông Nghè Phạm Quý Thích (1760-1825), có nhà Nguyễn Án (1770-1815), người bạn thân thiết  viết sách  Tang Thương ngẫu lục chung với Phạm Đình Hổ(1768-1839).

Nghề bán sách, giấy bút là nghề của vợ hay con gái các ông đồ ngày xưa, thường mở kế bên trường học. Buôn bán là nghề của phụ nữ ngày xưa, người buôn bán sách phải biết chữ nghĩa. Sự kiện Hồ Xuân Hương sau khi dứt tình với Tổng Cóc, trở về mở quán sách nơi này, có lẽ được sự trợ giúp của Tiến sĩ Phạm Quý Thích một  ông Nghè nổi tiếng tại Thăng Long thời bấy giờ, là một người danh tiếng trong 30 học trò đỗ Tiến sĩ của quan Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh(1713-1789). Ông là bạn thân thiết của Nguyễn Du, người đầu tiên đem truyện Kiều cho khắc in tại Hàng Gai năm 1925, giảng cho học trò Truyện Kiều và làm thơ Vịnh Kiều. Ông lớn hơn Nguyễn Du sáu tuổi và lớn hơn Hồ Xuân Hương mười tuổi. Ông đào tạo nhiều học trò nổi tiếng trong đó có Châu Doãn Trí, người quét lá đa đốt lửa học về sau thành một bậc thầy danh tiếng, có tài đức tiết tháo, không cầu danh lợi,  rất giỏi về y học, có Nguyễn Văn Siêu(1799-1872)  tự Phương Đình, người cùng Cao Bá Quát (1809-1854) được vua Tự Đức khen ngợi: Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán, có Nguyễn thị Hinh tức Bà Huyện Thanh Quan, học với Hồ Xuân Hương lại tiếp tục học với ông. Phạm Quý Thích còn để lại nhiều văn bia khắp Hà Nội như văn bia trùng tu chùa Trấn Quốc.. là người thân thiết với Nguyễn Du, biết rõ mối tình Hồ Xuân Hương. Trong Xuân Đường Đàm Thoại của Tam Nguyên Vị  Xuyên Trần Bích San (1838-1877), ông là người thương, phục  tài Xuân Hương:

" Xuân Hương là một nữ lưu tài hoa, tiếng đàn trong vắt, vần thơ cao đẹp, tao nhân mặc khách nấc nỏm khen kỳ. Dẫu lối viết Ban Chiêu, cùng đàn Sái Cơ, vần thơ Tô Muội, khúc ngâm Tạ Uẩn cũng không thể vượt hơn. Chứa trong nhà vàng cũng không phải là quá vậy. Ai bảo con người mang cái tài tình như thế mà bỗng đúc kết cái tinh anh như thế. "

Tôi chưa được đọc Lập Trai Văn thi tập, có thể trong thơ văn Phạm Quý Thích có những bài xướng họa hay viết về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương hai người bạn thân thiết của ông chăng ?

Tôi chưa đọc được thơ văn Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, lúc bà chị Hồ Xuân Hương mở hiệu sách, bà chị 35 tuổi đẹp tuyệt trần, thì cậu Nguyễn Văn Siêu mới là "Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa ", mới lên tám tuổi, Nguyễn Văn Siêu có để lại những xúc cảm trước tài năng và sắc đẹp của bà chị chăng ?.

Giai thoại tương truyền Hồ Xuân Hương có vay năm quan tiền của Chiêu Hổ tức Phạm Đình Hổ trong dịp này. Năm quan  tiền thời đó rất lớn, đổi ra đồng xâu bằng dây và vác trên vai. Một quan tiền quý bằng 600 đồng. Một quan tiền gián có 360 đồng. Chiêu Hổ hứa cho vay 5 quan, nhưng đưa chỉ có 3. Vì không xác định  quan tiền quý hay quan tiền gián . Một quan bằng 10 tiền. Một tiền quý bằng 60 đồng, một tiền gián bằng 36 đồng.   Nên  ba quan tiền quý đổi ra :  3 x 10 x 6O = 1800 bằng 5 x 10 x 36 = 1800. Xuân Hương trách Chiêu Hổ hẹn sai, hứa không giữ đúng lời. Bao giờ đến thăm Cổ Nguyệt Đường, anh là chú Cuội trên cung trăng, nên nói dối như Cuội, nhớ hái cho tôi xin nắm lá đa.

Xuân Hương trách:

Sao nói rằng năm lại có ba ?

Trách người quân tử hẹn sai ra,

Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt,

Nhớ hái cho xin nắm lá đa.

Chiêu Hổ đáp:

Rằng gián thì năm, quí có ba,

Trách người thục nữ tính không ra.

Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt,

Cho cả cành đa lẫn củ đa.

Chiêu Hổ chắc không giàu lắm, nhà ở phố Hàng Buồm, đi dạy học ở thôn Khánh Vân hạ lưu sông Tô Lịch, cha mất sớm từ năm lên mười, chẳng dư giả gì để cho Xuân Hương mượn nhiều. Trả lời rằng cho muợn ba quan tiền quý bằng năm quan tiền gián. Tại nàng dốt toán nên tính không ra. Bao giờ chú cuội đến chơi mặt trăng sẽ cho cả cành lẫn củ đa. Cây đa làm gì có củ, Chiêu Hổ đùa dai để khỏi ngượng.

Cũng có thể Xuân Hương vay tiền Nguyễn Án (1770-1815), hiệu Kính Phủ  người đương thời gọi Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, và Hồ Xuân Hương là Tam Tài Tử. Nhà bên cạnh Hồ Gươm, năm 1805 được vua Gia Long mời ra làm Tri huyện Phù Dung, nơi Nguyễn Du trấn nhậm đầu tiên năm 1802. Năm 1806, Nguyễn Án lại dự thi khoa thi Hương đầu tiên triều Gia Long đỗ Cử nhân năm 1807, lại được bổ làm Tri huyện Tiên Minh ( nay là tỉnh Kiến An).

Bài  Cô Hàng sách Xuân Hương quảng cáo cho các nho sinh trường ông Nghè Phạm Quý Thích các tựa sách do nhà xuất bản ở Hàng Gai khắc in: Nữ Tú Tài, Phương Hoa, Tuyển Phu, Chinh Phụ Ngâm, Bích Câu Kỳ Ngộ. sách hay đọc sẽ thú vị mê say:

CÔ HÀNG SÁCH

Cô hàng lấy sách cắp ra đây !

Xem thử truyện nào, thú lại say.

Nữ Tú có bao xin xếp cả,

Phương Hoa phỏng liệu có còn hay ?

Tuyển Phu mặc ý tìm cho kỹ,

Chinh Phụ thế nào bán lấy may.

Kỳ Ngộ Bích Câu xin tiện hỏi,

Giá tiền cả đó tính sao vay ?,

Chú thích:

Tính sao vay: có nghĩa là tính sao đây, vay tiếng cop-" là vậy vay, vậy thay.

Trong Xuân Hương Thi Tập.  Phúc Văn Đướng Tàng Bàn Hà Nội, Năm Tân Dậu 1921. có bài thơ hoạ lại bài Cô háng sách.

THƠ  HỌA LẠI

Gia truyền nghiệp sản vốn hàng đây,

Duy có Phong tình là hẳn say.

Nữ Tú phô trương chưa muốn bán,

Phương Hoa phong dấu vẫn còn nay.

Tuyển Phu tìm mãi còn chưa thấy,

Chinh Phụ nên mua ắt có may.

Kỳ Ngộ Bích Câu chàng muốn hỏi,

Giá tiền tất cả hỏi chi vay.

Trong bài thơ này ta không thấy truyện Kim Vân Kiều và truyện Hoa Tiên, điều này cho thấy bài thơ này làm trước, Truyện Kiều được Phạm Quý Thích cho khắc bản sau khi Nguyễn Du mất năm 1820    in  xong đầu tiên năm 1825. Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn có nhiều bản diễn ca thơ nôm: bản của Đoàn Thị Điểm, của Nguyễn Khản, Phan Huy Ích… Bích Câu Kỳ Ngộ truyện của Đoàn thị Điểm trong Truyền Kỳ Tân Phả, nhưng lại không biết người diễn ca thơ nôm.  Ngày xưa không chú trọng đến việc đề tên tác giả trên bìa sách, chỉ nhờ có bài đề tựa ta được biết đến tác giả. Tại Thư Viện Quốc Gia Paris có rất nhiều truyện thơ Nôm không biết tác giả là ai. Trường hợp lầm lẫn giữa hai văn bản diễn ca Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích, bản Phan Huy Ích xuất hiện muộn nên hiện đại và đọc dễ hiểu, đọc thấy hay và thú vị gần gũi với chúng ta hơn. GS Hoàng Xuân Hãn đã minh định rõ ràng qua quyển Chinh Phụ Ngâm bị khảo Minh Tân Paris xuất bản 1952, nhưng người đờỉ  "duy tâm" cứ thích một nhà thơ phụ nữ hơn nên cứ gán bản được phổ biến rộng  cho Đoàn Thị Điểm. Có biết đâu chữ Nôm thời Đoàn Thị Điểm cách Phan Huy Ích 60 năm, nhiều chữ đã mất khó đọc. Hiện nay có Hồng Hà Phu Nhân Di văn có hàng trăm bài thơ và văn  Đoàn Thị Điểm trong đó có 28 bài thơ trào phúng, Bà Nguyễn Kim Hưng, phu nhân GS Nguyễn Huệ Chi tìm ra từ năm 1978 nhưng hiện nay nhiều chữ vẫn chưa ai đọc được, vì người đọc được là GS Hoàng Xuân Hãn đã qua đời năm 1996.

Cuộc thống nhất đất nước của vua Gia Long năm 1802 từ Đàng Trong đã làm mất đi nhiều từ ngữ của Đàng Ngoài thời Lê Trịnh. Truyện Kiều của Nguyễn Du và Chinh Phụ Ngâm Khúc của Phan Huy Ích đã làm hiện đại hóa tiếng Việt, khiến cho ngày nay chúng ta đọc những tác phẩm trước đó như thơ nôm vua Lê Thánh Tôn, Cung Oán Ngâm Khúc, các bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Nguyễn Khản, Đoàn Thị Điểm ta bắt gặp những từ cổ khó hiểu và nên ta không có cảm xúc bằng.

Ngoài các sách do Hàng Gai in, Hồ Xuân Hương còn bán cả giấy là Bưởi, bút, mực, các sách giáo khoa: Tam tự kinh, Sơ học vấn tâm, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn, Tiểu học diễn nghĩa, Tứ Thư, Ngũ Kinh. Sách Toát Yếu của cụ Nghè Bùi Huy Bích, môn sinh củ Bang nhản  Lê Quý Đôn, đang dạy học làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Đông. Các sách của các thương nhân Trung Quốc từ Quảng Đông chở sang: Xuân Thu Chiến Quốc, Tam Quốc Chí, Liêu Trai Chí Dị, Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử, Nam Hoa Kinh, Tây Du Ký, Thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Đào Tiềm, Lục Du.  Điều này chứng minh sau thời gian bán sách, Xuân Hương có dịp đọc sách, đọc nhiều thơ, từ đó trong thơ Hồ Xuân Hương sử dụng nhiều điển tích hay lạ thay vì sử dụng ca dao, tục ngữ.

  Ngày xưa chỉ có các dòng họ lớn mới có nhiều sách, họ tích lũy nhiều đời nhân những dịp đi sứ, hay họ ở các bến cảng như Phố Hiến, Hội An, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội..  Các thương nhân Trung Quốc mang sách đến bán. Các đại gia mua về trử làm thư viện cho con, cháu, nên con cháu cả dòng họ có phương tiện học hỏi, thi cử đỗ đạt làm quan. Thời Hồ Xuân Hương có hai thư viện nổi danh: là Phúc Giang thư Viện của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, là thư viện chứa hàng vạn quyển sách, là thư viện duy nhất được triều đình sắc phong. Nhờ thư viện này mà Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh đã đào tạo học trò 30 người đỗ Tiến sĩ, hàng trăm người đỗ Cử Nhân, một kỷ lục chưa từng thấy trong Lịch Sử khoa Cử Việt Nam ngày xưa.  Thư Viện họ Nguyễn Tiên Điền cũng nổi danh ngang hàng với Trường Lưu, nhưng sách vở đều bị cháy trong cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh (1788-1891) mười phần chỉ còn lại một hai. Về sau có thư viện dòng họ Cao Xuân Dục, mỗi văn bản được sao chép tay làm 5 bản, cũng rất nổi tiếng.

Xuân Hương không những chỉ bán sách, nàng bán cả tranh Đông Hồ, Hàng Trống in mộc bản tô mầubtrên giấy điệp, bồi trên giấy cứng hoặc lụa, hai thanh trúc kẹp hai đầu, có thể cuốn tròn lai hay mở ra treo. Tranh Tố Nữ nàng bán cho các thư sinh đang trọ học tại Thăng Long, mơ mình như chàng Tú Uyên trong Bích Câu Kỳ Ngộ, đi học về sẽ bắt gặp nàng Giáng Kiều từ trong tranh dáng yểu điệu như hoa mai, e ấp như liễu, mong manh tha thướt trước gió xuân, má đào hồng thắm mặc áo tứ thân màu sắc như tiên từ trong tranh bước ra dọn dẹp thư phòng, nấu ăn cho chàng. Và còn những thú vui khác mà ông thợ vẽ không thể vẽ hết được, để người xem tranh tưởng tượng.

TRANH TỐ NỮ

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình ?

Chị cũng xinh mà em cũng xinh.

Đôi lứa in như tờ giấy trắng,

Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.

Phiếu mai chi dám tình trăng gió,

Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh;

Còn thú vui kia sao chẳng thấy,

Trách người thợ vẽ khéo vô tình !

Chú thích:

Phiếu mai: bài thơ trong Kinh Thi : người con gắi mong đợi sợ lỡ tuổi xuân như hoa mai rụng dần.

Bồ liễu: cây bồ, cây liễu dáng mềm tha thướt để ví thân hình người phụ nữ.

                Nhiều văn bản chép Vịnh hai tố nữ. Tôi xem nhiều tranh Hàng Trống, Đông Hồ chỉ thấy một thiếu nữ vẽ bốn bức thành một bộ, chẳng có tranh nào vẽ hai thiếu nữ. Chị cũng xinh mà em cũng xinh theo tôi Xuân Hương nói chị là Xuân Hương, và em là người đẹp trong tranh. Xuân Hương mời các thư sinh mua tranh em trong tranh cũng đẹp như chị, mua tranh em về treo thì cũng như thấy chị. Khổ nỗi các thư sinh trường ông Nghè Phạm Quý Thích chỉ đến ngắm bà chị mà quên mua tranh em. Nếu không Xuân Hương đã giàu to.

Trên Tạp Chí Văn Học số 3 năm 1974. Ông Nguyễn Huệ Chi, Trần Tuấn Niệm có công bố bốn bài thơ nôm của Hồ Xuân Hương, tìm thấy ở nhà cụ Vũ Hữu Viễn ở Thanh Hóa trong đó có bài Đề Tố Nữ tranh.

ĐỀ TỐ NỮ TRANH

Chẳng để ai vào dưới mắt xanh,

Trơ trơ bắt mặt đứng làm thinh.

Càng thêm hương phấn càng chơ chỏng,

Ai vẽ cho nên một chữ tình.

Hiệu sách Xuân Hương không chỉ bán sách, giấy bút, bán tranh mộc bản mà còn bán cả quạt.

CÁI QUẠT

Bài I

Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa,

Duyên em dính dáng tự ngàn xưa.

Vành ra ba góc da còn thiếu,

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.

Mát mặt anh hùng khi tắt gió,

Che đầu quân tử lúc sa mưa.

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,

Phì phạch trong lòng đã sướng chưa ?

Chú thích :

Một lỗ : lỗ dùi để xỏ các nan quạt ở chổ cuốn tay cầm,

Da còn thiếu : qụat mở ra hình tam giác, chỉ có nửa trên là giấy, khi ghép lại những chổ giấy ấy thừa ra.

Trướng : là màn treo trước giường.

Bài II

Mười bảy hay là mười tám đây ?

Cho ta yêu dấu chẳng rời tay.

Mỏng dày chừng ấy chành ba góc,

Rộng hẹp dường nào cắm một cây.

Càng nóng bao nhiêu càng muốn mát,

Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày.

Hồng hồng má phấn duyên vì cậy.

Chúa dấu vua yêu một cái này.

Chú thích:

17, 18, quạt thường có 17 hay 18 nan. Có thể hiểu là cô gái 17, 18 tuổi.

Một cây: Cây xỏ nan quạt ở lỗ dùi.

Hồng hồng: quạt thường dán hồ  trắng pha chút phẩm,  hay nước trái cây, nên màu sắc có vẻ màu hồng.

Hai bài thơ quảng cáo bán quạt làm kích động bao chàng thư sinh, nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò trường ông Nghè Phạm. Có lẽ các bài thơ này có đọc cho Tốn Phong nghe cho nên Tốn Phong đã viết " Hứng lai dã giáo thi sinh quỷ. Sầu khứ  phương tri tửu hữu thần" (Hứng về lại thấy thơ sinh quỷ. Sầu đến rồi hay rượu có thần ). Đám quỷ con kéo nhau đi xướng họa lôi thôi, chắc là quá dỡ nên bị bà chị phán cho bốn câu:

DÊ CÕN

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ,

Lại đây cho chị dạy làm thơ.

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,

Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa.

Đáng tiếc cậu Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) còn bé quá mới tám tuổi, không thì bà chị Hồ Xuân Hương phải biết tay. Có lẽ vì bị mắng thế nên cậu quyết tâm dồi mài kinh sử mà trở nên một bậc văn hào như Đặng Trần Côn bị bà chị Đoàn Thị Điểm chê, nên quyết tâm đọc sách, đem những câu thơ tuyệt tác Trung Quốc kết lại thành Chinh Phụ Ngâm Khúc khiến bà chị phải kính phục đem diễn nôm.. Bị mắng đau như thế các cậu còn mặt mũi nào mà đến ngắm bà chị, nên quán sách nàng chỉ còn dành cho các thầy, các quan.

Có quan Hậu đến mua sách, mê thơ, thừa dịp vợ đi chợ đến chơi với nàng, nhưng lại tỏ ra lo lắng sợ vợ đến, nên đứng ngồi không yên. Xuân Hương viết bài :

GIỄU QUAN HẬU

Tình cảnh ấy, nước non này,

Dẫu không Bồng Đảo cũng tiên đây.

Hoành Sơn mực điểm đôi hàng nhạn,

Thúy Lĩnh đen trùm một thức mây.

Lấp ló đầu non vừng nguyệt chếch,

Phất phơ sườn núi lá thu bay.

Hỏi người quân tử đi đâu đó ?

Đến cảnh sao mà đứng lượm tay.

Chú thích:

Quan Hậu là chức quan Hậu Bổ,  đã thi đậu trường thi Hương hay được tiến cử, chờ có chức khiếm khuyết mới được bổ nhiệm ăn lương. Trong khi chờ đợi thì ăn lương vợ.

Bồng Đảo nơi tiên ở. Dẫu đây không phải là Bồng Đảo nhưng có tiên là Xuân Hương. Gặp Xuân Hương như gặp tiên .

Hoành Sơn, dãy núi nằm ngang chắn ngang Đàng Trong và Đàng Ngoài thuộc Quảng Bình. Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp: Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân. Một dãy Hoành Sơn dung thân được muôn đời.

Thúy Lĩnh là núi Dục Thúy trên đường vào Nam đến Ninh Bình. Nơi đây có nhiều thi nhân đến đề thơ. Có bản chép Hàn Sơn, và Thứu Lĩnh. Hàn Sơn là chùa Hàn Sơn ở Tô Châu nơi Trương Kế viết bài thơ Phong Kiều dạ bạc, nhưng bài thơ Ánh trăng nhô đầu núi làm quạ hoảng hốt tung bay. Trong thơ Xuân Hương lại là cảnh núi tranh thủy mặc có đôi hàng nhạn tung bay. Thứu Lĩnh hay núi Linh Sơn nơi Phật cư ngụ và thuyết pháp Kinh Pháp Hoa. Tại sao núi Thứu Lĩnh  mây đen lại che phủ. Thứu Lĩnh có thể là núi có cảnh chùa.  Có bản ghi tựa là Cảnh Chùa ban đêm. Nhiều văn bản giải thích Hoành Sơn và Thúy Lĩnh chỉ là đôi vú nằm ngang của người phụ nữ.

Lượm tay là đứng bó tay.

Trong tình cảnh chàng lén lút đến thăm Xuân Hương, đến nước non này. Dẫu không là cõi bồng lai cũng có người tiên là Xuân Hương đây. Cảnh đẹp như núi Hoành Sơn có hai hàng nhạn tung bay. Có núi Thúy Lĩnh mây đen bao phủ.

Ngồi quán sách phố Nam thành Thăng Long. Thành cũ bị phá, Tổng Trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành xây dựng lại thành mới trong bốn  năm 1803-1807. Phủ Chúa xây dựng 243 năm bị đốt cháy, cung vua cũng hoang tàn, hành cung, nơi nổi tiếng một trong tám thắng cảnh Tây Hồ: Tiếng đàn hành cung, trở lại thành chùa Trấn Quốc, những người nhạc nữ đàn khúc cung phụng trong cung vua ngày xưa giờ đàn kiếm ăn nơi quán chợ, hay các bữa tiệc quan. Các quan thị hầu hạ trong cung vua ngày xưa giờ cũng bơ vơ giữa chợ đời, người đi tu như quan thị Huệ, thành sư  trụ trì chùa Kim Liên bên cạnh Cổ Nguyệt Đường, người thì la cà quanh các hiệu buôn như hiệu sách Xuân Hương, mong được sai chút việc để được trả vài đồng.Các quan thị ngày xưa được tuyển chọn những người á nam, á nữ, hay tự thiến để làm việc vặt trong cung vua. Xuân Hương có bài

GIỄU QUAN THỊ

Mười hai bà mụ ghét chi nhau,

Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu.

Rúc rích thây cha con chuộc lắc.

Vo ve mặc kệ cái ong bầu.

Đố ai biết được vong hay chóc,

Còn kẻ nào hay cuống với đầu.

Thôi thế thì thôi, thôi cũng được,

Nghìn năm khỏi bị tiếng nương dâu.

Chú thích:

Mười hai bà mụ: ngày xưa người ta tin rằng khi sinh ra do 12 bà mụ nắn hình, mỗi bà trông nom một năm cho đến khi đứa trẻ 12 tuổi.

Xuân tình: Cái giống đàn bà.

Vông hay chóc: tục ngữ: Ngồi lá vông, chổng mông lá trốc. Theo Phạm Hoàng Hộ trong cây cỏ Việt Nam tr 594 hình 222E và hình 109A, 109E tr 298. Lá chóc trước khi nở giống như cái giống nam. Và vông hình tam giác trông giống như cái giống nữ..

Nương dâu: trai gái nước Vệ thời Xuân Thu, thường hẹn hò nhau ở bãi nương dâu, do đó nưong dâu chỉ thói trăng hoa dâm dãt.

Quan thị: ngày xưa truyền tụng hai câu đối của Quan Thị và Quan Võ chế diễu lẫn nhau:  Thị vào chầu, thị đứng thị xem, thị thấy thị thèm, thị không có ấy. Vũ cậy mạnh, vũ ra vũ múa, vũ mắc mưa vũ ướt cả lông.

Mở hiệu sách được ba bốn năm. Xuân Hương đành dẹp tiệm vì khách hàng là một đám dê cỏn đến ngắm bà chị xinh đẹp nhất thành Thăng Long, chẳng mua bán gì. Đám quan hậu bổ chưa có việc làm còn ăn lương vợ la cà tán gẩu và một đám quan thị đến xin việc chờ sai bảo. Tốn Phong đến thăm Xuân Hương trong hoàn cảnh này: " Mẹ già, nhà túng nên ăn ở không yên ổn." Nàng theo chị em đi buôn, các hội làng, đem hàng bán cho các phú hộ, các quan các trấn, nơi đây nàng gặp gỡ Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tĩnh, và Tri Phủ Tam Đái (Vĩnh Tường) Trần Phúc Hiển.

Paris,  14-2-2014PHẠM TRỌNG CHÁNH

Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V. Sorbonne

 

Tiếp theo kỳ tới

HỒ XUÂN HƯƠNG ĐI BUÔN (1807-1811)