Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

Phân biệt Đông, Tây 

Thu Tứ

Hai cõi người cách biệt
Đông phương là đâu
Tây phương là đâu
Từ cái khác bên ngoài
Đến cái khác bên trong
Đến cái nhìn vũ trụ
Đến cái nhìn nhân sinh
Triết và ngôn ngữ
Triết và trật tự xã hội
Triết và thể chế chính trị
Triết và tín ngưỡng, tôn giáo
Triết và hiện tượng kỳ thị
*
Hai cõi người cách biệt

Đông phương và Tây phương vốn không có tiếp xúc đáng kể. Xưa kia người đôi "phương" qua lại chỉ là một số rất ít thương nhân hoặc lội cát trèo non đi xuyên qua Trung Á hoặc bập bềnh trên sóng đi men theo bờ biển Nam Á. Dù bộ hay biển, hành trình dằng dặc, tuyệt đối không thuận tiện cho việc đi lại thường xuyên.

Suốt vài nghìn năm, văn hóa ở Ðông phương và văn hóa ở Tây phương đã phát triển cơ hồ không biết đến nhau. Cùng nằm trên mặt quả đất, nhưng Đông và Tây đã là hai thế giới rất riêng!

Trong mấy thế kỷ qua, nhờ kỹ thuật tiến bộ, tiếp xúc giữa Đông và Tây mỗi lúc mỗi thêm chặt chẽ. Phần Tây dùng thế mạnh về văn hóa vật chất để tích cực truyền bá văn hóa tinh thần của Tây. Phần Đông thua Tây về vật chất, đâm mất tinh thần, tự ý bỏ cái tinh thần riêng của mình mà theo tinh thần Tây. Phần cái việc chạy đua với Tây về vật chất nó làm cho môi trường sống ở Đông trở nên giống môi trường sống ở Tây: môi trường sinh văn hóa, ta nay sống như Tây thì rồi sớm muộn cũng hóa cảm nghĩ như Tây!

Do ba lẽ ấy, những chỗ khác nhau về tinh thần giữa Đông và Tây vốn trước kia lồ lộ đang nhanh chóng trở nên mờ nhạt. Trước khi chúng trở nên quá mờ nhạt, tưởng ta nên cố "vẽ" chúng ra cho rõ để giúp người tò mò mai sau dễ tìm về sự thực.

Đông phương là đâu

Đông phương? Aø, đó là Ấn giáo, Phật giáo, Nho giáo và triết lý Lão, Trang. Là người Ấn, người Tàu. Đông phương là nơi có hai giống người tiến bộ đã sáng kiến ra đủ thứ để cho những giống khác kém hơn bắt chước...

Đúng và sai!

Đúng là có hai giống người đóng vai trò lớn trong quá trình hình thành tinh thần Đông phương. Nhưng không phải là người Ấn với người Tàu. Cả Ấn lẫn Tàu đều là dân lai. Ấn là người Việt tộc Dravidian (1) lai với người da trắng Aryan. Tàu là người Hoa Hạ lai với người Việt tộc Hoa Nam.

Người Việt tộc là người gì?

Đó là một chủng tộc từng sống khắp nơi trong vùng Đông Nam Á cổ, gồm Đông Nam Á hiện đại cộng Hoa Nam cộng Ấn-độ. Người Việt tộc ở phía tây, thường gọi là người Dravidian, xây dựng nên văn minh Indus tiến bộ nhất thế giới lúc bấy giờ. Người Việt tộc ở Hoa Nam cũng tự lực tiến lên thời đại đồng chứ không hề "man di" như sử sách của kẻ thắng trận ghi chép nhảm nhí. "Trận" nào?

Ngẫu nhiên, cách đây khoảng 3500 năm, địa bàn Việt tộc bỗng bị đồng thời xâm phạm ở đến hai phía. Phía tây người Aryan đánh phá. Phía bắc người Hoa Hạ tấn công. Cả hai mặt, Việt tộc rút cuộc đều đại bại, phải để cho Aryan và Hoa tự do vào ở đất mình, cai trị mình. Hai cuộc hợp chủng vĩ đại bắt đầu, dẫn tới hai giống dân lai như vừa nói trên.

Do Việt tộc bại trận, văn hóa Việt tộc không được công nhận đích đáng, thậm chí còn bị xuyên tạc. Nhưng, trong âm thầm, văn hóa Việt tộc đã dần dần trở thành cốt lõi tinh thần ở cả Ấn-độ lẫn Hoa Nam!

Triết lý nhất thể trong Ấn giáo và Phật giáo xuất phát từ phía Việt tộc Dravidian chứ không phải từ phía da trắng Aryan.(2)

Triết lý nhất thể (không thể tình cờ mà cũng nhất thể!) trong tư tưởng Lão, Trang xuất phát từ phía Việt tộc Hoa Nam chứ không phải từ phía Hoa tộc.

Đại khái, cái ý niệm "tất cả là một" nó thai nghén, chào đời trong cõi Việt rồi do tình cờ lịch sử mà đến khi rút cuộc viết xuống thì lại viết bằng hai thứ chữ có nguồn gốc phi - Việt là chữ Phạn và chữ Hán, thành kinh Vệ-đà, kinh Đạo đức, kinh Nam Hoa.(3)

Đông phương dĩ nhiên còn là Nho giáo, và đó là chỗ mà người Hoa Hạ đóng góp lớn vào tinh thần Đông phương. Nhưng ngay cả trong Nho giáo thiết tưởng cũng có ảnh hưởng văn hóa Việt tộc. Ngắm nghía hình dạng hết sức kỳ dị của vô số món đồ đồng đời Thương, người ta không khỏi hình dung một tâm lý dân tộc thiên về cực đoan. Thế mà Khổng Tử lại chủ trương một lối tổ chức xã hội "trung dung"! Trước khi bắt đầu nam tiến thì cực đoan, một ngàn năm sau thì mềm hẳn đi, nếu không do tác động của thứ văn hóa lan đi từ vùng đất phương nam mới chiếm, thì do đâu?!(4)

Tóm lại, đằng sau tinh thần Đông phương là Việt tộc và Hoa tộc. Việt góp triết lý sâu sắc, Hoa góp cách tổ chức xã hội tạo được nhiều hòa khí.

Hiện nay Đông phương đại khái gồm Đông Á (Tàu, Hàn, Nhật), Đông Nam Á và Ấn-độ.

Nói đại khái, vì tình hình Đông Nam Á và Ấn-độ phức tạp. Ở Đông Nam Á xã hội nói chung hiếm những biểu hiện cực đoan, chứng tỏ tinh thần Việt tộc còn mạnh, nhưng có những vùng hầu hết dân theo đạo Hồi là tôn giáo Tây phương. Ở Ấn-độ đại đa số dân theo Ấn giáo là tôn giáo Đông phương, nhưng lại thường xuyên biểu hiện cực đoan, chứng tỏ tinh thần Tây phương của phía tổ tiên Aryan vẫn tồn tại.

Tây phương là đâu

Nhắc Tây phương, người ta nghĩ ngay đến đạo Chúa, khoa học, đến người Hy-lạp, người La-mã, người Âu châu, người Mỹ.

Đúng nhưng thiếu!

Đạo Hồi và đạo Do-thái cũng là Tây phương. Thực ra ba đạo cùng gốc!

Không có gì lạ cả, vì các dân tộc ở Trung Đông và dân tộc I-răng cũng là da trắng y như người Âu người Mỹ. Người da trắng có một tầm ngoại hình rất rộng, từ tóc vàng mắt xanh ở phía bắc đến tóc đen mắt đen ở phía nam. Cũng như cùng là Việt tộc mà người Nam Ấn (ít lai da trắng Aryan, còn gần với tổ tiên Dravidian) trông không giống người Việt Nam lắm.

Đất gốc của người da trắng là vùng Tây Á và Âu châu. Tây Á trở nên văn minh trước Âu châu. Ở Âu châu thì phía nam văn minh trước phía bắc.

Trong thời cổ đại, người da trắng ở Tây Á và Nam Âu nam tiến xuống Bắc Phi và đông tiến qua Ấn-độ. Trong thời trung cổ, da trắng tạm ngưng bành trướng. Sau thời trung cổ, nhờ văn hóa vật chất tiến bộ rất nhanh, da trắng chẳng bao lâu bắt đầu đi xâm lược thế giới. Đợt mở đất này chủ yếu do người Nam Âu, Tây Âu và Đông Âu. Thành công lớn: bắt đầu đánh từ cuối thế kỷ 16, đến cuối thế kỷ 19 thì coi như chiếm được gần trọn thế giới! (Tàu đã là một thứ thuộc địa không chính thức chung của cả Âu châu!)

Trong nửa đầu của thế kỷ 20, do lủng củng nội bộ da trắng mất đi rất nhiều thuộc địa. Nhưng họ vẫn còn giữ lại được một diện tích khổng lồ gồm Mỹ châu, Úc châu và nửa trên của Á châu.

Tình hình lai giống ở các đất mới chiếm trong đợt hai như sau: Ở Bắc Mỹ người da trắng Tây Âu không hợp chủng với người da đỏ mà "dùng vũ lực đẩy hầu hết các bộ lạc da đỏ đến chỗ gần tuyệt chủng".(5) Ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, người da trắng Nam Âu có hợp chủng với người da đỏ còn khá đông đảo. Ở khắp Mỹ châu chỗ nào cũng có một số người da đen do người da trắng đem từ Phi châu qua; lúc đầu trắng không hợp chủng với đen, nhưng từ khá lâu đã xẩy ra hợp chủng. Hầu hết các nước Mỹ châu có tỉ lệ dân da đen thấp hơn hẳn dân da trắng và da đỏ. Ở Úc châu người da trắng Tây Âu (Anh) không hợp chủng với dân bản địa. Ở phần Á châu của nước Nga, hình như có xẩy ra hợp chủng đáng kể giữa người da trắng Đông Âu (Nga) với các dân tộc bản địa.

Tây phương hiện nay đại khái gồm Tây Á mở đến Hồi quốc, Âu châu, một phần Bắc Phi, Mỹ châu, Úc châu và nửa trên của Á châu. Nói đại khái, là vì ở một số nước Trung Mỹ và Nam Mỹ văn hóa da đỏ vẫn tồn tại.

Từ cái khác bên ngoài

Để thấy văn hóa Đông, Tây trái ngược, chỉ cần vận dụng tai mắt chút đỉnh.

Thử lắng cái tiếng chuông. Ở Đông phương, người ta lấy chày nện vào chuông rỗng. Ở Tây phương, người ta treo vật giữa lòng chuông rồi lắc cho vật va chạm vào chuông. Tiếng chuông Đông trầm lắng, tiếng chuông Tây rộn ràng.

Thử nhìn cái cách chơi nước. Ở Đông phương, người ta chơi đào ao thả sen hoặc đào suối cho nước chảy róc rách. Ở Tây phương, người ta chơi xây hồ có nước phun. Nước dưới ao đào suối đào chẳng khác nước ngoài tự nhiên, nước trong hồ phun lên là ngược với tự nhiên điển hình.

Thử nhìn cái cách chơi cây. Cây cảnh ở Đông phương được người trồng uốn nắn cho có dáng giống như cây thật, hoặc cho giống thú giống chim. Cây trong vườn ở Tây phương lại được chủ vườn cắt xén thành hình khối, cây mang dáng hộp!

Thử ngắm mặt mũi, điệu bộ một người đang nói. Khi nói, người Ðông phương giữ vẻ mặt bình thường và không múa tay. Khi nói, người Tây phương diễn ý cả bằng mặt mũi và tay múa.

Đến cái khác bên trong

Cái chuông cái nước cái cây cái bộ, chúng nói lên nhiều về "cái người" đấy.

Tiếng chuông trầm lắng là của kẻ ưa tĩnh. Tiếng chuông rộn ràng là của người hiếu động.

Chơi nước đứng nước chảy là ưa chan hòa với tự nhiên. Chơi nước phun là thích chống lại tự nhiên.

Chơi cây giống cây giống thú giống chim cũng là ưa chan hòa với tự nhiên. Chơi cây giống hộp cũng là thích chống lại tự nhiên.

Cái dáng nói điềm đạm là do người nói xem mình là một phần gắn bó của tập thể. Cái dáng nói "hùng hồn" là do người nói xem mình biệt lập. Một đằng lấy việc giữ cho được mối quan hệ tốt đẹp với tất cả xung quanh làm quan trọng nhất. Một đằng lấy việc phát huy chính mình làm đầu.

Đến cái nhìn vũ trụ

Thái độ chan hòa với tự nhiên và gắn bó với tất cả xung quanh của người Đông phương tương ứng với một quan niệm triết lý.

Ấy là cái nhận thức rằng "tất cả là một".

Trong triết nhất thể không có đấng Tối Cao. Phật chỉ là trạng thái tĩnh của tâm, hễ tĩnh được tâm (không dễ chút nào!) thì hóa Phật. Đạo (trong tư tưởng Lão) hóa ra vạn vật, vạn vật biến hóa lung tung nhưng rút cuộc sẽ qui căn mà hóa trở lại thành Đạo. Trong triết nhất thể "vạn sự vô thường", tức không có cái gì bền: tất cả đều đang hoặc từ động hóa tĩnh hoặc từ tĩnh hóa động hoặc từ Ðạo hóa vật hoặc từ vật hóa Đạo!

Thái độ chống đối tự nhiên và cái "tôi" biệt lập của người Tây phương cũng tương ứng với một quan niệm triết lý.

Ấy là sự phân biệt Thượng Đế với vạn vật và sự phân biệt "tôi" với "ngoài tôi".

Trong triết nhị nguyên, sừng sững, cao ngất, một Thượng Đế toàn năng và vĩnh cửu, hoàn toàn phân biệt với cái thế giới do Người tạo ra. Trong thế giới ấy, mỗi "vật" lại hoàn toàn phân biệt với từng "vật" khác.(6)

Đến cái nhìn nhân sinh

Triết nhất thể tương ứng với quan niệm cái tốt tương đối.

Vì không có đấng Tối Cao nên không có định nghĩa cái tốt truyền xuống từ trên cao. Ở Đông phương, việc làm tốt hay xấu là căn cứ vào tác động của nó đối với xung quanh. Giúp tập thể bền vững là tốt, ngược lại là xấu.

Triết nhị nguyên tương ứng với quan niệm cái tốt tuyệt đối.

Thế nào là tốt, cái ấy do Thượng Đế qui định. Người định, xong Người truyền, bằng cách nào đó.

Triết và ngôn ngữ

Con người ta nói, tức diễn cái nhìn của mình ra thành lời.

Nhìn sao, nói vậy.

Nhìn nhất thể, nói cũng nhất thể!

Nói nhất thể thì lời nói liền lạc, gắn bó như một cơ thể.

Nhìn nhị nguyên, nói cũng nhị nguyên!

Nói nhị nguyên thì lời nói là một cấu trúc nhân tạo do nhiều bộ phận ráp lại.

Tính nhất thể của ngữ pháp Đông phương thấy rõ nhất nơi tiếng Việt. Tính nhị nguyên của ngữ pháp Tây phương có thể tìm xem nơi tiếng Anh.

Triết còn rành rành trong lối xưng hô. Vì "ta" gắn bó với "ta", nên gặp nhau thì ta xưng hô như thể có quan hệ máu mủ thật. Vì "tôi" không có quan hệ gì với "tôi", nên "tôi" xưng hô với nhau bằng những đại từ khái quát chỉ "ngôi".(7)

Triết và trật tự xã hội

Triết ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Ở Đông phương vì mỗi người đều xem mình có quan hệ với mọi người, ta ăn ở với nhau "có tình", do đó ít người bị bức xúc nặng đến nỗi có hành vi bạo động. Ở Tây phương vì "tôi" này không có quan hệ gì với "tôi" khác, họ đối xử với nhau thẳng thừng khiến nhiều người bị bức xúc tới mức sinh bạo động. Bạo động có hai loại. Loại thứ nhất - "bình thường" - nhắm vào người đã trực tiếp gây bức xúc. Loại thứ hai - "bất thường" - không nhắm vào ai cả, mà bừa bãi! Sở dĩ có loại thứ hai, ấy là do cá nhân bị bức xúc trầm trọng lâu ngày, dần hóa điên. Xã hội Đông phương chỉ có loại bạo động thứ nhất và có ít hơn hẳn ở Tây phương.

Triết cũng ảnh hưởng đến cách duy trì trật tự xã hội.

Ở Đông phương việc xét xử phạm nhân vừa theo lý vừa theo tình. Ở Tây phương chỉ theo lý. Lý thể hiện thành luật, luật giống như lưới, dù nhặt đến đâu vẫn đầy lỗ, khéo thì chui lọt! Trong khi tình vô hình nhưng không có "lỗ" để cho ai ngụy biện.

Triết và thể chế chính trị

Xưa kia cả Đông phương lẫn Tây phương đều có vua. Nhưng vua Đông và vua Tây không giống nhau.

Vua Đông tuy là "con trời", ngồi ngai chín bệ, nhưng không "quý" bằng dân. Mạnh Tử bảo: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", tức "Dân nhất, nước nhì, vua bét"!

Vào thời thịnh của chế độ quân chủ chuyên chế, không người dân Tây phương nào dám bảo vua mình là bét!

Ở Đông phương vua cai trị nước với ý nghĩa thi hành nghĩa vụ lo lắng cho hạnh phúc của toàn dân. Ở Tây phương vua cai trị nước là sử dụng đặc quyền của kẻ mạnh nhất nước.(8)

Cùng cai trị độc tài tuyệt đối, nhưng một đằng có lý thuyết, một đằng không. Một đằng nhân danh tất cả mọi người, một đằng nhân danh một mình Tôi To Đùng!

Triết và tín ngưỡng, tôn giáo

Triết tương ứng thế nào với khuynh hướng tâm linh?

Ở Đông phương, nhân loại tìm cách cải thiện đời sống hiện tại hơn là hướng về kiếp sau. Ta khấn vái tổ tiên, Trời, Phật, thần, thánh, chủ yếu nhằm cầu xin giúp đỡ thực tế để được hạnh phúc ngay bây giờ, ngay tại chỗ đang sống.

Ở Tây phương, loài người vốn cơ bản sống để đợi lên Thiên Đàng! Khi mới bắt đầu làm khoa học, họ vẫn là chiên ngoan, xem nghiên cứu chẳng qua tò mò tìm hiểu tuyệt tác của Chúa. Nhưng từ cách nay khoảng một thế kỷ Chúa đã bị thay thế bởi Luật Cuối Cùng của tự nhiên mà họ tin cứ nghiên cứu mãi sẽ có ngày khám phá được. Trước là từng người làm cuộc hành trình dài đúng một đời đi gặp Đấng Tối Cao. Bây giờ là bao nhiêu người hành trình liên thế hệ đi tìm Luật Tối Cao. Cũng thế thôi.(9)

Ta chẳng thiết "đi" đâu cả, vì Phật ở trong ta chứ ở đâu xa mà đi!

Họ nhất định phải "đi", vì "Chúa" ở bên ngoài họ.

Triết và hiện tượng kỳ thị

Chiến tranh ở đâu cũng có.

Nguyên nhân phổ quát của chiến tranh là tranh giành quyền lợi vật chất.

Riêng ở Tây, còn có nguyên nhân "kỳ thị". Kỳ thị tôn giáo: ba đạo cùng gốc, mà đạo Chúa đạo Hồi xung đột ác liệt suốt từ khi Sứ giả Mô-ha-mét ra đời và sau khi nước Do Thái tái sinh ở Trung Đông thì tới phiên đạo Do Thái đạo Hồi kịch chiến! Kỳ thị ý thức hệ: Mỹ tư bản với Liên Xô cộng sản "Chiến tranh Lạnh" với nhau làm nhân loại suýt chết hết vì bom A và bom H! Kỳ thị chính thể: sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ dùng vũ lực "thay đổi chế độ" ở I-rắc...

Cũng nguyên nhân kỳ thị, ở Tây phương lại có thứ bạo động quy mô mà không phải là chiến tranh. Lịch sử Tây phương hai ngàn năm nay đầy những ví dụ hết sức đẫm máu! Xảy ra đầu tiên là việc nhà nước La-mã giết hàng trăm ngàn tín đồ đạo Chúa (bằng cách đóng đinh trên thập tự giá, đẩy vào chuồng sư tử v.v.). Đáng kể nhất gần đây là việc nhà nước Đức quốc xã giết sáu triệu dân Do Thái.

Ngoài sát nhân hàng loạt, kỳ thị còn có thể dẫn tới lối đối xử vô nhân đạo. Kỳ thị giai cấp từng là thảm kịch triền miên khắp Âu châu. Kỳ thị chủng tộc từng rất nặng nề ở Mỹ.

Ở Đông phương vốn không có hiện tượng kỳ thị. Ngoại lệ duy nhất là Ấn-độ: người Ấn kỳ thị bởi họ có mang dòng máu da trắng Aryan.(10)

Tại sao Đông khác Tây?

Vì ta xem "tất cả là một", trong khi họ phân biệt và phân biệt. Hễ đã có tâm lý phân biệt thì rất dễ trở nên "cực đoan, cuồng tín, không bao dung".(11) "Cực" luôn tìm cách tiêu diệt hay giày xéo lên bất cứ cái gì khác nó. Nếu bên kia yếu hơn hẳn thì xẩy ra tàn sát "êm", còn nếu đôi bên cùng mạnh thì chiến tranh long trời lở đất, có khi đe dọa tính mệnh của toàn thể nhân loại!

(Bệnh "cực" hết sức nguy hiểm đã lây sang ta rồi! Còn tương đối nhẹ nhưng cứ đà này...)

(còn tiếp)
__________

(1) Theo Bình Nguyên Lộc trong Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. BNL gọi người Việt tộc là người Cổ Mã Lai.

(2) Xem bài Ấn Á, Ấn Âu của Thu Tứ trên trang gocnhin.net.

(3) Xem bài Trời Đông, Trời Tây (như trên).

(4) Xem bài Mềm Như Nước (như trên).

(5) Theo tạp chí National Geographic (Mỹ), số tháng 9-2004, trong phụ trương về "North American Indian Cultures".

(6) Xem bài Trời Đông, Trời Tây và bài Nhân Loại, Nhân Loại! (TT, gocnhin.net).

(7) Xem bài Nhìn Sao Nói Vậy và bài Tiếng Việt Toàn Thể (như trên).

(8) Trong Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Trần Quốc Vượng bảo vua ở châu Âu cơ bản chỉ là một lãnh chúa lớn (bản in năm 2000, tr. 149).

(9) Xem bài Văn Hóa Diễn Biến Thế Nào và bài Sự Ngóng Trông Bất Tận (TT, gocnhin.net).

(10) Xem bài Ấn Á, Ấn Âu.

(11) Xem bài Người Tây Cuồng Tín của Nguyễn Hiến Lê trên trang gocnhin.net.