Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [  Tác giả

Cây Sưa, Hoa Sưa, Gỗ Sưa

Sóng Việt


 
Trong những ngày cuối tháng hai và sang đầu tháng ba, năm 2009, giới thông tin trên mạng và báo chí Hà-Nội bỗng ồn ào xôn xao nói, kể, khoe nhau những tấm hình cây hoa Sưa.

Những tấm hình mỹ thuật chụp hoa sưa trắng toát nhìn vào thấy ngẩn ngơ, xuýt xoa đế nỗi phải thốt lên sao hoa sưa đẹp thế. Sự ngưỡng mộ hoa sưa đã làm người viết những hàng chữ này đã hầu như ngưng mọi việc đang làm để tìm hiểu về loại cây hoa này. Và nay bài viết ngắn này cộng thêm vài vần thơ cảm tác để vinh danh một loài hoa yêu kiều dễ thương của một Hà thành trong ký ức.

Trước khi nói về cây hoa sưa của mùa xuân tại Hà-nội, tưởng cũng nên lưu ý độc gỉả về một loại cây hoa khác cũng có mầu trắng, có cái tên dễ bị lầm lẫn. Đó là cây hoa sữa. Hoa sữa đã được nổi tiếng trong bài hát "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", lời của Bùi Thanh Tuấn, nhạc Trương Quý Hải:

Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa
Nhạc Trương Quý Hải
Lời: Bùi Thanh Tuấn

Hà Nội mùa này ... vắng những cơn mưa.
Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh.
Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp.
Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về.

Hà Nội mùa này chiều không buông nắng,
phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô,
quán cóc liêu xiêu một câu thơ.
Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ.

Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ.
Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay,
hơi ấm trao em tuổi thơ ngây.
Tưởng như, tưởng như còn đây.

Hoa sữa trong bài hát trên có tên khoa học là alstonia scholaris, hoa sữa nở vào mùa Thu, nên sang mùa đông đã thôi rơi như bài hát diễn ý. Hoa sữa có hương rất mạnh, có thể nói là ngạt ngào đến độ sặc sụa, những con đường phố ở nhiều tỉnh trên toàn nước có cây hoa sữa trồng ven đường đã phải yêu cầu chính quyền cho chặt đi. Bài hát này được rất nhiều ca sĩ thể hiện. Cá nhân Sóng Việt thích nhất là bản do ca sĩ Hoàng Nam trình diễn.

Và bây giờ xin trở về với cây Sưa và hoa sưa

Cây Sưa

Cây sưa có tên khoa học là dalbergia tonkinensis, có nơi gọi là trắc thối vì hoa hay trái đốt lên rất thối. Cả 3 loài cây sau đây đều là gỗ quý thuộc họ Đậu (Fabaceae), giống Trắc (Dalbergia):

- Sưa ngoài miền Bắc, tức trắc Bắc bộ (dalbergia tonkinensis Prain)
- Trắc Nam bộ (dalbergia cochinchinensis)
- Cẩm lai (dalbergia bariensis)

Cây sưa phân bố rộng khắp trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất là ở Gia Lai. Cây mọc ở vùng đất ẩm thường xanh (không rụng lá) và cũng mọc hỗn giao với nhiều loài cây khác. Lõi sưa rất cứng, phải trên 10 năm tuổi mới bắt đầu cho lõi. Đây là cây sinh trưởng chậm, một năm chỉ có thể sinh trưởng dưới 0,5 cm đường kính.
Vùng Đông Bắc: Vĩnh Phúc
Vùng đồng bằng sông Hồng: Mỹ Đức (Hà Tây); Ninh Bình; TP. Hà Nội
Vùng Đông Nam bộ: Đồng Nai
Vùng duyên hải Nam Trung bộ: Khánh Hoà; Phú Yên
Vùng Tây Bắc: Hoà Bình

Là cây gỗ lớn, lá thường xanh có thể cao tới 10-15 m, sinh trưởng trung bình, thân màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Lá dài 9-20 cm; cuống không lông; lá kèm sớm rụng, nhỏ, có lông nhỏ mịn và thưa, màu nâu vàng. Các cuống nhỏ không lông; số lá chét 5-9, với lá chét tận cùng thường là to nhất, hình trứng hay hơi thuôn dài, nhẵn, chất da, có lông mịn lơ thơ khi non, nhanh chóng chuyển thành không lông, gốc lá chét tròn, nhọn mũi. Cụm hoa dạng chùy, mọc ở nách lá, khoảng 5-15 cm. Hoa trắng có đài hợp, thơm. Quả dạng quả đậu hình trứng thuôn dài, dài 5-6 cm, rộng khoảng 1 cm và chứa 1-2 hạt dạng bầu dục, đường kính khoảng 9 mm. Cành non màu xanh. Hoa ra tháng 2-3. Quả chín tháng 9-11.

Gỗ trắc Bắc bộ hay Sưa cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu.

Sử dụng

Gỗ trắc Bắc bộ chỉ dùng phần lõi những cây trên trăm tuổi. Gỗ sưa thớ mịn, vừa cứng lại vừa dẻo, có nhiều hoa văn đẹp. Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ trắc thối để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Những năm gần đây, giới thương gia Trung Quốc đổ xô săn lùng trắc thối, lý do không rõ rệt, tuy nhiên có nhiều nguồn cho rằng họ mua gỗ trắc về để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Trung Quốc trước đây. Người ta cho là quan tài đóng bằng gỗ trắc thối có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy.

Ngoài ra, cây trắc Bắc bộ thường gắn với các điển tích của Phật giáo, do đó những xâu tràng hạt làm bằnggỗ trắc được bán với giá rất cao.

Gỗ trắc Bắc bộ/sưa còn được dùng để chế dụng cụ âm nhạc như marimba và clarinet.

Cách đây không lâu tại, trong cơn sốt do thị trường đòi hỏi, một số cây sưa ở Hà nội bị kẻ lạ đốn chặt mưu lợi riêng tư . Cây sưa hiện nay nằm trong loại cây cần bảo vệ của ngành Nông Lâm Súc Việt-Nam.

Trong một bài viết,theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi thì gỗ cây sưa còn được sử dụng cùng với dạ dày nhím làm vị chính trong đơn thuốc chữa bệnh đau dạ dày. Hiện tại ở Trung Quốc người ta chiết suất một số chất có trong gỗ sưa này để chế thuốc chữa ung thư dạ dày.(?). Theo Wikipedia.

Tưởng cũng nên lưu ý hiện nay, có 3 loại cây, gỗ có các đặc tính khá giống nhau mà thương gia tìm mua với tên gọi chung là huỳnh đàn gồm: cây hoàng đàn, cây sưa (trắc thối), cây huê mộc (giáng hương quả to).

Cây hoàng đàn (huỳnh đàn), tên khoa học Cupessus funebris Endl; họ Cupressaccae. Cây có dáng đẹp, thân thẳng, vỏ màu nâu xám trắng, có mùi thơm. Cành mảnh, dẹt màu xanh lục. Lá hình vẩy đầu nhọn. Trái hình cầu, hạt có cành nhỏ. Gỗ có lõi màu nâu vàng, giác màu nâu vàng nhạt, vân thẳng, hơi ròn. Gỗ quý, tốt, không bị mối mọt, mùi thơm bền, dùng trong xây dựng, đóng đồ cao cấp. Cây hoàng đàn mọc rải rác các vùng núi đá vôi như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang. Cây ưa sáng, ẩm khí hậu mát có sương mù, sinh trưởng chậm nhưng tái sinh hạt khoẻ.

Cây sưa (trắc Bắc bộ), tên khoa học Dalbergia tonkinensis Prain; họ Fabaceae (Papilionaceae). Cây trung bình vỏ màu xám nhạt. Lá kép lông chim 1 lần mọc cách. Hoa màu trắng, có mùi thơm. Trái dẹt, cứng, một hạt nổi rõ. Mùa hoa tháng 2-4, mùa trái tháng 9-11. Gỗ màu đỏ hơi nâu, thớ chéo, mạch vòng, trọng lượng khá nặng. Gỗ rất bền đẹp dùng trong xây dựng, đóng đồ dùng gia đình... Cây phân bổ rải rác trong rừng thứ sinh ở miền Bắc, các tỉnh Khánh Hoà, Gia Lai, Quảng Nam... Cây ưa sáng, mọc nhanh, tái sinh hạt nhiều nhưng ít gặp cây con.

Cây Huê mộc (giáng hương quả to) tên khoa học Pterocarpus macrocarpus Kurz; họ Fabaccae. Cây lớn, vỏ nức dọc, màu nâu nhạt tán xoe rộng. Lá kép lông chim lẻ, mọc cách, màu xanh nhạt. Hoa màu nhạt có lông đỏ. Trái hình tròn, cuốn mảnh, cành có gân mạng lưới, có nếp nhăn. Mùa hoa vào tháng 1-4, mùa trái tháng 4-6. gỗ chắc, có mùi thơm dịu, màu nâu đỏ, giác màu nâu nhạt, thớ mịn, nặng, không bị mối mọt, gỗ dùng để đóng đồ quý, làm mỹ nghệ rất tốt. Cây mọc chủ yếu ở Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Cây ưa sáng, mọc ở rừng thưa rụng lá hay ven rừng, chịu được đất khô xấu, sinh trưởng trung bình.

Nói về hoa sưa ở Hà-nội là nói về cây sưa hay trắc Bắc bộ. Nhìn hình hoa cũng đã thấy đẹp, và nếu có dịp được thấy tận mắt, thì có lẽ cuờng độ thích thú và ngưỡng mộ loại hoa này còn lên cao hơn nữa.

*Lưu ý

Trong sách Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi (tr. 322, NXB Y học Hà Nội. 1999) ông gọi cây này là cây thàn mạt (milletia ichthyochtona Drake, Fabaceae). Và một số người quen thuộc với tên cây thàn mạt ở Hà tây, đã lấy làm lạ khi cây này lại được gọi là cây sưa hay cây trắc Bắc bộ.

Vấn đề xác định tên khoa học ra ngoài mục đích của bài viết và xin để dành cho những chuyên gia khoa học bàn luận.

Mùa hoa sưa ở Hà Nội

Đầu tháng 3, trên nhiều góc phố Hà Nội, hoa sưa nhuộm trắng thân cây, phảng phất mùi thơm nhẹ quyến rũ.

Sưa là loại cây gỗ, ra hoa cuối tháng 2, đầu tháng 3 hàng năm trong khoảng 10 ngày rồi mới ra lá. Ở Hà Nội, sưa được trồng nhiều nhất ở vườn Bách Thảo, trên các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, gò Đống Đa...(VN Express)

Hoa Sưa

Ta ngơ ngác
đi tìm bóng giọt mưa
Chợt giật mình
thấy hình ảnh bông sưa
Hoa trắng ngần
rộ nở thanh trang nhã
Lá xanh nhạt
e ấp rủ lưa thưa

Hoa sưa nở
giữa mùa xuân Hà Nội
Trên Hàng Dầu
nhộn nhịp kẻ đi qua
Bên Hồ Gươm, Bách Thảo,
Hoàng Hoa Thám
Khung trời quê
nhớ đô thị ngày xưa.

Sóng Việt cảm tác sau khi nhìn hình hoa Sưa của Trần Thái Dương trênVN Express và một số tấm hình rải rác trên những trang hình hoặc khiếm danh, hoặc có tên nhiếp ảnh viên ở trên tấm hình.

09 March 2009
 
 

Photo (?)
Photo (?)
Cây hoa sưa và cây sấu
Photo (?)
Ven hồ Hoàn Kiếm
Photo (?)

**

Vào đầu mùa Xuân,
Sóng Việt chưa có dịp ngắm tận mất hoa Anh đào ở Nhật bổn.
Sóng Việt đã có nhiều lần được lang thang dưới rừng hoa Anh đào Nhật bổn rực rỡ ở Hoa Thịnh Đốn.
Sóng Việt cũng đã hàng năm ngắm hoa lê (Bradford pears) âm thầm nở rộ.
Sóng Việt cũng hàng năm vương vấn hoa Dogwood trắng yêu kiều trang nhã

Riêng về hoa Sưa, thì ngày còn rất nhỏ tuổi, Sóng Việt đã được dẫn đi chơi hồ Hoàn kiếm, vườn Bách Thảo nhiều lần, đi qua hàng Đào, hàng Dầu, hàng Cót v.v.... Có lẽ vậy nên hoa sưa có thể vẫn còn ở trong tiềm thức mà nay sống lại chăng ?

Hoa sưa có nét đẹp thật đặc biệt, không rực rỡ phơi bày như Anh đào Nhật-bổn, không mạnh vươn như hoa lê Bradford, không khiêm nhường dưới tàn cây lớn như Dogwood, mà cây hoa sưa mang cái mềm mại, uyển chuyển, cái khả ái yêu kiều của riêng biệt một mình một cõi.

Lá sưa cũng không tròn trịa như là Dogwood, bóng mướt như lá cây lê, mà hình dáng thon thon, mầu xanh mát, khiêm nhường.

Hoa Anh đào, hoa lê Bradford, hoa Dogwood không có hương thơm. trái lại hoa sưa được kể là có mùi hương rất nhẹ nhàng, thanh thoát.

Tác giả những hàng chữ này chưa có dịp được chiêm ngưỡng hoa Sưa ở Hà-nội trong lần ghé thăm Hà-nội tháng 1 năm 2006, nhưng thể nào trong tương lai cũng sẽ tìm cơ hội để được gặp lại cành hoa sưa hơn nửa thế kỷ trước ở Hà-Nội.

Hoa Sưa

Ôi hoa sưa, những đóa hoa trắng muốt,
Mềm mại rung rinh, quấn quýt không ngơi.
Uyển chuyển đong đưa theo cơn gió mát,
Giọt mưa nhè nhẹ vời cánh hoa rơi.

**

Dễ Thương

Một mình ai lang thang trên đường phố,
Dưới mưa bay lãng mạn tán hoa sưa.
Không ô che ướt, đón hoa trên áo,
Cánh nhẹ nhàng vương mái tóc dễ thương.

**

Thần Thoại

Hoa tinh khiết như nàng tiên cổ tích,
Xuống trần gian mỏi mắt vấn vương.
Trang công tử Hà thành duyên nợ,
Từ kiếp nào gá nghĩa yêu thương.

**

Mộng Yêu

Có đôi trai gái chụm đầu khúc khích,
Xếp từng cánh hoa thành trái tim yêu.
Sắp hai chữ làm quà mừng xuân mới,
Cùng chung vui trong mộng đẹp mỹ miều.

Sóng Việt

**

Và như Hoàng Anh đã tâm tình về hoa Sưa:

"Nhanh lắm, cái khoảnh khắc hoa rộ lên để rồi lại vụt qua chỉ như trong chớp mắt. Vẻ đẹp tươi tắn nhưng cũng thấm đẫm những u hoài, hoa mang trong mình quy luật vĩnh hằng của tạo hoá, cái đẹp thế gian chẳng thể giữ được cho riêng ai, rồi sẽ đến một lúc lụi tàn.

Nếu như Hà Nội mùa thu làm say lòng người bởi hương hoa sữa thơm nồng từng con phố, nếu như mùa đông làm hiu hắt không gian với những cây sấu già trơ trụi, nếu như mùa hè cháy lên sắc tím bằng lăng, thì tạo hoá cũng thật công bằng khi ban cho mùa xuân một nét riêng của mình - hoa sưa". Hoàng Anh

Hà-Nội...

Mùa Xuân có hoa Sưa dịu dàng thanh nhã
Mùa Hè với Bằng lăng sắc tím xinh tươi
Mùa Thu có hoa Sữa hương nồng ngào ngạt
Mùa Đông với hàng Sấu trơ trụi đơn côi

Sóng Việt
 

Hoa sưa và chim.
Photo (?)
Hoa sưa và bướm. 
Photo Sonlam

Và sau cùng, ở Hà nội, có những bạn trẻ mê hoa sưa đến độ đi một vòng thành phố vào mùa hoa sưa nở để đếm xem Hà nội có bao nhiêu cây. Một con số khiêm nhường xấp xỉ 250 cây đã được VmissLA thông báo.

Hy vọng trong tương lai, Hà nội sẽ được trồng thêm nhiều cây sưa hơn nữa để cho mỗi độ xuân về, Hà nội có được vài tuần hoa sưa nở rộ, trắng như tuyết cả một góc Hà thành.

** 

Tài liệu

1-Asia Regional Workshop, 1997. Conservation and sustainable management of trees project workshop held in Hanoi, VietNam, August 1997

2-Chính, N.N, Chung, C.T., Cân, V.V., et al.,1996. Viet Nam Forest Trees. Forest Inventory and Planning Institute. Agricultural Publishing House: Hanoi. pp.788.

3-Dung, Vu V. (Ed.) 1996. Viet Nam Forest Trees. Agricultural Publishing House, Hanoi.

4-Phan Thuc Vat,1996. Red data book of Viet Nam. Volume 2 Plants. Science and Technics Publishing House.

5-TV.31. Cây gỗ rừng Việt Nam, 2 (1978). NXB Nông nghiệp, Hà Nội.

6-The IUCN Red List of Threatened Species.2006.

Sóng Việt
11 March 2009