Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]              [   Tác giả ]

Cái nghèo của tôi
hình miếng bánh phó mát 
Chi-zu ke-ki noyo-na katachi wo shita boku no bimbo

MURAKAMI HARUKI

Phạm Vũ Thịnh dịch

Vợ chồng tôi đặt tên cho khu đất ấy là "Vùng Tam Giác". Không gọi thế thì tôi chẳng còn biết nên gọi là gì nữa. Bởi khu đất ấy quả thật giống như hình vẽ một tam-giác. Vợ chồng tôi đã có thời sống trên "Vùng Tam Giác" ấy. Chuyện đâu khoảng năm 1973 hoặc 1974.

Gọi là "Vùng Tam Giác", thế nhưng bạn tưởng tượng ra hình Delta thì khổ cho tôi. Cái Vùng Tam Giác mà tụi tôi đã sống, nó dài mà hẹp hơn kia, giông giống như một cái nêm chặn cửa ấy. Nói rõ hơn một chút thì: trước hết, xin tưởng tượng ra một cái bánh phó mát còn nguyên vẹn hình tròn. Rồi lấy dao cắt bánh ra làm mười hai phần đều nhau. Nghĩa là lần lượt xén mười hai phần như trên mặt đồng hồ ấy. Kết quả tất nhiên là mười hai miếng bánh, mỗi miếng có một mũi nhọn 30 độ. Thế rồi, chọn lấy một miếng thôi, đặt lên đĩa, vừa nhấm nháp trà Tàu hay gì đấy, mà ngắm xem. Đấy, miếng bánh phó mát hẹp mà dài, có mũi nhọn 30 độ ấy là hình dạng chính xác của Vùng Tam Giác mà tụi tôi đã ở ngày trước.

Có thể bạn thắc mắc tại làm sao lại thành miếng đất có hình thù kỳ dị như thế. Mà cũng có thể bạn chẳng thắc mắc gì cả. Đằng nào thì cũng chả sao. Ngay chính tôi đây cũng chẳng hiểu tại sao lại ra thế. Đã thử hỏi người địa phương rồi, nhưng cũng chẳng rõ gì hơn. Miếng đất ấy từ đời xửa đời xưa đã có hình tam giác như thế rồi, bây giờ cũng vẫn hình tam giác như thế, mà từ đây về sau, cũng sẽ còn giữ hình tam giác như thế dài dài. Có vẻ người địa phương không ai muốn nói đến Vùng Tam Giác ấy, mà cũng chẳng ai muốn nghĩ gì đến nó nữa. Lý do tại sao họ lạnh nhạt với Vùng Tam Giác ấy, cứ như là với cục u sau vành tai của họ, thì tôi chẳng rõ. Có lẽ là vì hình dạng kỳ dị của nó chăng?

Hai bên Vùng Tam Giác ấy có hai đường ray xe lửa. Một đường thuộc xe lửa quốc doanh, đường kia tư doanh. Hai đường ray này chạy song song nhau một đỗi, nhưng đến đây lại cắt xéo nhau thành đỉnh nhọn 30 độ. Cứ như là xâu xé nhau mà phân cách hai miền Nam Bắc. Đứng ở đấy mà nhìn thì cũng là một quang cảnh tráng tuyệt. Từ đỉnh nhọn của Vùng Tam Giác nhìn các chuyến xe lửa chạy lui chạy tới một hồi, lại có cảm giác đang đứng trên boong tàu của một khu trục hạm nhìn xuống mặt biển đang rẽ ra làm đôi trước mũi tàu.

Thế nhưng, từ quan điểm cư trú, sinh hoạt mà nhìn thì Vùng Tam Giác này quả thật là một thứ quái vật kinh khủng. Trước hết, là ồn kinh khiếp. Mà tất nhiên là phải ồn thế rồi. Bị kẹp sát ngay giữa hai đường ray xe lửa thì làm sao mà không ồn cho được. Mở cửa trước ra là thấy xe lửa chạy ngay sát mắt mình, mở cửa sổ phía sau thì một xe lửa khác chạy ngay sát mắt mình. Nói "ngay sát mắt mình" không quá đáng tí nào đâu. Bởi xe lửa thật sự chạy gần mình đến nỗi có thể đưa mắt chào hỏi hành khách ngồi trong toa nữa kia. Bây giờ nhớ lại, tôi còn cảm thấy thán phục mình đã chịu đựng được chuyện ấy.

Có lẽ bạn sẽ bảo là: nhưng mà khi chuyến xe lửa cuối cùng trong ngày chạy qua rồi thì hết ồn chứ gì. Ừ thì suy nghĩ thông thường là như thế. Ngay cả tôi trước khi thực sự dọn vào ở đấy, cũng đã nghĩ như thế rồi. Nhưng thực tế, ở vùng ấy không có chuyến nào là chuyến xe lửa cuối cả! Các chuyến chở hành khách vừa dứt khoảng trước 1 giờ đêm một tí, thì các chuyến xe lửa chở hàng hoá tiếp nối sau đấy ngay. Các chuyến xe lửa chở hàng chạy suốt đêm đến khoảng trời sáng thì các chuyến chở hành khách của ngày hôm sau lại bắt đầu. Cứ như thế mà chuyến này tiếp nối chuyến kia, ngày này qua ngày khác, liên miên không dứt.

Chao ôi!

Tụi tôi mà "đặc biệt" chọn chỗ như thế để ở, nói gì đi nữa, cũng là vì giá thuê nhà quá rẻ. Nhà một căn riêng biệt, ba phòng, có phòng tắm, có cả khoảnh vườn nhỏ, mà tiền thuê chỉ bằng khoảng một phòng cho thuê thông thường cỡ 6 chiếu [1] . Mà là một căn riêng biệt nên có nuôi mèo trong nhà như vợ chồng tôi cũng chẳng sao. Cứ như là căn nhà xây "đặc biệt" cho vợ chồng tôi thuê vậy. Vừa mới kết hôn, chẳng phải tự hào gì, chứ có được kể trong cuốn Kỷ lục Guinness là gia đình nghèo nhất thế giới, cũng không có gì lạ. Tụi tôi đọc thấy căn nhà cho thuê ấy trên tờ quảng cáo dán trên cửa kính tiệm nhà đất trước ga. Chỉ xét điều kiện thuê nhà, giá thuê và thành phần phòng-ốc mà thôi, thì quả là một món hời đến kinh dị!

-"Rẻ thì rẻ thật đấy". Ông nhà đất đầu hói ấy bảo. -"Ừm, có ồn lắm thật, nhưng nếu chịu được thì cũng có thể gọi là một món hời lắm".

-"Dù sao đi nữa, có thể đến xem được không?"

-"Được chứ. Nhưng cô cậu tự mình đi xem hộ tôi nhé. Tôi cứ đến đấy là phát nhức đầu".

Ông ta trao chìa khoá, và vẽ bản đồ đến nhà ấy cho tụi tôi. Một tay nhà-đất thật dễ tính!

Từ ga mà nhìn thì Vùng Tam Giác ấy trông gần xịt. Thế nhưng thực tế, đi bộ mà tìm đến nơi, mới thấy đến được chỗ ấy cũng tốn thì giờ kinh khủng! Phải đi vòng theo đường ray xe lửa, leo qua cầu bắc ngang đường ray, rồi đi lên đi xuống một thôi đường dốc bẩn thỉu, mới vòng ra được phía sau của Vùng Tam Giác ấy. Chung quanh chẳng có hàng quán gì cả. Đúng là một vùng đất heo hút.

Vợ chồng tôi vào trong căn nhà dựng lẻ loi ở đỉnh nhọn của Vùng Tam Giác, lớ quớ trong ấy khoảng một tiếng đồng hồ. Trong thời gian ấy, đủ thứ xe lửa chạy qua. Những chuyến tốc hành chạy qua, kính cửa sổ va vào nhau thành tiếng lục cục. Khi xe lửa chạy qua thì không thể nghe nhau nói được. Đang nói gì với nhau mà xe lửa chạy qua thì tụi tôi lại ngậm miệng chờ cho xe lửa chạy xa đi. Vừa bớt ồn để bắt đầu nói tiếp, thì chuyến xe sau lại chạy đến. Tình cảnh ấy hẳn đáng gọi là "truyền thông gián đoạn", hay "truyền thông phát tán" gì gì đấy, rất có vẻ Jean Luc Godard [2] .

Tuy vậy, ngoài chuyện ồn ra, cảnh nhà thì trông được lắm. Lối xây cất quả có hơi cũ và toàn thể có vẻ hư hại, thế nhưng có đầy đủ gian chính đường, hiên nhà trông ra vườn, ......, tạo cảm giác thoải mái. Ánh nắng mùa xuân chiếu qua cửa sổ, rọi thành khung nắng vuông nhỏ ấm áp trên sàn chiếu. Giống như căn nhà tôi đã sống ngày còn bé tí.

-"Thuê nhà này đi em". Tôi nói. -"Đúng là ồn thật đấy, nhưng rồi cũng quen đi ấy mà".

-"Anh đã nói thế thì em cũng nghe theo thôi". Nàng đáp.

-"Ở đây, ngồi yên như thế này, lại có cảm giác cứ như là mình đã kết hôn và có gia đình riêng của mình ấy".

-"Chứ mình đã kết hôn rồi kia mà!"

-"Ờ thì đã đành là thế". Tôi nói.

*

Tụi tôi trở lại tiệm nhà đất, tỏ ý muốn thuê nhà ấy.

-"Không ồn à?". Ông nhà đất hói đầu ấy hỏi.

-"Ồn thì có ồn chứ, nhưng thế nào rồi cũng quen đi ấy mà". Tôi nói.

Ông nhà đất gỡ mắt kính ra, lấy vải lưới lau, rồi nhắp một ngụm trà trong cốc, xong đeo mắt kính lại, nhướng mắt nhìn mặt tôi.

-"Ờ, còn trẻ mà". Ông nói.

-"Vâng". Tôi nói.

Thế rồi, tụi tôi làm giấy tờ thuê căn nhà ấy.

*

Dọn nhà đến chỉ cần một chiếc xe tải nhỏ của bạn tôi là đủ. Chăn nệm, áo quần, soong chảo, đèn bàn, vài cuốn sách, một con mèo, toàn bộ tài sản của vợ chồng tôi chỉ có thế. Máy nghe đài đã không có mà ti vi cũng không. Máy giặt, tủ lạnh, bàn ăn, lò sưởi, điện thoại, máy nước nóng, máy hút bụi, máy nướng bánh mì, ... đều chẳng có. Vợ chồng tôi nghèo đến mức như thế đấy. Nên gọi là dọn nhà, chứ chỉ cần không tới 30 phút là xong. Không có tiền thì đời sống đơn giản vô cùng.

Người bạn giúp dọn nhà có vẻ kinh ngạc lắm khi nhìn thấy nhà trọ mới của vợ chồng tôi bị kẹp sát giữa hai đường ray xe lửa. Xong xuôi chuyện dọn nhà, anh ấy nhìn tôi chắc định nói gì đấy, đúng lúc xe lửa tốc hành chạy qua, nên tôi chẳng nghe được gì cả.

-"Cậu vừa nói gì thế?"

-"Chỗ thế này mà người ta cũng ở được nhỉ!". Anh ấy cảm-thán.

*

Kết cuộc, vợ chồng tôi đã ở đấy hai năm trời.

Có lẽ xây cất không kỹ, nên gió lòn vào khắp nơi trong nhà. Vì vậy, mùa hè thì mát mẻ, bù vào đấy, mùa đông thì đúng là địa ngục trần gian. Không có tiền mua lò sưởi, nên hễ tắt nắng là tôi và nàng cùng con mèo chui ngay vào chăn, ôm nhau mà ngủ. Sáng thức dậy thấy bồn rửa chén đóng băng, là chuyện rất thường xảy ra.

Đông qua, xuân đến. Mùa xuân là mùa tuyệt vời nhất. Xuân đến, cả tôi lẫn nàng và con mèo đều thở phào nhẹ nhõm. Trong tháng Tư, đã có vài ngày xe lửa đình công. Những ngày xe lửa đình công thì tụi tôi thật là hạnh phúc. Suốt cả ngày không có một chuyến xe lửa nào chạy qua trên cả hai đường ray ấy. Tôi và nàng ôm con mèo bước xuống đường ray, tắm nắng. Chung quanh im vắng cứ như là đang ngồi dưới đáy hồ nước. Vợ chồng tôi lúc ấy còn trẻ, vừa mới kết hôn, ánh nắng mặt trời lại miễn phí nữa.

*

Ngày nay, mỗi lần nghe ai nói chữ "nghèo", tôi lại nhớ đến khu đất hình tam giác dài mà hẹp ấy. Bây giờ, không biết có ai ở trong căn nhà ấy không nhỉ?

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 10-2004
Chú thích:

[1] Chiếu: tấm cói dày lót sàn phòng, cũng là đơn vị diện tích phòng và nhà ở, khoảng 180 cm x 90 cm.

[2] Jean Luc Godard (1930- ): nhà đạo diễn Pháp nổi tiếng, là ngọn cờ đầu của phim ảnh Đợt Sóng Mới - Nouvelle Vague, với những tác phẩm phê phán thời đại. Xin xem thêm:

http://www.sensesofcinema.com/contents/directors/03/godard.html

Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn thứ 14 trong Tuyển tập truyện ngắn "Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo" từ Nhà xuất bản Đà Nẵng, tháng 5 năm 2006, dịch từ nguyên tác tiếng Nhật trong tập truyện "Kangaruu Biyori" bản bỏ túi do nhà Kôdansha tái bản lần thứ 47, tháng 3 năm 2004.



 
?